Quốc hội đang bàn về việc sửa đổi Hiến pháp. Nhiều ý kiến đề nghị để dân bàn, dân quyết việc có nên sửa đổi cũng như nội dung sửa đổi, chứ không chỉ để Quốc hội làm việc này. Vẫn là cách làm chung trên thế giới vì Hiến pháp, pháp luật của bất cứ nước nào cũng lấy con người làm trung tâm để tồn tại. Nhưng hiện tại khá nhiều điều luật của Hiến Pháp và pháp luật Việt Nam vẫn lấy ý muốn chủ quan của đảng cầm quyền, ý thức hệ để làm mục đích hình thành và xây dựng các điều luật.
Vậy, câu hỏi đặt ra, dân được bàn, được quyết ở những khía cạnh gì? Có khoanh vùng cấm địa mà người dân không được phép bàn tới hay không? Cách thu thập ý kiến của người dân lấy gì bảo đảm khách quan và đủ đại diện cho nhiều ý kiến khác nhau, kể cả ý kiến trái chiều mà chính quyền không muốn nghe? Liệu các ý kiến đề xuất, góp ý trái chiều có bị qui kết là "thế lực thù địch", là "tuyên truyền chống phá nhà nước" hay "có ý định lật đổ chính quyền"?
Thực tế cho thấy, ngay việc tiếp xúc cử tri ở cơ sở cũng đã bị hạn chế thành phần cử tri tham gia, nhất là nơi có lãnh đạo chính quyền làm đại biểu. Những người "có vấn đề" với chính quyền tất nhiên không bao giờ được có mặt trong những buổi tiếp xúc như vậy, mặc dù họ chưa hề bị tước quyền công dân. Bởi lẽ ý kiến của họ luôn "nghịch nhĩ" với những gì chính quyền muốn nghe. Sự thật rất khó là mật ngọt, êm tai, thuận nhĩ. Nhưng người "có vấn đề" này liệu có được tham gia góp ý mà không bị thành kiến?
Nhiều năm nay, kết quả các cuộc bầu cử, phiếu thăm dò, lấy ý kiến dù bé hay lớn, ở bất cứ lĩnh vực gì, từ Quốc hội đến các cơ quan hành chính, công quyền…không nhận được nhiều lòng tin của mọi người. Nói như dân gian là "nghe giang hồ đồn thổi" thì kết quả ông A, bà B, anh C, chị D…là thế này, thế kia, nhưng khi công khai thì bao giờ cũng là một con số đẹp – một con số để người trúng cử hãnh diện là đang được đông đảo quần chúng tín nhiệm. Vậy việc lấy ý kiến nhân dân về sửa đổi hiến pháp bằng cách nào để Quốc hội có một kết quả chính xác, vừa thể hiện nguyện vọng của người dân, vừa đủ để người dân đặt lòng tin vào đó?Đơn cử một vấn đề bức xúc lớn hiện nay, gây khá nhiều bất ổn xã hội bởi các cuộc khiếu kiện kéo dài, sục sôi ở nhiều tỉnh thành cả nước, đó chính là quan niệm về sở hữu đất đai. Các chuyên gia về lĩnh vực này chỉ ra rằng: "Điều 17 Hiến pháp 1992 quy định: "Đất đai, rừng núi…đều thuộc sở hữu toàn dân". Từng công dân chỉ có quyền sử dụng. Nhưng Luật đất đai lại quy định, người dân lại có các quyền: chuyển nhượng, góp vốn sản xuất, kinh doanh, thế chấp, cầm cố, thừa kế…là những quyền thuộc quyền định đoạt của chủ sở hữu. Do vậy, người sử dụng ngộ nhận mình là người chủ sở hữu, người quản lý lạm quyền của người chủ sở hữu…Nội hàm của quy phạm này có hai điều không rõ: Ai trong số ba hệ thống các cơ quan nhà nước (lập pháp, hành pháp, tư pháp) là người đại diện của chủ sở hữu và ai là người quản lý? Không lẽ cả ba?...Sự không rành mạch này khiến luật pháp về đất đai trở nên rườm rà, mâu thuẫn, chồng chéo, không ổn định. Cơ quan hành pháp phải ban hành thêm rất nhiều văn bản dưới luật dưới dạng luật hành chính để điều chỉnh các quan hệ thuộc phạm trù luật dân sự như: quy định các "hệ số k" về khung giá và giá, quy định về chuyển nhượng, góp vốn, thế chấp, cầm cố, thừa kế, thu hồi đất có đền bù, không đền bù và loay hoay mãi trong nhiều năm để định nghĩa thế nào là phù hợp, là sát với giá thị trường. Pháp luật dân sự là công cụ chủ yếu trong điều chỉnh các quan hệ về đất đai. Nhưng hiện tại lại nặng về dùng pháp luật hành chính, pháp luật hình sự để giải quyết - là mảnh đất màu mỡ cho tệ tham nhũng và ngày càng khó ngăn chặn"(Vietnamnet). Điều luật này trong Hiến pháp xuân thu nhị kỳ được bàn rất nhiều. Các chuyên gia đều gần như thống nhất ý kiến "sở hữu toàn dân" đã rất lạc hậu với đời sống, nhưng gần đây hội nghị TW vẫn xác quyết lập trường không thay đổi. Nhiều người tin, đây không phải là mong muốn của người dân. Vậy nguyện vọng này sắp tới có được đưa ra lấy ý kiến nhân dân? Và nguyện vọng của họ có được tôn trọng?
Một việc nữa không kém phần bức xúc, đó là quyền được biểu tình. Trong Hiến pháp điều luật này đã có từ lâu nhưng chưa khi nào được luật hóa để đi vào đời sống. Mới đây, dư luận gần như phát khùng bởi bài phát biểu của đại biểu Quốc hội Hoàng Hữu Phước khi cho rằng: "Liệu cái gọi là quyền biểu tình ấy có lớn hơn quyền được kiếm sống của người dân, quyền được ra đời của con cái người dân, quyền được sử dụng công lộ của người dân, quyền được mưu cầu hạnh phúc của người dân. Câu hỏi được đặt ra ở đây là dự án Luật biểu tình đã tham vấn ý kiến, nguyện vọng của cử tri, công dân là người cao tuổi, cựu kháng chiến, cựu chiến binh, anh hùng các lực lượng vũ trang, anh hùng lao động, tập thể nông dân, tập thể quân đội, công an, những chiến sỹ biên phòng đang trấn giữ biên cương của tổ quốc và hải đảo quốc gia, những nhà tu hành chân chính hay chỉ vì một nhóm nhỏ vài chục, vài trăm sinh viên, học sinh, những người chưa là những công dân có thu nhập, có việc làm. Đa số công dân sẽ không ủng hộ Luật biểu tình vì bản chất dễ bị tổn thương và dễ bị lợi dụng gây ra biến loạn". Thậm chí đại biểu này còn bài xích biểu tình ở mức độ thóa mạ, không tương xứng với ghế ngồi của một dân biểu: "Việt Nam chưa phải là siêu cường kinh tế để có thể đài thọ cho một sự ô danh".
Trên thực tế, nhu cầu biểu tình của người dân đang mỗi lúc cấp thiết hơn bao giờ hết. Mặc dù chính quyền vẫn đang ngăn cản việc thực thi quyền lợi của người dân thì các cuộc xuống đường vẫn nổ ra. Quyền lợi của các "chủ thể của quyền lực" này đã bị biến thành vũ khí bất lợi cho họ, khi chính quyền dùng nó để khép họ vào tội "gây rối trật tự công cộng" và các tội khác khi cần thiết dẹp bỏ làn sóng phản kháng. Liệu nguyện vọng của người dân đến bao giờ được thực thi?
Chưa lấy ý kiến nhân dân về quyền phúc quyết Hiến pháp thì đã có ý kiến của đại biểu Bùi Văn Tình (Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình) dè chừng rằng: "ban soạn thảo cần định hướng thế nào trong việc xin ý kiến nhân dân. Bởi cần cân nhắc tình huống các thế lực thù địch lợi dụng để chống phá. Do vậy, nên có một điều cấm các hành vi phá hoại trong việc xin ý kiến" (Vietnamnet).
Vậy là giữa nhân dân và chính quyền luôn có một "cái lẫy" để phủ quyết nhau, không thể lắng nghe nhau chính do sự "định hướng" kiểu cầm đèn chạy trước ô tô, và quan niệm "các thế lực thù địch lợi dụng để chống phá" từ phía chính quyền. Nếu mối quan hệ giữa nhân dân và chính quyền luôn là sự nghi ngờ, cảnh giác, dè chừng, thù nghịch, suy diễn…thì chỉ thổi bùng ngọn lửa đối kháng.
Ai là thế lực thù địch, kẻ đó chống phá như thế nào, ra sao là việc của cơ quan an ninh phải làm rõ và công khai cho người dân biết. Nếu không đưa ra được bằng chứng mà qui kết những phản biện, sự bất bình, phẫn nộ…của người dân về một chính quyền tham nhũng sẽ không cho một kết quả cần thiết, chính xác để "chủ thể quyền lực là nhân dân" (lời của Chánh án Tòa án quân sự Trung ương Trần Văn Độ) đưa ra quyền phúc quyết về Hiến pháp.
Thế nên để có một bản Hiến pháp lâu dài, không phải cứ ít lâu lại mang ra mổ xẻ, bàn bạc, thì cái cần thay đổi trước, đó là tư duy của những người cầm quyền. Một tư duy bảo thủ, lạc hậu, thực sự phản động lại sự phát triển của đất nước thì người dân – chủ thể quyền lực – còn mất nhiều thời gian để "ăn bánh vẽ". Nhưng khi người dân không còn ảo tưởng về những gì chính quyền nói thì đương nhiên sẽ nảy sinh mâu thuẫn ngay khi chưa lấy ý kiến. Và mâu thuẫn này chưa đến hồi kết…
Và nữa, Hiến pháp sửa đổi sắp tới vẫn sẽ là Hiến pháp dùng tạm thời gian ngắn.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét