Lâu lắm rồi không liên lạc gì với Đông. Sau cái vụ xử giáo dân Cồn Dâu năm nào, chia tay ở Đà Nẵng. Kẻ lên Tây Nguyên, người ngược ra Hà Nội đúng ngày 27 tết âm lịch.
Phiên toà mà một số "quần chúng nhân dân" được mời đến dự chứng kiến thấy luật sư đốp chát với chủ toạ phải thốt rằng "luật sư này bị đứt dây à?"
"Đứt dây" tiếng lóng của người Đà Nẵng là khùng, điên, thần kinh. Sở dĩ những "quần chúng nhân dân" này nghĩ vậy bởi họ không thể hình dung rằng có luật sư dám tranh luận với toà, đưa bằng chứng, đòi đối chất. Trong cái tư duy bị nhốt của họ thì toà là nơi có quyền uy nhất, thể hiện cho sức mạnh của chính quyền, không ai được cãi lại. Lần đầu tiên trong đời họ thấy có một luật sư trẻ mạnh mẽ phản bác lại những lời kết tội thiếu căn cứ của VKS trước toà. Thế nên họ ngạc nhiên trước một điều mà lẽ ra nó là điều tự nhiên nhất của việc tố tụng là dễ hiểu.
Đông bào chữa cho vụ nào cũng công khai, sẵn sàng trả lời quan điểm của mình, diễn biến của trình tự tố tụng đến đâu. Sau khi xử cũng công khai diễn biến phiên toà, ngoài ra còn cho biết tâm tư của các bị cáo, tình trạng cua họ đang ra sao.
Cuối cùng Đông bị tước thẻ luật sư, có công văn đòi xử lý vì tội "lợi dụng phiên toà, lợi dụng dân chủ để…". Suýt còn bị đe doạ truy tố. Nhưng truy tố một luật sư vì những biện hộ cho bị cáo ở toà thì quả là lý do nực cười. Cho nên người ta chỉ tước thẻ và cấm xuất cảnh cùng nhiều biện pháp khác với Huỳnh Văn Đông. Đó là những điều mà chàng trai trẻ vóc dáng nhỏ bé này biết từ trước và sẵn sàng đón nhận.
Trở về nhà với rẫy cà fe, phụ mẹ bán hàng, chàng trai trẻ ấy chìm vào yên tĩnh. Những vụ bào chữa cho giáo dân Thái Hà, Cồn Dầu, Nguyễn Đức Thạch, Phạm Văn Trội, Bến Tre….đã khiến sục sôi dư luận thuở nào đã trở thành xa xôi.
Bỗng nhiên hôm nay nhận ra một điều.
Là các vụ xử tội "an ninh" dạo này hầu như yên ắng hơn ngày trước. Người thân không biết hoặc có vẻ giấu thông tin với dư luận, luật sư dường như cũng thế. Những cây bút chiến của lề trái dẫu cố gắng lắm thì cũng chỉ viết bài theo cảm tính dựa trên vài thông tin sơ sài, không quan trọng. Các vụ xử khi kết thúc là xong, người ta chỉ biết mức án. Chẳng ai rõ trong phiên toà diễn ra thế nào, tranh luận ra sao? Luật sư nhận bào chữa, đến toà tranh luận, đọc luận cứ… toà kết án. Vậy là xong, kết thúc bằng án tù. Dư luận chỉ biết uất ức khi nghe bản án tuyên bao nhiêu năm. Mọi diễn biến trong toà chỉ được nghe lại từ trên tivi.
Không nói thì ai cũng hiểu, việc tranh luận của luật sư chẳng bao giờ được đánh giá và coi trọng trong phiên toà. Thậm chí luật sư bị cắt lời, bị đe doạ đuổi ra khỏi phiên toà nếu cứ tranh luận với chủ toạ, VKS. Thế nhưng mỗi vụ như thế vẫn cần đến luật sư.
Nhưng nếu biết tranh luận của luật sư, luận cứ bào chữa của luật sư không được coi trọng tại toà án. Thì vẫn nhờ luật sư làm gì?
Để được tiếp xúc với bị cáo trước hôm xử và về nói lại vài câu với gia đình như "anh ấy khoẻ", "cậu ấy vững vàng" ư ?… rồi khi ra toà kết án xong. Luật sư cắp cặp ra về, vụ án coi như đã xong.
Nếu sau này tôi là bị cáo (đừng bảo tôi gở miệng, tôi sẽ có bài Chúng Ta Đều Ở Trong Rọ viết tới đây). Tôi chỉ nhắc nhở gia đình tôi một điều. Nếu thuê luật sư chỉ cần thuê luật sư có bộ nhớ thật tốt, ghi nhớ lại những diễn biễn ở phiên toà và những lời tôi tại đó rồi trung thực kể lại cho mọi người. Công bố những lời khai, bút lục của tôi trong quá trình điều tra để bạn bè, anh em, người thân của tôi được biết. Hãy chọn cho tôi luật sư nào làm được điều đó, còn việc tranh luận bào chữa ở toà để phần tôi nói, tránh cho luật sư bị ghép tội "lợi dụng dân chủ, lợi dụng phiên toà để…"
Còn thuê luât sư để mà chỉ gặp trước phiên xử một vài buổi, vào toà có tranh luận hăng đến đâu cũng không ai biết, thì đừng thuê còn hơn.
Đừng nghe những lời tốt đẹp hứa hẹn như – gia đình đừng làm gì ầm ĩ, bất lợi cho cậu ấy, cứ để yên thì toà sẽ xem xét, cứ nói này nói nọ bọn chúng lợi dụng vào xuyên tạc thì chỉ khổ con mình bị kết án nặng hơn thôi.
Và tôi cũng khuyên những luật sư bào chữa cũng đừng nghe lời nhắc nhở – Cậu cứ việc bào chữa, nói theo ý cậu tại toà, nhưng đừng trả lời phỏng vấn, đừng nói gì bên ngoài trước hay sau phiên xử.
Hãy nhớ rằng bị cáo, thân nhân, bạn bè không trong mong luật sư cãi mạnh mẽ ở toà ,vì như đã nói, điều đó không giá trị ở những phiên toà xét xử theo cách ai cũng biết. Mà họ cần những điều xảy ra ở phiên toà, những tình tiết trong hồ sơ vụ án, những lời trạnh tụng, luận tội… được bên ngoài biết đến trong cái vụ án mà nhà nước gọi là "công khai xét xử".
Bỗng nhiên nhớ Huỳnh Văn Đông là vậy, càng chú ý theo dõi các phiên toà gần đây, càng nhớ người luật sư trẻ tuổi, nhỏ bé này hơn.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét