Thứ Ba, 13 tháng 11, 2012

Nguyễn Ngọc Già – Như Ánh Sao Khuê

Nguồn danluan

Đêm đã khuya…

Bước ra sân thượng nhìn về khoảng không vô định với màn đêm dày đặc, ngút tầm mắt… Ngay trên đầu tôi là những Ngôi Sao.

Những Ngôi Sao sáng nhấp nháy, như những cặp mắt chong chong, không có được giấc ngủ bình an.

Ánh sao như ánh mắt trong veo, ngơ ngác giữa con đường vắng lặng về đêm, để tự hỏi "Việt Nam tôi đâu?" [1].

Giờ đây
Việt Nam còn hay đã mất?!
Mà giặc Tàu, ngang tàng trên quê hương ta
Hoàng Trường Sa đã bao người dân vô tội
Chết ngậm ngùi vì tay súng giặc Tàu

Giờ này, trong phòng giam nhỏ hẹp, trên nền xi-măng lạnh lẽo, có lẽ Thức không biết, và cũng chưa từng bao giờ nghe tiếng hát Việt Khang. Tiếng hát tựa những giọt máu rỉ ra từ vết thương trong tim!

Tiếng hát như tiếng lòng thổn thức giữa đêm khuya, chắc đã nhiều lần làm dòng lệ thân phụ anh chảy tràn qua khóe mắt với nỗi nhớ thương con trai da diết!

Đẹp – bầu trời đêm với Sao và không Trăng – đến nao lòng – như đôi mắt của người cha mong ngóng đứa con từ đâu xa lắm, mãi chưa thấy về…

Sương đêm như nhiều hơn, chớm lạnh, bước trở vào phòng, nhìn qua khung cửa sổ, tôi đi tìm Khuê Tú – biểu tượng của trí tuệ mà đong đầy cảm xúc nhân bản – Trần Huỳnh Duy Thức.

* * *

Nhớ lại cách đây hơn 4 năm về trước, một ông bạn hớt hải gọi cho tôi và bảo hãy đọc bài: "Việt Nam đồng đang ở đâu và sẽ đi về đâu" [2]. Cái thời điểm mà nhiều người vẫn đang chếnh choáng lao vào "cơn say chứng khoán". Kiếm tiền sao dễ quá! Thời điểm đó, bài viết của Trần Đông Chấn không kéo nổi những cái đầu tham tiền ra khỏi vòng xoáy để "bừng hai con mắt"!

Thật là:

Còn hai con mắt, khóc người một con.
Còn hai con mắt, một con khóc người.
Con mắt còn lại, nhìn cuộc đời tôi.
Nhìn tôi lên cao, nhìn tôi xuống thấp.
Con mắt còn lại, nhìn cuộc tình phai.
Tình trong hai tay, một hôm biến mất.
Con mắt còn lại, là con mắt ai.
Con mắt còn lại, nhìn tôi thở dài.[3]

và nếu thay chữ "tình" bằng chữ "tiền", chắc hẳn dân trong giới chứng khoán ngày nay phải ngậm ngùi và cay đắng để công nhận:

"Tiền trong hai tay, một hôm biến mất"

khi chứng khoán ngày nay rẻ như bèo!

Lúc bấy giờ, dân trong giới tài chính biết rõ, Trần Đông Chấn đang "còn hai con mắt" – để nhìn tường tận, để kêu lên, không chỉ cho riêng những người nhìn thị trường chứng khoán với "một con ngươi" mà khẩn thiết với giới cầm quyền về hiểm họa vừa lừng lững vừa hiển hiện!

"Áo não thay…!" – Ông bạn ngày xưa rên lên thế, khi gặp tôi cách đây 3 tháng, lúc giá một cổ phiếu rẻ hơn giá một ổ bánh mì thịt!

Quả thế, tôi, hôm nay cũng chỉ "thở dài" bằng "con mắt còn lại", tiếc cho ông bạn đã không "giải độc cơn say" kịp lúc, qua bài phân tích của Trần Đông Chấn, mà vì lòng tham vô đáy cứ lao vào và lao vào như rơi vào "hố đen vũ trụ" không gì cưỡng nổi, để ngày nay:

Con mắt còn lại nhìn mây trắng bay
Con mắt còn lại nhìn tôi bùi ngùi

Hơn thế, giá như ngày ấy Trần Huỳnh Duy Thức đừng nói gì hết, mà hãy lẳng lặng nhào vào kiếm "một mớ thật to" rồi lặng lẽ rút lui vào đúng thời điểm, thì ngày nay chắc anh đang ở trong một biệt điện nguy nga nào đó với xe Roll Royce, cùng những cuộc du hí nước ngoài với vợ hiền, con ngoan thay vì đang nằm trong chốn tù ngục!

Tôi tiếc cho anh, cái tiếc của hạng thất phu!

Lúc bấy giờ, cái tên Trần Đông Chấn bỗng chốc làm náo động cả không gian mạng và không gian "đời". Người ta hỏi nhau: "Trần Đông Chấn là ai?". Không mấy người biết được, cho đến ngày anh và bạn hữu bị bắt!

Có lẽ cũng từ dạo đó, Trần Huỳnh Duy Thức đã dứt khoát lôi tôi ra khỏi cái sự ích kỷ, anh đã làm tôi phải thao thức quá nhiều [4], cuối cùng, từ đó tôi chọn con đường "Viết".

Viết để giải tỏa và để sẻ chia. Viết để cảm và để đau với Quê Hương, với Dân Tộc.

* * *

Những ngày cuối năm bây giờ sao thật khó để nghĩ về những gì êm đềm, lãng mạn, ấm áp khi muốn viết về anh, mặc dù tôi biết 29/11 tới đây là ngày anh cất tiếng chào đời.

Trần Huỳnh Duy Thức – tuổi Bính Ngọ – mạng Thiên Hà Thủy. Thầy tôi, ngày xưa nói, người có mạng "Thiên Hà Thủy" là người giàu tình cảm mà tỉnh táo, ôn hòa nhưng kiên định, khôn ngoan lại thâm trầm và đã quyết làm gì thì trách nhiệm tới cùng.

Thật ra, tôi không phải là người rành rẽ khi nhìn vào lá số Tử Vi của ai đó, tôi thường xét người, xét việc trên thực tế. Thời gian lại là điều không thể thiếu cho tôi ước lượng phẩm giá về một người.

Ở Trần Huỳnh Duy Thức, anh không toát lên vẻ hiên ngang, đĩnh đạc như anh Cù Huy Hà Vũ, anh cũng không bộc lộ tinh thần ung dung, tự tại như Ngài Thích Quảng Độ, tuy vậy, ở anh, người ta nhận thấy một nỗi canh cánh trong lòng đối với đất nước. Tôi biết, Thức chỉ có một mong mỏi: Việt Nam phú cường, văn minh và được thế giới nể trọng. Nỗi đau đáu của anh giản dị, như anh đã lẳng lặng làm sao mua được chiếc tivi màu đầu tiên cho cha mình hơn hai mươi năm về trước.

Anh không nổi tiếng như LS. Lê Công Định, chưa được Tổng thống Mỹ nhắc tên với tư cách là người kiên cường như anh Điếu Cày, nhưng bản án 16 năm tù và 5 năm quản chế đã làm rất nhiều người choáng váng và đọng lại trong suy tư: Tại sao nhà cầm quyền đối với anh khắc nghiệt đến thế?!

Phài chăng chính từ sự báo động bằng tư duy của một doanh nhân với tầm nhìn viễn kiến làm cho giới cầm quyền rúng động khôn cùng? Họ không tin phía sau những góp ý của anh là một tấm lòng trong sáng với Quê Hương, dù trước đó, từ tháng 9/2006, Thức đã viết [5]:

Cởi trói chỉ cần sự dũng cảm nhưng Trao quyền thì phải cần cả bi, trí lẫn dũng.

Nếu đảng Cộng sản tiếp tục đổi mới lần thứ hai bằng chủ động Trao quyền một cách sâu rộng thì lịch sử sẽ được viết tiếp bởi họ. Bằng không thì chắc chắn sẽ xảy ra một sự kiện tương tự như giá-lương-tiền cách đây 20 năm để buộc đổi mới một cách toàn diện. Nhưng khi đó liệu lịch sử có tiếp tục trao sứ mệnh ấy cho đảng Cộng sản nữa hay không? E là không. Hai mươi năm trước chính sách giá-lương-tiền ra đời để hy vọng giải quyết những bế tắc của xã hội nhưng nó lại tạo ra một sự khủng hoảng trầm trọng…

Có lẽ ĐCSVN ngày nay, vẫn với những bộ óc thủ cựu và xơ cứng, đã sợ lời của Thức như "lời nguyền" với những diễn biến sau đó và kéo dài cho đến hiện nay, ngày càng nổi rõ chất khủng hoảng đến tột độ với chứng khoán tiêu điều, bất động sản tê liệt và khối "nợ xấu" khổng lồ vẫn đang bị bưng bít, nếu công khai ra có thể sụp đổ chế độ trong vòng 1 tháng???

Cũng có thể, lúc bấy giờ, người CS được tung hô đến tận trời xanh bởi những tổ chức tài chính quốc tế tên tuổi, trong khi Trần Huỳnh Duy Thức lại nói "điềm gở" làm họ xao xuyến như lời "trù ẻo"?

Và cũng bởi thế, nên sự liên hệ chẳng có gì rõ ràng với ông Nguyễn Sĩ Bình từ phía Thức và Định, Long đã trở thành cái cớ quá đẹp với tội danh như là "tổ chức" để rắp tâm "lật đổ chính quyền", dù cho anh và bạn hữu chỉ có khối óc cùng trang blog, nhằm chỉ ra các khiếm khuyết và hẫng hụt của nền kinh tế quái dị hôm nay hiện rõ?!

Quá nghiệt ngã cho cái án tù 16 năm và 5 năm quản chế, mà không hề có một chứng cớ bạo lực nào cả và cũng bởi Thức nhất quyết bản thân mình vô tội!

* * *

Rồi án tù của anh cùng bạn hữu dần nhạt nhòa theo thời gian với những sự kiện, những biến cố dồn dập trong xã hội đã kéo chúng ta lướt tới, mải miết trên con đường vô định, mênh mang…

Rồi quyền sách "Con Đường Việt Nam" không thể hoàn thành do bản án khắc nghiệt đã cản trở…

Ngày anh Lê Thăng Long ra tù, dư luận chỉ thoáng chút gợn với vài cuộc phỏng vấn từ các báo, đài nước ngoài, cho đến khi phong trào "Con Đường Việt Nam" được phát động, đã gây một làn sóng tranh cãi, trong lúc nhiều viên đá ném tới tấp vào Long…

Bỏ lại tất cả những sân si và phủ chụp, người ta vẫn thấy bóng dáng Thức qua từng việc làm nhỏ mà "Con Đường Việt Nam" đang cần mẫn như những chú ong chăm chỉ. Người ta vẫn nhận ra Thức với con đường Phan Chu Trinh mở ra: "Khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh".

Những lá thư, những bài thơ Thức viết trong tù, nhiều người bảo thật nhẹ nhàng như một cuộc dạo chơi nào đó…

Thơ của anh dù chưa đạt độ trau chuốt, dù việc chọn từ chưa thật điêu luyện, dù cách tượng hình, tượng thanh trong câu chữ chưa đến độ tinh túy của một nhà thơ chuyên nghiệp, người đọc vẫn nhận rõ chất hồn hậu và khắc khoải; thật khó nghĩ từ một doanh nhân làm ra, dù đó là doanh nhân thành đạt từ rất sớm, thay vào đó, người ta cảm nhận anh như là "Ngọc Trong Đá", chỉ cần ít thời gian mài dũa, anh có thể phát tiết hết những hồn thơ mà anh nuôi nấng.

* * *

Giờ này, nhiều người đang chìm vào giấc ngủ; dù thẳng giấc, ngon lành hay trăn trở, bất an, chúng ta vẫn đang cùng vợ, con, anh, chị, em, cha, mẹ trong một ngôi nhà bình thường hay sang trọng nào đó. Còn Thức, cũng như nhiều tù nhân lương tâm khác, đang chèo queo trên nền đất lạnh!

Tôi ngước nhìn lên bầu trời mênh mang và sâu thẳm, ở đó, tôi thấy ánh sao Khuê dường như đang lấp lánh trong hành triệu vì sao trên kia…

Có lẽ cần lắm những ngọn gió lớn thổi bạt đi từng đám mây xám đang che khuất Khuê Tú cùng nhiều vì sao Việt đang lưu lạc đâu đó khắp dải Ngân Hà.

Giờ cũng là lúc các vì sao nên hội tụ trên bầu trời Việt Nam, cùng nhau tỏa sáng, cho "Tổ khúc giao mùa" được cất lên…

Gần lắm chăng, một mùa Xuân bình an cho các vì sao về đây cùng góp ánh sáng chiếu rọi cho Quê Hương mình rực rỡ hòa trong đêm pháo hoa và chúng ta có quyền cùng nâng "Ly Rượu Mừng" [6] hát khúc đoàn viên?

Bạn hỡi! Vang lên! 
Lời ước thiêng liêng, chúc non sông hoà bình, hoà bình, Ngày máu xương thôi tuôn rơi, ngày ấy quê hương yên vui, Đợi anh về trong chén tình đầy vơi.
Nhấc cao ly này! hãy chúc ngày mai sáng trời tự doNước non thanh bình! Muôn người hạnh phúc chan hoà. Ước mơ hạnh phúc nơi nơi
Hương thanh bình đang phơi phới…

Dù "giấc mơ hoang đường" có thể được gọi tên, tôi vẫn nghĩ về hình ảnh Thức và bạn hữu cho tôi được cùng nâng ly, như toàn dân tộc Việt Nam, cùng nâng chén rượu đầy để rửa sạch lòng thù hận!

Tôi tin, Thức sẽ nhấc cao chén rượu đầy với cả những người đã từng kết án anh, bởi anh lấp lánh như "Một Ánh Sao Khuê".

Nguyễn Ngọc Già
_________________

Popout[1]

http://trandongchan.wordpress.com/2008/03/29/vi%E1%BB%87t-nam-d%E1%BB%93ng-dang-%E1%BB%9F-dau-va-s%E1%BA%BD-di-v%E1%BB%81-dau/ [2]

Popout[3]

http://danluan.org/tin-tuc/20100511/nguyen-ngoc-toi-thao-thuc-vi-ho-nhung-tu-nhan-luong-tam [4]

http://trandongchan.blogspot.com/2007/05/gop-y-cho-bo-chinh-tri-150-ngay-sau-ai_1068.html [5]

Popout[6]

****

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét