Cập nhật: 27.09.2011 20:00
Ông Lý Quang Diệu là một nhân vật đặc biệt ở châu Á. Ông được người dân nước ông coi là Cha đẻ của quốc gia Singapore độc lập và phồn vinh. Tháng 9 này, sinh nhật lần thứ 88 của ông được kỷ niệm trên khắp nước kết hợp với kỷ niệm lần thứ 37 ngày lập quốc. Báo chí quốc tế lại có dịp ca ngợi đất nước nhỏ bé này là con mãnh hổ thần kỳ nhất trong 4 con hổ châu Á gồm có Singapore, Hồng Kông, Đài Loan và Nam Triều Tiên.
Năm 1965, tổng sản lượng của Singapore đạt gần 1 tỷ đôla , tính theo đầu người là 516 đôla/năm; năm 2010, 2 con số này đã vọt lên thành 223 tỷ và 44.000 đôla – có nghĩa là tổng sản lượng tăng hơn 200 lần và thu nhập bình quân đầu người tăng hơn 80 lần so với 37 năm trước. Thật là một kỷ lục phi thường. Nhân dịp này báo chí Pháp, Anh nêu bật nếp sống thật sự giản dị, gương mẫu của ông Lý Quang Diệu - hay "Lão Lý", theo cách gọi thân mật của người dân. Ông không đồng ý việc tạc tượng, trưng ảnh ông, đặt tên ông cho các công trình. Ông vẫn ở căn nhà nhỏ, đi xe hơi loại rẻ. Con trai ông, Lý Hiển Long, dù là thủ tướng đương nhiệm, và con gái ông, bác sỹ Lý Vĩnh Linh, cũng theo nếp sống như thế, không có biệt thự, nhà nghỉ riêng, không có xe cộ, trang sức gì khác người. Triết lý sống của cả gia đình ông là thế, không lập dị, không đua đòi, xem sự thanh bạch là một điều đương nhiên để được sống an vui, hạnh phúc. Điều quan trọng đối với ông là dân Singapore sống tốt, sống sạch, xã hội sạch, môi trường sạch, lương tâm sạch.
Nhân dịp này ông Lý Quang Diệu có một số ý kiến đáng chú ý. Ông cho rằng Trung Quốc dù phát triển liên tục nhưng chứa nhiều nguy cơ mang tính bi kịch, và rằng Ấn Độ là nước châu Á gây ấn tượng mạnh nhất về chất lượng phát triển bền vững.
Về Singapore, «Lão Lý» nhân danh Bộ trưởng - Cố vấn cho chính phủ, tỏ ý vui mừng thấy lý tưởng của ông đã được nhà nước kiên trì thực hiện suốt gần 40 năm nay. Bài học lớn nhất, theo ông, là coi trọng giá trị của con người , đồng thời ngăn chặn ảnh hưởng thái quá của đồng tiền trong chính trị. Ông hiểu sâu sắc đồng tiền vừa là nguồn hạnh phúc, vừa là động lực tha hoá xã hội. Lãnh đạo giỏi là người điều hòa được mối mâu thuẫn này.
Ông Lý cho rằng trong xây dựng guồng máy cai trị và cải cách hành chính của nhà nước, vấn đề trung tâm là tuyển mộ được nhân tài có chất lượng cao nhất - ông gọi là nhân tài loại 1, tức là những người vừa có chuyên môn cao vừa có lối sống trong sạch. Thấp hơn một bậc là nhân tài loại 2, tức là những người sẽ làm suy yếu đất nước nếu được nắm giữ các chức vụ cao. Nếu chỉ là nhân tài vào loại 3 hay loại 4, nghĩa là tài kém đức suy thì sẽ mang lại tai họa cho đất nước. Ông cho rằng người lãnh đạo phải kiên quyết cảnh giác với thế lực đồng tiền trong chính trị, và rằng tệ mua quan bán tước và nạn bè phái là 2 tai họa lớn nhất cho một chế độ.
Ông Lý Quang Diệu từng sang Việt Nam nhiều lần, theo lời mời của chính quyềnViệt Nam. Đó là chuyện của 15 năm trước, lúc đó Việt Nam bắt đầu chuẩn bị để được gia nhập WTO sau khi bình thường hóa quan hệ với Hoa Kỳ, mở ra một triển vọng lớn. Ông chân thành góp ý xây dựng, san sẻ kinh nghiệm quý. Nhưng ông đã nản lòng và thất vọng. Mấy năm nay ông lại càng thất vọng hơn. Trả lời báo The Straits Times của Singapore hồi năm ngoái, ông nói về Ấn Độ, về Đài Loan, về Nam Triều Tiên; khi được hỏi về Việt Nam ông lắc đầu: «Nên quên đi, tôi đã nói hết với họ rồi, vô ích!", rồi ông nói về Nhật Bản.
Nhớ lại, ông Lý từng tâm sự với nguyên thủ tướng Võ Văn Kiệt và các nhà báo Việt Nam về đề tài chống tham nhũng 15 năm trước. Ông nói rất giản dị: hãy nâng lương cho viên chức đủ sống để không ai cần ăn cắp, luật pháp phải thật nghiêm để kẻ tham sợ không dám tham nhũng, đạo đức trong xã hội phải được truyền bá để mọi người khinh và hổ thẹn đối với tệ nạn xấu xa này.
Tóm lại là 3 không: không cần, không dám, không nỡ.
Ông Lý kể chuyện đã tăng quỹ lương cho viên chức ra sao, trừng trị tệ "phong bì", "đưa tiền dưới bàn ăn", "huê hồng", "tặng phẩm, biếu xén, quà cáp, sinh nhật …» ra sao, và nhân tài loại 1 là thế nào, có lương thiện, trong sáng mới thật sự tài giỏi có ích.
Ông Lý nản lòng, không muốn nhắc đến Việt Nam nữa vì ông biết lời ông đã như nước đổ đầu vịt. Giá như người ta nghe lời ông, quyết liệt diệt tham nhũng như đã hứa, thì 20% ngân sách hàng năm đã không bị xà xẻo, chia chác cho đám tham quan ô lại nhiều vô kể và hàng tỷ đôla đã không bị lãng phí vì bất tài và tham nhũng. Nếu 20% ấy được dành cho quỹ tiền lương - như ông Lý khuyên - thì cục diện kinh tế-chính trị-xã hội Việt Nam đã khác hẳn.
Trái ngược với lời khuyên răn trên, suốt 15 năm qua, quốc nạn tham nhũng ở nước ta trầm trọng thêm gấp bội, vì mọi người đều thấy cần phải tham nhũng, không tham nhũng không sống nổi; dám tham nhũng vì đã có ô, có lọng, có khe hở luật pháp để chạy án; và không ai còn biết xấu hổ khi ăn bẩn và đút lót vì mọi người đều tham gia, ta không ăn và đút là dại, là ngu đần, là thiệt. Trên ăn thì dưới cũng ăn, trên múc thì dưới cũng múc. Tôi ăn, anh ăn, chúng ta cùng ăn dù là ăn bẩn, thế là hòa. Trước cảnh này, có một người rất buồn, rất nản, đó là « Lão Lý» Singapore, người từng hy vọng làm một cố vấn tốt, có ích cho nước bạn.
Trong dịp mừng ông Lý Quang Diệu 88 tuổi, báo chí Đông Nam Á lại có dịp nói về những nét đẹp của Singapore. Ở đây phố xá, vĩa hè công cộng sạch nhất thế giới. Ở đây nhà vệ sinh công cộng nhiều và cũng sạch nhất thế giới. Mọi nhân viên hành chính công cộng không những luôn luôn nhã nhặn, nở nụ cười mà còn tận tình đáp ứng quyền lợi người dân. Đi khắp nơi, hầu như không có chen lấn, khạc nhổ, móc túi, xin tiền. Con người tôn trọng yêu thương con người.
Singapore có thu nhập đầu người cao nhất Đông Nam Á, 44.000 đôla / năm, gấp hơn 40 lần mỗi người dân Việt Nam hiện nay, ấy vậy mà họ vẫn nghe theo «Lão Lý». Đồng tiền là quý, là cần khi thu nhập chính đáng, nhưng phải luôn luôn cảnh giác; đồng tiền có thể tha hóa xã hội, tạo nên bất bình đẳng, cho nên cần luôn đặt giá trị con người và đạo lý làm người lên trên giá trị của đồng tiền. Từ đó đồng tiền sẽ là phương tiện, là công cụ quý của con người, phục vụ chứ không làm chủ con người. Chí lý thay!
Các bạn Singapore thường nói: « Chúng tôi quý ông già Lý, 'Lão Lý' của chúng tôi, vì ông không những là Cha đẻ của nước Singapore độc lập, ông còn là Kiến trúc sư của Singapore mới, phồn vinh, sạch sẽ từ trong ra ngoài, một xã hội hài hòa, ổn định, hòa bình, được bạn bè khắp nơi quý trọng, giữa một thế giới đang có nhiều hỗn loạn và khủng hoảng.
Quả thật "Lão Lý" là Nhân tài số 1, trong số Nhân tài loại 1 thời hiện đại của nước Singapore mới. Nhân dân Singapore tinh đời và hạnh phúc thật.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét