Phải được người dân phúc quyết
Khẳng định tại phiên góp ý dự thảo Hiến pháp vào chiều ngày 16 tháng 11, ông Hà Hùng Cường - Bộ trưởng Tư pháp nói rằng Hiến pháp phải được người dân phúc quyết nhằm đảm bảo nguyên tắc tất cả quyền lực thuộc về nhân dân.
Được đánh giá là Hiến pháp tiến bộ nhất trong các bản Hiến pháp được công nhận, Hiến pháp năm 1946 qui định rõ về quyền trưng cầu dân ý – được phúc quyết Hiến pháp và những vấn đề lớn liên quan đến vận mệnh quốc gia. LS Trần Quốc Thuận, nguyên phó Chủ nhiệm Thường trực Văn phòng QH, cũng khẳng định:
"Tôi nói đi nói lại mãi là hiến pháp lâu lâu mới được sửa một lần, nên đưa ra cho nhân dân bỏ phiếu từng phần một thì hiến pháp sẽ có gí trị hiệu lực nhằm thực hiện khẩu hiệu "Nhà nước của dân do dân và vì dân, mọi quyền lực thuộc về nhân dân". Cho nên đạo luật gốc của cả nước phải được nhân dân tham gia bỏ phiếu thông qua".
Theo ông Hà Hùng Cường, nhân dân phải là chủ thể của lập hiến – nghĩa là người dân phải làm ra và quyết định Hiến pháp. Tuy nhiên, trong thực tế việc trưng cầu dân ý chưa bao giờ được thực hiện. Ông Nguyễn Đình Lộc, nguyên Bộ trưởng Tư pháp khẳng định:
"Nhưng mà đó là những qui định trên Hiến pháp thôi chứ thực tế chưa có việc đó. Chưa bao giờ có chuyện trưng cầu dân ý.
Nhà nước của dân do dân và vì dân, mọi quyền lực thuộc về nhân dân. Cho nên đạo luật gốc của cả nước phải được nhân dân tham gia bỏ phiếu thông qua.LS Trần Quốc Thuận
Việt Nam chưa qua giai đoạn dân chủ cho nên những thói quen về tập quán dân chủ thì Việt Nam chưa có. Bây giờ phải từng bước để xây dựng. Vì vậy không nên ngạc nhiên tại sao thế nào tại sao thế kia. Đó là những đặc thù của những điều kiện của Việt Nam".
Từ khi thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa cho đến nay, Hiến pháp Việt Nam đã qua nhiều lần thay đổi nhỏ và lớn với sự ra đời của lần lượt HP 1946, 1959, 1980 và 1992. Có ý kiến cho rằng chính vì vấn đề cốt lõi là việc phúc quyết Hiến pháp không được thực hiện nên Hiến pháp Việt Nam không sâu sát với nguyện vọng người dân, tạo ra những bất cập và cần thay đổi. Tuy nhiên, ông Nguyễn Đình Lộc bác bỏ ý kiến này và giải thích bằng một lý do khác:
"Chúng tôi (Việt Nam) phát triển theo một điều kiện mà tình hình đất nước luôn có những giai đoạn phát triển (thay đổi). Tương ứng từng giai đoạn như thế phải có một hiến pháp. Phải thấy được đặc thù của chúng tôi là từng giai đoạn mang một tính chất khác cho nên phải có bản hiến pháp. Cho nên có thể thấy Việt Nam rất tôn trọng hiến pháp. Mỗi giai đoạn phát triển dù thế nào cũng có một bản hiến pháp tương ứng".
Hiến pháp 1946 được đánh giá là "có chính sách mềm dẻo" nhằm thu hút sự ủng hộ của quần chúng trong thời kỳ mới thành lập nhà nước. Trong thời kỳ xây dựng XHCN miền Bắc, Hiến pháp 1959 thể hiện quan điểm kinh tế thuộc sở hữu toàn dân. Và Hiến pháp năm 1980 cũng tiếp tục khẳng định quan điểm xây dựng XHCN theo mô hình Liên Xô trước khi nó được thay đổi vào năm 1992.
Không có cơ hội?
Hiến pháp và dự thảo Hiến pháp sửa đổi thu hút sự quan tâm đến đông đảo người dân và nghị trường quốc hội cũng nóng lên với những phát biểu thẳng thắn từ các đại biểu. Ngoài những ý kiến yêu cầu đưa qui định phúc quyết Hiến pháp vào Hiến pháp, còn có các ý kiến yêu cầu làm rõ nội hàm phúc quyết và bỏ đi cụm từ "theo qui định của pháp luật" bên cạnh các qui định của Hiến pháp. Thậm chí, phiên thảo luận về dự thảo Hiến pháp sử đổi hôm 15 tháng 11 còn có ý kiến đề xuất bổ sung qui định từ chức vào Hiến pháp. Những ý kiến này được ông Nguyễn Đình Lộc đánh giá là "đa dạng" và "tiến bộ", nhấn mạnh Quốc hội sẽ có ảnh hưởng để thúc đẩy đưa đến thay đổi trong Hiến pháp. Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường cũng khẳng định có thực hiện qui định trưng cầu dân ý hay không là "tùy vào ý chí của nhà nước". Tuy nhiên theo LS Trần Quốc Thuận, quyền phúc quyết Hiến pháp tùy thuộc vào những người cầm quyền:
"Tôi cho rằng đó là những ý kiến để thấy rằng họ (ĐBQH) cũng thấy vấn đề nhưng có lẽ họ cũng chỉ phát biểu đến một giới hạn nào đó. Tin tưởng QH này có phát biểu mạnh hay không thì tôi không có niềm tin đó. Bởi đối với QH này thì những gì được bật đèn xanh thì họ nói nhưng có ý. Nhưng nếu họ bật đèn vàng hay đèn đỏ thì thôi.
Cho nên có thể thấy Việt Nam rất tôn trọng hiến pháp. Mỗi giai đoạn phát triển dù thế nào cũng có một bản hiến pháp tương ứng.Ô. Nguyễn Đình Lộc
Việc cản trở hay thực hiện hay không là do người cầm quyền. Người cầm quyền họ cho làm đến đâu thì làm đến đó".
Hội nghị Trung ương 2 Ban chấp hành ĐCSVN khóa 11 đã đề ra khuôn khổ, phạm vi sửa đổi Hiến pháp. Hội nghị Trung ương 5 chốt lại những điểm cơ bản và được nhắc lại trong Hội nghị Trung ương 6 vừa qua. Trong đó, vẫn không có điểm mới nào về đề xuất tam quyền phân lập, sở hữu tư nhân về đất đai, và phúc quyết Hiến pháp. Mặc dù vậy, trao đổi với đài RFA, cả hai ông Nguyễn Đình Lộc và Trần Quốc Thuận đều cho rằng phúc quyết Hiến pháp là điều "phải làm":
"Tôi nghĩ đó là cái điều phải làm bởi hiến pháp phải thể hiện ý chí, nguyện vọng của người dân. HP 1946 đáng lẽ phải được phúc quyết nhưng không được vì vấn đề chiến tranh. Đó là một điều đáng tiếc. Nhưng nếu một đạo luật, nhất là HP được đưa người dân bỏ phiếu thì mới là HP thực sự của dân, do dân và vì dân, mọi quyền lực thuộc về nhân dân. Cái quyền lực lớn nhất mà người dân phải thực hiện là hiến pháp. Nếu hiến pháp không được phúc quyết thì đâu phải của dân. Thì lúc đó hiệu lực tự nhiên sẽ khác đi".
Ông Hà Hùng Cường đề xuất đưa qui định phúc quyết Hiến pháp vào Hiến pháp để áp dụng cho những lần thay đổi sau. LS Trần Quốc Thuận cho rằng trừ những người cầm quyền ra, không ai có thể dự đoán được khi nào người dân Việt Nam được quyền phúc quyết Hiến pháp. Lần cuối cùng Việt Nam thay đổi Hiến pháp là vào năm 1992 và người ta dự đoán rằng 20 năm là thời gian để Việt Nam thực hiện thay đổi Hiến pháp lần nữa.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét