Thứ Hai, 12 tháng 11, 2012

Đào Tuấn : Phiếu tín nhiệm và thắc mắc của chị hàng thịt

Nguồn daotuanddk http://daotuanddk.wordpress.com/2012/11/11/phieu-tin-nhiem-va-thac-mac-cua-chi-hang-thit/

Tháng Mười Một 11, 2012 in Tổng hợp

Dường như, mỗi quan tâm của người dân, chị hàng thịt chẳng hạn, vẫn bị bỏ ngoài thị trường.

Trong buổi sáng mà Quốc hội thảo luận việc lấy phiếu tín nhiệm với xủng xoảng 49 chức danh cao nhất, tầm cỡ "lãnh đạo đất nước", có một câu hỏi cắc cớ đã được đặt ra: Thế em có được lấy phiếu tín nhiệm với ông Chủ tịch phường không? Vì sao? Vì ông Chủ tịch phường vẫn thu tiền thuế, trong khi vẫn cho công an đuổi.
Đây là câu chuyện phổ biến, với một ông Chủ tịch X, ở một phường Y nào đó. Và người đặt câu hỏi là một "chị hàng thịt" vô tình nghe các dân biểu thảo luận trực tiếp qua truyền hình. Bỏ ngoài chuyện đúng sai của câu chuyện, thực ra, những người bình dân- thực tế đang chiếm số đông trong phạm trù nhân dân- chỉ quan tâm đến những quan chức bình thường nhất. Đó là ông Chủ tịch phường "vẫn chỉ đạo thu thuế, trong khi vẫn cho công an đuổi". Đó là những vị trưởng phòng, giám đốc sở- đáng lẽ phải chịu trách nhiệm về thái độ, hành xử của viên chức dưới quyền trong việc đối xử hàng ngày với dân.
Nhớ hôm QH thảo luận ở tổ, Chủ tịch Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam,  Nguyễn Phước Lộc đã đề nghị bổ sung đối tượng cần lấy tín nhiệm là các cấp là giám đốc các sở ban, ngành vì theo ông "Đó là những người kiêm nhiệm, trực tiếp điều hành". Sáng nay, vấn đề này lại được lặp lại khi ĐBQH Phạm Văn Tam cho rằng chúng ta đã bỏ ngoài hàng loạt các "Giám đốc các sở ngành cấp tỉnh, trưởng phòng ban cấp huyện cấp xã", dù đây là những trực danh "liên quan trực tiếp đến nhân dân". Ông Tam đề xuất: "Cứ để HĐND lấy tín nhiệm". Bởi nếu không, họ sẽ không chịu trách nhiệm gì trước nhân dân".
Sáng nay, mối quan tâm của người dân đã được ĐBQH Nguyễn Bắc Việt nói tại nghị trường: "Đối tượng họ nói cũng rất rõ "liên quan đến quyền và tiền". Chỉ gọn thế thôi". Và nếu trong phạm trù "quyền và tiền", thì bộ mày chính quyền cấp tỉnh, huyện, xã chính là lực lượng "quyền và tiền" đông nhất, va chạm nhiều nhất với người dân. Và, nếu dân chúng có bức xúc với chính quyền, thì đây cũng là những địa chỉ gây bức xúc.
Ấy thế mà việc lấy tín nhiệm đối với các đối tượng ngoài "49 chức danh chủ chốt" này được các vị ĐBQH liên tục sử dụng từ bình luận: "quá rộng", "quá loãng", "quá tản mạn" hay "tràn lan", "không hợp lý", "sợ hình thức" để lắc đầu với việc mở rộng hơn, đối với các chức danh "trực tiếp tiếp xúc với người dân, hàng ngày, ở cơ sở".
Không phải là không có ý kiến, dù chỉ thiểu số, đề xuất rằng "Việc lấy phiếu tín nhiệm cần phải để người dân tham gia, vì thực ra, đó là chính là việc của dân mà các ĐBQH chỉ là người gián tiếp thực hiện sự tín nhiệm". Nhưng dường như, mỗi quan tâm của người dân, chị hàng thịt chẳng hạn, vẫn bị bỏ ngoài thị trường.
Có một ý kiến tuyệt hay đã được phát biểu tại nghị trường sáng nay. "Việc lấy phiếu và bỏ phiếu cần qua hình thức "điều tra dư luận xã hội". Cụ thể hơn, việc điều tra nên giao Ban tuyên giáo TƯ tiến hành trước khi QH lấy phiếu. Cái hay là ở chỗ việc "điều tra dư luận xã hội" sẽ là kết quả chính xác nhất phản ánh tâm nguyện, và cũng là sự tín nhiệm của người dân. Người dân không có quyền "bấm nút" tại nghị trường, đương nhiên, nhưng việc "điều tra dư luận xã hội" sẽ khiến việc ấn nút của các vị đại biểu dân cử, chí ít cũng có đối sánh, rằng nó có trùng với đông đảo ý kiến cử tri mà họ đại diện hay không.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét