Sau đây là bài viết của một giáo viên, viết chuyện có thực ở một ngôi trường Trung học Phổ thông, nơi giáo viên này đang dạy, phần nào cho thấy thực trạng giáo dục phố thông ở nước ta, Bauxite Việt Nam |
Tôi dạy tại một trường THPT trong thị xã và làm tổ phó chuyên môn. Năm ấy, kết thúc học kỳ 1, bà hiệu trưởng tới tuổi nghỉ hưu, trên cử về một ông hiệu trưởng mới. Vị này đã có thâm niên làm hiệu trưởng gần hai chục năm, từ hiệu trưởng một trường huyện vùng biển, nhờ quen biết (gần như là đệ tử) với bà giám đốc sở nên được chuyển về một trường chất lượng cao của tỉnh mới thành lập. Sau gần chục năm ở trường đó, nay ông được điều về trường tôi làm hiệu trưởng.
Ngày đầu tiên về trường, ông cho mời tất cả các chức sắc của trường họp để làm công tác tư tưởng. Bước vào phòng họp, tôi đã thấy ông ngồi chễm chễ trên chiếc ghế bọc da xoay qua xoay lại được (đây là chiếc ghế ông mới cho mua về để cho ông và cũng là chiếc ghế duy nhất có ở trường tôi). Đó là một người có khuôn mặt vuông không vuông, chữ điền không ra chữ điền, đầu hói, da đỏ như da gà chọi, miệng lúc nào cũng há ra bởi đôi môi dày không khép lại được. Mở đầu cuộc họp, ông tằng hắng mấy tiếng rồi nói:
-Hôm nay tôi mời thầy cô về dự cuộc họp này để trao đổi một số việc. Trước hết, tôi nhấn mạnh điều này, tôi mới được bổ nhiệm về trường này từ cuối học kỳ 1 nên những việc gì của học kỳ 1 là tôi không biết, không chịu trách nhiệm. Thứ hai, trường ta là một trường còn nhiều yếu kém nên tôi sẽ chấn chỉnh để trong một vài năm sẽ đưa trường ta trở thành trường vững mạnh nhất nhì trong thị xã và của tỉnh. Muốn vậy, phải chấn chỉnh từ thầy cô cho tới học sinh. Bây giờ tôi nói với thầy cô, từ nay tôi là hiệu trưởng, tôi có toàn quyền quyết định tất cả mọi việc trong trường, thầy cô phải chấp hành mệnh lệnh của tôi, nếu thầy cô nào chấp nhận thì ở lại, còn thầy cô nào không chấp nhận cứ xin đi trường khác tôi ký đơn cho đi ngay. Tôi là người trả lương cho thầy cô nên tôi có quyền của mình và tôi sẽ tiến hành một số cải cách trong trường để đưa trường đi lên.
Sau hơn ba tiếng đồng hồ ngồi nghe ông thuyết giảng về đề án cải cách, cuối cùng chúng tôi cũng được giải phóng. Bước ra khỏi phòng họp, cô Thư nói với tôi: "Nghe thầy hiệu trưởng nói mà thấy nổi da gà".
Cải cách đầu tiên của vị tân hiệu trưởng trường tôi là cho thuê thợ vào sửa lại phòng làm việc của ông. Trước đây phòng hiệu trưởng ở trên lầu, nay ông chuyển xuống dưới và chọn phòng ở chính giữa của dãy nhà văn phòng. Ông cho xây kín hết tất cả các cửa sổ, còn cửa chính bằng gỗ được thay bằng cửa kính, gắn máy lạnh (và cho đến nay, đó là phòng duy nhất của trường tôi có máy lạnh).
Cải cách thứ hai của ông là cho vẽ mấy tấm bảng mới, to lớn, thay mấy tấm bảng cũ, ghi rõ nội qui, qui chế, qui định, qui tắc…treo khắp nơi trong khuôn viên trường, từ ngoài cổng cho tới trong phòng họp. Điều đặc biệt, dưới các tấm bảng đó đều ghi rõ chức vụ, học vị Thạc sĩ và tên của hiệu trưởng (ông thuộc nhóm thạc sĩ không đầu vì thi đầu vào không đậu nhưng nhờ lớn tuổi, lại có bà giám đốc bảo lãnh nên được cho nợ đầu vào, mới gọi là thạc sĩ không đầu).
Cải cách thứ ba của ông là cách ghi sổ điểm của giáo viên. Từ trước đến nay, giáo viên trường tôi ghi điểm vào sổ hay phê học bạ có thể dùng mực gì cũng được, trừ mực đỏ chỉ dùng để sửa những chỗ sai. Nếu ghi sai thì sửa theo qui định là gạch ngang chỗ sai, sau đó lấy bút mực đỏ ghi chỗ sửa lên góc trên bên phải. Nhưng hiệu trưởng mới bắt giáo viên phải dùng bút mực đen để ghi điểm, ai lỡ ghi mực màu khác là phải bỏ sổ đó mua sổ mới. Còn qui định về lỗi ghi sai, hiệu trưởng mới cho phép mỗi giáo viên được ghi sai không quá một lỗi, nếu sai nhiều hơn cũng phải thay bằng sổ mới. Báo hại, nhiều giáo viên phải thay sổ, bị trừ điểm thi đua cuối học kỳ.
Cải cách thứ tư là lập ê kíp ăn cánh gồm những thấy cô trẻ, đào tạo ở tại trường đại học của tỉnh. Ông tranh thủ kết nạp Đảng cho nhiều giáo viên, trong đó đối tượng ông chú ý đến là những người háo danh, có tiền. Đầu tiên là thầy Thôi, người cực kỳ nhanh nhậy trong việc đoán trúng ý sếp. Ông xếp thầy Thôi vào danh sách đặc biệt đề nghị kết nạp Đảng cấp tốc nhưng khi lấy ý kiến quần chúng, cả ba lần thầy Thôi không đạt số phiếu 50% tín nhiệm. Cuối cùng, ông chạy được bùa cho thầy Thôi khi có trong tay văn bản hướng dẫn của vị Trưởng ban Tổ chức Thị ủy là lấy ý kiến đại diện quần chúng. Vậy là một cuộc họp khẩn được triệu tập với bốn nhân vật chủ chốt của trường: Bí thư chi bộ là ông; đại diện Ban giám hiệu là bà Phó hiệu trưởng hiền như đất; Chủ tịch công đoàn là người ông đang thả "mồi" Phó hiệu trưởng; Bí thư đoàn trường là người do ông gài vào nhiệm kỳ này. Kết quả, thầy Thôi đạt 100% số phiếu tín nhiệm và được kết nạp Đảng. Sau đó, thầy Thôi kể là để được kết nạp Đảng, thầy phải mua bằng nhiều độ nhậu mà mỗi độ vài triệu đồng là chuyện nhỏ. Kế đó là thầy Thuấn cũng được kết nạp Đảng sau nhiều độ nhậu và mấy lần phong bì cho ông về quê thăm người nhà. Chỉ đến khi ông đề nghị cô Minh làm đơn xin vào Đảng kèm theo gợi ý mua tặng ông chiếc iphon 4 thì cô này thẳng thừng trả lời "tiền đó em đi làm từ thiện có lý hơn là mua cho thầy để được vào Đảng, em không thích cái Đảng của thầy đâu". Sau vụ này, cô Minh bị đày cho lên bờ xuống ruộng và chuyển đi trường khác.
Đồng thời, ông khẩn trương thanh trừng những giáo viên mà ông cho là cứng đầu. Vì vậy, thầy Thật vốn là người từng công tác chung với ông nhưng do mâu thuẫn trong công việc chung nên bị đưa về trường tôi. Không ngờ chỉ mấy năm sau, ông hiệu trưởng này về và thầy Thật bị đẩy qua trường khác. Kế đó là thầy Chương cũng vì ủng hộ thầy Thật mấy năm trước nên bị ông yêu cầu sở chuyển đi nơi khác.
Cùng với việc này, ông chủ trương phân công lại đội ngũ giáo viên chủ nhiệm và giáo viên bộ môn. Những giáo viên công tác lâu năm, làm chủ nhiệm nhiều năm được học trò yêu quí, phụ huynh tin tưởng đều bị ông cho nghỉ chủ nhiệm, thay vào đó là những giáo viên trẻ. Vì sự thay đổi đó mà cô Phương đang chủ nhiệm lớp 12 bị thay bằng một cô dạy Toán (vốn là học trò cũ của ông hồi ở trường huyện). Ngày cô này vào nhận lớp đã bị học sinh phản ứng quyết liệt bởi nhiều năm nay cô nổi tiếng với chuyện dạy thêm thu tiền cao nhưng chất lượng thấp, lại hay trù dập nếu em nào không đi học thêm. Đỉnh điểm là các em kéo nhau lên trước phòng Hiệu trưởng đề nghị để cô Phương làm chủ nhiệm lớp đó nhưng hiệu trưởng không chấp nhận, thậm chí ông còn phê bình cô Phương "là giáo viên nhưng không biết thuyết phục học trò, chưa có cách nói khiến cho các em kéo nhau lên văn phòng làm mất trật tự".
Còn với giáo viên bộ môn, ông phân công theo kiểu "ai cũng dạy được cả". Rồi ông chấn chỉnh chuyện ăn mặc của giáo viên và học sinh…nữ. Liên tục nhiều ngày trong tuần, ông săm soi xem cô giáo và học sinh nữ ăn mặc. Cuối tuần ông nêu chung chung "nhiều giáo viên nữ và học sinh nữ mặc quần áo quá chật, quá mỏng thấy hết phụ tùng bên trong, rất phản cảm. Đề nghị phải chấn chỉnh ngay". Ngày nào ông cũng nói khiến cho nhiều cô giáo của trường tôi bất bình. Cô Thư nói: "Nâng cao chất lượng chuyên môn đâu phải là chuyện ăn mặc, suốt ngày toàn tìm những người mặc đồ chật, đồ mỏng để soi rồi lại phê bình". Thậm chí ông còn tham gia vào đội cờ đỏ của trường đi kiểm tra nề nếp của tất cả các lớp nữa.
Cuối cùng ông mới chấn chỉnh về chuyên môn bằng cách bản thân ông trực tiếp đi dự giờ giáo viên ở tất cả các bộ môn từ tự nhiên cho tới xã hội, mặc dù chuyên môn đào tạo của ông là Hóa học. Điều đáng nói, sau khi dự giờ, ông xem giáo án và dựa vào giáo án để đánh giá giờ dạy của giáo viên. Suốt một học kỳ ông dự được giờ giảng của 12 giáo viên thì chỉ có 2 người đạt loại khá, 6 người không đạt yêu cầu. Trong khi đó, nhiều người đã được Thanh tra chuyên môn của Sở đánh giá dạy giỏi. Cách kiểm tra hồ sơ của ông cũng không giống ai: Ông qui định rất nhiều loại hồ sơ, trong đó giáo án giảng dạy của giáo viên ông bắt buộc phải đóng chứ không được kẹp thành xấp và phải ghi ngày soạn, ngày dạy. Ai không thực hiện đúng thì coi như dạy hay cỡ nào cũng chỉ đạt yêu cầu là cao nhất.
Sau ba năm thực hiện nhiều cải cách, kết quả học sinh trường tôi bỏ học giữa chừng luôn đạt tỉ lệ cao, dẫn đầu toàn tỉnh, còn thi tốt nghiệp THPT, từ chỗ thuộc tốp giữa của tỉnh đã tụt xuống cuối tỉnh. Sau mỗi kỳ thi tốt nghiệp chúng tôi lại thấy ông ngồi trong phòng gắn máy lạnh nhưng đổ mồ hôi ướt cả áo, mặt vẫn đỏ như gà chọi. Ông luôn vò đầu, bứt tóc (dù tóc chỉ có mấy cọng lưa thưa). Có lẽ ông rất ngạc nhiên không hiểu vì sao ông đã thực hiện cải cách nhiều mà chất lượng giáo dục của trường lại ngày càng đi xuống thê thảm như vậy? Cho đến bây giờ, mỗi lần đi ngang qua phòng của ông, tôi vẫn thấy ông ngồi đó, mặt đỏ như gà chọi, tay vò đầu bứt tóc.
B. M.
Tác giả gửi trực tiếp cho BVN.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét