Chủ Nhật, 20 tháng 11, 2011

Trần Đông Đức : Thời kỳ Quá Độ là thời kỳ gì

Nguồn rfablog

Lâu nay, mọi người thường nghe từ Quá Độ, nghe riết rồi cũng nhập tâm. Rõ ràng nhất là trong các đoạn văn đại khái như thời kỳ Quá Độ lên xã hội chủ nghĩa, xem thử nó tiến lên như thế nào. Có lẽ, nhiều người cứ nghe lóng óng mà chưa chắc đã hiểu rõ mô tê.

Hôm trước trong bài viết "Mại dâm là làm theo năng lực hưởng theo nhu cầu"mình có viết một câu xanh "nõn chuối" rằng "…trong nền kinh tế xã hội chủ nghĩa Quá Độ, dịch vụ (mại dâm) này còn là tiêu chuẩn điển hình nhất của cương lĩnh lý luận cộng sản "làm theo năng lực, hưởng theo nhu cầu" mà chưa có mô hình công nghiệp XHCN nào có khả năng thay thế"". Tuy nội dung mang tính phiếm luận tình thế nhưng nghe ra thì cũng là rất là cương lĩnh nhé! Và qua bài này, có lẽ đây cũng là bằng chứng rõ ràng nhất có nhiều người (như mình) thỉnh thoảng thích dùng chữ lớn cho nó sính mà chỉ hiểu định nghĩa một cách mơ huyền và bồng bột.

Tuy nhiên, cho dù có quá độ hay không, đoạn văn trên không tạo nên sự sai biệt nào lớn về mặt nội dung. May quá!

Thế rồi, sau đó mình đâm ra tò mò ý nghĩa của từ quá độ và quy phạm nội hàm của nó bao gồm từ thấp tới cao, từ gần tới xa trong tiếng Việt hiện nay như thế nào.

Thực ra, xem ngữ văn Trung Quốc hiện nay thấy họ dùng từ Quá Độ (Guò Dù) rất thông thường để diễn đạt các loạt thông tin hình sự trữ tình nhiều hơn hẳn tiếng Việt ta. Qua đó, mình đã thu thập được một số các liên hệ Hán Việt, Trung Văn, Hoa Ngữ này nọ để so sánh xem có sự sai biệt nào quá lớn trong việc hình thành bản sắc ngôn ngữ của dân tộc Kinh thời quá độ. Lấy một ví dụ từ "khốn nạn" 困難 trong tiếng Trung Quốc có nghĩa là khó khăn, vậy mà trong tiếng Kinh có nghĩa là "đồ khốn nạn", mang tính miệt thị cao. Trong lúc đó từ "Việt Cộng" 越共trong tiếng Trung Quốc (ở đại lục) có nghĩa là đảng cộng sản Việt Nam (cái này do báo điện tử bằng tiếng Trung Quốc của phía Việt Nam tự định nghĩa để tương đương với Trung Cộng), vậy mà trong tiếng Kinh Việt Cộng cũng có nghĩa là đồ này đồ nọ mang tính biếm chỉ cao.

Do có sự sai biệt giữa Hán Việt và Trung Văn cho nên ở Việt Nam, Quá Độ hầu như chỉ chuyên dùng cho mạch văn chuyên chỉ về giai đoạn của chế độ "xã hội chủ nghĩa" ở Việt Nam hiện nay.

Trong chữ Hán, Quá Độ có hai từ, "Quá Độ"過度 và Quá Độ過渡. Chữ Quá thì giống nhau nhưng chữ Độ thì có hai chữ khác nhau. Mình tạm thời phân chia ra thành hai nghĩa tượng trưng để mọi người dễ hiểu: đó là một chữ Độ có nghĩa nôm na là số đo và một chữ Độ (giống chữ độ kia nhưng có cái bộ thuỷ nằm trước) có nghĩa cổ truyền như là cái bến đò. Do đó, từ Quá Độ (độ: đo) thì có nghĩa là quá liều, quá mức, vượt qua, còn từ Quá Độ (độ: đò) thì còn có nghĩa là qua đò sang sông, giai đoạn chuyển bến sang bờ.

Dần dần, theo thể thức "vọng văn sinh nghĩa" trong tiếng Hán, Quá Độ (qua đò) hay Quá Độ (vượt mức) hình thành từ ngữ hiện đại mang ý nghĩa bao la để chỉ về các khái niệm trừu tượng riêng biệt hơn.

Trong sách vở tiếng Việt thời trước, Quá Độ là từ tương đối phổ biến. Ngay cả tự điển Hán Việt - Đào Duy Anh cũng có định nghĩa về hai từ này không khác gì tiếng Trung Quốc hiện đại. Vì thế, đây có lẽ là một khái niệm của Tây Phương được phiên dịch qua chữ Hán, cốt để định nghĩa một giai đoạn giao thời giữa cái mới và cái cũ, giữa hai thể chế, hai phạm vi, hai chế độ… (được hình ảnh hóa như bến đò cách nhau một dòng sông với con đò vận chuyển).

Ở khía cạnh ngữ văn, có thể đây là một mẹo chơi chữ. Quá Độ nó vừa Hán Việt kiểu tinh vi, lại vừa đồng âm dị nghĩa, nghe vừa có chất học thuyết triết lý lại vừa đỉnh cao trí tuệ hiểu hoài không không tới bến. Trong hệ chữ quốc ngữ, hai từ này không thể phân biệt do đó tạo nên nhiều sự phân vân trân trối cho ngay cả giới học giả. Ai hiểu thế nào ráng chịu.

Thời kỳ Quá Độ có nghĩa là thời kỳ qua đò

 Báo chí Hoa Ngữ gọi chính quyền chuyển tiếp hiện nay tại Libya hiện nay là Quá Độ. Thời kỳ quá độ, chính phủ lâm thời chỉ xảy ra chỉ trong vòng vài tháng là cập bến đâu vào đó.

Vậy là quá độ hiểu một cách đơn giản là thời kỳ "qua đò" mang tính chất giai đoạn tạm thời lênh đênh ở giữa "dòng sông chảy xiết" cho dù lắm thác ghềnh và bão tố phong ba…

Tuy nhiên, nếu đúng là từ quá độ (qua đò) thì càng thấy rõ giai đoạn quá độ xã hội chủ nghĩa là quá liều, vượt mức kế hoạch, rất là quá độ - quá đát về mặt thời gian. Nói giai đoạn chuyển tiếp từ bờ này sang bờ khác, giữa phong kiến thực dân sang chủ nghĩa xã hội gì gì đấy chỉ nên được xem là một chuyến đò sang ngang thì còn chút hợp lệ. Nhưng nếu giai đoạn này quá dài chứng tỏ quá độ không còn ý nghĩa giai đoạn nữa mà đã mang tính trường kỳ sông nước. Quá Độ trở thành chuyến đò, tự thân đã biến thành một hình thái thể chế mất rồi. Đặc thù cách mạng xã hội chủ nghĩa Việt Nam là ở chỗ ấy.  

Như đã phân tích bình luận về mặt ngữ nghĩa, không còn chối cãi gì nữa "Quá Độ" là "chuyến đò", chuyển dịch vận mệnh dân tộc đi tới bờ bến thiên đàng xã hội chủ nghĩa (như đã hứa). Lãnh tụ lại thường được ví von như là người cầm lái. Hiện nay, các cương lĩnh của ĐCS lại lý luận còn đòi kéo dài thời kỳ quá độ này nghe đâu tới ba giai đoạn. Đòi hoàn thiện cái này, cái kia, cái nọ xong rồi mới tới bờ. Lâu lắm, chắc là còn có ý định câu giờ.

"Đặc trưng kinh tế của Thời Kỳ Quá Độ Lên Chủ Nghĩa Xã Hội là cơ cấu kinh tế nhiều thành phần. Nhiệm vụ cơ bản của nhà nước trong thời kì quá độ, một mặt là phát huy đầy đủ quyền dân chủ của nhân dân lao động, chuyên chính với mọi hoạt động chống chủ nghĩa xã hội, mặt khác từng bước cải tạo xã hội cũ, xây dựng xã hội mới." Hết trích

Rõ ràng, quá độ ở Việt Nam đã trở thành một giai đoạn trường kỳ, sinh con đẻ cái, cha truyền con nối khiến con đò cách mạng như biến thành xóm nước vạn chài. Theo lối so sánh ẩn dụ này thì chừng nào chưa tới được bờ thì nhân dân phải tiếp tục ăn ngủ trên đò chẳng khác gì chài lưới trên sông, không đất cắm sào, lênh đênh số phận.

Tính về mặt khoa học thực tiễn và nôm na giải thích cho dễ hiểu thì thời kỳ qua đò của cách mạng Việt Nam đã biến thành thờ kỳ ở luôn trên đò, ngủ đò mất rồi. Thử hỏi có ai định lên một chuyến đò qua sông mà tính luôn chuyện trồng rau, câu cá, tắm rửa phơi quần áo ngay tại giữa dòng.

Sông Hương chắc.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét