Thứ Sáu, 18 tháng 11, 2011

Lê Nguyên Hồng : Sợ biểu tình – Căn bệnh lệch lạc về tư duy chính trị!

Nguồn lenguyenhong

Tại nghị trường Quốc hội Việt Nam hôm nay - 17/11/2011 - đã nổ ra một cuộc đấu lý khá căng thẳng giữa một mình ông Dương Trung Quốc và rất đông các ông bà nghị là đảng viên Đảng Cộng Sản (ĐCS) đương chức đương quyền khác, về vấn đề có nên xây dựng Luật biểu tình hay không.

Đáng kể phải kể đến phát biểu của ông Hoàng Hữu Phước – đại biểu thuộc khu vực Sài Gòn – nêu ý kiến "đề nghị Quốc hội loại bỏ luật lập hội và Luật biểu tình khỏi danh sách dự án luật". Đây chính là những phát biểu xuất phát từ căn bệnh "Sợ biểu tình". Vậy biểu tình có đáng sợ cho nhà cầm quyền hay không? Nhân dân có cần nó hay không? Người đấu tranh có nhờ nó mà lật đổ được một thể chế chính trị hay không? Chúng ta sẽ tìm hiểu ở phần cuối bài viết này…

Vẫn biết nghị trường Quốc hội từ mấy chục năm nay chỉ là nơi để cho các đảng viên ĐCS tự nhận về chuyện họ "đại diện cho nhân dân" diễn trò. Nhưng dù sao, một vài khóa Quốc hội gần đây, trong số họ -  dù là vô cùng ít - cũng còn có một vài người dám nhìn vào sự thật như các ông Nguyễn Minh Thuyết, Nguyễn Lân Dũng, Dương Trung Quốc vv…  

Nhắc đến ông Phước, chúng ta cũng nên điểm sơ qua về tiểu sử cá nhân của ông nghị mới toanh này: Ông  Hoàng Hữu Phước quê Nam Định, là tổng giám đốc công ty thương nghiệp Mỹ Á – Sài Gòn, cựu giảng viên tiếng Anh tại Trường cao Đẳng Sư phạm Sài Gòn. Hèn gì mà ông Phước đã lấy câu tiếng Anh "demonstration" để diễn giải thuật ngữ "biểu tình" tiếng Việt…

Tuy chỉ biết vài câu xã giao tiếng Anh, nhưng người viết bài này đã xin ý kiến của một chuyên gia tiếng Anh, và được trả lời là, chuyện chuyển ngữ giữa các ngôn ngữ rất ước lệ. Bản thân từ "demonstration" có nhiều nghĩa, là "sự thể hiện, sự biểu hiện", "sự chứng minh, thuyết minh", "cuộc biểu tình, cuộc biểu tình tuần hành, cuộc biểu dương lực lượng", "cuộc thao diễn" (quân sự). Vậy là người Việt, tốt nhất ta cứ hiểu theo nghĩa tiếng Việt, "biểu tình" nghĩa là công khai biểu lộ, cùng thể hiện tình cảm (yêu, ghét - ủng hộ, chống đối) về một việc, một điều gì đó, do một nhóm  người không hạn chế về số lượng, tham gia tự phát hoặc có tổ chức. Vậy là đủ! Dùng tiếng Anh trong trường hợp này là hành vi cố tình bóp méo tiếng Việt…

Theo ông Phước, điều mà nước ta (VN) đang cần là "những quy định về đức tin, về tuần hành đông người". Đây lại thể hiện một tư duy phi chính trị của ông Phước. "Những quy định về đức tin" là thuật ngữ chỉ dành cho các tôn giáo hoặc vấn đề tâm linh nói chung. Nói đến chính trị người ta nói đến lý tưởng hoặc niềm tin, chứ không bao giờ dùng chữ "đức tin". "Tuần hành đông người" chỉ là một cuộc di chuyển của một lượng đông, hoặc rất đông người tham gia. Trong một phạm vi nào đó thì "tuần hành" chỉ là một hình thức của biểu tình mà thôi. Nhưng trên thực tế có rất nhiều cuộc tuần hành không hề mang tính chất biểu tình.  

Tiếp theo ông Phước khẳng định: "Nếu lấy ý kiến người dân, đa số sẽ không ủng hộ Luật biểu tình, vì bản chất dễ bị tổn thương và dễ gây ra biến loạn". Câu này cũng lại phi chính trị nốt, và còn có thể là căn bệnh Duy ý chí nữa, vì chưa hề có một cuộc "lấy ý kiến người dân" nào mà ông nghị Hoàng Hữu Phước đã dám nói chắc như… cục gạch, rằng "đa số sẽ không ủng hộ". Ông cũng không giải thích được "bản chất dễ bị tổn thương" là gì, và "dễ gây ra biến loạn" vì lý do gì? Nếu trong một cuộc biểu tình nội dung nhằm ủng hộ chính sách của nhà nước cầm quyền chẳng hạn, thì có thể "dễ bị tổn thương" và "dễ gây ra biến loạn" hay không?

Cuối cùng ông Phước kết luận là "biểu tình hầu hết đều biến thành bạo loạn và làm ô danh đất nước", sau những bằng chứng "hùng hồn" về các cuộc biểu tình ở Anh và Mỹ gần đây. Xin được phản biện một câu rằng: Pháp luật của bất kỳ một nước nào cũng không thể loại trừ được mọi hành động phạm pháp, nó chỉ xuất hiện để điều chỉnh hành vi, sau khi hoặc trong khi tội ác diễn ra mà thôi. Trên thực tế, các hành vi phạm tội ngoài xã hội còn có quy mô lớn hơn những hành động manh động của một vài người biểu tình qúa khích mất tự chủ rất nhiều. Đó là còn chưa kể đến bàn tay phá họai của những kẻ giấu mặt trà trộn vào đoàn biểu tình để thủ tiêu không khí ôn hòa trước đó…

Để chốt lại vấn đề, ông Phước cho rằng " Việt Nam chưa phải là một cường quốc để đài thọ cho sự ô danh". Câu này ông ám chỉ Hoa Kỳ và Anh Quốc, đó là quyền của ông. Nhưng nếu biểu tình là ô danh thì hàng ngàn những cuộc biểu tình từ ngày 2/9/1945 đến nay trên khắp cả nước, do nhà nước cầm quyền tổ chức, mà đại diện là các cơ quan đoàn thể của ĐCS, đều là sự ô danh hết cả hay sao? Ấy là chưa kể đến hàng chục cuộc xuống đường của phật tử, học sinh sinh viên, tiểu thương Miền Nam trước năm 1975 đòi chế độ Việt Nam Cộng Hòa phải thực hiện nhiều yêu sách, mà đứng đằng sau những cuộc biểu tình đó toàn là các cán binh Miền Bắc (VNCH gọi là "cán binh Việt Cộng"). Vậy theo cách hiểu (cũng lại phi chính trị nữa) của ông Phước, đó đều là những sự ô danh?!

Chân dung của sự sợ hãi!

Tạm gác lại chuyện bàn biện đến những phát biểu lệch lạc về tư duy chính trị của ông Phước, ta trở lại vấn đề biểu tình có đáng sợ cho nhà cầm quyền hay không? Nhân dân có cần nó hay không? Người đấu tranh có nhờ nó mà lật đổ được một thể chế chính trị hay không?

Biểu tình luôn có hai mục tiêu rõ ràng: Ủng hộ hoặc chống đối. Về phần ủng hộ thì khỏi cần bàn nhiều vì đó là chuyện xuôi chiều. Ở vế ngược lại, sự chống đối cũng chia thành hai loại hình: Biểu tình bất bạo động và biểu tình từ bất bạo động chuyển sang bạo động (không có biểu tình bạo động, vì một cuộc bạo động ngay từ ban đầu thì phải gọi là một cuộc chiến).

Một cuộc biểu tình chỉ trở thành bạo loạn khi người biểu tình mất kiên nhẫn hoặc bị kích động. Khi đó họ chẳng có gì gọi là vũ khí mạnh trong tay, ngoài đất đá, gậy gộc. Điều này rất thú vị cho nhà cầm quyền trong khi họ đang nóng lòng chờ cơ hội ra tay bắn giết, bắt bớ, để loại bỏ hẳn những thành phần chống đối. Loại biểu tình ấy không đáng sợ, một khi nhà cầm quyền có cảnh sát và quân đội trong tay với vũ khí, khí tài vượt trội.

Một cuộc biểu tình ôn hòa kéo dài nhiều ngày, thậm chí nhiều tháng không thể xảy ra ở Việt Nam trong bối cảnh hiện nay, vì đơn giản là họ không có kinh phí nuôi dưỡng. Một cuộc tập trung đông người kéo dài sẽ cần đến ngoài cơm ăn nước uống thì còn phải kèm theo các dịch vụ công cộng như: Lếu bạt, khu vệ sinh, cùng nhiều dịch vụ hàng ngày khác, nhất là khâu y tế. Những chuyện đó nếu không có tài trợ thì không có gì để nói thêm. Như vậy không có gì phải sợ.

Ngay cả khi một cuộc biểu tình kéo dài giống như tại Thái Lan năm 2008 và 2010; nếu tính thiệt hại về kinh tế thì chỉ có các đại gia hậu thuẫn cho các cuộc biểu tình là hao tổn tiền bạc. Còn những hệ lụy như ảnh hưởng đến phát triển kinh tế, trật tự xã hội thì chính người dân là thiệt thòi nhiều, nhà cầm quyền không thiệt hại gì lớn. Mặc dù trong một phạm vi nào đó, nó có thể tạo được những áp lực nhất định, nhưng không thể vượt ra ngoài khuôn khổ pháp luật. Như vậy cũng không có gì phải sợ.

Một hay nhiều cuộc biểu tình có thể lật đổ được một thể chế chính trị hay không? Câu trả lời chính xác ngay là: Không! Nếu đơn giản tiến hành các cuộc biểu tình mà lật đổ được chế độ thì cuộc biểu tình gồm hơn 250 ngàn người Da đen tại Washinghton năm 1963 do mục sư Martin Luther King lãnh đạo đã lật đổ được chính phủ Hoa Kỳ lúc đó.

 Nếu biểu tình mà thay đổi được chế độ Cộng Sản ở Ba Lan thì nhân dân Ba Lan, với sự tiên phong của Công Đoàn Đoàn Kết, do Lech Wanlesa lãnh đạo đã không phải mất gần trọn 10 năm mới giải tán được chế độ Cộng Sản. Và cũng phải bằng một cuộc tổng tuyển cử, chứ không hề có một cuộc biến loạn nào.

Nếu biểu tình mà lật đổ được chế độ Độc tài khát máu của Pino Chet tại Chi Lê thì nhân dân - nhất là công nhân các mỏ Đồng ở Chi Lê - đã không hao tổn biết bao sức người sức của (kể cả hoạt động chiến tranh võ trang du kích), và rồi cuối cùng Pino Chet cũng chỉ chịu nhường bước trước một cuộc tổng tuyển cử trong hòa bình mà thôi.

Hãy nhìn Liên Xô – từng là thành trì của phe Xã Hội Chủ Nghĩa – họ sụp đổ theo cách nào? Không hề bằng những cuộc biểu tình…

Hãy nhìn vào "Mùa xuân Ả Rập" xem nước nào đã lật đổ được chế độ Độc tài bằng biểu tình? Ai Cập ư? Không đâu! Ai Cập sụp đổ là do quân đội và cảnh sát đã chán ghét chế độ, họ không nghe lời chính phủ nữa, và chính Mubarak cũng đánh mất lòng tin của nội các, dẫn đến chia rẽ nội bộ. Bản thân ông Mubarak đã lên đài truyền hinh tuyên bố hôm 3/2/2011 rằng "đã chán ngấy quyền lực", tiếp đến ngày 11/2/2011 ông ta tự tuyên bố từ chức. Gỉa sử nếu quân đội và cảnh sát cứ nã đạn vào những đoàn người biểu tình thì liệu chế độ của Mubarak có sụp đổ hay không? 


Nhưng mặt khác, nếu người dân Liên Xô không nỗ lực vận động, người Ba Lan không dứt khoát  đòi công bằng, người dân các nước Đông Âu không đồng loạt đứng lên đấu tranh ôn hòa, người dân Chi Lê không biểu tình và phát động chiến tranh du kích, người Ai Cập không làm cách mạng Hoa Lài, thì nhà cầm quyền Độc tài không bao giờ chấp nhận chia xẻ, hoặc trao trả quyền lực cho nhân dân, họ không bao giờ chấp nhận những cuộc tổng tuyển cử nghiêm túc và công bằng. Tương tự như vậy, nếu người dân Ấn Độ không đứng lên theo chân Grandhi. Người dân Nam Phi không áp dụng hàng trăm biện pháp đấu tranh bất bạo động nhưng cương quyết... Thử hỏi cho đến bao giờ người Anh mới chịu trao trả độc lập cho Ấn Độ và Nam Phi?  

Những người mơ hồ về chính trị (ví dụ như ông Hoàng Hữu Phước) cứ tưởng rằng biểu tình là có thể thay đổi (hay lật đổ) được chế độ độc tài. Nếu vậy thì Ghene Sharp đã chẳng phải dày công viết nên cuốn "Từ Độc tài đến Dân chủ", trong đó tổng kết hàng ngàn phương pháp đấu tranh Bất bạo động làm gì. Biểu tình chỉ là một trong vô vàn những công việc mà những người dân đối đầu bất bạo động với chế độ Độc tài cần phải làm. Kết thúc thắng lợi một chặng đường đấu tranh ôn hòa, bền bỉ và gian khó thường là một cuộc biểu tình vĩ đại, do đó người ta lầm tưởng là biểu tình có thể lật đổ được chế độ cầm quyền.

Ngoài những người như ông Hoàng Hữu Phước, vì căn bệnh lệch lạc về tư duy chính trị mà dẫn đến sự sợ hãi biểu tình, thì chính những người đấu tranh cũng đừng ảo tưởng rằng chỉ riêng biểu tình là có thể hạ bệ được chế độ độc tài. Qua phát biểu của ông Phước tại nghị trường hôm nay, một lần nữa đã cho thấy những người mượn danh là đại diện cho dân đang tiếp tục rắp tâm đánh cắp những quyền tự do căn bản của con người, nhất là quyền tự do hội họp, tự do biểu tình.

Lê Nguyên Hồng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét