Thứ Tư, 16 tháng 11, 2011

Trần Nhật Tuấn : Ngu như lợn (tưởng nhớ Nhà Văn Cao Xuân Huy : Ông Gãy Súng)

Nguồn tintuchangngay

T/g gửi tới TTHN

-

(Nhớ  Ông Gãy Súng – Nhân giỗ đầu của Nhà Văn Cao Xuân Huy)

Cao Xuân Huy sinh năm 1947 tại Bắc Ninh, Việt Nam. Ông đi lính năm 1968, là cựu Trung Úy Ðại Ðội Phó ÐÐ 4 thuộc Tiểu Ðoàn 4 Thủy quân lục chiến. Tại mặt trận Quảng Trị vào tháng 3, 1975, ông bị bắt làm tù binh và bị cầm tù 5 năm. Năm 1982 ông vượt biên và đến Mỹ năm sau đó. Năm 1985, ông in cuốn hồi ký "Tháng Ba Gãy Súng." Bốn tháng trước khi qua đời, ông Cao Xuân Huy ra mắt cuốn "Vài mẩu chuyện," do tạp chí Văn Học xuất bản.

"Tháng Ba Gãy Súng" của Cao Xuân Huy – một trong những tác phẩm hàng đầu viết về chiến tranh nhìn từ bên này, có thể đối sánh với " Nỗi buồn chiến tranh" của Bảo Ninh nhìn từ phía bên kia.

" Tháng Ba Gãy Súng" còn lại mãi với thời gian, nhưng tác giả của nó, nhà văn Cao Xuân Huy đã ra đi vào lúc 4.53 phút ngày 12 tháng 11 năm 2010.

Đông đảo bạn bè văn chương khắp hải ngoại và trong nước đã tỏ lòng thương tiếc anh. Nhà văn Trùng Dương viết  :

"Nghe tin Huy đã ra đi sau vừa đúng một ngày một số thân hữu và tôi ghé thăm. Tôi không thấy buồn, chỉ nghĩ Huy cuối cùng đã thoát – thoát khỏi những cơn đau phải cần tới moọc-phin để tấn át chúng, song trên tất cả là thoát khỏi một cuộc sống nhiều truân chuyên của một thân phận Việt Nam, không chỉ cho những người đã thoát ra hải ngoại song còn nặng ưu tư về quê hương, mà còn cho cả người ở trong nước mặc dù đã 35 năm sau chiến tranh"

Nhà văn Tưởng Năng Tiến viết :
Du` vậy ông Cao Xuân Huy vẫn viết hết lòng và trở thành một nhà văn Việt Nam lưu vong nổi tiếng ( được nhiều người yêu quý) trong suốt hai thâp niên qua, dù ông viết không nhiều . Là một độc giả của ông nên khi gặp gỡ, tôi lên tiếng phàn nàn :
" Cha nội này làm biếng chết mẹ…"
" Thì mày cũng vậy…"
…Tôi vốn ham chơi và hay thích đàn đúm . Đ…mẹ, bạn bè – khi không khi không – nó bỏ đi (ngang hông và ngang xương) như vậy thì tôi còn biết uống vói ai, và viết cho ai đọc nữa ?

http://tintuchangngay4.files.wordpress.com/2011/11/caoxuanhuy1.jpg?w=300

Nhà văn Nhật Tuấn viết  :
" Cách nay cả chục năm tôi đón Cao Xuân Huy ở sân bay Tân Sơn Nhất và đưa anh đi thăm thú ngóc ngách Sàigòn. Giữa hai chúng tôi chẳng có dấu vết gì là hai thằng lính ở hai đầu cuộc chiến. Chúng tôi uống rươụ , hát karaoke, vỗ vai vỗ đùi như hai tên lính tẩy. Chia tay Cao Xuân Huy , chẳng nói chẳng rằng, anh dúi vào túi tôi mấy tờ trăm đô mắt hoe hoe :" cầm lấy nhé!". Cả Cao Xuân Huy và tôi đều ít nói. Nhưng tôi hiểu những đau đáu trong lòng anh…Anh đã ra đi nhưng " Tháng Ba gãy Súng " thì còn lại mãi…"
—–

NGU NHƯ LỢN

(Truyện ngắn  CAO XUÂN HUY)

Lý lịch của Mạnh chuột đọc được trên tờ trích ngang:
- Họ và tên: Nguyễn Đức Mạnh
- Cấp chức sau cùng: Y Sĩ Đại Úy, Đại Đội Phó Quân Y
- Đơn vị sau cùng: Sư Đoàn Nhảy Dù
Mạnh chuột không loắt choắt như cái biệt danh "chuột" mà anh em cùng trại đã đặt, mà Mạnh chuột to lớn, vẻ to lớn của một võ sĩ hạng trung đã đấu nhiều trận trên võ đài. Không to lớn thì sức mấy mà đi được lính Nhảy Dù.

Mồm miệng Mạnh chuột cũng không chu ra như cái biệt danh lạ lùng, giống như những đồng nghiệp "lương y" đang làm cán bộ, mà phải công nhận một cách "lô gích" là Mạnh chuột đẹp trai. Không đẹp trai, sáng sủa sức mấy mà học giỏi. Bác sĩ mà. Đã là bác sĩ thì tự động phải đẹp trai. Không tin, cứ hỏi các cô thì biết. Cái khoản học giỏi, anh em trong trại không ai thắc mắc, vì ở đây, chỉ cần sức khỏe chứ không ai cần học thức. Nhưng… cán bộ đồng nghiệp thắc mắc.

Một hôm, không hiểu vì hay phát biểu linh tinh, hay vì cái vẻ ngoại hình làm ngứa mắt cán bộ đồng nghiệp trong ban y tế trại, Mạnh chuột bị gọi lên chất vấn để bổ túc thêm cho bản lý lịch.
"Anh học đến đâu?"
"Bác sĩ."
"Chúng tôi biết anh là bác sĩ rồi, nhưng anh học đến đâu?"
"Bác sĩ y khoa."

"Này, tôi không đùa đấy nhé. Anh là bác sĩ thì chúng tôi biết rồi, nhưng anh học đến lớp mấy?"
Mạnh chuột ngớ ra. Cán bộ y tế vừa để khoe và cũng vừa để giải thích thật cặn kẽ cho tên bác sĩ Ngụy ngu dốt này hiểu câu hỏi:
"Tôi biết anh là bác sĩ rồi, nhưng anh học đến lớp mấy. Như tôi cũng là bác sĩ, tôi vừa học bổ túc xong lớp sáu."

Cái sức học của Mạnh chuột, vì vậy, vẫn còn là một nghi vấn. Đẹp trai, học giỏi, con nhà giàu.
Riêng cái khoản con nhà giàu thì không biết, không ai biết ngoại trừ chính Mạnh chuột. Có lắm kẻ con nhà nghèo vẫn được thăm nuôi soành soạch, và cũng có lắm kẻ con nhà giàu, bỗng dưng trở thành "con bà phước". Mạnh chuột thuộc loại con bà phước trong trại nên cũng khó mà nói Mạnh chuột là con nhà nghèo hay con nhà giàu. Từ ngày trình diện đến giờ, chuyển qua bao nhiêu trại, có bao giờ Mạnh chuột được thăm nuôi đâu.

Tóm lại. Đẹp trai thì đúng rồi. Học giỏi, còn đang nghi ngờ. Con nhà giàu, không ai biết. Nhưng, đẹp trai, học giỏi, con nhà giàu chẳng để làm gì cả. Tất cả chẳng nói lên một tí cái gì cả, chẳng nhờ thế mà được thêm tí sắn, tí khoai nào cả. Nguyễn Đức Mạnh chỉ là một anh Y Sĩ Đại Úy Nhảy Dù bị phạt đang cong đít ra đào giếng. Hết.

Tóm lại, con người Mạnh "chuột" chẳng có gì đặc biệt cả.
*
Chỉ có một tí đặc biệt về cái biệt danh "chuột".

Để "cải thiện linh tinh" cho cái bụng, để có một chút protéin cho cái thân hình vạm vỡ lúc nào cũng thiếu "chất tươi" này, Mạnh chuột chuyển khả năng từ một anh chuyên viên chữa người sang một anh chuyên viên chăn nuôi.

Một hôm Mạnh chuột vớ được một ổ chuột con, sau khi "sơi tái" vài con, Mạnh chuột đã "đầu tư" để lại một đực một cái. Mạnh chuột đào một cái hố, có rào ngăn cẩn thận, nuôi cặp chuột "bành tổ" này để làm "kinh tế". Một thời gian không lâu, nhờ trời, bành tổ sinh "thái tổ", thái tổ sinh "thái tông", thái tông sinh thái… Ôi thôi, không biết đến tam tứ ngũ lục đời con cháu họ hàng nhà chuột. Cái hố không đủ sức chứa, Mạnh chuột bèn phát triển nghề nghiệp, nới rộng thêm hố mới đủ chỗ chứa cho nguồn cung cấp chất thịt này. Bạn bè đồng trại, nếu ai không sợ "thịt" đều được hưởng nhờ. Mà thực ra thì cũng chẳng ai sợ. Từ đó, Mạnh chuột được anh em "thân thương" đặt cho chữ "chuột" đằng sau cái tên đẹp đẽ, rất đàn ông, Mạnh.

Nhưng, đôi lúc, soi mặt vào vũng nước, Mạnh chuột cũng có cảm giác là hai má hơi hóp lại, miệng hình như có dài ra, nhòn nhọn, môi trên như có vẻ lúc nào cũng đang giựt giựt. Tuy vậy, Mạnh chuột vẫn thường hãnh diện khoe với bạn cùng trại về sự tiến bộ, thức thời của mình:
"Trước 75, người ta đầu tư chất xám thì tao đi học. Bây giờ, người ta không cần chất xám nữa, mà chỉ cần 'chất tươi'. Tao chăn nuôi để đầu tư chất tươi."

Ngoại trừ chuyện chăn nuôi, tiêu thụ và phân phối cho anh em cùng đội những con chuột còn đỏ hỏn để làm chất tươi, Mạnh chuột chẳng có gì đặc biệt. Mạnh chuột sống lẫn vào đám đông thầm lặng, đúng như lời cán bộ vẫn mắng là "nín thở qua sông". Giản dị một điều, Mạnh chuột biết mình là thằng hay bốc đồng, ưa đốp chát, không chui vào đám thầm lặng này thì, một sớm một chiều, chẳng lẽ lại chuyển "võ nghiệp" vừa bị mất cùng miền Nam sang thành "khẩu nghiệp".

Mạnh chuột đã có lần tạo được một cái cớ để giữ sự im lặng. Một "ông" công an cán bộ tuổi cũng khoảng trên dưới mười tám, đứng khoa chân múa tay dạy dỗ đám "trại viên", "thằng" trẻ nhất cũng gần ba mươi, "thằng" già thì đâu đó năm, sáu mươi tuổi, về cách giáo dục, nuôi dạy con cái trong nhà. Mạnh chuột điên lên được, nhưng, cũng may, Mạnh chuột tự tìm ra được một lý do là chính mình cũng chưa vợ con, thì làm sao "gây" với "ông" cán bộ này được.
Vậy mà, cái khẩu nghiệp đâu có tha cho Mạnh chuột, đã gọi là "nghiệp" thì làm sao mà thoát. Đã mang lấy "nghiệp" vào thân mà.

Hôm bác Tôn Đức Thắng chết, cả nước để tang, ai oán, sầu não trùm lên mọi cảnh vật, lên mọi người, nhất là các cán bộ. Vậy mà Mạnh chuột lại dám cười. Sau một ngày lao động cật lực "dâng lên bác" để tỏ lòng thương tiếc, để "biến đau thương thành hành động", Mạnh chuột đã mặt mũi hớn hở cười cười đố bạn:
"Tao đố chúng mày biết tại sao Tôn Đức Thắng chết?"
"Thì tại già…"
"Thì tại bệnh…"
"Già gì, bệnh gì…"
Mạnh chuột đảo mắt nhìn quanh, điều chỉnh âm thanh chỉ vừa đủ cho đám bạn tù đứng quanh nghe, nhại giọng Nam:
"Thằng nào 'đứt thắng' mà 'hổng chớt'."

Không hiểu sao, dứt khoát là không có "ăng ten". Lời đồn thằng này ăng ten, thằng kia ăng tên đều là láo khoét, đều là thất thiệt cả. Nhưng, không hiểu sao, ngay ngày hôm sau Mạnh chuột ta lết thẳng vào nhà biệt giam sau một trận "tự kiểm" toe người. Mặc dù Mạnh chuột nhất định không nhận tội giễu bác Tôn. Không lết sao được khi mà mặt mũi thì tím bầm, sưng húp lên, môi thì tưa máu tươi, người thì mềm như cọng bún.

Rõ ràng Mạnh chuột là một thằng không có học. Vì nếu có học, ai lại dại gì đi mua vui, chỉ được có mỗi một tiếng cười cho mấy thằng tù, để rồi được hưởng sự "khoan hồng" như thế này. Và cái sự "khoan hồng" này không biết còn kéo dài đến bao lâu.

Nhưng, chắc là không lâu, vì…

Mới qua đến ngày thứ ba, đang ngồi ngủ, dĩ nhiên là ngồi vì "nhà" biệt giam không đủ cao để Mạnh chuột đứng, và cũng không đủ dài để Mạnh chuột nằm. Đảng đã tha tội chết, và đảng chỉ tha tội chết thôi, chứ đảng không tha tội  sống, đảng phải "chuyên chính" chứ. Biệt giam khơi khơi với cái tội dám mang bác Tôn ra mà cười như vậy là nhẹ lắm rồi.

Mạnh chuột đang ngồi ngủ, thì có tiếng lách cách mở ổ khóa. Giọng của "đảng" vang lên:
"Anh Nguyễn Đức Mạnh."
Mạnh chuột thều thào qua đôi môi còn đang sưng tấy lên:
"Có."
"Đi ra."
"Chân tôi bị cùm, không đi ra được."
Ánh đèn phin cực mạnh chiếu thẳng vào mặt làm chóa mắt; có những va chạm dưới chân, Mạnh chuột biết là có người mở khóa chốt cái cùm.
"Anh theo tôi lên khung."

Chết mẹ rồi, tội này đâu phải là nhỏ. Thằng Trung Úy San bên Thủy Quân Lục Chiến chỉ vì cái tội đứng bên này hàng rào kẽm gai, khua chân múa tay cãi nhau với "đảng" ở bên kia hàng rào trước 75, vô tình bị nhận diện sau một buổi xem phim tài liệu để "học tập". Chỉ vì cái tội đó thôi mà nó còn bị vứt xác ở bìa rừng, huống hồ… Vừa đi theo tên cán bộ, Mạnh chuột vừa hồi hộp. Nửa đêm nửa hôm khuya khoắt thế này mà gọi lên khung thì thế nào cũng có chuyện, hung chắc chắn là nhiều hơn kiết rồi.

Mạnh chuột giả vờ đau chân, mà không giả vờ cũng không được, chân bị cùm ba ngày làm thế nào mà không đau cho đươc. Mạnh chuột đi khập khiễng để kéo dài thời gian, theo dõi những hành động của tên cán bộ. Hung hay kiết sẽ lộ ra trên thái độ của anh chàng cán bộ này.  Anh này tại sao hôm nay lại có vẻ hiền từ. Mặt không hầm hầm như mọi ngày, lại còn cả không hối thúc Mạnh chuột phải đi nhanh.

Vừa bước vào khung, cán bộ trực trại đã đợi sẵn, hỏi Mạnh chuột một cách "dịu dàng":
"Anh là bác sĩ, vậy thì anh có biết đỡ đẻ không?"

Mạnh chuột hoàn hồn. À ra thế. Mẹ kiếp, hóa ra là chúng mày cần đến chuyên môn của ông. Tuy không phải là bác sĩ chuyên về sản khoa, nhưng thời còn là sinh viên đi thực tập, Mạnh chuột cũng đã đỡ nhiều ca rồi. Nhưng mà, ở đây có đàn bà đâu mà đẻ với đái. Vậy thì cái gì đây? Gì thì gì, chắc chắn là không phải đi theo thằng San là tốt rồi.

"Biết chứ cán bộ. Mà ở đây, tôi có thấy phụ nữ nào đâu."
Tay cán bộ trực trại cười giả lả:
"Không phải là đỡ đẻ cho người, mà chúng tôi gọi anh lên để đỡ đẻ cho lợn."
Máu tếu Nhảy Dù chảy nhanh trong cơ thể, Mạnh chuột nghĩ ngay đến Lịnh, tay chuyên môn thiến heo trong đội.
"Nếu đỡ đẻ cho lợn thì một mình tôi không đủ đâu, tôi lại đang đau. Cần phải gọi thêm người."
Cán bộ sốt sắng hỏi:
"Anh cần thêm mấy người? Tôi cho gọi lên."
"Cán bộ gọi cho tôi anh Lịnh, ở đội tôi. Tôi với Lịnh là đủ rồi."
*
Hơi ấm từ đống lửa bập bùng trong chuồng lợn tỏa ra, Mạnh chuột và Lịnh "thiến heo" được ngồi sưởi là nhờ ơn mưa móc của con lợn sắp đẻ này.

Lịnh ngày xưa, trước khi đi lính lên đến Hạ Sĩ, chuyên sống bằng nghề thiến heo. Đúng ra, nếu không vì tính mê gái, nếu không vì muốn giựt le với cô em bán nước mía đầu đường Nguyễn Thiện Thuật, và nếu không bị lừa là cách mạng ra thông cáo học tập mười ngày cho sĩ quan cấp úy, nếu không… những tưởng sau mười ngày đi học tập cải tạo, Lịnh "thiến heo" được chính phủ cách mạng chính thức hóa được cấp bậc Thiếu Úy của mình, Lịnh "thiến heo" hăng hái đi trình diện, thì bây giờ đâu có phải là bạn cùng trại với Mạnh chuột.

"Đang ngủ ngon lành, anh lại phá tôi. Tôi có biết gì về vụ đẻ đái của mấy con heo bao giờ."
Mạnh chuột nheo nheo mắt, cười cười:
"Mày sống bằng nghề thiến heo, tức là có dính dáng đến heo rồi. Cũng như tao là bác sĩ thì tao dính dáng đến đỡ đẻ vậy mà."
Lịnh vẫn còn hậm hực:
"Vậy bộ anh muốn tôi 'thiến' con heo nái này à?"
"Không ai ngu như mày. Đỡ đẻ xong, ngày mai sẽ được nghỉ lao động, và thế nào mà không được bồi dưỡng một ít đường."
Mạnh chuột được ân xá nhờ đỡ đẻ "đạt tiêu chuẩn", một lứa tám con, không chết con nào nên được tha về đội, lại còn được nghỉ nguyên ngày hôm sau để bù lại suốt một đêm thức trắng đánh vật với lợn.
*
Đảng tha, nhưng "khẩu nghiệp" thì không tha. Mạnh chuột lại bị vạ miệng vì cái "vô học" của mình.

Thời gian này có "dịch" trốn trại. Đêm hôm trước điểm danh đủ, sáng hôm sau mở mắt ra là thiếu một vài mạng. Đảng tổ chức và lãnh đạo thành công mọi cuộc cách mạng, cho nên đảng không thể thất bại trong việc ngăn chặn chuyện trốn trại. Vận động mọi khả năng sáng tạo của đỉnh cao trí tuệ loài người, đảng nghĩ ra một cách kiểm soát tù không tốn công tốn của là bắt tù gác tù. Sau một ngày "lao động là vinh quang, trồng khoai lang là yêu nước", tù được phân công thay nhau gác… tù.

Trong một ca "đón giao thừa một phiên gác đêm", Mạnh chuột đã lỡ "vui xuân quên nhiệm vụ", gác thì lơ là mà miệng lại còn nghêu ngao hát:
Giờ đây bên sông "mai" rụng tơi bời
Giờ đây em ơi "sao" mọc lên rồi
Lòng anh tan hoang thôi vỡ "đời" ơi…

Đảng còn đang tiến hành cuộc điều tra về gốc gác bài hát, vì đây là một bản nhạc vàng đầy phản động. Tại sao cách mạng thành công, miền Nam đã được hoàn toàn giải phóng, đem lại cơm tuy chưa ngon nhưng mà no, áo tuy chưa đẹp nhưng mà ấm cho nhân dân lao động anh hùng, mà lại dám nói là "thôi vỡ đời ơi".

"Báo cáo cán bộ, đây là bài thơ cách mạng."
"Cách mạng nào, anh lại bôi bác cách mạng phải không?"
"Báo cáo cán bộ, đây là bài thơ của cán bộ cách mạng thật mà."
"Anh chỉ cho tôi xem cán bộ nào lại dám làm bài thơ phản động như thế này?"
"Bài này tên là 'Hoa rụng bên sông' của cán bộ Lưu Trọng Lư."

Trong khi chờ đợi cuộc điều tra ngã ngũ, Mạnh chuột không bị vào nhà biệt giam, vì có dây dưa đến cán bộ Lưu Trọng Lư, dù rằng cán bộ khung chẳng ai biết cán bộ Lưu Trọng Lư là cán bộ nào. Cho nên Mạnh chuột được "tại ngoại hậu tra", và đang cong đít lên mà đào giếng.
Đây là vùng đất mà chỉ có chó mới sống được một cách no đủ, vì chỉ toàn là đá với sỏi. Mỗi nhát cuốc bổ xuống là mỗi lần lửa tóe lên.

Mạnh chuột đào giếng qua đến ngày thứ hai mà mới sâu xuống được đâu ngang đầu gối. Cán bộ vệ binh luôn luôn mắng nhiếc "Anh giơ cuốc lên thì chim đậu, hạ cuốc xuống thì mối đùn". Mạnh chuột giận lắm, ở cái xứ khỉ ho cò gáy này, lấy chó đâu ra chim với mối mà đậu với đùn. Có giận thì giận, có gì thì gì, Mạnh chuột vẫn phải cuốc và vẫn phải cắn răng "ngậm miệng mà không… ăn tiền".

Nhưng cây muốn lặng mà gió chẳng ngừng, buổi chiều ngày thứ ba, khi Mạnh chuột đang lui cui vét đất dưới hố để hất lên trên, cán bộ vệ binh đến cà khịa:
"Đầu óc anh vẫn còn hướng về bọn đế quốc Mỹ nên mới bảo 'nà' cách mạng đã 'nàm' cho đời anh tan hoang."
"Đó là bài thơ của cách mạng mà, cán bộ."
"Thơ thẩn gì, anh vẫn còn tư tưởng yêu Mỹ, kính Mỹ, thương Mỹ, sợ Mỹ. Tôi 'nà' đọc được tư tưởng của anh mà."
Mạnh chuột im lặng không trả lời.
"Phát biểu thì 'ninh' tinh, 'nao' động thì trây 'nười'."
Mạnh chuột vẫn cắn răng cố nhịn, không nói. Anh cán bộ vệ binh thấy Mạnh chuột không nói, nghĩ ngay là nó đang khinh mình, tức giận quát một câu thật to:
"Anh ngu như 'nợn' ấy."

Máu Nhảy Dù dồn lên mặt, mắt đổ lửa. Sẵn tay cầm cuốc, Mạnh chuột đứng bật dậy, những tưởng phen này thế nào cũng có "máu đổ thịt rơi". Nhưng, trán Mạnh chuột chạm ngay vào mũi khẩu AK. Hơi lạnh của chất thép lan nhanh sang Mạnh chuột. Mọi động tác của Mạnh chuột như tê cóng, ngừng hẳn lại, chỉ còn ý nghĩ chạy trong đầu: "Mày ngu như lợn thật, Mạnh chuột ạ."

CXH

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét