Thứ Ba, 15 tháng 11, 2011

Trần Trung Quân : “ÔNG CỐ VẤN” VŨ NGỌC NHẠ-HỒ SƠ LẬP TỪ PHÍA BÊN KIA ( Phần 3 )

Nguồn PVĐ 
(tác giả không ghi nguồn gốc tư liệu, nên chỉ đọc tham khảo)

Ảnh: Tướng Vũ Ngọc Nhạ thứ 2 bên trái sang; Tướng Phạm Xuân Ẩn ngoài cùng bên phải...

Phải chăng người của cộng sản đứng ra làm cây cầu nối Đức cha Lê Hữu Từ với chính quyền Ngô Đình Diệm ?

Được tin Đức Cha Lê Hữu Từ ra Huế, muốn gặp người phụ tá của mình. Ông Cẩn vội vàng ra lệnh cho Lê Văn Dư lái xe đưa hắn về đi gặp Đức Cha, và chở ngay hắn về Phủ Cam sau buổi hội kiến.

Giữa gia đình họ Ngô và Đức Cha Lê Hữu Từ vốn có một mối giao tình khá đặc biệt:

Khi Việt Minh cướp chính quyền năm 1945, ông Ngô Đình Khôi, một thời làm Tổng đốc Quảng Nam, bị cộng sản giết chết. Hai anh em của ông là Ngô Đình Diệm và Ngô Đình Nhu bị cộng sản truy nã để thủ tiêu, đang tìm cách ra ngoại quốc. Đức Cha Lê Hữu Từ khi đó là Giám mục địa phận Phát Diệm, đã đón ông Nhu về đây, giấu ông Nhu ở Nhà Chung một thời gian, rồi cho người đưa trốn sang Lào.
Cho đến năm 1954, Giám mục Lê Hữu Từ ủng hộ ông Diệm lúc ban đầu, thời gian vừa lên chấp chánh, ông Diệm là người có ân tình với Đức Cha. Mỹ lại âm mưu gạt Pháp ra khỏi Việt Nam. Đức Cha Lê Hữu Từ là người có khuynh hướng cảm tình với người Pháp, không thích Mỹ, không tán thành chủ trương này. Nhưng Mỹ cứ làm.

Đức Cha vẫn cần Tổng thống Diệm, trên tư cách chánh quyền có thể giúp đỡ cựu chiến binh Phát Diệm về nhiều mặt, đặc biệt là công ăn việc làm.

Đôi bên đang đứng nhìn nhau trên hai bờ của một con sông còn thiếu một cây cầu. Và cộng sản nhảy vô làm cây cầu.

Sau khi được tấm thiếp của Đức Cha, hắn có nhiều hy vọng Đức Cha sẽ ra thăm Thuận Hóa. Chỉ có sự xuất hiện của Đức Cha mới thay đổi được hoàn cảnh của hắn ở đây. Theo sự suy luận của hắn, thì bất cứ một người giáo dân Phát Diệm nào ở vào vị trí hiện thời như hắn, cũng xứng đáng được Đức Cha lo lắng.

Nhưng khi được tin Đức Cha tới, hắn vẫn bị bất ngờ. Vì hắn không ngờ Đức Cha tới sớm như vậy.

Đây là lần đầu hắn tiếp kiến Đức Cha. Bức hình chụp với cha ở Hải Phòng, ít nhất, cũng nhắc nhở cha, người giáo dân trong quân đội Pháp đã hết lòng phục vụ đồng bào di cư và các cha có mặt tại đó. Rất có thể cha cũng tưởng hắn chính là người của Phát Diệm. Cha có hàng vạn con cái, làm sao ngài có thể nhớ mặt tất cả mọi người. Và một khi cha đã cất công ra tận đây gặp hắn, chắc ngài đã nghe cha Hoàng Quỳnh nói những điều tốt lành của hắn.

Hắn cảm thấy hoàn toàn tự tin trên con đường đến gặp Đức Cha.

Đức Cha Từ ngồi trong căn phòng khách vắng vẻ của nhà Dòng Chúa Cứu Thế. Thoáng nhìn, hắn thấy ngay Đức Cha đang nóng ruột đợi hắn.

Hắn lao vội tới quỳ gối xuống hôn tay cha, một bàn tay dù đã nhăn nheo vì tuổi tác nhưng vẫn rắn chắc và đỏ như son.

- Con khỏe chứ ?

Đức Cha hỏi bằng một giọng thân mật, ngọt ngào nhưng vẫn trang trọng.
- Trình Đức Cha, con khỏe.

Đôi mắt rớm lệ, hắn nói tiếp:
- Chắc Đức Cha vẫn chưa quên con. Con không bao giờ quên những ngày ở Thánh địa Phát Diệm với Đức Cha.

- Quên sao được! Đức Cha chăm chú nhìn hắn. So với ngày ấy thì hắn thay đổi khá nhiều.

 - Thưa Đức Cha, đã mười sáu tháng, con sống trong cảnh giam cầm. Nếu không vì quyền lợi của giáo hội, của giáo dân Phát Diệm-Bùi Chu, con đã con không chịu đựng cảnh tù túng này (nghĩa là hắn muốn nói, hắn bị tù vì là con cái của Cha Từ, chớ không hề dính líu đến cộng sản).

Cặp mắt Đức Cha chốc chốc lại nhìn hắn chăm chú. Hắn hiểu là Đức Cha đang ngầm so sánh người ngồi trước mặt với người trong bức ảnh cùng chụp với Đức Cha…

Bỗng nhiên Đức Cha đứng lên, cầm quyển Thánh Kinh tiến dần tới hắn:
- Con để tay lên Thánh Kinh, rồi cha có mấy lời nói với con.

Hắn biến sắc mặt, nhưng cố gượng bình tĩnh, quỳ dưới chân Đức Cha, bàn tay hắn dằn lên quyển Thánh Kinh.

Khuôn mặt uy nghiêm, khắc khổ của Đức Cha dần dần hiện ra:
- Con tuyên thệ trước mặt cha, một lời rằng, con không phải là người cộng sản.
- Con xin thề, nếu con là người của cộng sản, xin Chúa hãy trừng phạt con.

Đức Cha đỡ hắn lên, rồi nói:

- Đại Tá Lê Quang Tung quả quyết con là gián điệp cộng sản. Nhưng con đã thề với Chúa, con không phải là cộng sản. Cha không biết tin ai. Cha chỉ biết tin Chúa. Nếu con dối gạt cha, tội lỗi này cha sẽ gánh hết cho con.

- Con luôn luôn tâm niệm, con là người của Chúa và của Đức Cha.

Trước khi từ giã hắn, Đức Cha Từ nói:
- Cha Hoàng Quỳnh gửi lời thăm con.
- Con không bao giờ quên cha Quỳnh, không quên mình là giáo dân Phát Diệm. Con rất lo cho sức khỏe của Đức cha, Đức cha cần giữ mình vàng để chăn dắt giáo dân Phát Diệm, không để chúng con bơ vơ.
- Cha rất khỏe, cầu Chúa phù hộ cho con.

***

Buổi chiều, Lê Khắc Duyệt mới phóng xe đến kêu hắn sang gặp ông Ngô Đình Cẩn. Hắn đoán, đây là một cuộc gặp quan trọng.

Khi gặp, ông Cẩn cùng đi với hắn vào nhà và nói nhỏ:
- Ông Nhu mới ở Sài Gòn ra. Ông muốn gặp anh ngay. Anh ngồi một lát chờ ông Nhu. Ông vô vấn an Cụ cố. Ông Cẩn nói rồi quay ra.

Hắn chọn chiếc ghế quay mặt về phía ngôi nhà Cụ cố, để có thể nhìn thấy ông Nhu ngay, khi ông từ đó đi ra.

Hắn cảm thấy bàng hoàng. Gió chiều từ phía sông An Cựu thổi về lùa vào ngôi nhà họ Ngô trầm lặng, mênh mông… Hắn như người đã dốc hết sức lực leo lên một đỉnh tháp cao, đến lúc dừng lại, nhìn xuống. Hắn cảm thấy ngộp vì tình thế chênh vênh của hắn.

Tại sao ông Nhu lại ra tận Huế gặp hắn ?  Gặp ông Nhu vào thời điểm này có đem lại cho mình được nhiều mối lợi ? Hắn nghĩ rằng cơ hội đã tạo cho hắn một cái thế, mặc dầu đây chỉ là thế mượn, để trực diện với ông Nhu. Nghĩ như vậy, đầu óc hắn trở lại bình tĩnh và cảm thấy phấn chấn hơn.

Một người từ căn nhà Cụ cố đi ra. Khác hẳn với ông Cẩn, ông có tầm vóc cao hơn. Ông mặc bộ đồ len sẫm màu, chiếc áo len cổ lọ kéo lên tận mang tai. Ông Nhu đi về phía trước, hai bàn tay để giáp ngực, những ngón tay đan vào nhau. Thoạt trông như ông đang chống với cái lạnh từ luồng gió ngoài sông thổi về. Nhưng hắn lại thấy hai bàn tay ông Nhu rời nhau, bàn tay phải nắm chặt lại, đập vào bàn tay trái. Hắn biết ông Nhu đang bận tâm suy nghĩ một điều gì...

Hắn vội vàng đứng lên trong khi ông Nhu chưa kịp thấy hắn. Hắn cần phải chuẩn bị cho mình một tư thế trong những giây phút đầu tiên.

Từ xa, ông Nhu nhìn thấy hắn. Ông tiến lại như muốn thu ngắn khoảng cách. Khuôn mặt đã mang nhiều dấu nếp nhăn suy tư, hơi bị hóp lại phía dưới. Dưới cặp lông mày nằm ngang nổi lên một cặp mắt rất sắc.

Hắn vừa dừng lại, định cúi đầu chào, thì ông Ngô Đình Nhu đã bước nhanh lại chìa tay ra, siết thật chặt, đôi mắt sáng ngời, ông Nhu cất tiếng chào nồng nhiệt, cởi mở:

- Bonjour camarade! (chào bạn!).

Hai bên cầm tay nhau trao đổi những câu thăm hỏi sức khỏe bằng tiếng Pháp. Hắn nói:
- Thưa ông cố vấn, sáng nay ông cũng đã gặp Đức cha ?
- Có tôi gặp Đức Cha ít phút ở sân bay Phú Bài, chỉ trao đổi đôi lời vấn an. Cha hồng hào, khỏe mạnh, nhưng hình như cha vẫn dè dặt.
-Thưa ông cố vấn, tôi nghĩ rằng câu chuyên sẽ khá dài. Những điều tôi viết trong tường trình là rất vắn tắt, nên e rằng sẽ không giúp ích gì cho ông cố vấn. Cần phải đi sâu vào từng vấn đề, từng con người, từng chi tiết mới mong bộc bạch với ông cố vấn nhiều điều chưa có dịp nói ra.
- Très bon! (rất tốt!). Vì vậy, tôi mới cất công ra đây. Tôi đã nói với cậu Út, chiều và đêm nay anh ở đây. Anh và tôi trao đổi trước khi tôi ra máy bay. Chúng ta nói chuyện một cách thẳng thắn. Cũng cần nói trước là tôi có những điểm không đồng tình với bản nhận định của anh.

Cặp mắt đang nồng nhiệt của ông Nhu bỗng trở nên lạnh băng và đầy uy quyền:

- Em tôi không hiểu chính trị, sau này, không còn có tôi, em tôi sẽ chết vì chính trị. Cho nên đã dốc lòng tin anh. Đức Cha, ân nhân của tôi, mà anh là phụ tá của ngài. Có nhiều trở ngại khiến tôi khó xử tội anh. Nhưng trở ngại lớn nhất, hệ trọng nhất, sinh tử nhất, là người thân nhất của tôi: Tạ Đình Đề, hoạt động tình báo cho hàng ngũ Quốc Gia, vừa bị KGB phát giác. Đại diện của tôi tại miền Bắc, đồng ý đi đến một thỏa hiệp với Hồ Chí Minh không xử bắn Tạ Đình Đề, thì ở trong Nam, anh vẫn sống ung dung dưới chiếc bóng của giáo khu Phát Diệm. Tuy nhiên, thỏa hiệp chỉ có tính cách tạm thời, khi không còn có tôi nữa, sinh mạng anh, anh tự lo lấy. Và khi không còn Hồ Chí Minh nữa, tính mạng của Tạ Đình Đề được quyết định bởi đảng cộng sản.

Mồ hôi chảy từ vầng trán, rớt lộp độp xuống khuôn mặt mất máu của hắn.
Ông Ngô Đình Nhu nói tiếp:

 - Như anh đã thấy, anh em tôi chống đỡ cùng một lúc nhiều thứ: Cộng sản xâm lăng, Mỹ ép ta phải biến thành một thứ tay sai đắc lực, chống cộng theo chiều hướng mất chính nghĩa dân tộc, Pháp lăm le phá rối… Đảng phái, nếu Tổng thống không thỏa mãn chức tước, quyền lợi phe nhóm, một số bỏ theo cộng sản, một số ở lại gây chuyện tư thù với chế độ Cộng Hòa. Trước mặt tôi, anh là một cộng sản cao cấp, tính mạng anh nằm trong tay tôi, mà hoàn cảnh thì không cho phép tôi xử tử hình anh. Vậy, anh hãy xem những lời tâm sự của tôi, trên bình diện dân tộc. người cộng sản không nhìn nhận, nhưng người Quốc Gia Hữu Thần đã công nhận, sau nội thù chém giết, cái còn lại là người Việt Nam. Nhưng sau tôi, Việt Nam còn lại những gì, anh biết không ?

- Dạ thưa, nghèo đói và chậm tiến.

- Chưa đúng hẳn. Sau tôi, Việt Nam là Cộng Sản!

Hắn cố gắng để lấy lại bình tĩnh, sau khi ông Nhu đã biết hắn là ai.

Bỗng ông Nhu dằn từng tiếng:
- Hồi nào đến giờ, Tổng thống vẫn một lòng kính mến Đức Cha. Lê Quang Luật đã tách ra, đi với Đại Việt. Nguyễn Văn Châu đi hàng hai, hàng ba. Cha Quỳnh, cha Lộc cặp kè với nhóm đối lập, đòi mở rộng thành phần chánh phủ. Đó, toàn là người của Đức Cha, của Phát Diệm-Bùi Chu. Ai mở rộng chánh phủ cách mạng cho bọn xôi thịt ? Bọn chính khách xa-lông?

Nhìn thấy ông Cẩn đi vào, ông Nhu chuyển sang tiếng Pháp:
 - Chính anh, tác giả bản nhận định tình hình, anh có dụng ý gì khi trao bản đó tới tay chúng tôi , Anh định đem danh Đức Cha để áp đảo chế độ, định lập công chuộc tội, để luật pháp trả tự do cho anh và rồi anh tìm cách trốn vô khu cộng sản ?
Ông Cẩn bước lại:
- Thưa anh, em mời anh và thầy phụ tá nghỉ một lát. Cơm đã dọn dưới nhà rồi.
Hắn cố nói:
- Tôi xin ông cố vấn xét lại…
- Tôi cần anh một thái độ bình tĩnh.
- Thưa ông cố vấn, tôi đã nghĩ ra là nên biết an phận tù đày.
Ông Nhu xẵng giọng:
- Ai bắt anh tù ? Nếu anh là tù như những tù cộng sản khác, chắc chắn Đức Cha không lui tới thăm anh ? Tôi buồn phiền vì cha Hoàng Quỳnh và nhóm Lê Quang Luật cùng phe cánh làm nhiều chuyện xằng bậy. Thôi, bây giờ ta nghỉ, đi ăn cơm chiều. Buổi tối mình gặp lại.

***

Sau khi vào Sài Gòn. Trong một lần hắn được ông Nhu đưa vào phòng làm việc của ông.

Lần đầu, hắn lọt vào căn phòng này. Nó giống như một thư viện. Rất nhiều sách tiếng Pháp và tiếng Anh được sắp xếp ngăn nắp. Một chiếc tủ lớn, chia thành nhiều ngăn đều nhau, đánh dấu từ A đến Z, cánh cửa đều có khóa. Đây là tủ lưu trữ những tài liệu mật. Giữa nhà là một cái bàn lớn. Trên bàn để nhiều tập hồ sơ. Dưới ngọn đèn bàn có chao xanh, là một đống công văn, giấy tờ. Cái gạt tàn thuốc lá ắp đầy tro và những mẫu thuốc lá.

Người hắn nóng ầm lên. Những điều hắn và Cục R cần biết đều tập trung ở căn phòng này. Mọi quyết dịnh của chính thể Việt Nam Cộng Hòa hình thành ở nơi đây. Đây là một thế giới riêng của ông Nhu, không ai được xâm phạm.

Sai hết: căn phòng này ông Nhu dựng ra để đánh lừa gián điệp nội tuyến và hắn. Lừa hắn, tức lừa luôn Cục R bằng những tài liệu giả tạo, hoặc không còn cần thiết giữ tối mật nữa, hoặc giá trị đã mất đi vì đã có kế hoạch mới hay chính sách mới. Căn phòng lưu trữ tài liệu mật Quốc Gia mà hắn tưởng hốt ngon lành, sau này cộng sản Hà Nội mới biết là một văn khố ngụy trang, để đánh lạc hướng tình báo chiến lược cộng sản.

Ông Nhu trỏ chiếc ghế bành, vuốt ngược tóc lên trán, vỗ vỗ tay vào mấy cái như để lấy lại sự ổn định cân bằng trong đầu óc. Những nếp nhăn chạy dài trên vầng trán rộng ưu tư. Ông Nhu có vẻ mệt mỏi sau nhiều ngày làm việc căng thẳng. Từ sau ngày nổ ra vụ Phật giáo, ông Nhu buộc phải thay đổi thói quen ẩn dật, bắt đầu xuất hiện trước mọi người, tham dự những cuộc họp với các tướng lãnh, những cuộc họp về an ninh và những hội nghị đông người, làm nhiều việc mà ông thấy không thể ủy thác cho ai được.

Ông Nhu nhìn đống giấy tờ trên bàn, làm một động tác quen thuộc, xoa xoa hai bàn tay vào nhau, lấy những ngón tay nọ vuốt những ngón tay kia, rồi nói:
 - Cả đêm đọc bao nhiêu báo cáo, bao nhiêu nguồn tin, mà rút lại chẳng thấy gì! Báo cáo nào cũng dày cộm chẳng khác gì bản luận án. Những diễn biến mới trong nội bộ Phật giáo, nhóm Caravelle, trí thức, quân đội, tình hình cộng sản hoạt động… đều không rõ. Tổng kết không được! Nhiều việc quá, thì giờ không đủ. Tôi muốn nhờ anh đọc và tổng hợp giúp. Nói xong, ông Nhu ngã người ra chiếc ghế như đã kiệt sức.

Hắn không vồ vập, im lặng để tỏ ra nhận lời. Trong bụng mừng run, chỉ sợ ông Nhu thay đổi ý kiến. Cục R vừa ra lệnh hắn sớm báo cáo tình hình mới nhất về "Ấp Chiến Lược, tình hình chính trị, quân sự và ý đồ của Nhu". Từ nay, hắn sẽ mặc sức cung cấp và cả những bản chính.

Sau năm 1963, Cục R phát giác ra, những bản tin "bí mật quốc gia" do hắn cung cấp đều là những tài liệu do Đại Tá Lê Quang Tung đã ngụy tạo, không có giá trị và suốt thời kỳ đó, Hà Nội không nắm vững được rằng ông Nhu muốn làm những gì, sẽ làm gì trong cuộc chiến tranh chống tập đoàn cộng sản Bắc Việt. Và những chương trình ấy, cũng đã vĩnh viễn vùi chôn theo ông Ngô Đình Nhu cùng chính thể Cộng Hòa Việt Nam.
Trần Trung Quân.
Paris, 2/11/2011

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét