Thứ Sáu, 18 tháng 11, 2011

NÓNG NÓNG NÓNG: TRANH LUẬN GAY GẮT DỰ ÁN LUẬT BIỂU TÌNH

Nguồn xuandienhannom

Đại biểu Hoàng Hữu Phước (bên trái) và đại biểu Dương Trung Quốc có quan điểm trái ngược về dự án Luật Biểu tình - Ảnh: CTV.

Tranh luận gay gắt dự án Luật Biểu tình

NGUYÊN THẢO
17/11/2011 15:41 (GMT+7)

Dù được đích danh Thủ tướng đề nghị đưa vào chương trình, song dự án Luật Biểu tình đã vấp phải phản ứng khá mạnh từ không ít đại biểu  tại phiên thảo luận của Quốc hội sáng 17/11.

Tuy nhiên, ý kiến trái chiều cũng không kém phần sắc bén.

Hành lang Quốc hội trong giờ nghỉ giải lao rộn ràng hỏi đáp, bàn luận liên quan đến dự án luật mới chỉ nằm trong chương trình chuẩn bị này.

Đề nghị loại bỏ 

Ngay câu đầu tiên của bài phát biểu, đại biểu Hoàng Hữu Phước (Tp.HCM) đã "đề nghị Quốc hội loại bỏ Luật Lập hội và Luật biểu tình khỏi danh sách dự án luật suốt nhiệm kỳ Quốc hội khóa 13 này".

Lấy ví dụ từ cuộc biểu tình đầu tiên trong lịch sử loài người năm 1913 do Gandhi tổ chức nhằm phản đối Chính phủ Vương quốc Anh áp bức nhân dân Ấn Độ, đại biểu Phước cho rằng: "Điều nhất thiết phải khẳng định ở đây là ngay từ khởi thủy và cho tới tận ngày nay, biểu tình là để chống lại chính phủ nước mình hoặc chống lại một chủ trương của chính phủ nước mình".

"Như vậy, Việt Nam có cần cho biểu tình chống Chính phủ Việt Nam hay không, chống các chủ trương, chính sách, đạo luật của Chính phủ Việt Nam hay không? Nếu không cần, tại sao lại đưa vào dự án Luật Biểu tình, như thể nó là khuôn vàng, thước ngọc để đo chiều cao, chiều rộng, chiều dài, chiều sâu của cái gọi là tự do dân chủ", ông Phước nói tiếp.

Dẫn ra hàng loạt ảnh hưởng tiêu cực từ các nhóm biểu tình, ông Phước đặt vấn đề, liệu "cái gọi là quyền biểu tình ấy có lớn hơn quyền được kiếm sống của người dân, quyền được ra đời của con cái của người dân, quyền được sử dụng công lộ của người dân, quyền được mưu cầu hạnh phúc của người dân?".
 
Đại biểu Phước cũng khẳng định, đa số công dân sẽ không ủng hộ Luật Biểu tình, vì bản chất dễ bị tổn thương và dễ bị lợi dụng gây ra biến loạn. 

Với lập luận là cuộc biểu tình tháng 8 vừa qua tại Luân Đôn và lan ra một số thành phố lớn khác đã biến thành "bạo loạn, cướp bóc, đốt nhà, làm ô danh đất nước", cuộc biểu tình chiếm phố Wall đã "làm ô danh" nước Mỹ, ông Phước nhấn mạnh: "Việt Nam chưa phải là siêu cường kinh tế để có thể đài thọ cho một sự ô danh!".

Cùng quan điểm chưa cần thiết phải có luật biểu tình, một số vị đại biểu khác tán thành với ý kiến của đại biểu Phước.

Nên có càng sớm càng tốt

Gần hết 7 phút phát biểu của đại biểu Phước, đại biểu Dương Trung Quốc nhấn nút đăng ký phát biểu.

Ông nói: "Tôi muốn trao đổi ý kiến của một số đại biểu cho rằng Luật Biểu tình là chưa cần thiết. Ở Quốc hội, đã đề cập đến vấn đề gì cần nghiên cứu đến nơi đến chốn, đưa ra những bằng chứng lịch sử dở dang, ngộ nhận là hết sức nguy hiểm". 

Sau câu vào đề, đại biểu Quốc khẳng định, chúng ta đang được hưởng Ngày Quốc tế lao động là thành quả của cuộc đấu tranh của những người lao động ở Chicago (Mỹ) từ những thế kỷ trước. Chúng ta tự hào rằng trong lịch sử cách mạng Việt Nam, hạt nhân lãnh đạo là những người cộng sản biết tập hợp lực lượng quần chúng đấu tranh đòi tự do, cơm áo, hòa bình... 

Nhắc lại bản sắc lệnh số 31, ban hành chỉ 11 ngày sau khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thành lập, ông Quốc cho biết chính Chủ tịch Hồ Chí Minh đã giải thích trong bản sắc lệnh nội hàm của chữ "biểu tình", để "chúng ta thấy được phải nhận thức nó từ hai chiều".

Văn bản này viết rằng "công dân Việt Nam có quyền tự do ngôn luận, tự do xuất bản, tự do tổ chức hội họp, tự do tín ngưỡng, tự do cư trú đi lại trong nước và ra nước ngoài".

"Đúng là trong Hiến pháp năm 1946 không có chữ "biểu tình". Nhưng trong sắc lệnh của Chủ tịch Hồ Chí Minh ban hành trước đó đã giải thích, "xét vì tự do hội họp là một trong những nguyên tắc của chế độ dân chủ cộng hòa, nhưng trong tình thế đặc biệt hiện thời cần phải xem xét kiểm soát những cuộc biểu tình để tránh những sự bất trắc có thể ảnh hưởng đáng tiếc đến việc nội trị hay ngoại giao nên ra sắc lệnh này", tức là sắc lệnh về biểu tình", đại biểu Quốc phân tích.

"Nhìn biểu tình theo cả hai cách thì đó là một quyền cơ bản của người dân, đồng thời đó là một công cụ hành pháp, công cụ lập pháp để mà thực thi quyền hành pháp, còn nếu chỉ nhìn một mặt thì chỉ nhìn thấy mặt hỗn loạn của nó thôi", đại biểu Quốc nói.

Thêm một lần lấy ví dụ từ hiện tượng diễn ra ở tỉnh Thái Bình, ông Quốc cho rằng, nếu quan niệm đơn giản như đại biểu Phước thì chỉ có cách dẹp bỏ. Nhưng chính lúc đó các nhà lãnh đạo sáng suốt của Đảng đã trực tiếp đi vào tận tâm bão tìm hiểu, thì thấy hai mặt của vấn đề có những yếu tố kích động, nhưng cũng có những yếu tố thực tế, có vấn đề trong bộ máy lãnh đạo cầm quyền, vì vậy dẫn đến sự điều chỉnh một cách thích hợp. 

Cũng theo vị đại biểu này thì việc biểu tỏ thái độ của người dân là cần thiết, có nhiều hình thức khác nhau, việc tụ tập đông người - mà thực chất là biểu tình - chính bởi vì không có luật nên mới dẫn đến tình trạng hỗn loạn. 

Ông Quốc cũng thẳng thắn bày tỏ quan điểm không tán thành lạm dụng việc nhân danh nhân dân. "Tại diễn đàn Quốc hội, chúng ta hãy nhân danh cá nhân mình thôi, trừ khi chúng ta có sự ủy nhiệm, hoặc có điều tra định lượng để nói rằng người dân phản đối, người dân băn khoăn trước định lượng đó, nó dẫn đến tiêu cực xã hội".

Theo phân tích của đại biểu Quốc, thì không phải tự nhiên mà Thủ tướng Chính phủ cũng đã rất chủ động đề cập đến việc đề nghị đưa vào chương trình lập pháp dự án Luật Biểu tình.

"Chúng ta cần phải có Luật Biểu tình càng sớm càng tốt. Đương nhiên đây là luật rất nhạy cảm, khó khăn, chúng ta phải có lộ trình thích hợp, thận trọng, nhưng không vì thế mà phủ nhận để biến chúng ta thành một ốc đảo trong thế giới hiện nay", đại biểu Quốc kết thúc khi thời gian phát biểu cũng vừa hết.

Phát biểu sau đó, cả đại biểu Trương Trọng nghĩa và đại biểu Nguyễn Thanh Tùng (Bình Định) đều "đồng tình như ý kiến của đại biểu Phước".

"Đưa Luật Biểu tình này vào trong thời điểm này, theo tôi nghĩ là chưa phù hợp và phải cân nhắc hết sức kỹ lưỡng", ông Nghĩa phát biểu.

"Tôi không phản đối Luật biểu tình nhưng cần phải tính toán thời điểm nào ban hành cho nó phù hợp và trước mắt tôi đề nghị chưa đưa luật này vào trong chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội trong nhiệm kỳ khóa 13", đại biểu Tùng nói. 

Nguồn: VnEconomy.

Đọc thêm bài trên VietNamnet. Tranh luận nảy lửa về Luật biểu tình
_______________________ 


Nguyễn Xuân Diện: 

"Ngay câu đầu tiên của bài phát biểu, đại biểu Hoàng Hữu Phước (Tp.HCM) đã "đề nghị Quốc hội loại bỏ Luật Lập hội và Luật biểu tình khỏi danh sách dự án luật suốt nhiệm kỳ Quốc hội khóa 13 này".

Lấy ví dụ từ cuộc biểu tình đầu tiên trong lịch sử loài người năm 1913 do Gandhi tổ chức nhằm phản đối Chính phủ Vương quốc Anh áp bức nhân dân Ấn Độ, đại biểu Phước cho rằng: "Điều nhất thiết phải khẳng định ở đây là ngay từ khởi thủy và cho tới tận ngày nay, biểu tình là để chống lại chính phủ nước mình hoặc chống lại một chủ trương của chính phủ nước mình".

"Như vậy, Việt Nam có cần cho biểu tình chống Chính phủ Việt Nam hay không, chống các chủ trương, chính sách, đạo luật của Chính phủ Việt Nam hay không? Nếu không cần, tại sao lại đưa vào dự án Luật Biểu tình, như thể nó là khuôn vàng, thước ngọc để đo chiều cao, chiều rộng, chiều dài, chiều sâu của cái gọi là tự do dân chủ".

Một lời phát biểu chứa đầy sự ngu xuẩn, kích động và phản động!
Đề nghị chư vị cung cấp lý lịch của đại biểu Hoàng Hữu Phước để chúng ta cùng biết!


*******************************

Tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện và mọi người muốn biết thêm về Hoàng Hữu Phước thì đây, xin mời qua quechoa để tham khảo thêm về bệnh tình của ông này

Lăng Tần Hoàng Hữu Phước

NQL: Bài phát biểu của ông Hoàng Hữu Phước tại QH về luật lập hội và luật biểu tình đã gây ra một làn sóng phản đối  mạnh mẽ. Nhất định sẽ có nhiều bài viết đáp lại. Để đáp lại ông Phước phải biết ông Phước là ai. Tình cờ mình vào được emotino.com - trang web của ông Phước, đọc được các bài Tôi Và Lê Công Định,Tôi Và Cu Huy Ha Vu, Tôi Và Tổng Thống Saddam Hussein, Đa Đảngthấy rất rõ  ông này có kiến thức nhưng mắc bệnh hoang tưởng khá nặng. Mình đưa bài này lên để bà con  xét xem mình đoán vậy có đúng không?

KẾ SÁCH LIÊN HOÀNH
A- Đôi Dòng Lịch Sử
Ngày 02 tháng 8 năm 1990 Saddam Hussein xua quân tấn công Kuweit nhằm chiếm hữu vùng dầu hỏa Rumaila giải quyết thâm hụt ngân sách sau gần môt thập kỷ xung đột vũ trang với Iran dù Iraq tiếp nhận viện trợ cực kỳ dồi dào về tài chính và vũ khí từ Mỹ, Liên Xô, Anh và Pháp. Hốt hoảng trước viễn cảnh biến động giá dầu trên thế giới, 4 tháng sau Mỹ và Anh huy động lực lượng tham chiến từ 32 quốc gia với Chiến Dịch Bão Táp Sa Mạc tấn công đẩy lùi quân Iraq trở về bên kia biên giới tháng 2 năm 1991, biến Saddam Hussein từ vị thế anh hùng được Mỹ bảo trợ chống phá Iran trở thành kẻ tội đồ phải bị Mỹ tiêu diệt. Sau thời gian ngụy tạo chứng cứ (mà sau này bị Tiến Sĩ Hans Blix lật tẩy trước Ủy Ban Chilcot), tháng 12/1998 Mỹ và Anh từ Kuweit mở chiến dịch Cáo Sa Mạc bắt đầu không kích và oanh tạc tất cả các trung tâm đầu não chính phủ, căn cứ quân sự, nhà máy quân đội, và sân bay Iraq, mở đầu cho chuỗi đánh bom tàn phá Iraq suốt năm 1999 và vài năm sau đó với hàng trăm trận đánh nhằm làm kiệt quệ binh lực Saddam Hussein trước khi ra đòn cuối cùng.
Nhận thấy Mỹ chắc chắn sẽ thất bại về chiến lược trong việc tiêu diệt Saddam Hussein, dẫn đến sự tổn thương nghiêm trọng khí lực quốc gia Hoa Kỳ, khiến thúc đẩy cực nhanh quá trình trỗi dậy của một Trung Quốc hiểm họa cho Việt Nam và khu vực Đông Nam Á,  tôi từ năm 1990 đã gởi nhiều điện tín cho Saddam Hussein ở Baghdad và Đại Sứ Iraq ở Hà Nội để tư vấn kế sách Liên Hoành. (Hai nhân chứng cho những nỗ lực trong vô vọng của tôi gồm vợ tôi – người luôn than thở mỗi khi tôi lấy tiền trả tiền gởi điện tín khẩn cho Saddam Hussein tốn mỗi bức vài chỉ vàng do tôi viết rất dài và theo phong thái formal không viết tắt – và em gái út của tôi, người đã tức giận rơi nước mắt khi  nghe tin Mỹ xâm lược Iraq. Đối với em tôi, Iraq tấn công Kuweit là chuyện xích mích bình thường giữa hai quốc gia láng giềng trong cùng khu vực, chẳng dính dáng gì đến chính nghĩa hay không chính nghĩa; còn Mỹ tấn công và huy động đồng minh cùng tấn công Iraq và tuyên bố tiêu diệt tổng thống Saddam Hussein cũng như thay đổi thể chế chính trị của Iraq-Iran-Triều Tiên là chuyện xằng bậy bất thường của một đám lưu manh, hoàn toàn không có chính nghĩa. Tất nhiên, em gái tôi nghĩ đúng.) 
B- Tôi Hiến Kế Liên Hoành Cho Saddam Hussein

Việc George W. Bush ngày 29/01/2002 tuyên bố liệt Iran, Iraq và Triều Tiên thành trục liên minh ma quỷ (axis of evil) là một cơ hội bằng vàng để thực hiện kế sách Liên Hoành, hình thành một khối trục mới Neo-Axis của sức mạnh liên kết phòng thủ, tự vệ, bảo vệ sự bình an cho nhân dân các nước Neo-Axis, duy trì thăng bằng cán cân quân sự cần thiết cho thế giới, vốn khác với khối trục Đức-Ý-Nhật gây chiến tàn khốc cho nhân loại.   
1) Sứ Thần Đặc Mệnh Toàn Quyền
Để thực hiện kế Liên Hoành, việc đầu tiên phải làm – nhưng khó trở thành hiện thưc – là Saddam Hussein phải cử tôi làm Đặc Sứ Toàn Quyền Extraordinary and Plenipotentiary của Iraq để tôi có uy thế gặp Tổng Thống Mohammad Khatami và Chủ Tịch Kim Jong Il, dùng khả năng hùng biện để bảo đảm đạt được sự đồng thuận của các vị này.
2) Thuyết Phục Cựu Thù
Việc Saddam Hussein theo ý Mỹ đã gây nên cuộc chiến tranh kéo dài 8 năm với Iran suốt thập kỷ 80 của thế kỷ trước, gây thiệt hại cực kỳ nghiêm trọng cho Iran, khiến tạo mối thâm thù với nước này. Việc thuyết phục Tổng thống Iran Mohammad Khatami nhận thức và phân biệt "kẻ thù không đội trời chung" và "kẻ thù giai đoạn" không phải là chuyện đội đá vá trời, nhất là khi Mỹ không bao giờ để yên cho Iran, bất kể có Saddam Hussein hay không. Việc bắt tay với cựu thù cũng là kế tự cứu mình đối với Saddam Hussein và Mohammad Khatami.
3) Thanh Gươm Liên Đông
Mời Triều Tiên hình thành khối Neo-Axis cũng là cách cả ba nước không những giúp nhau tồn tại dài lâu mà còn giúp duy trì an ninh các khu vực khác do thế chân vạc được tạo lập, theo đó:
a- Khi Mỹ trực tiếp xâm lược hoặc gián tiếp xâm lược Iraq (hay Iran), thì Iran (hay Iraq) ở Trung Đông tấn công Israel (tránh xung đột với các quốc gia Hồi Giáo khác có quan hệ thân thiết với Mỹ như Kuwait hay Saudi Arabia), đồng thời Triều Tiên xua quân tràn qua Vĩ Tuyến 38 tấn công Hàn Quốc. Mỹ không thể dàn trải quân ở cả ba mặt trận Neo-Axis nên sẽ cân nhắc có dấn sâu vào cuộc đối đầu trực tiếp bằng quân sự đối vơi Iraq (hay Iran) không. Nếu Mỹ tiếp tục tấn công Iraq (hay Iran) thì đó là cơ hội cho Triều Tiên tấn công tổng lực tràn ngập giải phóng Nam Hàn, thống nhất đất nước.
b- Trường hợp Mỹ gây hấn trừng phạt Triều Tiên, Iraq và Iran ngay lập tức tấn công tổng lực triệt hạ Israel, với sự ủng hộ của Palestine và các quốc gia Trung Đông khác cùng có cựu thù với Israel.
c- Đồng thời, đặc sứ Neo-Axis cũng tiếp cận Washington để du thuyết nhằm giúp Mỹ nhận thức được sự tai hại đối với toàn cầu nếu Mỹ trở nên suy yếu do dấn sâu vào những cuộc xung đột vũ trang đầy thiên vị với những quốc gia có chủ quyền thay vì tập trung tài lực ngăn chặn hiệu quả mối nguy cơ tiềm tàng từ Bắc Kinh.
4) Và Lá Chắn
Khi Saddam Hussein tạm lưu chưa cho rời Badghdad hàng trăm người Mỹ và Phương Tây, tôi gởi điện khẩn cho Saddam Hussein, nói Ông cần nhớ là đang đương đầu với Bush và Blair là những người sẵn sàng dùng mọi thủ đoạn bẩn thỉu để tiêu diệt Ông và đất nước Iraq, nên nhất thiết phải lưu mấy trăm người đó lại bên trong khu vực Phủ Tổng Thống như những lá chắn sống ngăn chặn mưu đồ không kích tàn phá Baghdad. Khi nghe tin Saddam Hussein quân tử thả hết con tin, tôi gởi bức điện tín cuối cùng cho Ông, nội dung cầu Trời phù hộ Ông. Bức điện chưa chắc đã đến được tay Saddam Hussein vì vài ngày sau, tức hôm 20/3/2003, với sự hậu thuẫn của Tony Blair, Bush bắt đầu chiến dịch Tự Do Iraq xua quân tràn qua biên giới xâm lược Iraq và dùng tên lửa Tomahawk đánh phá các mục tiêu định sẵn. Baghdad thất thủ ngày 09/4/2003 sau vỏn vẹn 20 ngày cầm cự.
 C- Mệnh Trời
Phúc phận của thế giới và của Mỹ lẽ ra đã có thể khác đi nếu Saddam Hussein chịu để Lăng Tần của Việt Nam làm đặc sứ đi du thuyết thực hiện kế sách Liên Hoành Iran-Iraq-Triều Tiên thì Ông lẽ ra nay vẫn còn là Tổng Thống Iraq (đã không phải lên giảo đài ngày 30/12/2006), Mỹ lẽ ra nay vẫn còn là siêu cường quân sự (sự kiện 11/9/2001 đã không thể xảy ra) và siêu cường kinh tế (Mỹ đã không thể suy sụp dẫn đến đại suy thoái toàn cầu), và Trung Quốc lẽ ra vẫn còn là cường quốc trung bình (đã không thể trở thành đại siêu cường kinh tế soán ngôi Nhật Bản 2010) và vẫn còn là thực thể một con rồng linh vật (đã không thể trở thành con bò điên dại thè lưỡi dài liếm tận Biển Đông lãnh hải của Việt Nam, đe dọa không những toàn vùng Đông Nam Á mà còn tiềm tàng nguy cơ lấn chiếm Châu Đại Dương và thách thức sức mạnh quân sự Hoa Kỳ 2010).
Tô Tần nước Đông Chu tài cán là bao, vì kế sách Hợp Tung của y thành công ban đầu chẳng qua do sáu nước Hàn, Ngụy, Triệu, Yên, Tề, Sở đều nhỏ bé yếu hèn run sợ trước hiểm họa hung hãn Đại Tần nên nghe lời du thuyết của y, và kế sách ấy nhanh chóng bị Trương Lương nước Ngụy hiến kế Liên Hoành cho Tần Vương phá tan nát, tạo tiền đề cho Nhà Tần gồm thu thiên hạ, thống nhất Trung Hoa, di họa cho toàn nhân loại về sau.
Saddam Hussein không nghe kế sách Liên Hoành của Lăng Tần nước Việt Nam vì Ông quá mạnh do được chính siêu cường Hoa Kỳ cung cấp tài chính gây chiến trừng trị kẻ thù của Hoa Kỳ là Iran, do Ông có quân đội tinh nhuệ do Hoa Kỳ cung ứng quân trang quân dụng quân lương, do Ông quá tin vào thế lực hậu thuẫn của Liên Xô mà Ông đã k‎ý hiệp ước với họ năm 1972, do Ông tin vào thế lực của các nước Hồi Giáo trong khu vực, và đặc biệt do Ông quá tự tin vào thần uy của chính Ông. Do cả ba nước Iran, Iraq, và Triều Tiên chẳng nước nào coi Hoa Kỳ là đáng sợ nên cũng là tâm l‎ý chung bình thường khi không thấy sự cần thiết phải "liên hoành" với những kẻ cựu thù và một người dị giáo (tức không phải Hồi Giáo). Thế là từng chiếc đũa đã bị Hoa Kỳ bẻ – chiếc gãy (Iraq) chiếc cong (Iran và Triều Tiên) dù chiếc nào cũng khiến Hoa Kỳ trầy sướt và nhiễm độc sốt nặng triền miên vô phương cứu chữa.
Đó là những gì tôi đã làm như hành động kinh bang tế thế trong tư vấn cho một lãnh đạo danh nhân nhằm xoay chuyển thời cuộc và đảo chiều cuộc diện chiến tranh nhằm duy trì vị thế chiến lược cân bằng ba chân vạc gồm (a) Hoa Kỳ cùng các nước đồng minh với Hoa Kỳ, (b) các nước đối trọng của Hoa Kỳ mà điển hình là Nga và Trung Quốc, và (c) các nước "lá phiếu ân huệ" (theothuyết Ba Chân Vạc của tôi chứ không phải cái gọi là Thế Giới Thứ Ba, Những Nước Đang Phát Triển, hay Phong Trào Phi Liên Kết) mà Hoa Kỳ và các nước đối trọng với Hoa Kỳ đều phải hoặc cùng kiêng dè hoặc cùng tranh thủ (trong đó có các nước Vùng Vịnh, Việt Nam, một số nước Nam Mỹ, v.v. – còn các quốc gia khác thì tôi không xếp nhóm vì không có giá trị chiến lược trong mô hìnhBa Chân Vạc). Chỉ cần mất một chân hoặc một chân suy yếu, vạc sẽ phải đổ, và thiên hạ đại loạn. Khi Iraq, Iran, và Triều Tiên bị Hoa Kỳ dốc tiền của ra làm suy yếu thì vạc phải chao đảo, gây hại cho một trong hai chân còn lại tùy theo thế ngã của vạc mà trong trường hợp này trên thực tế thì chiếc chân bị di họa tổn thương lại chính là Hoa Kỳ, tạo thời cơ bằng vàng cho sự vượt lên nhanh hơn vũ bão không gì ngăn cản nổi của Trung Quốc.
Vì Việt Nam, vì Hoa Kỳ, vì thế giới, tôi đã dồn tiền bạc và công sức tư vấn nhằm cứu Saddam Hussein. Tiếc là chân vạc phải gãy vì sự cực kỳ tự tin của Saddam. Âu cũng là thiên định.
Vĩnh biệt Tổng Thống Saddam Hussein Abd al-Majid al-Tikriti.




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét