Thứ Sáu, 18 tháng 11, 2011

BÙI CÔNG TỰ: TÍN HIỆU BÌNH MINH MYANMA

Nguồn xuandienhannom


TÍN HIỆU BÌNH MINH MYANMA
Bùi Công Tự 

Nước Myanma mà chúng ta còn quen gọi là Miến Điện, hiện nay tên đầy đủ là Cộng hòa liên bang Myanma, diện tích 678500 km2, dân số khoảng 55 triệu, thủ đô là Naypidow. Tổng thống đương nhiệm là ông Thein Sein.

Hồi đầu năm nay, khi cuộc cách mạng "mùa xuân Ả Rập" làm sụp đổ chính quyền độc tài của các nước Ai Cập và Tuynidi, giới quan sát đã đặt ra câu hỏi: Liệu các cuộc nổi dậy đó có lan sang châu Á? Và quốc gia được ám chỉ đầu tiên là Myanma vì Myanma có "thâm niên" nửa thế kỷ bị thống trị bởi một thể chế độc tài quân sự khét tiếng phi dân chủ, bị thế giới chỉ trích, bị Mỹ và phương Tây cấm vận.

Nhưng dự đoán trên của các nhà quan sát đến giờ phút này có thể nói là đã không xảy ra với "đất nước chùa Vàng". Điều gì đã cứu vãn?

Chắc các bạn đều biết, đó là do có một tiến trình dân chủ hóa đã được khởi động ở Myanma làm cả thế giới ngạc nhiên, nói như nhà báo Huỳnh Ngọc Chênh là "Myanma đi về phía ánh sáng".

Tại Việt Nam, truyền thông có đưa tin về những thay đổi trong chính sách của chính quyền Myanma nhưng ngay cả những tờ báo lớn cũng không thấy có bài phân tích bình luận. Người đọc có được nhiều thông tin từ các đài báo quốc tế như BBC, RFA, RFI, VOA, …

Liên Hiệp Quốc, Mỹ và Liên minh châu Âu EU đã lên tiếng ca ngợi những chuyển biến chính trị diễn ra ở Myanma, cử nhiều đoàn công tác tới nước này và mong muốn được hỗ trợ cho động lực thay đổi đó.

Một cố vấn đặc biệt của TTK LHQ Ban Ki Moon vừa đến thăm Myanma phát biểu: "Liên hiệp Quốc được khích lệ bởi những cải cách được thực hiện trong những tháng qua của tổng thống Thein Sein cũng như những nỗ lực đáng kể tiến tới đối thoại và hòa giải quốc gia ở Myanma".

Để câu chuyện về Myanma có chiều sâu, trước khi bàn đến những vấn đề thời sự, tôi muốn chúng ta tìm hiểu đội nét về lịch sử đất nước này.

Lịch sử lập quốc của Myanma có thể kể từ năm 900 TCN. Lúc đầu là nhiều vương quốc cát cứ sau hợp nhất lại thành vương quốc phong kiến lớn. TK XIII bị đế quốc Mông Cổ xâm lược, TK XVIII bị Trung Quốc 4 lần đánh chiếm (nhưng đều bị Myanma đánh bại). Từ giữa TK XIX đến năm 1947 Myanma là thuộc địa của vương quốc Anh (cùng với Ấn Độ). Tháng 4-1948 tuyên bố độc lập.

Thời kỳ 1948-1962 là 14 năm tươi đẹp dưới thể chế dân chủ, Myanma có vị thế trên trường quốc tế, nhờ đó một đại sứ của nước này tại LHQ là ông Uthan được bầu làm TTK LHQ năm 1961. Ông Uthan đảm nhiệm cương vị đó trong 10 năm, là người châu Á đầu tiên lãnh đạo tổ chức quốc tế lớn nhất này.

Rất tiếc là nền dân chủ của Myanma bị kết thúc bởi một cuộc đảo chính quân sự vào năm 1962. Cũng từ đó giới quân sự nắm giữ mọi quyền lực từ trung ương đến địa phương, đàn áp dã man phong trào dân chủ, đưa đất nước họ vào thảm họa đói nghèo và bất công.

Từ năm 1962 đến năm 1988 chính quyền do thống tướng Newin cầm đầu, tuyên bố theo đường lối XHCN, đặt quốc hiệu là CHXHCN Liên bang Myanma. Năm 1988 nhiều cuộc nổi dậy của dân chúng đòi lật đổ chế độ độc tài. Mặc dù cuộc biểu tình ngày 8-8-1988 bị đàn áp đẫm máu, hàng trăm người bị sát hại nhưng cũng buộc độc tài Newin phải thoái vị.

Đến năm 1990 sau gần 30 năm mới có một cuộc tuyển cử. Tổ chức đối lập mang tên phong trào dân chủ toàn quốc của bà Aung San Suu Kyi thắng lớn xong không được chính quyền quân sự công nhận, bà San Suu Kyi bị cầm tù.

Đến năm 1992 chính quyền vào tay một nhà độc tài khác là thống tướng Than Swe. Độc tài Than Swe cũng phản dân chủ không khác gì độc tài Newin trước đó. Bằng chứng là bà San Suu Kyi bị Than Swe giam giữ suốt 15 năm. Một ví dụ nữa là ông Zarragar – một nghệ sĩ hài kịch chỉ vì đã lên tiếng chỉ trích chính phủ chậm trễ trong việc ứng phó với cơn bão Nargis năm 2008 làm chết và mất tích 138000 người mà ông đã bị kết án tới 59 năm tù giam.

Nhà dân chủ Nobel hòa bình (1991) Aung San Suu Kyi sinh năm 1945 là con gái một viên tướng Myanma nổi tiếng thời chống Nhật (Thế chiến II). Bà tốt nghiệp cử nhân triết học, chính trị và kinh tế tại ĐH Oxford (Anh) cuối thập niên 1960, có thời gian làm thư ký tại văn phòng LHQ (dưới thời ông Uthan). Chồng bà là một nhà nghiên cứu lịch sử văn hóa người Anh. Bà cũng là nhà báo, nhà văn, dịch giả.

Năm 1988 Aung San Suu Kyi bắt đầu hoạt động chính trị, làm TTK phong trào dân chủ toàn quốc, chủ trương bất bạo động. Tháng 4-1989 trong một cuộc biểu tình bà San Suu Kyi đã can đảm bước thẳng tới trước những họng súng của quân đội đang chĩa vào bà. Sau đó bà bị giam lỏng tại gia, không có kết án. Đến ngày 18-11-2010 bà được trả tự do.

Việc chính quyền Myanma giam giữ bà San Suu Kyi bị cả thế giới phản đối. TTK LHQ, hội đồng bảo an LHQ, hiệp hội ASEAN và nhiều quốc gia lên tiếng nhưng chính quyền Myanma cho rằng đó là việc nội bộ nước họ.

Tuy bị giam giữ nhưng bà Aung San Suu Kyi vẫn có mối quan hệ tinh thần với các phong trào dân chủ và nhân dân Myanma. Ngày 14-11-2011 báo chí đưa tin có thể sắp tới đây bà sẽ ra tranh cử trong một cuộc bầu cử bổ sung 40 đại biểu quốc hội.

Về tình hình Myanma mấy chục năm gần đây phải nói đến vai trò của Trung Quốc. Trung Quốc là nước ủng hộ mạnh mẽ nhất đối với chính quyền độc tài quân sự Myanma. Trong bối cảnh bị Mỹ và các nước phương Tây phong tỏa cấm vận, sự ủng hộ về chính trị và kinh tế của Trung Quốc là nguồn quan trọng để chính quyền quân sự Myanma duy trì quyền lực. Cũng nhờ đó mà Trung Quốc có lợi ích to lớn tại nước này.

Đúng là lịch sử có những bước nhảy kì lạ. Thế giới năm 2011 này đã ngạc nhiên khi thấy một nước Myanma gần như xa lạ với văn minh hiện đại và nằm trong số nước trường kỳ vi phạm nhân quyền lại có thể bước những bước chân êm ái lên con đường dân chủ.

Các sự kiện diễn ra như sau:

Ngày 7-11-2010 bầu cử quốc hội có quốc tế quan sát với 37 chính đảng tham gia, 3071 ứng viên tranh 1000 ghế nghị sĩ. Cuộc bầu cử này đã được quốc tế công nhận là tương đối dân chủ.

Ngày 3-2-2011 Quốc hội bầu tổng thống, có 5 ứng viên, tướng về hưu Thein Sein đã trở thành tổng thống dân sự sau ngót 50 năm giới quân sự nắm quyền.

Ngày 4-2-2011 thống tướng Than Swe từ chức chủ tịch hội đồng hòa bình và phát triển Liên bang.

Tháng 3-2011 ban lãnh đạo quân sự chính thức bị giải thể. Một chính phủ mới gần như là dân sự được thành lập do ông Thein Sein đứng đầu.

Chỉ sau vài tháng lãnh đạo, Tổng thống Thein Sein đã tỏ rõ lập trường cứng rắn chống tham nhũng, nhấn mạnh đến tính cấp bách hòa giải dân tộc. Ông đã bổ nhiệm các nhà kỹ trị và doanh nhân vào các cương vị chiến lược, đồng thời mời những người sống lưu vong trở về tham gia xây dựng đất nước. Đặc biệt ông đã tiến hành thương lượng hòa bình và giải tán được các nhóm vũ trang gây xung đột (sát nhập hàng nghìn tay súng của lực lượng này vào quân đội quốc gia, hỗ trợ kinh tế cho những người còn lại trở về với gia đình).

Đáng chú ý là ngay sau khi nhậm chức, Tổng thống Thein Sein đã gặp gỡ đối thoại với bà Aung San Suu Kyi.

Hiện nay chính phủ mới của Myanma đã cho phép các đảng phái đối lập hoạt động, cho phép thành lập đảng phái mới và các tổ chức phi chính phủ. Giảm bớt kiểm duyệt báo chí và xuất bản. Đề xuất nhiều dự án luật mới. Ban hành chính sách chống nghèo khổ, giảm thuế, tự do thương mại, …

Gần đây có hai sự kiện đặc biệt:

Một là, ngày 30-9-2011 tổng thống Thein Sein đột ngột tuyên bố đình chỉ dự án đập thủy điện Myinsone trị giá 3,6 tỷ USD do Trung Quốc tài trợ. Dự án này dự định sau khi hoàn thành sẽ bán 90% sản lượng điện cho tỉnh Vân nam. Tổng thống đã nói rằng chính phủ có bổn phận "tôn trọng nguyện vọng của nhân dân" vì dư luận Myanma và cả quốc tế kịch liệt phản đối dự án có nguy cơ tác hại lớn tới môi trường này.

Hai là, trong tháng 10-2011 chính phủ Myanma đã phóng thích 6369 tù nhân trong đó có 200 tù nhân chính trị. Một trong những người được ân xá là nghệ sĩ Zarragar người bị kết án 59 năm tù năm 2008. Theo báo chí nước ngoài hiện Myanma có 2000 tù chính trị. Ngày 14-11-2011 chính phủ thông báo sẽ tiếp tục trả tự do cho tù nhân chính trị trong thời gian tới.

Tuy nhiên hiện tại vẫn còn nhiều người hoài nghi tiến trình dân chủ hóa ở Myanma. Họ cho rằng rất có thể đây chỉ là lá bài dân chủ giả hiệu vì thế lực quân sự không dễ dàng từ bỏ độc quyền một cách dễ dàng như thế? Biết đâu kẻ cầm quyền thật sự vẫn là các tướng lãnh ở hậu trường?

Dư luận chung là đã nhận thấy những tín hiệu lạc quan. Có bình luận cho rằng Myanma muốn thoát ra khỏi Trung Quốc  và muốn đến gần với các quốc gia phương Tây dân chủ.

Tôi cho rằng tiến trình dân chủ hóa của Myanma dù mới ở những bước đi đầu tiên cũng có ý nghĩa lớn không chỉ với nước bạn mà với cả khu vực. Nó góp phần thúc đẩy, lay động, thức tỉnh các thể chế độc tài đang còn hoang tưởng là bền vững. Nó gửi thông điệp đến các quốc gia chưa có nên dân chủ rằng nếu muốn tránh một sự đổ vỡ thì có một con đường là những người cầm quyền biết dẹp bỏ những tham lam cá nhân ích kỷ, thay đổi theo con đường dân chủ, hòa giải dân tộc, đáp ứng những nguyện vọng chính đáng, những quyền lợi cơ bản cốt tử của nhân dân, quy tụ nhân tài, tập hợp sức mạnh toàn dân tộc xây dựng và bảo vệ tổ quốc.

Mới đây tôi đọc một bài báo trên mạng thấy nói rằng người nước ngoài họ nhận xét người mình tham lam. Đã tham lam thì dễ gì từ bỏ quyền lực trừ khi quyền lực trong tay bạn, bạn đọc yêu mến của tôi.

TPHCM 16-11-2011.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét