Thứ Hai, 18 tháng 6, 2012

Đàm Mai Đạo – Tôi ủng hộ Phong Trào Con Đường Việt Nam

Nguồn danluan

Xét theo Hiến pháp hiện hành tại điều 53 có ghi:

Công dân có quyền tham gia quản lý Nhà nước và xã hội, tham gia thảo luận các vấn đề chung của cả nước và địa phương, kiến nghị với cơ quan Nhà nước, biểu quyết khi Nhà nước tổ chức trưng cầu ý dân.

Do vậy, tôi xin được tham gia bàn luận "Phong Trào Con Đường Việt Nam" (gọi tắt PTCĐVN).

Chỉ trong một tuần, kể từ khi ông Lê Thăng Long cùng cộng sự phát động PTCĐVN đã tác động mạnh mẽ, trước hết tới cộng đồng mạng và đang lan truyền nhanh hơn, rộng hơn trong đời sống thực tế hàng ngày. Tôi đánh giá đây là thành công bước đầu trong công tác quảng bá phong trào dân sự.

Xem chi tiết mục đích tôn chỉ của PTCĐVN, tôi nhận thấy:

- Phong trào kêu gọi người dân tự tin để hiểu về Quyền Con Người và thực hành các quyền của mình một cách chủ động, dứt khoát nhưng ôn hòa.

- Lời văn nhẹ nhàng, không hề khuyến khích bạo lực, lại càng không có tính chất gây chia rẽ dân tộc, nội dung của phong trào thể hiện tấm lòng vì dân vì nước.

- Mục tiêu của PTCĐVN nhấn mạnh như là một hội được lập ra KHÔNG nhằm tranh chấp hay tìm kiếm việc nắm quyền điều hành đất nước mà là tổ chức khơi gợi, quảng bá cho dân, cũng như hỗ trợ cho người dân sử dụng Quyền Con Người phù hợp với pháp lý để bảo vệ và nâng cao vai trò làm chủ xã hội, song song kêu gọi giới báo chí hành động cho [v]à vì tự do ngôn luận. Đây cũng là tổ chức tập hợp mang chất tự nguyện.

- Đặc biệt, xét trên Hiến pháp và Luật pháp Việt Nam cũng như Công ước Quốc tế về Quyền dân sự và chính trị mà Việt Nam đã ký kết; tôn chỉ, mục đích của PTCĐVN không có biểu hiện gì vi phạm.

Qua đó có thể kết luận, PTCĐVN lành mạnh về nội dung. Điều cần nhấn mạnh, danh sách khách mời là cho việc"SÁNG LẬP" PTCĐVN, nghĩa là chưa chính thức đi vào hoạt động cho đến khi có đủ nhân sự tham gia vào việc sáng lập. Có lẽ, những người khởi xướng không nghĩ cần có đủ mặt toàn bộ 244 người. Các lời từ chối được xem như bộ lọc hữu hiệu giúp những người khởi xướng tìm được những người thực sự quan tâm đến Tổ Quốc, những người mà trong tâm không dung chứa sự đố kỵ và kèn cựa dù chỉ với cái danh mà cạnh đó đánh đổi nhiều thứ và hy sinh nhiều thời gian cá nhân cũng như chấp nhận những rủi ro có thể xảy ra, đặc biệt những người trong nước.

Với tư duy nhìn xa trông rộng của nhóm bạn hữu Lê Thăng Long, Trần Huỳnh Duy Thức, Lê Công Định, chắc hẳn các anh cũng không ảo tưởng càng đông đúc càng hay như một "hội nghị thành công tốt đẹp" như chúng ta thường thấy. Đây là công việc nghiêm túc chỉ dành cho người thật sự ưu tư với Tổ Quốc. "Đông tay thì vỗ nên kêu", chỉ khi nào việc sáng lập coi như hoàn tất và đi vào hoạt động chính thức. Còn khá sớm cho kết luận nào đó, bởi PTCĐVN không mang chất liên hoan, hội hè nhất thời.

Điều gây tranh luận gay gắt chính là cách tiến hành kêu gọi với thời gian bị cho là vội vã, người khác thì nghĩ rằng phi thường khi ông Lê Thăng Long vừa ra tù chỉ sau một tuần. Đó là cách dễ làm nhiều người nghi ngại, vì lâu nay, các tù nhân chính trị ra tù thường im hơi lặng tiếng sau thời gian dài với những việc làm nhẹ nhàng như BS. Phạm Hồng Sơn tham gia với Blog Pro&Contra của Nhà Văn Phạm Thị Hoài, hay LS. Lê Thị Công Nhân khá kín tiếng với gia đình riêng, hoặc Doanh nhân Nguyễn Bắc Truyển, LS. Nguyễn Văn Đài lặng lẽ với hoạt động hỗ trợ kinh tế khó khăn cho các bạn tù và thân nhân của họ cùng nhiều cựu tù nhân khác hầu như không nghe hoạt động, như: BS. Lê Nguyên Sang, anh Ngô Duy Quỳnh, anh Phạm Bá Hải, anh Huỳnh Nguyên Đạo v.v…

Điều cũng gây sôi nổi dư luận đang nghiêng về danh sách khách được mời. Đi sâu vào nội dung mục đích, tôn chỉ và hoạt động tương lai, có lẽ khoa học và duy lý hơn khi đặt mối tương quan giữa PTCĐVN với tình hình chính trị – xã hội – kinh tế – quốc phòng – ngoại giao hiện nay không được sáng sủa cho lắm, là việc nên nghiên cứu thay vì đả kích vội vã và có phần hốt hoảng từ một số khách được mời tham gia SÁNG LẬP.

Thành phần khách mời phong phú, không phân biệt chính kiến, địa vị, học vấn, vùng miền và đặc biệt trong đó có những quan chức cao cấp của ĐCSVN đã nghỉ hưu hay còn tại vị. Tính cho đến nay, có khoảng 6% – 7% trên tổng số 244 khách mời đã từ chối tham gia.

Một hướng dư luận không đồng tình với một số khách được mời, không phải lý do họ từ chối mà vì thái độ từ chối của họ, tỏ ra khiếm nhã, dù đó là Nhà văn Nguyễn Quang Lập, Nhà thơ – Nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo hay Nhà thơ Thanh Thảo cho đến GS Ngô Đức Thọ, KTS. Trần Thanh Vân.

Xu hướng của luồng dư luận này phản bác vì cho rằng những vị này chưa đọc hay không hề đọc tới tôn chỉ, mục đích PTCĐVN đã vội dùng những lời nặng tai, khó nghe để mạt sát vô căn cứ và kết luận là những vị này sợ bị liên lụy, rắc rối trong đời sống cá nhân với chính quyền, cũng như một số thất vọng khi bấy lâu nay hoạt động của những vị này được đánh giá cao, nay tự bản thân đã bôi nhọ nhanh chóng hình ảnh đáng trân trọng trong mắt quần chúng.

PTCĐVN là "chuyện dân chuyện nước" công khai, lại bị một số vị từ chối xem như là một "bữa cỗ với rượu độc" chực sẵn cho những ai tham gia sẽ bị chết lăn quay, khi vừa nhấp ngụm rượu đầu tiên. Song song sự sợ hãi bị đầu độc mà họ nghĩ ra, có lẽ vì thế, họ lên án dữ dội người mời đã cố tình gài bẫy họ, theo cách mời mà họ không mong muốn và cảm thấy hoảng sợ. Sự sợ hãi nhanh chóng được đổ ngay do ĐCSVN cất rượu và dùng bàn tay Lê Thăng Long chuốc. Càng bình luận hời hợt, phán đoán về PTCĐVN theo kinh nghiệm xưa cũ – như Blogger anhbasam – càng nguy hiểm cho chính bản thân người được mời mà hốt hoảng phản đối (1):

"Đây là một tổ chức mà đảng Cộng sản Việt Nam sẽ coi là mầm mống của một chính đảng đối lập. Hãy nhìn gương các tổ chức khác, như Khối 8406, thì thấy rõ họ sẽ đối xử ra sao, nếu như không phải do họ 'đẻ' ra".

Nếu do "họ" (nghĩa là ĐCSVN) "đẻ ra", tức là sẽ được êm thấm hoạt động cho đến khi có mật lệnh bắt hết những ai tham gia PTCĐVN? Đó là sự suy đoán nông cạn và dễ làm giới cầm quyền hiện nay "động lòng" khi hình ảnh đảng cầm quyền càng được cựu sĩ quan an ninh Nguyễn Hữu Vinh xác quyết như là tổ chức tội phạm theo dạng xã hội đen?

Thêm vào đó, vô hình chung, những vị khách từ chối lời mời càng chửi mắng mạnh mẽ càng làm cho PTCĐVN được chú ý nhiều hơn. Khó để tin, ĐCSVN thích thú việc làm "quảng cáo" hữu hiệu như thế này, từ những trí thức được nhà văn Phạm Thị Hoài gọi là "đối lập trung thành". Một cách làm tưởng bôi nhọ PTCĐVN lại có vẻ mang hiệu ứng ngược lại. Sự phản ứng dữ dội như thành ngữ "có tật giật mình" có thể sẽ gây bất lợi cho những ai giảy nảy quá mức cần thiết. Đó cũng thể hiện bản lĩnh của những người nổi tiếng, dường như còn khá kém trước một thực tế khó chối cãi.

Phong cách và quan điểm của ĐCSVN từ bấy lâu nay không phải là phong cách minh bạch – công khai, tính chất mà PTCĐVN đang hướng đến. Do đó, có thể loại trừ suy luận PTCĐVN là chiếc bẫy của ĐCSVN như một số người nghĩ, trong bối cảnh toàn cầu hóa với sự hữu hiệu và thần kỳ của internet mà ĐCSVN vẫn tiếp tục tìm mọi cách cản trở, bởi chính sức mạnh kinh hồn của nó.

Đặc biệt, phần lớn trong các khách mời từ chối kém văn hóa, hầu như họ còn gắn bó ít nhiều lợi ích cá nhân với chính thể hiện nay. Nếu có thêm cả GS. Ngô Bảo Châu, bà Nguyễn Thị Bình, ông Nguyễn Văn An, ông Vũ Khoan, ông Trương Đình Tuyển, ông Phan Diễn, ông Nguyễn Minh Triết, ông Võ Văn Thưởng, ông Tương Lai, ông Chu Hảo, ông Dương Trung Quốc v.v… từ chối cũng là điều không có gì đáng ngạc nhiên.

Qua nội dung PTCĐVN cũng như dư luận tuần qua, càng cho thấy không có bóng dáng của bàn tay phương Bắc nhúng vào vụ việc, theo quan điểm, tư tưởng dễ thấy từ Khổng Tử, Mao hay Đặng Tiểu Bình, thay vào đó nhiều người nhận ra chất phương Tây văn minh từ mục tiêu, tôn chỉ của PTCĐVN.

Phong trào được tin là thai nghén khá lâu trước khi được quảng bá mời gọi tham gia sáng lập. Không ai ảo tưởng, dù cho bất kỳ phong trào nào, ngay ban đầu có thể "xuôi chèo mát mái" với số lượng tham gia là 100% người được mời. Do đó, nếu có 20%, thậm chí 40% người công khai phản đối, thì sự im lặng của số đông còn lại mới đáng suy nghĩ và đặt câu hỏi. Do vậy, chưa đầy 10% phản đối, chưa thể kết luận phong trào thành công hay thất bại.

Tôi nghiêng về xu hướng: những ai tự nguyện tham gia sáng lập PTCĐVN là những người chấp nhận hy sinh nhiều quyền lợi cá nhân. Có phải là điều hiếm hoi tại Việt Nam?

Cạnh đó, tôi loại bỏ yếu tố tù tội bị gây ra từ chính quyền, bởi:

- Hầu như những người được mời đều khá nổi tiếng, bất chấp đó chỉ là một thường dân Bùi Thị Minh Hằng – đã kinh qua tù tội khốc liệt, nhà báo tự do Huỳnh Ngọc Tuấn – với 10 năm lao ải, TS. Nguyễn Quang A – thái độ chính trị thật rõ rệt (2), Nhà văn Phạm Đình Trọng – sẵn sàng từ bỏ đảng vì không còn là lý tưởng theo đuổi, dân oan Lư Thị Thu Trang -
nhiều lần bị hành hung dữ dội, ông Huỳnh Nhật Hải và người anh em Huỳnh Nhật Tấn hay ông Lê Hồng Hà với quan điểm rõ ràng cho dân tộc, Tổ quốc là trên hết, LS. Lê Trần Luật với hoạt động bênh vực dân oan và bảo vệ luật pháp chấp nhận mất việc và khủng bố tinh thần dưới nhiều hình thức, Blogger Người Buôn Gió, Mẹ Nấm ngày càng chứng tỏ việc làm cũng chỉ muốn xã hội ngày càng tốt đẹp, nhân ái hơn v.v…

- Tôn chỉ, mục đích, danh sách hoàn toàn công khai, không khuất tất.

- Bản thân ông Lê Thăng Long vừa ra tù, không làm điều gì phạm pháp để tiếp tục bị điều tra. Nếu có điều tra chính thức, nhất định sự việc mau chóng được tường thuật trên mạng, thậm chí, giả sử ông dấu giếm việc bị điều tra kín về PTCĐVN, nhất định cũng không thoát được dư luận ngày nay với thông tin lúc nào cũng sẵn sàng phóng lên mạng.

Đó là sự chân chất, giản dị và hiệu quả của tính chất minh bạch – công khai.

Thêm nữa, thân phụ anh Trần Huỳnh Duy Thức đứng trong danh sách mời và chưa lên tiếng, Blogger Kami cho biết(3):

"…đã trực tiếp liên lạc và hỏi cụ Trần Văn Huỳnh, thân sinh của ông Trần Huỳnh Duy Thức, qua E.mail ngày 16.6.2012 vì cụ vốn là một cộng tác viên thường hay gửi bài cho trang Tin tức hàng ngày thì được biết như sau "Bác khẳng định là việc này hoàn toàn thật và nghiêm túc. Bác đang viết bài về vấn đề này. Khi xong bác sẽ gửi ngay cho TTHN."
.

Đó cho thấy thái độ nghiêm túc của những người khởi xướng và đạt được độ khả tín PTCĐVN có sự đồng thuận từ Trần Huỳnh Duy Thức, người đã chấp nhận án 16 năm tù vì không nhận tội, mà ông Lê Thăng Long cho biết để tiếp tục thực hiện kế hoạch dài hạn của họ.

Trong tôn chỉ, mục đích, PTCĐVN rất mở cho mọi người dân từ tham gia chính thức cho đến tình nguyện viên, ủng hộ viên của phong trào. Vì thế, tôi xin tự chọn cho tôi trở thành một ủng hộ viên phong trào bằng những bài viết phản ánh xã hội và góp ý cho phong trào trong khả năng có hạn của mình.

Cám ơn PTCĐVN đã cho tôi một niềm tin mới như cành non lộc biếc báo Xuân sang.

Chúc những ai hy sinh thời giờ quý báu cũng như có thể đối diện với rủi ro, vững bước trên "CON ĐƯỜNG VIỆT NAM". Phía sau quý vị chắc chắn có ít nhất là tôi – một đảng viên ĐCSVN nhưng không có lý tưởng nào về đảng và vẫn đang cầm đồng lương hưu từ chính quyền để sống và để cổ vũ quý vị.

Đàm Mai Đạo

Saigon 18/6/2012
___________

http://anhbasam.wordpress.com/2012/06/16/1084  (1)

http://anhbasam.wordpress.com/2011/12/10/547-chat-van-cong-khai-trong-dang-cong-san-viet-nam/  (2)

http://tintuchangngay9.wordpress.com/2012/06/18/ve-phong-trao-con-duong-viet-nam/  (3)

************************************

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét