Thứ Bảy, 9 tháng 6, 2012

Kim Dung : Cái đẹp, cái dối trá và…

Nguồn hieuminh

Hoa hậu nam Mekong

Bài của Kim Dung 

Cả ba vụ việc trong tuần gây chấn động dư luận xã hội, mà chẳng vụ việc nào giống vụ việc nào. Nhưng nó đều là cái tham, sân, si của kiếp người và của cái thời kim tiền mà ra cả.

Cái đẹp và… cái nhơ

Vụ người mẫu, diễn viên H.H bị bắt vào chiều 24/5 tại nhà nghỉ của một khách sạn ở khu du lịch Đồng Mô (Sơn Tây, Hà Nội) vì tội bán dâm, giá "nghìn đô" chưa kịp lắng xuống, mới đây, cả xã hội rùm beng câu chuyện người đẹp chân dài M.X.

Từng đoạt giải hoa hậu khu vực Nam Mê Kông 2009 của các tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long (thực chất là Giải Nhất cuộc thi Người đẹp Sóc Trăng, thuộc khuôn khổ Hội chợ nông nghiệp quốc tế Mêkông Expo Sóc Trăng, và giành Giải phụ "Thí sinh ứng xử hay nhất"), M.X bị bắt trong một đường dây bán dâm, có giá 2.500 đô/ lần, quy mô lớn.

Nhưng M.X chưa phải chân dài được trả cao nhất. Có tin, giá cao nhất là một chân dài khác, hàng sao, với 8000 đô/ lần. Đó là cái giá "xác thịt" mà làng vui chơi này tự thỏa thuận với nhau. Chứ còn giá nhân phẩm chắc đều đồng hạng… "vô giá" (số 0)

Đường dây bán dâm này hội tụ đủ mặt "anh thư": Người mẫu, hoa khôi, diễn viên điện ảnh, sinh viên các trường đại học, chuyên nghiệp…, đóng trên địa bàn Tp Hồ Chí Minh.

Đặc biệt nữa, ngoài bán dâm, M.X còn kiêm nhiệm nghề "tú bà" chuyên tổ chức một đường dây bán dâm khác, quy mô nhỏ hơn với những cái tên "hot" không kém. Đó là Á khôi T.K, Hoa khôi Y.D, người mẫu N.T, hotgirl J.P…

Họ vốn gặp nhau ngang ngửa trên sàn thi hoa hậu, người đẹp, hoa khôi, người mẫu, thậm chí trên phim trường. Giờ lại ngang ngửa đọ tài bốc lửa trên sàn…bán thân xác. Nhìn những vẻ đẹp trong sáng, thanh tân ở họ, ai dám bảo họ từ trong những ổ "nhền nhện" vừa chui ra?

Và hài nhất, có thông tin từ một người đẹp, trước khi tranh ngôi thứ Người đẹp Sóc Trăng, M.X đã từng "làm gái"!  Tuy nhiên Ban Tổ chức cuộc thi ngay khi đó, đã rất tự tin trả lời dư luận, rằng họ có những tiêu chí riêng. Dành riêng cho M.X chăng?

Buồn cười nhất là giới showbiz Việt, giờ nhìn nhau, ai cũng ngờ ngợ như đó là kẻ …bán dâm.

Nhưng nói thật, những scandal của các chân dài chỉ đủ sức làm "đầu câu chuyện" đàm tiếu các bà, các cô công sở, làm tăng lượng hit cho các báo "lá cải" hoặc "lá cải hóa" mà thôi. Chả đủ gây sốc, gây thất vọng cho ai…

Bởi từ lâu rồi, cứ nói tới chân dài là y rằng, dính liền như hình với bóng các scandal. Trước, scandal còn là cái khái niệm xấu, chứ giờ, có khối chân dài lại thích tạo scandal. Bởi có thế mới PR, đánh bóng thêm tên tuổi mình trong làng giải trí, cũng là một cách "tiến thân" và hốt tiền nhanh.

Nói cho công bằng, tiến thân và có nhiều tiền, ai cũng thích, chả ai chê. Nhưng tiến thân theo cách nào, và kiếm tiền theo cách nào mới là điều đáng nói. Vinh ở đó, và nhục cũng ở đó.

Chả thế, trước đây ít lâu, có một phát ngôn khá ấn tượng của một chân dài đã làm rộn các trang mạng, vì nó vừa tự tin, lại cũng vừa xuẩn ngốc: Sắc đẹp cũng là một tài năng.

Trong khi sắc đẹp của các chân dài này, thực ra mới chỉ là phương tiện… "bán thân" mà thôi. H.H, M.X, T.K, Y.D, N.T, J.P và còn những ai ai nữa chưa bị lộ, chắc chắn không phải là ngoại đạo, trên con đường sử dụng "tài năng sắc đẹp" để tiến thân vào… ê chề!

Chợt nghĩ về "Giải ứng xử hay nhất" của M.X đoạt được trong cuộc thi, và cả những câu trả lời ứng xử của những chân dài khác. Hẳn là các cô học thuộc làu làu, nào là phục vụ nhân quần, làm từ thiện, nào là vì quê hương, xã hội. Thôi thì đủ ý tứ cao xa, thánh thiện.

Thế nhưng thực tế, các chân dài lại chỉ chăm chăm phục vụ các…đại gia lắm bạc nhiều tiền, rửng mỡ? Việc bán thân nhục nhã của các cô liệu có phải vì nhân quần? Hay chỉ  góp phần thêm vào sự băng hoại văn hóa, làm xã hội thêm bất an?

Cái Đẹp muôn đời được tôn vinh bởi nó hàm chứa những giá trị chân- thiện -mỹ. Nhưng khi đã dấn thân vào con đường bán thân, "cái đẹp" không chỉ bị các đại gia trước hết chà đạp bằng… nghìn đô, kèm sự khinh miệt trong lòng, mà "cái đẹp" khi đó cũng đã …nhuốm bùn.

Theo thông tin mới nhất, 4 đại gia này đích thị là đại gia… chân đất- nông dân, đều ở xã Vĩnh Lộc B, Vĩnh Lộc A, và xã Bình Hưng, thuộc huyện Bình Chánh chuyên nghề buôn bán đất đai.

Có một bài thơ nổi tiếng của một nhà thơ cách mạng trong quá khứ, an ủi kiếp đời dơ bằng những câu thơ nhân ái, thấm đẫm niềm thương số phận những người con gái không may lạc lối:

Ngày mai trong nắng trắng ngần/ Cô thôi sống kiếp đày thân giang hồ/ Ngày mai bao lớp đời dơ / Sẽ tan như đám mây mờ đêm nay/ Cô ơi tháng rộng ngày dài/ Mở lòng ra đón ngày mai huy hoàng…

Nếu còn sống đến tận hôm nay, nhà thơ nọ sẽ làm những câu thơ thế nào nhỉ? Ai đầy đọa các cô lạc lối vào bùn đen trong "ngày mai huy hoàng" này? Hay chính vì tối mắt trước cảnh giàu sang đột biến của không ít kẻ tham nhũng, làm giầu bất chính, mà các cô cũng quyết tự nhuốm bùn dơ, với tham vọng muốn biến sắc đẹp thành …tiền bạc thật nhanh, như một cổ tích thời hiện đại.

Tiếc thay thời nay, không có những ông tiên, ông bụt, mà chỉ có những gã, những thằng… phù thủy, yêu ma.

Và vì thế cái Đẹp, từ các cô, cũng đang biến thành…cái nhơ!

Dối trá nói về …dối trá

Một sự kiện khác nổi bật được xã hội bàn luận ầm ĩ không kém, là kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2012. Ầm ĩ vì  kỳ thi năm nay, có một đề thi Văn khá "mở" và ấn tượng: "Thói dối trá là biểu hiện của sự suy thoái về đạo đức trong đời sống xã hội".

Cũng phải khen cho người ra đề, và ngành GD, đã bám sát thực trạng đạo lý xã hội, bám sát thông tin báo chí.

Nhưng khi ra một đề thi về sự dối trá, hoặc là ngành GD đã tự tay "vả"  vào mặt mình không thương tiếc. Hoặc ngành vô tình bắt thí sinh tiếp tục nói dối, khi đánh đố thí sinh phê phán thói dối trá.

Đánh đố, bởi từ lâu ngành mắc bạo bệnh dối trá- nói một cách văn vẻ là "bệnh thành tích", và đã không có cơ cứu chữa.

Quay cóp

Trong khi liên miên giơ cao khẩu hiệu Hai không, từ năm 2007 (nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích), thì chỉ sau năm đó đến nay, năm nào, tỷ lệ tốt nghiệp của các tỉnh, nhất là vùng GD khó khăn cũng "lội ngược dòng" một cách tài tình. Đến mức ngay các chuyên gia khảo thí cũng "botay.com", không thể giải thích nổi hiện tượng này.

Có câu triết lý của một kẻ nào đó từ những thế kỷ trước: "Cứ nói dối, nói dối, nói dối mãi thì thiên hạ sẽ tin." Khổ nỗi, đây là thế kỷ 21, thế kỷ của Thế giới phẳng, của IT, không phải thế kỷ của sự "độc tài" thông tin. Nên sự mất thiêng của ngành GD, không phải do cái tai thiên hạ quá thính. Mà do thiên hạ chỉ nhìn vào các việc làm để kiểm chứng khẩu hiệu của ngành.

Đánh đố, bởi có kỳ thi nào, thí sinh không có trò gian lận?

Chứng cớ là ngay lập tức, một clip (và nay được biết, có rất nhiều clip) quay về gian lận thi cử của cả giám thị coi thi lẫn thí sinh, ở Trường THPT dân lập Đồi Ngô (Lục Nam- Bắc Giang) được tung lên trên báo chí, như một minh chứng hài hước, châm biếm ngay chính ngành. Có gì buồn hơn thế? Và cũng có gì thật hơn thế?

Ngộ nhất, ngay cả khi dư luận xã hội đã xôn xao về clip gian lận thi cử này, thì Phó Chủ tịch UBND huyện Lục Nam Nguyễn Đức Toàn, qua báo cáo của các hội đồng thi vẫn cho biết: "Không phát hiện dấu hiệu gì khác thường".

Ông Nguyễn Đức Hiền, Giám đốc Sở GD Bắc Giang hẳn rất đắng. Nhưng xét cho cùng, ông không nên quá buồn. Vì Trường THPT Đồi Ngô chỉ không may là đồng chí bị lộ trong số những đồng chí chưa bị lộ thôi. Điều này, hẳn  ngành GD cả nước phải biết rõ nhất!

Tác giả của clip là một giáo viên họ Đỗ, và một thí sinh dự thi. Hình như, cái mầm chống tiêu cực Đỗ Việt Khoa vẫn luôn nảy nở. Cho dù thực chất, Đỗ Việt Khoa- người châm ngòi cho việc chống tiêu cực, từng được vinh danh là "Người đương thời" đã… hết thời.

Nhưng số đông dư luận cho rằng, clip đó như một câu trả lời đích đáng trước những kết luận kỳ thi nghiêm túc, an toàn năm nào Bộ GD cũng nhắc đi nhắc lại như một điệp khúc nhàm chán.

Còn dư luận xã hội đang chờ đợi cách xử lý của Sở GD Bắc Giang công minh ra sao. Nếu không có những biện pháp kỹ thuật đầu tư (như mắc camera tại các phòng thi, điểm thi) thì biết đâu, năm nào ngành GD cũng phải đứng trước những vụ việc nan giải kiểu này.

Chỉ tội nhất là em thí sinh quay clip, đã dự tính "sự nghiệp" đi làm phụ xe khách, vì có thể, khi bị phát hiện là thủ phạm quay phim, em sẽ bị đánh trượt, bị cấm thi. Hay em đã tiên liệu được "quả đắng" đầu tiên trong đời về cái sự đấu tranh là…tránh đâu?

Người viết không muốn bình luận gì về động cơ của thầy giáo họ Đỗ, vì số phận thầy trước đó, đã có những mắc mớ riêng với Trường THPT Đồi Ngô. Người viết chỉ nghĩ rằng, dối trá của ngành GD đâu phải của riêng một trường học dân lập, mà từ lâu nó đã là căn bệnh ăn vào hệ thống. Vậy thì sự thẳng thắn của hai thầy giáo họ Đỗ, cho dù có đáng quý, rút cục chỉ là hạt muối chân thành bỏ xuống biển giả dối mà thôi.

Cả hai, đang là những chú "dã tràng" bé nhỏ, vô vọng!

Tiêu cực tài chính hay nhầm?

Thế nhưng, khi bàn về vụ việc động trời của mấy chân dài, có không ít người bảo, việc bán thân của các cô ấy, tuy có nhơ nhớp thật, nhưng họ chỉ bán "vốn tự có" của mình. Có ê chề, chỉ ê chề cho thanh danh cá nhân họ. Chứ họ không bán thanh danh quốc gia, làm nhục quốc thể.

Dự án bỗng thành … cái bánh ngọt của lòng tham…Chả thế, GS Nguyễn Kế Hào (Bộ GD- ĐT) từng có tổng kết rất hay về cơ chế này: Tiền+ Quyền lực dự án.

Ấy là sự ám chỉ, dư luận xã hội đang bất bình, phẫn nộ vì vụ việc, 3 dự án tài trợ của ODA do các cơ quan khoa học- công nghệ Việt Nam nghiên cứu, liên quan chủ đề biến đổi khí hậu, bị Đan Mạch đình chỉ vì phát hiện tiêu cực tài chính. Mà việc này lại được Bộ Ngoại giao Đan Mạch tuyên bố ngay trước thềm hội nghị nhóm tư vấn các nhà tài trợ (CG) giữa kỳ năm 2012.

Đại sứ Đan Mạch họp báo.

Đó là Dự án mã số 09-P03-VIE do Trung tâm quốc tế nghiên cứu biến đổi toàn cầu (ICARGC) thuộc ĐHQG Hà Nội thực hiện, sai phạm 4,4 tỉ đồng. Là Dự án mã số P1-08-VIE do Viện Địa lí (Viện Khoa học – Công nghệ VN), sai phạm đến 5,3 tỉ đồng. Và Dự án Mã số P2-08-VIE do Viện hải dương học (cũng thuộc Viện KH- CNVN) sai phạm 1,3 tỉ đồng. Cả ba dự án sai phạm lên đến hơn 11 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 23% trên tổng số tiền 69 tỷ đồng tài trợ.

Tiêu cực tài chính của cả 3 dự án này đều do Công ty kiểm toán Price Waterhouse Coopers (PWC) thực hiện điều tra độc lập phát hiện, theo yêu cầu của Đan Mạch.

Tiêu cực tài chính là cách nói… lịch sự!

Tiêu cực tài chính ở các dự án, mà từ cán bộ quản lý đến nhân viên đều được tập huấn nghiệp vụ kỹ càng trước khi triển khai, chỉ có thể nói là cố tình, khó đổ tội cho sự vô tình hoặc yếu kém.

Nhất là có những khoản chi hàng tỷ đồng được sử dụng không có chứng từ. Chi cho nhân viên làm kiểm kê, thu thập số liệu trong khi họ đã được trả lương. Rồi chi lương, thù lao cho nhiều người… nhưng không rõ công việc cụ thể. Thậm chí, có hẳn cả khoản chi gần 900 triệu đồng làm học bổng cho con gái yêu của điều phối viên dự án, để rồi cô này, học xong rời viện ngay.

Dự án bỗng thành … cái bánh ngọt của lòng tham.

Không biết các chuyên gia quốc tế có ngạc nhiên không, chứ dân Việt, đặc biệt giới trí thức, khoa học hay làm các dự án, chả ai lấy làm ngỡ ngàng. Vì đây cũng không phải lần đầu tiên các dự án tài trợ theo vốn vay ODA phải… đỏ mặt xấu hổ. Tấm gương tày liếp Huỳnh Ngọc Sĩ (Dự án Đại lộ Đông Tây) còn rờ rỡ ra đó, nhưng chả ai thích soi.

Có điều giới khoa học- công nghệ, giới trí thức Việt, tư duy thì tự cho là mới, và cũng hay phê phán quản lý Nhà nước, nhưng lại thích viết chuyện … "ngựa quen đường cũ" thế không biết!

Còn nếu nhìn sâu vào cách triển khai một dự án, mấy ai biết nỗi đắng cay, khi nghiên cứu khoa học trở thành …công cụ kiếm sống, như báo SGTT Online (ngày 7/6) đã chỉ ra đích xác, với những cách làm lắt léo, ngóc ngách và tinh vi để người làm khoa học kiếm được chân làm dự án và mưu sinh? Chả thế, GS Nguyễn Kế Hào (Bộ GD- ĐT) từng có tổng kết rất hay về cơ chế này: Đó là Tiền+ Quyền lực dự án.

Con số hơn 11 tỷ không phải là con số quá lớn so với những con số nghìn tỷ thất thoát của nhiều dự án, công trình đi vay mượn khác, nhưng nó như chất "vữa" củng cố vững chắc thêm cái nhìn về sự "tham nhũng" không chừa bất cứ ai, bất cứ tầng lớp nào ở xứ sở này, cho dù đó là trí thức. Thật hổ thẹn!

Điều đắng hơn, giờ cứ nghe tới tài trợ ODA, là người ta lại nghĩ tới sự…đục khoét. Một sự bất tín, vạn sự bất tin là thế.

Theo ông Nguyễn Đình Kỳ, Viện trưởng, thì: "Họ (Công ty kiểm toán) không hiểu cách chi tiêu theo luật của Việt Nam"… Chi tiêu không vào túi ai cả, chỉ theo điều khoản này hoặc điều khoản khác." Có điều, ông Kỳ cũng thừa nhận không thể giải thích cụ thể vì sự phức tạp của vấn đề.

Nhưng đó mới là chuyện của riêng Dự án thuộc Viện Địa lý. Còn hai dự án kia vẫn nằm trong dấu hỏi (?) của dư luận xã hội.

Lạy trời! Lúc nào thì hai Dự án của ĐHQG Hà Nội và của Viện Hải dương học (cũng thuộc Viện KH- CN Việt Nam) lại tiếp tục ra được kết luận: Kiểm toán nhầm! Để như cái "anh" Dự án của Viện Địa lý có quyền í a: Anh hay, anh đứng một mình vẫn… hay!

Giới chân dài đang biến cái Đẹp thành…cái nhơ

Còn giới trí thức, thông minh thế, mẫn tiệp thế, sao lại để cho cái Trí thành… cái nhầm nhỉ

KIM DUNG.

Bài đăng  trên VNN

Nguồn ảnh minh họa lấy từ trong bài trên VNN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét