Thứ Ba, 19 tháng 6, 2012

Mẹ Nấm – Con đường nào cho Việt Nam?

Post lại từ danluan

Sau nhiều ngày dành thời gian đọc nhiều ý kiến trái chiều về phong trào "Con đường Việt Nam", và cũng thật ngạc nhiên khi một người bạn trên Facebook cho tôi biết rằng mình có tên trong "danh sách khách mời" cùng tham gia chương trình. Tôi nghĩ, điều mình cần viết là chia sẻ với mọi người những gì mình biết về một người tù hiện vẫn còn đang bị giam giữ, đó là anh Trần Huỳnh Duy Thức.

Tôi không có nhiều thông tin về người bị cầm tù cho đến khi có dịp tiếp xúc với người thân của anh, và quả thật, những điều được nghe khiến tôi thấy mình hiểu hơn về một người tù không chấp nhận bản án viết sẵn dành cho mình.

Người ta chỉ biết về một Trần Huỳnh Duy Thức khẳng khái không nhận tội trước phiên tòa, để rồi nhận lãnh mức án khiến khá nhiều người ngỡ ngàng và xót xa – 16 năm tù giam. Nhưng không mấy ai biết được rằng, ngay cả khi ở trong tù, vào dịp lễ 2/9, cũng vẫn câu trả lời: "Tôi nghĩ rằng mình không có tội gì hết" – anh Thức đã từ chối mọi sự thỏa hiệp, để bảo vệ chính kiến của mình.

Người ta chỉ biết về một Trần Huỳnh Duy Thức – một doanh nhân tài giỏi, chứ không có nhiều người biết rằng, việc đầu tiên người tù ấy dặn dò và nhắn nhủ gia đình và người thân mình, là hãy cố gắng chăm lo, tìm việc và giúp đỡ cho những nhân viên, cộng sự cho đến người tài xế sau khi công ty bị tan tác…

Người ta có thể chỉ biết về Trần Huỳnh Duy Thức can đảm trước một phiên tòa, chứ không thể biết rằng người tù ấy vẫn giữ vững niềm tin và tinh thần vào những gì mình đã chọn và đã đi…

Và tôi nghĩ, không phải ai cũng biết được rằng, đằng sau người tù ấy, là một người cha đang ngày đêm nỗ lực tìm kiếm công bằng và tự do cho con trai mình, bởi vì sau khi con bị bắt thì bác mới tìm đọc và hiểu hơn sự lựa chọn của con mình.

Nỗ lực giành công lý từ kiến thức, từ sự dũng cảm đối mặt, từ tình thương yêu bảo bọc và từ niềm tin vào sự tốt đẹp vào lẽ phải… Đó chính là con đường của Việt Nam, của tất cả những người khao khát đổi mới và tự do thực sự.

*

Thật lòng, tôi không có ý định viết gì về phong trào "Con đường Việt Nam" do doanh nhân Lê Thăng Long – người bị kết án cùng với doanh nhân Trần Huỳnh Duy Thức, luật sư Lê Công Định và Nguyễn Tiến Trung – vừa được ra khỏi trại giam sớm hơn 6 tháng so với bản án định sẵn.

Cá nhân tôi cho rằng, không phải đến khi ông Lê Thăng Long phát động thì người ta mới biết về phong trào này. Bởi trước đó, nếu ai quan tâm đến blog Chấn Lạc Hồng, đến nhóm Thức – Định – Long – Trung hẳn sẽ thấy rằng ý tưởng và sự phôi thai của phong trào đã có từ thời đó. Vấn đề đặt ra là tại sao tư tưởng "Khai dân trí – Chấn dân khí – Hậu dân sinh" (Hiểu biết để tự tin, để làm giàu cuộc sống) đã có từ rất lâu (thời cụ Phan Chu Trinh), hoàn toàn xác thực và gần gũi với thực tế cuộc sống hiện nay lại bị lãng quên và vấp phải sự phản đối của nhiều người?

Cá nhân tôi nghĩ rằng, nếu đưa ra lập luận chỉ dựa vào nhận định phong trào "Con đường Việt Nam" là một "sự kiện lạ lần đầu tiên mới thấy" trong môi trường chính trị Việt Nam để đi đến kết luận nó là thế này, thế khác thì lập luận ấy thiếu tính thuyết phục không có những phân tích lập luận có dẫn chứng nghiêm túc cần thiết.

Trước mỗi một sự kiện, theo tôi, những người có tên liên quan đều có quyền có thái độ và nhận xét. Tuy nhiên, khi được mời tham gia vào một vấn đề hay trong trường hợp này là sáng lập viên của một phong trào, anh có quyền nhận lời hoặc từ chối, đó là sự lựa chọn của anh. Người được mời cũng có thể phân tích về cách mời và những hệ luỵ của nó theo phán đoán chủ quan của mình, ngay cả những phân tích logic để dẫn đến kết luận đây là một "âm mưu" cũng là điều tốt để mọi người trao đổi, phán xét. Nhưng chỉ dựa trên lời mời đó – mà không có một phân tích nghiêm chỉnh nào – để phán xét tư cách và hành động của người vừa mới ra tù bằng những ngôn từ miệt thị thì không phải là cách cư xử văn minh của những người được xem là có tinh thần dân chủ trong môi trường thông tin hiện nay.

Tiêu cực hơn nữa là chỉ bằng vài câu viết đầy cảm tính, dựa vào vị trí và ảnh hưởng cá nhân đã vô tình hay cố ý tạo ra một không gian đầy nghi ngờ và sợ hãi – nỗi nghi ngờ, sợ hãi vốn đã tồn tại thâm căn, vốn "phù hợp" với môi trường và bản tính con người đã bị chính môi trường đang sống "điều kiện hoá" trong suốt bao nhiêu năm qua.

Cho đến nay, ít thấy những ý kiến nghiêm túc bàn về bản chất các luận điểm do phong trào CĐVN đề ra, hầu hết các ý kiến đọc được đều mang tính nhận xét, phán xét cá nhân là chủ yếu.

Điều đáng buồn là trên thực tế hoàn toàn đang thiếu vắng những điều cần phải nghiền ngẫm, trao đổi, đánh giá, bổ xung, hoàn thiện cho nội dung của "Con đường Việt Nam" – những bài viết đã được viết bằng tâm huyết và phải trả giá bằng tù đày của những người thật sự yêu nước, khao khát nhìn thấy dân tộc mình thịnh vượng dường như đang bị mờ nhạt dần.

Đáng buồn là tâm huyết của những người đang còn ở trong tù, của Trần Huỳnh Duy Thức với bản án 16 năm tù có thể bị đồng hoá với những cái (bị) gọi là trò mèo.

Khi tôi đặt câu hỏi: "Con đường nào cho Việt Nam?" trên Facebook của mình, một anh bạn tôi đã trả lời:

Con đường bế tắc. Không thấy có cửa nào đi cả, khi mà từ trí thức tới người dân đều lú như con cú!

Anh còn giải thích thêm rằng: "Năm 2004, mình rất ngây thơ tin rằng, chỉ cần được tiếp xúc với thông tin trung thực và những tư tưởng dân chủ là người Việt sẽ thay đổi. Ba bốn năm sau mình phát hiện ra rằng vấn đề không phải là thiếu thông tin, hoặc thông tin bị bưng bít, mà là khả năng xử lý thông tin và hành động dựa trên niềm tin cái gì là đúng. Không đọc, không tìm hiểu, nên thường biết rất sơ sài. Mà nếu có biết the right thing to do thì cũng cóc làm.

Xã hội muốn thay đổi phải có critical mass, một lượng đủ đông các cá nhân hiểu về nhân quyền, tự do, dân chủ, chung sức vì cộng đồng. Đến nay ngay cả những trí thức thuộc tầng lớp trên vẫn còn lờ mờ về những vấn đề trên thì có cửa nào ra đây?"

Tuy nhiên, với quan điểm của mình tôi lại có một cái nhìn khác, về con đường riêng cho Việt Nam, bởi tôi tin rằng, khi vẫn còn những cá nhân nỗ lực và can đảm dấn thân vì sự đổi mới, tự do cho một xã hội tốt đẹp, nhất định vẫn sẽ có một con đường dành riêng cho Việt Nam.

Và ngày ấy không xa!

Kẻ hèn nhát hỏi: "Có an toàn không?"

Kẻ cơ hội hỏi: "Có khôn khéo không?"

Kẻ rởm đời hỏi: "Có được tiếng tăm gì không?"

Nhưng, kẻ có lương tâm hỏi: "Có là lẽ phải không?"

Và có khi ta phải chọn một vị trí không an toàn, không khôn khéo, không để được tiếng tăm gì cả, nhưng ta phải chọn nó, vì lương tâm ta bảo ta rằng đó là lẽ phải.

[Martin Luther King]

************************

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét