Thứ Sáu, 27 tháng 3, 2015

Chia tay NS. Nguyễn Đức Quang - Post lại nhân ngày giỗ anh 27-3-2011

Nguồn saigonocean

 

Lời Cuối Gởi Đến Anh:

 

Vĩnh Biệt Nguyễn Đức Quang!

 

 

Lời Mở Đầu:

 

Sau khi được tin nhạc sĩ Nguyễn Đức Quang lặng lẽ ra đi, ngày 28 tháng 3, 2011, tôi có kêu gọi những anh chị em (ACE)  trong nhóm liên diễn đàn với nhóm Tình Nghệ sĩ để lấy những cảm nghĩ về người quá cố, rồi cho vào bài viết chung tiễn đưa lần cuối. Kết quả bài hay emails gửi về ngoài 10 diễn đàn liên kết, các thân hữu từ bên ngoài gửi vào khá nhiều.

 

Vì nhiều ACE như Dương Viết Điền và vài ACE khác cho biết đã thức khuya đến 4, 5 giờ sáng hôm sau để viết gấp cho xong bài, và nhiều thân hữu nhắn khi gửi là lời phân ưu, những cảm nghĩ đưa tiễn gồm kỷ niệm gửi qua internet không nên cắt xén bài của họ, và dịp tiễn đưa này chỉ có một lần thôi, do lời yêu cầu đó, tôi xin giữ trọn bài, trừ vài bài được cho qua trích đoạn được đăng y như vậy.

 

 

Vào....

 

Nhạc sĩ Nguyễn Đức Quang thật sự không xa lạ với dân chúng ở miền Nam Việt Nam hay Việt Nam Cộng Hòa của chúng ta trước ngày 30 tháng 4 năm 1975, bên ngoài được nhận diện là một nhạc sĩ, anh cũng là một nhà báo, một Huynh trưởng Hướng Đạo Việt Nam và những phạm vi khác nữa, chung qui là người có nhiều tài năng và đức độ.

 

Tôi có hai dịp chuyện trò với anh, cảm giác khi tiếp xúc thì anh là người vui tính, hòa nhã và cởi mở. Khoảng năm 2000 tôi đi với một người bạn là thân chủ của báo Viễn Đông, chúng tôi được anh tiếp, chuyện trò thế sự trước và sau năm 75, sinh hoạt âm nhạc và báo chí quận Cam, lần sau khi cùng đi với nhạc sĩ Dương Viết Điền xuống OC gặp anh Phan Nhật Nam, rồi anh Vương Trùng Dương, xong ghé vào Viễn Đông lấy báo và tiếp xúc với anh Quang. Tôi không có kỷ niệm trực tiếp với anh Nguyễn Đức Quang nhiều, nhưng có kỷ niệm đặc biệt với nhạc của anh. Vào những năm cuối của VNCH, Trung Cộng và Hoa Kỳ có những thỏa hiệp trao đổi ngầm, Đệ thất hạm đội của xứ Đồng minh án binh bất động khi hải quân Trung Cộng tiến đánh chiếm quần đảo Hoàng Sa vào ngày 19-01-1974. Tin chiếc HQ-10 của hải quân VNCH bị đánh chìm, anh chị em sinh viên trường đại học Minh Đức chúng tôi xuống đường biểu tình chống Trung Cộng. Cái đau đớn, tủi nhục cái uất nghẹn căm hờn khi bên ta thua trận chỉ bởi vì địch thủ là một con khủng long hung ác, một thứ king kong vạm vỡ lấy thịt đè người, qui luật của sự kiện mạnh được yếu thua, tôi đau khổ chứng kiến cảnh những chị em yếu lòng khóc ròng, các sinh viên trẻ sôi sục nỗi uất ức, loa phóng thanh tố cáo cả hai loại giặc, giặc trong Việt Cộng và giặc ngoài Trung Cộng. Giặc trong ngu xuẩn, mà giặc ngoài tham lạm, và rồi nhạc của Nguyễn Đức Quang tiếp vang niềm tin cho tuổi trẻ chúng tôi, để tiếng nói bất khuất cùa anh chỉ em chúng tôi, lòng yêu nước dâng tràn khi đồng ca bài "Việt Nam Quê Hương Ngạo Nghễ".

 

Từ sau biến cố 1974 về  quần đảo Hoàng Sa, bài ca này khơi lòng tuổi trẻ Việt Nam khi bờ cõi lâm nguy bởi ngoại bang, đặc biệt bọn Đại Hán bắc phương. "Việt Nam Quê Hương Ngạo Nghễ" nhắc nhở cho tuổi trẻ niềm hãnh diện khi nhớ về những gương anh hùng hào kiệt xa xưa trong lịch sử bất khuất, có những Lý Thường Kiệt, Ngô Quyền, Trưng Triệu, Lê Lợi, Trần Hưng Đạo, Trần Bình Trọng hay Quang Trung Đại Đế,....Năm 2007 gần đây khi Trung Cộng ngang nhiên sát nhập hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa vào bản đồ của họ, Bắc Kinh chính thức hóa sự việc thành lập huyện Tam Sa trực thuộc đảo Hải Nam. Người Việt Nam, đặc biệt tuổi trẻ Việt Nam khắp nơi từ trong xứ ra hải ngoại tràn xuống đường căm phẩn, phản đối rợ bá quyền Đại Hán côn đồ ngang ngược và rồi "Việt Nam Quê Hương Ngạo Nghễ" lại vang lên trong các buổi biểu tình bày tỏ nỗi quan tâm lo lắng vì tiền đồ dân tộc bị lâm nguy.

RFA link:

http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/music-for-the-weekend-TNga-06292008221713.html

 

Tôi suy nghĩ trong lời phát biểu cảm nghĩ của nhạc sĩ Trần Trung Đạo trong bài viết "Khi Bài Hát Trở Về" rất chí lý như sau:

"Nếu phải xếp hạng những bài hát được sinh ra và lớn lên cùng với thăng trầm của đất nước, với thao thức của thanh niên, sinh viên, học sinh, với tâm trạng của những người lính trẻ trong cuộc chiến tranh tự vệ đầy gian khổ ở miền Nam trước đây, tôi tin, Việt Nam Quê Hương Ngạo Nghễ của nhạc sĩ du ca Nguyễn Đức Quang sẽ là một trong những bài ca được xếp hàng đầu.", và cũng theo ý kiến của ca sĩ Thanh Lan, một trong các tác giả thân hữu góp bài và hát nhạc Nguyễn Đức Quang viết là "...một Việt Nam  quê hương ngạo nghễ. Anh có cái ý chí mạnh mẽ và trong sáng của một anh hùng dân  tộc.  Một bài hát của anh có hiệu quả hơn ngàn viên đạn đồng."

 

Thật vật, nếu tướng Nguyễn Khánh ví von một ngòi bút lợi hại bằng một sư đoàn địch quân, thì một bài hát này của Nguyễn Đức Quang vang dội khắp nơi nơi khơi dậy tiếng lòng yêu nước cho hàng triệu con tim Việt Nam diễn ra trong nhiều thế hệ nối tiếp chống ngoại xâm. Tôi cho đây là một món quà quý báu của người nhạc sĩ tài hoa ra đi để lại cho hậu thế một gia tài vĩ đại, mà gia tài đó không đo bằng tiền bạc, và gia tài đó không đo bằng súng đạn, mà đo bằng sức mạnh của triệu triệu con tim yêu thương Việt Nam.

 

Xin cám ơn anh Nguyễn Đức Quang đã cho một gia tài to tát, vĩnh cửu theo thời gian mà anh để lại cho ngàn sau... Cầu chúc anh thượng lộ bình an về cõi trên. Từ nay chúng ta sẽ chia tay, âm nhạc sử sẽ không quên anh, văn học sử sẽ không quên anh, sách lỉch sử Việt Nam sẽ  ghi tên anh qua yếu tố nhạc hùng chống ngoại xâm, và chúng tôi tiếp tục ca khúc Việt Nam ngạo nghễ, Việt Nam kiêu hãnh, và Việt Nam vinh quang mãi mãi...trong từng con tim vì Việt Nam, cho Việt Nam và của Việt Nam, mà một trong những quan tố chính yếu là anh, Nguyễn Đức Quang, của  "Việt Nam Quê Hương Ngạo Nghễ"...

 

Xin chào vĩnh biệt nhạc sĩ Nguyễn Đức Quang!

 

Trần Việt Hải, Los Angeles

 

Phụ chú:

Khi bài hát trở về, Trần Trung Đạo:

http://www.baocalitoday.com/index.php?option=com_content&view=article&id=798:khi-bai-hat-tr-v&catid=5:vn-ngh&Itemid=53

 

(theo website của Nguyễn Xuân Nam)

 

 

Link nhạc Việt Nam Quê Hương Ngạo Nghễ, Nguyễn Đức Quang

http://community.vietfun.com/showthread.php?t=318435

 

 

Lời :  Việt Nam Quê Hương Ngạo Nghễ

Nguyễn Đức Quang

 

Ta như nước dâng dâng tràn có bao giờ tàn

Đường dài ngút ngàn chỉ một trận cười vang vang

Lê sau bàn chân gông xiềng cuộc đời xa xăm

Đôi mắt ta rực sáng theo nhịp xích kêu loang xoang!

 

Ta khua xích kêu vang dậy trước mặt mọi người

Nụ cười muôn đời là một nụ cười không tươi

Nụ cười xa vời nụ cười của lòng hờn sôi

Bước tiến ta tràn tới tung xiềng vào mặt nhân gian!

 

 

 

Máu ta từ thành Văn Lang dồn lại

Xương da thịt này cha ông miệt mài

Từng ngày qua,

Cười ngạo nghễ đi trong đau nhức khôn nguôi!

 

Chúng ta thành một đoàn người hiên ngang

Trên bàn chông hát cười đùa vang vang

Còn Việt Nam,

Triệu con tim này còn triệu khối kiêu hùng!

 

Lời 2 :

Ta như giống dân đi tràn trên lò lửa hồng

Mặt lạnh như đồng cùng nhìn về một xa xăm

Da chân mồ hôi nhễ nhại cuộn vòng gân tươi

Ôm vết thương rỉ máu, ta cười dưới ánh mặt trời

 

Ta khuyên cháu con ta còn tiếp tục làm người

Làm người huy hoàng phải chọn làm người dân Nam

Làm người ngang tàng điểm mặt mày của trần gian

Hỡi những ai gục xuống trỗi dậy hùng cường đi lên!

 

oOo

 

 

Cháu hướng đạo Bùi Bảo Kim, của LĐ Hướng Đạo Thăng Long, Arlington, Virginia, là tác giả bé nhất xin tiễn đưa chào vĩnh biệt bác Trưởng  Nguyễn Đức Quang.

 

You are true Scout Leader, Friend and Inspiration for many of us.

You're the best, Bác Quang.

And I will miss you…

 

Bùi Bảo Kim

LĐ Hướng Đạo Thăng Long

Arlington, Virginia.

 

Thành Kính Phân Ưu

Bùi Mạnh Hùng, DC

 

 

Tác giả Mỹ Thanh viết bài "Mãi mãi một Việt Nam Quê Hương Ngạo Nghễ", bài khá dài với nhiều chi tiết về nhạc sĩ  Nguyễn Đức Quang như sau:

 

"Lần này đây thì chúng ta đã thật sự phải chào biệt người nhạc sĩ của "Việt Nam Quê Hương Ngạo Nghễ." Ông đã ra đi vào ngày Chủ Nhật 27/3/2011, vẫn chưa nhìn được một Việt Nam ngạo nghễ như những lời ca viết từ trái tim của ông, cũng là tiếng lòng của hàng triệu thanh thiếu niên Việt Nam qua bao thế hệ. Bài viết này xin được rút từ những lời tự bạch của người nhạc sĩ du ca của tuổi trẻ miền Nam một thời trong một buổi phỏng vấn dài giữa Nguyễn Đức Quang và vietyouth.net vào ngày 28/7/2006 như một nén hương chào biệt linh hồn người nhạc sĩ khả kính về chốn vĩnh hằng.

 

Nguyễn Đức Quang sinh quán Sơn Tây, nhưng trải suốt thời niên thiếu đến trưởng thành tại Đà Lạt. Ông tốt nghiệp Đại Học Chính Trị Kinh Doanh Đà Lạt vào năm 1968. Và vì biến cố Tết Mậu Thân nên lứa sinh viên năm đó chưa ra trường, chưa lãnh bằng đã theo lệnh Tổng động viên vao quân trường. Đến ngày phat bằng, nhà trường phải can thiệp để các sinh viên tốt nghiệp, trong số có Nguyễn Đức Quang, rời quân trường, về lai trường dự lễ.

 

Sau 7 năm trong quân ngũ, ông được chuyển làm việc đúng với sở học tại Ngân Hàng Phát Triển Nông Thôn, vào năm 1974. Và sau biến cố 1975, ông vào tù cải tạo 3 năm.Sau khi được phóng thích, ông đã vươt biên cùng gia đình, đến Mỹ vào năm 1979.

 

Tại Mỹ, cùng mười mấy người bạn từ thời du ca cũ, trong đó có Đỗ Ngọc Yến, người sáng lập nên tờ báo đầu tiên của người Việt tại Orange County, tuần báo Người Việt.Chính nhóm bạn hữu du ca xưa đã trở thành những người tiên phong trong lãnh vực báo chí hải ngoại. Tờ Người Việt sau đó chuyển qua nhật báo và ngày một phát triển với nhiều chi nhánh và các cơ sở truyền thông khác, radio,đài TV, nhà xuất bản , etc… Và từ đó, ông lăn lộn trong sự nghiệp làm báo, từ Người Việt, qua Viễn Đông, Chí Linh...

 

Nguyễn Đức Quang kể lại quyết định khởi sự bước chân vào làng báo là do sau khi gặp lại bạn, ông Đỗ Ngọc Yến. Ông hỏi bạn tại sao làm báo. Đỗ Ngọc Yến đã trả lời, "Mở báo vì báo chí có thể tác động tới người khác. Ở Việt Nam, người ta đang đốt sạch sách báo của miền Nam. Mình, người Việt tự do, phải mở ra một chân trời." Ông sau khi nghe thế, cảm thấy không còn con đường nào khác để đi cả. Như bao giờ, Nguyễn Đức Quang vẫn luôn chọn những công việc theo lý tưởng hơn là cơm áo. Vì tờ Người Việt lúc đó còn đặt trụ sở tại garage nhà của chủ nhiệm Đỗ Ngọc Yến, và nhóm chủ trương phải tự tay mang báo đi bán (tại chùa, nhà thờ) và không hiếm khi phải móc tiền túi ra để phụ vào tờ báo.

 

Một thời đẹp nhất

 

Khi được hỏi về thời điểm ông cho là đỉnh cao trong đời (defining moment), câu trả lời của Nguyễn Đức Quang không ra ngoài chờ đợi dành cho "típ" người nhạc sĩ với những lời nhạc bừng bừng hoài bão với quê hương: Đó là thời sống với những sôi nổi của tuổi trẻ, không hề có chút đắn đo về tiền bạc, danh vọng, quyền lợi, không chút ham hố riêng tư.

 

"Khoảng đó, năm 1965 - 1967, khi ai đến chào tôi là 'nhạc sĩ' là tôi quay ngoắt đi. Sau này nhớ lại, tôi cũng thấy mình kỳ cục, nhưng lúc đó con người mình nó như vậy.Không phải tôi coi thường danh hiệu, mà là tôi không nghĩ là tôi đáng để được gọi là nhạc sĩ. Tôi chỉ say mê một chuyện là sinh hoạt, dùng nhạc để cống hiến cho tuổi trẻ.Đó là thời gian đẹp nhất trong đời tôi."

 

Ông hồi tưởng lại thời tuổi trẻ hoạt động lý tưởng của mình: Miền Nam, từ khoảng 1965 - 1975, các tổ chức cộng đồng, Hướng đạo, Phật tử, Thiên chúa giáo, hội học sinh, tổng hội sinh viên bừng rộ. "Chúng tôi tập họp các bạn hữu thành một nhóm du ca đi khắp các hội đoàn chia sẻ, trình diễn. Phong trào du ca bàng bạc tự phát như thế đó.Sau đó, chúng tôi nhận được rất nhiều thư từ các hội đoàn tới, yêu cầu giúp đỡ."

 

Từ sau năm 1963 trở đi, các tổ chức sinh viên khởi phát các cuộc hội thảo về đủ các vấn đề như: xã hội nhiễu nhương, Cộng sản lũng đoạn nông thôn, chiến tranh leo thang, dân quê khổ sở, etc... Các tướng đảo chánh liên tục, trật tự rối loạn... Tuổi trẻ bị hoang mang, thiếu phương hướng. Do đó, mục đích của phong trào du ca là đi gây tạo một tâm thức, xây dựng một tâm thức mới cho tuổi trẻ, tạo ra các tác động viên cho xã hội. Chúng tôi hoàn toàn không có ý định thay đổi chính quyền, chỉ thuần tuý với mục đích xây dựng, đưa xã hội đi lên. Theo ông, tuổi trẻ miền Nam lúc đó không hề muốn chiến tranh, chỉ miễn cưỡng bị đẩy vào một tình thế tự vệ, và trách nhiệm phải chia sẻ gánh nặng với những người chung thế hệ.

 

Sự nghiệp du ca của ông cũng có sự tiếp tay của nhạc sĩ Phạm Duy. Bắt nguồn từ một trại hè của sinh viên toàn quốc tại Trạch Lộc Thôn, cách Sài Gòn mấy cây số. Vào buổi chiều, Phạm Duy được mời tới, theo lời ông kể, lúc đó Phạm Duy có thể coi là thần tượng của giới trẻ qua các Trường ca, Con Đường Cái Quan ... Phạm Duy đã rất ngạc nhiên và khen nhạc của Nguyễn Đức Quang, rủ về nhà và nghe thêm một số nhạc nữa và sau đó mời Nguyễn Đức Quang đi theo ông trong mọi cuộc trình diễn. "Và tôi đã đi theo Phạm Duy mấy tour khắp Việt Nam, khoảng thời gian đó, Pham Duy sáng tác 10 bài tâm ca rất nổi tiếng, và tôi cũng học hỏi theo ông. Phạm Duy có tài sáng tác rất đa dạng; ông liên tiếp nhảy từ thể loại này sang thể loại khác, tình ca, sang tâm ca, phổ thơ, etc …

 

Những bài trầm ca

 

Nguyễn Đức Quang đã bỏ Đà Lạt về Sài Gòn, lập một nhóm trầm ca lưu diễn, đi hát chung với Phạm Duy. Ông nhắc lại niềm đam mê khác với các bạn du ca của mình là, những người bạn đó từ Đà Lạt về Sài Gòn để học đồng thời ca hát, trong khi ông đang theo học tại Đà Lạt, bỏ về Sài Gòn chỉ để ca hát. Khác với "Tâm ca", tiếng hát từ timcủa Phạm Duy, "Trầm Ca" là lời ca từ những suy tư trong óc. Mười bản trầm ca đã trở nên lẫy lừng ngay từ lúc ra đời.

 

"Nỗi Buồn Nhựơc Tiểu" viết về thân phận bị các nước lớn thao túng dẫn đến anh em một nhà đánh nhau, đổ máu … Tôi trót sinh ra làm thân nhược tiểu, nỗi tủi buồn căm bừng trên tay, nỗi nhọc nhằn còn đọng lòng sông, tình anh em máu chảy thành giòng … Như trong "Lìa Nhau", Lìa nhau cho tim bốc cháy, thù sâu lan khắp địa cầu ... Những lời này đi đến đâu hát cũng làm rơi lệ ở đó. Chúng như quả bom nổ trong đầu óc tâm tư của tuổi trẻ. Nó có vang dội ra Bắc, và một số lãnh đạo miền Bắc ngộ nhận là nhóm Trầm Ca chống lại chính quyền miền Nam, nhưng không phải, chúng tôi nói chung cho cả miền Nam lẫn miền Bắc (lời Nguyễn Đức Quang).

 

"Tiếng Hát Tự Do" Việt Nam thao thức hoài, trải qua những đêm dài, nuôi giòng máu tự do …, "Chuyện Việt Nam", Chuyện Việt Nam ôi mấy mươi năm, mấy trăm năm hay đã hơn ngàn năm. Mấy ngàn năm chưa thấy vẻ vang … Ôi quê hương ơi đẹp tươi đứng trong trời đất, ta yêu quê ta thì đâu có bao giờ mất, yêu giống nòi mình lầm than mãi rồi, yêu khiến lòng chẳng biết sao nguôi… Hay "Về với Mẹ Cha" vẫn nói về một Việt Nam là một, một ước mơ về một Việt Nam chung cho tất cả, về bồi đắp cho mẹ cha Từ Nam Quan, Cà Mau, từ non cao rừng sâu, gặp nhau cho non nước xây cầu…

Những lời hát như thế nên, ông kể, có nhiều khi chúng tôi đi trại hè, đi công tác từ Sài Gòn ra Vũng Tàu, Pleiku, Vĩnh Long, Cần Thơ, suốt mấy tiếng đồng hồ chỉ hát một bài mà vẫn say mê. Những lời đã trở thành câu hát đầu môi cho các bạn trẻ. Xin nhận nơi này làm quê hương dẫu cho khó thương … Ta còn những người ngồi quanh đây, trán in vết nhăn … Chưa gặp bao giờ mà đã như uống máu ăn thề …. "Người Anh Vĩnh Bình", "Chiều Qua Tuy Hòa" và tập trầm ca đã kết thúc bằng "Việt Nam Quê Hương Ngạo Nghễ," trong ý của ông, sau những bài ca với những tậm sự buồn, đau thương khắc khoải với vận nước, ông muốn đóng bằng một hình ảnh của hứng khởi, của tương lai.

 

Nguyễn Đức Quang không hề nghĩ mình nổi tiếng hay tài năng, dù ông là ngừơi đầu tiên sáng tác nhạc trong "lứa" nhạc sĩ thời ấy. Ông bắt đầu từ năm 1965, Trịnh Công Sơn 1967, Lê Uyên Phương 1969, Từ Công Phụng, Vũ Thành An cũng thuộc thế hệ viết nhạc của miền Nam thời ấy. "Tôi ít khi nào lường được là tôi được nhiều người biết đến. Có lẽ là do tình yêu mến hơn là tài năng. Với các người bạn nhạc sĩ nổi tiếng cùng lứa (kể trên) tôi là "ngoài luồng", tôi không đứng trong luồng sáng tác của các anh em đó, dù tôi chơi với tất cả, quý mến tất cả và tất cả đều quý mến tôi. Loại thể nhạc của tôi không phải nhạc cho thu âm, mà là những bài hát về thanh niên, dành cho những sinh hoạt cộng đồng. Tiếng nói của tôi là tiếng lòng chung của người cùng thế hệ …

 

Trước những câu hỏi cũng như gợi ý về thực hiện lại một phong trào du ca trong hiện tại, ông thẳng thắn cho rằng du ca đã qua rồi. Với những người trẻ hiện tại chưa chắc họ đã hiểu. Họ đã có những biểu tỏ khác, suy nghĩ khác … Ông cho rằng hãy cho qua những ý tưởng của du ca ngày xưa. Và cần tìm hiểu xem những người trẻ hiện tại thích gì, muốn gì. Và về cuối đời ông đã có mong ước được trở lại viết một loạt bài cho tuổi trẻ, nhưng vấn đề tìm tòi để đồng cảm và hiểu đúng được tiếng nói của tuổi trẻ ngày nay vẫn còn là một vấn đề sinh tử với ông. Ông cũng cho rằng du ca không có đất sống ở hải ngoại, nhưng nếu ông được các bạn trẻ Việt Nam mời về hát cho tuổi trẻ và được phép hát như ý ông sẽ rất sẵn sàng.

 

Nguyễn Đức Quang và những suy nghĩ về thời sự

 

Có lẽ đa phần chỉ biết về Nguyễn Đức Quang của một thời tuổi trẻ, của những tha thiết về quê hương đất nước qua những dòng du ca sôi nổi một thời. Người viết xin được dùng đoạn sau này tường thuật lại những suy nghĩ và của ông về các vấn đề thời sự của đất nước và con người Việt Nam, cũng như những mơ ước riêng cuối đời, theo như những bộc bạch của ông trong cuộc phỏng vấn với nhóm vietyouth.net vào năm 2006.

 

Ông đã giã từ làng báo, vì cho rằng thời thế đã khác. Làm báo không còn cần thiết như là một thiên chức để cung cấp văn hoá tư tưởng cho người đọc như xưa nữa. Đã có quá nhiều tổ chức và phương tiện cung cấp những nhu cầu đó, làm báo giờ trở thành như là một nghề kiếm cơm. Ông đã nghỉ ngơi, làm một số tour trên nước Mỹ, sáng tác lại, và dự định sẽ quay về lãnh vực sáng tác của thời tuổi trẻ.

 

Một số tình ca đã được sáng tác, dù theo nhiều người nghe phê bình rằng chúng không giống tình ca, nhưng đối với ông là "tình", là kỷ niệm như: Về Con Phố Xưa, Một Lần Thôi, Về Đây Nhé, Có Những Khi, Mùa Thu Lại Đi ...

 

Tập nhạc mới sau này với chủ đề "Quê Hương Mênh Mông", ông mở rộng "quê hương" ra tới hải ngoại, nhưng cũng vẫn bao hàm những trăn trở cũ, những điệu đượm buồn về mối hận thù Nam Bắc của quê hương xa xưa chưa hề được cởi, với những tựa đề như: Trên đường phố San Francisco, Quân Nam - Quân Bắc ... Và ông đặc biệt tâm đắc với Trên đồi Arlington, nói rất nhiều về bản nhạc này. Ông đã đến nghĩa trang Arlington trong chuyến tour Washington, D.C. năm 2004, và ngậm ngùi so sánh cuộc nội chiến của Mỹ qua đi không để lại chút dấu vết hận thù như cuộc nội chiến của Việt Nam, ngậm ngùi cho những người lính Việt của hai phe đã chết oan uổng vì cái chết của họ vẫn không đưa lại một đất nước thống nhất lòng người. Ông hát trong ước mơ cho một ngày Việt Nam cũng có được tình người này: Bắc Nam cùng mạch sống, thắng thua đều anh hùng, bốn mùa hoa nở rộ, dưới mộ đài hùng tráng, chung dòng "Tổ quốc Ghi Công" (chỉ Arlington của Mỹ), và Nay mộ phần rào quanh thành oán thù, sống hay là đã chết, đành mất lối bơ vơ ... Sao gọi là vinh quanh? Cuộc sống vùi sâu dân tộc, khơi dậy những hờn căm .... (chỉ Nghĩa Trang Quân Đội của VNCH và thời hậu chiến VN)

 

Trước những mâu thuẫn trong cộng đồng hải ngoại cũng như quốc nội, Nguyễn Đức Quang đã đưa ra một nhận định rất sắc bén. Ông cho rằng ở hải ngoại có những đối nghịch tư tưởng về phương cách chống Cộng, cũng như trong nước có những tiếng nói phản kháng từ trong hàng ngũ CS, đều là những dấu hiệu tốt. Cả hai bên đều cần những rạn nứt để tiến đến trưởng thành cho khối của mình. Và từ đó mới thay đổi để nói chuyện, làm việc chung, đi tới một điểm khó hơn.

 

Lời nhắn nhủ cho tuổi trẻ Việt Nam cũng rất phóng khoáng phản ánh tâm hồn cởi mở của người nghệ sĩ du ca một thuở: Hãy tham gia/involve, với tổ chức, với đám đông, bất kể là tả hay hữu, vì tả/ hữu thường chỉ là tương đối, nhưng điều quan trọng là để tâm huyết vào một việc chung hơn là chỉ biết riêng mình. Ông cũng băn khoăn nghĩ đến tuổi trẻ của hải ngoại, xa rời quê hương và làm thể nào có được những tổ chức tạo cơ hội cho tuổi trẻ trong ngoài đến gần với nhau thì mới tạo được những nối kết và chất Việt Nam được phát triển.

 

Cuối cùng, người nhạc sĩ không nghĩ tới một danh hiệu nào cần để khắc trên mộ bia của mình. Ông xin tan nhẹ nhàng vào cơn gió, trở về cát bụi. Người thương mến, nếu có, có thể dành chỗ cho ông trên một trang giấy nào đó....

 

Người viết hy vọng đôi trang cuối này đáp lại được suy nghĩ khiêm nhượng và giản dị của người nhạc sĩ khả kính. Ông đã thanh thản ra đi, tan vào trong gió, để lại mãi mãi một ước mơ không bao giờ tan, ước mơ về một Việt Nam Quê Hương Ngạo Nghễ.""

 

oOo

 

Email kêu gọi quý ACE, như nhạc sĩ Trần Quang Hải (Paris), đồng sáng lập viên diễn đàn Tình Nghệ Sĩ, nhạc sĩ Phan Ni Tấn (Toronto), đồng sáng lập viên diễn đàn Tin Văn Nghệ Sĩ, và các quý thân hữu của 10 forums trong nhóm liên kết các diễn đàn trên internet.

 

Anh Hải, anh Tấn cùng quý anh chị,

 

Tôi xin quý anh chị nếu ai muốn tham gia bài viết chung đưa tiễn nhạc sĩ Nguyễn Đức Quang, xin cho tôi một cảm nghĩ về anh Quang như quotes (*) của 2 vị Võ Đình Tuyết (Pennsylvania) và Nguyễn thanh Bình (Massachussetts), tôi sẽ đúc kết thành một bài tưởng niệm về người nhạc sĩ mà ca khúc "Việt Nam Quê Hương Ngạo Nghễ" của anh đã từng vang rền phố sá Saigon, Boston, San Francisco, Los Angeles, Munich, Paris, Toronto, Sydney, Melbourne,... vì khóc hận Hoàng Sa.

 

Tôi nhờ anh Bùi Mạnh Hùng chuyển lời mời đến anh Võ Thành Nhân cho lời phát biểu cảm tưởng nhe, tôi không có địa chỉ email của anh Nhân trên DC.

 

Xin cám ơn anh Trần Trung Đạo cho tôi xử dụng bài viết của anh.

 

Mong email của quý thân hữu từ các nơi gởi về sớm.

 

Việt Hải Los Angeles

 

 

*Góp ý (trích đăng từ website Người Việt Boston):

 

1/ Nguyễn thanh Bình:

 

Thưa quý vị,

Những năm tháng trước 1975, bài hát Việt-Nam Quê Hương Ngạo Nghể (VNQHNN) trong tập nhạc Khai Phá đã vang bóng trong moị môi trường sinh hoạt chính trị, kinh tế, xã hội và cả sau 1975. Có thể nói là dân Việt biết đến bài hát nầy hơn là nhạc sĩ Nguyễn đức Quang!

Tôi may mắn làm việc tại Tuy-Hòa 1973-1975 nên mổi lần nghe bài " Chiều qua Tuy-Hoà" cũng mang lại nhiều xúc cảm!

Trong thời gian tạm trú ờ trại tỵ nạn, dĩ nhiên lại ngêu ngao VNQHNN vì câu cuối cùng " Còn VN, triệu con tim nầỳ còn triệu khối kiêu hùng"!

Năm 1981(?), anh Quang có đến Boston và trình diển tại Đại học MIT cũng như văn nghệ Tết. Điêù vui vui là nhiều vị tuởng tượng bài " Vì tôi là linh mục" theo nghĩa đen nên hiểu nhầm nhưng rồi sự giải thích cũng mang lại hoà khí!

Năm 1989, khi đi dự Đại hội Thể thao Bắc-Mỹ tại Califoirnia, chúng tôi lại có dịp găp anh Nguyễn đức Quang, anh vẩn hăng say như thuở nào và đang làm Chủ nhiệm Báo Kinh-Tế như nghề tay trái!

Cầu xin Thượng Đế thương xót anh cũng như con dân Việt và cũng cầu mong maĩ maĩ chúng ta như " Nước dâng, dâng tràn có bao giời tràn" cho quê mẹ yêu dấu và cho anh Nguyễn đức Quang!

 

2/ Võ Đình Tuyết :

 

Anh Trần Trung Đạo viết bài "Khi Bài Hát Trở Về" không lâu lắm,nhưng trước ngày nhạc sĩ du ca Nguyễn Đức Quang vào bịnh viện,và đó là bài viết tôi cho hay nhất về nhạc sĩ du ca Nguyễn Đức Quang.Anh Đạo đã viết trong tinh thần sáng tạo tươi mát của một tuổi trẻ ngày anh mới lớn nồng nàn yêu quê hương của mình,của lớp trẻ thời chiến tranh.

Phần đông những người viết về nhạc sĩ thường hay viết về dời tư và ít khi đi sâu vào tư tưởng và thông điệp của tác giả muốn gởi gấm đến cho đời bằng ký hiệu âm nhạc.Con người không ai hoàn hảo.Nguời nghệ sĩ thường tặng cho dời những tác phẩm nghệ thuật bằng chính con tim khối óc của họ chứ không phải thân xác. Cầu nguyện cho nhạc sĩ du ca Nguyễn Đức Quang qua cơn hiểm nguy.

Cầu nguyện luôn cho những người viết về những tác gỉả nghệ thuật bằng thăm thẳm nhất của trái tim nuôi dưỡng tình tự nhân bản, đồng hành với tác gỉa, và bao dung với chính mình như anh Trần Trung Đạo.

 

Võ Đình Tuyết

Hatfield, PA

 

Ref links:

http://aitubinhdien.aimoo.com/T-C-GI-T-C-PH-M-M-NH-C/Nh-c-S-Nguy-n-c-Quang-1-487597.html#nguyenducquang_03

 

http://danviet75.blogspot.com/2011/03/nhac-si-nguyen-uc-quang-qua-oi-tai.html

 

http://traitrunggioi.blogspot.com/2010/04/ca-khuc-viet-nam-que-huong-ngao-nghe.html

 

http://www.ducavn.com/duca_files/VanNghe_files/SinhHoat/DemNhacNDQ1.htm

 

 

Nam tài tử điện ảnh Đặng Hùng Sơn, người rất sốt sắng theo dõi và báo cáo lên diễn đàn mỗi khi có ACE văn nghệ sĩ lâm nạn. Anh củng hai người bạn nghệ sĩ Trần Quốc Bảo và Lâm Mai Thy cho lời chúc tiễn đưa và một tiểu sử của nhạc sĩ 

Nguyễn Đức Quang, theo trang nhà Du Ca Việt Nam

 

Đặng Hùng Sơn, Lâm Mai Thy và Trần Quốc Bảo kính chúc anh lên đường bình yên. Đây là một chút gì anh còn để lại...

 

Tiểu sử và Tác phẩm

 

Tên thật Nguyễn đức Quang, sinh năm 1944 tại Sơn Tây. 

Theo gia đình vào Nam năm 1954.

Sinh sống tại Ðà Lạt từ năm 1958.

Tốt nghiệp đại học Ðà Lạt phân khoa Chính Trị Kinh Doanh khóa 1.

Bắt đầu sáng tác nhạc năm 1961. Ca khúc đầu tay dành cho Hướng đạo với tên Gươm Thiêng Hào Kiệt.

Sau biến chuyển chính trị lớn ở miền Nam năm 63, bắt đầu cảm hứng về nhạc Thanh niên và những vấn đề đất nước.

Năm 1964, chuyển qua hẳn những ca khúc có chủ đề Tuổi trẻ, Quê hương, Dân tộc.xây dựng những đề tài mới cho tập Trầm Ca, hát nhạc tranh đấu xã hội và nhạc sinh hoạt thanh niên và thành lập Phong Trào Du Ca Việt Nam năm 1966 .

Năm 1979 cùng gia đình đến Hoa Kỳ, hoạt động liên tục trong nghành truyền thông tại hải ngoại. Hiện vẫn định cư tại Little Saigon, California USA. 

 

      Mục Lục Những Ca Khúc Tiêu Biểu

Măi đến sau 1965, một số những bài hát của Nguyễn Đức Quang mới xuất hiện rải rác trên một số ấn phẩm sách, báo và vài tuyển tập sơ sài do Tình hình thiếu thốn phương tiện và điều kiện lúc bấy giờ, người ta đã thấy có các tập nhạc in bằng ronéo như : Trầm ca, Những bài Ca Khai Phá, Ruồi và Kên Kên, Thỏ Thẻ Loan Phòng v..v.

Năm 1995, Ngô Mạnh Thu và Nguyễn Thiện Cơ trong nhóm Đồng Vọng thu gom lại hầu hết bả nhạc trong các tập nhạc chính và ấn hành tuyển tập Dưới Ánh Mặt trời gồm 69 bài. Duới đây là những nét chính và  9 tập nhạc đã được tác giả  hình thành trên suốt quãng đường sinh hoạt và sáng tác của anh. ( Trích trong " về những ca khúc Nguyễn Đức Quang đă viết" trong tuyển tập "Dưới Ánh Mặt Trời" )

 

* Quí vị có thể vừa NGHE và XEM bản nhạc , trong phần MỤC LỤC NHẠC DU CA   trên cột bên trái . 

 

Ấn Phẩm Đã Phát Hành:

 

1.- Chuyện Chúng Mình :

52 ca khúc, viết từ 1960 đến 1964,thời kỳ đầu sáng tác,

hầu hết là các khúc tình ca tuổi học trò và thời gian sinh sống tại Đà lạt . Một số bài như : Chuyện Người Con Gái , Khôn Hồn Có Cánh Thì Bay, Trẫm Nhớ Ái Khanh Không ( phổ thơ Nhất Tuấn) , Lửa Từ Bi ( Thơ Vũ Hoàng Chương).

 

2.-Trầm Ca :

10 ca khúc cho thanh niên và thời cuộc,

những thao thức lớn nhất về con người, đất nước.

Những ca khúc này tạo nên cả một cao trào tuổi trẻ

 nhập cuộc vào các sinh hoạt.

Nỗi Buồn Nhược Tiểu,  Người Anh Vĩnh Bình, Tiếng Hát Tự Do,

Chiều Qua Tuy Hòa, Việt Nam Quê Hương Ngạo Nghễ

 dấu ấn chưa phai mờ trong nhiều thế hệ thanh niên Việt Nam từ đó đến nay .

 

3.- Những Bài Ca Khai Phá :

trên 40 ca khúc sinh hoạt đặc biệt cho tuổi trẻ , sinh viên, học sinh

dùng trong các buổi họp mặt công tác xã hội,

các hoạt động đám đông, là tiếng kêu gọi tuổi trẻ đến với nhau cùng xây dựng một đất nước và niềm tin :

Không Phải Là Lúc , Về Với Mẹ Cha, Đưới Ánh Mặt Trời, Chuyện Quê Ta, Hy Vọng Đã Vươn Lên, Một Giấc Chiêm Bao, Về Miền Gian Nan v..v..

Khởi động phong trào hát cộng đồng , hát chung khắp mọi nơi,

sau này được lan truyền sang nhiều địa hạt và nhiều giới khác,

kể cả tôn giáo .

Du Ca trở thành hình ảnh mẫu mực con người xã hội mới, đi vào phim ảnh Xin Nhận Nơi Này Làm Quê Hương.

 

4.-Cần Nhau :

12 tình khúc được biết đến nhiều với :

Bên Kia Sông, Vì ́ Tôi Là Linh Mục, Cần Nhau, Như Mây Trên Cao, Vỗ Cánh Chim Bay ...

 

5.- Thỏ Thẻ Loan Phòng (hay Lời Nguyện Cầu Hạnh Phúc) :

18 bài sinh hoạt trong ngày hạnh phúc lứa đôi, hình thành 1969 ,

nhiều bài hì́nh như đă thành nếp trong các đám cưới như:

Lời Nguyện Cầu Hạnh Phúc, Đám Cưới Chúng Mình,

Lũ Chén Diã Có Tội Tì́nh Gì, Đường Đến Hạnh Phúc .

 

6.- Khúc Nhạc Thanh Xuân :

Khoảng 40 bài nhạc sinh hoạt thanh niên quốc tế.

Nhiều nhất là các ca khúc trong thời lập quốc Do Thái, phong trào Kibbuz,

những bài hát nhân quyền, tự do từ Âu sang Á và Mỹ như:

Về Miền Gian Nan, Bài Ca Hải Tặc , Quân Đoàn Thức Tỉnh, Không Ai Là Hoang Đảo ...

được chuyển qua lời Việt để sử dụng trong nhiều sinh hoạt tuổi trẻ.

 

7.- Hương Đồng Quê :

Các khúc Dân Ca và nhạc đồng quê nổi tiếng trên thế giới

chuyển dịch sang lời Việt,

gần 200 bài như Bài Ca Sông Hồng, Những Bụi Hoa Dại, Em Yêu Dấu Hỡi, Bên Bờ Sông Ohio, Tâm Sự Chú Lừa ...

hầu hết bị thất lạc năm 1975.

 

8.-Phúc Ca Mùa Lễ :

25 bài đồng dao quốc tế hát trong mùa Gíáng sinh như : Jingle Bells, The Christmas Tree, Silent Night...

được coi là những khúc hát vui trong mùa an bình của nhân loại .

 

9.-Ruồi Và Kên Kên :

Hoàn tất năm 1970, gồm 11 bài,

 những ca khúc bi phẫn về những vấn đề lớn nhất

trong một khung cảnh chính trị và xă hội đen tối nhất của cả 2 miền đất nước:

Im Lặng Là Ðồng Lõa, Ruồi Và Kên Kên, Bọn Lái Buôn Ở Khắp Nơi, Phòng Thí Nghiệm Công Cộng, Vụ Án Cuối Cùng...

Những ca khúc này vẫn được yêu chuộng cho đến nay .

 

10.-Dưới Ánh Mặt Trời :

gỗm những sáng tác trong tập

Trầm Ca, Những Bài Ca Khai Phá, Ruồi và Kên Kên, Chuyện Chúng Mình,

Cần Nhau, Khúc Nhạc Thanh Xuân, Lời Nguyện Cầu Hạnh Phúc....

Bìa: Nguyễn Ðồng, Nguyễn Thị Hợp

Hý họa : Tạ Tỵ, Chóe, Hiếu Ðệ

Chân dung: Lê Phúc

Kẻ nhạc: Phạm Xuân Ðài

Trình bày: Nguyễn Thiện Cơ, Ngô Mạnh Thu

Hình ảnh sưu tập: Trần Ðại Lộc

Hình bìa: Hồ Ðăng

Xuất bản Ðồng Vọng 1997 tại Cali- USA

 

oOo

 

Nhà văn Lê Văn Phúc, qua bút hiệu Châu Ngân, một người bạn thân thiết từ trước năm 1975 của Nguyễn Đức Quang viết về Nguyễn Đức Quang như sau:

 

 

"Du Ca Nguyễn Đức Quang!

 

Ngày 27 tháng Ba – 2011, nhạc sĩ du ca sau 17 ngày nằm trong phòng cấp cứu vì tai biến mạch máu não,  đã lặng lẽ ra đi không một lời giã biệt, thọ 68 tuổi…

Với số tuổi  ấy, thời buổi bây giờ khoa học hiện đại, vẫn coi là còn quá trẻ.

Nhưng một cuộc đời từng trải, xông pha không khác những chiến sĩ anh hùng, lăn lộn trên nhiều chiến tuyến thì phải coi Nguyễn Đức Quang là đã sống nhiều, sống lâu trên thế gian này.

Mang trong người dòng máu hào hùng, tham gia Hướng Đạo ngay từ thời niên thiếu, anh đã hun đúc một tinh thần phấn đấu, tự thắng để chỉ huy ; tự cường để xông pha trên nhiều lãnh vực ; tự lực cánh sinh để vượt mọi khó khăn như tinh thần và tôn chỉ cao quý của Hướng Đạo.

Những mục đích ấy, anh đã làm trọn vẹn trong suốt cuộc đời mình…

***

Năm 1956, khi được 12 tuổi, anh gia nhập Hướng Đạo vùng Lâm Viên,

dần dần lên tới cấp Hướng Đạo Hạng Nhất là đẳng hiệu cao quý nhất của HĐVN.

Qua các khóa huấn luyện, anh trở thành Bầy Trưởng Ngàn Thông năm 1964.

Khi vào Saigon, anh tham gia sinh hoạt với Ban Trầm Ca - tiền thân của Phong Trào Du Ca – cùng với Toán Sóng Việt gồm hầu hết Hướng đạo sinh đang theo học tại Viện Đại Học Dalat.

Khi Phong Trào Du Ca được thành lập năm 1966, anh đã hoạt động trong Phong Trào này cho đến tháng Tư 1975.

Khi định cư tại Hoa Kỳ năm 1979, anh đã dấn thân vào các sinh hoạt của Liên Đoàn hướng Đạo VN trong các chương trình văn nghệ, họp bạn Hướng Đạo VN, tổ chức nhiều buổi hát nhạc rất thành công tại Úc Đại Lợi.

Anh sáng tác từ năm 17 tổi (1961) với nhạc phẩm « Gươm thiêng hào kiệt » dành cho Phong Trào Hướng Đạo.

Năm 1963, sau những biến chuyển chính trị lớn tại miền Nam, anh sáng tác những nhạc phẩm mang chủ đề về tuổi trẻ, quê hương, dân tộc, thân phận con người, nhạc tranh đấu cho một Việt Nam bất khuất…

 

Ngoài phần sáng tác, anh còn là Tổng Giám Đốc công ty Người Việt trong 4 năm (1984-1988), sáng lập nhật báo Viễn Đông, lập công ty báo chí QMS Media, xuất  bản báo Chí Linh, Phụ Nữ Diễn Đàn, đài phát thanh và truyền hình VOC.

***      

Nguyễn Đức Quang sinh năm 1944 tại Sơn Tây, theo gia đình di cư vào Nam năm 1954, định cư tại Dalat. Anh tốt nghiệp đại học Dalat, phân khoa Chính trị Kinh doanh khóa 1.

Một chi tiết nhỏ ít người biết đến là Nguyễn Đức Quang có thời gian làm việc tại Ngân hàng Phát Triển Nông Nghiệp Trung Ương, số 7 Bến Bạch Đằng Saigon. Thời đó, Tổng giám Đốc là ông Nguyễn Đăng Hải.

Ngân hàng mở khóa thi tuyển dụng Tham vụ Ngân hàng để có thêm nhân sự giữ chức vụ Giám Đốc Ngân hàng tại các địa phương. Anh ứng thi và vì đậu cao trong số mấy hạng đầu nên được chọn phục vụ tại Sở Kế Hoạch.

Tôi cũng là nhân viên tại Ngân Hàng Trung Ương, có được một nhân tài âm nhạc phục vụ cùng ngành thì mừng lắm, kết thân ngay. Anh cũng là người vui vẻ, dễ tính, cởi mở nên chúng tôi chơi với nhau thoải mái.

Những dịp khánh thành Ngân hàng Nông Thôn tại các Vùng, tôi đều rủ anh đi để quan sát, học hỏi về ngành chuyên môn này.

Hồi làm việc tại Saigon, sáng sáng chúng tôi đến sở sớm, hay la cà bên quán cà phê cạnh trụ sở, nơi qui tụ các ông tài xế, lao công, nhân viên ngân hàng hay ngồi uống cà phê, đấu hót.

Anh cũng tham gia như mọi người, ngoại trừ là không ôm cây đàn để hát cho nhau nghe, vì sắp đến giờ làm việc.

Anh em, ai cũng quý mến Nguyễn Đức Quang vì anh ấy quá nổi danh đi rồi…

Bẵng đi một thời gian sau khi mất nước, chúng tôi lại gặp nhau bên Cali. Anh làm báo Người Việt, tôi cũng viết báo Người Việt với bút hiệu Lê văn Phúc  nên thân tình càng thêm đậm đà. Anh là nhạc sĩ du ca nổi danh, còn tôi thì loe hoe dăm bản nhạc viết chung lời với nhạc sĩ Tuấn Khanh gọi là văn nghệ văn gừng…

Khi nào sang Cali, tôi cũng gặp anh trò chuyện, ăn nhậu. Khi nào anh qua vùng DC, tôi cũng rủ anh đi chơi thủ đô, có lần đưa anh đi thăm nghĩa trang Arlington để anh thấy nghĩa trang buồn trắng xóa, im lặng như tờ, nơi an nghĩ của biết bao chiến sĩ anh hùng hiến thân cho tổ quốc.

Anh đã coi cảnh các quân nhân đổi gác rất uy nghi, ngày đêm canh thức bên cạnh đài tưởng niệm  tử sĩ .

Nguyễn Đức Quang đã viết bài « Chiều trên nghĩa trang Arlington » sau chuyến thăm Hoa Thịnh Đốn.

***           

Nói về các sáng tác của Nguyễn đức Quang, khuôn khổ tờ báo không cho phép nên tôi chỉ xin trích đoạn một vài bản nhạc đã được nhiều người biết.

Trong Tập Ca « Dưới ánh mặt trời » gồm những sáng tác trích từ các tập : Trầm ca, Những bài ca khai phá, Ruồi và kên kên, Chuyện chúng mình, Cần nhau, Khúc nhạc thanh xuân, Lòi nguyện cầu hạnh phúc, gồm 69 bản nhạc viết về quê hương, thân phân, tuổi trẻ, đồng bào, tự do, tình yêu, vượt biển, chiến tranh, hy vọng…

Trước hết hãy nói về tình yêu, chúng ta nhớ ngay đến bản « Bên kia sông » tác giả phổ từ thơ Nguyễn Ngọc Thạch :

 

Này người yêu, người yêu anh ơi !

Bên kia sông là ánh mặt trời

Này người yêu, người yêu anh hỡi !

Bên kia đồi cỏ hoa đan lối

Bên kia núi, núi cao chập chùng

Bên kia suối, suối réo lạnh lùng

Là bài thơ toàn chữ hư vô…

 

Năm 1970, anh viết « Vì tôi là linh mục », thơ Nguyễn Tất Nhiên. Một linh mục không mặc chiếc áo dòng, có được một tín đồ là người tình, là ác quỷ, bỏ tôi đi trong chuông chiều dài lê thê. Nên tôi là một linh mục rất dại khờ…

 

Vì tôi là linh mục, không mặc chiếc áo dòng

Nên suốt đời hiu quạnh, nên suốt đời lang thang.

Vì tôi là linh mục, có được một tín đồ

Nhưng không là thánh thần nên tín đồ đi hoang…

Và kết cục là xôi hỏng bỏng không nên than thở một mình :

Vì tôi là linh mục, vì tôi là linh mục

Người ơi ! Một linh mục rất dại khờ…

 

Năm 1966, anh viết một ca khúc lừng lẫy, đó là « Việt Nam quê hương ngạo nghễ », nhịp điệu hùng mạnh, lời đanh thép sống động, ca tụng một quê hương ngạo nghễ anh hùng, qua bao nhiêu thời đại vẫn kiêu dũng hiên ngang…Sau gần 40 năm, bài hát đã thấm sâu vào lòng dân tộc :

 

Ta như nước dâng, dâng tràn có bao giờ tàn

Đường dài ngút ngàn chỉ một trận cười vang vang

Lê sau bàn chân gông xiềng của thời xa xăm

Đôi mắt ta rực sáng theo nhịp xích kêu loang xoang..

…Máu ta từ thành Văn Lang dồn lại,

Xưong da thịt này cha ông  miệt mài

Từng ngày qua, cười ngạo nghễ đi trong đau nhức không nguôi.

Chúng ta thành một đoàn người hiên ngang

Trên bàn công hát cười đùa vang vang.

Còn Việt nam, triệu con tim này còn triệu khối kiêu hùng…

Nhạc phẩm này có lời 2 của đoạn 1 cũng rất kiêu hùng :

Ta như giống dân đi tràn trên lò lửa hồng

Mặt lạnh như đồng cùng nhìn về một xa xăm

Da chan mồ hôi nhễ nhại cuộn vòng gân tươi

Ôm vết thương rỉ máu ta cười dưới ánh mặt trời.

Ta khuyên cháu con ta còn tiếp tục làm người

Làm người huy hoàng phải chọn làm người dân Nam

Làm người ngang tàng điểm mặt mày của trần gian

Hỡi những ai gục xuống ngoi dậy hùng cường đi lên…

 

Năm 1967, anh viết « Hy vọng đã vươn lên » như ngọn đuốc giữa đêm đen, soi sáng những con đường quê hương, những tấm lòng rộng mở để cùng nhau đi tới :

 

Hy vọng đã vươn lên trong nhà hoang bên ruộng cằn

Hy vọng đã vươn lên trên nương buồn, dòng sông vắng

Hy vọng đã vươn lên trong lòng thuyền còn xa bến

Hy vọng đã vươn dậy như triều dâng cho buồm căng xuôi trường giang.

 

Khi nói lên tâm sự về gia đình, anh viết « Người anh Vĩnh Bình »  năm 1967, kể chuyện nhà. Người anh ra đi biền biệt không nói năng câu gì, bỏ lại bà mẹ già, vợ trẻ, con thơ. Một bài ca buồn lặng lẽ, ưu phiền. Có đoạn :

 

Khi anh tôi đi, không nói năng câu gì.

Đem theo ba lô, cây viết xanh nhỏ bé

Mai nơi xa xôi, anh sẽ biên thư về

Cho mẹ, cho bà con, cho vợ với cậu bé.

Nhưng hai năm qua, không thấy thư anh về

Con thơ năm xưa nay đã thôi bồng bế

Đêm nghe xa xôi có tiếng ai ngang lệ

Con chờ nhé, đợi nhé, con chờ mốt ba về…

 

Năm 1968, Nguyễn Đức Quang đi qua một tỉnh miền Trung, anh viết bài "Chiều qua Tuy Hòa".

Bản nhạc "gam" Mi thứ, nhịp ¾ êm nhẹ, vương vấn một nỗi buồn mênh mang.

Ai có dịp đi đường bộ từ Nha trang lên Ban Mê Thuột, nửa đường dừng lại trên đèo Ma Drak, đứng nhìn về hướng Tuy Hòa sẽ thấy bóng núi vọng phu trong sương mờ lạnh lẽo. Nhìn cảnh đó, ta cũng dâng lên một nỗi buồn  vời vợi.

Tác giả đã đến tận nơi, nhìn tận mắt núi đá chơi vơi giữa cảnh núi đồi trong cảnh chiều tà.

Anh viết:

 

Ngày xưa tôi đã đi qua Tuy  Hòa,

trời xanh le lói bao mộng mơ.

Đàn chim tung cánh bay bay đầu gió

 đâu đây tiếng sông bồi phù sa.

Ôi, những chiều mây vắt ngang lưng đèo,

vọng phu đưa mắt cũng buồn theo…

 

Cách đây 20 năm, khi anh về Houston trình diễn, có ở nhà tôi vài hôm.

Cả nhà tôi được nghe anh hát bài này. Riêng tôi, rất đắc ý với hai câu chót của đoạn trên:

 

"Ôi những chiều mây vắt ngang lưng đèo

vọng phu đưa mắt cũng buồn theo.

 

Tôi khen anh là có tuyệt chiêu, ít ai sánh kịp.

Anh cười, nói rằng: Ông Phạm Duy nghe bài này đã phải "chửi" ầm lên là làm sao mà nó lại viêt mấy câu hay đến thế!

Bài ca trên, tôi thuộc nằm lòng nên mỗi khi trò chuyện viễn liên với anh, tôi thường lên tiếng bằng cách hát đoạn đầu của bài này.

Nhưng phải nghe, phải thấy anh xử dụng tây ban cầm, phải nhìn vóc dáng nghệ sĩ và tâm hồn Nguyễn Đức Quang khi ca hát thì mới thấy dược những vẻ say mê, tâm hồn nghệ sĩ, tình yêu quê hương mà anh tâm sự trong những ca khúc độc đáo này.

Viết một bài hát, nhạc điệu, tiết tấu là quan trọng, mà phần lời cũng không kém để năng cao giá trị  của bài hát.

Trong giới nghệ sĩ, tôi thấy Đức Huy rất thận trọng và chú tâm trong việc đặt lời.

Nguyễn Đức Quang viết hàng trăm ca khúc, mỗi bài là một lời nhắn nhủ anh em ta, đồng bào ta hãy cùng nhau gìn giữ quê hương, trân quý tình gia đình, bè bạn, đóng góp cho đất nước sớm được hùng cường, rạng danh  một Việt Nam oanh liệt.

Những ngày cuối trong cuộc đời khi Nguyễn Đức Quang đứt mạch máu não, bất tỉnh trong phòng cấp cứu thì bên Toronto, Canada, một người bạn trong nhóm Du Ca, cũng là nhạc sĩ/nhà thơ Phan Ni Tấn đã có bài thơ gửi bạn như thế này:

 

A ha! Ê hê!

Sáng nay nghe tin người bạn già của tôi

Nhạc sĩ Nguyễn Đức Quang vừa bị đứt mạch máu não

nằm mê man như cây đàn vừa đứt một giây trầm

 

Sáng nay câu thơ tôi thả bay trong nắng

hỏi tôi còn nhớ từng ngày xưa

Ừ thì nhớ người du ca muôn thuở

người du ca đi vào lòng người, những lúc nắng và mưa

 

Trời sinh anh ra đôi chân lặn lội

đi tác động khắp nẻo quê hương

bản du ca mở ra những con đường đất

gọi người về sống với yêu thương

 

Trời sinh anh ra một đôi môi hát

tiếng hát bay xa đến tận lòng người

nhìn vào câu ca đã trông thấy phố

thấy cả nông thôn nhà máy vươn mình

 

Câu anh hát mọi người cùng hát

hy vọng vẫn vươn lên như khói lan xa

hát khúc du ca mắt người thắp lửa

sáng trong long cứ mãi hát ra

 

Đẹp đến nỗi em bé đánh giầy bên hè phố cũng biết hát

chị bán lạc soong nghe cũng nở môi cười

anh xích lô hát bằng đôi chân chở khách

chị nông dân thắm tháp khúc tình người

 

Đẹp đến nỗi cây lúa thở ra khói trắng

cũng biết kêu và hát nghêu ngao

em rót câu ca chị gặt khúc hát

người gọi người dựng một phong trào

 

Đứng cạnh người nghệ sĩ du ca

Ôm cây đàn cùng cao tiếng hát

Câu thơ tôi ngày xưa cũng trôi theo dòng nhạc

Trái tim xanh thắp lửa niềm tin

 

Sáng nay lục lại ngày thơm trang bản thảo

thấy dòng đời lặng lẽ trôi qua

thấy máu nhỏ xuống nền bệnh viện

loan thành tin người nằm bệnh phương xa

 

Nghĩ mà giận người bạn già thiệt ngặt

giận mà mong anh sớm được bình an

thức dậy lần này chẳng còn ai thèm nghe bạn hát

 chính lần này chúng tôi hát anh nghe

 

Này huynh trưởng, này bạn gìà, bạn lớn

 người yêu của mọi đồng bào

đất nước lâm nguy như người lâm trọng bệnh

lại còn nghe văng vẳng khúc hư hao

 

Nghe gì đây – khà khà …nghe chúng tôi hát bản du ca cuối cùng:

Nguyễn Đức Quang, Người yêu tôi bệnh….

 

Phan Ni Tấn

 

Những người biết anh, yêu anh đều cầu mong cho anh qua cơn bệnh hiêm nghèo.

Nhưng như một định mệnh đã an bài, anh lặng lẽ ra đi không một lời giã biệt.

Để lại chốn nhân  gian biết bao nhiêu nhớ thương, luyến tiếc ngậm ngùi…

 

Châu Ngân/Virginia

( 30 tháng Ba, 2011)

 

Kế tiếp là tác giả Trần Trung Thuần, bạn thân với hai thân hữu là nhạc sĩ Nguyễn Đức Quang và giáo sư Nguyễn Đình Cường, GS Cường ăn nói hoạt bác, kể chuyện duyên dáng mà tôi có dịp gặp cũng 2 lần khi GS Lê Hữu Mục từ Montreal sang thăm Little Saigon, nhưng nghiệt ngã thay GS Cường đã ra đi trước anh Nguyễn Đức Quang không bao lâu theo bài viết sau:

 

"Nhạc sĩ Nguyễn Đức Quang Tạ Thế

 

 

Trần Trung Thuần

 

 

Nhạc sĩ Nguyễn Đức Quang không còn nữa!  Ông đã thở hơi cuối cùng lúc hơn 4 giờ sáng ngày Chúa Nhật 27 tháng 3 năm 2011, tại California, Mỹ, sau sáu mươi tám năm sống trên cõi đời này ông thật sự ra đi vĩnh viễn!

 

Nhạc sĩ Nguyễn Đức Quang nguyên quán tỉnh Sơn Tây, sinh năm 1944.  Mười năm sau đó, ông mới mười tuổi, Hiệp Định Genève ký kết giữa Pháp và Việt Minh, trước sự chứng kiến của Mỹ, Anh, Liên Xô và Trung Cộng, ngày 20 tháng 7 năm 1954, một cõi đời mới phải chọn lựa, ở với Cộng Sản Việt Minh miền Bắc (Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa) hay vào Nam với Quốc Gia (Quốc Gia Việt Nam/Việt Nam Cộng Hòa).  Gần triệu người miền Bắc đã bỏ miền Bắc, trong đó có gia đình Nguyễn Đức Quang, vào Nam, bằng đủ thứ phương tiện, máy bay của hãng Cosara, xe lửa Bắc Nam…và tàu thủy của Mỹ, của Pháp.  Với tuổi lên mười, Nguyễn Đức Quang theo cha mẹ lên đường…Qua các trại tạm cư cho đồng bào di cư ở duyên hải Trung Phần, gần bốn năm, gia đình Nguyễn Đức Quang dời lên Đà Lạt sinh cơ lập nghiệp, xây dựng "bền vững" một cuộc sống mới.

 

Năm đó là năm 1958.  Cậu học trò bé bỏng nhưng thông minh đỉnh ngộ được nhận vào trường Nam Trung Học Trần Hưng Đạo.  Nguyễn Đức Quang học giỏi, chăm chỉ và lấy dễ dàng các bằng Trung Học Đệ Nhất Cấp, Tú Tài I, Tú Tài II và đi thẳng vào trường Chánh Trị Kinh Doanh của Giáo Sư Phó Bá Long thành lập, mượn cơ sở Viện Đại Học Đà Lạt làm giảng đường.  Nguyễn Đức Quang là sinh viên ngay từ khóa I và sau bốn năm học tập Nguyễn Đức Quang cầm trong tay mảnh bằng tốt nghiệp…để đi làm!  Văn bằng tốt nghiệp Chánh Trị Kinh Doanh được Bộ Quốc Gia Giáo Dục Việt Nam Cộng Hòa công nhận tương đương với Văn Bằng Cử Nhân Đại Học Quốc Gia.  Ở đây, tôi cũng xin bạn đọc để ý:  tên trường là Trường Chánh Trị Kinh Doanh.  Chữ Chánh có nghĩa là Công Việc, Việc Làm, chữ Pháp là Travail, chữ Chánh này giống như chữ Chánh của Trường Quốc Gia Hành Chánh, Bộ Tài Chánh, Bộ Giao Thông Công Chánh.  Sau năm 1975, trong nước coi chữ Chánh và chữ Chính giống nhau nên chúng ta cứ hay nói lộn trường Chánh Trị Kinh Doanh ra trường Chính Trị Kinh Doanh.  Để xác định từ ngữ này, tôi xin nhắc lại đây câu tuyên bố của Tổng Thống Việt Nam Cộng Hòa Nguyễn văn Thiệu, năm 1972, nói với Bộ Trưởng Ngoại Giao Mỹ, Kissinger khi ông này muốn Việt Nam Cộng Hòa chịu "lép vế" Cộng Sản Bắc Việt và Mặt Trận Giải Phóng Dân Tộc Miền Nam Việt Nam, bằng lòng ký vào bản Hiệp Định Ngưng Bắn tại Paris, Pháp, để quân đội Mỹ rút về trong-danh-dự và miền Nam có hòa bình.  Hiệp Định Paris kéo dài dây dưa từ năm 1968 đến năm 1972.  Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu không vui vẻ gì khi nghe Kissinger phán, ông nói thẳng thừng: "Chúng tôi muốn có Hòa Bình nhưng phải là Một Nền Hòa Bình Công Chính", đấy, hai chữ Công Chính và Công Chánh rõ ràng là không đồng nghĩa.  Nếu Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu nói:  "Chúng tôi muốn có Hòa Bình nhưng phải là Một Nền Hòa Bình Công Chánh", nghe thật buồn cười, thời đó Công Chánh đồng nghĩa với Lục Lộ/Làm Đường Sá Trên Đất Liền.  Giáo Sư Phó Bá Long rất tinh tế trong việc dùng chữ…và chính chữ ông dùng cũng nhằm mục đích "đánh lừa" sinh viên :  "Ai đời học bốn năm mà không viết đúng tên trường mình học!".   Hiệp Định Paris được bốn bên, Việt Nam Cộng Hòa, Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam, Bắc Việt và Mỹ ký kết ngày 27 tháng 1 năm 1973, tạo ra một bước ngoặt mới cho đất nước và dân tộc ta, đi đến chỗ miền Nam lọt trụm lũm vào tay quân miền Bắc ngày 30 tháng 4 năm 1975!  Ngày đó, ai ở miềnNam cũng đổi đời…

 

Bây giờ trở lại với bản tin về sự từ trần của nhạc sĩ Nguyễn Đức Quang.  Ông nằm bệnh viện khá lâu, cũng hơn một tháng, phòng cấp cứu.  Ông bị té và bại liệt não.  Ông ở suốt trong phòng coma/hồi sức và các bác sĩ chuyên khoa tài giỏi đều không chữa trị được!  Tại đây, hơn một tuần lễ sau, người ta cũng đưa vào một người để cấp cứu, người đó quen biết Nguyễn Đức Quang, cũng ở Đà Lạt, cô giáo Đỗ Thị Tiến, dạy tại trường Nữ Trung Học Bùi Thị Xuân có chồng là Giáo Sư Nguyễn Đình Cường dạy tại trường Nam Trung Học Trần Hưng Đạo, trường của Nguyễn Đức Quang từng theo học.  Cô Giáo Đỗ Thị Tiến được định bệnh nhanh chóng và nằm tại phòng coma chỉ hai ngày rồi phải đưa về nhà…chờ năm ngày sau thì mất!  Tất cả sững sờ trong đau đớn, ngày nào tôi từng gặp Nguyễn Đức Quang tại nhà anh chị Nguyễn Đình Cường, ngày nào chúng tôi họp mặt nhau chào mừng Giáo Sư Tạ Tất Thắng đến Mỹ dạy tại Đại Học Alabama trong chương trình trao đổi về giáo dục giữa hai nước Việt Nam và Mỹ, nhạc sĩ Nguyễn Đức Quang và anh chị Nguyễn Đình Cường luôn luôn chuyện trò thân thiết…thế mà ngỡ ngàng chưa, người đến sau đi trước, người đến trước ngoắc ngoải đớn đau rồi đi sau gần nửa tháng!  Họ sẽ gặp nhau hay không gặp nhau?  Người thì được chồng con chôn cất (chị Đỗ Thị Tiến), người thì sẽ hỏa thiêu ( nhạc sĩ Nguyễn Đức Quang) vào ngày 4 tháng Tư này.  Tôi cùng dạy chung một trường với chị Đỗ Thị Tiến, tôi đã không cầm nước mắt đươc.  Nay, tiếp nhạc sĩ Nguyễn Đức Quang, thêm một lần nữa lệ tuôn.  Buồn ơi!  Mới hôm nào, hai tháng trước đây thôi, Nguyễn Đức Quang vào quán Lan Hương của anh Hào Đà Lạt ăn dĩa phở xào, anh ngồi chung bàn với tôi và anh Nguyễn Đăng Sửu.  Anh vạm vỡ, hồng hào, đẹp trai, nói cười vui lắm…Anh mới về Việt Nam qua lại, anh có về thăm Đà Lạt, anh lạc quan một ngày hồi hương khi nước nhà tươi sáng thật sự.  Anh tin tưởng.  Và anh rất yêu đời.  Bà xã anh mất gần hai năm rồi, nỗi buồn trơ trọi của anh hình như có phần nguôi ngoai.  Tôi nhìn anh ănuống ngon lành.  Anh sung sức lắm.  Anh nói chuyện gì cũng có tiếng cười.  Ăn phở xong anh còn uống với chúng tôi một ly cà phê đá đen.  Màu cà phê sóng sánh.  Màu tóc anh cũng sóng sánh.  Anh như người hồi xuân và tràn trề nhựa sống!

 

Vậy mà…anh đi rồi!  Anh đi lúc 4 giờ hơn sáng sớm ngày 27 tháng 3 năm 2011.  Tôi hét to cách nào, anh cũng không nghe nữa dù lúc anh ra đi thành phố chưa thức dậy để có xe cộ ồn ào…

 

*

 

Nguyễn Đức Quang ra đi để lại rất nhiều tiếc nhớ.  Tiếc anh còn nhiều công trình dang dở, nhớ anh một người tài hoa, một tấm gương sáng trong sự học hành, nhớ anh nhất là dòng nhạc oai hùng mà êm ả, sáng trưng trong từng lời từng nhịp sáng tác cho Hướng Đạo Việt Nam, sáng tác cho Phong Trào Du Ca làm nức lòng người yêu thêm Tổ Quốc.

 

Có thể nói  lược "hành trình văn hóa" của Nguyễn Đức Quang như sau:

 

1, Tác phẩm đầu tay làm ra từ năm 1961 tại Đà Lạt (nơi anh gia nhập Hướng Đạo Việt Nam), bản nhạc này anh làm để làm "nền" cho Hướng Đạo:  Gươm Thiêng Hào Kiệt.

2, Nguyễn Đức Quang chính thức "nổi đình đám" kể từ sau cuộc chính biến 1963 (Tổng Thống Ngô Đình Diệm bị giết chết, sụp đổ chế độ Công Hòa Việt Nam đệ nhất). Nguyễn Đức Quang "dấn thân" hẳn vào cuộc đổi thay của thời cuộc, anh sáng tác những tác phẩm mang chủ đề thanh niên và những vấn đề nóng bỏng của đất nước.  Nội dung những nhạc phẩm của Nguyễn Đức Quang có điểm ngộ là không kếu gọi Thù-Báo-Thù mà chỉ thôi thúc Tình Yêu Nước, Tình Nghĩa Người Với Người, Ca Ngợi Lịch Sử Hào Hùng của Dân Tộc.  Có thể vì anh nặng lòng với Đà Lạt – một thành phố hiền hòa, mát mẻ, người đối xử nhau dịu dàng, thân ái…

 

 Bản nhạc "để đời" của Nguyễn Đức Quang là Việt Nam Quê Hương Ngạo Nghễ.  Sau 30 tháng 4 năm 1975, các trại Cải Tạo thiết lập bởi chế độ mới, nhạc Nguyễn Đức Quang không bị xếp vào loại "nhạc vàng" mà được cho hát vang bài Việt Nam Quê Hương Ngạo Nghễ.  Nhiều bài hát của Phạm Thế Mỹ, của Phạm Đình Chương cũng vậy.  Đặc biệt nhạc Trịnh Công Sơn thì không được nói đến!

 

3, Các bản nhạc nổi tiếng khác của Nguyễn Đức Quang thường được nhắc đến (chính tác giả cũng thường tự trình bày trong các cuộc hội ngộ anh em):  Bên Kia Sông, Chiều Qua Tuy Hòa, Vì Tôi Là Linh Mục, Xin Chọn Nơi Này Làm Quê Hương.  Nguyễn Đức Quang sáng tác không "mạnh" lắm, chỉ trên dưới một trăm bài…

 

4,  Sau 30 tháng 4 năm 1975, Nguyễn Đức Quang sống âm thầm và cũng âm thầm trốn khỏi đất nước.  Anh và gia đình vượt biển, tới Mỹ năm 1979.  Nguyễn Đức Quang chúi mũi vào việc kiếm sống.  Việc anh quan tâm là làm báo.  Anh đóng góp tài lực, trí lực cùng với bạn bè dựng ra báo Người Việt, ban đầu là tuần báo, sau đó ra năm tờ mỗi tuần và cuối cùng là nhật báo cho đến ngày nay.  Nguyễn Đức Quang từng làm Giám Đốc Trị Sự và Chủ Bút báo Người Việt và giữ chức Tổng Giám Đốc của Công Ty báo Người Việt từ năm 1984 đến năm 1988.  Hình như ở Mỹ, Nguyễn Đức Quang coi âm nhạc như kỷ niệm, anh tha thiết với ngành Thông Tin Đại Chúng hơn (bây giờ thì gọi chung là Truyền Thông).  Nguyễn Đức Quang sáng lập báo Viễn Đông và "làm chủ" báo này một thời gian cho đến khi nó vững vàng đi vào thương trường chữ nghĩa. Nguyễn Đức Quang hợp tác với Phạm Phú Minh, Phan Mỹ Sương dựng ra Công Ty Báo Chí Quang Minh Sương viết tắt là QMS Media, xuất bản báo Phụ Nữ Diễn Đàn, Chí Linh và đài Phát Thanh/Truyền Hình VOC..  Chừng ba năm gần đây, Nguyễn Đức Quang trở về lại với âm nhạc.  Anh đi đây đi đó hát Du Ca.  Anh đang vui vẻ thì bà xã anh bị bệnh và mất, đã gần hai năm nay.  Nguyễn Đức Quang gần như đứng chựng trong chặng sau của đời người, nhưng nhờ tình anh em bằng hữu, tình quyến luyến của Hướng Đạo, Nguyễn Đức Quang lại…hồi sức và đang có nhiều dự định cho tương lai, tập trung cho âm nhạc.  Trời không thương anh nữa, anh ra đi vào một ngày Chúa Nhật không ai hẹn hò…Ngày đó, 27 tháng 3, 2011.  Giờ đó 4 giờ hơn giờ Thái Bình Dương!

 

Trong buổi chiều 27 tháng 3, 2011, tại nhà hàng Emerald Bay, thành phố Santa Ana, Nam California, lúc 3 giờ 30, một nhóm thân hữu của Nguyễn Đức Quang có tổ chức "Chiều Nhạc Du Ca Nguyễn Đức Quang", một chương trình dự trù thực hiện để "cầu an" cho anh nhưng không dè đó là chương trình dành để nói lên những lời vĩnh biệt. Tại đây Hội Hướng Đạo Việt Nam trao cho anh Huân Chương Bắc Đẩu Bội Tinh – một Huân Chương Cao Quý Nhất của Hội Hướng Đạo Việt Nam trao tặng cho người Trưởng có công lớn trong việc gìn giữ và xây dựng một Phương Pháp Giáo Dục Thanh Thiếu Niên.  Huân chương đó được trao cho…người nhận là con trai của Nguyễn Đức Quang.  Được biết Nguyễn Đức Quang từng gia nhập Hướng Đạo Việt Nam từ năm 1966, anh sinh hoạt rất đều đặn và đắc lực khi lên định cư tại Đà Lạt.  Nguyễn Đức Quang đã là Trưởng và là Linh Hồn của Liên Đoàn Lê Lợi.  Chắc anh mãn nguyện…Ít ra sống ở đời, mình cũng đã làm-được-chuyện-gì-ích-lợi cho đời.

 

*

 

Nguyễn Đức Quang ra đi khi thành phố chưa thức dậy.  Anh ra đi nhẹ nhàng và tan theo sương khói.  Kính chào anh!  Tôi vẫn ngậm ngùi nhớ lại lần gặp anh cuối cùng tại một quán ăn có uống…Cái bắt tay nồng ấm, bây giờ lạnh ngắt!

 

Vĩnh biệt chào Nhạc Sĩ Nguyễn Đức Quang!

 

Trần Trung Thuần"

 

Trước khi khóa sổ vào thứ 25, email của chị Bùi Ngọc Nga, tức K'Nga, một thân hữu của Du Ca trưởng Nguyễn Đức Quang trên Bắc Cali gửi xuống, mời anh K' Quang và các "K' X,Y,Z" thưởng lãm bài viết dí dỏm, đượm nét hóm hỉnh về một khung trời kỷ niệm nơi miền cao nguyên xứ Thượng..

 

Bước chân tuổi trẻ...

 

Vĩnh biệt Du Ca Nguyễn Đức Quang!

 

 

Tôi nhớ đã quen với Minh Thông, vợ Nguyễn Đức Quang năm học lớp Đệ Nhất trường Gia Long. Tôi ở lớp B1 Anh Văn, Thông ở B2 Pháp Văn. Chúng tôi cùng vào Gia Long năm cuối của Trung học nhưng những buổi biểu tình bãi khóa, bầu cử ban đại diện trong trường đều không thiếu vắng hai chúng tôi.

 

 Lên Đàlạt gặp lại Minh Thông, những ngày ở trại Suối Thông tôi nghe các bạn chọc ghẹo anh Nguyễn Đức Quang với Minh Thông. Trại công tác Suối Thông tại Đàlat (cách Đà Lạt 30 km) được tổ chức vào mùa hè năm 1966 bởi hội Thanh Niên Thiện Chí, Viện Đại Học Đàlat. Nhờ anh Nguyễn Tường Cẫm , Nguyễn Khải, anh Minh đi xin tiền tài trợ từ Tòa Tỉnh, Asia Foundation, USIS, Cha Viện Trưởng, ...hội Thanh Niên Thiện Chí Đà Lạt có  thể  tổ chức hai  trại dài hạn, mỗi trại một tháng xây dựng nhà cho đồng bào tỵ nạn mà nhân lực là bàn tay và sức lực của những sinh viên của Viện Đại học Đà Lạt.

 

Nhóm chủ lực của trại Suối Thông gồm anh Nguyễn Đức Quang làm trại trưởng, các anh Lỉnh, Châu, Thảo, Ý... đều là những Hướng Đạo sinh tại Đàlạt, rất có kinh nghiệm đi trại công tác. Tôi và chị Khánh Tuyết là hai người nữ ở trong trại suốt thời gian, lo việc ẩm thực cho tòan trại. Ban ngày các anh trại viên phụ trách công việc xây dựng nhà. Công việc rất nặng nhọc  như vác tre, vác gỗ, trộn hồ, chuyển hồ, dựng mái, lợp mái.... Tối về sau bửa cơm tất cả chúng tôi quây quần bên nhau ca hát ; trời lạnh và mưa ngồi trong nhà (nhà sàn cao cẳng), nếu không mưa chúng tôi đốt lửa ngồi ngoài trời, có khi  đến một , hai giở sáng (tuổi trẻ có khác !)  Anh Quang đàn hát liên miên, chúng tôi hát những bài ca của trẻ em, của Hướng đạo và những bài ca lịch sử (Bạch Đằng Giang, Bóng Cờ lau,......,), nhac tiền chiến. Mặc dù chỉ có hai người nữ (có khi chỉ có một mình tôi, khi chị Tuyết cần về Đàlạt lấy thêm tiền, mua thêm thức ăn) chúng tôi luôn tham dự sinh hoạt cùng các anh. Riêng tôi vì đã  là đòan sinh Gia Đình Phật tử đã tham dự rất nhiều trại sinh hoạt ở học đường, cũng như trại công tác vệ sinh, trại Cứu thương, trại Cứu hỏa với đoàn hướng đạo Đạo Cửu Long ở Saigon, nên tôi rất thông thạo, dạn dĩ khi tham dự trại công tác của sinh viên Viện Đại Học Đà Lạt. Lại nữa tôi thuộc lòng và rất mê hát những bài hát lịch sử, những bải hát thanh niên,  nhạc tiền chiến nên không bao giờ chịu bỏ cuộc những buổi hát hò tập thể này. Ngoài ra tôi có đưa cho anh Nguyễn Đức Quang mượn tuyển tập nhạc những bài dân ca Mỹ (một IVS đã tặng tôi trước khi về Hoa Kỳ). Tôi nhớ anh Quang thường đem ra đàn và tập cho chúng tôi hát. Tôi có đòi anh Quang quyển tập nhạc này, nhưng lần nào anh cũng quên trả và tôi cũng quên đòi luôn. Có điều chắc chắn là tập nhạc này có giá trị và hữu ích cho anh Nguyễn Đức Quang hơn là ở trong tay tôi.

 

Điều đáng nói về trại công tác là chúng tôi sống cả tháng trời trong làng Thượng, không hề về lại Đàlạt; sống trong tiện nghi tối thiểu, thức ăn, nước uống rất hạn chế, chẻ củi, lặt rau, nhóm lửa (viết đến đây tôi nhớ anh Nghiêm Hữu Ý, đã mất khi vượt biên, chổng mông thổi lữa phù phù)...làm việc rất nặng, thời tiết vừa lạnh, vừa mưa, đất bùn, đất đỏ, trơn trợt... nhưng tôi không hề nghe một lời than vãn, gây gổ hay cãi vã nhau. Nam nữ sống chung trong căn nhà sàn không hề có những sàm sỡ hay bậy bạ, có trêu ghẹo nhau nhưng không bao giờ quá lời, rất vui vẻ và thân ái với nhau trong tình anh em một nhà.

 

 

Kết thúc những ngày trại anh em chúng tôi mỗi người có một tên mới : K'Quang, K'Lĩnh, K'Châu, K'Tuyết, K'Ý, K'Nga... (theo cách thức đặt tên của một làng Thượng, K là họ của một giòng tộc, sinh sống rải rác tại Đà Lạt, Pleiku...)

 

Trại Suối Thông là một trong những trại thành công của Thanh Niên Thiện Chí Đàlạt, công đầu của anh Nguyễn Đức Quang và có thể nói chính nơi đây cũng là cái nôi sản xuất ban Trầm Ca và sau này là Nhóm Du Ca do anh Quang làm trưởng, họp cùng nhóm các anh trại sinh của trại Suối Thông dựng nên.

 

Năm 1972, nhóm Du Ca của Nguyễn Đức Quang cùng với anh Hoàng Ngọc Tuệ  có  dự tính chương trình phát động phong trào Du Ca rầm rộ hơn để đáp ứng nhu cầu của thế hệ thanh niên, sinh viên nơi học đường cũng như ngoài xã hội. Việc đầu tiên là in ấn và phổ biến rộng rãi những sáng tác của Nguyễn Đức Quang và ban Trầm Ca, cùng những bài nhạc thanh niên, tuổi trẻ, dân ca của các quốc gia khác ca ngợi tự do, nhân quyền khi giới thanh niên, sinh viên Việt nam chúng tôi có dịp tham dự những trại hội nghị, công tác quốc tế.  Anh Ngô Mạnh Thu và tôi được giao phó làm Thủ quỹ của Phong trào.

 

Tiếc thay năm 1975 tan hàng, chúng ta đã  tan tác mỗi người một nơi, một chốn. Nhưng không ai có  thể  phủ nhận rằng thế hệ chúng ta đã được hun đúc từ một môi trường tự do, nhân bản đạo đức từ tiểu học, trung học cho đến đại học, trong gia đình, cũng như ngoài xã hội. Chúng ta, một lớp người sống có lý tưởng, một thế hệ mà khát vọng tràn trề  sẵn sàng 'đứng lên đáp lời sông núi' qua những ca khúc của Trầm Ca , của Du Ca vừa hùng hồn, vừa mời gọi, để xây dựng, để góp lời, cho quê hương , cho dân tộc....

 

Năm 1980, anh Nguyễn Đức Quang có ghé thăm chúng tôi tại Portland; nói chuyện về làm báo và Du Ca....

Năm 1996, chồng trước của tôi, anh Dương Mạnh Hùng mất. Anh Lê Đình Điểu an ủi : Trần Đại Lộc và Dương Mạnh Hùng đi trước là để tìm đất trại, tổ chức trại, chúng ta sẽ cùng tham dự một trại thật lớn.

 

Lê Đình Điểu đã đi, Đỗ Ngọc Yến đã đến nơi, nay Nguyễn Đức Quang lên đường.... vẫn là để nhận công tác làm Trại trưởng (chăng ?), một công việc mà Nguyễn Đức Quang đã từng vác nga voi rất nhiều lần ở cõi Ta Bà...

 

Tiễn Anh Nguyễn Đức Quang lên đường  ... anh đi, anh Quang nhé, 'đường dài ngút ngàn chỉ một trận cười vang vang'..... nơi đến MIỀN CỰC LẠC MIÊN VIỄN.

 

Nam mô Tiếp Dần Đạo Sư A Di Đà Phật

 

K'NGA

Bùi Ngọc Nga

San Jose, mưa bão tháng ba, 2011

 

 

Nối tiếp là nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng, cũng là người của đất Bắc Cali, viết bài "Nhạc Nguyễn Đức Quang, Tuổi Trẻ, Mặt Đất và Hiện Tại", tác giả kể về nhạc sĩ Nguyễn Đức Quang của những ngày quá khứ và những sinh hoạt dành cho âm nhạc, và quê hương Việt Nam. Nguyễn Xuân Hoàng và Nguyễn Đức Quang là hai bằng hữu thân thiết trên hai dịa hạt văn chương và  báo chí. Nhận định về Nguyễn Đức Quang, tác giả cho là một nhạc sĩ thành công cần 2 yếu tố tài năng và nhân cách; Với Nguyễn Đức Quang, tác giả không những thích nhạc Nguyễn Đức Quang, nhưng có thể ông còn thích nhiều hơn ở nhân cách của người nhạc sĩ đáng kính phục này. Nguyễn Đức Quang là một con người nhân cách. Xin hãy theo dõi toàn bộ bài viết của nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng:

 

"Cho dù các ca khúc của Nguyễn Đức Quang được viết cách đây hơn 30 năm ở trong nước, âm nhạc của anh mỗi khi vang lên bao giờ cũng thổi đến trong lòng người nghe hơi nóng của một trái tim bốc lửa.

 

Tuổi trẻ, đó là hơi thở trong toàn bộ những sáng tác của anh. Và quê hương là hình ảnh đẹp đẽ trong tiếng nói của anh. Các ca khúc của Nguyễn Đức Quang có thể nói tràn ngập những lời tình tự dân tộc.

 

Có người nói, âm nhạc của Nguyễn Đức Quang không thiếu những tình khúc. Điều này không sai, nếu tình khúc được hiểu như những khúc ca viết cho một mối tình khổ đau, chia ly, tan vỡ. Những Vì Tôi Là Linh Mục, Thiên Thu (phổ thơ Nguyễn Tất Nhiên)… chỉ là một chút màu xanh trong bức tranh hoành tráng của tuổi trẻ trong âm nhạc của anh.

 

Nguyễn Đức Quang viết và hát và anh biết rõ anh đang viết gì, hát gì!

 

Vào giữa thập niên sáu mươi, bẩy mươi, trong khi Sài Gòn và các tỉnh trong nam vang lên một số những ca khúc não nuột, sướt mướt, những khúc bi ca nấc lên từ một trầm tư siêu hình, bốc hơi từ một thứ triết học trên mây,… Nguyễn Đức Quang – dù mới vừa bước vào tuổi hai mươi – đã chọn mặt đất, thực tại xã hội, dân tộc và quê hương làm hướng đi của anh.

 

Nhạc Nguyễn Đức Quang đã đánh thức một tuổi trẻ bị chìm đắm trong cơn mê dài của những dòng nhạc ru ngủ. Những ca khúc của anh mang tên Xin Chọn Nơi Này Làm Quê Hương, Xương Sống Ta Đã Oằn Xuống, Việt Nam Quê Hương Ngạo Nghễ, Không Phải Là Lúc…, Hy Vọng Đã Vươn Lên…, Đã làm nên một Nguyễn Đức Quang khoẻ mạnh và vạm vỡ.

 

Không phải là lúc ngồi đặt vấn đề nữa rồi, phải dùng bàn tay mà làm cho tươi mới… Nguyễn Đức Quang đã nói như thế với những người cùng trang lứa với anh, và cái thông điệp ấy không phải chỉ riêng cho một tuổi trẻ Việt Nam. Thông điệp ấy anh đã gửi đến cho toàn thể con người Việt Nam trong một xã hội đang tan rã, trong một đất nước đang bị chia cắt từ đất đai đến tấm lòng…

 

Nếu xem những khúc bi ca làm đẫm ướt trái tim là bóng tối thì những ca khúc của Nguyễn Đức Quang là ánh sáng.

 

Nếu xem những tình khúc nức nở, nghẹn ngào là quá khứ thì nhạc của Nguyễn Đức Quang bao giờ cũng là của hiện tại.

 

2-

 

Tôi muốn nói nhạc của Nguyễn Đức Quang sẽ thuộc về hiện tại và mặt đất bao lâu mà xã hội chúng ta vẫn còn những con buôn (ở khắp nơi), còn những em bé ngồi khóc bên vĩa hè, còn những đứa trẻ lang thang ngoài đường phố, không nhà cửa, không người thân; bao lâu vẫn còn quanh quẩn đâu đây những ruồi nhặng và kên kên… thì nhạc Nguyễn Đức Quang vẫn còn tác động trên cuộc sống chúng ta.

 

Hãy nghe Nguyễn Đức Quang hát:

 

Anh ơi, mau đi coi món hàng chúng bán

Trên Bến Chương Dương,

Bên đường Tự Do, giữa nơi rừng già,

Buôn trong Chùa, Phật không tha,

thần không qua, buôn cả Thánh Chúa.

(Bọn Lái Buôn Ở Khắp Nơi)

 

Một lời phỉ báng đốt cháy một đời như là cây đuốc

một lời đàm tiếu cũng khiến họ hàng xa gần nhơ nhuốc

vậy mà một nước có mỗi ngày hàng trăm tờ tin tức

toàn lời nhục nhã mắng nhiếc phẩm bình chê bai không dứt

đó anh!

Xem đây quê hương tôi một thùng rác lớn

Nơi đây đang vây quanh một đàn ruồi xanh

Đàn ruồi xanh

ruồi xanh….

(Ruồi và Kên Kên)

 

Nhưng nhạc Nguyễn Đức Quang không chỉ đưa ra những mặt tiêu cực của cuộc sống. Nhạc của anh còn chứa đựng một tình yêu tràn trề về quê hương và hy vọng cho những ngày tới. Đó là những khúc hoan ca Xin Chọn Nơi Này Làm Quê Hương, Bầu Trời Quê Hương Ta, Việt Nam Quê Hương Ngạo Nghễ… cho thấy một Nguyễn Đức Quang tích cực trước cuộc sống:

 

Này người yêu, người yêu tôi ơi,

Bên kia sông là ánh mặt trời

Này người yêu người yêu anh hỡi,

Bên kia đời cỏ hoa đan lối…

(Bên Kia Sông – Thơ My Sơn)

 

Hy vọng đã vươn lên trong màn đêm bao ưu phiền

Hy vọng đã vươn lên trong lo sợ mùa chinh chiến

Hy vọng đã vươn lên trong nhục nhằn, tràn nước mắt

Hy vọng đã vươn lên như làn tên

Đang rực lên trong màn đêm….

(Hy vọng Đã Vươn Lên)

 

Và một trong những ca khúc đã làm Nguyễn Đức Quang trở nên người của quần chúng, của đám đông, có lẽ là Việt Nam Quê Hương Ngạo Nghễ. Ở ca khúc này, âm nhạc của Quang như một cơn lũ cuốn phăng đi mọi rác rưới, phá tan đi xích xiềng, đốt cháy đi ô nhục….

 

Ta như nước dâng, dâng tràn có bao giờ tàn

đường dài ngút ngàn chỉ một trận cười vang vang

 sau bàn chân gông xiềng của thời xa xăm

đôi mắt ta rực sáng theo nhịp xích kêu loang xoang…

(Việt Nam Quê Hương Ngạo Nghễ)

 

Tôi hiểu âm nhạc của Nguyễn Đức Quang phải gắn liền với xã hội, con người, quê hương, đất nước của chúng ta. Âm nhạc của anh phải được đập theo nhịp đập của những trái tim sôi nổi của một tuổi trẻ không bằng lòng với hiện tại. Âm nhạc của anh phải được vang lên trên vĩa hè thành phố từ Bắc chí Nam, vang lên trên các sân trường đại học, trên cánh đồng, trong khu rừng bập bùng ánh lửa, ở những nơi mà đồng bào ta cần những bàn tay, những cánh tay… Có thể nói nhạc của Nguyễn Đức Quang không thích hợp trong không khí của một phòng trà, nơi mà những ly cà phê đắng, những mịt mù khói thuốc và hơi rượu cay đốt cháy một đời tuổi trẻ….

 

Như tên một ca khúc của anh, nhạc của Nguyễn Đức Quang là những tiếng rống của những đàn bò:

"Sao chúng tôi phải làm mãi thân bò sát, trườn mình đi trong vũng tối mất tương lai?

Sao chúng tôi phải làm mãi loài lạc đà, mang niềm đau của một người nô lệ già?..."

(Tiếng Rống Đàn Bò)

 

Nguyễn Đức Quang không phải là người nói nhiều. Anh tin người và yêu đời.

Trong những năm ở Quận Cam, chúng tôi từng có những buổi sáng thứ Sáu ngồi bên nhau trong tiệm ăn có tên Spires ở góc đường McFadden-Brookhurst – và lúc đó tôi thấy một Nguyễn Đức Quang hoạt bát khi anh nói về quê hương, xã hội và âm nhạc. Tôi nói, nhạc của anh chưa mất tính hiện tại, nhạc của anh vẫn còn nguyên vẹn tính chất thời sự của nó khi được vang lên trên đường phố Việt Nam hiện tại.

 

Tôi cho rằng sở dĩ nhạc của Quang đi vào trái tim người trẻ dễ dàng và mạnh mẽ như vậy bởi vì nhạc của anh đi thẳng từ một trái tim lọc qua một khối óc tinh nhạy. Nguyễn Đức Quang suy nghĩ trên lời nhạc trước khi ghi lại những suy nghĩ ấy bằng âm thanh. Và cũng có thể ngược lại. Tôi nhớ có lần nhạc sĩ Phạm Duy nói với tôi: Nếu Lê Uyên Phương viết bằng da thịt thì Nguyễn Đức Quang viết bằng lý tưởng. Tôi không hiểu nhận định ấy của Phạm Duy đã gây cho Lê Uyên Phương và Nguyễn Đức Quang những suy nghĩ gì? Tôi chỉ có thể lập lại một điều: Nhạc của Nguyễn Đức Quang trước hết thuộc về Mặt Đất và Hiện Tại.

 

Là học trò của nhạc sĩ Lê Thương, nhưng âm nhạc của Nguyễn Đức Quang là một kết hợp kỳ lạ của ba dòng sông: âm hưởng của Nga qua những khúc dân ca, như Hò Kéo Gỗ Trên Sông Volga [lời Phạm Duy], những bài nhạc Do Thái [He-Sha-Luz] sáng tác cho những kibbutz, và sau cùng cốt lõi của nó chính là dân ca Việt Nam.

 

Những buổi sáng thứ Sáu, từ quán ăn Spires trong thị xã Garden Grove, California, chúng tôi đã hình thành một tình bạn không bằng lời nói. Cũng như những dấu lặng trong âm nhạc, sự im lặng trong tình bạn chính là một thứ ngôn ngữ chứa nhiều ý nghĩa nhất.

 

Tôi thích nhạc Nguyễn Đức Quang, nhưng có thể tôi còn thích anh nhiều hơn ở nhân cách của anh.

 

3-

 

Bắt chước một nhà nghiên cứu phê bình văn học, chúng ta có thể nói: Nhân vật trung tâm của âm nhạc là người nhạc sĩ, nhưng sự phát triển của âm nhạc tùy thuộc vào nhiều yếu tố khác. Đó là tài năng và nhân cách. Tài năng là cái trời cho, chỉ có thể bồi đắp chứ không thể đào tạo. Nhưng nhân cách thì ai cũng cần phải có. Đôi khi nhân cách còn quan trọng hơn cả tài năng. Và người ta chỉ thật sự có nhân cách khi biết sống vì những lẽ phải lớn, biết giữ được lòng trong sáng, và biết trung thực trước mỗi thử thách của cuộc sống. Không có nhân cách thì sẽ hoặc ngông nghênh vô lối, hoặc khúm núm xu thời….

 

Nguyễn Đức Quang, hơn là một nhạc sĩ tài năng, anh là một con người nhân cách.

 

Điều đó làm âm nhạc anh lớn hơn cái chiều cao nó vốn có.

Điều đó làm cho người ta càng quý Nguyễn Đức Quang hơn và yêu âm nhạc của anh nhiều hơn. [NXH]

 

 

Nhà văn Vĩnh Liêm ở Santa Ana chuyển đến tôi bài thơ gồm nhi62u thơ họa của các thân hữu trong văn học, trong dó tôi tìm thấy bài thơ ngắn 4 câu của anh Nguyễn Ðức Quang. đó là Bài Thơ Trốn Tuyết:

 

Giã từ cung bậc âm ba,

Nhớ thời dĩ vãng Du-Ca cho đời.

Bây chừ Người Việt khắp nơi,

Trông Ông Giám Ðốc nụ cười quen quen.

 

 

Nhạc sĩ Trần Quang Hải từ Paris chuyển email tiễn đưa người quá cồ qua bài viết ngắn:

 

"Kỷ niệm với nhạc sĩ Nguyễn Đức Quang.

 

Năm 1969, Nguyễn Đức Quang sang Pháp để trình diễn những sáng tác mới cho sinh viên Việt Nam . Tôi rất phấn khởi khi nghe bản "Việt Nam Quê Hương Ngạo Nghễ" mà anh đã hát và làm sôi động lòng yêu quê hương và làm tăng tinh thần tranh đấu vào thời điểm lúc đó. Hai anh em có thì giờ tâm sự và hiểu được vai trò của anh Quang trên đường đấu tranh qua những ca khúc Du Ca mà anh là chim đầu đàn . Nay anh ra đi nhưng đã lưu lại cho hậu những ca khúc hùng tráng sống mãi trong lòng người Việt cộng hòa.

Trần Quang Hải, Pháp"

 

Nhạc sĩ Lê Văn Khoa, một thân hữu trong giới âm nhạc của Nguyễn Đức Quang cho lời viết:

 

"Nhớ về Nguyễn Đức Quang

 

Anh Nguyễn Đức Quang và tôi vẫn có sự tương kính và có một số kỷ niệm với nhau, kỷ niệm về làm báo cũng như kỷ niêm về âm nhạc. Khi anh làm Tổng thư ký nhật báo Người Việt, vì tôn trọng ý kiến, anh cho phép đăng bài viết của tôi dù biết bài đó có thể làm buồn lòng một vài anh em. Qua nhật báo Viễn Đông, tôi cộng tác với anh trong mục nhiếp ảnh hằng tuần cho đến khi báo đổi chủ. Về sau thỉnh thoảng tôi có gặp anh ở Lily Bakery, bên cạnh Reflection Photo Studio của nhiếp ảnh gia Thái Đắc Nhã, ở Garden Grove, California, trao đổi vài câu chuyện rồi đi vì ít khi tôi ngồi lại lâu. Đặc biệt nhất là đêm nhạc 11-10-2008 ở Carpenter Performing Arts Center, Long Beachanh Quang là diễn giả chính trên sân khấu nói về con người và nhạc của Lê Văn Khoa. Tôi rất cảm động về nhiệt tình của anh đối với cá nhân tôi cũng như đối với bạn bè.Chén thù chén tạc chưa xong anh đã mau chân đi trước. Tôi thua anh một bước, nhưng cũng sẽ theo anh.

 

Chúc anh thượng lộ bình an. Xin được gửi ảnh này đến anh để anh thấy có cả một trời âm nhạc đang chờ đón anh."

 

 

 

 

 

 

 

 

Nhạc sĩ Phạm Anh Dũng, cũng là một thân hữu của nhạc sĩ Nguyễn Đức Quang chuyển lời cám ơn và tiễn đưa như sau:

 

"Cám ơn anh Nguyễn Đức Quang những gì anh đã làm và để lại cho dân Việt. Coi như anh Quang đang đi một chuyến đi dài để trở về với đất Việt .

Chúc anh yên nghỉ.

 

Phạm Anh Dũng"

 

 

 

Nhạc sĩ Phan Anh Dũng trên vùng Thủ đô Hoa Thịnh Đốn, phụ trách trang website văn nghệ Cỏ Thơm quy tụ tại liệu về nhiều văn nghệ sĩ, trong có nhiều bài về nhạc sĩ Nguyễn Đức Quang, mà anh email cho bài viết chung này. Sau đây anh viết bài tiễn với chữ "tạm biệt" trong tựa đề, vì nơi chốn anh Quang đến có thể chúng ta đoàn tụ về sau...

 

"Tạm Biệt "người yêu quê hương" Nguyễn Đức Quang

 

Hồi trung học, tôi thường đến chơi trụ sở CPS - Chương Trình Phát Triển Sinh Hoạt Thanh Niên Sinh Viên Học Đường - vì anh họ tôi Phan Văn P., giáo sư Toán cùng thày Trần Đại Lộc, dạy Việt văn ở Petrus Ký, là 2 thành viên của CPS hay "ăn dầm ở dề" ở trụ sở đó. Tôi được nghe các đàn anh, đàn chị đầy nhiệt huyết, hát hò vui vẻ với những cây đàn guitar thùng và tổ chức những buổi trình diễn văn nghệ sinh hoạt cộng đồng cho giới trẻ, học sinh và sinh viên.

 

Lúc ấy, tôi cũng tham dự vào Hướng Đạo VIệt Nam và thỉnh thoảng có dịp đi "công tác từ thiện" quanh Sài Gòn - kỷ niệm không thể quên là công tác giúp đỡ dọn dẹp ở Chợ Lớn và Phú Lâm sau Tết Mậu Thân. Chúng tôi thường hát với nhau các bản nhạc trong tập in ronéo, trong đó có một số bản nhạc của Nguyễn Đức Quang như: "Việt Nam Quê Hương Ngạo Nghễ", "Về Với Mẹ Cha", "Đường Việt Nam", "Hy Vọng Đã Vươn Lên" ... Các bản nhạc của anh Quang với tiết điệu rộn ràng và lời lẽ yêu nước hùng mạnh làm chúng tôi hăng hái vô cùng!

 

Sau khi biết chơi đàn guitar và vào Đệ Nhị Cấp, tôi yêu mến các tình khúc của các tác giả "trẻ" lúc ấy như Trần Tú, Ngô Thụy Miên, Vũ Thành An, Từ Công Phụng, Vũ Đức Sao Biển và đặc biệt là 2 bản nhạc của Nguyễn Đức Quang: "Bên Kia Sông" và "Như Mây Trên Cao".Giai điệu của "Bên Kia Sông" dễ nhớ, khá hay và lời của "Bên Kia Sông" trữ tình, lãng mạn, lồng trong một khung cảnh thật lý tưởng (theo thơ của Nguyễn Ngọc Thạch). Hình ảnh tươi sáng trong "này người yêu, người yêu tôi ơi, bên kia sông là ánh mặt trời", ta có thể hình dung 2 người yêu, đồng chí hướng, sẵn sàng lên đường giúp người, giúp đời ...  Lời của bài "Như Mây Trên Cao" cũng có nét tương tự như thế, "anh sẽ lên trên ngọn Hồng Lĩnh hái cho em một đóa hoa rừng, thầm khắc tên em vào phiến đá rêu xanh, rồi vây quanh bằng trái tim anh ..." tạo cho người hát, người nghe một cảm giác lãng mạn, nhẹ nhàng, tình yêu thánh thiện trong sáng ...

 

Tháng 3 năm 2005 anh Nguyễn Đức Quang có ghé về miền Đông Hoa Kỳ để giúp tay với Hướng Đạo trong vùng Hoa Thịnh Đốn. Cựu giáo sư Mạc Đỉnh Chi là thi nhạc sĩ Nguyễn Tường Vân cùng anh Bùi Mạnh Hùng đã tổ chức một họp mặt tiếp đón anh Quang với sự tham dự một số văn thi ca nhạc sĩ trong vùng như: Hoàng Song Liêm, Hà Bỉnh Trung, Nguyễn Ngọc Bích, Phạm Tuân, Vĩnh Liêm, Nguyễn Minh Nữu, Bạch Mai, Bùi Mạnh Hùng, Nguyễn Văn Đặng, Kiều Nga ... Tâm Hảo và tôi có đến gặp anh và đêm ấy, tôi hân hạnh được phụ đệm đàn vài bài chung với anh Nguyễn Đức Quang. Tuy phải dùng một cái ghế ngồi thay cho giá nhạc và một "camera stand" làm "micro stand" cho anh, nhưng người du ca vẫn vui vẻ, hát hết lòng, giọng sang sảng với những bản nhạc nổi tiếng của anh và đặc biệt nhất là bài mới sáng tác đầu năm 2005, đó là ca khúc "THÈM" (toàn bài ở dưới). Trong lúc anh hăng say trình bày, vài thính giả nghe lời hát có những ý "mới lạ": cười khúc khích ...

 

 

Dù ở tuổi gần 70 nhưng anh vẫn còn nhiều nhiệt huyết, hoài bão, vẫn "thèm" được sức khỏe và năng lực như lúc còn sinh viên, đi rong ruổi đó đây với cây đàn guitar thùng, để được hát lên những lời kêu gọi giúp đỡ người kém may mắn, đầy tình tự quê hương. Thỉnh thoảng đọc tin anh đi ngao du ở Úc, Pháp, Hoà Lan và một số tỉnh ở Hoa Kỳ ... đi đến đâu anh cũng được đón tiếp nồng hậu.

 

Nghe tin anh bị stroke nặng khi lên San Jose sửa soạn trình diễn vào tháng 2 và đã nằm trong phòng cấp cứu ở một bệnh viện từ lúc đó, tôi và nhiều người đã cầu nguyện mong anh được qua cơn hiểm nghèo. Chủ nhật vừa qua, 27 tháng 3, 2011, anh đã vĩnh viễn thanh thản rong chơi, theo lời của một Trưởng Hướng Đạo là "anh đã lìa rừng".

 

Đầu tuần này, tôi đã soạn một  trang để tưởng nhớ anh ở website Cỏ Thơm với nhiều bài viết về anh từ thân hữu khắp nơi:

 

http://cothommagazine.com/index.php?option=com_content&task=view&id=932&Itemid=47

 

 

Theo tôi, thính giả mê thích nhạc của anh vì lời lẽ rất thật, rất gần, không màu mè, luôn chứa đựng những thông điệp cao đẹp, không bao giờ buồn rầu và ủy mị.

 

Cảm ơn "người yêu quê hương" Nguyễn Đức Quang đã đem đến cho Tân nhạc Việt những đóa hoa đẹp. Tôi tin chắc rằng anh ra đi mãn nguyện vì ngọn lửa du ca đã bùng lên trở lại đến mọi Cộng Đồng người Việt trên thế giới - cũng như thập niên 60 ở Việt Nam vậy.

 

Phan Anh Dũng-Tâm Hảo

Richmond, Virginia USA

30/3/2011

 

PS: Gửi kèm:

 

Tên bài hát: THÈM

Nhạc và lời: Nguyễn Đức Quang

 

Khởi soạn tháng 10/04 - Hoàn tất tháng 1/05

Thèm - đầu ngày cất tiếng yêu đời

Thèm - giọt cà phê đắng Paris những ban mai

Thèm - trèo lên cao ốc chơi vơi kinh thành

Gọi một tiếng lớn tên quê hương mình

Truyền đi ngàn hướng - lời tôi rung bao trái tim

Thèm - nhìn sâu đôi mắt thấy hiền

Thèm - được nghe nhắc đến tên nhau ngọt êm

Thèm - cuộc đời mở những chân thang rất đều

Để em lên xuống khoan thai dặt dìu

Thèm mùi son mới - thèm câu nói tình yêu

Thèm hương mồ hôi đẫm - những lòng phố chen chúc con người

Thèm trông bờ môi xinh tha thiết nhiệt tình nói miết tương lai

Thèm mới nửa câu kinh đã thấy quanh mình nở hoa trắng trong

Thèm xem đoạn phim hay em cười trong vắt nụ hôn kéo dài

Thèm - chạm làn khói trắng lưng trời

Thèm - ngồi bên nhau hát miên man lời vui

Thèm - ngồi co chân sát vai nhau bên đồi

Nửa vòng tay ấm đốt cháy lưng người

Nửa vòng hờ hững chờ có tiếng ai gọi mời

Thèm - nửa đêm nghe tiếng oan cừu

Gọi bằng đường giây nóng xin bôi xóa chuyện xưa

Thèm - ngồi trên phiến đá chân mây cao vời

Gập ghềnh lăn bánh nhân sinh ngọt bùi

Hoàng lan thơm ngát, chiều quê ơi, em và tôi."

 

 

 

Nhà thơ Hồng Vũ Lan Nhi viết marathon bài cho kịp thời hạn, tôi nghe chị thức khuya. Tác giả này xuất thân từ gia đình văn chương và âm nhạc, chị vốn dĩ thích 2 phạm vi này, trong bài viết, nhà thơ Hồng Vũ Lan Nhi về kỷ niệm tham dự nghe những buổi ca hát với nhạc sĩ Nguyễn Đức Quang, tác giả dùng lối xưng hô bằng tên LN, tức Lan Nhi. Bài "Một Chút Tâm Tình Với Anh Nguyễn Đức Quang":

 

"Khi được cháu Minh Phú cho biết tin anh Nguyễn Đức Quang bị coma, Lan Nhi (LN)thật sự đã lặng im, vì không biết phải nói gì lúc này.

 

Mới đây tt lại cũng nhắc đến anh:

 

" Chị LN ơi, em có nghe tin nhạc sĩ Nguyễn Đức Quang vừa lâm trọng bệnh, phải nhập viện tuần trước, hiện nay tuy đã qua cơn hôn mê nhưng nửa thân người vẫn còn bị liệt..."

 

Ông Trời chắc cũng điếc tai vì những lời cầu xin của những người ái mộ nhạc du ca của anh, và thế nào ông cũng cho anh mau khỏi để còn sáng tác nhạc và hát cho mọi người nghe nữa chứ!

 

Với anh Quang, có thể LN biết anh, chắc chắn anh không biết LN là ai, dù rằng, gần như lần nào anh Quang tổ chức hát, khi thì ở nhà người bạn, khi thì ở Phòng sinh hoạt Người Việt, LN đều có dự.

 

Người mà rủ LN đến nghe anh Quang hát tại nhà một người bạn, chính là vợ chồng hmh. Căn nhà khang trang rộng rãi, nhưng chính lại nhờ vườn sau rộng rãi, có cây lớn cho bóng mát, đã chứa được mấy chục người ái mộ nhạc du ca của anh Quang. Tới đó, LN không quen biết ai ngoài hmh và Hiền. Sau này, khách đến càng ngày càng đông, LN mới có được vài người bạn quen đã lâu tình cờ hôm đó được gặp lại.

 

Một bàn dài bày rất nhiều thức ăn, nước uống. LN chỉ nhớ là nhiều món ăn lắm. Làm sao nhớ để kể ra đây được, vì thời gian cũng khá lâu rồi... Thường thì có soup, chả giò, bánh cuốn Thanh Trì, bánh lá, bánh nậm, gỏi đu đủ, gỏi cuốn...hình như còn có thịt bò tái...

 

Chương trình bắt đầu khoảng 3 giờ, và anh đã một mình với cây đàn guitar hát cho đến 6 giờ mới tan...

 

hmh và Hiền ơi, lâu quá chị em mình chưa gặp lại nhau đó nha. Chị LN đang nghĩ đến một hôm nào họp ở nhà chị, hy vọng sẽ được gặp lại các em Gia Long một thuở mới quen.

 

Khi anh Quang tổ chức ở Người Việt, thì người đến đón LN tới dự nhạc du ca của anh Nguyễn Đức Quang lại là cháu Minh Phú.

 

Anh đã hát say sưa những bản nhạc do anh sáng tác, và chỉ với một cây đàn guitar, anh đã hát say mê và không ngừng.

 

Thời gian vẫn lướt trôi. Bây giờ, xác thân anh Quang đang nằm yên nơi gian trần khổ ải này, nhưng hồn anh đang bay bổng cõi xa. Có thể anh đang hàn huyên cùng chị Quang, có thể anh đang lang thang nơi rừng sâu, ven suối, đi tìm vần nhạc...

 

LN cầu chúc anh được thảnh thơi nơi cõi vĩnh hằng, để lại cùng những người ái mộ, anh vừa đàn, vừà ca những bài nhạc nói lên tình yêu nước, yêu người..nơi .bên kid thế giới …

 

Với riêng LN, LN rất mê bài Bên Kia Sông, và lần nào cũng thế, khi tiếng đàn guitar vừa dạo vài nốt nhạc đầu, LN đã thấy lòng xôn xao theo giọng ca trầm bổng của anh:

 

Này người yêu, người yêu anh ơi!

Bên kia sông là ánh mặt trời

Này người yêu, người yêu anh hỡi!

Bên kia đồi, cỏ hoa đan lối

Bên kia núi, núi cao chập chùng

Bên kia suối, suối réo lạnh lùng

Là bài thơ, toàn chữ hư vô ...

 

Nghe những lời ngưoi yêu ru êm...và thật lãng mạn, tình tứ, LN cảm thấy như có người yêu thương đang ngồi bên cạnh thầm thì với mình những lời nồng nàn, âu yếm...

 

Này người yêu anh ơi!

Cho anh nồng ấm cuộc đời

Hoa thơm có ánh mặt trời

Như núi mừng - vì mây đến rồi

 

Này người yêu, người yêu anh hỡi!

Yêu nhau mình đưa nhau tới

Bước nhẹ - và nói bên môi

Nói cho vừa.. mình anh nghe thôi!

 

Còn gì dễ yêu hơn lời:

 

nói cho vừa... mình anh nghe thôi!

 

LN cứ nghĩ đó là một hờn ghen nhẹ nhàng, đáng yêu, bởi anh không muốn em nói với ai cả, ngoài anh, chỉ một mình anh thôi nha.

 

Này người yêu, người yêu anh ơi!

Bên kia sông đường vẫn còn dài

Này người yêu, người yêu anh hỡi!

Bên kia đồng cỏ non đan lối

Trong cơn gió - thoáng nghe nụ cười

Trong khe núi - thánh thót lòng người

Lòng đòi tình vật vã khôn nguôi

 

Này người yêu anh ơi!

Đêm đêm lòng vỗ tình dài

Dây xanh quấn quít vào đời

Cho trái tình nở trên tiếng cười

Này người yêu, người yêu anh hỡi!

Bên trong lòng người êm ái

 

Rắc nhẹ từng cánh hoa rơi (*)( cánh sao rơi)

Sẽ âm thầm mình em nghe thôi!

 

Và cuối cùng, anh cũng hứa như một lời đoan quyết thủy chung, khi trái tình nở trên tiếng cười, đó là lúc:

 

- Sẽ âm thầm mình em nghe thôi.

 

LN lại thích thú khi nhớ đến câu: Chỉ hai đứa mình thôi nhé, khi hết chỉ mình anh nghe, rồi lại chỉ mình em nghe...

 

Cám ơn lời thơ của thi sĩ Nguyễn Ngọc Thạch, cám ơn dòng nhạc của nhạc sĩ kiêm ca sĩ Nguyễn Đức Quang.

 

Bỗng nhiên LN lại ví anh với nhạc sĩ Văn Giảng. Bởi 2 người cùng đa số có những bản nhạc hùng. Khi nghe nhạc hùng mạnh, LN không ngờ trong thâm sâu tận cùng của tâm hồn, anh Giảng cũng như anh Quang vẫn giữ được nét nhạc tình thơ mộng, lãng mạn, tình tứ đến vậy.

 

Tuy nhiên LN có nghĩ đến lời bóng bẩy với ý nghĩa như muốn vẽ cho ngườì bên này sông, hình ảnh một cuộc sống đầm ấm, hạnh phúc, tự đo của đời sống bên kia sông...

 

Anh Giảng có bài Ai Về Sông Tương. Anh Quang có bài Bên Kia Sông... Cả hai bài tình ca cùng hay, cùng sống mãi với thời gian.

 

Lê Hữu Mục, Lê Hiền Minh, Lê Thị Hồng, Phạm Kim Long, Hồng Vũ Lan Nhi và Cát Ngọc xin vĩnh biệt chia tay"

 

 

Thân hữu Không Gian Mây Ngàn - Phân Ưu:

 

Sự ra đi của Nhạc sĩ Du ca Nguyễn Đức Quang là một điều buồn, môt mất mát lớn cho làng âm nhạc Việt Nam, Chúng tôi chân thành cầu nguyện cho anh sớm về nơi vĩnh hằng.

 

LS Thành Thanh Hiệp, GS Nguyễn Xuân Vinh, GS Nguyễn Ngọc Bích, LS Đoàn Thanh Liêm, GS Nguyễn Thanh Trang, GS Nguyễn Quốc Khải, LS Đỗ Thái Nhiên, BS Nguyễn Tri Phương, Phiến Đan, Khúc Minh, Khúc Lan, Tuấn Minh, Tuyết Mai, Đỗ Tiến Đức, Huỳnh Lương Thiện, Chu Bá Yến, Đoàn Hữu Định, Phạm Đình Long, MS Trần Văn Oan, Đỗ Thị Thuấn, các Diễn đàn Thân hữu, Không Gian Mây Ngàn - (TP-NXV).

 

Tôi được bái viết trích đoạn sau từ trang Cỏ Thơm do nhạc sĩ Phan Anh Dũng chuyển link. Nhà văn Giao Chỉ San Jose cho cảm nghĩ về nhạc sĩ Nguyễn Đức Quang:

 

" ... Nhưng thực sự phải xem Nguyễn Đức Quang hát mới thấy rõ sự quyến  của Du Ca.

 

Tham dự văn nghệ ta thường nói là đi nghe hát, nhưng với Nguyễn Đức Quang thì phải là đi xem hát. Dân Sinh Media có thu được rất nhiều lần Nguyễn Đức Quang trình diễn, nhưng đã chọn lọc được một lần xuất thần hơn tất cả nhưng lần khác. Các bài "Đường Việt Nam", "Việt Nam quê hương ngạo nghễ" trình diễn trên sân khấu nhỏ đã được thu hình trong giây phút nghệ sĩ để hồn vào lời ca, tiếng hát, bằng tay chân, bằng dáng điệu và bằng cả tấm lòng. Quí vị có thể tìm thấy và cảm thông với giây phút huyền diệu trong đĩa DVD số 2 của bộ phim San Jose 35 năm nhìn laị qua 3 kỳ biến động.

 

Phiếm về du ca Nguyễn đức Quang

 

Tôi không phải là nhà phê bình âm nhạc, nhưng gọi là phiếm luận thì ai cũng có thể. Xin phiếm như sau. Trịnh Công Sơn kêu gọi ngồi xuống thì Nguyễn Đức Quang thôi thúc đứng lên. Cùng trong cuộc chiến, Trịnh Công Sơn than thở thì Nguyễn Đức Quang chấp nhận.

 

Trịnh Công Sơn nhìn thế giới trong hoàng hôn thì ánh bình minh rọi sáng với Nguyễn Đức Quang. So sánh cả với du ca Phạm Duy sống trong thế giới mùa Thu thì du ca Nguyễn Đức Quang vĩnh viễn là mùa hè. Nếu Phạm Duy tuyệt vọng trong cuộc chiến bi thảm thì Nguyễn Đức Quang luôn luôn thấy hy vọng đã vươn lên. Nếu Phạm Duy và Trịnh Công Sơn soạn nhạc cho cuộc đời ca hát thì Nguyễn Đức Quang soạn nhạc để chính mình cùng ca hát với cuộc đời ..."

 

Mời xem: Để Nhớ Nhạc Sĩ "Việt Nam quê hương ngạo nghễ" Nguyễn Đức Quang  - Giao Chỉ San Jose"

 

 

Nhạc sĩ Dương Viết Điền có dịp gặp nhạc Sĩ Nguyễn Đức Quang tại Việt Nam và tại Mỹ, tác giả thuật kỷ niệm đầu tiên gặp anh Quang tại Huế:

 

"Một Kỷ Niệm Với Nhạc Sĩ Nguyễn Đức Quang

 

Tôi nhớ vào khoảng năm 1971, 72 gì đó,  Nhac Sĩ Nguyễn Đức Quang dẫnTrung đội Chính huấn từ Trung ương ra ở lại tại Đại Đội 101 Chiến Tranh ChínhTrị thuộc Tiểu Đoàn 10 CTCT, trú đóng trong Thành Nội thuộc thành phố Huế để đi sinh hoạt ở vùng Hoả Tuyến. Năm ấy, tôi cũng giữ chức vụ Trung đội trưởng Chính  huấn của  Đại đội 101 CTCT nên đã đại diện Đại đội 101 tiếp đón anh ấy để rồi hai anh em chúng tôi cùng ngủ chung một phòng trong đơn vị. Sau mấy ngày công tác tại các binh chủng ở vùng Hoả Tuyến, vào những ngày nghỉ, tôi đã hướng dẫn Nhạc Sĩ Nguyễn Đức Quang cùng tất cả các nữ Huấn Đạo thuộc Trung đội Chính huấn từ Trung ương ra, đi thăm một số Lăng tẩm của các vua Chúa nhà Nguyễn ở đất Thần Kinh. Sau chuyến thăm viếng nầy, anh Nguyễn Đức Quang nói với tôi rằng, anh ta tỏ ra rất thích thú vì không ngờ chuyến công tác ở vùng Hoả Tuyến nầy lại được một dịp may là biết được một số Lăng tẩm của những nhà vua Triều Nguyễn.

 

Vào một chiều thứ bảy, anh Quang nói với tôi:

 

-Chiều nay anh Điền đi chơi với tôi nhé

 

Tôi hỏi anh Quang :

 

-Đi đâu vậy hở anh?

 

-Đi xuống biển Thuận An hóng mát.

 

Tôi ngạc nhiên nhìn anh:

 

-Anh ở tận trong Sài Gòn mới ra Huế mà lại biết bãi biển Thuận An?

 

Anh Quang vừa cười vừa trả lời:

 

-Thì anh cứ đi với tôi, tôi bảo đảm anh sẽ có một buổi vui chơi thoả thích cơ mà!

 

Mặc dầu trong đầu tôi lúc bấy giờ bán tin bán nghi, nhưng tôi vẫn lái xe chở anh Nguyễn Đức Quang đi theo sự hướng dẫn của anh ấy!

 

 Khi ra tới đườngTrần Hưng Đạo ( lâu ngày quá tôi có thể nhớ lộn đường), anh Quang chỉ đoàn xe GMC khoảng 4 chiếc chở đầy cả người đang đậu sát lề đường ở đằng kia rồi bảo tôi :

 

-Khi nào đến sau đoàn xe đó thì anh dừng lại nhé.

 

Tôi vừa ngạc nhiên vừa lái xe đi theo sự hướng dẫn của anh Quang. Vừa đến sau đoàn xe, tôi liền dừng lại. Khi anh Nguyễn Đức Quang vừa bước xuống xe, anh ta  liền đưa tay ngoắt rồi vừa cười vừa vẫy tay chào những người ngồi trên xe GMC. Vừa nhận ra Nhạc Sĩ Nguyễn Đức Quang, tất cả những người ngồi trên 4 chiếc xe GMC liền đưa tay vẫy chào lại và reo hò thật to như đã thấy được thần tượng :

 

-Nhạc Sĩ Nguyễn Đức Quang đến rồi, Nhạc Sĩ Nguyễn Đức Quang đến rồi !

 

Nhìn lướt nhanh những người ngồi trên bốn chiếc xe GMC, tôi thấy tất cả đều thuộc vào lứa tuổi thanh thiếu niện, thiếu nữ. Và mọi người đều bận đồng phục: bộ áo quần bà ba màu nâu. Thì ra đây là đoàn du ca ở miền Trung. Nhạc Sĩ Nguyễn Đức Quang đã cùng họ sắp xếp đâu từ lâu rồi để chờ dịp  Nguyễn Đức Quang ra công tác ở vùng Hoả Tuyến sẽ cùng nhau đi du ngoạn và trình diễn một chuyến!

 

Nguyễn Đức Quang liền nhìn tôi vừa cười vừa nói:

 

-Anh dẫn tôi đi du ngọan trên núi, bây giờ tôi dẫn anh đi du ngoạn dưới biển thôi.

 

Tôi cũng vừa cười vừa nói:

 

-Tôi xin thua ông! Ông kín đáo quá, làm tôi đi từ ngạc nhiên nầy đến ngạc nhiên khác !

 

Thế rồi hai anh em chúng tôi ôm nhau cười xoà.

 

Sau đó tôi lái xe chở Nhạc Sĩ Nguyễn Đức Quang đi đầu, hướng dẫn đoàn du ca ngồi trên 4 chiếc xe GMC trực chỉ xuống bãi biển Thuận An để thực hiện chương trình văn nghệ của đoàn du ca đã vạch sẵn.

 

Đêm ấy, đúng như lời anh Quang nói với tôi, tôi "đã có một buổi vui chơi thật thỏa thích". Chương trình văn nghệ của đoàn du ca nầy thật hấp dẫn, sống động, kỳ thú  vàvui tươi.

 

Dưới ánh trăng mờ ảo trong đêm, anh chị em trong đoàn du ca đã đốt lửa trại sáng rực cả một góc trời và họ ngồi quây quần bên nhau quanh bếp lửa hồng rồi vừa đàn vừa hát suốt đêm thâu thật vui tươi và ấm cúng. Người nổi bật nhất đêm ấy dĩ nhiên là Nhạc Sĩ Ngyễn Đức Quang, một trong những người sáng lập ra Phong Trào Du Ca ViệtNam từ thập niên 1966.

 

Cứ mỗi khi anh Quang hát xong một bài do anh sáng tác, những tràng pháo tay tán thưởng nhiệt liệt vang dội cả một góc trời, át luôn cả tiếng sóng biển ở đằng xa đang vỗ rì rào trong đêm tối. Có lẽ vì lâu ngày và có một số "fan"chưa bao giờ được nghe và thấy Nhạc Sĩ Nguyễn Đức Quang hát bao giờ nên đêm ấy, họ đã thấy rõ ràng thần tượng của họ bằng xương bằng thịt đang đứng hát trước mặt nên khoái chí quá đã vỗ tay liên hồi không muốn ngừng lại.

 

Chương trình đêm hôm ấy đủ các tiết mục: song ca, hợp ca, tam ca, tập thể ca v v…

 

Riêng Nhạc Sĩ Nguyễn Đức Quang, anh ta vừa đánh đàn vừa hát. Với giọng hát khi bổng khi trầm, anh ta  khi đi tới, khi đi lui, khi nghiêng bên trái, khi nghiêng bên phải, khi cúi xuống khi ngững lên như muốn diễn tả những ý nghĩ của anh nằm trong những bản nhạc mà anh ta đang hát. Đây là lần đầu tiên ( năm 1971), tôi thấy Nhạc Sĩ Nguyễn Đức Quang trình diễn những bản nhạc do chính anh sáng tác. Tôi nghe tiếng tăm Nhạc Sĩ Nguyễn Đức Quang từ lâu nhưng chưa bao giờ gặp anh ta vì tôi ở ngoài miền Trung, anh ấy lại ở trong Nam mặc dầu cả hai chúng tôi đều cùng ở trong ngành Chiến Tranh Chính trị.Và đúng là danh bất hư truyền nếu nói đến nội dung của từng bản nhạc và bộ tịch diễn tả lúc anh ta đang trình diễn! Thảo nào khi tôi lái xe dừng lại sau đoàn xe GMC, khi anh Quang vừa bước xuống xe đưa tay lên vẫy chào, gần cả trăm thiếu niên thiếu nữ la oang oang trên xe như tỏ vẻ quá vui mừng rồi reo hò như họ được thấy một thần tượng đã ấp ủ trong giấc mộng từ lâu. Tôi bỗng buột miệng nói nho nhỏ:

 

-          Không ngờ Nguyễn Đức Quang nổi tiếng đến thế!

 

Nếu tôi nhớ không lầm, vì lâu ngày quá cách đây đã 40 năm, đêm đó cũng có Nhạc Sĩ Trần Đình Quân, tác giả của bản nhạc tình ca nổi tiếng vang bóng một thời là bài" KHÚC TÌNH CA XỨ HUẾ". Nhạc Sĩ Trần Đình Quân, giáo sư dạy học tại Trường Trung Học Phan Châu Trinh ở Đà Nẵng, cũng là một trong những người sáng lập ra Phong Trào Du Ca thưở ấy.

 

Nếu tôi nhớ không lầm thì đêm ấy, Nhạc Sĩ Trần Đình Quân cũng có trình diễn một,hai bài gì đó.

 

Thế rồi đêm đã về khuya, chương trình văn nghệ cũng chấm dứt. Tất cả anh chị em trong đoàn Du Ca chia tay nhau ra về mà lòng ai cũng bâng khuâng tiếc nuối vì niềm vui qua mau.

 

Tôi liền chở Nhạc Sĩ Ngyễn Đức Quang trở về lại đơn vị trong Đại Đội 101 CTCT trú đóng sát phi trường Tây Lộc ở trong Thành Nội Huế để nghỉ ngơi .

 

Sáng hôm sau, Nhạc Sĩ Nguyễn Đức Quang cùng toàn thể nữ Huấn Đạo trong Trung đôi Chính huấn của Trung ương từ giả tôi, từ giả đơn vị trưởng của Đại đội 101 CTCT để về lại Sài Gòn.

 

California, ngày 28 tháng 03 năm 2011

 

( Viết sau khi vừa nhận được e- mail của chị Bích Huyền báo cho biết, Nhạc Sĩ Nguyễn Đức Quang vừa qua đời lúc 04giờ sáng).

 

Các thân hữu Bích Huyền, Quỳnh Giao, Phong Vũ Lê Anh Dũng, Vương Trùng Dương, Nguyễn Thanh Huy, Trần Trung Đạo, Vũ Hoài Mỹ, Hoàng Tiến Long, Nguyễn Đức Cường, Vũ Văn Tùng, Trần Thế Cung, Song Thuận, Nguyễn Phục Hưng, Nguyễn Ngọc Tuấn, Khiếu Long, Ngọc Hoài Phương, Xuân Điềm, Trần Đại Nam,Tâm An Đỗ Văn Học, Lê Bình, Phan Bá Thụy Dương, Võ Thạnh Văn, Hạo Nhiên Nguyễn Tấn Ích, Nguyễn Cao Can, Diệu Tần, Chinh Nguyên, Nguyễn Ngọc Linh và Dương Viết Điền xin đồng thành kính phân ưu cùng tang quyến.

 

Dương Viết Điền"

 

 

 

Ca sĩ Thanh Lan viềt bài tưởng niệm, chị nhắc dến chuyến văn nghệ ở Âu châu, một văn thuở văn khoa với nhạc du ca Nguyễn Đức Quang...

 

 

"Tưởng nhớ anh Nguyễn Đức Quang.

 

Anh Quang mến,

Từ  những  năm  70  xa xứa, Thanh Lan  đã  luôn nghĩ đến  anh  như  một  người  thanh niên  đầy  nhiệt huyết, yêu  đời  và yêu  đất  nước Việt  Nam  vô bờ bến.

Trong  khi  bao nhiêu  thanh niên  hứ hỏng  vì hoài nghi cái  tương lai của  chính  mình, bỏ học vì nghĩ rằng dù sao cũng  sẽ bỏ  mình ở chiến  trường  mà thôi,  thì anh  luôn vững  tin  vào  một Việt Nam quê hương  ngạo nghễ.

Anh có  cái  ý chí mạnh mẽ và trong sáng của một anh hùng dân tộc.  Một  bài  hát  của  anh  có hiệu quả  hơn  ngàn  viên đạn đồng.

Đêm nay, hình ảnh  anh trong chuyến đi Âu Châu  mấy  mươi  năm trước lại  trở về, rõ  nét hơn bao giờ  hết, khi nghe tin anh đã vĩnh  viễn  ra  đi. Anh gầy gò vói cây đàn guitar, nhưng nét mặt luôn rạng rỡ. Khi  anh  hát, anh  tặng  cho  khán giả  tất cả sừc sống  của ngúóì trai trẻ muốn gửi  gấm một  thông  điệp  cho  đời.

 

Chỉ  mời  mấy  tháng  đây  thôi, đến  với anh trong đêm Nguyễn Đừc Quang tại sân khấu  nhỏ  của  tòa  sọan báo  Người  Việt, nụ  cười  của  anh làm  ấm  lòng mọi  người. Vẫn  gầy  gò, vẫn  năng  động, vẫn  Nguyễn  Đức  Quang.

Nhớ  lại  một  thõi  sinh viên .........

Gửi   anh  vài   dòng.......

Một  người bạn  cũ,

 

Thanh Lan"

 

 

Người nộp bài đầu tiên là anh Phan Tấn Ngưu, một người năng động trong các sinh hoạt cộng đồng tại Quận Cam, anh ôn về dĩ vãng xa xưa khi nhạc du ca của Nguyễn Đức Quang thịnh hành vang dội khắp phố phường, cũng như tại các sân trường đại học của thủ đô Sài gòn, hãy đọc:

 

"Đối với tôi, trong 3 năm, 1963 đến 1965, những bài hát của Nguyễn Đức Quang đã vang khắp phố phường cũng như trong các trường Đại Học của thủ đô Sài gòn mà tôi được góp tiếng với anh, chị em ngay sau khi vừa rời mái trường Petrus Ký. Đó là tiếng nói của lớp trẻ muốn đóng góp hoặc muốn làm gì đó cho đất nước trong thời điểm cuộc chiến tranh đang đến hồi ác liệt.

 

Kỷ niệm với Nguyễn Đức Quang là kỷ niệm của cả một đời, mà đến nay, trong số chúng tôi, ít ai dám quên. Không phải bài hát "Việt Nam Quê Hương Ngạo Nghễ" đã chỉ được hát ở Sài Gòn hoặc sau này tại hải ngoại, mà ngay sau 1975, đã được anh em tù chúng tôi hát hàng đêm sau bản Quốc Ca VNCH, trong 6 buồng tại trại Tân Lập, tỉnh Vĩnh Phú khi được đưa từ trại Thủ Đức ra đây vào ngày 13 tháng 3 năm 1977 bằng tàu Sông Hương. Hậu quả sau đó, chắc mọi người cũng đã đoán được những gì dưới bàn tay sắc máu của kẻ thù, của bọn công an giữ trại. Tôi không thể không nhắc đến các anh: Nguyễn Hữu Hiệp (phi công F5), Đỗ Khương (Thủ Đức), Trần Hà Phỗ (Quận Trưởng), Hà Công Tư (Quận Trưởng), Bửu Uy (TH Sinh Viên), Trần Văn Nhuận (SĐ.7), Lê Văn Tính (hiện còn đang trong tù ở VN), và... (không nhớ hết).

 

Mong sao, nước cứ mãi dâng tràn, không bao giờ tàn...

Xin được góp lời cầu nguyện cho bạn Nguyễn Đức Quang.

 

Thành kính phân ưu:

Võ Văn Xét, Tiểu Tử Võ Hoài Nam, Nguyễn Hữu Của, Trần Quan An, Phan Tấn Ngưu"

 

 

Người nộp bài thứ hai là tiến sĩ Mai Thanh Truyết, cũng như anh Phan Tấn Ngưu, hai anh đều tốt nghiệp trường Petrus Ký, cùng mang gốc đồng hương Tây Ninh, những đàn anh của tôi vốn yêu thích nhạc của nhạc sĩ Nguyễn Đức Quang, bởi vì phần chính trong lời nhạc của Nguyễn Đức Quang không ủy mị, yếm thế, thê lương, tắc trách, vì cuộc chiến dâng cao, nhạc tiêu cực khiến tuổi trẻ bơ vơ, hoang mang về cuộc sống, VNCH dễ dãi khi cho lưu hành những dòng nhạc ảm đậm đáng trách của đại bác ru đêm, của bom B-52, người chiến binh về với đôi nạng gỗ, hay trên chiếc trực thăng trắng,... Nhạc Nguyễn Đức Quang trong cũng thời điểm có phần đóng góp tích cực hơn cho lý tưởng VNCH, anh nhìn về khía cạnh xây dựng tuổi trẻ tích cực dấn thân, tuổi trẻ vì dân tộc, vì quê hương, nhạc anh ôn lại Việt Nam với lỉch sử kiêu hùng, tuổi trẻ là tương lai đất nước, hãy giữ niềm tin yêu quê hương, những giá trị cao quý cúa gia đình Việt Nam, ví dụ  Không Phải Là Lúc, Về Với Mẹ Cha, Dưới Ánh Mặt Trời, Chuyện Quê Ta, Hy Vọng Đã Vươn Lên, Một Giấc Chiêm Bao, Về Miền Gian Nan, v..v.. Những điểm mà anh em chúng tôi đồng ý với nhau. (VH – LGT). Sau đây là lời của tác giả Mai Thanh Truyết:

 

"Nhớ về Nguyễn Đức Quang

 

Năm 1968, lúc đó tôi đang ở Besancon, Pháp. Hội đàm Paris gồm Việt Nam Cộng Hòa, Bắc Việt, Mặt Trận Giảo phóng miền Nam, và Hoa Kỳ bắt đầu nhóm họp vào tháng 5 tại Paris.

 

Các buổi họp hàng tuần thật gay gắt chỉ nhắm vào vị trí của từng phái đoàn, và hình thể chiếc bàn vuông hay bàn tròn… Sau cùng chọn bàn hình bầu dục…

Tinh thần sinh viên, đặc biệt là Tổng hội sinh viên tại Paris lúc đó rất hăng say. Tôi hầu như chạy lên Paris hàng tuần sau trưa thứ sáu, sau khi ra khỏi phòng thí nghiệm. Vì như cầu, tôi, lúc đó là Tổng thư ký Hội sinh viên Besancon, đề nghị thành lập tờ báo để góp mặt vào phong trào đấu tranh ủng hộ Việt Nam Cộng Hòa.

 

Tờ báo có tên là TIẾNG NÓI, quay bằng rénéo mượn của một Cha giáo xứ tại đây (Anh Nguyễn Ngọc Lân phụ trách trình bày hiện đang ở tại Orlando). Báo hoàn toàn do anh chị em sinh viên cùng một số mạnh thường quân tức bà con cư ngụ trong vùng Franche Comté (là tỉnh và Besancon là thi xã của tỉnh). Thời đó, Người Việt mình chưa có business nào hết.

 

Tinh thần anh chị em sinh viên rất cao lúc đó, hàng tuần thường sinh hoạt tại giáo xứ hay tại câu lạc bộ của ký túc xá. Và bài hát khởi đầu luôn luôn là bài "Không phải là lúc…" của Nguyễn Đức Quang được tôi khởi xướng. Và cũng chính bài hát nầy, tôi đã đưa Gíao sư Nguyễn Ngọc Huy (Cố vấn của Phái đoàn VNCH) và BS Trần Văn Bình, bác sĩ riêng của Cụ Trần Văn Hương, lúc đó là Tùy viên Văn hóa của Tòa Đại sứ VNCH đi cùng khắp các tỉnh miền Đông nước Pháp như Colmar, Mulhouse, Strasbourg, Nancy…

 

Anh nhạc sĩ du ca ơi!

Tôi không quên anh, những lời "Không phải là lúc ta ngồi đặt vần đề…" tôi đã được nghe anh và Đinh Quang Anh Thái hát trong một buổi du ca tại nhựt báo Người VIệt cách đây không lâu vẫn còn văng vẳng đâu đây.

Tôi và những anh chị em sinh viên tranh đấu thời đầu 1960 sẽ không bao giờ quên anh đâu anh Quang. Anh ra đi, nhưng tối thiểu anh còn để lại cho những anh chị em cùng thế hệ với nhau ngọn lửa đấu tranh cho chính nghĩa thích ứng với dòng máu năng động và hăng say của tuổi thanh niến.

 

Và bây giờ và mãi mãi về sau, anh vẫn còn để lại cho hậu thế niềm tin sắt son để làm một cái gì cho tổ quốc là…"làm việc đi không lo khen chê, làm việc đi hãy say và  mêcứ bắt tay gan lì chúng ta giải quyết. Mình chậm chân đi sau người ta, mà ngồi đây mãi lo viễn vông, thắc mắc ngại ngùng biết bao giờ….mới làm xong".

 

Lời ca của anh đã là một kim chỉ nam cho tôi không những ngày còn là thanh niên, mà vẫn còn tiếp tục trong tôi, một "ông già" chỉ còn một tuổi nữa và được xếp vào "thất thập cổ lai hy". Tôi không đặt vấn đề với anh em, nhưng chắc chắn tôi đặt vấn đề những người đang tàn phá Đất và Nước của chúng ta, thưa anh Quang.

Dù lớn hơn anh hai tuổi, tôi vẫn tiếp tục con đường anh đã vạch ra và cố gắng nuôi dưỡng tinh thần thanh niên khai phá cho tương lai của anh mà không nề hà, do dự, cũng như chùng bước trước mọi trở ngại.

 

Anh Nguyễn Đức Quang ơi! Ngồi trong office, mặc dù tôi đã đủ tuổi về hưu từ hơn 3 năm qua, mặc dù tôi không còn lo nghĩ về tài chánh cho tương lai nữa, nhưng tôi vẫn tiếp tục bước đi cho trọn con đường đời của một người trai thời loạn.

 

Anh Quang ơi!

Anh mất đi nhưng anh không chết!

Lịch sử Việt Nam sẽ mãi mãi ghi tên một người con nước VIỆT lúc nào cũng nặng lòng với non sông.

Vĩnh biệt anh,

Mai Thanh Truyết

West Covina, 29/3/2011

 

Nguyễn Thanh Liêm, Trần Văn Thuần, Phan Văn Song, Châu Văn Để, Phan Đình Minh, Phạm Gia Cổn, Phan Nhật Nam, Huy Phương, Paul Vân, Phạm Kim, Phạm Quốc Bảo, Đinh Quang Anh Thái, Chu Tất Tiến, Trần Minh Xuân, Trần Minh Nhật, Vi Anh, Đỗ Hải Minh, Mai Thanh Truyết, Lê Ngọc Điệp, Diễn đàn Từ Cánh Đồng Mây và Đồng Nai Cửu Long.

Đồng Thành Kính Phân Ưu"

 

 

Nhạc sĩ Ngọc Mai như nhạc sĩ Dương Viết Điền, như nhà thơ Hồng Vũ Lan Nhi, thức khuya cho xong bài, những nghệ sĩ của Tình Nghệ Sĩ, theo tinh thần một con ngựa đau, cả tàu bỏ cỏ. Tôi xin cám ơn các tác giả hưởng ứng lời kêu gọi:

 

"Bên kia sông có ánh mặt trời …….*

 

 

Và rồi anh cũng đã buông bỏ bụi trần để về lại bên kia sông !

 

Tôi vẫn còn như nghe đâu đây tiếng hát anh trong buổi nhạc Nguyễn Đức Quang tại hội trường báo Người Việt năm vừa qua. Anh hát say mê nhiệt huyết như chàng thanh niên trẻ  đã làm tôi hình dung lại được cái tuổi trẻ hăng hái , lý tưởng  của một Việt Nam Quê Hương Ngạo Nghễ mà vào thưở đó tôi còn rất nhỏ để không thể nào được phép tham gia phong trào du ca. Tuy nhiên, sau này, trong giờ sinh họat tại trường những bài hát du ca của anh được hát vang vang trong sân trường.

 

Ta như nước dâng dâng tràn có bao giờ tàn

Đường dài ngút ngàn chỉ một trận cười vang vang

Lê sau bàn chân gông xiềng một thời xa xăm

Đôi mắt ta rực sáng theo nhịp xích kêu loàng xoàng

(Việt Nam Quê Hương Ngạo Nghễ)

 

Lời nhạc hùng hồn say mê mà khi hát lên đã dấy động được lòng yêu quê hương đất nước  không những vào thưở đó mà mỗi khi bài hát đó được hát  trên  xứ người  lúc nào cũng làm tôi rung cảm  với một quê hương bỏ lại !

 

 

Nguyễn Đức Quang, chàng lãng tử của phong trào du ca đã dừng bước phiêu bồng của đời sống hiện tại . Anh đã về lại " bên kia sông " , nơi đó tôi mong rằng anh sẽ tìm thấy ánh mặt trời với đồi cỏ  hoa đan lối  , để trong cơn gió sẽ thấy anh thóang nụ cười của thánh thót trong lòng mọi  người đang nở hoa trong lời ca tiếng nhạc của anh sẽ còn vang vang mãi của những người mang dòng máu Việt Nam ngạo nghễ với  khí khái kiêu hùng với lòng yêu quê hương tha thiết.   

 

Ta như giống dân đi tràn trên lò lửa hồng

Mặt lạnh như đồng cùng nhìn về một xa xăm

Da chân mồ hôi nhễ nhại cuộn vòng gân trời

Ôm vết thương  máu ta cười dưới ánh mặt trời

Ta khuyên cháu con ta còn tiếp tục làm người

Làm người huy hoàng phải chọn làm người dân Nam

Làm người ngang tàng điểm mặt mày của trần gian

Hỡi những ai gục xuống ngồi dậy hùng cường đi lên

(Việt Nam Quê Hương Ngạo Nghễ )

 

Âm nhạc như con người của anh : khí khái, kiêu hùng nhưng rất nhân bản vì chan chứa tình yêu thương . Tình yêu với quê hương dân tộc, tình yêu thương con người . Anh đã trở về bên kia núi cao chập chùng , bên kia suối reo lạnh lùng để  câu ca còn văng vẳng nơi đây    . Anh có hay chăng có tiếng nấc nhẹ khi tin anh rời cõi trần của mỗi người VN đã một lần vang câu hát của anh.

 

 Tiếc thương cho Nhạc Sĩ  Nguyễn Đức Quang chưa kịp hát câu cuối trong đời , khi  con tim vẫn còn nhiều hòai bão cho quê hương , cho âm nhạc  ! Yên nghĩ anh nhé vì tin chắc rằng bên kia sông anh đã đến , nơi đó có ánh mặt trời với an bình , yên ả  và còn lại đây chúng ta  chỉ tìm anh trong bài thơ hư vô , trong câu hát  muôn đời mà anh để lại .

 

Còn Việt Nam

Triệu con tim này còn triệu khối kiêu hùng

( Việt Nam Quê Hươgn Ngạo Nghễ )

 

Trái tim người nhạc sĩ đã ngừng đập những nhịp yêu thương  nhưng sức nóng của bầu nhiệt huyết  cho một quê hương  vẫn còn ngạo nghễ trong lòng mỗi người Việt Namcòn ở lại .

 

Này anh hỡi, bài thơ giờ chỉ còn hư vô , nhưng núi mừng vì mây đã đến rồi …..!

 

Yên nghĩ anh nhé .

Tạm biệt  người nhạc sĩ du ca Nguyễn Đức Quang !

 

Ngọc Mai

032011

 

* Trích tựa bài  Bên Kia Sông . Thơ Nguyễn Ngọc Thạch.  Nhạc : Nguyễn Đức Quang"

 

 

 

Nhạc sĩ Quách Vĩnh Thiện và nghệ sĩ Thanh Vân từ Paris gửi lời cho anh Nguyễn Đức Quang, hứa sẽ cùng nhạc sĩ Phương Oanh tham dự chương trình hát tưởng niệm nhạc sĩ Nguyễn Đức Quang tại Paris:

 

 

"Quách Vĩnh Thiện xin cầu chúc anh Nguyễn Đức Quang ra đi bình an.

QVT 

 

On Thu, 3/31/11, Vinh-Thien QUACH <… > wrote:

From: Vinh-Thien QUACH <… >

Subject: Re: Ngay Van Hoa Truyen Kieu - Tho va Nhac - 10 Juillet 2011

To: "phuongoanh voquang" <… >

Cc: "Viet Hai Tran" <viethai712@yahoo.com>

Date: Thursday, March 31, 2011, 10:16 AM

 

Phương Oanh thân mến,

Thiện nhớ Nguyễn Đức Quang nhiều lắm.

Chính Thiện đệm đàn cho Nguyễn Đức Quang hát bài Chiều Qua Tuy Hòa ở Paris 1969 ... Anh Nguyễn Đức Quang cùng tuổi, sanh năm 1943 với Thiện.

Thiện sẽ cố gắng có mặt ngày đó.

Thân mến

Quách Vĩnh Thiện.

 

 

2011/3/31 phuongoanh voquang <….fr>

 

Chào Thiện

Không biết Thiện nhớ Nguyễn Đức Quang không?

thứ bảy này 2-4, Phượng Ca - Du Ca làm buổi tưởng niệm tại trung tâm Paris Pour Tous , so 32, rue Javelot  75013 luc 14h...

Nếu Thiện có thì giờ, đến với tụi này.

Than men

PO.

 

oOo

 

Phương Oanh, Paris

 

Quang ơi

Hôm nay, tôi mở email chậm vì có một ông cha người da đen đến thăm.

Trần Quang Hải gửi tin về sự ra đi của Quang sau một thời gian dài nằm trong coma.....Tôi giậc bắn người...vì đêm hôm qua, ngày hôm qua, tôi vẫn còn đang mong chờ tin Quang hồi phục....

Thế là từ đây tụi mình sẽ chỉ còn gặp nhau trong mơ mà thôi.....

Cuộc đi thăm bè bạn hồi năm ngoái của Quang là một kỷ niệm đẹp đối với mọi người.

Tôi nhớ mãi khi gặp Quang ở cửa phòng sinh hoạt, câu đầu tiên Quang nói với tôi là tưởng đã chết năm trước rồi, chứ đâu có ngờ được gặp lại Oanh ở đâu. Hôm đó, tình thật tôi cũng rất bận, nhưng cũng cố thu xếp mọi việc nhờ con trai chở mẹ đến thăm bác Quang....và phải về ngay, vì có người chờ đợi tôi ở nhà.

Nhìn da mặt hồng hào, dáng người nhanh nhẹn của Quang, vẫn như cách đây 40 năm, tôi không nghỉ Quang bỏ cuộc chơi quá sớm, bỏ bạn bè quá nhanh để đi vào cõi vĩnh hằng.

Trong suốt thời gian Quang nằm ở bệnh viện, tôi vẫn hằng nghe ngóng tình hình Quang qua bè bạn, nhất là qua trang Du Ca để thông báo tin tức của Quang......

Tôi vẫn hy vọng Quang đứng dậy với mọi người, tôi vẫn hy vọng Quang nghe lời cầu nguyện của mọi người cho Quang mau tỉnh lại.Nhưng lần này, thì Quang đã bỏ cuộc hẳn, để làm cuộc hành trình mới với những bè bạn đã về bên kia thế giới...và Quang cứ việc tiếp tục rong chơi nhế, sẽ có ngày chúng ta lại gặp nhau và sẽ cùng nhau hát lại những bài ca khai phá tự thuở nào.

Khi tôi viết những giòng chữ này cho Quang, thì chắc là Minh Thông đã đến gần Quang, để hai người trở lại như lúc mới đầu yêu nhau.

Nhớ phù hộ cho con cháu và lôi cuốn các bạn du ca khắp nơi tiếp nối con đường Quang đã đi qua nhé.

Và mỗi khi du ca cất tiếng hát, thì Quang phải có mặt bên cạnh nhé.

Con chim đầu đàn của ban Trầm Ca đã tách rời nhóm để đi tìm một chân trời mới,

Phong trào Du Ca mất đi người trưởng sáng lập tài ba

Tất cả chúng ta tiếc nuối một người bạn thiệt thân vừa qua đời...

 

Thương yêu

Phương Oanh.

 

 

Kế tiếp anh Francis C. Khuc cùng bằng hữu gửi lời chia tay như sau:

 

Vô cùng xúc-động nhận được tin buồn

 

Anh/Nhạc Sĩ  NGUYỄN ĐỨC QUANG

Tốt-nghiệp Khóa 1 Trường Chánh-Trị Kinh-Doanh

 

Viện Đại-Học Đà-lạt

 

đã vĩnh-biệt cõi trần lúc 04:00 sáng ngày Chúa Nhật 03-27-2011

 

tại tiểu-bang California, Hoa-Kỳ

 

Xin thành-kính phân-ưu cùng toàn-thể tang-quyến

 

 nguyện-cầu hương-linh anh Nguyễn Đức Quang được ngàn đời yên-nghỉ nơi cõi vĩnh hằng.

 

Gia đình Nguyễn Đình Dũng-Minh Lý,

Gia đình Nguyễn Văn Tâm-Thanh Thủy

Gia đình Hà Trọng Minh-Mai Phương

Francis C. Khuc

 

 

Email Hồ Ái Việt cùng các bạn trong forums ĐỜI SỐNG VUI và CLBTNS:

 

Anh VIỆT HẢI thân quý,

Nhờ Anh giúp VIET LOAN  cùng ACE forums ĐỜI SỐNG VUI và CLBTNS gởi  lời phân ưu  và cầu nguyện đến gia đình Nhạc sĩ NGUYỄN ĐỨC QUANG. Sự ra đi của ANH QUANG là một mất mát to lớn cho mọi người còn mang giòng máu và tinh thần Dân tộc VIỆT NAM . "VIỆT NAM QUÊ HƯƠNG NGẠO NGHỄ " , " GƯƠM THIÊNG HÀO KIỆT " , " VỀ VỚI MẸ CHA " và rất nhiều bài khác đã là Động lực thúc đẩy VIỆT, LOAN  và nhiều bạn hữu cùng thế hệ Hăng say họat động trong Sinh Họat HƯỚNG ĐẠO, trong Binh Chủng HAI QUÂN mà HỒ ÁI VIỆT đã phục vụ nhiều năm, và tiếp tục chuyển tiếp Tinh Thần Dân Tộc VIỆT NAM đến thế hệ kế tiếp.TINH THẦN DÂN TỘC VIỆT NAM của Anh NGUYỄN ĐỨC QUANG sẹ tồn tại mãi mãi.

 

Các thân hữu diễn đàn  ĐỜI SỐNG VUI:

Trần Trọng Nhân, Trang Sĩ Phước, Trầm Lãng, Hoảng Trí Dũng, Don Hồng, Olivia Tú Trâm, Phương Nga, Annie Ngọc Ánh, Thanh Đào, Chiêu Lê, Nguyên Nhung, Thanh Loan,Hồ Ái Việt cùng các bạn trong forums ĐỜI SỐNG VUI.

 

Email Cao Minh Hưng – CLBTNS:

 

"Sáng hôm nay trên đường đến chỗ làm, tôi nghe lại giọng nói của Nhạc sĩ Nguyễn Đức Quang trong chương trình "Tản Mạn Văn Học-Chân Dung Tác Giả và Tác Phẩm" trên làn sóng phát thanh Little Saigon Radio.  Giọng anh rất khoẻ, rất hùng hồn, say sưa nói về những kỷ niệm cho một số sáng tác của anh, trong đó có nhạc phẩm bất hủ "Việt Nam Quê Hương Ngạo Nghễ"...Vậy mà anh đã rời xa chúng ta đã một tuần rồi, dù tiếng nói của anh vẫn còn văng vẳng bên tai.  "Còn Việt Nam, triệu con tim này còn triệu khối kiêu hùng!"....Mượn câu hát của anh, tôi xin được viết thêm, "Còn Việt Nam, chúng ta còn mãi nhớ đến người Nhạc sĩ du ca Nguyễn Đức Quang."

 

Cao Minh Hưng, Lê Thúy Vinh, Thy Linh, Minh Tuấn, Hồng Vân, TriNa Thu Hà, Lan An, Hạnh Cư, Lưu Mỹ Lan, Hà Trúc Mai, Quang Huy, Thúy Anh, Nguyên Vũ, Xuân Thanh, Lan Hương, Fatima, Giáng Ngọc, Ngọc Như Hoa, Cẩm Sa, Quốc Toản, Dạ Lan, Ngọc Hà, Nhã Lan, Ngọc Bích, Cao Minh Hưng, các bạn hữu Câu Lạc Bộ Tình Nghệ Sĩ.

 

 

 

Email của Du Ca Chi Bảo Diễm Chi:

 

Anh Quang nay đã đi rồi

Diễm Chi kính điếu tới Trưởng Xướng Du Ca Nguyễn Đức Quang....

 

Anh Quang nay đã đi rồi,

Về nơi vĩnh cửu Ngàn đời Du Ca

Chúng tôi nước mắt chan hòa

Cùng nhau hát những bài ca anh làm

Hướng Đạo, Chính Huấn,Áo Lam,

Trầm Ca tư tưởng bao hàm mến yêu,

Du Ca vận nước tiêu điều

Những ngày tháng cũ bao nhiêu thăng trầm.

Anh đi bỏ lại dư âm….

Nhạc, ca, nghiệp viết, cõi trần còn đây

Chúc anh Tiến thẳng đường mây

An vui cõi phúc tháng ngày thênh thang...

 

Diễm Chi, Dương Hữu Chương và An Nguyễn Kiều Mỹ Duyên

Đồng Thành Kính Phân Ưu

 

 

Ký giả Nguyễn Toàn từ Sydney gửi cảm nghĩ và chia buồn:

 

"Nhạc sĩ Nguyễn Đức Quang đã viết nhạc  từ năm 16 tuổi .Đa số  viết cho Hướng đạo.

Nhưng khi nhạc sĩ Nguyễn Đức Quang  trở thành nhạc sĩ Du Ca  - anh đã sáng tác bản "Việt Nam Quê Hương Ngạo Nghễ". Tên tuổi anh đã thành danh - quần chúng khángỉa  đã biết đến anh.

Phải  công nhận mỗi khi  được nghe  hay hát  bản nhạc  "Việt Nam Quê hương ngạo nghễ "  - máu trong người  như  chảy cuồn cuộn .

Bản nhạc dễ hát - nên  mọi người chóng thuộc - bất cứ  đâu - như đi Lửa trại  - hay xuống đường Biểu tình chống  Cộng  -bản nhạc cũng được mọi người cất cao  với  tiếng vỗ tay nhịp nhàng  theo bài hát- thậm chí trong Tù  - bản nhạc cũng được hát .

 

Xin chia tay nhạc sĩ Nguyễn Đức Quang . Chúc anh ra đi trong an bình.

 

Các bạn:

Nguyễn Toàn, Sydney, Huỳnh Kỳ Phát, Nam Lộc, Việt Dzũng, Nguyễn Xuân Nam, Duy Khiêm, La Anh Dũng.

 

 

 

Nhạc sĩ Thanh Trang, San Diego cho thơ tiễn đưa:

 

Thuyền đời xa bến

 

Bạn bè cũ còn bao người ?

Bạn tính cũ ngoài phương trời !

Cùng năm tháng như mái tranh chiều

nhạt màu nắng phai !

Một thời đó đã qua rồi !

Dù chẳng theo tiễn chân người

Một lần thuyền rời bến không lời từ biệt

rồi thôi !

 

Nói đi lời cuối cho vừa nỗi thiết tha !

Nói đi lời cuối  đây rồi mai cách xa !

Tiễn nhau lần cuối mai này không thấy nhau !

Sóng đưa thuyền đó trôi về nới bến nào?

 

Thanh Trang

Nam Cali 26 tháng 03-2011

 

 

"Nhạc sĩ Ái Hoa, Palm Springs cho lời chia tay nhạc sĩ Nguyễn Đức Quang:

 

Xin được cùng quý vị nghệ sĩ phân ưu với tang quyến về sự ra đi của NS Nguyễn Đức Quang, con chim đầu đàn của Du Ca/Trầm Ca Việt Nam.

Nguyện cầu hương linh của NS Nguyễn Đức Quang thảnh thơi về nơi Cực Lạc cùng với tiếng đàn và những nốt nhạc Du Ca.

Xin cám ơn quý vị đã cho cơ hội để đóng góp lời phân ưu!

 

Các bạn: Nguyễn Minh Châu, Hoàng Thy, Diệp Thanh Thủy, Tiểu Thu, Múi Quý Bồng, Trương Ngọc Thạch, Khanh Phương, Phan Bái,Thanh Lan, Hồ Ai Việt, John Thụy, Nguyễn Cao Thăng NJ, Hồ Đăng, Nguyễn Văn Thành MN, Lê Hân SJ, Thái Đắc Nhã, Đường Sơn Aussie, Ái Hoa - Đồng Thành Kính Phân Ưu. Forum Đời Vui Sống"

 

 

Kế tiếp là bài do diễn đàn Hoa Tự Do của chị Trương Mỹ Loan chuyển sang, tác giả là nhà báo Phan Tấn Hải, cộng tác viên với báo Việt Báo:

 

"Nhạc Sĩ Nguyễn Đức Quang

 

Nhạc sĩ Nguyễn Đức Quang đã ra đi. Nhạc sĩ đã đóng góp quá nhiều cho lịch sử, cho văn hóa, và cho âm nhạc Việt Nam -- nhiều hơn những gì mà một đời người có thể làm.

 

Tôi tin rằng nhạc sĩ Nguyễn Đức Quang là một người tiền định. Thời như thế, vận nước như thế, dân mình đau thương như thế... tất phải có một người như Nguyễn Đức Quang tới để hát lên những đau thương đó, và để ngợi ca những ước mơ và hy vọng về một ngày mai bình an, thương yêu, hàn gắn...

 

Anh đã trở thành một phần của lịch sử Việt Nam. Những ca khúc của anh tuy đang còn bị cấm hát tại Việt Nam hiện nay, nhưng điều chắc chắn có thể thấy rằng nhạc của Nguyễn Đức Quang sẽ không thể bị biến mất, bởi vì những dòng nhạc  của anh đã len khuất sâu vào tim người nghe, bởi vì đó là những ước mơ đẹp nhất của tuổi trẻ Việt một thời nội chiến.

 

Tôi đã mơ hồ thấy như thế từ thời học trò. Lúc đó là sau Tết Mậu Thân 1968. Tôi trong nhóm các học sinh thiện nguyện trung học Chu Văn An nhận xây cất một phần trong khu tạm cư Lý Thái Tổ, một vùng đất nằm giáp giới quận 3 và quận 5, Sàì Gòn – nơi đây, phụ trách xây cất gồm học sinh nhiều trường trung học, và nhiều hội đoàn như Hướng Đạo, Nghĩa Sinh...

 

Giữa những ngổn ngang của cây, của ván, của các tấm bạt che mưa nắng, giữa các gia đình dân Việt mất nhà cửa vì các trận giao chiến Tết Mậu Thân... tuổi trẻ học trò đang ra sức dựng nhà tạm cư cho đồng bào. Chính trong những đêm thức lửa trại và rồi ngủ vì mệt vùi ở trại này, nhạc Nguyễn Đức Quang là những âm thanh không rời với một thời tuổi trẻ của tôi.

 

Sau năm 1975, khi còn trong nước, có những lúc đi xe đạp trên đường Sương Nguyệt Ánh, ngang qua ngôi nhà từng làm trụ sở Phong Trào Du Ca, tôi vẫn thắc mắc tự hỏi, không biết nhạc sĩ Nguyễn Đức Quang đang ở đâu và có vượt biên được không. Lúc đó, nhạc Nguyễn Đức Quang tất nhiên là bị cấm ở quê nhà, ai cũng hiểu như thế. Thế đấy, quê nhà lúc đó đã cấm mọi thứ.

 

Có những lúc lòng tôi xao xuyến, lo ngại về một tương lai bất định, lại bất chợt thoang thoảng trong đầu những lời nhạc Nguyễn Đức Quang:

 

"Hy vọng đã vươn lên

trong màn đêm bao ưu phiền

Hy vọng đã vươn lên

trong lo sợ mùa chinh chiến

Hy vọng đã vươn lên

trong nhục nhằn tràn nước mắt

Hy vọng đã vươn dậy

như làn tên

đang rực lên trong màn đêm..."

 

Thực sự, những lúc đó, tôi mở mắt thật to, nhưng vẫn không thấy hy vọng nào "đang rực lên trong màn đêm" như lời ca, chỉ thấy quê nhà đầy những bạo lực căng thẳng.Nhưng cũng ở những giây phút đó, lòng tôi mang ơn người đã viết lên những dòng nhạc đó; không mấy ai nói về một "hy vọng" đầy tha thiết như Nguyễn Đức Quang.

 

Nhiều năm sau, vào nghề báo, được gặp và quen với anh Nguyễn Đức Quang tại Quận Cam, California; tuy vẫn nhìn anh như một nghệ sĩ đàn anh, tôi vẫn không kể những chuyện thời học trò như thế. Nói ra, "thì là hơi cải lương," tôi tự nhủ như thế, mỗi khi nghĩ về những gì cảm động. Thêm nữa, tôi biết rằng nhạc sĩ Nguyễn Đức Quang là một người đơn sơ, không bận tâm những chuyện linh tinh, thậm chí không ưa kiểu có vẻ như chiều chuộng, xu nịnh...

 

Nguyễn Đức Quang là người phục vụ đồng bào, và không hề bận tâm chuyện khác.

 

Một điều nữa, đã có quá nhiều người ca ngợi nhạc sĩ Nguyễn Đức Quang. Ca ngợi thật tâm, không phảỉ khách sáo. Mà nói cho cùng, cũng không cần phải chọn lời trau chuốt nào cả, chỉ cần trung thực kể những việc mà anh Nguyễn Đức Quang đã làm, thế cũng là một cách ca ngợi tuyệt vời. Đơn giản, những việc anh làm đã nhiều hơn một đời người có thể làm, bất chấp rằng có rất nhiều năm anh đã gác đàn vào một góc, như dường là "một kiểu nhập thất của nhạc sĩ."

 

Trong bài "Viết cho Du Ca Nguyễn Đức Quang" mới hồi tháng 2-2011, nhà văn Giao Chỉ, San Jose, đã viết:

 

"...Du ca trở thành con đường lý tưởng của thanh niên. Tuổi 20 đi trên "Đường Việt Nam. Đi dựng lấy huy hoàng, giống da vàng này là vua đấu tranh."

 

Ai cũng có thể vào một buổi sáng thức giấc nghêu ngao : "Đường Việt Nam ôi vô cùng vô tận, Đường ngang tàng ngoài biển Nam, giữa Trường Sơn".

 

Nguyễn Đức Quang là người viết nhạc hùng với những lời ca lý luận hết sức thực tế. Đó là bài "Không phải là lúc ta ngồi mà đặt vấn đề." Hãy đứng dậy đón chào bình minh với "Hy vọng đã vươn lên. Trong màn đêm bao ưu phiền. Hy vọng đã vươn lên trong lo sợ mùa chinh chiến. Hy vọng đã vươn lên trong mồ sâu quá ưu sầu."..."(hết trích)

 

 

 

Tương tự, nhà báo Phạm Trần cũng nhận xét về nhạc sĩ Nguyễn Đức Quang: "Anh Nguyễn Đức Quang là người hoạt động và dấn thân cho tuổi trẻ Việt Nam rất tích cực và đáng ghi nhớ với những đóng góp  cho Phong trào Du ca. Nếu không có bước đi khởi đầu của Nguyễn Đức Quang thì chưa chắc đã có những ca khúc gắn liền tuổi trẻ thành phố với xóm làng miền Nam trước năm 1975."

 

Trong tiểu sử ngắn gọn về Nguyễn Đức Quang, trang nhà Du Ca www.ducavn.com viết:

 

"Tên thật Nguyễn đức Quang, sinh năm 1944 tại Sơn Tây.

 

Theo gia đình vào Nam năm 1954.

 

Sinh sống tại Ðà Lạt từ năm 1958.

 

Tốt nghiệp đại học Ðà Lạt phân khoa Chính Trị Kinh Doanh khóa 1.

 

Bắt đầu sáng tác nhạc năm 1961. Ca khúc đầu tay dành cho Hướng đạo với tên Gươm Thiêng Hào Kiệt.

 

Sau biến chuyển chính trị lớn ở miền Nam năm 63, bắt đầu cảm hứng về nhạc Thanh niên và những vấn đề đất nước.

 

Năm 1964, chuyển qua hẳn những ca khúc có chủ đề Tuổi trẻ, Quê hương, Dân tộc.xây dựng những đề tài mới cho tập Trầm Ca, hát nhạc tranh đấu xã hội và nhạc sinh hoạt thanh niên và thành lập Phong Trào Du Ca Việt Nam năm 1966.

 

Năm 1979 cùng gia đình đến Hoa Kỳ, hoạt động liên tục trong nghành truyền thông tại hải ngoại. Hiện vẫn định cư tại Little Saigon, California USA."(hết trích)

 

Trong tiểu sử Nguyễn Đức Quang ở Wikipedia (http://vi.wikipedia.org), cũng ngắn gọn gần như thế.

 

Một điều để suy nghĩ, trong cả 2 tiểu sử ở 2 trang nhà này, đều tránh nói tới những năm phục vụ trong quân lực VNCH của nhạc sĩ Nguyễn Đức Quang -- thời mà nhạc sĩ là một sĩ quan chiến tranh chính trị. Tại sao các trang này tránh nói tới thời nội chiến của một nhạc sĩ lớn như Nguyễn Đức Quang? Có phải là để cho trang web không bị tường lửa? Hay có phải, dòng nhạc của anh lớn hơn những biên giới chính trị? Không thể đoán chính xác các chuyện này.

 

Hôm Chủ Nhật 27-3-2011, Hướng Đạọ VN đã thực hiện nghi lễ Trao Bắc Đẩu Huân Chương đến nhạc sĩ Nguyễn Đức Quang tại Quận Cam.

 

Bản văn của Hội Đồng Trung Ương Hướng Đạo Việt Nam giảỉ thích:

 

"...Bắc Đẩu Huân Chương là huy chương cao quý nhất của phong trào Hướng Đạo Việt Nam được trao tặng cho quý Trưởng Hướng Đạo có công gìn giữ và xây dựng một phương pháp giáo dục thanh thiếu niên do Huân Tước Baden Powell thành lập từ năm 1907 tại Anh Quốc.

 

 Quý Trưởng nhận được Bắc Đẩu Huân Chương có những thành tích phục vụ tha nhân và luôn đeo đuổi lý tưởng Hướng Đạo. Quý Trưởng này còn là những nhân tố góp phần trực tiếp vào công cuộc gầy dựng các thế hệ thanh niên Việt Nam nối tiếp nhau dấn thân vào các công xã hội từ tromg nước cho đến sau này tại hải ngoại.

 

 Nhạc Sĩ Nguyễn Đức Quang gia nhập Hướng Đạo năm 1956, thuộc Đội Voi, Thiếu Đoàn Lê Lợi, Đạo Lâm Viên, là đội sinh của Trưởng Hoàng Kim Châu. Trưởng Hoàng Kim Châu hiện đang sinh hoạt với Liên Đoàn Đất Việt và Tráng Đoàn Nguyễn Trải Hướng Đạo tại Houston Texas. Sau này Trưởng Nguyễn Đức Quang thay Trưởng Châu và trở thành Đội Trưởng Đội Voi...."(hết trích)

 

Nghi lễ trao đã diễn ra xúc động. Một người con của nhạc sĩ Nguyễn Đức Quang đã thay cha vừa từ trần để nhận Bắc Đẩu Huân Chương.

 

Một sự thật để nhìn thấy rằng, nhạc sĩ Nguyễn Đức Quang vẫn không hề rời cõi này. Bởi vì dòng nhạc của anh vẫn còn âm vang, còn ẩn tàng trong tim chúng ta. Và đã trở thành một phần của lịch sử dân tộc, bất kể rằng nhà cầm quyền có muốn hay không.

 

Cũng tương tự như thơ Nguyễn Du đã trường tồn, đã trở thành tài sản văn hóa của dân tộc, bất kể không mấy ai nhớ chính xác rằng Nguyễn Du có  "lập trường chính trị" thế nào trong thời Chúa Trịnh, Chúa Nguyễn, thời Lê Mạt, thời Tây Sơn Nguyễn Huệ, thời Nguyễn Ánh Gia Long, thời mà chàng trai trẻ Nguyễn Du dấy binh làm loạn và rồi trốn về quê vợ, ăn rau tới xanh cả mặt...

 

Cũng y hệt như thơ Nguyễn Du, như bài "Lời Mẹ Dặn" của Phùng Quán, như cuốn "Nhật Ký Rồng Rắn" của Tướng Trần Độ, như tác phẩm "Viết Cho Mẹ và Quốc Hội" của Nguyễn Văn Trấn... nhạc của Nguyễn Đức Quang sẽ còn mãi. Bởi vì, những gì viết bằng trái tim sẽ không thể biến mất, bất kể mọi trở lực của lịch sử.

 

Nguyễn Đức Quang đang trở thành tài sản văn hóa cho cả nước. Du Ca và Hướng Đạo có thể đang bị xóa sổ trên cả nước, nhưng dòng nhạc của Nguyễn Đức Quang vẫn được nghe trân trọng trên YouTube, và cả trong các buổi cắm trại tại quê nhà của Gia Đình Phật Tử, Thiếu Nhi Thánh Thể... Và rồi, chế độ cộng sản hiện nay chắc chắn sẽ biến mất, nhưng tôi tin rằng  nhạc Nguyễn Đức Quang sẽ vẫn còn được hát.

 

Những ca khúc lưu trữ nơi đây:

 

http://www.ducavn.com/duca_files/VanNghe_files/TacGia/NDQuangB.htm

 

chắc chắn là sẽ còn được hát nhiều thập niên sau, thậm chí nhiều thế kỷ sau...

 

Và dòng chữ cuối bài này, xin thành kính chia buồn cùng gia quyến nhạc sĩ Nguyễn Đức Quang, người đã trao cho các thế hệ trẻ quá nhiều ước mơ và hy vọng.

 

 

Nhà thơ Nhược Thu gửi vào diễn đàn Tình Nghệ Sĩ bài "Tiễn Biệt Nhạc sĩ Nguyễn Đức Quang...", nội dung gồm kỷ niệm gặp gỡ người nhạc sĩ sắp rời chúng ta...

 

"Anh đi đi thật rồi sao ?

Bỏ quê bỏ cả mộng đào dở dang

Nghe tin thoáng những ngỡ ngàng

Mùa xuân vừa chớm đã bàng hoàng đau

 

Anh đi đi thật rồi sao ?

Quê hương ngạo nghễ chợt nhầu tiếng ca

Anh vừa mới bỏ đi xa

Hay đang hát khúc du ca tìm về ..?

 

Nhược Thu

Mar - 29 - 2011

 

 

Tôi được gặp Nhạc sĩ NGUYỄN ĐỨC QUANG rất muộn màng dù ngưỡng mộ tài danh anh từ thưở còn đi học ...

Vài năm trước đây tôi mới hân hạnh lần đầu được diện kiến anh tại nhà Thi nhạc sĩ HOÀNG THY , San Diego , trong một buổi Họp mặt  ..

Lần sau cùng , trước ngày hiền nội anh ấy qua đời vài tháng , tôi lại được hân hạnh gặp lại anh tại nhà Thi nhạc sĩ THY LINH trong buổi Họp mặt nhân dịp anh chị Nhạc sĩ NGUYỄN MINH CHÂU từ Pháp qua .. Phong thái của anh vẫn làm tôi rất ngưỡng mộ trong 2 lần gặp khi anh ôm đàn hát những ca khúc do anh mới sáng tác ..

Lần gặp sau này , nhìn anh vẫn còn rất phong độ và mạnh khỏe .. Thế mà thoáng cái nghe tin anh đã ra đi ..Tôi không nén được bàng hoàng xúc động vì cuộc đời quả rất vôthường ...

Xin chân thành cầu nguyện hương linh anh sớm được về cõi vĩnh hằng .....

 

Kính

Nhược Thu"

 

 

Nhà thơ Tâm Vô Lệ, chủ nhân của website Thư Viện Toàn Cầu gửi sang 4 bài của bốn tác giả, mà anh là một trong những tác giả của những bài chia tay nhạc sĩ Nguyễn Đức Quang:

 

 

Nhà thơ Sóc Lanh Lợi :

 

"Lời ru non nước ngày xưa,

Vang vang xiềng xích đã vừa ra đi,

Tiếng ca quật khởi xuân thì,

Hận lời vong quốc từ khi đổi đời,

Đức Quang ơi! Đức Quang ơi!

Giả từ nhau những nghẹn lời từ ly!

 

Sóc Lanh Lợi"

 

 

Tác giả Hoàng Lan Chi:

 

"Anh, sẽ bất tử như "Quê Hương Ngạo Nghễ"

Thế là chuyện phải đến. Anh đã ra đi thật rồi. Khi anh nằm bệnh viện, người bạn chuyển tin anh ra đi, tôi buồn. Rồi không phải. Dù đa đoan công việc, tôi cũng cố gắng cầu nguyện cho anh. Anh ra đi hơi sớm so với tuổi bây giờ.

Nhớ lại ...

Thuở sinh viên, không biết từ đâu tôi nghe được bài "Việt Nam quê hương ngạo nghễ". Khỏi nói, tôi mê mẩn ngay tức khắc. Vì tôi yêu nhạc hùng, dân hùng và chí khí hùng. Tôi ghét ủy mị sướt mướt nên những câu như "Lê sau bàn chân gông cùm của thời xa xăm, đôi mắt ta rực sáng .." mê hoặc tôi vô cùng.

Một bài khác cũng làm tôi xúc động không kém là ".. Không phải là lúc chúng ta ngồi mà cãi suông. Không tin nơi nhau thế ta định nhờ ai bắc cầu?"

Tuy mê nhưng tôi bận học và không tham gia cái gì ngoài xã hội nên không hề biết tác giả là Nguyễn Đức Quang. Phong trào du ca ra sao, tôi cũng không tỏ tường.

Năm 2005, tôi gặp NĐQ đầu tiên khi anh đến Virginia để tham dự chương trình nhạc gây quỹ cho trẻ em gì đó ở Việt Nam. Ấn tượng sâu đậm nhất là khi tôi hỏi rằng đa số nhạc sĩ về già, hay có khuynh hướng nghiêng về đạo có thể Phật, Chúa hay Thiền thì NĐQ trả lời, không bao giờ NĐQ viết những loại nhạc đó! Nghĩa là trái tim NĐQ lúc nào cũng thế, cũng rất trẻ trung, sôi nổi và luôn yêu đời, trong đời, chưa bao giờ muốn thoát đời..

Cũng trong 2005, tôi viết bài về một nhạc phẩm của NĐQ. Tiếc là tôi bị thất lạc bài đó. Chả hiểu web duca còn lưu lại không.

Nghe youtube ĐQAT phỏng vấn Quang, tôi mỉm cười. Rất ngang tàng khi Quang nói "Tôi thích thiên tả vì ..".

Tôi không biết du ca nhiều nhưng nói rằng NĐQ phản chiến tức thiên tả theo nghĩa thích cộng sản thì tôi nghĩ có lẽ không phải. Những con người sống động, thích họat động xã hội thì luôn như thế. Anh đã đóng góp nhiều và nhạc phẩm "Quê Hương Ngạo Nghễ" của anh là một hùng ca bất tử. Cho tuổi trẻ Việt Nam ngày xưa. Cho tuổi trrẻ Việt Nam ngày nay. Và cả cho tuổi trẻ Việt Nam ngày mai.

Ngủ yên, bình an nhé.

Anh, sẽ bất tử như Quê Hương ngạo nghễ..

Hoàng Lan Chi"

 

 

Tác giả Tâm Vô Lệ:

 

"Thần tượng Nguyễn Đức Quang của tôi

Văn phòng Thư Viện Việt Nam Toàn Cầu nằm rất gần với bệnh viện Fountain Valley, ngày nào tôi tự lái xe đến văn phòng cũng đều ghé bệnh viện. Thỉnh thoảng gặp người quen, thỉnh thoảng gặp người lạ. Quen hay lạ đều có cùng một sợi dây nối: Xem Trưởng Hướng Đạo, linh hồn Hưng Ca Nguyễn Đức Quang đã đỡ chưa.

Ngày nhận được tin đăng trên Diễn Đàn Chào Nhau Thân Ái của Thư Viện Toàn Cầu "Anh Quang đã ra đi", tôi sững người. Bỏ ngang việc, chạy vội xuống cầu thang, vừa lái xe vừa gọi cho Trưởng Sóc Lanh Lợi để xác định tin buồn này mà không ai trả lời. May, anh Quang vẫn còn năm trên giường bệnh; thế là về lại văn phòng, vui vô cớ. Cầm đàn ghi ta lên hát nghêu ngao "Ta như nước dâng dâng tràn có bao giờ tàn ..."

 

Hôm nay lái xe từ Reseda về lại Fountain Valley mới biết anh đã "lìa rừng" - cách nói của dân Hướng Đạo chúng tôi chỉ người quá vãng -. Ngồi trong xe hát lẩm bẩm "Người tình bỏ tôi đi, thiêu hủy lời kinh xưa ..." và nhớ đến Nguyễn Đức Quang.

3 giờ 30 chiều, ghé nhà hàng Emerald để webstreaming live lễ trao tặng Bắc Đẩu Huân Chuơng cho Trưởng Nguyễn Đức Quang, sau đó mang lên 300 trang nhà chuyên host về video. Đây là một hành động rất nhỏ để trân trọng tưởng nhớ thần tượng quê-hương-ngạo-nghễ của tôi.

Trưởng đã lìa rừng nhưng đời không lìa Trưởng.

 

Tâm Vô Lệ"

 

 

Và người sau cùng là nhạc sĩ Nguyễn Hữu Nghĩa:

 

"Nghĩ về anh, Nguyễn Đức Quang

 

Tôi nhỏ hơn Nguyễn Đức Quang 7 tuổi, gọi anh bằng "anh", xưng "em", từ khi tôi mới được 15. Tôi học ở Tây Ninh, cuối tuần về Sài Gòn sinh hoạt du ca. NĐQ từ Đà Lạt về, và ở luôn Sài Gòn, thỉnh thoảng mới về Đà Lạt thi cử ở trường Chính Trị Kinh Doanh và thăm gia đình. Hai anh em ngụ ở cái gác xép trong nhà để xe của anh Hoàng Ngọc Tuệ, số 114 đường Sương Nguyệt Anh.

Con đường này ngộ lắm. Đường nhỏ và ngắn, song song với đường Bùi Thị Xuân (có nhà anh Đỗ Ngọc Yến) và Hồng Thập Tự, nối hai đường Lê Văn Duyệt và Bùi Chu (có trụ sở Hướng Đạo Việt Nam). Cái ngộ nhất của đường này là phía bên Bùi Chu, bảng tên đường ghi là "Sương Nguyệt Ánh", trong khi phía bên Lê Văn Duyệt, bảng ghi "Sương Nguyệt Anh". Đâu mất tiêu cái dấu sắc, và kiểu chữ, cỡ chữ cũng khác, rõ ra là bảng được thực hiện vào hai lúc khác nhau, do hai người khác nhau.

Tôi thắc mắc hỏi anh Quang: "Anh hay Ánh?" Có lẽ đang bực điều gì đó, hoặc nghĩ rằng tôi còn con nít mà đã lẩm cà lẩm cẩm, nên anh lầm bầm đáp bừa: "Chả biết là con mụ nào!" Lát sau, anh trả lời nghiêm chỉnh: "Sương Nguyệt Ánh".

Cho đến ngày nay, rất nhiều người vẫn nghĩ như anh Quang. Ngay trong cuốn "Sài Gòn Vang Bóng" (2011) mà tôi đang lên trang giúp ông Hoàng Hải Thủy, cũng ghi là "Sương Nguyệt Ánh", mặc dù tác giả biết "con mụ nào đó" là con gái cụ Đồ Chiểu, và viết rằng (đại ý): Con gái ở đây mà ông bố (tức đường Nguyễn Đình Chiểu) ở tuốt bên Tân Định, làm sao mà đi thăm!

Nhân đây, cũng xin nói lại cho đúng: Sương Nguyệt Anh, không có dấu sắc, tên thật là Nguyễn Xuân Khuê, con gái thứ năm của Nguyễn Đình Chiểu, bút hiệu là "Nguyệt Anh", sau khi chồng mất, bà ghi thêm chữ "Sương" (goá phụ) vào trước bút hiệu. Sương Nguyệt Anh là bà chủ báo đầu tiên của Việt Nam, tờ "Nữ Giới Chung".

Đường Sương Nguyệt Anh rợp bóng mát của hai hàng cây rất cao rất to. Hỏi "cây gì?", có người bảo là cây sao, có người nói là cây dầu; sau tôi mới biết, "sao" hay "dầu" cũng vẫn là một cây, "sao" là chi, "dầu" là họ, tên khoa học của nó là Hopea Odorata. Mùa lá rụng, tôi thường thơ thẩn nhìn lá khô đuổi nhau bay lăng quăng trên mặt đường, nhìn quả khô "nhảy dù" xuống với hai nhánh quay tít như chong chóng. Nhưng, thích mắt nhất không phải là lá bay hay quả rụng, mà có lẽ là những tà áo trắng trường Nguyễn Bá Tòng bên đường Bùi Thị Xuân, tan lớp Chủ Nhật, chiều chiều  lượt về ngang…

Trở lại với anh Quang và gác xép nhà để xe ở đường Sương Nguyệt Anh.

Anh có một chiếc Veloz Solex làm chân. Khi anh về Đà Lạt hay đi đâu xa, tôi lấy xe anh đi chơi khắp Sài Gòn, Chợ Lớn,.. cho tới khi hết xăng thì kéo cần máy lên, biến thành xe đạp, è ạch đạp về. Ít khi tôi có đủ tiền để đổ xăng. Sau đó anh Quang lại phải è ạch đạp xe ra đường Lê Văn Duyệt mua xăng, khi anh cần tới nó. Anh không rầy rà gì cả, chỉ ghim một tờ tiền vào mảnh giấy, để lên chiếc bàn nhỏ: "Chỉ được dùng để đổ xăng!" Từ đó không ai phải tháo mồ hôi ra đạp xe nữa.

Anh Quang chỉ có một cậu em – Vinh, ở Đà Lạt. Anh có rất nhiều bạn và rất nhiều đàn em, nhưng có lẽ thân với tôi hơn cả, vì ở chung "nhà". Tôi dùng xe anh, thỉnh thoảng mặc áo của anh, xài tiền anh cho và … đọc trộm nhật ký của anh (nói ra thì mắc cỡ với mọi người, nhưng không nói ra, tôi mắc cỡ với chính tôi!). Nhật ký anh để ngay trên bàn, và ít khi gấp lại; khi cần bàn viết, tôi lại "phải" giở ra đọc. Đọc đi đọc lại, đọc tới đọc lui, thuộc lòng còn hơn thuộc Kiều. Tất nhiên là tôi không bao giờ tiết lộ những điều anh Quang viết; tôi chỉ có thể nói rằng văn chương của anh trong sáng, lạc quan, yêu đời, kể cả những lúc anh buồn, giống như thơ tình Nhất Tuấn mà anh rất thích.

Cũng năm 15 tuổi, tôi bắt đầu viết ca khúc, và anh Quang là người sửa cho tôi những bài đầu tiên: Một Ngày Công Tác, Lời Một Ánh Lửa,.. Anh sửa tài ở chỗ là giúp cho bài hát hay hơn mà không làm mất bản sắc của nó. Có lần tôi thử đưa cùng một bài cho hai người sửa, bài Cờ Dân Chủ, phổ thơ Quách Thoại. Kết quả, bài anh Quang sửa hay hơn bài do Phạm Duy cải biên. Tôi giữ cả hai bài, khi thì trình diễn bài này, khi thì sinh hoạt bằng bài kia; nhiều người cũng bảo tôi, bài do anh Quang sửa "hay hơn."Đến lúc vượt biên, tôi mất cả hai bài. Anh Quang cũng vượt biên, bài của anh cũng mất, cứ gì bài của tôi. Có lúc đến chơi nhà Phạm Duy khi ông chưa về Việt Nam, hỏi, ông bảo "Còn giữ chứ, để anh tìm xem"; nhưng sau đó không thấy ông nói gì nữa.

Ít ai biết NĐQ làm thơ. Tôi biết. Tôi phổ bài "Em Đã Đến" của anh thành ca khúc. Nhiều người hỏi anh Quang: "Em nào vậy?" Anh cười cười, nói lảng. Hỏi tôi, tôi lặp lại câu nói mà anh từng lầm bầm về cái tên đường: "Chả biết con mụ nào!"

Bóng hồng cai trị đời anh là chị Minh Thông, bạn cùng lớp và cùng nhóm với anh ở Chính Trị Kinh Doanh Đà Lạt. Anh Quang sinh hoạt thanh niên thì hăng hái nhưng học thì lười … gần bằng tôi. Bài làm tập thể, có chị Minh Thông lo. Đi thi thì, như anh kể, có "thằng" Nguyễn Đức Quang khác "học khiếp lắm" ngồi bên cạnh gà bài. Đúng là thân cư thê và cung nô bộc, bằng hữu toàn sao sáng tụ hội! Rồi anh và chị Minh Thông cùng tốt nghiệp. Tôi chúc mừng anh, dò dẫm: "Đậu là quý rồi, cầm đèn đỏ thì đã sao!" Anh chống chế: "Đâu có tệ thế! Ít nhất cũng trên dăm ba người chứ!"

Chị Minh Thông được sở làm gửi đi Phi Luật Tân tu nghiệp một năm. Năm đó, chúng tôi sống rất kỷ luật theo đúng chương trình chị đã soạn sẵn cho 365 ngày: Ngày nào, giờ nào làm việc gì, ăn cơm ở đâu, cuối tuần xem xi nê rạp nào, v.v. và và v.v. Hai anh em rất thuộc bài. Tới giờ, nhìn nhau hô lên một lượt: "Cơm tấm Trần Cao Vân!" hay "Xi nê Vĩnh Lợi!". Thế là phóng lên xe, cứ thế mà đi, khỏi phải nghĩ ngợi, sắp xếp làm chi cho lôi thôi mệt óc!..

Anh Quang nhập ngũ trước, làm quản ca trong đại đội SVSQ, và trưởng ban Văn nghệ của tiểu đoàn, ra trường về Cục Chiến Tranh Chính Trị. Tôi nhập ngũ sau, cũng làm quản ca trong đại đội SVSQ, và trưởng ban văn nghệ tiểu đoàn, về tác chiến ở Kiến Hoà, chờ giấy tờ gọi về làm Ty Dân Vận như Vũ Thành An, Đỗ Việt Anh. Chưa về đâu cả thì tới ngày miền Nam sụp đổ, tôi từ chiến trường về Sài Gòn, trốn cho tới ngày xuống thuyền, mang bà ngoại và vợ con vượt biên…

Cái nhà xe của anh Tuệ, ngoài anh Quang và tôi, đôi khi có thêm các anh Trần Trọng Thức (sĩ quan Hải Quân, ký giả Việt Tấn Xã, sau này có lúc là chồng của kịch sĩ Kim Cương), Trương Lộc (ký giả, sau 1975 tôi mới biết là cán bộ nội thành) ngụ ở tầng dưới. Khách khứa thì lu bù, toàn là chính khách và ký giả, ở nhà trên là khách của anh Tuệ, sau nhà xe, là khách của anh Thức. Anh Quang ít giao du với khách của anh Thức, nhưng qua lại thân mật với khách của anh Tuệ. Anh Thức gọi anh Quang là Nguyễn Đứt Cu. Có gì đâu, chữ Q, người miền Nam đọc là "cu" để khỏi phải chúm môi chúm miệng chi cho vất vả, còn /đức/ hay /đứt/, Trung và Nam kỳ phát âm như nhau!

Cũng ở cái nhà xe, Trịnh Công Sơn và Tôn Thất Lập thỉnh thoảng tới chơi, rủ rê tôi làm nhạc cách mạng, nhưng thấy không hợp, tôi không làm. Khác với cách tôi xưng hô "anh, em" với NĐQ, không hiểu sao tôi không xưng "em" với TCS và TTL, dù tuổi tác của hai người này lớn hơn anh Quang 5, 6 tuổi. Họ gọi tôi bằng tên, xưng tên hay xưng "mình", và bảo tôi cũng xưng hô như vậy. Có lần Tôn Thất Lập khoe với tôi một bài hát anh mới viết xong, đã chép lại tử tế; nhưng không phải khoe bài hát, mà khoe thứ mực đen anh dùng, màu mực đen nhánh, khi khô thì nổi lên, và đặc biệt, không bao giờ lấm lem. Để chứng minh, anh dấp nước bọt lên đầu ngón tay, bôi lên mực cho xem. Quả thực không lem, không nhoè! Tôi khen mực tốt, nhưng đùa: "Ai lại đi phun nước bọt lên tác phẩm của mình như thế!" Anh Quang quay mặt chỗ khác, phì cười…

Nhà trên của anh Tuệ chỉ có hai phòng, một phòng cho anh và một phòng cho hai người: Em gái và cháu gái của anh. Khi hai cô xuất giá, phòng trống; và anh Quang đã nhập ngũ, anh Tuệ lấy lại nhà xe để cất xe, gọi tôi lên ở trong khuê phòng trước đây của hai cô. Khi tới phiên anh Tuệ cưới vợ, tôi dọn về căn gác của anh chị Ngô Mạnh Thu, cùng ngụ với nhạc sĩ Giang Châu, một bạn thân của anh Thu, cho tới ngày tôi nhập ngũ.

Từ khi NĐQ vào lính, ít khi tôi gặp lại anh. Từ khi tôi vào quân trường, rồi ra chiến trường, chẳng bao giờ tôi gặp lại anh. Cho tới sau 1975, anh đi tù Cộng Sản, rồi ra tù, anh em mới bàng hoàng gặp lại nhau. Anh Quang và anh Tuệ mua xe đò, chở khách kiếm sống. Tất cả chúng tôi đều tìm đường vượt biên, nhưng mỗi người một lối. Anh Quang mang tặng tôi cây tây-ban-cầm 12 giây mà anh thích và anh biết thuở nhỏ tôi cũng thích. Tôi hiểu là anh sắp đi, và chúc anh may mắn. Rồi tới phiên tôi, mua giấy tờ người Hoa, mang cả nhà xuống Cà mau nằm chờ, qua nhiều sự lôi thôi, cuối cùng rồi cũng ra khơi, sang tới đảo Bidong. Tôi gặp lại gia đình anh Quang, chị Thông cùng các cháu Tường và Nhiên, ở đó. Anh được nhận sang Mỹ. Gia đình tôi đi Gia Nã Đại. Lại một lần nữa chia tay.

Khi biết tin anh Quang bị lao phổi cấp tính, tôi và Nguyên Hương đến thăm, nhân dịp đi California. Rồi anh khỏi. Sau đó, trong một lần cùng Hưng Ca sinh hoạt 30 tháng 4 ở Sacramento, ngụ ở nhà bạn du ca Hoàng Gia Hùng, tôi gặp lại anh Quang. Đó là lần cuối cùng tôi gặp lại anh.

Tôi thấy anh khoẻ mạnh, nhiệt tình dù hơi mệt mỏi về tinh thần, nhưng không có dấu hiệu gì sẽ lìa nhau ở tuổi 68, dù trước đó, những người bạn du ca của anh, và là bạn bè hay đàn anh của tôi, như Giang Châu, Lê Đình Điểu, Trần Đại Lộc, Trần Đình Quân, Lý Văn Chương, Trầm Tử Thiêng, Ngô Mạnh Thu,.. đã ra đi khá sớm, chưa ai tới tuổi 70, thậm chí, phần lớn chưa tới 60!

Viết về anh, chỉ bấy nhiêu, nhưng lòng tôi ở với anh. Đường đời muôn vạn nẻo, nhưng chỉ có một nẻo để chúng tôi, chúng ta, mọi người, gặp lại nhau. Hẹn gặp lại anh, anh Quang!

Nguyễn Hữu Nghĩa"

 

 

Nhà thơ Cát Biển, một thành viên trong hệ thống liên diễn đàn, anh là đồng sáng lập diễn đàn Tin Văn Nghệ Sĩ cho bài kỷ niệm và mô tả cá t1ình niềm nở vui vẽ của nhạc sĩ Nhạc sĩ Nguyễn Đức Quang trong tâm khảm của anh. Nhận xét của nhà thơ Cát Biển đổng thuận với nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng, trên cao của mọi lãnh vực mà anh Nguyễn Đức Quang họat động thì nhân cách của anh hay phong cách giao tế, xử sự của anh là nổi bật hôn cả:

 

"Nụ Cười Nguyễn Đức Quang

 

Năm 1985 một cơ duyên bất ngờ đã tạo cơ hội cho tôi biết đến anh Nguyễn Đức Quang, mà mãi sau này khi biết anh là tác giả bài hát Việt Nam Quê Hương Ngạo Nghễ tôi mới thấy bất ngờ và càng quý anh hơn. Trong tôi anh luôn có hình ảnh của một nụ cười. Dù là thời mà anh làm Giám Đốc Công Ty Người Việt khoảng 1985, được yêu quý là nỗi danh, hay thời anh mới trở ra làm tờ báo mới có tên Viễn Đông tại 1 góc nhỏ đường Bolsa gần đường Beach, trước khi dọn về đường Moran, cuộc đời trầm bổng vẫn cho anh một nụ cười thân tình với bè bạn. Anh quả là có tài giao tiếp, có lẻ bẩm sanh từ tánh sinh hoạt quay quần cùng bao nhiêu bè ban.

 

Năm 1985 lúc báo Người Việt trên đà phát triển, văn phòng đường Moran lúc nào cũng nhộn nhịp với bao nhiêu con người, không, phải nói là bao nhiêu "quả tim" và "ước mơ" mới đúng. Các anh chị cùng lứa sồn sồn đầy hi sinh cùng cặm cụi hằng ngày chăm bón cho mảnh vườn truyền thông Người Việt càng lúc càng đơm hoa. Hai nhân vật chính yếu biểu tượng linh hồn báo Người Việt lúc ấy chính là Nguyễn Đức Quang và Đỗ Ngọc Yến, người thứ ba là anh Lê Đình Điểu nhưng phải nói mọi việc quán xuyến đều do anh Nguyễn Đức Quang cả.

 

Dạo đó báo Người Việt hợp tác với chú Lương Văn Tỷ để làm chương trình Truyền Hình Việt Nam, và nhóm 4 người xướng ngôn viên chúng tôi gồm tôi (Quảng Linh), Thùy Hương, Kim Lan và Vũ Chung cùng tụ tập thu hình vào mỗi chiều Thứ Tư kéo dài đến khuya. Anh Trầm Tử Thiêng vừa sang Hoa Kỳ đảm nhận quán xuyến soạn thảo phối hợp chương trình này với chú Lương Văn Tỷ lo về kỹ thuật. Các nhạc sĩ Trần Đình Quân, Lý Văn Chương, Nguyễn Thiện Cơ vẫn thường xuyên ghé qua thăm chúng tôi. Thời gian đó thật vui, bên Người Việt luôn có các dịp sinh hoạt lễ lộc và cứ liên tục đón tiếp các nhân tố thành viên du ca từ VN sang Mỹ định cư, trở thành đại gia đình Người Việt cả. Mọi người đều hi sinh không quản khó khăn.

 

Có những tháng đầu tiền lương hơi chậm, anh Nguyễn Đức Quang xuất hiện với những nụ cười chịu đựng, chúng tôi vui trong công việc nên cũng không hỏi, cho đến ngày nhận được cái check đầu tiên mới biết lương của mình là bào nhiêu. Các dịp Tết, công ty Người Việt luôn có khoản "lương đặc biệt" để cùng chia sẻ tình thâm. Chúng tôi có những tiệc vui riêng với nhóm truyền hình, và cũng có tổ chức mấy lần tại tư gia anh chị Nguyễn Đức Quang. Các bản nhạc mới nhất của anh Trầm Tử Thiêng vừa sáng tác chúng tôi đều được nghe đầu tiên.

 

Ngày anh Nguyễn Đức Quanh rời công ty Người Việt chúng tôi nhận tin như một cú sốc.

 

Bẵng đi mấy năm sau mới gặp lại anh ở tòa soạn nhỏ lúc anh mới ra lò tờ báo Viễn Đông. Dù cuộc đời đưa anh lên cao hay hất anh xuống vực Nguyễn Đức Quang vẫn có một nụ cười thân tình khiến mọi người quý mến. Trời cho anh khả năng giao tế mà tôi cho là nổi bật hơn mọi tài năng khác của anh.

 

Nguyễn Đức Quang trong xã hội là một nhạc sĩ tài danh từng sánh vai cùng các nhạc sĩ nỗi tiếng khác nhưng trong lòng tôi và những người thương anh quý anh, thì anh là một con người bản lảnh, giàu tình bạn, đầy phấn đấu, ngang nhiên ngạo nghễ đi giữa luân hồi.

 

Trong thân tình xin gửi về anh vài hàng cảm tạ sự hiện hữu của anh trong cõi đời này.

 

Cát Biển

http://catbien1.blogspot.com/

(29-03-2011)"

 

Tác giả Trần Trọng Nhân là sáng lập viên của Diễn Ðàn Huyết-Hoa và đồng sáng lập viên những diễn đàn khác trong hệ thống liên kết diễn đàn, anh góp ý kiến về bài ca "Quê Hương Việt Nam Ngạo Nghễ":

 

"" Còn Việt Nam...triệu con tim là còn triệu khối kiêu hùng" ...

những lời ca đó: đã, đang vang lên trên Quê Hương Việt Nam và Hải Ngoại trong năm thập niên qua và sẽ còn lưu mãi đời đời  trong lịch sử Nhạc Ðấu Tranh của Dân Tộc Việt.

Nguyễn Ðức Quang: anh đã ra đi rồi... " Chết đi là một việc dễ dàng hơn là đã chết ở nơi tự mình một lần rồi sống lại với thai cốt mới". Nguyễn Ðức Quang đã ra đi...nhưng Nguyễn Ðức Quang vẫn sống mãi mãi nơi lòng mọi người Dân Việt trong  "Việt Nam Quê Hương Ngạo Nghễ"

 

Chân thành chia buồn cùng Gia-Ðình Nhạc-Sĩ Nguyễn Ðức Quang.

 

Trần Trọng Nhân"

 

 

Anh Bùi Thạc, thành viên của diễn đàn Không Quân Việt Nam đồng ý với ý kiến của anh Trần Trọng Nhân: "Còn Việt Nam...triệu con tim là còn triệu khối kiêu hùng. Xin thành kính phân ưu cùng tang quyến.

 

Bùi Thạc và Trần Văn Ngọc, diễn đàn Không Quân Việt Nam"

 

 

Nhà văn, nhạc sĩ Hà Thúc Sinh viết về nhạc sĩ Nguyễn Đức Quang:

 

"... Năm 1995, mấy ông trong Hội Người Việt và nhạc sĩ Nguyễn Đức Quang có tổ chức đêm 30 năm hát cộng đồng có mời Hà Thúc Sinh hát, mong gặp Phan Ni Tấn mà không thấy. Quang viết vài dòng về mình và mình thấy... bâng khuâng.

Dù sao bài Việt Nam Quê Hương Ngạo Nghễ sẽ là một trong hnững sáng tác phẩm sống mãi.

Đời nghệ sĩ thế là tạm yên tâm đi rồi, đúng chứ?

 

Hà Thúc Sinh"

 

Nhạc sĩ du ca Phan Ni Tấn, một người bạn nhạc của du ca trưởng Nguyễn Đức Quang viết những về sinh hoạt hướng đạo cùng với ba than hữu gửi dòng tiễn đưa người huynh trưởng, đính kèm lời của 2 bài nhạc kỷ niệm của anh Nguyễn Đức Quang

 

"Tin nhạc sĩ Nguyễn Đức Quang, con chim đầu đàn của Ban Trầm Ca và Phong Trào Du Ca Việt Nam vừa tạ thế vào ngày 27-03-2010 tại Nam California, với tôi là môt nỗi bàng hoàng, sửng sốt, đây là một mất mát lớn trong cộng đồng.  anh là một thành viên lâu đời của Phong Trào Du Ca, và tôi có rất nhiều kỷ niệm sinh hoạt vui buồn với anh từ hồi trong nước ra đến ngoài nước. Tôi đang viết một bài về anh. Còn bây giờ tôi thành thật chia buồn cùng gia đình nhạc sĩ Nguyễn Đức Quang và cầu xin Thượng Đế thương xót anh khi về nước Chúa.

 

Trưởng Nguyễn Đức Quang lìa rừng vào lúc 4 giờ sáng Chủ Nhật ngày 27 Tây tháng Ba năm 2011 tại bệnh viện Fountain Valley, Nam California, Hoa Kỳ. Ban Thường Vụ Hội Đồng Trung Ương Hướng Đạo Việt Nam đã tổ chức nghi thức Trao Bắc Đẩu Huân Chương đến nhạc sĩ Nguyễn Đức Quang tại buổi sinh hoạt văn nghệ "Chiều Nhạc Du Ca Nguyễn Đức Quang" tổ chức vào lúc 3 giờ 30 chiều Chúa Nhật 27 tháng 3 năm 2011 tại Emerald Bay Restaurant.

 

Đây là môt nghi thức được phối hợp của Ban Tổ Chức "Chiều Nhạc Du Ca Nguyễn Đức Quang và quý Trưởng thuộc HĐTƯ-HĐVN tại Nam California. Bắc Đẩu Huân Chương là huy chương cao quý nhất của phong trào Hướng Đạo Việt Nam được trao tặng cho quý Trưởng Hướng Đạo có công gìn giữ và xây dựng một phương pháp giáo dục thanh thiếu niên do Huân Tước Baden Powell thành lập từ năm 1907 tại Anh Quốc. Quý Trưởng nhận được Bắc Đẩu Huân Chương có những thành tích phục vụ tha nhân và luôn đeo đuổi lý tưởng Hướng Đạo. Quý Trưởng này còn là những nhân tố góp phần trực tiếp vào công cuộc gầy dựng các thế hệ thanh niên Việt Nam nối tiếp nhau dấn thân vào các công xã hội từ trong nước cho đến sau này tại hải ngoại.

 

Nhạc Sĩ Nguyễn Đức Quang gia nhập Hướng Đạo năm 1956, thuộc Đội Voi, Thiếu Đoàn Lê Lợi, Đạo Lâm Viên, là đội sinh của Trưởng Hoàng Kim Châu. Trưởng Hoàng Kim Châu hiện đang sinh hoạt với Liên Đoàn Đất Việt và Tráng Đoàn Nguyễn Trải Hướng Đạo tại Houston Texas. Sau này Trưởng Nguyễn Đức Quang thay Trưởng Châu và trở thành Đội Trưởng Đội Voi.

 

 

Chúng tôi, các bạn hữu: Cao Thọai Châu, Nguyễn Thanh Trí, Diệp Mỹ Linh và Phan Ni Tấn xin đồng thành kính phân ưu.

 

- Đính kèm hai nhạc phẩm của Nguyễn Đức Quang

 

Chiều Qua Tuy Hòa

 

Ngày xưa tôi đã đi qua Tuy Hòa

Trời xanh le lói bao mộng mơ

Đàn chim tung cánh bay bay đầu gió

 đâu đây tiếng sông bồi phù sa

Ôi, những chiều mây vắt ngang lưng đèo

Vọng Phu đưa mắt cũng buồn theo!

 

Chiều nay lơ lững tôi ngang Tuy Hòa

Ngồi đây nhưng thấy như còn xa

Trường xưa hoang vắng, hiu hiu bên ruộng lúa

Một con chim én nô đùa ngoài kia

Ôi, bước dài ngao ngán bên nương buồn

Nhìn quanh trơ đứng bao đồng nương!

 

Rồi khi tia nắng phía non Tây tàn

(Thì) Người đây như cũng như dần tan

Nhịp đêm tiếng súng đong đưa ngoài ngõ

Người qua song chắn hé nhìn trời xa

Ôi đỉnh trời lấp lánh trong đêm dài

() mình tu chưa chín nên nào hay!

 

Đường đi đưa tới phía Nam nhưng lòng

triền miên ray rứt theo miền Trung

Cầu xưa xơ xác sau cơn bão tố

(còn) người dân tan tác bên đường ngẩn ngơ

Ôi, bước buồn theo mãi không gian buồn

Một đêm qua biết bao sầu thương!

 

 

BÀI DU CA CUỐI CÙNG

 

Tôi đến từ núi lạ

Hát mấy lời tăm tối

Mang dấu buồn trên dòng cuồng lưu

Trong suốt cuộc sinh tồn

Anh có đợi lời tôi

Dù úa tàn mấy ngọn trầm hương

Tôi buồn cuối ngày khiêng lời anh nằm hấp hối

Qua vùng đất xưa du hồn bay về chốn bụi

Quê hương bây giờ chắc cũng buồn vì một tiếng ca

Thầm nuôi lại trái tim ngậm những lời mệt mỏi

Này người du ca muôn thuở

Anh có nghe gì không

Quê hương đang lắng nghe

Và đồng bào đang lắng nghe

Người ta nghe văng vẳng ở khắp nơi trên mặt đất đầy đau khổ này

Những người du ca đang hát bản du ca cuối cùng như một lời cầu nguyện

Tôi đã thấy những tấm lòng nhân ái băng bó vết thương cho tiếng hát 

Tôi đã thấy những bàn tay cứu rỗi cho cây đàn vang vọng

Tôi biết người tìm về phía hư vô

Nghiêng câu hát buồn như viên gạch cũ

Theo đoàn người chậm bước qua con phố

Dàn kèn đồng nghẹn những khúc  âm ma

Tôi muốn hát cho cây cỏ nghe

Những chữ viết bằng âm đầu tình tự

Còn sót trên tường vôi một thời quá khứ

Những bàn chân trôi giạt vào cuộc lữ

Cũng dừng bên quán nhớ bùi ngùi

Tôi có những niềm vui nằm trong tủ sách

Những niềm vui âm ỉ đời người

Và những vẻ đẹp của những nét đớn đau đốt cháy mọi tiếng cười

Tôi có những niềm vui treo ngoài lồng ngực

Nép mình sau những rặng trường xuân

Sau cánh cửa cuối cùng lòng anh vừa khép lại

 

 

Ôi cuộc đời

Ôi nhân loại

Để đắp đổi đợi chờ từ năm tháng

Ới tôi là kẻ bổng mừng

Vói tay gỡ anh ra xa khuất mái ưu phiền

 

 

Buổi sáng ở Sài Gòn

Mặt trời không còn đẹp nữa

Chốn quê người gió tháng ba vẫn còn thổi lạnh.

 

PHAN NI TẤN

03/2011"

 

Anh Bùi Bảo Sơn từ bên Canada chuyển bài viết của bào huynh là nhà báo Bùi Bảo Trúc viết bài tiễn đưa nhạc sĩ Nguyễn Đức Quang, sự so sánh tương phạn giữa hai nhạc sĩ cùng thời, Trịnh Công Sơn và Nguyễn Đức Quang, họ sáng tác nhạc, nhất là khi đặt lời nhạc, hai ý hướng khác nhau. Xin xem bài dưới đây:

 

"Có thể nói chắc rằng ở Việt Nam, không có một thế hệ nào kém may mắn bằng thế hệ của những người ra đời trong những năm cuối của thập niên 30 bắt sang đầu thập niên 50.

 

Thế hệ này vừa ra đời thì đã phải chạm mặt ngay với hai cuộc chiến lên tiếp ở Đông Dương của những năm 50 , rồi những năm 60 và 70. Họ lớn lên, để tử trận nhiều nhất, góa bụa nhiều nhất và mồ côi nhiều nhất.

 

Mồ côi trong cuộc chiến Đông Dương thứ nhất. Tử trận và góa bụa trong cuộc chiến Đông Dương thứ hai.

 

Trong đời sống với cái chết cận kề rình rập như lúc nào cũng sẵn sàng ghé vào thăm, người ta vẫn cần, hay có thể nói là rất cần đến âm nhạc. Âm nhạc để vỗ về, an ủi, để khóc, để đau đớn cho những bất hạnh của thế hệ.

 

Kháng chiến có âm nhạc của kháng chiến trên những chiếc banjo, những chiếc mandoline, những Hạ Uy cầm, Tây Ban cầm trên vai của những thanh niên thành phố lên đường đổ máu cho quê hương với những bản nhạc của Hoàng Quý, Việt Lang, Văn Cao, Hoàng Giác, Tử Phác … quay quay thương nhớ quyến vào tơ, quay quay may áo rét dâng chàng… Những ca khúc hết sức lãng mạn của thành thị từ chàng ra đi lưng khoác chiến y, mà lòng vương bóng quốc kỳ… Ai qua miền quê binh khói, nhắn giúp rằng nơi xa xôi … lờ lững đôi chim giang hồ bay.. dưới ánh trăng mơ màng, ngồi kề bên nhau nối tơ lòng, của Ngọc Bích, Nguyễn Thiện Tơ , Đào Thừa Liệt ...

 

Cuộc chiến Đông Dương thứ nhất kết thúc với cảnh đất nước bị chia cắt. Thanh bình tạm bợ ở với chúng ta vài ba năm thì lại một trận đao binh khác ập tới. Những khúc ca thanh bình của Lam Phương, Phạm Đình Chương, Văn Phụng, Nguyễn Văn Khánh … bỗng thấy không còn hợp thời nữa. Thơ lãng mạn tiền chiến trở thành vô nghĩa, ngượng nghịu trên môi người đọc Lưu Trọng Lư, Huy Cận, Thế Lữ, Xuân Diệu.. .

 

Tuổi trẻ Việt Nam lúc ấy thỉnh thoảng lắm mới tìm được một hai bài hát cho họ.

 

Một buổi sáng mùa đông, một đứa bé ra đồng, đạp trái mìn nổ chậm, chết không còn đôi chân…. Về đây nghe em, về đây nghe em, mặc áo the đi guốc mộc, kể chuyện tình bằng lời ca dao …

 

Họ hát để quên đi những ca khúc đầy bi thảm, chết chóc : trực thăng sơn mầu tang trắng, em ngại ngùng dạo phố mùa xuân , viên đạn đồng đen, em sang ngang cho làm kỷ niệm…

 

Không có mặt ở Việt Nam mấy năm, đến lúc về nước, thì tôi đã thấy có một phong trào nhạc đang lớn mạnh.

 

Đó là phong trào Du Ca. Du là đi đây đó. Du ca là vác đàn đi hát ở đây đó. Đây đó là những buổi lửa trại, là sân trường đại học, ở trường Văn Khoa đường Nguyễn Trung Trực, ở đại học Đà Lạt, ở trụ sở sinh viên đại học quốc tế đường Duy Tân, Hồng Thập Tự.

 

Nhạc khí là những chiếc ghi ta với những accord giản dị. Và giọng hát là những tiếng hát bằng tâm tình, bằng lòng thành, bằng tất cả tấm lòng cho cái quê hương có một thời ngạo nghễ ấy, cho giống dân mà gọi là vua đấu tranh… .

 

Ở một quán nước trên đường Tự Do, tôi gặp hai người, hai tác giả có những ca khúc đặt cạnh nhau chỉ để nói lên những tương phản, nhưng lại cũng nói lên được những ưu tư, những quan tâm, khắc khoải của cái hế hệ bất hạnh ấy.

 

Trịnh Công Sơn và Nguyễn Đức Quang.

 

Trịnh Công Sơn đụng vào nhiều khía cạnh hơn Nguyễn Đức Quang. Những viên thuốc an thần của Trịnh Công Sơn được gửi đến người nghe, đồng thời vẽ ra một đất nước tan hoang với người yêu chết trận Pleime, đại bác ru đêm, đàn bò ngu ngơ vào thành phố, ngươi con gái Việt Nam da vàng đi trong đêm đầy tiếng súng...

 

Nguyễn Đức Quang viết những ca khúc khác hẳn của Trịnh Công Sơn.

 

TCS viết "em chưa hát ca dao một lần, em chỉ có con tim căm hờn."

 

Nguyễn Đức Quang viết những ca khúc như thế này: "Đường Việt Nam ôi vô tận đường ngang tàng ngoài biển Nam giữa Trường Sơn. Đường ngày qua đầy vết kinh hoàng mỗi xóm làng một dở dang…"

 

"Từ Nam Quan Cà Mau từ non cao rừng sâu. Gặp nhau do non nước xây cầu. Người thanh niên Việt Nam quay về với xóm làng .Tiếng reo vui rộn ràng trong lòng. Gặp nhau do non nước xây cầu… Cùng đi lay Trường Sơn. Cùng đi xoay Hoành Sơn …"

 

Hay: "Ta như nước dâng dâng tràn có bao giờ tàn. Đường dài ngút ngàn chỉ một trận cười vang vang. Lê sau bàn chân gông xiềng một thời xa xăm. Đôi mắt ta rực sáng theonhịp xích kêu loàng xoàng."

 

Rồi lại: Ta còn những người ngồi quanh đây trán in vết nhăn. Đêm nằm nghe lòng quặn sôi lên giữa cơn chiến tranh. Ôi cùng đau thương cùng hoang mang giữa khi khó khăn. Xin chọn nơi này làm quê hương….

 

Nguyễn Đức Quang như thế đấy. Không đứng ngoài để đi hành quân làm lính cậu như Nguyễn Bắc Sơn… Không một lời thù hận bên này hay bên kiaNguyễn Đức Quang là tiếng hét nhân bản, là lời réo gọi của nguyên một thế hệ sắp bị mất đi những giá trị của một xã hội đang bốc cháy.

 

Nguyễn Đức Quang không phòng trà não ruột, không tình ái bi thảm, không chính trị một chiều, không thù hận đằng đằng.

Nguyễn Đúc Quang đến với người nghe và nhất là những người hát nhạc của ông bằng tất cả chân tình của một thanh niên Việt.

 

Sự quyến  của Nguyễn Đức Quang là ở đó.

 

Mấy chục năm đã qua, nhưng Nguyễn Đức Quang không bao giờ rời xa hẳn chúng ta. Vẫn còn có những buổi sáng, hai ba câu hát của chàng vẫn tiếp tục ám ảnh chúng ta.

 

Và như thế, có nói là thế hệ này đã tìm được người phát ngôn thì cũng không sai. Nguyễn Đức Quang nói hộ chúng ta biết bao nhiêu điều chúng ta loay hoay nói không được và có nói cũng không hết.

 

Nguyễn Đức Quang qua đời sáng hôm Chủ Nhật nhưng ông vẫn sống tiếp bằng âm nhạc của ông, chừng nào mà quê hương Việt Nam còn ngạo nghễ, chừng nào mà còn những người đi trên những nẻo đuờng Việt Nam, chấp nhận đó là quê hương.

 

Nguyễn Đức Quang, ông đang nằm đó. Nhưng chúng tôi biết ông đang nghe chúng tôi. Ông sẽ còn nghe mãi những bản nhạc ông viết cho thế hệ này. Chúc ông thanh thản về cõi vĩnh hằng.

 

Vĩnh biệt Quang.

 

Bùi Bảo Trúc

27/3/2011"

 

 

Tác giả sau cùng là nhạc sĩ Nguyễn Quyết Thắng cho bài viết thật cảm động, nhạc sĩ Nguyễn Đức Quang có những dự tính, những ước mơ, những chương trình cuối đời, nay dang dở, mơ ước không trọn vẹn... những lời tâm sự cùng con chim đầu đàn du ca: Nguyễn Đức Quang:

 

 

"Anh Nguyễn Đức Quang qúi mến,

 

Không có một điều gì đau buồn hơn là phải nói lời vĩnh biệt nhau , chỉ mới vài tháng trước đây mình chỉ nói lời chia tay và hẹn sẽ gặp lại thôi mà, suốt hơn 4 tuần lễ ngày và đêm bên nhau, em đã được nghe anh nói , nghe anh hát, nghe những lời tâm sự thật thầm kín thật qúi báu mà dường như anh chưa thổ lộ với ai, mình đã hứa với nhau những điều phải làm, và anh đã hứa với em những công việc sẽ phải thực hiện trong năm nay, giờ anh nằm thờ ơ, lặng lẽ, làm bộ quên…

Anh Quang kính, ngày xưa biết anh qua tiếng hát trên đài phát thanh, với những bản nhạc " Anh Em Tôi - Đường Việt Nam-Việt Nam Quê Hương Ngạo Nghễ" của những năm 1965, với 16 tuổi đời em chẳng biết yêu nước là gì ? thế nhưng em đã theo anh từ đó . Lần đầu tiên từ chốn xa trở về , được nhìn và nghe anh hát từ một góc nhá nhem tối bài " Nỗi buồn nhược tiểu " lòng em đã trùng xuống bởi tiếng kêu gào thống thiết của  tình yêu-thân phận và quê hương mãi mãi vẫn đen tối không lối thoát :

" Tôi chót sinh ra làm dân nhược tiểu , nỗi nhọc nhằn trĩu nặng đôi vai"

" Tôi chót sinh vào nước chia cắt – tình anh em máu chẩy thành dòng"

"Ơ hay Thượng Đế có buồn chứng dám dùm những linh hồn "

"Người dân tôi nhìn tương lai nước mắt tuôn tràn đầy "

 

bất chợt nước mắt tự đâu rơi xuống , em đã cảm thông với anh .. Và  45 năm sau , được nhìn và nghe anh hát lần cuối cùng " Trên Đồi Arlington " cũng vẫn mãi  tấm lòng quặn hiu đó, vẫn hơi thở thống khổ  và trái tim vỡ nát đó, lòng em đã được mở ra  với tiếng gọi tình người  trong con người :

 

"   Này bạn, cùng chiến đấu,

cùng gục ngã viên đạn ngược đường bay

Về đây, cùng tới đây, chia nhau nghĩa trang này

không lời hờn oán đắng cay

Bắc Nam cùng mạch sống!

Thắng thua đều anh hùng !

Bốn mùa hoa nở rộ, dưới mộ đài hùng tráng

chung dòng "Tổ Quốc Ghi Công"

Xin giới thiệu hồn này từ cầu Đồng Hới,

hồn kia cuối Trường Sơn

Đồng lúa xanh, có lắm anh đi nhẹ nhàng,

 người thịt nát xương tan

Nay mộ phần, rào quanh bằng oán thù,

một lần thành thiên thu,

sống hay là đã chết đều mất lối bơ vơ.

……

Triệu linh hồn oan khuất-

Chiều nay xa quê nhà

Còn chỗ không người lính gác,

chúng tôi về đây nằm,

trên đồi Arlington

 

Và bây giờ, anh đã thực sự về nằm nơi đây, nơi xứ lạ quê người này , không mang theo "lời chê, tiếng khen, không mang theo hờn oán đắng cay " anh đã để lại nguyên khối óc cho bằng hữu của anh, anh đã để lại nguyên con tim cho người yêu của anh , và hơi thở nhọc nhằn cho người dân Việt của anh. Anh đã để lại những hịch truyền qua những tác phẩm anh viết , về nhân tính anh đã  nói ,em đã học được của anh về tình yêu nhân loại như : "Từ Nay Gánh Vác", tình yêu đằm thắm " Chiều Qua Tuy Hòa ", tình yêu rực lửa " Về Đồi Hoang ", tình yêu dại khờ " Vì Tôi Là Linh Mục ",tình yêu tự hào bất khuất " VN Quê Hương Ngạo Nghễ "  tình yêu dân tộc " Cho Đồng Bào Tôi " tình yêu bằng hữu " Anh Em Tôi ", Tình yêu Đồng Đội "Đuốc Hồng Tuổi Trẻ ", tình yêu lứa đôi " Cần Nhau ", tình yêu chia sẻ " Người Yêu Tôi Bệnh ", tình yêu đằm thắm : " Bên Kia Sông ",  tình yêu hiến dâng "Đoàn Ta Ra Đi", tình yêu phẫn nộ " Ruồi Và Kên Kên", tình yêu mời gọi " Tìm Về Công Trường ", tình yêu thân phận " Xương Sống Ta Đã Oằn Xuống", tình yêu tủi hổ " Nỗi Buồn Nhựợc Tiểu", tình yêu phẫn uất " Bọn Lái Buôn Ở Khắp Nơi ", tình yêu hoài niệm " Tình Tôi Con Dốc Nhỏ", và tình yêu dung thứ, thức tỉnh " Trên Đồi Arlington" v..v..

 

Tất cả tình yêu của nhân loại đều hiện hữu trong anh, anh tỏ tình mạnh mẽ bằng tiếng hát, và trao tình bằng nụ cười.

Lần cuối ngồi bên anh bên qúan café ở Place Itali, Paris đột nhiên anh đề nghị: "Chiến chụp cho anh và Thắng chung một tấm ảnh ở đây đi ! biết đâu nó chẳng "đi vào lịch sử" hi …hì ". Không ngờ nó "đi vào lịch sử " của anh em mình thực sự, một kỷ niệm em không thể quên được . Cám ơn anh đã nuôi lớn tâm hồn em, cùng được rong ca bên nhau trên con đường Việt Nam vô tận, hôm nay tiếng hát của anh vụt bay nhanh lên cao, nhưng chắc chắn dư âm của nó sẽ còn vang vọng mãi trên mặt đất này, anh đi để lại niềm thương tiếc cho bao người, với riêng em, anh để lại cho em thật qúa nhiều điều dặn dò qúi báu lẫn những khó khăn em chắc sẽ không chu toàn nổi, qúi mến anh bao nhiêu , em lại giận anh bấy nhiêu .. anh à  !

 

anh đi vội vã qúa, mình còn qúa nhiều việc phải làm mà....

 

Nguyễn Quyết Thắng"

 

oOo

 

Xin cám ơn tất cả tác giả, quý thân hữu ở xa, không đến Little Saigon đưa tiễn anh Nguyễn Đức Quang. Tôi muốn dùng câu nói cuối cùng trên của nhạc sĩ Nguyễn Quyết Thắng cho kết luận một sự chia tay hầu như không như ý. Tất cả chúng ta bùi ngùi trước một người đồng hương Nguyễn Đức Quang, hay chính xác hơn, một nhân tài của đất nước Việt Nam, bao năm miệt mài đóng góp cho xứ sở bằng lòng xả thân không quảng ngại cực nhọc, khó khăn khi hướng dẫn tuổi trè hướng về tương lai của sự hữu dụng cho quốc gia, anh trải rộng lòng nhiệt tâm, bầu nhiệt huyết xây dựng tuổi trẻ Việt Nam;

 

Thưa anh Quang,

Tuổi trẻ chúng tôi noi gương đóng góp cho xứ sở từ bậc đàn anh như anh, dùng hình thức này hay hình thức khác, có người theo học chính trị, kinh doanh hay kinh tế, như email của anh Francis Khúc cùng bạn bè từ trường Chánh Trị Kinh Doanh mà anh theo học, những tuổi trẻ ngày xưa chọn những ngành mà anh và họ đã kinh qua tại quê nhà một thuở, có người như HQ Hồ Ái Việt tâm sự anh chọn đi hải quân VNCH, sau này HQ VNCH đã hiên ngang bảo vệ bờ cõi, ngăn cản xứ ngoài xâm lăng đất nước chúng ta; hay anh Dương Viết Điền của ngành Chiến tranh Chính Trị, họ thường ca hát nhạc của anh. Và rồi anh, bạn bè anh, tuổi trẻ chúng tôi đồng ca khắp nơi vang vang "Việt Nam Quê Hương Ngạo Nghễ", bài ca này gắn liền với biến cố Hoàng Sa 1974 mà nhiều người mang nỗi uất hận Hoàng Sa theo kiếp này, chúng tôi cám ơn anh, bằng âm nhạc, anh nhắc nhở thanh niên về dòng sử xanh oai hung của dân tộc ta, về lòng yêu nước vô biên; Và nói đến Nguyễn Đức Quang không phải người ta chỉ quý trọng tài năng âm nhạc của anh mà thôi, nhưng trên cao tất cả, một Nguyễn Xuân Hoàng, một Cát Biển Nguyễn Sáng cùng với nhiểu người nhận định điều quý nhất của Nguyễn Đức Quang là nhân cách. Nhân cách là điểm mà bạn bé anh trân quý anh, gắn bó với anh, quyến luyến qua bao bài viết tiễn đưa anh.

 

Thôi anh Quang nhé, chúng tôi xin bắt tay anh lần cuối, lên đường đoàn viên lại với chị Minh Thông cùng bao bạn bè cũ mới của anh trên cao ấy, hãy bảo trọng và sống an bình …

Như cháu hướng đạo Bùi Bảo Kim của LĐ Hướng Đạo Thăng Long, Arlington, Virginia, là tác giả bé nhất xin tiễn đưa chào vĩnh biệt bác Trưởng Nguyễn Đức Quang. Tất cả chúng tôi xin sửa lời của cháu lại là:

 

"Anh Quang,

You are a talented composer, a respected friend as well as a great leader for many of us. Above all, you are the best man, anh Quang.

And  we all will miss you…

 

Farewell with your pleasant journey heading high up there, the destination that you chose at peace!"

 

All your friends, here.

 

 

Nhận được tin buồn:

Nhạc sĩ Du ca Nguyễn Đức Quang dã ra đi

 

 

 

Chào Vĩnh Biệt

 

Xin thành kính phân ưu cùng các cháu, con anh Nguyễn Đức Quang,

cùng tang quyến, nguyện cầu nhạc sĩ Nguyễn Đức Quang ra đi về miền

vĩnh cửu, để yên nghỉ ở chốn an bình ngàn thu.

 

Xin một lần cuối chào vĩnh biệt tiễn đưa anh!

 

Trường Sa, Nguyễn Đức, Nhật Ngân, Song Ngọc, Huỳnh Anh, Ngọc Chánh, Đỗ Kim Bảng, Lam Phương, Tuấn Khanh, Lê Mộng Nguyên, Bích Xuân Paris, Lê Văn Phúc, Đan Thọ, Phó Quốc Lân, Linh Phương, Phạm Khải Tuấn, Thanh Thúy, Mai Châu, Hoàng Oanh, Trung Chỉnh, Lệ Thu, Lệ Thanh, Phương Hồng Quế, Trang Mỹ Dung, Mạnh Quỳnh, Lê văn Khoa, Bà Hoàng Lan, Bà Nghiêm Phú Phi, Bà Văn Phụng, Bà Lê Trọng Nguyễn, Xuân Điềm, Anh Bằng, Việt Hải và Lê Dinh.

 

ĐỒNG THÀNH KÍNH PHÂN ƯU