Chủ Nhật, 31 tháng 7, 2011

LUẬT SƯ TRẦN ĐÌNH TRIỂN KIẾN NGHỊ VỀ VỤ ÁN CÙ HUY HÀ VŨ

Nguồn luatvidan

Chủ nhật, 31.07.2011 17:00
Vụ án này đã có đầy đủ chứng cứ chứng minh việc vi phạm tố tụng của CQANĐT, như chưa có lệnh phê chuẩn của VKS ND tối cao về việc khám xét nhà ông Cù Huy Hà Vũ tại 24 Điện Biên Phủ, HN và TP. Hồ Chí Minh,...

Ghi chú: Đơn nặc danh và điện thoại nặc danh

 

Lời chị Hồ Lê Như Quỳnh ghi dưới Biên bản: " Theo tôi biết VN không có giới nghiêm, không giới hạnh thời gian làm việc. 

Chúng tôi chỉ thảo luận về văn bản cần viết uỷ quyền.

Đề nghị xác định lại nội dung đã ghi trong Biên bản

1. Tạm giữ 2 bao cao su đã qua sử dụng. CA lấy nhưng không có dấu niêm phong.

2. Xác định rõ mại dâm, vì tôi đang mặc y phục đàng hoàng khi CA vào kiểm tra.

3. Ông Vũ đã gửi phòng tiếp  tân để ra khỏi khách sạn từ 14h đến 20h"

Lệnh bắt và khám xét chung một lệnh và khám xét ông Cù Huy Hà Vũ tại 236F Nguyễn Văn Luông là trụ sở của Công an F11- Q.6 -TP. HCM

 

 

Chỉ phê chuẩn lệnh bắt còn lệnh khám xét chưa được phê chuẩn

 

Văn bản này càng khẳng định chưa có lệnh phê chuẩn của VKSND tối cao về khám xét nhà của ông Cù Huy Hà Vũ. Quyết định 107/QĐ - VKSTC-V2 ngày 06/11/2010 là Quyết định phê chuẩn lệnh bắt khẩn cấp. 

Nguyễn Xuân Nghĩa : Hoa Kỳ: Lâu Lâu "Vỡ Nợ" Một Lần!

Nguồn dainamax

Nguyễn Xuân Nghĩa Ngày 20110729 


Định nghĩa về chính khách: dối trá hoặc quên trí nhớ! 

 Giám đốc báo chí Dan Pfeiffer đang họp với Tổng thống Obama



Tuần tới này, Hoa Kỳ có thể sẽ "vỡ nợ" – "default of payment" – nếu không được Quốc hội nâng định mức đi vay thêm một nấc, sau khi đã nâng một lần vào Tháng Hai năm nay. Chuyện ấy cả thế giới đều nói tới. Bộ Ngân khố Hoa Kỳ nhắc nhở hầu như hàng ngày.

Nhân chuyện ấy, các nhà bình luận quán cóc đã nháo nhào nhảy vào để hùng hồn nói về những điều họ không biết. Nền dân chủ có sự kỳ diệu khi cho mọi người cái quyền phát biểu linh tinh. Nhưng cũng nền dân chủ đó lại cho phép chúng ta có quyền phê phán những chuyện linh tinh của chính trường.

Người viết xin dùng quyền này để nói về một kẻ có quyền mà không có trí nhớ, hoặc thiếu lương thiện. Đó là Giám đốc Báo chí của Toà Bạch Cung, tên là Dan Pfeiffer.


***


Trong chương trình truyền hình "John King USA" của hệ thống CNN ngày 26 vừa qua, Dan Pfeiffer nói với người chủ trì là Jessica Yellin, rằng "qua hơn 200 năm của xứ sở chúng ta, chưa khi nào mình gặp cảnh ngộ là không tôn trọng được nghĩa vụ trả nợ." Hàm ý của kẻ phát ngôn cho Hành pháp Hoa Kỳ là lần đầu tiên nước Mỹ bị nguy cơ vỡ nợ vì không thanh toán được nợ nần của mình.

Chúng ta có thể thông cảm với một người được tuyển dụng về cái tài miệng lưỡi. Chủ nào tớ nấy!

Nhưng ta có quyền hồ nghi về khả năng hay sự ngay tình của một người biết việc là Tổng trưởng Ngân khố Timothy Geithner khi ông nói rằng nếu Quốc hội không nâng định mức đi vay thì Hoa Kỳ có thể sẽ bị vỡ nợ vào Thứ Ba mùng hai tới. Khi thấy một rủi ro kinh hãi như vậy, trong khi Quốc hội cãi vã om xòm mà chưa thông qua bất cứ một đạo luật nào về chuyện ấy thì ai mà chẳng sợ? Thật ra, đây chỉ là đòn dọa dân khá cổ điển của chính trường.

Chứ cái chuyện "vỡ nợ" này chỉ là trò xưa. Bổn cũ soạn lại.

Mười năm về trước, Hoa Kỳ dưới thời Tổng thống George W. Bush đã ít ra ba lần lăn lóc trong cái cõi mấp mé ấy.

Thí dụ như Tháng 12  năm 2001, giữa vụ khủng bố 9-11 rồi chiến dịch A Phú Hãn, bộ Ngân khố của ông Bush và Tổng trưởng Paul O'Neill yêu cầu Quốc hội phải có biện pháp cực kỳ bất thường để tránh nguy cơ vỡ nợ: qua năm 2002, nước Mỹ chỉ còn trong tủ sắt chừng 15 triệu đô la là sẽ đụng trần, đụng vào giới hạn đi vay là năm ngàn 950 tỷ (5,950 ngàn tỷ).

Khi ấy, bộ Ngân khố đã có nhiều thủ thuật kế toán tài chánh để đẩy lui nguy cơ. Giảm bớt một số công trái liên bang và thay thế bằng loại vay tiền không lãi, bằng khí cụ tài chánh không thuộc diện "giấy nợ", v.v... hầu chính quyền liên bang vẫn có thể vay thêm tiền mà không đụng trần.

Sau đó, bộ ta hoan hỉ thông báo là đã đẩy lui nguy cơ vỡ nợ cho đến ngày 28 Tháng Sáu năm 2002!

Đến ngày 21 Tháng Sáu thì bộ Ngân khố lại đụng chân tường.

Tổng trưởng O'Neill khẩn khoản yêu cầu Quốc hội nâng mức đi vay vào Tháng Tư: "nếu không, quý vị nên tìm một Tổng trưởng khác vì tôi sẽ không chịu vào tù khi quý vị không hành động và tôi phải lấy một số quyết định vi hiến". Trì hoãn mãi, đến ngày 11 Tháng Sáu năm đó Quốc hội mới nâng định mức đi vay từ 5,95 lên 6,4 ngàn tỷ đô la. Và Hạ viện chỉ biểu quyết cái quyết định tầy trời ấy vào ngày 27 – hơn hai tuần sau - với đa số còm cõi là... một phiếu.

Cho Tổng thống Bush kịp thời bàn hành luật mới vào hôm sau.

Thời ấy, Quốc hội dụ dự và trì hoãn cũng vì một chuyện cổ lỗ: nâng mức đi vay tới cỡ nào mới đủ khi mà được phép đi vay là người ta lập tức tăng chi!

Nếu không bị bệnh tối dạ mà chóng quên, phát ngôn viên Dan Pfieffer đã có thể nhớ rằng cuộc tranh luận về định mức vay mượn này còn kéo dài trong hai năm sau và lại bùng nổ vào năm 2003. Năm đó, bộ Ngân khố cũng lại phải gạn lọc và du di một số dự chi khi mức chi chỉ cách trần có vài triệu đô la mà Quốc hội vẫn cãi tiếp, và được bộ này cảnh báo là Hoa Kỳ sắp vỡ nợ!

Cuối cùng thì Quốc hội nâng định mức đi vay lên tới bảy ngàn 384 tỷ (7,384 ngàn tỷ) cho ông Bush ban hành thành luật vào cuối Tháng Năm năm 2003, khi cuộc chiến Iraq đã tưng bừng khói súng và năm tháng sau khi bộ Ngân khố báo động!

Lần thứ ba là ngay năm sau, 2004, khi bộ Ngân khố lại la làng và về nhà gom bi gạn tiền để xứ sở khỏi vỡ nợ. Mãi đến ngày 18 Tháng 11 Quốc hội mới đạt thoả thuận về định mức công trái!

Đấy là dưới thời ông Bush, thủ phạm của mọi chuyện mà mấy nhà bình luận bá láp đều ghi tâm khắc cốt. Dưới thời ông Bill Clinton thì nước Mỹ cũng đã có những ngày nhức tim như vậy, nhưng thôi, chuyện cũ đã dài!

Từ 1940 đến nay, nước Mỹ đã có 80 lần nâng định mức đi vay. Hầu như dưới mọi triều đại tổng thống, trừ Harry Truman sau khi mức vay được nâng lên chín ngày trước khi ông nhậm chức vào Tháng 12 năm 1945. Riêng từ 1960 đến nay - một năm trước khi Barack Obama ra đời – thì đã có 78 lần dời cột mốc như vậy! Nước Mỹ đi vay với đà gia tốc.

Thành thử, chúng ta không phát minh ra cái gì cả, dù là phát minh ra lời báo động sảng....


***


Nhưng, hình như là trong nhiệt tình bảo vệ thượng cấp, Giám đốc Báo chí Dan Pfeiffer không học được gì mà chỉ nhắc lại hôm 26 mấy điều như ông Obama trong bài phát biểu tối 25 Tháng Bảy.

Khác với thuộc cấp, vì vậy mới làm Tổng thống, ông Obama có xác nhận rằng việc nâng định mức đi vay chỉ là thủ tục thông thường – routine – trong lịch sử. Nghĩa là có gì đâu mà bên Cộng Hoà cứ làm cho lớn chuyện. Điều ấy không sai, như chúng ta vừa nói ở trên.

Nhưng định mức đi vay hiện nay mới thật sự là lịch sử - vì cao chưa từng thấy. Đó là chi tiết mà Obama cố tình bỏ qua và lại nói về bọn doanh gia đi máy bay riêng và về các doanh nghiệp dầu khí. Bọn tài phiệt này được một số đặc miễn thuế khóa nên làm công quỹ thất thâu gần 40 tỷ đô la trong 10 năm. Gọt đầu những kẻ ác ôn đó là thể hiện công bằng xã hội.

Một lối mị dân nhuốm mùi đấu tranh giai cấp cố hữu - mà chưa thể quân bình sổ sách được! Vì cái lỗ hổng lịch sử. Một kỷ lục.

Khi nói là kỷ lục, ta phải so sánh và so sánh với những gì so sánh được.


***


Trong dự luật ngân sách cho tài khóa 2012, Chính quyền Obama dự trù sẽ nâng mức vay lên tới 2.400 tỷ (hai ngàn bốn trăm tỷ) vì khoản công trái năm 2012 sẽ vượt quá 16,6 ngàn tỷ, cao hơn mức trần hiện nay (14,2 ngàn tỷ) đến hai ngàn bốn trăm tỷ (2.400 tỷ). Kế hoạch của Thượng viện Dân Chủ cũng trù tính con số 2.400 này, chứ không phải là lời vu cáo vu vơ!

Khi so sánh với 80 đợt nâng trần vay mượn như vậy trong lịch sử - và gia trọng với ảnh hưởng của lạm phát – thì con số 2.400 tỷ này quả là mức kỷ lục lịch sử.

Sau Chiến tranh Việt Nam, Chính quyền Gerald Ford nâng mức công trái hai lần vào các năm 1978 và 1979 – 398 tỷ và 430 tỷ - tính theo hiện giá của đồng bạc thì tương đương với 1.400 và 1.300 tỷ, còn thấp hơn mức vay dưới thời ông Bush cha là 1.600 tỷ tính theo hiện giá. Đến ông Bush con đầy tội lỗi thì định mức công trái được nâng vào Tháng Năm năm 2003, như nói ở trên, là 1.200 tỷ theo hiện giá, bằng phân nửa con số ngày nay trong dự luật ngân sách 2012 của ông Obama.

Nếu nhớ lại như vậy thì chúng ta thấy rằng việc đi vay thật ra chẳng có gì hay ho. Rằng nguy cơ vỡ nợ chỉ là một thuật ngữ nói về tai họa của hệ thống tài chánh công quyền, nhưng nước Mỹ chưa đến nỗi phá sản.

Sự phá sản là khi các chính trị gia giỡn chơi với tiền thuế của dân, rồi sau đó lại dọa dân rằng nếu không được vay thêm thì quốc gia sẽ phá sản! 

Người viết đã nhiều lần trình bày tình trạng bội chi bùng phát từ cả chục năm nay, với trách nhiệm của cả Quốc hội lẫn Hành pháp, trong tay Dân Chủ hay Cộng Hoà. Nhưng vẫn phải nói thêm rằng sau khi tăng chi cho đã, các chính trị gia lưỡng đảng lại dọa dân là sắp bị vỡ nợ thì đấy là điều khó chấp nhận.

Mong rằng nhờ vậy mà chúng ta sẽ phát triển khả năng suy đoán khi thấy các chính trị gia lên truyền hình. Đã bị móc túi rồi còn bị dọa nạt để lại bị móc túi nữa thì mình phải có quyền xét lại!

Thùy Linh : TÔI CÓ MỘT GIẤC MƠ (không chính trị hóa lịch sử)

Nguồn buudoan

Tôi và khá nhiều người đã từng gặp những mẩu đối thoại như thế này:
-Không nên nói (hay viết) về việc này.
-Vì sao?
-Vì rất phức tạp.
-Phức tạp cái gì?
-Vì nó rất nhạy cảm.
-Nhạy cảm ở cái gì?
-Vì…nó rất phức tạp.
-Nói cụ thể được không?
-Tóm lại là không nên.
-Không sao nên?
-Vì nó rất nhạy cảm…

Sau mỗi câu trả lời là một khoảng trống không lời giải. Là hố sâu không nhìn tới đáy. Là sự không thể đối thoại. Là nguyên nhân không thể hiểu bản chất sự kiện được đề cập. Và không có cơ hội giãi bày để đạt sự đồng thuận hay hiểu nhau hơn. Vì sao? Vì nó "rất phức tạp", vì nó "nhạy cảm"…Vòng vo và luẩn quẩn. Bao năm chúng ta sống trong sự 'tít mù nó lại vòng quanh" như thế.
Để chống lại nỗi đau đớn, người ta tốt nhất nên không có khả năng nhạy cảm. Người nông dân ít có khả năng nhạy cảm với thời cuộc, thậm chí cả nỗi đau nho nhỏ thường ngày của họ, trừ khi tai họa ập đến cướp đi mảnh đất họ đang sống và nồi cơm của họ bị tước đoạt. Còn quyền lợi chưa thiết thực ngay thì họ ít để ý, ít nhạy cảm để mà quan tâm, đòi hỏi, và đòi dành lấy. Hàng ngày họ cắm mặt trên đồng ruộng, bán mặt cho đất, bán lưng cho trời. Tối về lùa vội mấy bát cơm là lên giường chìm vào giấc ngủ ngon lành sau một ngày lao động kiệt sức. Vợ chồng cãi nhau, thậm chí táng vỡ mặt nhau ít phút trước, lát sau có thể ôm nhau ngáy vang lừng. Bực mình nhà hàng xóm bố láo, bố toét, vợ thì sắn váy quai cồng đứng giữa đường làng chửi cả tổng trên, tổng dưới cùng nghe, chồng thì cầm dao rượt đuổi gã nào đó trót chớt nhả với vợ anh ta, nhưng ngày hôm sau lại chén chú chén anh cùng nhau ở quán rượu đầu làng, tám nhảm đủ chuyện trên giời dưới biển. Làng nào cũng có những bà chua ngoa, chửi thành bài, thành bản và đưa vào kho tàng văn hóa dân gian cực hay. Mình thích sưu tầm những bài chửi này để thỉnh thoảng làm vài câu cho đỡ nhạt miệng. Làng nào cũng có vài anh Chí Phèo quậy tưng làng trên, xóm dưới khiến dân làng vừa hãi, vừa khoái chí. Làng nào cũng có mấy ả Thị Màu lúng liếng khiến đàn ông rạo rực "phải đi khom", các bà vợ thì lườm nguýt ỉ ôi chê bai ghen tị…Tóm lại cách xả stress của người nông dân khiến khả năng nhạy cảm chả mấy khi cần nên dần dần bị triệt tiêu. Cho đến ngày nào đó…
Kẻ hay tự mang dây buộc mình, hay chuốc lấy nỗi đau khổ cho bản thân nhất chính là đám trí thức. Sự nhạy cảm khiến họ đau trước nỗi đau thiên hạ, buồn trước nỗi buồn thiên hạ, thấy trước tai họa của bản thân cũng như đất nước trước thiên hạ…Họ tự dằn vặt, đào bới cả trong quá khứ lẫn hiện tại, thậm chí phấp phỏng cho tương lai. Lục tung các sự kiện, tìm mạch nguồn bí mật của các sự kiện lịch sử chứ không dừng lại những gì ghi trong sách vở, như những gì được (bắt) nghe. Mạch nguồn này chính là cảm hứng để họ hiểu về lịch sử và giải mã lịch sử, cho dù nhiều sự kiện đã bị bóp méo hay chép lại sai lệch. Những khoảng trống của những câu trả lời như đầu bài viết không thể khuất phục hay khiến họ bằng lòng mà chỉ càng kích thích họ suy nghĩ, đào bới, dằn vặt…để bằng mọi giá có câu trả lời…Và khi họ tư duy theo mạch ngầm của dòng chảy thời cuộc là họ đã nhập vào nguồn mạch bí mật của lịch sử. Dù không được nói, được viết sự thật thì nguồn mạch bí mật đó vẫn lưu giữ lại cho hậu thế cái nhìn chân thực về lịch sử, chứ không phải là những hời hợt trên bề mặt. Hời hợt thì dù "lộng giả thành chân" cũng chỉ được thời gian ngắn sẽ lụi tàn. Mình chả bao giờ nhớ được các sự kiện lịch sử, các triều đại một cách cụ thể, tỉ mỉ, nhưng cảm xúc về sự kiện, về thời đại, về nhân vật lịch sử nào đó thì mãi mãi lưu lại trong tình yêu, kí ức. Ví như rất nể sự đa mưu, trí túc của Trần Thủ Độ. Rất yêu kính, trân trọng tinh thần nhập thế của Phật hoàng Trần Nhân Tông. Gần đây các nhà sử học đặt nhà Nguyễn ở vị trí cao hơn ngoài câu mình (và nhiều thế hệ học trò) đã từng nằm lòng để đi thi là "Nguyễn Ánh cõng rắn cắn gà nhà" do công lao du nhập kỹ thuật tây phương và mở mang bờ cõi…Nhiều sự kiện lịch sử cổ đại, nhất là cận đại sẽ phải viết lại để thay đổi cái nhìn chân thực và nuôi cảm hứng với lịch sử dân tộc, thay vì áp đáo theo chính trị. Cái nguồn mạch bí mật của lịch sử phải được khơi lại thì mới mong "dân ta phải thuộc sử ta, cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam"…Còn hiện nay để đối phó với các cuộc thi môn lịch sử thì đám học trò bảo nhau: "dân ta phải biết sử ta, nếu mà không biết thì tra google". Phải là cảm hứng thì mới nuôi được ngọn lửa tình yêu. Chỉ có tình yêu mới khiến người ta nhớ, trân trọng, lưu giữ vào kí ức…Mà để có cảm hứng thì phải bắt đầu từ sự chân thực, minh bạch, tôn trọng chân lý, khoa học…Cái đám trí thức dù phải chịu nhiều đau khổ, tai họa, thiệt thòi thì cứ nhất định muốn giữ lấy khả năng nhạy cảm, chứ quyết không chịu tư duy "ba xoa hai đập". Đôi lúc quá mệt mỏi có thể họ nga mặt lên trời than rằng, chỉ muốn được như anh nông dân, ngày vui vẻ cày xong thửa ruộng, tối về lòng nhẹ khỏe ôm vợ (chồng) ngáy vang đến sáng. Hihi…Nhưng giờ chính người nông dân cũng bắt đầu tự chuốc lấy khả năng đau khổ cho mình bởi sự nhạy cảm: họ đã nghe được tiếng thầm thì khốn khổ của mảnh đất tổ tiên sinh sống bao đời đang trong cơn vật vã. Cảm hứng bi kịch là dòng sữa nuôi nguồn mạch bí mật để lịch sử hiển hiện như đã là, đang là…, chứ không thể như ai đó bắt buộc "phải là như thế này". Con sông bị nắn dòng chảy sẽ tích góp tai họa khủng khiếp phá hủy thiên nhiên. Con sông lịch sử bị bóp méo, thay dòng sẽ phá hủy tâm thức Việt. Thảm họa đó đã diễn ra, đang hiển lộ trong đời sống hàng ngày và sẽ trút nỗi oán giận trong tương lai không xa…Có thể học sinh nhiều nước cũng ít người yêu thích môn lịch s, nhưng tâm thức họ không bị tổn thương, tàn tật, có chăng chỉ là sự thiếu hụt về kiến thức. Đây là s khác biệt duy nhất và nguy hiểm. Không thể như Bộ trưởng Bộ GDĐT Phạm Vũ Luận phát biểu khi biết điểm thi môn lịch s thấp thảm hại: "vấn đề của thời đại, là chuyện của thời đại, của thế hệ này, do cách mạng khoa học-công nghệ.., và cũng đừng coi đó là thảm họa". Giải cứu môn lịch sử chính là giải cứu tâm hồn Việt. Muốn vậy thì không thể chính trị hóa lịch sử như chính trị hóa mọi mặt đời sống. Hãy để cuộc sống và dòng chảy lịch sử như NÓ ĐANG LÀ…
Mình thử "I Dreamed A Dream" như bài hát của Susan Boyle ở nước Anh làm rưng rưng hàng tỷ con người. Năm 20xx, sẽ có đề thi môn sử ở trường nào đó, vào kỳ thi nào đó, càng sớm càng tốt: "Anh (hay chị) hãy viết về nguyên nhân, diễn biến và ý nghĩa lịch sử của các cuộc biểu tình chống chủ nghĩa bành trướng Trung Quốc năm 2011?". Bạn có tin sẽ có nhiều điểm 10 không? Mình tin lắm lắm… 
Và sẽ có cuộc đối thoại trong tương lai:
-Bạn nên viết sự thật về cái đó.
-Vì sao?
-Vì đó là lịch sử.
-Nhưng nó rất phức tạp.
-Vậy mới cần phải viết ra để mọi người hiểu.
-Nhưng có vài vấn đề nhạy cảm…
-Thì hãy viết bằng trái tim nhạy cảm và lý trí tỉnh táo, chân thực.
"I Dreamed A Dream"…

Từ thư đe dọa "lạ" đến côn đồ "lạ"

Nguồn danlambao

Danlambao - Lúc 10h30 tối hôm qua, 29/07, anh Nguyễn Tiến Nam đã bị hai côn đồ "lạ" vô cớ tấn công & đe dọa khi đang trên đường trở về nhà.

Trao đổi với Danlambao, Tiến Nam cho biết: Khi đang lưu thông châm rãi trên đường cao tốc Láng - Hòa Lạc để về nhà, vừa đến đoạn rẽ vào chợ chiều Đại Mỗ thì bất ngờ có hai người đàn ông cầm gạch lao vào nện vỡ kính chiếu hậu xe của anh. Đòn tấn công quá bất ngờ khiến Tiến Nam buộc phải dừng xe, hai kẻ tấn công bỏ đi, đồng thời để lại lời đe dọa "Đi đứng cẩn thận, lần sau không có đường mà về" !

Tiến Nam còn cho biết thêm, sau khi tham gia biểu tình chống TQ, gần đây có nhiều cú điện thoại nặc danh gọi vào số điện thoại của anh, với lời nhắn : Đoạn đường này ô tô phóng nhanh ngược chiều, coi chừng có ngày gặp xe mất lái !


Kính xe bị đập

Tổng thiệt hại sau cuộc tấn công của hai tên côn đồ "lạ": Một kính chiếu hậu bị vỡ, kính cận bị hỏng vì phải dừng xe bất ngờ, kính bị rớt xuống và vỡ ... Hung khí để tấn công là viên gạch đã bị hai côn đồ "lạ" phi tang vật chứng.

Truy tìm tung tích hai tên côn đồ "lạ", Tiến Nam cho biết đây chính là những khuôn mặt thường bám theo anh mấy ngày gần đây. Chiều hôm 29/07, sau khi ra khỏi cty để đi gặp một số bạn bè, hai người này vẫn tiếp tục bám theo xe anh. Vì đường kẹt xe, sợ đến muộn nên Tiến Nam đã rẽ vào nhiều ngõ ngách để đến điểm hẹn đúng giờ. Có lẽ vì vậy mà hai côn đồ "lạ" cho rằng Tiến Nam cố tình "cắt đuôi", nên đến chờ sẵn gần nhà anh và thực hiện trò tấn công, đe dọa.


Kính bị hỏng vì rơi xuống do phải dừng xe bất ngờ lúc bị tấn công

Trước đó, trong bài viết "Chuyện lạ sau biểu tình" gửi cho danlambao, Nguyễn Tiến Nam đã tường thuật lại việc anh bị gửi thư đe dọa sau khi tham gia biểu tình chống TQ.

Cuộc tấn công vào tài sản cá nhân của Tiến Nam tối hôm 29/07 cho thấy, hành động đe dọa người biểu tình yêu nước đã ngày một gia tăng.

http://danlambaovn.blogspot.com/ 

Nguyễn Tiến Nam trong cuộc biểu tình lần 8 tại Hà Nội

Bộ trưởng Xây dựng - Thiếu hiểu biết hay… vì một nhóm lợi ích?

Nguồn tamnhin

(Tamnhin.net) - Đồng chí Bộ trưởng xây dựng hiện nay thiếu hiểu biết khi bày tỏ trách nhiệm với doanh nghiệp BĐS nhưng lại thể hiện sự thiếu trách nhiệm với người dân… 

GS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường đã nhấn nhấn mạnh điều này khi trao đổi về việc Bộ trưởng xây dựng đề xuất "giải cứu" cho BĐS .

GS Đặng Hùng Võ nêu rõ, Bộ Xây dựng làm việc với Ngân hàng Nhà nước để tìm cách "giải cứu" thị trường BĐS là điều vô nghĩa.

Cớ gì Bộ trưởng xây dựng đi kêu cứu và định làm cuộc đối thoại với Thống đốc ngân hàng? Ai cũng biết giá nhà Việt Nam cao hơn mức sống, mức thu nhập người Việt Nam 25 lần. Làm như thế là anh có trách nhiệm với doanh nghiệp của mình, nhưng lại không có trách nhiệm với người dân. Bởi vấn đề quyền lợi người dân quan tâm là giá nhà họ có thể tiếp cận chứ không phải mức giá ngất ngưởng mà các doanh nghiệp đang giữ. Và như thế, là đứng sau một nhóm lợi ích thôi!

GS Đặng Hùng Võ cho rằng, thị trường BĐS chỉ có thể đổ vỡ nếu giá xuống thấp hơn giá trị thực của nó. Trong khi đó, mức giảm 30% hiện nay vẫn chưa phản ánh đúng giá cả sản xuất. Kể cả các mức giá rất thấp ở TP HCM, chỉ 11-13 triệu/m2 cũng vẫn cao hơn nhiều giá cả sản xuất.

Điều kiện thứ hai để thị trường đổ vỡ là vay nợ tín dụng để đầu tư vào các dự án BĐS phải ở mức vượt ngưỡng (chiếm 30% tổng dư nợ tín dụng trở lên). Nhưng hiện nay con số chính thức vẫn dưới 10%. Hiện tại, nhà đầu tư chỉ lãi không cao so với trước và nếu có lỗ thì chỉ là lỗ so với lợi nhuận kì vọng, chứ không phải lỗ thật sự.

Theo GS Đặng Hùng Võ, thị trường BĐS cần trải qua "cơn đau" để tự thanh lọc, phát triển bền vững hơn.

Thậm chí một số nhà đầu tư phải chuyển nhượng dự án, mua bán, sáp nhập doanh nghiệp, cũng chỉ là giải pháp về vốn, chứ không phải biểu hiện của sự đổ vỡ. Ngay cả khi BĐS xuống thấp hơn nữa, tới mức giảm 50% thì vẫn chưa phải lo ngại về sự đổ vỡ. Cái đáng ngại hiện nay là nội bộ của thị trường tiền tệ, các ngân hàng thương mại có đảm bảo tính thanh khoản tốt hay không. Nhiều ngân hàng đã tham gia vào các dự án không có khả năng sinh lời.

Theo GS Đặng Hùng Võ, các nhà đầu tư phải tự chủ động tìm giải pháp cho mình. Nhà nước phải tập trung cho mục tiêu chống lạm phát, chứ không phải đi cứu thị trường BĐS, nhất là khi bản thân siêu lợi nhuận từ BĐS đang gây ra lạm phát.

Lẽ ra người dân Việt Nam có thể tiếp cận được với nhà ở bằng thu nhập bình thường của mình. Hiện nay, ở Việt Nam, tỉ lệ giữa giá cả nhà ở với thu nhập trung bình đang ở mức 25 lần. Trong đó ở các nước phát triển, tỉ lệ này là 5 lần, ở các nước đang phát triển, tỉ lệ này là 2 lần. Vì vậy, phải coi đây là dịp tốt để thị trường BĐS tự cơ cấu lại cấu trúc, loại bỏ những nhà đầu tư "tay không bắt giặc", chỉ còn lại những nhà đầu tư nghiêm túc.

GS Đặng Hùng Võ khẳng định,  thị trường BĐS hiện nay không có nguy cơ tác động vào thị trường tài chính. Ngược lại, chỉ có nguy cơ thị trường tài chính mất khả năng thanh toán dẫn đến tác động đến thị trường BĐS.

GS Đặng Hùng Võ cho rằng phải đến cuối sang năm mới có thể hy vọng thị trường hồi phục. Còn hiện tại, giá BĐS sẽ tiếp tục xuống, thậm chí xuống dưới giá sàn. Đó là điều tốt cho thị trường.

Theo GS Đặng Hùng Võ, hiện nay khả năng đảm bảo tính thanh khoản của ngân hàng rất yếu. Thậm chí nhiều ngân hàng thương mại cho vay các dự án với lượng vốn rất lớn nhưng khả năng thanh toán giờ chỉ còn 10%.

Trong khi số vốn nghèo nàn tại các ngân hàng thương mại cần phải phục vụ sao cho các mặt hàng tiêu dùng khác như rau, cá, thịt giảm giá đi; thay vào đó, nếu tiền lại chảy vào BĐS thì giá BĐS lại tăng và lạm phát tăng theo là lẽ đương nhiên.

GS Đặng Hùng Võ cho rằng, cứ để thị trường BĐS như hiện nay là tốt hơn. Vì giá BĐS hiện nay chưa xuống dưới giá sàn nên nhà đầu tư vẫn còn có lãi. Còn doanh nghiệp khó khăn về vốn, họ có thể "xoay" bằng việc chuyển giao dự án, thậm chí anh có thể "lừa" khách hàng để huy động vốn. Nhưng "lừa" khách hàng ở đây là một thủ thuật. Đó là việc anh đưa ra những ưu đãi, quyền lợi để thu hút khách hàng họ mua hàng và nộp tiền.

Thực tế thời gian qua có nhiều doanh nghiệp họ cũng rất tài huy động vốn theo kiểu này rồi. Nhưng khi thị trường gặp khó một chút, nếu Nhà nước nghe doanh nghiệp kêu mà cứu ngay là chết, là lạm phát sẽ tăng ngay.

GS Đặng Hùng Võ cho rằng, thị trường đang vận hành theo đúng qui luật của nó và chúng ta phải đối mặt. Trong bối cảnh lạm phát hiện nay, siết chặt vốn vào BĐS là giải pháp

Thị trường BĐS sẽ còn tiếp tục mất giá cho tới cuối năm và sẽ phục hồi vào đầu năm 2012. Hoàn cảnh này không thuận lợi cho nhà đầu tư BĐS vì họ không đạt được siêu lợi nhuận. Nếu có tiền mặt, giữ được dài hơi thì có thể đầu tư vào bất động sản.

Còn nếu đi vay ngân hàng để đầu tư thì cực kì rủi ro. Dấu hiệu của lạm phát đã tốt hơn, mức trượt giá đã giảm đi nhưng câu chuyện khó khăn vẫn đang ở trước mặt. Vì vậy, nhà đầu tư vẫn chưa thể sớm lạc quan.

Minh Giang

N.T.L. : Công an chính trị đã hỏi tôi về việc ký tên (kiến nghị trả tự do cho TS.Cù Huy Hà Vũ)

Nguồn BVN


Kính chào các bác trang mạng Boxitvn. Cháu viết bài sau kể về việc Công an làm việc với cháu cách đây gần mười ngày khi cháu về quê. Ở quê cháu không nối mạng nên bây giờ cháu mới viết và gửi được. Nếu các bác thấy hữu ích với mọi người thì đăng lên mạng, còn không thì coi như cháu chia sẻ một chút với các bác. Cháu gửi lời chào kính trọng đến các bác. Xin chúc các bác bình an và luôn kiên tâm trước lẽ phải.

          Cháu – N.T.L.

Công an chính trị đã hỏi tôi về việc ký tên

Vừa rồi tôi về quê nghỉ hè. Mới được vài hôm thì sáng ngày 20/7/2011 có một chú công an tới hỏi: có N.T.L. ở nhà không? Tôi trả lời: "Em là L. đây". Anh Công an bảo "Vậy thì mời em xuống Công an phường". Khác với lần đầu tiên làm việc với nhà trường, lần này tôi đoán trước được có lẽ lại làm việc về ký tên chăng? Còn nếu là khen thưởng gì thì thường phải có giấy mời trước chứ!?

Khi tôi xuống tới phường thì không sai, đúng như tôi dự đoán, và bên Công an họ cũng vào thẳng vấn đề  luôn. Họ bảo: Hôm nay chúng tôi mời em lên đây để hỏi về việc em đã ký tên vào bản kiến nghị trả tự do cho ông Cù Huy Hà Vũ.

Hỏi chuyện tôi là một anh Trung tá Công an khá trẻ và có thêm một anh ghi biên bản nữa. Sau khi giới thiệu tên và chức vụ, anh Trung tá bảo: Tôi là Công an chính trị ở tỉnh D., được công an ở tỉnh em học gọi điện báo em có ký tên vào bản kiến nghị trả tự do cho ông Cù Huy Hà Vũ nên hôm nay tôi mời em lên để làm việc về vấn đề này.

Buổi làm việc có khá nhiều câu hỏi và tôi cũng trả lời khá nhiều. Tuy nhiên chủ yếu tập trung vào mấy vấn đề.

Mới vào anh Công an hỏi những câu mà tôi thấy có vẻ "hơi thừa" vì những tin này công khai và khá nhiều trên mạng mà theo tôi nghĩ là anh đã biết rồi trước khi làm việc với tôi, đó là những câu như: Em ký tên vào thời gian nào? Danh sách ký tên gồm những ai? Em ký bằng hình thức nào? Do ai tổ chức, v.v. ?

Lúc đầu tôi có chút thắc mắc thì anh Công an bảo: Em cứ việc trả lời. Và tất nhiên tôi cũng trả lời những gì tôi làm và tôi biết trên mạng như: Em ký tên vào gần cuối tháng 4 năm 2011, danh sách gần 2000 người, ký tên qua email, do các nhân sĩ trí thức khởi xướng, anh có thể xem danh sách ở trên mạng vì việc ký tên là công khai.

Sau đó anh ấy hỏi về gia đình, thời gian học tập. Rồi việc có ai rủ em ký không và em có rủ ai hay bạn bè nào cùng ký không? Tôi trả lời: Em thì em không rủ ai ký cả, nhưng nếu có việc rủ người khác ký thì cũng là bình thường thôi vì rủ là một chuyện còn họ ký hay không là tùy ý kiến của họ. Tiếp đến anh Công an hỏi: Em thấy những việc làm của ông Cù Huy Hà Vũ là đúng hay sai? Chẳng hạn như đòi kiện Thủ tướng, đòi bỏ điều 4 trong Hiến pháp, v.v. Và tôi trả lời: "Về cơ bản em thấy việc làm của TS luật Cù Huy Hà Vũ không có gì sai. Bởi trong Hiến pháp có ghi rõ mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật nên việc ông ấy kiện Thủ tướng cũng là chuyện bình thường thôi. Còn ông Vũ nói muốn bỏ điều 4 trong Hiến pháp là ý kiến riêng của ông ta, ông Vũ muốn nhắn gửi cũng như góp ý với Nhà nước Việt Nam, còn Nhà nước có tiếp thu hay không thì đó là quyền của Nhà nước, chứ tại sao lại bắt ông ấy đi bỏ tù? Còn việc có nhiều ý kến phát biểu khác, thì không chỉ ông Vũ mà mọi công dân đều có quyền có những quan điểm và có ý kiến cũng như góp ý riêng của mình. Nếu ý kiến đó là khó nghe, chưa đúng lắm thì những người có trách nhiệm, hiểu biết rộng, các trí thức, hay thậm chí là Quốc hội họp lại phân tích xem ông ấy đúng chỗ nào, sai chỗ nào, lý do vì sao sai? Và công bố cho công luận cũng như mọi người dân được biết. Giả sử nhà nước Việt Nam là đúng còn ý kiến của TS Cù Huy Hà Vũ là sai thì nhà nước việc gì phải sợ? Cứ việc để ông ấy nói bởi "Cây ngay không sợ chết đứng mà!".

Tiếp theo anh ấy hỏi: Ở trường các bạn em không ký tại sao em lại ký? Tôi trả lời: về việc ký tên này là tùy quan điểm của mỗi người, có  thể  người  này ký người kia không ký là tùy nhận thức của mỗi người thôi.

Rồi anh Công an hỏi: Em có thường xuyên lên mạng không? Tôi trả lời: Vì nhu cầu học tập nên em thường xuyên lên mạng để học và tìm tài liệu cho các môn học, ngoài ra em cũng dành ít thời gian xem các  tin tức, các trang báo mạng khác nhau để có thông tin đa chiều. Bởi vì không như nhiều nước khác trên thế giới, ở Việt Nam toàn bộ báo giấy chịu dưới sự quản lý của Nhà nước nên nhiều tin tức, nhiều vấn đề chỉ đăng mang tính một chiều thôi.

Nghe xong, anh Công an bảo: Từ giờ em không nên vào xem các trang mạng xấu, các trang mạng có tính phản động nữa. Tôi bảo: Nếu trang mạng thật sự như anh nói thì tất nhiên em sẽ không xem, nhưng lên mạng để xem các tin tức, tìm hiểu thông tin đa chiều thì em vẫn làm bình thường thôi.

Anh ấy nói: Tôi khuyên em sau này không nên ký hay làm những việc tương tự như thế này nữa, nó sẽ không có lợi cho em đâu? Tôi trả lời: Không phải vấn đề này mà nhiều vấn đề khác cũng vậy thôi, là khi đứng trước những cái xấu những cái bất công những điều sai trái thì mình phải có ý kiến, đó là lương tâm, trách nhiệm, và quyền lợi của mỗi người. Còn những điều đúng đắn, lẽ phải, điều tốt thì mình ủng hộ đó cũng là chuyện bình thường thôi. Chẳng hạn như có một tên giết người mà vì lý do nào đó tòa xử trắng án, không đúng với pháp luật thì mình cũng có quyền phản đối tòa án.

Sau đó anh Công an hỏi tôi: Em có suy nghĩ gì về việc cho Trung Quốc khai thác bauxite ở Tây Nguyên , việc Trung Quốc cắt cáp tàu thăm dò dầu khí ở Biển đông? Lúc đầu tôi định không trả lời, vì việc này không liên quan tới việc ký tên. Nhưng anh ấy hỏi lần thứ hai và gợi ý với tôi là em có nghĩ khai thác bauxite ở Tây Ngyên sẽ ảnh hưởng tới môi trường hay thiệt hại gì đó không, nên tôi trả lời: Em có học một ít về kinh tế nên em hiểu là không chỉ dự án bauxite, mà bất cứ đầu tư dự án kinh tế nào thường có mặt lợi và mặt hại của nó, do vậy phải xét các mặt lợi và mặt hại xem cái nào nhiều hơn. Cho nên dự án bauxite cũng vậy, tuy nó có một số mặt lợi nhưng theo nhiều chuyên gia, trí thức phân tích thì tác hại của Dự án bauxite là rất lớn, vì vậy em nghĩ là bây giờ không nên khai thác bauxite ở Tây Nguyên. Còn việc anh Công an hỏi tôi suy nghĩ gì khi tàu Trung quốc xâm phạm Biển Đông Việt Nam và cắt cáp tàu thăm dò dầu khí Việt Nam thì tôi bảo: Anh hỏi câu này 'nghe vui' quá, bởi vì ngay cả Chủ tịch nước Nguyễn MinhTriết – người đứng đầu nhà nước, còn tuyên bố: "Chúng ta hy sinh tất cả để bảo vệ quê hương, bảo vệ chủ quyền biển đảo". Nên em là người Việt Nam, mang trong mình dòng máu Việt Nam, tất nhiên em phải đứng về Dân tộc Việt Nam và phản đối Trung Quốc rồi.

Anh Công an suy nghĩ một chút rồi bảo: Sau này các việc như khai thác bauxite, tàu Trung Quốc gây hấn Biển Đông hoặc các việc tương tự đã có Đảng và Nhà nước lo, em không nên tham gia vào. Tôi đã trả lời: Em không đồng ý với ý kiến của anh, bởi Nhà nước luôn kêu gọi tham gia giao thông là trách nhiệm của toàn dân, phòng chống ma túy phòng chống tội phạm là trách nhiệm và nghĩa vụ của toàn dân… Thì việc yêu nước, phản đối Trung quốc gây hấn, nêu lên những ý kiến để góp phần xây dựng đất nước được tốt đẹp hơn, không thể là việc của riêng Đảng và Nhà nước được, mà cũng là trách nhiệm và quyền lợi của mọi người dân đều có quyền tham gia.

Anh Công an còn nói với tôi: Em là một trí thức trẻ, mới ra trường, kiến thức của em tỉnh ta đang cần, em có thể làm việc để phục vụ quê hương Đất nước… Thấy không liên quan vấn đề nên tôi không trả lời, và tôi cũng có nói thêm là: Về việc ký tên theo em nghĩ cũng là bình thường thôi, nếu khi gửi Kiến nghị lên các cơ quan chức trách, sau khi xem xét nếu thấy chưa đúng, hoặc không hài lòng thì họ có quyền bác bỏ. Còn các anh cứ gọi người lên tra hỏi, làm hình sự hóa vấn đề, cũng không hay và không có lợi cho các anh đâu…

Và gần cuối buổi làm việc anh Công an bảo tôi ghi một bản tường trình về việc ký tên, về cơ bản, tôi cũng ghi những gì tôi biết tôi làm (như đã có một lần làm việc với nhà trường). Đồng thời anh Công an ghi biên bản, cũng ghi lại những điều tôi làm việc với Công an trong gần hai giờ đồng hồ vào sáng nay, ghi xong thì đưa cho tôi đọc, sau khi đã đọc thấy đúng những gì tôi đã trả lời thì tôi ký vào đúng như anh Công an yêu cầu.

Cuối cùng, anh Công an Trung tá nãy giờ hỏi tôi có vẽ nghiêm mặt lại và nói hơi mạnh là: Tôi khuyên em sau này nếu có những việc tương tự như thế này em không nên tham gia vào, không có lợi cho em, hôm nay chỉ làm việc 'đơn giản', nhưng hôm sau nếu gọi em lên sẽ có người khác làm việc và sẽ vất vả cho em hơn nhiều.

Một phần anh Công an Trung tá nói hơi nhanh, một phần những gì cần nói về điều này tôi cũng đã trình bày rồi nên đến đây tôi không nói gì.

Nói xong anh ta bảo: Buổi làm việc của chúng ta là 'thoải mái' nhé! Và tới đây là kết thúc, em có thể về nhà.

Tôi tưởng tới đó có lẽ xong. Nhưng bỗng dưng hai hôm sau, một điều tôi không nghĩ tới và không muốn nghĩ tới lại xảy ra, đó là khi tôi đang đến chơi ở nhà một người bà con thì có một người gọi điện thoại xưng là Công an hôm trước đã làm việc với tôi, và hỏi tôi: Địa chỉ email của em là gì? Địa chỉ email mà em thường dùng đó. Tôi trả lời: Địa chỉ email là chuyện riêng tư cá nhân không thể cung cấp cho anh được. Anh ta bảo: Tôi là Công an, em phải đưa địa chỉ email cho tôi. Tôi trả lời: Hộp thư email của em không có gì mờ ám nhưng em cũng không thể đưa, vì đây là những chuyện riêng tư của em, còn các anh cứ nhất quyết đòi email của em, thì việc làm của các anh là sai trái. Anh Công an trả lời với vẻ khó chịu: Được rồi, nếu em không cung cấp email thì chúng tôi sẽ tiếp tục mời em lên làm việc với Công an tỉnh. Nói xong anh ta liền cúp máy.

Trên đây là những gì tôi gặp phải với Công an qua chuyến về quê nghỉ hè. Tôi thấy thật là 'khó hiểu'! Tại sao chỉ là một việc Công dân  ký tên để bày tỏ một chút ý kiến trước những gì mình cảm thấy chưa hài lòng, để mong xã hội công bằng hơn, văn minh hơn, dân chủ hơn như khẩu hiệu Nhà nước đề ra mà hết nhà trường rồi đến Công an tỉnh lo lắng, phải mất thời giờ, phải tra hỏi…!?

Thật buồn thay!

N.T.L.

Nguyễn Quang Lập : Ngài rất không bình thường, thưa Bộ trưởng! (Bộ Giáo Dục - Đào Tạo)

Nguồn quechoa

Trả lời pv báo Tuổi trẻ, khi nói về tình trạng có hàng ngàn điểm không môn lịch sử ở kì thi đại học vừa qua, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận đã giải thích  như vầy: "Theo tôi, trong một kỳ thi như kỳ thi đại học vừa qua, có hàng ngàn điểm 0 là bình thường. Đây là kỳ thi cấp quốc gia, là thi tuyển, với mục đích phân loại để làm rõ đâu là người giỏi, người khá, đâu là người yếu kém."  Mình đang uống nước, đọc đến đoạn này bỗng sặc nước, phun ướt cả máy tính. Từ thuở cha sinh mẹ đẻ đến giờ chưa nghe một ông bộ trưởng giáo dục nào lại phát ngôn làm mình sốc đến như vậy.

Với 98% thí sinh có điểm sử dưới trung bình, trong đó có hàng ngàn điểm không khiến thiên hạ giật mình kinh hãi thì Bộ trưởng nói tỉnh bơ, cho đó là chuyện bình thường. Thất kinh.

Chính vì "Đây là kỳ thi cấp quốc gia, là thi tuyển, với mục đích phân loại để làm rõ đâu là người giỏi, người khá, đâu là người yếu kém", với kết quả như vậy thiên hạ mới giật mình hoảng hốt. Bộ trưởng không hề biết đỏ mặt xấu hổ, không hề biết đau xót thì quá lạ. Nếu chỉ là cuộc chơi " đố vui có thưởng" thôi, mà có mấy ngàn điểm không lịch sử người ta đã giật mình  lo lắng rồi, huống hồ đây là thi tuyển quốc gia, Bộ trưởng ơi là Bộ trưởng.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp, chủ tịch danh dự Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, đã viết như vầy: "Lịch sử không chỉ trang bị cho thế hệ trẻ những kiến thức cơ bản về lịch sử dân tộc và thế giới mà còn giữ vai trò quan trọng bậc nhất trong giáo dục chủ nghĩa yêu nước, các giá trị truyền thống và cách mạng, góp phần xây dựng nhân cách, bản lĩnh con người, giữ gìn bản sắc dân tộc…". Đại tướng viết vậy là để  tái khẳng định mạnh mẽ tầm quan trọng của việc dạy và học  sử, để cho kẻ ngu xuẩn nhất cũng phải nhớ. Chả biết Bộ trưởng đã đọc chưa. Mà chưa đọc thì cũng phải biết điều đó chứ, một ông giáo dạy sử cấp 2 còn biết nữa là Bộ trưởng.

 Chắc chắn Bộ trưởng thừa biết lứa học sinh thi đại học năm nay, dăm mười năm nữa sẽ là lực lượng nồng cốt  xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Thử hình dung mà xem, chuyện gì sẽ xảy ra khi lực lượng nồng cốt xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ấy có 98% mù tịt về lịch sử nước nhà, trong khi Trung Quốc lúc nào cũng muốn nuốt chửng nước ta? Chuyện gì sẽ xảy ra, thưa Bộ trưởng?

Bộ trưởng cũng thừa biết, từ  phim " Lý Công Uẩn, đường đến thành Thăng Long", phố đèn lồng ở Thanh Hóa, xây Vạn lý trường thành ở Đà Lạt…. đến việc mất đất ở biên giới, coi Hoàng Sa "chỉ là bãi chim ỉa", đàn áp và khinh bỉ người biểu tình yêu nước, đục bia ở Lạng Sơn bỏ bia ở Nghệ An… có nhiều lý do, nhưng một lý do không thể bỏ qua, ấy là việc dốt sử. Không lẽ Bộ trưởng không biết xấu hổ, không biết đau, không biết lo lắng về điều đó hay sao.

Cho nên, với dự án  xây dựng bộ sách giáo khoa 70 nghìn tỉ, và với phát ngôn phi giáo dục, vô trách nhiệm như đã nêu trên, xin nói thật với Bộ trưởng như vầy: Ngài rất không bình thường, thưa Bộ trưởng!

 Tặng ngài hai cái ảnh này để ngài hiểu thêm hậu quả của việc dốt sử.