Thứ Bảy, 8 tháng 4, 2017

Tô Văn Trường: Cái chết được báo trước, tại sao không biết sợ?

Nguồn: http://boxitvn.blogspot.com/2017/04/cai-chet-uoc-bao-truoc-tai-sao-khong.html

 -- via my feedly newsfeed

Trong xu thế hội nhập và toàn cầu hóa thì việc tiếp nhận, chuyển giao công nghệ là chuyện tất nhiên, nhất là đối với những quốc gia có điểm xuất phát thấp như Việt Nam. Nhưng trong cái khí thế hừng hực của làn sóng đầu tư nước ngoài ấy không ít lần, chúng ta đã bị dội những thùng nước lạnh, những phản đòn đau đớn với những thiệt hại không chỉ tính bằng sức khoẻ hàng trăm ngàn người lao động, hàng chục ngàn tỷ đồng tài sản mà còn là sự suy giảm niềm tin vào những chủ trương chính sách thu hút vốn đầu tư.

Nguyên nhân cơ bản của tình trạng này là sự yếu kém (cả liều lĩnh nữa) trong quản lý điều hành của nhiều cơ quan từ trung ương đến địa phương và cá nhân có trách nhiệm khi nhắm mắt ký kết nhập những công nghệ lạc hậu từ nước ngoài, mà điển hình là từ ông bạn láng giềng phương Bắc. Đó là cái chết được báo trước cho đồng bào mình, vậy tại sao những ông quan ấy không biết sợ? Có phải vì "quan trí" kém không, hay còn vì những lý do khác rất cần được "mổ xẻ"!

Trung Quốc, phát triển kinh tế bằng mọi giá, không chú trọng đúng mức đến việc kiểm soát ô nhiễm môi trường, đặc biệt là môi trường không khí nên dẫn đến tình trạng báo động đỏ như hiện nay. Ở Việt nam ô nhiễm nước đã được quan tâm nhiều hơn nhưng ô nhiễm không khí thì hầu như vẫn còn rất mơ hồ.

Bài học của các nước trên thế giới

Ở Trung Quốc và Ấn Độ đã có trên 100 địa điểm, xây dựng nhà máy điện than với tổng công suất 68 GW đã bị đóng băng tại chỗ. Thực tế là khắp thế giới, nhiều công trình nhà máy nhiệt điện đang bị đóng băng nhiều hơn là các công trình bước vào xây dựng do lượng khí thải từ những nhà máy này gây ô nhiễm môi trường đến mức báo động.

Theo thống kê, khởi công xây dựng các nhà máy điện than bước vào giai đoạn xây dựng giảm 62%. Trong khi đó, nhất là ở Mỹ và Châu Âu, các nhà máy điện than với tổng công suất 64 GW ngừng hoạt động do quá 'đát' trong hai năm qua.

Chính phủ Trung Quốc đã ban hành một quyết định làm giảm vai trò của than, bao gồm một loạt hạn chế than, trong đó năm 2016 dừng phê duyệt các nhà máy điện than mới ở 13 tỉnh và khu vực. Đóng cửa các nhà máy điện than đã hết hạn. Trong Kế hoạch 5 năm lần thứ 13 của Trung Quốc chỉ có trần công suất điện than là 1.100 GW. Ngày 20/3/2017, Trung Quốc tuyên bố dừng tất cả các nhà máy điện than ở khu vực Bắc Kinh.

Ấn Độ vẫn còn đang thấm đòn với bước phát triển nhanh điện than của mình. Công suất điện than tăng gấp ba lần trong giai đoạn 2007 và 2017, từ 71.121 MW lên 211.562 MW. Nhu cầu đã không dừng, vì thế những yếu tố công suất thấp và tính kinh tế của các nhà máy bị cuốn hút xuống. Dự thảo Kế hoạch Chiến lược Quốc gia của Chính phủ Ấn Độ trong tháng 12/2016 cho biết không có công suất điện than tiếp theo nằm ngoài những công suất hiện đang xây dựng cần thiết ít ra cho mãi tận năm 2027.

Trong hầu hết các nước OECD, Nhật Bản cũng có kế hoạch điều chỉnh quá độ về than: Nước này chỉ xây dựng 1.950 MW điện than trong 5 năm qua, nhưng 4.256 MW hiện đang xây dựng và 17.343 MW trong giai đoạn tiền xây dựng. Đấy là một phần để đáp lại việc đóng cửa các nhà máy điện hạt nhân sau thảm họa Fukushima. Nhật Bản cam kết thực hiện Công ước về khí hậu Paris, vì thế sẽ có những áp lực chống trợ cấp.

Cuộc chiến than giờ đây chuyển sang phần còn lại của thế giới đang phát triển. Theo các chuyên gia quốc tế, Trung tâm của trọng lực đối với than dường như là đang chuyển sang các nước như là Thổ Nhĩ Kỳ, Indonesia, và Việt Nam.

Tác hại của các nhà máy nhiệt điện than

Khi xây dựng nhà máy nhiệt điện, cái lợi có thêm nguồn cung cho nhu cầu phát triển kinh tế nhưng tác hại của nó cũng khôn lường, đặc biệt là các công nghệ lạc hậu của Trung Quốc. Ô nhiễm do nhiệt điện than là khí thải + bụi (tro bay) và xỉ lò. Còn nước làm mát và một vài yếu tố nhỏ nữa thì không đáng kể.

Phần khí thải, chất được quan tâm nhiều nhất là SO2 vì trong than lượng S khá lớn (tùy loại và vùng than). Về độc học, SO2 chủ yếu tác động lên đường hô hấp. Ở nồng độ 2 mg/m3 có thể gây ra các bệnh về phổi. Về ngưỡng cho phép thì Mỹ là 0,25 ppm (tiếp xúc 24 giờ), một số tài liệu đưa ra số liệu là 0,1 đến 0,15 mg/m3. Bản thân SO2 không độc bằng một số khí độc khác, song do sự phát thải quá lớn, cho nên nó được quản lý rất chặt. Còn NOx và CO trong khí thải nhiệt điện than là sự quan tâm thứ hai.

Phần bụi (tro bay), ở đây thành phần chủ yếu là các hạt chất rắn từ vài nanomet đến cả trăm micromet của hai loại chính là than chưa cháy hết và các oxit kim loại thường gặp (nhôm, sắt, can xi và silic) nóng chảy/bay hơi/ngưng tụ lại. Độc tính tác động chủ yếu theo kiểu tác động của bụi. Phần xỉ (phần rơi xuống đáy lò) chỉ chiếm phần nhỏ tùy thuộc vào công nghệ, loại than và lò đốt. Phần này, có thể có chứa một số kim loại nặng, thậm chí cả phóng xạ (tùy nguồn than sử dụng).

Hình ảnh nhà máy máy nhiệt điện Vĩnh Tân (Ảnh trên mạng)

Về phần khí thải, nếu xử lý nghiêm túc theo các công nghệ hiện hành và phổ biến thì có thể giảm thiểu tới mức cho phép. Phần bụi thì hầu hết các nhà máy đều đã xử lý (thông thường là cyclon và lắng tĩnh điện). Phần này xử lý nghiêm túc thì cũng đạt chuẩn cho phép.

Các sản phẩm sau xử lý hiện nay mới đáng quan tâm; đó là tro, xỉ và thạch cao bẩn lẫn vôi. Hiện nay, không đủ chỗ chứa và chưa có giải pháp xử lý hiệu quả. Cái chuyện ô nhiễm thứ cấp này đang là hiện hữu và tiềm ần nhiều rủi ro.

Bộ Công thương đã ban hành một danh sách các dự án có nguy cơ ô nhiễm môi trường cao. Trong đó, có nhiều dự án nhiệt điện góp mặt trong danh sách này: nhà máy nhiệt điện Thái Bình 1, Vĩnh Tân 2, Vĩnh Tân 4, Vĩnh Tân 4 mở rộng, Duyên Hải 1, Duyên Hải 3, Duyên Hải 3 mở rộng và Công ty Cổ phần Nhiệt điện Quảng Ninh.

Hiện trạng

Thế giới, có xu hướng giảm nhiệt điện than là chính xác. Kiểu gì thì nhiệt điện than cũng gây ô nhiễm môi trường và phát thải khí nhà kính lớn nhất. Tuy nhiên, thay nó bằng gì, đấy là một vấn đề rất phức tạp vì giá than vẫn là rẻ nhất so với các nguồn năng lượng còn lại.

Tình hình ở Việt Nam, nhiệt điện khí thì cần có mỏ khí và ta đã khai thác hết mức rồi. Nhiệt điện dầu thì việc nhập dầu đắt cứa cổ không theo được. Thủy điện cũng đã cạn nguồn rồi mà phát triển thủy điện cỡ nhỏ thì "lợi bất cập hại"! Năng lượng tái tạo thì nhìn chung chỉ mang tính nghiên cứu và bắt đầu ứng dụng một vài nơi, chứ không đáp ứng được nhu cầu mức cao như hiện nay. Điện nguyên tử thì đã dừng rồi.

Hiện tại, cơ chế về điện năng lượng tái tạo nói chung chưa thực sự hấp dẫn các nhà đầu tư. Điện mặt trời cho đến nay vẫn chưa được Thủ tướng phê duyệt cơ chế giá điện, gây không ít khó khăn cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Chi phí R&D cho phát triển năng lượng tái tạo chưa có, nên mọi việc phát triển manh mún, thiếu định hướng.

Giải pháp

Trước hết cần rà soát lại quy hoạch điện VII (QĐ số 428/QĐ-TTg ngày 18/3/2016 của Thủ tướng Chính phủ) hiệu chỉnh lại cho phù hợp với chủ trương dừng đầu tư các dự án điện hạt nhân. Khi lập đề án Quy hoạch điện VII điều chỉnh chỉ do một nhóm người của IE-MOIT lập với chi phí tư vấn hạn chế, nên có khả năng chỗ nào thiếu nguồn điện không cân đối được thì họ lại "nện" cho dự án nhiệt điện than là xong công việc của họ.

Cấm nhậu khẩu công nghệ lạc hậu, tiêu thụ điện nhiều và gây ô nhiễm môi trường như xi măng, thép,... tuyên truyền người dân sử dụng thiết bị tiết kiệm năng lượng.

Tạo rào cản, ngăn chặn công nghệ lạc hậu của Trung Quốc ào ạt vào Việt Nam. Cần lắng nghe ý kiến của các chuyên gia có năng lực và chính kiến. Ngay cả trong ngành y tế cũng có tình trạng người mua thuốc kém thông tin và không thèm tham khảo ý kiến chuyên gia, trong những đợt mua thuốc của Pháp ngay sau năm 1954, phần lớn là Dagenan (một loại Sulfamid đã cũ). Về công nghệ thì nhiều người biết là ông Lý Ban (cố Thứ trưởng Bộ Ngoại thương) năm 1960 mua về từ Trung Quốc một máy gọi là mới, nhưng thuộc mẫu mã của những năm 30.

Về công nghệ nhiệt điện, Việt Nam cần chuyển sang nhà thầu Nhật, Hàn Quốc. Những nhà máy của ta đầu tư sau này thì thiết bị chính bao gồm lò hơi và tua bin thì bao giờ cũng mua của Nhật hoặc từ các hãng nổi tiếng trên thế giới. Nhiều hãng có đặt nhà máy ở Trung Quốc nhưng chất lượng vẫn do các hãng đó đảm bảo như Babcock Wilcox, Alstom, Mitshubishi, IHI, v.v.

Nếu thiết kế thi công tốt, giám sát chặt chẽ, đầu tư đầy đủ thì vấn đề ô nhiễm môi trường có thể giải quyết cơ bản. Nếu không thực hiện tốt thì cho dù công nghệ tốt, nó vẫn gây ra vấn đề. Gần đây, người ta cũng nói nhiều về công nghệ than sạch thì thực ra nó cũng chỉ là công nghệ nâng cao được hiệu suất sử dụng than mà thôi. Ví dụ như công nghệ siêu tới hạn hoặc trên siêu tới hạn thì bản chất nó chỉ là nâng cao được thông số áp suất và nhiệt độ hơi quá nhiệt của hệ thống lò hơi để hiệu suất chu trình có thể nâng được từ khoảng 37% đến 41%.

Trên thế giới, cũng có loại hình công nghệ theo kiểu khí hóa than bằng oxy nguyên chất rồi sau đó sản phẩm khí sinh ra dùng để chạy tuabin khí rồi khí thải của tua bin khí lại dùng để sinh hơi và chạy tua bin hơi để phát điện gọi là công nghệ IGCC (Integrated Gasification Combined Cycle). Công nghệ này thì là công nghệ sạch nhưng mới và độ tin cậy chưa cao. Ngoài ra, còn có công nghệ đốt thải xỉ lỏng nhưng cấu tạo phức tạp, đắt tiền nên cũng chưa áp dụng nhiều lắm.

Khi khoa học công nghệ phát triển tốt hơn thì ta có thể sử dụng loại năng lượng bẩn hơn mà vẫn phát thải sạch hơn. Đó mới là công nghệ vì nguồn nhiên liệu thì đa dạng và tùy theo nguồn lực có sẵn của mỗi nước. Báo chí hay nói nhiệt điện than là công nghệ lạc hậu, cần phân biệt than là nguồn nhiên liệu chứ không phải công nghệ. Nếu ta tận dụng được nó cho nhu cầu của ta mà đảm bảo không ô nhiễm môi trường thì ta có công nghệ nhiệt điện than hiện đại.

Vấn đề là ở chỗ thể chế và con người, khi thể chế và con người tốt sẽ tạo ra cơ chế và giám sát thực hiện cơ chế tốt. Khi có cơ chế tốt rồi thì doanh nghiệp và người dân sẽ thực hiện theo cơ chế đó một cách hiệu quả.

Việt Nam nên có chính sách phát triển năng lượng tái tạo. Hiện nay, Việt Nam chỉ nói là chính, nhưng không có hành động cụ thể. Nếu Việt Nam không chú trọng phát triển công nghiệp nặng (nhất là cho nước ngoài), mà chỉ nên định hướng vào ngành công nghiệp thông minh thì nhu cầu điện không lớn như đã đề ra. Cần rà soát lại quy hoạch cơ cấu công nghiệp vẫn ham hố luyện thép, nhôm, khai thác bauxite ... rất tốn điện, nước và gây thảm hoạ môi trường.

Đề xuất Bộ Công thương xem xét:

-Tổ chức nghiên cứu phát triển về năng lượng tái tạo, mỗi tỉnh/thành nên có đại diện theo cơ chế mở. Nghiên cứu đề xuất hành lang pháp lý về kỹ thuật như xây dựng các tiêu chuẩn, quy chuẩn. Nghiên cứu đề xuất lộ trình phát triển điện năng lượng tái tạo phù hợp với phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương.

-Tham gia, viết báo cáo tổng kết quốc gia về năng lượng tái tạo gửi IEA để chia sẻ thông tin để quảng bá tiềm năng về năng lượng tái tạo tại Việt Nam nhằm thu hút các nhà đầu tư nước ngoài giống như các quốc gia Thái Lan, Malaysia, Philippines... Từng bước, xây dựng đội ngũ chuyên gia tư vấn đủ mạnh về số lượng lẫn chất lượng để có thể thực hiện tốt các dự án.

- Tạo cơ chế thông thoáng cho các nhà đầu tư, hạn chế nhũng nhiễu của chính quyền địa phương đối với nhà đầu tư trong quá trình xin thủ tục đầu tư.

- Lập Quy hoạch điện mặt trời toàn quốc hoặc theo từng tỉnh/thành, qua đánh giá sơ bộ về tiềm năng điện mặt trời của Việt Nam lên đến 70GWp trên cơ sở giả thuyết sử dụng 15% diện tích đất chưa sử dụng và diện tích đất chuyển mục đích sang rừng sản xuất của các tỉnh khu vực miền Trung, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ, v.v.

- Điều chỉnh giá điện để các giải pháp tiết kiệm năng lượng có tính khả thi cao hơn, khuyến khích được tinh thần tiết kiệm năng lượng trong toàn dân và các cơ sở sản xuất thông qua ý thức, quản lý.

- Khuyến khích được các hệ thống đồng phát trong công nghiệp như tận dụng nhiệt thừa của nhà máy xi măng cho phát điện,

- Đối với nhà máy nhiệt điện than thì phải phấn đấu để có được các nhà máy có thông số siêu tới hạn qua đó hiệu suất chu trình có thể tăng từ 37% của nhiệt điện truyền thống lên tới 41% của nhiệt điện thông số siêu tới hạn. Tuy nhiên, nhiệt điện thông số siêu tới hạn chưa quen, chi phí đầu tư lớn nên còn đang ngại ngần vì chưa cảm thấy an tâm.

Thay cho lời kết

Việt Nam vẫn chưa thoát khỏi tiếp tục làm điện than, vì là nước đang phát triển. Nhưng vấn đề là ta làm điện than trong khi thế giới công nghiệp thoái lui, nên họ có nhu cầu chuyển công nghệ mà họ thải bỏ sang ta. Vấn đề quan trọng nhất là chọn công nghệ tiên tiến nhất, chứ không phải là công nghệ lạc hậu, nhất là công nghệ rác họ đang tìm mọi thủ đoạn để tống khứ đi.

Hiện nay, sử dụng công nghệ rác của Trung Quốc đã chứng tỏ thiệt hại đủ đường, và không hề rẻ nếu tính đủ chi phí, đang là gánh nặng và sẽ là "của nợ" trong tương lai gần. Trung Quốc rất giỏi việc mua chuộc khách hàng để bán hàng thải bằng các thủ đoạn hối lộ.

Ngay bây giờ, Chính phủ và các nhà khoa học phải đầu tư tiền của và trí lực để sớm phát triển nguồn điện theo hướng sử dụng năng lượng điện tái tạo có tiềm năng lớn.

Đừng để đất nước phải lụi tàn vì cái chết do công nghệ lạc hậu nhập ngoại.

T. V. T.

Tác giả gửi BVN.

Thứ Sáu, 7 tháng 4, 2017

Đào Công Tiến: Nhớ lại và suy ngẫm từ mấy câu chuyện sau 30-4-1975

Nguồn: http://boxitvn.blogspot.com/2017/04/nho-lai-va-suy-ngam-tu-may-cau-chuyen.html

 -- via my feedly newsfeed

Ngày 30-4-2017 đang đến gần, tiếp tục gợi nhớ và thôi thúc suy ngẫm về những sự kiện lớn – kết thúc chiến tranh Việt Nam kéo dài 30 năm (1945-1975) và bắt đầu một "giai đoạn mới" cho thời hậu chiến của miền Nam nói riêng và Việt Nam nói chung.

Mừng hòa bình, độc lập, thống nhất đất nước, chia sẻ khát vọng "xua kẻ thù đi mau", "dập tắt chiến tranh đẫm máu", "đập tan bao đau khổ và chia ly" của cố nhạc sĩ Hoàng Việt đã thành hiện thực [[1]]. Tuy nhiên, còn nhiều khát vọng vẫn chưa thành.

"Giai đoạn mới" lẽ ra phải dành cho việc khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội trên tinh thần "khoan sức dân", vì dân sinh dân chủ, nhưng điều đó không diễn ra được vì những sai lầm của việc áp đặt một mô hình được gọi là "xã hội chủ nghĩa Xô Viết" và cả "xã hội chủ nghĩa đặc sắc Trung Quốc" cùng tự nhận là của chủ thuyết Mác-Lênin, đã từng bị phá sản và thậm chí đã sụp đổ sau đó ở Liên Xô và Đông Âu cùng hệ thống xã hội chủ nghĩa của nó.

Mô hình sai lầm đó đã kìm hãm đất nước trong suốt hơn 40 năm qua kể từ 30-4-1975, từ đỉnh cao kết thúc chiến tranh thắng lợi rơi xuống vũng bùn của sự trì trệ và lạc hậu so với những nước trong khu vực từng có cùng một xuất phát điểm về trình độ kinh tế và năng suất lao động như Việt Nam, nay muốn đuổi kịp họ phải mất từ 30 đến 50 năm (với một giả thiết ngớ ngẩn là họ dừng lại để đợi ta!).

Khát vọng từ dân – khơi nguồn cho suy ngẫm

Môi trường hòa bình độc lập thống nhất đất nước sau 30-4-1975 khơi dậy nhiều khát vọng trong cộng đồng các dân tộc Việt với niềm hy vọng thiết tha là có được cơ hội để mọi gia đình được đoàn tụ, láng giềng tối lửa tắt đèn có nhau, cùng cắm nén tâm hương, tưởng niệm dành cho nạn nhân chiến tranh với cả nhiều triệu người thân yêu của hàng triệu gia đình, đã đi với chiến tranh mãi không về. Ưu tiên hàng đầu vì thế mà cũng rất hiển nhiên là cùng chung sức chung lòng lo chữa lành các vết thương chiến tranh và giữ cho chúng không rỉ máu trở lại, lo xóa đói giảm nghèo, lo cho con trẻ được đến trường, người bệnh được chữa trị, người già cả, neo đơn được chăm sóc. Và, để xây dựng lại non sông, đất nước ta "đàng hoàng hơn, to đẹp hơn", rút ngắn khoảng cách tụt hậu để "cùng sánh vai với các nước trên thế giới".

"Giai đoạn mới" và những lựa chọn phải trả giá đắt

Đại hội Đảng IV (1976) và Đại hội Đảng V (1982) đều có nói đến "giai đoạn mới", "khôi phục cải tạo và phát triển kinh tế, cải tạo và phát triển văn hóa", được coi là nhiệm vụ trọng tâm, vừa cấp bách, vừa cơ bản của "giai đoạn mới" – giai đoạn bắt đầu của Cách mạng Việt Nam thời hậu chiến [[2]].

Tuy nhiên, với tâm lý chủ quan duy ý chí, thậm chí cả bệnh kiêu ngạo thường có ở "người thắng cuộc" cùng với bệnh giáo điều tiếp tục "trung thành vô hạn" – với chủ nghĩa xã hội theo chủ thuyết Mác - Lênin [[3]] vốn rất mù mờ về lý thuyết và trên thực tế đã và đang lún sâu vào khủng hoảng rồi phá sản và sụp đổ. Nhận thức lệch lạc đó đã đưa đến những quyết sách sai lầm khiến cho dân tộc phải trả cái giá quá sức nghiệt ngã.

1. Hệ thống phát ngôn của Đảng, bằng bộ máy thông tin tuyên truyền từ trung ương đến địa phương, đến cả loại hình "văn hóa loa phường", vẫn tiếp tục một chiều, nặng về "thắng và thua", "công lao, thành tích và tội lỗi", "ta, bạn, thù và kích động hận thù", và gần đây còn là "suy thoái tư tưởng chính trị, tự diễn biến, tự chuyển hóa"… Cứ thế mà duy trì sự khác biệt và phân biệt đối xử trong cộng đồng các dân tộc Việt và ngay cả trong nội bộ Đảng Cộng sản.

Chiến tranh đã dần lùi xa mà mức độ nặng nề của sự khác biệt và phân biệt đối xử từ lúc chiến tranh vẫn còn cứ đeo bám trong tâm lý đời thường. Duy trì sự khác biệt và phân biệt đối xử, còn tạo ra sự thiếu công bằng trong giáo dục, y tế… thậm chí còn gây thảm họa cả trong tình yêu đôi lứa – yêu nhau mà không lấy được nhau vì khác biệt và phân biệt đối xử.

Vẫn cứ một cách tuyên truyền sáo mòn cũ rích, nhai đi nhai lại những luận điệu mà không hiểu được rằng "một sự kiện chiến tranh khi nhắc lại có hàng triệu người vui, mà cũng có hàng triệu người buồn" như nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt lúc sinh thời đã nhắc nhở điều đó và ông từng đòi hỏi "đó là vết thương chung của dân tộc cần được chữa lành, thay vì tiếp tục làm cho nó thêm rỉ máu".

2. Trong cuộc chiến tranh kéo dài suốt 30 năm (1945-1975) máu người Việt đã thấm đẫm trên mảnh đất quê hương. Có lẽ cũng khỏi phải nhắc lại những con số thống kê về bom đạn rải xuống ruộng đồng, sông suối, núi rừng trên đất nước này bằng bao nhiêu phần bom đạn trong chiến tranh thế giới lần thứ hai! Cũng chẳng cần phải nhắc lại những di hại của chất độc dioxin sẽ còn để lại những di chứng trong bao nhiêu lâu nữa trên da thịt của bao thế hệ Việt, cho nòi giống Việt! Những tranh cãi dai dẳng về "ý thức hệ" rồi sẽ theo thời gian mà trôi vào dĩ vãng, song truyền thống Việt Nam mà ông cha bao đời gây dựng và truyền lại thì vẫn mãi mãi lưu chảy trong huyết quản người Việt vốn là một dân tộc chưa bao giờ chịu khuất phục. Đó là một chân lý không bao giờ thay đổi, như mặt trời mọc từ hướng Đông và lặn về hướng Tây.

"Chiến tranh Việt Nam" mà người Việt và bè bạn trên thế giới thường nhắc đến là như vậy đấy – là một cuộc chiến mang đậm bản chất truyền thống yêu nước của người Việt. Song, chiến tranh Việt Nam đó cũng là cuộc chiến bị can thiệp, bị lợi dụng và phụ thuộc bởi tham vọng bá quyền của các nước lớn "theo cộng sản" và "chống cộng sản" trong "cục diện chiến tranh lạnh" trên thế giới sau Đại thế chiến thứ II.

Có những nghiên cứu về Trung Quốc, không xếp Trung Quốc vào phe "theo cộng sản" trong "cục diện chiến tranh lạnh" bởi, thực chất mà nói thì Trung Quốc đã và đang theo "chủ nghĩa Đại Hán" chứ không theo chủ nghĩa xã hội - chủ nghĩa cộng sản và quốc tế vô sản của chủ thuyết Mác - Lênin, mà mộng bành trướng bá quyền của "chủ nghĩa Đại Hán" không "cho phép" Trung Quốc lép vế với các nước lớn khác trong "cục diện chiến tranh lạnh". Từ khi kết thúc nội chiến, Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa ra đời, trên danh nghĩa đứng trong phe xã hội chủ nghĩa nhưng Trung Quốc không bao giờ phục tùng Liên Xô mà còn tranh chấp với Liên Xô, thậm chí còn đi với Mỹ chống Liên Xô. Với Việt Nam, Trung Quốc nhúng tay "lèo lái" việc chọn giải pháp "chia đôi đất nước" thành hai miền Nam, Bắc tại vĩ tuyến 17 ngay sau cuộc kháng chiến chống Pháp với Điện Biên Phủ kết thúc thắng lợi – sự kiện bị coi là "ươm mầm chia rẽ dân tộc" và dẫn đến cuộc chiến tranh phải trả giá đắt. Trung Quốc "ủng hộ" Việt Nam chống Mỹ còn nhằm mục tiêu đẩy vòng vây chống cộng sản của Mỹ ra xa biên giới Trung Quốc và cũng sẵn sàng quay lưng lại với Việt Nam, chống Việt Nam khi chuyển sang đi với Mỹ, nhất là vào giai đoạn cuối của cuộc chiến tranh 30 năm. [[4]]

Sự can thiệp, lợi dụng của các nước lớn như đã nêu ở trên đã biến cuộc "chiến tranh Việt Nam" thành cuộc chiến tranh nóng (trong cục diện chiến tranh lạnh) lớn nhất, kéo dài nhất, đẫm máu nhất và là cuộc chiến tranh "huynh đệ tương tàn" tồi tệ nhất trong lịch sử chiến tranh của Việt Nam và thế giới sau Đại thế chiến thứ II. Và cái giá mà đất nước và con người Việt Nam phải gánh chịu, là quá lớn, quá đắt. Trong chiến tranh, có nhiều triệu người ngã xuống, nhiều triệu gia đình mất người thân yêu và sống trong đau khổ và chia ly… Trong hậu chiến, với trên 40 năm đã qua mà còn cả triệu người mang thương tích chiến tranh trên mình chưa chữa lành, môi trường sống bị chiến tranh tàn phá còn chưa khôi phục được, chất độc dioxin, bom mìn sót lại vẫn còn gây đau thương cho người dân vô tội… Và, cuộc chiến tranh đó đã và đang còn để lại trong cộng đồng các dân tộc Việt những vết thương của sự chia rẽ và lòng người ly tán do bất đồng ý thức hệ và thù hằn bởi "chiến tranh đẫm máu", "đau khổ và chia ly" còn hằn sâu chưa tháo gỡ được. Vì thế đạo lý cần có sau khi chiến tranh kết thúc không phải là chia rẽ người Việt với nhau do vẫn tiếp tục duy trì sự khác biệt và phân biệt đối xử, càng không thể là kích động hận thù và trả thù của bên này đối với bên kia, mà phải là hòa giải hòa hợp dân tộc trên nền tảng của chủ nghĩa yêu nước, chủ nghĩa nhân văn, với lòng nhân ái, sự chân thành và khoan dung của con người Việt Nam. Những hành xử không trên tinh thần đó, chẳng hạn như tập trung cải tạo, phạt vạ, tù đày… của "bên thắng cuộc" đối với "bên thua cuộc" đã đến lúc phải có lời thành tâm sám hối và xin lỗi.

3. Cuộc chiến hết sức khốc liệt kéo dài 30 năm đã vắt kiệt sức dân ta, sau 30-4-1975 nền kinh tế bị chiến tranh tàn phá đó lẽ ra phải được khôi phục và phát triển trên tinh thần "khoan sức dân". Nhưng điều đó không diễn ra được vì đường lối cải tạo xã hội chủ nghĩa đã giành hết chỗ cho nó, còn đâu cho khôi phục và phát triển vì dân sinh, dân chủ. Một bộ phận không nhỏ dân nghèo đô thị bị đưa đi kinh tế mới lâm vào cảnh sống "khốn cùng" – "không còn gì để ăn, còn đất (ở vùng kinh tế mới) đâu dễ cạp". Câu nói này xác thực cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng của sự "khốn cùng" đó. Trên những cánh đồng trồng lúa ở Đồng bằng sông Cửu Long và Duyên hải miền Trung, các hộ gia đình nông dân phải gác lại những công việc đồng áng vốn quen thuộc để đi vào con đường "làm ăn tập thể" theo mô hình hợp tác xã của miền Bắc được tạo dựng một cách trầy trật suốt 16 năm vẫn không gượng đứng dậy được, bị lún sâu vào khủng hoảng và đứng trên bờ vực của sự phá sản, để rồi người trồng lúa thiếu gạo ăn, cả nước phải gặm bột mì và ăn bo bo.

Trong công nghiệp, thương nghiệp, Đảng chủ trương "đánh" kinh tế tư hữu, cấm đảng viên làm kinh tế tư bản tư nhân, "xây" kinh tế công hữu bằng những cách làm từ mô hình kinh tế xã hội chủ nghĩa vốn không thành công ở miền Bắc, đã làm cho kinh tế miền Nam mới ra khỏi chiến tranh vốn đã khó khăn, khó khăn hơn, đời sống của dân vốn đã cơ cực, cơ cực hơn.

Thời hậu chiến đã qua trên 40 năm sau 30-4-1975 mà tinh thần "khoan sức dân" vẫn chưa thấm được vào nhiều chính sách kinh tế. Chính sách giá, lương, thuế, phí vẫn tiếp tục vắt kiệt sức dân. Trong khi mức thu nhập GDP bình quân đầu người ở Việt Nam còn quá thấp và đang đội sổ thế giới (chỉ bằng 0.262 lần Trung Quốc, 0.257 lần Thái Lan, 0.158 lần Malaysia, 0.392 lần Indonesia và 0.604 lần Philippines) mà phải chịu những khoản thuế, phí quá cao, kéo dài nhiều năm, kể cả khi kinh tế khó khăn. Tiền lương tuy có điều chỉnh, nhưng chính sách tiền lương cơ bản không đổi vẫn trên nền lương tối thiểu không đáp ứng đủ nhu cầu tối thiểu của cuộc sống. Với thu nhập có được từ tiền lương không đủ sống như vậy, người dân lại phải chịu nhiều khoản thuế, phí quá cao, bởi phân phối trong nền kinh tế nghiêng quá nhiều về thu ngân sách cho đầu tư, chi phí và trả nợ công, cho cả thất thoát vì lãng phí và tham nhũng quá lớn. Thu ngân sách Nhà nước trung bình giai đoạn 2007-2011 so với GDP cùng kỳ lên tới 29%, chỉ tính riêng thuế, phí cũng đã lên đến 26.3%, cao gấp 1.4 đến 3 lần so với các nước trong khu vực (tỉ lệ này của Trung Quốc là 17.3%, Thái Lan và Malaysia là 13%, Indonesia là 12% và Ấn Độ là 7.8%). [[5]]

4. Hiện tình kinh tế như vậy đòi hỏi phải thay đổi cách nghĩ cách làm – phải Đổi mới. Người dân miền Nam nói riêng và cả nước nói chung, nhất là người dân tại nhiều cơ sở sản xuất kinh doanh, hộ gia đình nông dân, thợ thủ công và tiểu thương vì cuộc sống và lẽ sống của mình, họ đã tự phát "xé rào" vượt cơ chế chính sách hiện hữu đầy sai trái để cứu nguy kinh tế và đời sống. Đó là mũi đột phá từ dân – là cơ sở, gốc rễ của Đổi mới. Và, về cơ bản Đảng chấp nhận việc làm của dân như là chấp nhận giải pháp tình thế trước áp lực của khủng hoảng đã đến mức không chịu nổi. Đại hội Đảng VI với Nghị quyết Đổi mới đã chấp nhận cho phát triển sản xuất hàng hóa nhiều thành phần vận hành theo cơ chế có sự kết hợp giữa kế hoạch với thị trường và có sự điều tiết của Nhà nước. Theo đó, những rào cản "ngăn sông cấm chợ" được tháo gỡ trả lại sự tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho người sản xuất và người tiêu dùng, hợp thức hóa cách "khoán sản phẩm" trong hợp tác xã, mở đường cho kinh tế hộ gia đình được tự chủ và trở lại với vai trò của đơn vị kinh tế cơ sở ở nông thôn.

Đổi mới với hai mũi đột phá đó đã đưa kinh tế ra khỏi khủng hoảng và tạo được đà cho tăng trưởng. Thế nhưng, một số không nhỏ lý luận gia và những nhà lãnh đạo của Đảng, với kết quả Đổi mới vui một họ lo hai, ba thậm chí chín, mười, vì sợ "Đổi mới được kinh tế nhưng mất tư tưởng, được bộ phận nhưng mất tổng thể, được trước mắt nhưng mất lâu dài, được kết quả hiển nhiên nhưng xa rời mục đích và những nguyên tắc cơ bản, được của cải nhưng hỏng quan hệ sản xuất và con người". Sự mơ hồ trong tư duy Đổi mới như vậy đã làm cho Đổi mới không toàn diện, không triệt để – do dự, thiếu dứt khoát, nhất là đối với đòi hỏi đổi mới thể chế chính trị đi liền với đổi mới kinh tế.

5. Chiến tranh đã kết thúc và "giai đoạn mới" cũng đã đi được một khoảng thời gian dài, thế mà cách hành xử với nhân quyền, pháp quyền, quyền tự do dân chủ của công dân còn nhiều bất cập quá tệ hại:

Đạo luật cơ bản của Việt Nam, với Hiến pháp năm 1946 và với các lần sửa đổi sau đó, đã ghi "Tât cả quyền bính" hay "tất cả quyền lực" hoặc "tất cả quyền lực Nhà nước" "thuộc về nhân dân" [[6]]. Những quyền "thuộc về nhân dân đó" về danh nghĩa cũng không trọn, làm gì có thực chất vì với pháp quyền xã hội chủ nghĩa, giới lập pháp Việt Nam tự cho mình có quyền đưa vào Hiến pháp sửa đổi năm 1980, 1992 và 2013 những điều vi hiến – lấy quyền lãnh đạo Nhà nước, lãnh đạo xã hội duy nhất thuộc về Đảng Cộng sản, đặt lên trên các quyền thuộc về Nhân dân.

Để có một Nhà nước và một xã hội chấp nhận phục tùng "siêu quyền lực" đó của Đảng, Đảng đã thao túng việc bầu chọn sắp xếp nhân sự cho nó bằng một quy trình "đảng cử, dân bầu" chứ không phải "dân cử, dân bầu" để nó hành xử việc dân, việc nước theo ý Đảng chứ không phải ý nguyện của nhân dân.

Nhiều quyền tự do, dân chủ được ghi trong Hiến pháp quá hiển nhiên, nhưng trên thực tế không được thực hiện bởi có nhiều rào cản khó vượt: quyền tiếp cận thông tin không vượt qua được rào cản từ sự lạm dụng của việc giữ bí mật và bưng bít thông tin; quyền tự do bày tỏ chính kiến không vượt qua rào cản từ cấm "đa nguyên", và tương tự như vậy, quyền tự do hội họp, lập hội cũng không vượt qua được rào cản từ cấm "đa đảng".

Nổi cộm lên trong bức xúc của người dân là "quyền ra nước ngoài và từ nước ngoài về nước" có lúc bị ách tắc dẫn đến lén lút vượt biên, tạo nên thảm trạng "thuyền nhân". Quyền biểu tình chưa cho thực hiện vì chưa có luật biểu tình, bởi Quốc hội chưa quyết tâm, thậm chí chưa muốn làm. Quyển sở hữu tư nhân về đất đai là tư liệu sản xuất, là tài sản của công dân chưa được công nhận là nguyên nhân gây nhiều cản ngại đối với sản xuất kinh doanh, tạo ra nhiều tranh chấp gây bất ổn xã hội.

6. Cái giá phải trả cho những lựa chọn thiếu thấu tình, đạt lý trong cả quá trình dài của "giai đoạn mới" sau 30-4-1975 là quá lớn, quá đắt: tài nguyên và môi trường thiên nhiên bị phá nát, các thang giá trị bị đảo lộn, bất công xã hội gia tăng. Thiếu việc làm, lương thấp, thu nhập không đủ sống, đời sống khó khăn kéo dài suốt hơn 40 năm sau chiến tranh và hiện vẫn còn thấp xa so với hầu hết các nước trong khu vực. Thiếu an ninh, an toàn đối với người dân trong giao thông, phòng tránh bão lũ; bạo lực bạo hành từ trong gia đình đến ngoài xã hội, kể cả từ sự lạm dụng quyền lực của hệ thống công quyền gia tăng. Tham nhũng đã trở thành quốc nạn, không còn đơn thuần là tham nhũng tiền của mà còn là tham nhũng quyền lực và cấu kết với quyền lực trong các hệ thống nhóm lợi ích bất chính. Nền kinh tế vẫn bị chi phối bởi sự rối rắm về lý thuyết và sự hỗn loạn trong vận hành, vẫn kinh tế công hữu, kinh tế nhà nước là nền tảng, là chủ đạo, nắm giữ một bộ phận nguồn lực lớn nhất và cũng là nơi bị đục khoét lớn nhất bởi lãng phí và tham nhũng, nguồn lực trong dân với khu vực kinh tế dân doanh không được xem trọng nên làm cho nền kinh tế yếu từ gốc, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài vẫn nặng về khai thác nên góp sức chưa nhiều vào việc làm cho nền kinh tế mạnh lên và phát triển bền vững hơn, các lĩnh vực kinh tế nhạy cảm – tài chính, tín dụng, chứng khoán, bất động sản và một số ngành kinh doanh dịch vụ khác vẫn tiềm ẩn bất ổn.

Mấy đề xuất những việc cần làm

1. Cần tổ chức lễ tưởng niệm nạn nhân chiến tranh của cuộc chiến 30 năm (1945-1975) ở Việt Nam ngang tầm quốc lễ, thay vì chỉ là lễ mừng hòa bình, độc lập và thống nhất đất nước, như đã được tổ chức hàng năm suốt 41 năm qua. Quốc lễ tưởng niệm hàng năm, mỗi năm một lần, vào thời điểm thích hợp là lúc 11h30 ngày 30 tháng 4 (lúc đó của năm 1975 là thời điểm đội quân can thiệp Mỹ đã rút hết khỏi Việt Nam và tướng Dương Văn Minh – Tổng thống Việt Nam Cộng hòa đọc trên đài phát thanh Sài Gòn Tuyên bố đầu hàng vô điều kiện trước Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam).

2. Cần có lời thành tâm sám hối và xin lỗi từ Đảng Cộng sản tới nhân dân – cộng đồng các dân tộc Việt về những quyết sách sai lầm từng đưa đến những đau thương mà dân tộc phải gánh chịu như đã nêu ở trên.

3. Hòa giải, hòa hợp dân tộc là chuyện lớn của dân của nước không thể tiếp tục quay lưng lại được. Sám hối và xin lỗi nếu được thực hiện là sự thành tâm, thiết nghĩ rất cần có cho hòa giải hòa hợp dân tộc.

Cũng không dừng ở đó, những người có trách nhiệm phải dám đối mặt với sự thật, để nhận biết vấn đề căn cơ, gốc rễ là lòng tin của nhân dân đối với Đảng đã bị xói mòn đến cạn kiệt mà nguyên nhân cơ bản là sự độc đoán chuyên quyền, phản dân chủ trong định hình thể chế và điều hành bộ máy quản lý nhà nước và quản lý xã hội. Sự tha hóa của quyền lực càng ngày càng trầm trọng, đẩy tới sự tham nhũng ngày càng ăn sâu vào cốt tủy, càng chống càng tăng, đẩy tới nguy cơ sụp đổ không cứu vãn được. Chính điều này đã phá nát nền tảng của một xã hội như xã hội mà ta đang sống. Để giữ lấy độc quyền và siêu quyền cho mình, đảng đã quay lưng lại, loại bỏ mọi ý kiến khác của trí thức, nhân sĩ yêu nước, những tư vấn và phản biện tâm huyết và có tính khoa học để rồi không tránh được những sai lầm trong nhiều sự lựa chọn quyết sách phải trả giá đắt.

Lòng tin mà mất thì mất tất cả! Từ trong gia đình, đến ngoài xã hội, trong quan hệ giữa người với người không còn gì để tin cậy nhau thì chẳng còn gì để hòa giải, hòa hợp. Sẽ không có ngoại lệ cho hòa hợp, hòa giải dân tộc mà Việt Nam đang cần.

Thay lời kết

Càng ngẫm, càng buồn – cái buồn của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn về một "nước Việt buồn". [[7]]

Từ một "nước Việt buồn" thời "ngàn năm", "trăm năm" nô lệ bởi giặc Tàu, đô hộ bởi giặc Tây, đến một "nước Việt buồn" của cuộc chiến tranh "bốn nhất" – chiến tranh nóng (trong "cục diện chiến tranh lạnh") lớn nhất, kéo dài nhất, đẫm máu nhất và là cuộc chiến tranh "huynh đệ tương tàn" tồi tệ nhất. Rồi lại tiếp nỗi buồn từ sự "ngoảnh mặt, quay lưng" với một "nước Việt buồn" của một bộ phận không nhỏ trong cộng đồng người Việt (cả quan chức của bộ máy công quyền, của doanh nghiệp Nhà nước của đảng viên cộng sản và cả người dân), bời "ngu lâu" nên không nhận ra được "một nước Việt buồn"; bởi "tha hóa" vì "bả" vinh hoa phú quý và vì "quyền lực tuyệt đối, tha hóa tuyệt đối" nên mặc kệ một "nước Việt buồn", bởi "mất lòng tin" lâm vào chơi vơi, vô cảm với chính "nước Việt buồn".

Nỗi buồn về một "nước Việt buồn" như đã nêu ở trên là những câu chuyện thật, mà nguyên nhân không thể nào né tránh được – là thuộc về Đảng với sự độc quyền lãnh đạo Nhà nước, lãnh đạo xã hội bằng siêu quyền lực và với thể chế chính trị mà Đảng chọn và vẫn một mực trung thành với nó một cách "kiên định" bởi một "ý chí" gọi là "kiên cường" của sự bảo thủ – bảo thủ đến mức ngoan cố!

Đảng Cộng sản như vậy, không thể giải được buồn – nỗi buồn của dân tộc. Giải nỗi buồn đó phải là chuyện của dân. Đã đến lúc các quyền thuộc về Đảng, mà lẽ ra phải thuộc về dân, phải trao trả lại cho dân để dân giải nỗi buồn của mình bằng "tất cả quyền bính", "quyền lực", "quyền lực Nhà nước" đích thực thuộc về nhân dân

Tp Hồ Chí Minh, tháng 4/2017

[1] Nghe lại bản "Tình ca" của cố nhạc sĩ Hoàng Việt để cùng chia sẻ khát vọng "xua kẻ thù đi mau", "dập tắt chiến tranh đẫm máu, đập tan ngay bao đau khổ và chia ly" của ông.

[2] Trong báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng tại Đại hội Đại biểu Toàn quốc lần thứ V (1982), Tổng Bí thư Lê Duẩn đã khẳng định: "Từ Đại hội lần thứ IV đến Đại hội lần thứ V của Đảng là những năm đầu Cách mạng Việt Nam chuyển sang giai đoạn mới. Đó là những năm khôi phục, cải tạo và phát triển kinh tế, cải tạo và phát triển văn hóa".

Đ. C. T.

Tác giả gửi BVN.

[3] Trong bài diễn văn khai mạc Đại hội Đảng V (1982), cố Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Trường Chinh đã khẳng định "Đảng Cộng sản Việt Nam là một Đảng cách mạng kiên cường, trung thành vô hạn với chủ nghĩa Mác - Lênin, chủ nghĩa quốc tế vô sản".

[4] Xem bài khai bút đầu tháng 1- 2017 "Tìm hiểu thêm về thế giới đã sang trang (bài 5)" của tác giả Nguyễn Trung. https://anhbasam.wordpress.com/2017/01/05/11-225-tim-hieu-them-ve-the-gioi-da-sang-trang-bai-5/

[5] Dữ liệu từ "Báo cáo kinh tế vĩ mô năm 2012" của Ủy ban Kinh tế Quốc hội, qua bài "Thuế, phí cao chót vót", báo Tuổi Trẻ ngày 4-9-2012 và bài "Oằn vai thuế thu nhập cá nhân", báo Thanh Niên ngày 5-9-2012.

[6] Hiến pháp sửa đổi năm 2013 và các Hiến pháp trước đó đều cùng có chế định "Tất cả quyền bính" hay "Tất cả quyền lực" hoặc "Tất cả quyền lực Nhà nước" đều thuộc về nhân dân. Tuy nhiên, Hiến pháp sửa đổi năm 1980, 1992 và 2013 đã bị giới lập pháp Việt Nam tự cho mình cái quyền "vi hiến", đã mặc nhiên đặt quyền lãnh đạo cao nhất và duy nhất của Đảng đối với Nhà nước và xã hội trên các quyền thuộc về nhân dân. Đây đích thực là rào cản không thể vượt qua được để thực thi dân quyền, mặc dù đã có chế định của pháp quyền.

[7] Nghe lại bài "Gia tài của mẹ" của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, để chia sẻ với ông về "nước Việt buồn" thời "một ngàn năm nô lệ giặc Tàu, một trăm năm đô hộ giặc Tây", "hai mươi năm nội chiến từng ngày" và "gia tài của me để lại cho con, gia tài của mẹ là nước Việt buồn".

Thứ Ba, 4 tháng 4, 2017

Lê Tùng Phan: Wikipedia tiếng Việt phục vụ cho ai?(*)

Nguồn: http://boxitvn.blogspot.com/2017/04/wikipedia-tieng-viet-phuc-vu-cho-ai.html

 -- via my feedly newsfeed

Đọc lời chào mừng của Wikipedia tiếng Anh, bạn sẽ thấy dòng chữ sau đây:

"Welcome to Wikipedia, the free encyclopedia that anyone can edit5,373,239 articles in English".

Một bộ bách khoa từ điển "tự do" mà bất cứ ai cũng có thể biên tập. Quả thật là một thứ kho tàng tri thức mở cửa cho mọi người.

Nếu chuyển sang Wikipedia tiếng Việt, bạn sẽ đọc được lời quảng cáo dài dòng hơn, nhưng cũng đáng ngờ hơn: "Bạn chính là tác giả của Wikipedia! Mọi người đều có thể biên tập bài ngay lập tức, chỉ cần nhớ vài quy tắc. Có sẵn rất nhiều trang trợ giúp như tạo bàisửa bàihay tải ảnh. Bạn cũng đừng ngại đặt câu hỏi. Hiện chúng ta có 1.155.079 bài viết và 537.225 thành viên". (Wikipedia tiếng Việt, truy cập ngày 31/3/2017)

Câu hỏi đặt ra là trong một xã hội toàn trị, toàn bộ đời sống văn hóa, tư tưởng đều bị "định hướng", liệu có thể tồn tại một thứ "bách khoa toàn thư tự do" hay không? Và "vài quy tắc" mà người ta nói đến, có thể trở thành một thứ xiềng xích ràng buộc hay không? Lâu nay tôi vẫn nửa tin nửa ngờ, nhưng mãi đến gần đây mới có cơ hội giải đáp mối nghi ngờ đó:

Sáng sớm ngày 31/3/2017, một anh bạn (vốn rất mê Wikipedia Tiếng Việt) chuyển cho tôi một trang Wikipedia có nhan đề "Nhóm Thân hữu Đà Lạt". Trang này mới được hoàn thành hồi sáng sớm cùng ngày. Tôi đọc qua và thấy dữ liệu không có gì gây ngạc nhiên, đều là những sự kiện và chi tiết xuất hiện nhiều lần trên Internet. Điều đáng mừng là đã có người cất công sưu tầm, hệ thống hóa và giới thiệu "nhóm trí thức bất đồng chính kiến" nổi tiếng này với công chúng rộng rãi - nhất là những người không thường xuyên theo dõi tin tức trên Internet - đặc biệt là cho giới trẻ hiện nay (phần lớn say sưa với những nhu cầu trước mắt nhưng lại hoàn toàn thờ ơ, "vô cảm" đối với vận mệnh của dân tộc và đất nước).

Thế nhưng, "niềm vui ngắn chẳng tày gang"! Chỉ một lúc sau, anh bạn tôi đã gọi điện thông báo: "Trang này đang có nguy cơ bị xóa!" Nghe đến đây, tôi đề nghị anh bạn cung cấp tất cả các dữ liệu gom được trên Internet và giúp tôi viết bài này để công chúng có thể hiểu rõ hơn về thực chất của Wikipedia tiếng Việt trong tình hình hiện nay.

Điều đập ngay vào mắt tôi khi xem bài "Nhóm Thân hữu Đà Lạt"vừa được đăng là một bản thông báo: "Bài có thể bị đưa ra biểu quyết xóa tại Wikipedia: Biểu quyết xóa bài Nhóm Thân hữu Đà Lạt sau 7 ngày bởi thành viên có đầy đủ tiêu chí đề cử".

Vào trang "Thảo luận: Nhóm Thân hữu Đà Lạt", thấy có 3 ý kiến. Newton Einstein Hawking nhận xét: "Chỉ là một nhóm bất đồng chính kiến không nổi bật. Bài về một thành viên trong nhóm này cũng đang BQ (biểu quyết) tại Wikipedia: Biểu quyết xóa bài/Mai Thái Lĩnh".

Nhận xét thứ hai là của Alphama: "Nhóm này độ nổi bật quá yếu, có quá nhiều nguồn yếu, hầu như không có thành tích thông tin gì đáng kể để có thể nổi bật". Còn người thứ ba lấy bí danh là Diepphi thì đánh giá: "Bài này chỉ toàn là thông tin 1 chiều, như vậy có tính là clk (chất lượng kém) hay không?"

Điều đáng nói là nếu Newton Einstein Hawking tiết lộ vào lúc 05:35 ngày 31/3/2017 rằng "Bài về một thành viên trong nhóm này cũng đang biểu quyết (BQ) tại Wikipedia: Biểu quyết xóa bài/Mai Thái Lĩnh" thì chỉ 5 phút sau đó (05:40), bài "Mai Thái Lĩnh" đã bị xóa.

Năm thành viên đã biểu quyết xóa là: Newton Einstein Hawking, Xuân, Trongnhan, Diepphi và P.T.Đ. Cần lưu ý thêm một điều: bài "Mai Thái Lĩnh" trên Wikipedia tiếng Việt đã tồn tại từ năm 2014 và mãi đến gần đây (cuối năm 2016), mới bị sửa chữa nội dung và bị treo bảng đánh giá về "độ nổi bật".

Kể cũng rất lạ! Một nhóm trí thức (Hà Sĩ Phu, Bùi Minh Quốc, Tiêu Dao Bảo Cự, Mai Thái Lĩnh,…) đã chịu 4 án quản chế (giam lỏng không xét xử) theo NĐ 31-CP, còn bị khởi tố về tội "Phản bội Tổ quốc" nhưng không xử được, phải chuyển sang quản chế, lại "không có thành tích gì đáng kể"? Một nhóm bất đồng chính kiến có liên quan đến hai nhân vật quan trọng của ĐCSVN (Võ Văn Kiệt và Trần Độ) lại "không có gì nổi bật"?

Có lẽ nhiều người cũng muốn biết các thành viên có quyền "tuần tra" và "biểu quyết xóa bài" có trình độ ra sao (nhất là về nhận thức chính trị). Ở đây tôi chỉ giới thiệu "thông tin cá nhân" của một thành viên quan trọng lấy biệt danh là Diepphi:

Việc đánh giá phong trào bất đồng chính kiến dưới một chế độ toàn trị lại được giao cho những thành viên với vốn hiểu biết như thế hay sao? Tôi đặt câu hỏi này với người bạn và anh đưa ra giả thuyết "những thành viên như Diệp Phi chỉ là những con rối, những con robot được giật dây, điều khiển từ đằng xa".

Do trang "Mai Thái Lĩnh" đã bị xóa, hiện nay người ta không thể đọc được "lịch sử sửa đổi". Nhưng người bạn của tôi cho biết: thủ thuật xóa trang này đã được tiến hành một cách rất tinh vi. Vào cuối tháng 12 năm 2016, một nhân vật bí ẩn lấy tên là Motnghindong11 đã vào trang này sửa đổi nội dung, nhét vào đó một thứ hồ sơ tương tự một bản cáo trạng của công an hay viện kiểm sát, rồi sau đó lặn mất tăm. Các thành viên "có đầy đủ tiêu chí đề cử" của Wikipedia tiếng Việt đáng lẽ có nhiệm vụ ngăn chặn việc phá hoại (vandalism) để khôi phục lại nội dung cũ, lại cố tình lờ đi để thành viên Diepphi "nhanh nhẩu" dán nhãn dnb (nghĩa là nghi ngờ độ nổi bật, nguồn một chiều) và treo bảng "biểu quyết xóa bài".

Tất nhiên sau đó nếu không ai vào trang này sửa đổi lại nội dung thì họ để yên, để mọi người tự do vào xem "bản cáo trạng". Nhưng vì gần đây có người vào trang sửa lại nội dung cho tử tế, cho nên họ huy động cả một đám thành viên Wikipedia có "đầy đủ tiêu chí đề cử" nhào vô nhận xét, biểu quyết xóa bài "Mai Thái Lĩnh" cho đúng với chủ trương xóa những thông tin "xấu, độc" mà ông Bộ trưởng Bộ 4T kiêm Phó ban Tuyên giáo đã công bố.

Để dẫn chứng, anh bạn chỉ cho tôi xem nội dung của trang Wikipedia "Lê Hồng Hà" - đã bị sửa chữa theo cách tương tự:

Cũng là Motnghindong11 vào sửa (lúc 21:25 ngày 31 tháng 12 năm 2016) và chỉ vài giờ sau (23:44), thành viên Diepphi đã sốt sắng dán nhãn dnb (nghi ngờ độ nổi bật, nguồn 1 chiều). Hiện nay, vì chưa có ai vào sửa chữa lại bài này, trang này chưa bị "biểu quyết xóa bài". Nhờ vậy, tôi có thể sao chép đăng lại trong phần phụ lục.

Chỉ cần xem qua nội dung bài "Lê Hồng Hà" (nhất là những phần tôi nhấn mạnh bằng màu vàng), các bạn cũng có thể trả lời được câu hỏi: Wikipedia tiếng Việt hiện đang nằm trong tay ai và nhằm phục vụ ai?

Nhưng một khi đã đặt ra câu hỏi đó thì thiết nghĩ chúng ta cũng cần hỏi tiếp: Những người chủ của Wikipedia (như Jimmy Wales) có biết đến tình hình này hay không?

Tóm lại, dưới một chế độ toàn trị cộng sản, liệu một thứ "bách khoa toàn thư tự do" (free encyclopedia) như Wikipedia có thể trở thành công cụ để giới thống trị thực hiện chính sách "ngu dân" bằng những kỹ thuật cực kỳ hiện đại hay không? Xin dành câu trả lời cho những người còn biết trăn trở, lo âu cho vận mệnh của dân tộc, của đất nước.

Sài Gòn, ngày 1/4/2017

L.T.P.

__________

Phụ lục:

Lê Hồng Hà

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia

Ông Lê Hồng Hà (06/01/1926 - 15/11/2016), bí danh Lê Văn Quỳ, Lê Quang Hòa, Lê Hồng, quê quán tại Phú Xã, Kim Anh, Sóc Sơn, Hà Nội. Nguyên Chánh văn phòng Bộ Công an, từng bị bắt, đi tù vì "làm lộ bí mật quốc gia".

Tiểu sử

Cha đẻ của ông là Lê Văn Sỹ, mẹ là Phạm Thị Nhã. Vợ ông là bà Lê Thi (tức Dương Thị Thoa), nguyên Viện trưởng Viện Triết, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu về phụ nữ - giáo dục thuộc Trung tâm KHXH&Nhân văn Quốc gia.

- Tham gia cách mạng từ cuối năm 1944, vào Đảng CSVN tháng 7/1946. 8/1945 - 1/1949: cán bộ phòng chính trị Sở Công an Hà Nội; Quyền Trưởng Công an quận Đề Thám, Mê Linh; Trưởng ban điệp báo Sở Công an Hà Nội.

- 1949 - 1951: học lý luận trung cao cấp khoá I trường Mác - Lênin.

- 1951 - 1952: học nghiệp vụ công an ở Bộ Công an Trung Quốc tại Bắc Kinh, sau đó về làm cán bộ quản lý lớp tại Trường lý luận Bắc Kinh.

- 1953 - 1958: Hiệu phó Trường Công an Trung ương.

- 1958 - 1967: Chánh văn phòng - Vụ trưởng Vụ Tổng hợp, Uỷ viên Đảng, Đoàn Bộ Công an.

- 1968 - 1981: Uỷ viên thư ký Uỷ ban Khoa học Xã hội Việt Nam.

- 1981 - 1992: Chuyên viên nghiên cứu của Văn phòng Bộ luật lao động - cố vấn 2. Nghỉ hưu năm 1993.

- 6/1995 bị khai trừ Đảng. Tháng 12/1995 bị xử 2 năm tù về tội "làm lộ bí mật quốc gia".

Quan điểm

Sau khi bị khai trừ Đảng (tháng 6/1995), Lê Hồng Hà vẫn tiếp tục hoạt động chống đối, tìm cách thu thập tài liệu mật để tuyên truyền, xuyên tạc tình hình nhằm kích động gây chia rẽ nội bộ Đảng và Nhà nước ta. Tháng 12/1995, Lê Hồng Hà bị bắt, truy tố 2 năm tù về tội "cố ý làm lộ bí mật nhà nước".

Lê Hồng Hà là trung tâm đầu mối quan hệ giữa các nhóm đối tượng "nhân văn", "chống Đảng, xét lại", số đối tượng có quan điểm đa nguyên, bất mãn, số cực đoan, quá khích. Là người đã từng công tác lâu năm trong ngành Công an nên Lê Hồng Hà được các đối tượng tôn trọng, xem là "quân sư trong lĩnh vực pháp lý". Lê Hồng Hà còn tụ họp một số người có tư tưởng bất mãn và ngộ nhận để tán phát những tài liệu xấu, phê phán, đả kích chế độ, Đảng, Nhà nước ta.

Ông là người ít bộc lộ quan điểm công khai trên truyền thông. Trong lần trả lời phỏng vấn BBC, ông cho rằng Việt Nam hiện "đang quằn quại trong hai mâu thuẫn", mà mâu thuẫn đầu tiên là "rơi vào tổng khủng hoảng toàn diện" do đường lối sai lầm của Đảng Cộng sản, muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội theo đường lối Mác - Lênin, "một đường lối phản phát triển, sai lầm". Ông Lê Hồng Hà nói rằng cần giải thoát đất nước ra khỏi đường lối sai lầm này, điều người ta đã trông đợi từ Đại hội Đảng XI nhưng đã Đảng đã không làm.[1]

Ông có nhiều bài viết đòi thay đổi thể chế chính trị, chủ yếu đăng trên các trang chống chính quyền trong và ngoài nước.[2] Ông có ảnh hưởng lớn tới các hội nhóm chống Đảng, Nhà nước, nhiều người "lão làng" có hoạt động chống Đảng, Nhà nước lâu năm như Bùi Tín, Nguyễn Thanh Giang[3], Nguyễn Ngọc Giao[4], Vũ Thư Hiên[5] …đều có bài ca ngợi ông và vu cáo, xuyên tạc nội bộ Đảng mâu thuẫn, tạo cứ, dựng vụ án để triệt tiêu ông…

  1. ^ "Nguyễn Ngọc Giao - Một kỷ niệm nhỏ về Lê Hồng Hà".

Thể loại (++):

Các trang liên quan

· Đặng Văn Minh
· Nguyễn Trung Thành (sinh 1923)
· Hồ Hiếu
  • Trang này được sửa đổi lần cuối lúc 18:00 ngày 3 tháng 1 năm 2017.

__________

(*) Bài được tác giả gửi tới diễn đàn BVN và được Ban biên tập BVN đăng tải nguyên văn, với tinh thần tôn trọng văn phong và các luận điểm của người viết. Bài không phản ánh quan điểm, lập trường hay chủ kiến của BVN.

Tác giả gửi BVN.