Thứ Ba, 30 tháng 4, 2013

Ghé thăm các Blogs: 29/04/2013 (Diễn Đàn Thế Kỷ)

Nguồn diendantheky



BLOG ĐÀO TUẤN
Tháng Tư 27, 2013 

"Trong khi doanh nghiệp thiếu vốn thì người dân thấy Ngân hàng Nhà nước chỉ lo bán vàng"- Phó trưởng đoàn ĐBQH Thanh Hóa, ông Lê Nam phát biểu trong phiên họp toàn thể của Ủy ban Kinh tế sáng nay 26.4.

Ngân hàng nhà nước chỉ lo bán vàng

Báo cáo của Chính phủ cũng thẳng thắn nhìn nhận thực trạng nền kinh tế vẫn tiềm ẩn nhiều yếu tố có khả năng gây lạm phát cao và bất ổn kinh tế vĩ mô; trong khi đó, việc chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế vẫn chậm được triển khai; dư nợ tín dụng đối với nền kinh tế tăng thấp hơn nhiều so với mục tiêu đề ra và chênh lệch lớn so với tốc độ tăng huy động vốn, việc xử lý nợ xấu còn chậm nên những khó khăn về tiếp cận nguồn vốn tín dụng của doanh nghiệp chưa được cải thiện nhiều.

Phát biểu có tính chất phân tích, nguyên Thống đốc NHNN, ĐBQH Cao Sỹ Kiêm cho rằng nhìn nhận những "vấn đề rất mới". "Vấn đề doanh nghiệp co hẹp sản xuất, phá sản thất nghiệp ngày càng tăng mà chưa có hướng vực dậy. Lòng tin của doanh nghiệp đối với kinh tế thị trường, điều hành, quản lý của ta có vấn đề. Tình trạng chán nản, buông xuôi, thúc thủ trong doanh nghiệp đã có biểu hiện, ý chí vươn lên rất hạn chế". Ông Kiêm nhìn nhận tình trạng này là do "Những giải pháp Chính phủ đề ra đúng, trúng, kịp thời nhưng lại triển khai chậm, lối ra càng bàn lại càng khó khăn hơn". Nguyên Thống đốc lên tiếng cảnh báo về tình trạng nền kinh tế "Từ 2010 đến nay thì ngày càng đi xuống".

Có ít nhất 4 ý kiến nói về khó khăn của doanh nghiệp. ĐBQH Lạng Sơn Nguyễn Thế Tuy nói doanh nghiệp khó khăn do "chính sách chỉ bảo hộ ngân hàng chứ chưa bảo vệ doanh nghiệp".

ĐBQH Bùi Đức Thụ thì đặt câu hỏi trước tình trạng "dư nợ huy động tăng nhưng cho vay gần như không tăng". "Tiền chảy  đi đâu, có phải vì lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ của các ngân hàng lớn nên thà giữ tiền chứ không hạ lãi suất cho vay vì như thế vẫn được lợi hơn?"- ông Thụ đặt câu hỏi.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Mai Xuân Hùng thậm chí thẳng thắn "Vốn cho doanh nghiệp thì bế tắc, cho vay gần như không tăng mà huy động vẫn tăng, vậy vốn đi đâu hay lấy vốn của dân đi mua vàng?"
Đỉnh điểm là phát biểu của ĐBQH Lê Nam khi ông phát biểu trong khi "doanh nghiệp thiếu vốn" thì "dân chỉ thấy hoạt động nổi bật của ngân hàng nhà nước là lo bán vàng" Ông kêu gọi: "Đừng cứu ngân hàng vì ông ấy đang sida rồi, nên lo bảo vệ lợi ích của dân".

Dân không còn tiền để mua

Phần nhiều ý kiến thảo luận tại phiên họp cho rằng, việc triển khai các chính sách hỗ trợ sản xuất kinh doanh còn chậm trễ: "có rất nhiều chủ trương, giải pháp, rất nhiều kế hoạch, nghị quyết nhưng dường như chúng ta chỉ dừng ở đó thôi. Còn triển khai thực tiễn đi vào cuộc sống thì nó xa xôi và vẫn là câu hỏi lớn. Ví dụ như bây giờ người dân và cán bộ ở cơ sở đều biết là các nội dung của tái cấu trúc nền kinh tế như thế nào, doanh nghiệp nhà nước là ai, ngân hàng là ai, đầu tư thế nào nghị quyết nói rõ rồi nhưng chưa thấy làm gì cả.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội Bùi Sỹ Lợi sau phân tích tình hình bất cập về tiền lương, chính sách an  sinh  xã hội đã đưa  ra kiến nghị: Chính phủ cần xem xét lại hệ thống chính sách giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới, 36 chương trình mục tiêu quốc gia hầu hết đổ vào nông thôn nhưng không biết triển khai thế nào, để làm gì…Theo  đại  biểu, trái phiếu Chính phủ đầu tư cho Y tế 23.000 tỷ, chiếm 27% tổng trái phiếu Chính phủ cả nước nhưng hầu hết đều để dở dang, đình hoãn do NQ 11. Nhiều bệnh viện xong không có tiền mua thiết  bị để hoạt động trong khi 80% bệnh nhân vượt tuyến, trái tuyến gây quá tải bệnh viện TƯ.

"Chỉ số CPI không thể tăng được vì cung lớn hơn cầu, giá cả có rẻ dân cũng không có tiền để mua chứ không phải do kiềm chế lạm phát tốt"- ông Lợi nói.


BLOG ĐÀO TUẤN
Tháng Tư 26, 2013 

"Sức khỏe" sau các vụ "xin nghỉ hưu non", "từ chức" của các quan chức, bỗng trở thành lý do quý như vàng SJC

Trung tuần tháng 4, khi Chủ tịch tỉnh Trà Vinh xin nghỉ hưu sớm (4 tháng)  vì "lý do sức khỏe và không muốn người ta nói mình tham quyền cố vị", có một câu hỏi đã được đặt ra: Nếu không có scandal nữ phó phòng đại náo trụ sở Ủy ban thì ông có xin nghỉ hưu sớm? thì ông có thấy sức khỏe đang có vấn đề?

Người mạnh miệng hơn thì bảo đó là "hạn cánh an toàn" chứ chẳng phải cái gì gọi là tham quyền cố vị.

2 tháng trước đó, ở Lâm Đồng, một vị Chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra xin thôi chức. Nguyên cớ: Vị chủ nhiệm, trong một cuộc sát phạt, đã bị quay clip. Và tình tiết "thú vị" là đơn thôi chức của vị này được gửi đi, ngay trước cuộc họp xem xét hình thức kỷ luật của Huyện ủy Lâm Hà. Vị Chủ nhiệm đã có một sự lựa chọn khôn ngoan, khi bước đúng bước chân của một đồng nhiệm là Chánh án TAND huyện: Cũng đánh bạc, cũng bị phát hiện, cũng hết cơ hội chối, cũng xin thôi chức. Và, thật tình cờ, cũng vì lý do "sức khỏe không đảm bảo".

Sức khỏe đúng là thứ lý do quý như vàng.

Nhìn ngược trở lại, hình như chẳng có mấy người xin nghỉ hưu sớm, nhất là "từ chức" nếu không dính tới, nhẹ thì là scandal, nặng thì là những hành vi vi phạm pháp luật.

Hành vi "treo mũ ở cửa Huyền Vũ", một thời được xem như tiết tháo, bị lạm dụng như một chiếc phao, cứu cánh cho những sai phạm, phổ biến đến mức giờ đây, trước mỗi vụ từ chức, người dân liền đeo kính hiển vi xem đằng sau đó là scandal, hay sai phạm.

Đó cũng là tâm trạng xã hội chung khi sáng nay, người dân đọc một bản tin trên Thanh Niên về việc PGĐ Sở NN và PTNT Bình Thuận xin từ chức.

Thanh Niên dẫn lời Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Thuận Huỳnh Thanh Cảnh xác nhận vị Phó Giám đốc "Là người tốt, có chuyên môn giỏi. Nhưng bị bệnh gút rất nặng không thể đi công trường trong khi ông lại phụ trách mảng công trình thủy lợi".

Vị Phó Giám đốc xin từ chức, một thạc sĩ chuyên ngành cơ khí học công trình được đào tạo tại Pháp, từng cùng các chuyên gia của Hiệp hội Thủy điện Thế giới chuyển giao công nghệ xây đập thủy lợi của Pháp cho Bình Thuận- thì cho biết ông có nhiều trăn trở và không tán thành cơ bản với cách triển khai một số công trình thủy lợi của tỉnh hiện nay. Đây là nguyên do chính dẫn đến việc ông xin từ chức.

Nhưng, hoàn toàn không lạ, là sau vụ từ chức của vị PGĐ Sở, có vẻ người dân đã rất dè dặt, thậm chí, xuất hiện những dấu hỏi lớn về nguyên nhân thực sự.

Cũng phải thôi, nói đến ngành Nông nghiệp, người dân còn chưa quên vụ từ chức vô tiền khoáng hậu của Bộ trưởng Lê Huy Ngọ.

Năm 2004, Bộ trưởng Ngọ đã viết đơn xin từ chức trước trách nhiệm để Công ty tiếp thị đầu tư thương mại vi phạm pháp luật, làm thất thoát hơn 100 tỷ đồng. Vụ này nghiêm trọng đến mức bị cáo chính bị tuyên tử hình, 2 thứ trưởng bị xử án dù (dù treo), còn chính Bộ trưởng phải đối chất.

Buồn nhất là lá đơn xin từ chức chỉ được gửi sau khi BCH TƯ đã quyết định thi hành kỷ luật Đảng với Bộ trưởng, thậm chí, chỉ từ chức sau khi Thủ tướng Phan Văn Khải đã có quyết định kỷ luật cảnh cáo.

Xin vị PGĐ tha lỗi nếu những dấu hỏi to tướng mà dư luận đang đặt ra là khiếm nhã với vụ từ chức vì bất đồng ý kiến với cấp trên, một vụ từ chức sẽ đúng tuyệt đối với hai chữ "tiết tháo", sẽ trở thành một tiền lệ tốt đẹp, nếu không có scandal hay vi phạm nào ẩn dấu sau đó.



BLOG ĐÀO TUẤN
Tháng Tư 25, 2013 

Ở Mỹ, một người đàn bà bị tuyên có tội, với hành vi cho ông chồng uống thuốc mê, rút dao cắt phăng "thằng nhỏ". Ả ta sau đó "đi thẳng vào bếp, ném "cái đó" vào máy xử lý rác và… bật nút

Một tuần khủng hoảng với những tin tức đánh ghen. Ở Đà Nẵng, một kẻ thất tình tưới xăng thiêu sống người yêu khiến nạn nhân "bỏng 95% cơ thể, hôn mê sâu và không còn đo được huyết áp" và sau đó… Ở Bình Dương, 2 mẹ con một người đàn bà đánh đập lột quần áo "địch nhân" quay clip và tung lên mạng. Còn ở Mỹ, một người đàn bà bị tuyên có tội, với hành vi cho ông chồng uống thuốc mê, rút dao cắt phăng "thằng nhỏ". Ả ta sau đó "đi thẳng vào bếp, ném "cái đó" vào máy xử lý rác và… bật nút.

Cảm giác của bạn, ngoài sự tò mò, khi đọc những dòng tin này là gì?

Nếu ai đó thắc mắc vì sao lại có chuyện "cắt phăng thằng nhỏ bên Mỹ" vào đây, thì xin thưa rằng, kẻ thủ ác mang cái tên Catherine Kiều, và là một người Mỹ gốc Việt. Còn chuyện "cắt phăng thằng nhỏ" thì, lạy thánh mớ bái, cũng chỉ vừa mới xảy ra ở TP HCM. Một người phụ nữ ở Củ Chi, vô tình đọc được một tin nhắn, chắc sướt mướt, của ai đó gửi vào điện thoại của chồng. Không nói nhiều. Chị này chạy vào bếp lấy dao…và sau đó, anh chồng được đưa thẳng vào Khoa Nam học. Có thể bạn không tin, nhưng mỗi năm, BV Chợ Rẫy phải "xử lý" chừng 30 ca các ông chồng vào viện trong tình trạng…khiêng kèm xô đá. Thôi thì đủ loại, từ bảo vệ, công nhân, kỹ sư, nghệ sĩ, và cả… công an.

Nhắc đến Kiều, mới nhớ trong Kiều có câu "ghen tuông thì cũng người ta thường tình". Có yêu mới có ghen, như hai ống của một chiếc quần. Và những kẻ thủ ác, sau này kiểu gì cũng "thú nhận" rằng vì thất tình, vì…tình yêu.

Nhưng yêu, nhưng ghen, không có nghĩa là người ta sẽ xăm quái vật vào mặt tình địch. Không có nghĩa là được phép đánh đập, lột đồ, quay clip tung lên mạng để làm nhục người khác. Cũng không thể "tự kỷ bản thân" đến mức cắt phăng thằng nhỏ "cho vào máy xử lý rác và bấm nút".

Có một điều chúng ta cần sòng phẳng với nhau, rằng: không tội ác nào có thể bao biện được bằng tình yêu.

Có thể, những người "trong chăn" sẽ cảm thấy tổn thương khi bị phản bội. Có thể phường "mèo mả gà đồng" khiến chị em không thể bình tĩnh nổi. Nhưng sau những cơn ghen "máu nóng bốc lên đầu" là những hậu quả mà không "bác sĩ" nào, kể cả nam học, có thể hàn gắn nổi.

Người phụ nữ xăm quái vật lên mặt "địch nhân" đã phải bồi thường 400 triệu đồng.

Người phụ nữ lột đồ quay clip đánh ghen đã bị bắt giữ vì tội làm nhục người khác.

Người đàn và gốc Việt tên Kiều đang đối diện với án phạt tù chung thân.

Còn kẻ tẩm xăng thiêu sống người yêu vừa bị bắt. Và bản án đang đợi kẻ thủ ác khó biết trước là bao nhiêu cuốn lịch, cả đời chăn kiến, hay một chiếc cột.

Trước khi đánh ghen có lẽ bạn nên cẩn thận chọn lựa kiểu đánh ghen: Kiểu "bồi thường hàng trăm triệu", kiểu "buôn lịch" hay kiểu "cả đời chăn kiến". Chọn được rồi thì đánh ghen đâu đã muộn.

Chúng ta hay nói về Hoạn Thư với những đòn ghen "nhẹ như bấc, nặng như chì", đến nỗi cụ Tiên Điền phải thốt lên rằng "Máu ghen đâu có lạ đời nhà ghen". Nhưng Hoạn Thư đã không đánh Kiều, dù chỉ một roi. Huống chi trong bức tranh Đông Hồ "Đánh ghen" nổi tiếng, các cụ ta đã để lại một lời đề: Thôi thôi nuốt giận làm lành, Chi điều sinh sự nhục mình nhục ta".



BLOG LỀ TRÁI 
25/04/2013 at 6:58 chiều  

Ngày 30/4/1975 tôi có 3 đứa con: năm tuổi, bốn tuổi và một tuổi. Bây giờ chúng đã là những viên chức, có chỗ đứng tốt trong xã hội. Chúng có học vấn, có cuộc sống ổn định. Chúng sống bình lặng, khiêm nhường và lương thiện như mọi công dân Việt Nam khác.

Nhưng không phải ai cũng sống bình thường như vậy.

Bởi vì cũng có những đứa trẻ của ngày 30/4/75 đang sống khá đặc biệt. Đó là những người hiện nay thuộc lứa tuổi từ 50 trở xuống (tức là ở thời điểm 30/4/75 các vị ấy chỉ vừa mới cất tiếng khóc chào đời cho đến 12 tuổi), chẳng những không hề tham gia cách mạng mà thậm chí không biết cách mạng là gì, chiến tranh là gì, nhưng hiện nay họ là những ông bà quan lớn cách mạng, giàu có và đầy quyền lực.

Họ coi chính quyền này là của riêng họ, làm như thể chính họ đẻ ra cái chính quyền này, họ là bố mẹ của dân, là ông chủ của dân. Trong hàng ngũ các bộ trưởng, thứ trưởng, giám đốc, chủ tịch tỉnh, chủ tịch quận, chủ tịch phường, xã… không ít những người thuộc thế hệ ấy (có những vị bộ trưởng chỉ mới 48 tuổi, có vị chỉ 45 tuổi, bí thư tỉnh Hà Giang 45 tuổi, phó chủ tịch Đà Nẵng 35 tuổi – con trai một ủy viên BCT – còn ở cấp quận, huyện, phường, xã… thì người trẻ vô số).

Nói theo kiểu dân gian: họ là những người "tân gia ba" tức là mới tham gia cách mạng sau ngày ba mươi tháng Tư, nhưng họ vẫn hùng hồn tuyên bố: "Chúng ta đã đổ bao nhiêu xương máu để giành lấy chính quyền này thì không thể nào chúng ta có thể để chính quyền lọt vào tay kẻ khác".

Rõ ràng là họ coi chính quyền này như một chiến lợi phẩm mà – tiếc thay – họ chỉ là kẻ thừa hưởng chứ không hề tự tay mình giành lấy, đừng nói tới chuyện "đổ xương máu".

Họ có thể biện bạch rằng: tuy chúng tôi không đổ xương máu nhưng đó chính là xương máu của cha anh chúng tôi.

Thật vậy sao? Vậy mà người ta cứ nghĩ rằng đó là xương máu những người thân của đám dân đen đang chui rúc trong xóm lao động kia, là con, là chồng, là cha của những người nông dân đang đổ mồ hôi và nước mắt trên những luống cày tại những làng quê nghèo khó.

Tôi không có ý chê bai những người mới tham gia vào guồng máy chính quyền hiện nay sau ngày 30/4/75 bởi vì điều đó thật vô lý. Tôi cũng không có ý coi thường những cán bộ trẻ bởi vì họ đang đầy sức sống và năng lực, nhưng quả thật là hiện nay đang có những nhà lãnh đạo trẻ, cứ tiếp tục cái điệp khúc: "chúng ta đã hy sinh xương máu… nên không thể để chính quyền lọt vào tay người khác"… đã trở nên quá nhàm chán.

Tôi nghĩ, thay vì cứ tự hào về cái quá khứ mà họ không hề tham dự, họ nên hành động, nên suy nghĩ độc lập, biết đột phá, biết tìm con đường mới, biết mở cánh cửa tự do dân chủ, tránh vết xe đổ của lớp đàn anh vừa đi qua thì phúc cho dân tộc này biết chừng nào.

*

Những người từng đổ xương máu cho chính quyền này là hàng triệu chiến sĩ đã chết ngoài mặt trận, chết nơi ngục tù. Những người ấy giờ chỉ còn là cát bụi, không tài sản, không địa vị, không quyền lực và hiện nay thân nhân của họ đang sống rất nghèo khổ. Họ là những người duy nhất có quyền được tuyên bố rằng mình đã đổ xương máu cho chính quyền này, nhưng không bao giờ những mộ bia quạnh hiu nơi nghĩa trang liệt sĩ, những nấm đất vô danh nơi rừng sâu núi thẳm kia có thể thốt nên lời!

Số còn lại thì đã già, đã về hưu, chỉ còn một số ít vẫn đang nắm quyền nhưng rồi chẳng bao lâu họ cũng sẽ xuôi tay nhắm mắt mà không biết rằng mình sẽ để lại cho đời sau những tiếng thơm hay những lời nguyền rủa.
Đổ xương máu hay không đổ xương máu thì cũng chỉ còn lại một nước Việt buồn.



BLOG ĐÔNG A

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Văn Bình từng tuyên bố vào tháng 10 năm 2011: "Mục tiêu thời gian tới là đưa chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới về mức 400 nghìn đồng/lượng. Nếu giá vàng có sự vượt quá mốc điểm này tức là bị đầu cơ". Đây là tiêu chí rất rõ ràng để nhận diện hiện tượng đầu cơ vàng. Hiện nay mức chênh lệch giá vàng giữa trong nước và thế giới đã gấp cỡ 10 lần con số 400 nghìn đồng/lượng. Như vậy theo đúng tiêu chí mà NHNN từng tuyên bố qua phát biểu của ông Thống đốc, vàng ở Việt Nam hiện nay đang bị đầu cơ. Vấn đề bây giờ là ai đang đầu cơ vàng, hay nói cách khác là tiền chênh lệch giữa hai mức giá đấy đang chảy vào túi ai?

Muốn xác định ai đang đầu cơ vàng thì chúng ta tìm chỉ dấu để xác định. Hiện nay chỉ có duy nhất NHNN đang bán vàng ra để bình ổn thị trường. Phần lợi nhuận chênh lệch giá này tất nhiên chảy vào túi NHNN. Như vậy có thể thấy chỉ dấu này cho thấy chính Chính phủ Việt Nam đang đầu cơ vàng. Chỉ dấu thứ hai là Thống đốc NHNN không bị cách chức. Nếu NHNN làm ra chính sách để tạo điều kiện hình thành đầu cơ vàng cho một nhóm đặc lợi cá nhân nào đó thì cái ghế Thống đốc không thể yên ổn. Ngày 22/12/2012 Tổng bí Đảng Nguyễn Phú Trọng thăm và làm việc với NHNN đồng thời đánh giá cao hoạt động của NHNN. Tháng 9 năm 2012 Chủ tịch nước Trương Tấn Sang chỉ đạo hội nghị kiểm điểm của ban cán sự Đảng của NHNN và cũng đánh giá cao những nỗ lực hoạt động của NHNN. Những hoạt động này là chỉ dấu cho thấy chính sách của NHNN được Đảng cầm quyền và Nhà nước đánh giá cao. Như vậy có thể suy ra Đảng cầm quyền và Nhà nước đang ủng hộ chính sách tạo ra đầu cơ vàng.

Vậy còn ai đang đầu cơ vàng ở đây ngoài chính Đảng, Nhà nước và Chính phủ Việt Nam? Tại sao họ phải làm như vậy? Rất có thể đầu cơ vàng chính là chính sách tận thu tiền từ nhân dân trong bối cảnh nền kinh tế đang be bét và xuống dốc, và ngân sách nhà nước đang bị thâm thủng nghiêm trọng. 



BLOG NGUYỄN VẠN PHÚ 
THURSDAY, APRIL 25, 2013
Bài báo của Thanh Niên chỉ sai về mặt kỹ thuật, về bản chất không có gì sai cả

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) phản ứng mạnh bài 'Rửa' vàng bằng cơ chế đăng trên báo Thanh Niên ngày 24-4 đến nỗi báo này phải rút bài xuống, hôm sau thì đăng đính chính trên báo in.

Vấn đề được NHNN đẩy đến chỗ hình sự hóa khi mời Bộ Công an (Tổng cục An ninh II) "cùng xử lý thông tin rửa vàng", tạo một tiền lệ chưa từng có.

Bình tĩnh đọc lại bài báo trên báo Thanh Niên thì thấy căn cứ để tác giả nêu ra các con số nhập lậu vàng vào Việt Nam trong các năm qua là một báo cáo của Hội đồng Vàng thế giới. Theo đó, bài báo cho rằng Việt Nam đã nhập khẩu 87,8 tấn vàng thỏi trị giá 4,561 tỷ đô-la vào năm 2011; 75,2 tấn vàng thỏi trị giá trên 4 tỷ đô-la vào năm 2012. Với vàng nữ trang thì ít hơn, năm 2011 nhập năm 2011 là 13 tấn, năm 2012 thêm 12,5 tấn nữa.

Cái sai về mặt kỹ thuật ở đây là báo cáo của Hội đồng Vàng thế giới dùng khái niệm "gold demand", tức nhu cầu vàng, được họ định nghĩa là "tổng lượng vàng nữ trang và vàng miếng tiêu thụ trong cả nước". Nhu cầu vàng này được ước tính dựa trên cung vàng từ các nguồn, gồm vàng chế tác và vàng nhập từ các nguồn không chính thức. Nói tóm lại, họ lấy các con số do các công ty vàng bạc lớn của cả nước bán ra trong năm để ước tính ra "demand" (cầu vàng), còn các công ty này lấy vàng từ đâu thì họ không quan tâm (vì cũng chẳng biết). Vàng đó có thể từ nhập lậu, cũng có thể từ các dạng vàng khác dập thành vàng miếng hoặc vàng nguyên liệu nhập từ trước.

Ví dụ theo thông tin trên trang web của SJC, doanh thu của SJC năm 2010 là 4,27 tỷ đô-la, năm 2011 là 5,28 tỷ đô-la (khoảng 100 tấn giá lúc đó), chủ yếu là nhờ mua bán vàng miếng ra thị trường. Lưu ý là doanh thu này không có nghĩa SJC bán ra 100 tấn mà có thể xoay vòng nhiều lần, mua vào rồi bán ra nhưng cuối cùng cũng tính thành nhu cầu tiêu thụ vàng của toàn thị trường. Nhưng vàng nguyên liệu ở đâu ra để bán? Có thể từ nhập khẩu, có thể từ mua vàng đủ loại trên thị trường (từ chuyên môn là scrap gold) về chế biến thành vàng bốn số chín.

Vậy nếu bài báo nói những con số này là nhu cầu vàng, trong đó một tỷ lệ nào đó là từ vàng nhập lậu thì hoàn toàn chính xác, không cãi vào đâu được. Vàng nhập lậu tác động lên tỷ giá là chuyện ai cũng biết nên đoạn tiếp theo cũng không có gì sai cả.

Bây giờ đến đoạn quan trọng nhất là câu "hé lộ khả năng đã có tình trạng trục lợi chính sách để 'rửa' số lượng vàng lậu khổng lồ đã tràn vào Việt Nam". Chỉ cần biên tập bỏ chữ khổng lồ (vì như đã nói ở trên là không xác định được khối lượng vàng nhập lậu là bao nhiêu) thì câu này đâu có cáo buộc trực tiếp NHNN điều gì đâu. Bài báo chỉ nói đến khả năng người khác trục lợi do chính sách chứ đâu nói chính sách là nhằm rửa vàng lậu?

Tôi đã từng phê phán chính sách cho tạm xuất tái nhập vàng rồi nên ở đây không nhắc lại nữa nhưng rõ ràng chính sách này dễ bị một bên khác lợi dụng để hưởng lợi nhiều cách, kể cả không loại trừ khả năng hợp thức hóa vàng lậu nhập trước đó (dù số lượng có thể ít) mà NHNN không biết.

Nếu NHNN là nơi muốn lắng nghe dư luận để điều chỉnh chính sách thì đây là dịp rất tốt để hiểu thị trường bên ngoài đang nghĩ như thế nào về mình, công tác tuyên truyền còn yếu ra sao để họ hiểu nhầm như thế ấy, chứ tại sao lại hình sự hóa vấn đề lên như thế? Lắng nghe như thế biết đâu là nguồn thông tin để NHNN rà soát lại chính sách xem có để ai lợi dụng không chứ chưa gì đã phủ định hết sạch như thế thì chủ quan quá.

Chính sách liên quan đến vàng đang tiếp tục nhận những phê bình của công luận. Dù báo Thanh Niên có đính chính thì báo Pháp Luật TPHCM lại có bài "Thị trường vàng: Nguy cấp! Điều hành vàng: Thất bại!" (Với câu dẫn rất ấn tượng: Thanh tra cần làm rõ: Vàng lậu vào VN là bao nhiêu? Đấu giá vàng và tạo ra tình hình độc quyền thương hiệu để làm gì?); báo Tuổi Trẻ thì có bài "Ai mua hơn 12 tấn vàng đấu thầu?" đặt vấn đề NHNN đã tung ra hơn 12 tấn vàng nhưng giá vàng trong nước không những không giảm mà ngày càng bỏ xa giá vàng thế giới.

Đâu có thể "mét" bên Bộ Công an hết được!



BLOG VĂN CÔNG HÙNG

Kinh hoàng, vô cùng kinh hoàng khi một người phụ nữ ở Cà Mau đã phải tự tử để, một là chồng con đỡ phải chi tiền thuốc hàng ngày cho mình, lấy tiền ấy cho con ăn học, và 2, là để chứng minh là gia đình mình là hộ nghèo, mong được các cấp chính quyền xác nhận cho nhà mình nghèo, để ngân hàng cho vay tiền theo chế độ ưu đãi cho con mình đi học...

Tôi đọc tin này trước tiên trên fb của nhà báo Đức Hiển khi anh vừa duyệt bài xong, mai báo mới ra, nhưng cầm lòng không đậu anh phải thông báo ngay trên fb, một việc ít BTV nào làm. Sau đó hôm sau đọc cụ thể và, không thể cầm được lòng uất hận cũng như thương xót. Trời ơi, sao trong xã hội chúng ta bây giờ mà vẫn còn những người khổ đến thế. Chết là khổ nhất, thế mà có người lấy cái chết để chia sẻ cái khổ với chồng con. Tôi đọc được một tình yêu vô bờ của người phụ nữ này với chồng và con qua bức thư chị để lại. Và tôi cũng thấy sự vô cảm đến ác độc của những ông quan ở đấy, từ ấp đến xã đến mấy ông quan ngân hàng... đau đớn, vô cùng đau đớn.

Chúng ta có những công trình hàng ngàn tỉ, những tượng đài, những quảng trường hàng mấy trăm tỉ, những nhà thờ, những lễ hội hoành tráng... thế mà vẫn có những thân phận người "dưới đáy" đến như thế, còn hơn cả thời Gooc Ky, hơn cả anh Pha, chị Dậu, vì họ chưa phải treo cổ chết để chứng minh mình nghèo, để cứu chồng con. Chị Dậu, dẫu sao vẫn còn Nghị Quế ra tay mua cho mấy con chó, mua cho mấy đứa con để mà sống. Và rồi vẫn còn có cụ Cố, dẫu dê xồm nhưng còn ra tay cho chị Dậu tiền nếu chị... im lặng. Ở đây, cả một hệ thống chính trị từ ấp đến tỉnh, bao nhiêu bà con hàng xóm... thế mà cuối cùng chị đã một mình lặng lẽ chọn cái chết để giải thoát mình, để lại gánh nặng cho chồng và con- như thư chị viết...

Nếu viết nữa tôi sẽ khóc. Khóc vì phẫn uất, và vì biết, những thân phận dưới đáy như chị Nguyễn Thị Mỹ Nhân (48 tuổi, ngụ ấp 5, xã An Xuyên, TP Cà Mau, vẫn còn nhiều lắm.

Khi khởi công rầm rộ các công trình vô bổ, khi đề ra những dự án làm nghèo đất nước, khi định những chủ trương, chính sách vớ vẩn... hãy nghĩ đến những thân phận "dưới đáy" đang rất nhiều trong xã hội ta, thưa các ông bà ăn lương của dân...

Nếu chị không tự tử, chúng ta vẫn vênh vang là một xã hội ngàn lần tốt đẹp, như lời bà phó chủ tịch nước, cũng như nếu không... tung clip...



BLOG VIẾT TỪ SÀI GÒN
Sat, 04/27/2013 - 14:44 — VietTuSaiGon

Có lần, ông tôi nằm trên giường bệnh và nói lớ mớ, anh em tôi không ai hiểu ông nói gì, ông ngoắc tôi lại gần, rồi thều thào dặn: "Ba mươi tháng Tư năm nay, chắc ông không làm được như mọi năm, con nhớ, cứ nghe tiếng chó sủa đêm phía sau nhà thì mang một ít thuốc lá, bánh, áo giấy và đường ra cúng nhé! Họ về đó, năm nào cũng thế…". Chưa kịp hiểu gì thì ông đã qua đời. Cũng từ đó, cứ 30 tháng Tư, tôi lại làm theo lời ông dặn nhưng vẫn không rõ lắm "họ" mà ông đã nói là ai. Mãi cho đến mười một năm sau, lúc này tôi đã ngấp nghé tuổi trung niên.

Lúc tôi được biết rõ chuyện này cũng là lúc bà sắp qua đời, bà cũng gọi tôi đến bên giường và nói thì thào vào tai tôi: "Sau nhà mình là một nghĩa trang đã bị phá hủy trong những ngày mới thay đổi chế độ, nghĩa trang đó chôn những người lính Nghĩa quân và Biệt kích, trong thời gian làm kinh tế hợp tác xã, họ bắt ông của con phải ra đào mộ, lấy đất làm gạch. Chỉ bắt ông con vì ông con là lính nghĩa quân thời Pháp và bác Hai của con là sĩ quan chế độ cũ. Hồi đó nếu ông từ chối thì nhà mình khó mà sống cho yên. Ông con nhắm mắt mà bốc họ đi. Bốc xong, mấy ông cán bộ đưa cốt đi đâu bà cũng không rõ. Chỉ nhớ là mỗi đêm, vong hồn về đốt đuốc sáng choang ngoài hố gạch, nói chuyện rì rầm cả đêm. Họ linh lắm. Ông của con chỉ biết thắp hương khấn vái xin họ thương tình mà tha thứ cho tình cảnh của ông. Họ về báo mộng, cho ông biết là họ bỏ qua tội của ông, họ hiểu hết, họ không trách. Nhưng họ cần áo quần để mặc, họ thèm đường bát và thuốc lá… Con nhớ mà cúng mỗi năm nhé, và nhớ cầu nguyện cho họ siêu thoát…".

Lời dặn của ông và câu chuyện của bà trước lúc lâm chung khiến tôi buồn mấy ngày và cứ suy nghĩ miên man về thân phận con người, thân phận của những chiến binh đã hy sinh thân xác cho lý tưởng, cho quốc gia, dân tộc. Có thể nói rằng họ là những chiến binh không may, mộ phần của họ không được chăm sóc tử tế bởi bàn tay đồng đội, bàn tay người thân. Sau một biến cố lịch sử, mọi việc đảo lộn, thân phận của người sống cũng như người đã khuất cũng trở nên phiêu hốt, bất định. Và cũng có thể nói rằng đó là một sự không may mắn mang tính lịch sử.

Nhưng, nếu chỉ nói thế thì e rằng sự thiếu sót này không thể nào bỏ qua, và sự hời hợt trong nhận xét cũng là một cái tội, chí ít là cái tội với người đã nằm xuống. Hai miền Nam – Bắc nước Mỹ, sau chiến tranh, họ vẫn có một nghĩa trang chung của hai phía, họ cũng có những cuộc hòa giải để cho thấy rằng không có bên nào chiến thắng cũng như không có bên nào thua trận. Mà chiến thắng lại thuộc về nước Mỹ, một nước Mỹ yêu chuộng hòa bình và dân chủ, văn minh thuộc vào bậc nhất địa cầu. Rất tiếc, Việt Nam thì mọi chuyện vừa buồn cười vừa chảy nước mắt.

Sau ba mươi mấy năm kêu gọi hòa giải, hòa hợp dân tộc, cái người ta dễ nhìn thấy nhất đó là hàng triệu sốn phận bị đắm chìm vì những chủ trương, chính sách cấm cửa, không cho thi đại học vì có lý lịch là con em của chế độ Việt Nam Cộng Hòa, mọi cơ hội hoàn toàn đóng kín trước mắt những người có liên quan đến chế độ cũ. Và, mãi cho đến bây giờ, những căn nhà bị cướp trắng, những người vợ, người con của chiến bính Việt Nam Cộng Hòa bị xua đuổi ra đường vẫn chưa bao giờ có cơ hội bước chân vào căn nhà cũ của mình.
Nhưng đó là chuyện vẫn chưa đáng kinh hãi lắm.

Đáng kinh hãi hơn cả là những ngôi mộ liệt sĩ Việt Nam Cộng Hòa bị bỏ hoang, bị đào bới và những nghĩa trang bị chiếm đất để trồng cây lâu năm, cây lấy gỗ mà ai cũng có thể nhận biết là cây đó nhanh tươi tốt như vậy nhờ bởi hút xác người. Thật là hãi hùng khi nghĩ rằng người chết phải thêm một lần chết dần chết mòn bởi rễ cây đang từ từ nhấm nháp xương cốt, từ từ xâm thực toàn bộ mộ phần của họ. Nhưng, mức độ kinh hãi vẫn chưa dừng ở đó, người ta còn nghĩ đến việc mở đường, xây dựng công trình lên đó và xóa sạch dấu vết của chế độ cũ. Giật sập tượng đài, đào bới mộ, hoang hóa nghĩa trang, đó là tất cả những gì có được trong cuộc hòa giải hòa hợp dân tộc này!

Đến lúc này, tôi phải tự hỏi liệu cái nền giáo dục mà tôi đã học ở đó trong quãng thời gian không ngắn của đời người có phải là nền giáo dục của con người? Vì nếu là nền giáo dục của con người thì phải dạy cho người ta biết yêu thương, biết kính trọng, nghiêng mình trước vong linh người đã khuất và biết động lòng trắc ẩn trước cái chết đồng loại. Nhưng không, suốt ba mươi mấy năm nay, người ta vẫn chưa ngưng hành hạ những ngôi mộ liệt sĩ đối phương, người ta vẫn chưa ngừng tung hê chiến thắng, người ta vẫn không ngừng rót rượu uống mừng, mặc cho mấy triệu đồng bào phải cúi mặt giấu nước mắt.

Thêm một 30 tháng 4 nữa, thêm một năm dài của những oan hồn còn vương vấn đâu đó nơi dương thế bởi chưa tìm được sự chăm sóc ấm áp của người thân hoặc bị cư xử quá tệ bạc và tàn nhẫn. Thêm một năm nữa, không có hy vọng gì vào một xứ sở mà ở đó, lòng cừu thù đã lậm vào máu thịt và não trạng, sự hận thù không từ bỏ cả với người chết… Lại một 30 tháng 4 nữa, chó đang sủa sau nhà, và trụ sở ủy ban phường đang có văn nghệ ăn mừng chiến thắng!

Thứ Hai, 29 tháng 4, 2013

Lê Mai : Bốn ông họ Lê (Phần 2 - 3)

Nguồn lemaiblog

Bốn ông họ Lê (Phần 2)

by Lê Mai

Tại rừng Lộc Ninh, Trung ương Cục, Quân ủy Miền với sự chỉ dẫn chi tiết từ Bộ chính trị và Quân ủy Trung ương, đang gấp rút vạch kế hoạch đánh chiếm Sài Gòn. Trời mưa, đường sá lầy lội, ông Thọ lo lắng tốc độ hành quân bị chậm lại trong những vần thơ:

Nghe chim tu hú gọi

Rừng Lộc Ninh sáng rồi

Suốt đêm qua không ngủ

Nằm đếm tiếng mưa rơi

Lo cho anh bộ đội

Lầy lội quãng đường dài

Xem ra, qua thơ ca, Lê Đức Thọ "lo cho anh bộ đội" không chỉ một lần. Nhân chuyến thăm biên giới phía Bắc, Tết năm 1983, Lê Đức Thọ có bài thơ nổi tiếng Điểm tựa:

Hàn thử biểu chỉ độ không

Đêm nay trời rét lắm

Cái rét biên thuỳ lạnh buốt thịt da

Cả núi rừng chìm đắm dưới sương khuya

Gió vi vút rít qua khe cửa nhỏ

Trằn trọc mãi thâu đêm chẳng ngủ

Thương anh nhiều anh chiến sĩ của tôi ơi

Những người lính VN nơi biên giới gần như "phát khóc", bởi họ thấy cấp trên thấu hiểu cặn kẽ cuộc sống và chiến đấu của mình đến thế. Nếu "cụ" Thọ hiểu hoàn cảnh của mình nghĩa là Đảng sẽ hiểu. Và một khi Đảng đã hiểu thì Đảng sẽ có cách giải quyết – họ luôn tin tưởng điều đó.

Đây là cuộc sống của người lính:

Gạo sấy khoai mỳ, "bát canh toàn quốc"

Và "nước chấm đại dương" đỡ lúc đói lòng

Cũng có khi "thịt ấm chân răng"

Nhưng có bữa cơm toàn muối trắng

Hãy đọc thêm hai câu:

Đời chiến sỹ còn nhiều khổ cực

Quần áo mong manh, cơm có bữa chưa no

Hai câu thơ thật đơn giản, cũng chẳng có nhiều chất thơ lắm. Nhà thơ Vũ Quần Phương bình luận: hai câu thơ ấy "đủ lay động tâm hồn toàn quân và toàn dân ta. Cái hay của thơ ở đây không để rung đùi mà để dẫn tới hành động…đó là cái hay ở một cách nhìn, một thái độ đối với hiện thực, đó là cách nhìn tôn trọng hiện thực, tôn trọng hiện thực vì yêu thương con người". (?!).

Dù sao phải thừa nhận, Điểm tựa là một hiện tượng thời ấy, người ta thảo luận, bàn tán, khen ngợi rất sôi nổi. Nếu không phải tác giả của nó là Lê Đức Thọ, người khác viết như thế là "chết liền" – vào thời điểm ấy. Có lẽ, cái đặc sắc nhất là ở chỗ nó nói lên được sự gian khổ của người lính nơi biên giới.

Năm sau, đón xuân ở Minh Hải, mảnh đất cuối cùng của đất nước, trong cảnh nắng ấm, nhà thơ lại nhớ về "anh bộ đội" đang chịu cảnh rét mướt ở biên thùy phía Bắc:

Đường lên biên giới đâu xa lắm

Nhưng khó thăm anh lại một lần

Mở đài nghe báo tin thời tiết

Đợt rét mùa này rét rét thêm

Tôi ở miền Nam tràn nắng ấm

Ước gì nắng ấm cả vùng biên

Ba từ "rét" của đoạn thơ ở đây cũng khá hay đấy chứ. Ý tưởng của tác giả, xem ra vẫn là "gửi nắng ra ngoài ấy"…

Thời ấy, các nhà lãnh đạo Bắc VN, phải vào sinh ra tử, không có điều kiện học hành bài bản, song họ am hiểu rất nhiều lĩnh vực. Và nhiều nhà lãnh đạo còn làm thơ, thích làm thơ. Hồ Chí Minh, Trường Chinh, Lê Đức Thọ, Xuân Thủy và tất nhiên – Tố Hữu, thường làm thơ và có không ít những vần thơ khá hay. Còn Lê Duẩn thì sao? Thật thú vị khi biết ông đã đọc bài thơ của mình tặng bà Bảy Vân (Nguyễn Thụy Nga) trong đám cưới của họ năm 1948 mà Lê Đức Thọ làm ông mai, Phạm Hùng làm chủ hôn:

Hỡi cô con gái Đồng Nai

Năm nay là mấy năm rồi cô yêu?

Hôm qua gió lạnh đìu hiu

Lòng cô man mác trăm chiều nhớ thương

Hôm nay trời tạnh mây quang

Gió xuân đầm ấm mùi hương đậm đà

Tự tình ta lại với ta

Say sưa bao xiết là ta với mình

Cho hay là giống hữu tình

Đố ai cắt được tơ mành làm đôi

Phải chăng đây là bài thơ duy nhất của Lê Duẩn? Nghe như thơ của Nguyễn Bính vậy. Hình như Lê Duẩn thích thơ Nguyễn Bính. Trong một lần Pháp càn vùng Đồng Tháp Mười, cơ quan phải di chuyển. Trần Bạch Đằng và Lê Duẩn cùng đi trên một chiếc xuồng ba lá, ông Đằng bơi lái, ông Duẩn bơi mũi, xuôi theo kinh Dương Văn Dương ra sông Vàm Cỏ Tây. Đường xa, bơi đêm, để quên mệt, ông Trần Bạch Đằng đọc bài "Lỡ bước sang ngang" của Nguyễn Bính. Ông Lê Duẩn bảo đọc to lên một chút. Ông vừa bơi vừa nghe, thỉnh thoảng bình: hay. Gần sáng, đến nơi an toàn, ông bảo Trần Bạch Đằng đọc lại lần nữa và ông gật gù: Tay Nguyễn Bính này giỏi thật.

Lê Duẩn cũng rất am hiểu các vấn đề văn hóa. Một hôm, Trần Độ, bấy giờ là Trưởng ban Văn hóa – Văn nghệ Trung ương được gọi lên báo cáo với Tổng bí thư về vấn đề văn hóa để chuẩn bị cho Đại hội V. Ông hy vọng đây là dịp tốt để có thể trình bày với Tổng bí thư toàn bộ quan điểm đổi mới về văn hóa theo kinh nghiệm của LX. Thế nhưng, Trần Độ mới trình bày được mươi phút thì Lê Duẩn đã ngắt lời và nói luôn một mạch cho đến hết buổi sáng. Nói về văn hóa nhưng cách diễn đạt của Lê Duẩn đượm màu sắc triết học làm Trần Độ hết sức ngạc nhiên và thích thú. Và như thế, suốt cả buổi sáng, Trần Độ không nói thêm được một câu nào. Ông Duẩn hẹn chiều làm việc tiếp trong sự phấn khích. Trần Độ hy vọng buổi chiều sẽ tìm cách trình bày cho được ý kiến của mình. Nhưng vừa ngồi xuống ghế, chưa uống hết ly nước, ông Duẩn đã bắt đầu nói một mạch hơn cả tiếng đồng hồ. Nhân lúc ông Duẩn dừng lại uống nước, ông Độ chen vào nói, nhưng cũng chỉ được mươi phút, khi ông Độ dừng lại nhìn vào sổ tay, ông Duẩn "chiếm lại diễn đàn" và cứ thế nói cho đến hết cả buổi chiều.

Mặc dù không trình bày được ý tưởng của mình, song Trần Độ rất thán phục sự am hiểu về văn hóa của Lê Duẩn.

******

Bốn ông họ Lê (Phần 3 )

by Lê Mai

Con người ta khác nhau là ở phong cách. Người nào không có phong cách riêng, phải thấy rằng người đó không có gì hết. Nếu như phong cách của Trường Chinh là từ tốn, nghiêm trang, nói năng cân nhắc thận trọng, ít khi ngắt lời người khác thì phong cách của Lê Duẩn lại sôi nổi, mạnh mẽ, quyết đoán. Một khi ông đã định làm gì là làm ngay hoặc cho phép làm ngay.

Lê Duẩn có một cái đầu luôn luôn suy nghĩ, sáng tạo, ông đánh giá sự vật, hiện tượng một cách sắc sảo, có tầm nhìn xa.

Tháng 8 năm 1975, phát biểu tại cuộc họp trù bị của Hội nghị Trung ương lần thứ 24, Lê Duẩn đã có cái nhìn rất thoáng đối với nền kinh tế miền Nam:

"Xưa nay ở miền Bắc chúng ta có một số sai lầm, là vì chúng ta đã đi sai quy luật. Nếu chúng ta đi sai quy luật mà đưa vào miền Nam thì càng sai lầm. Vì vậy, nay có được miền Nam là để chúng ta thấy lại cho rõ hơn. Tại sao chúng nó là tư bản, chúng nó bóc lột người ta dữ mà năng suất lao động vẫn cao".

"Tại sao người thợ ở ngoài này không bằng người thợ ở trong kia? Mình trả lời làm sao? Anh là chủ nghĩa xã hội mà tại sao anh không được bằng trong kia, anh trả lời làm sao?"

"Ở miền Bắc trước đây phải hợp tác hóa ngay lập tức…Nhưng miền Nam bây giờ không thể làm như vậy. Miền Nam bây giờ anh không để cho giai cấp tư sản phần nào đấy, mà nông dân thì phần nào hóa tư sản rồi, anh mà làm sai đi thì công nông không liên minh được đâu. Phải có tư sản, phải cho nó phát triển phần nào đã".

Tiếc rằng, những tư tưởng đó không được phát triển, có thể bị chìm đi trong không khí say sưa vì thắng lợi và mười năm sau đó, dưới sự lãnh đạo của ông, kinh tế VN xuống dốc thê thảm, lâm vào khủng hoảng chưa từng có. Những sai lầm, khuyết điểm đó, "anh Ba là người chủ trì có trách nhiệm lớn" – Võ Nguyên Giáp.

Có thể nhận xét, Lê Duẩn là "nhà cách mạng thành công, người xây dựng thất bại" hay không?

Tư tưởng về chiến tranh của Lê Duẩn bao giờ cũng sâu sắc. Một lần, Lê Duẩn gọi Lê Trọng Tấn và Lê Đức Anh lên chỉ thị, cố gắng giải phóng xong Cambodia sớm rồi rút quân về Nam Bộ làm ruộng. Lúc bấy giờ, trong Trung ương cũng có nhiều ý kiến khác nhau về chiến lược tại Cambodia. Nhưng rồi trên thực tế, VN đã ở lại Cambodia hơn mười năm với 200 ngàn quân, 4 Ủy viên Bộ chính trị, 9 Ủy viên Trung ương, 2 Phó thủ tướng, 30 Thứ trưởng, 54 Thường trực tỉnh ủy đã từng có mặt và trực tiếp làm nhiệm vụ tại Cambodia (theo Huỳnh Anh Dũng, cựu Đại sứ VN tại Cambodia).

Ngày 25.12.1978, VN sử dụng một lực lượng hùng hậu gồm bộ binh, hải quân, không quân, xe tăng, thiết giáp….tổng tấn công Cambodia. Tướng Lê Trọng Tấn là Tư lệnh chiến dịch. Còn Lê Đức Thọ, đại diện của Bộ chính trị, giám sát tổng quát cuộc hành quân, trực tiếp chỉ đạo toàn bộ việc giải quyết cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam.

Với sức mạnh quân sự tuyệt đối của VN, Cambodia nhanh chóng sụp đổ.

Sau khi giải phóng Cambodia, Lê Đức Thọ là "Toàn quyền" Cambodia, Lê Đức Anh là Tư lệnh quân tình nguyện VN và Lê Khả Phiêu là Phó Tư lệnh chính trị quân tình nguyện. Ba ông họ Lê đóng vai trò quan trọng nhất tại Cambodia, tất nhiên, dưới sự chỉ đạo tối cao của một ông họ Lê khác từ Hà Nội – Lê Duẩn.

Hơn mười năm quân đội VN ở Cambodia là một trong những giai đoạn khó khăn, phức tạp nhất trong lịch sử VN hiện đại, để lại nhiều vấn đề mà cho đến nay cũng chưa thể đánh giá hết được.

Chúng ta đều biết, trong thời gian tướng Lê Đức Anh chỉ huy quân tình nguyện VN đã xẩy ra sự kiện Xiêm Riệp, phản ánh sự ấu trĩ không thể tin nổi của quân báo VN tại Cambodia. Bọn Pol Pot, được các cố vấn TQ bày mưu, bèn cho một tên Trung đoàn phó ra trá hàng nhằm đánh phá từ bên trong. Đáng ngạc nhiên là quân báo VN lại mắc mưu trá hàng của tên này một cách dễ dàng. Hàng loạt cán bộ bị bắt. Xe của bộ đội VN đi đến đâu là ở đó khiếp sợ. Cho đến khi một cán bộ cao cấp của Cambodia tự sát để phản đối, VN mới nhận ra sai lầm.

Tướng Lê Đức Anh cho rằng, khi xẩy ra vụ Xiêm Riệp, ông ta đang chữa mắt ở Liên Xô, Lê Đức Thọ điện gọi về gấp. Bộ chính trị họp xét vụ này, Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã phê phán rất gay gắt và đề nghị một mức kỷ luật rất nặng đối với toàn bộ cán bộ chủ chốt của Bộ tư lệnh mặt trận 479 và 719 có liên quan đến vụ việc. Sau khi bàn bạc, Bộ chính trị giao cho Lê Đức Anh xử lý. Vấn đề là có chuyện tướng Hồ Quang Hóa đã ra Hà Nội báo cáo "cấp trên". Vậy "cấp trên" đó là ai? Lê Đức Anh đã khéo léo đề nghị chỉ xin xử lý "những việc cụ thể" và "những con người cụ thể", Bộ chính trị đồng ý. Rốt cuộc, chỉ có tướng Hồ Quang Hóa và Tư Thanh bị kỷ luật, mỗi người bị hạ một cấp và cho về nước. Bộ chính trị lại cử Chu Huy Mân sang xin lỗi đảng Cambodia.

Việc tướng Lê Đức Anh cho xây dựng tuyến tuần tra biên giới, biệt danh là K5, dài tới 800 cây số, cho đến nay vẫn còn nhiều tranh cãi. Một số ý kiến cho rằng K5 tốn kém và không cần thiết.

Tướng Lê Đức Anh là người khá sáng tạo khi chấp hành lệnh của cấp trên. Sau Hiệp định Pari, lệnh của trên là lui quân về vùng U Minh để củng cố, bấy giờ ông là Tư lệnh Quân khu IX cho rằng, nếu lui là mất đất, mất dân và ra lệnh cho Tham mưu trưởng cho quân ở yên, không có lui gì hết. Tại Cambodia, ông không chấp nhận bỏ chế độ Đảng ủy trong quân đội, dù Đại tướng cố vấn Liên Xô nói, đồng chí không chấp hành là không mácxít. Ông đáp, đồng chí hãy chỉ cho tôi, cả bản tiếng Nga và bản tiếng Việt, chỗ nào Mác nói trong quân đội không cần chế độ đảng ủy thì tôi nhận là sai và xin chấp hành. Bộ chính trị sau đó họp ở Sài Gòn nhất trí với ý kiến của ông.

Năm 1974, Lê Đức Anh được phong vượt cấp từ Đại tá lên Trung tướng, đến năm 1984, ông đã là Đại tướng. Sau khi hai Đại tướng Hoàng Văn Thái và Lê Trọng Tấn mất đột ngột, Lê Đức Anh lên làm Bộ trưởng Quốc phòng. Trước Đại hội VII, ngày 24.6.1991, Lê Đức Anh gửi thư cho "anh Linh, anh Tô, Bộ chính trị, Ban bí thư": "Xin Đảng cho phép tôi, phân công cho tôi chuyên trách công tác tổng kết kinh nghiệm chiến tranh…và xin được rút khỏi danh sách đề cử vào Bộ chính trị Trung ương khóa VII". Thế nhưng, Lê Đức Anh vẫn trúng cử Trung ương, Bộ chính trị và năm 1992, Quốc hội đã bầu Lê Đức Anh làm Chủ tịch nước.

Đạo đức cộng sản như vậy, chớ đâu phải như đạo đức phong kiến.

Trước mắt tôi là cuốn Tam Quốc chí, kể chuyện Tào Phi (con cả Tào Tháo) phế bỏ vua Hiến Đế. Các "cố vấn" của Phi ép vua Hiến Đế phải thảo chiếu nhường ngôi cho Phi. Tào Phi nghe xong chiếu, muốn nhận ngay. Song, Tư Mã Ý can rằng, chớ nên nhận vội, điện hạ hãy dâng biểu nói nhún mà từ đi, để bịt miệng thiên hạ dèm chê. Phi nghe lời, sai làm bài biểu, nói nhún rằng đức mình mỏng lắm, xin cầu người đại hiền khác để nối vào ngôi trời. Vua xem xong, trong bụng nghi hoặc, hỏi quần thần, Ngụy Vương khiêm tốn không chịu nhận, thì làm thế nào? Hoa Hâm tâu, bệ hạ phải giáng chiếu lần nữa, Ngụy Vương tất phải nghe. Phi tiếp được tờ chiếu, mừng rỡ lắm, bảo Giả Hủ, tuy rằng hai lần có chiếu, nhưng vẫn còn ngại đời sau chê cười ta thoán thiết, thì làm thế nào? Hủ thưa, việc ấy cực dễ, hãy sai Hoa Hâm nói với vua làm một cái đền thụ thiện, chọn ngày lành tháng tốt, hội cả công khanh lớn nhỏ đến hết ở dưới đền, để thiên tử nhường ngôi cho điện hạ, như thế thì không còn ai nghi việc gì, mà bịt được mồm thiên hạ. Tào Phi lên ngôi vua như thế đấy.

Năm 1997, Lê Đức Anh thôi chức Chủ tịch nước và cùng năm đó, một ông họ Lê khác trở thành Tổng Bí thư trong một Hội nghị Trung ương chứ không phải Đại hội Đảng – Lê Khả Phiêu

Huỳnh Ngọc Chênh : ANH CÓ KHỔ KHÔNG ANH TƯ?

Nguôn huynhngocchenh

1. Thời gian gần đây bỗng dưng rộ lên những trang blog bậy bạ tập trung chĩa mũi dùi vào anh Tư làm tui cảm thấy thương cho anh quá.
Trong các trang bậy bạ đó lại có trang mang hẳn tên anh nữa mới đau cho anh chứ. Hình như chúng nó không kiếm ra được cái gì sai trái trong công việc của anh nên chúng xục vào chuyện riêng tư gia đình, con cháu của anh để mong bôi bác anh. Nhiều người cho rằng những chuyện chúng viết đều linh tinh hầm bà lằng chẳng đúng đâu vào đâu. Ngay cả chuyện con anh, một "hoàng tử" mà chỉ làm một công việc bình thường ở một công ty tầm tầm, không như các "hoàng tử" và "công chúa" khác, mà chúng cũng không tha, cũng mang ra bêu riếu. Tuy nhiên những chuyện "hở váy lòi lưng" thấp kém ấy lại kích thích sự tò mò của nhiều người và do vậy cũng có lắm kẻ vào xem, lắm người thích thú cười cợt sau lưng anh, trong đó không loại trừ các đồng chí thân yêu của anh. Chắc anh đau lắm nhỉ?
Đường đường một ông vua như anh mà bị người ta xỏ xiên bêu riếu, xâm phạm vào đời tư, đăng ảnh sinh hoạt riêng tư của con cháu anh lên một cách trái phép mà anh không biết làm cách nào để chống đỡ, để nói lại, để thanh minh hoặc để kiện chúng nó ra tòa- ít ra là về tội xâm phạm đời tư công dân- quả là đau lắm chứ!
Tại sao lại có chuyện như vậy anh Tư hè?
Tôi thấy ở các nước khác, nguyên thủ của họ, kể cả những nguyên thủ có lắm chuyện riêng tư bê bối cũng không đến nỗi bị khổ như vậy. Có những chuyện riêng tư dư luận không dám đụng vào, có những chuyện họ đụng vào được thì phải có bằng chứng rõ ràng và cách họ đụng cũng rất đàng hoàng, rất minh bạch, không sai sự thật và không viết lách theo kiểu bôi tro trét trấu một cách ti tiện.
Họ làm được như vậy bởi vì họ có một nền báo chí tự do, cá nhân nào, tổ chức nào cũng có quyền ra báo. Khi mà họ chịu trách nhiệm pháp lý về tờ báo của mình thì họ không thể viết bậy, không thể xuyên tạc sự thật và không thể tự do tung tin bịa đặt xâm phạm vào quyền riêng tư của công dân. Một khi đã có tự do báo chí thì những trang blog nặc danh không có đất sống vì không ai thèm vào đọc những thứ bậy bạ vô trách nhiệm như vậy. Ở Mỹ, Châu Âu, Nhật bản và ngay ở những nước như Thái Lan, Mã Lai...khó tìm thấy những trang blog theo kiểu tusangnha..., nguyentandu...Mà ở những nước ấy nếu có những trang bậy bạ như vậy thì cũng hiếm người biết đến.

2. Ở Việt Nam, phản ứng lại sự độc quyền báo chí của đảng anh, các trang blog cá nhân xuất hiện. Sự xuất hiện này là nỗ lực tự thân của người dân nhằm cải thiện quyền tự do ngôn luận đang bị hạn chế.
Anh Tư ơi, nỗ lực đó bị chính quyền của anh cản trở bằng nhiều cách như: bắt bớ, hành hung, theo dõi, đánh sập, chặn tường lửa và đặc biệt dùng lực lượng 900 dư luận viên để chống lại như công bố của ông Hồ Quang Lợi. Không biết các dư luận viên được nhà nước trả lương nầy làm những việc gì trên mạng nhưng sự  xuất hiện của họ ngẫu nhiên trùng hợp với sự xuất hiện của nhiều trang blog nặc danh bậy bạ và bẩn thỉu. Chúng thường giả danh là yêu nước, là chống cộng, là dân chủ, là hải ngoại...  để viết những bài bịa đặt bôi nhọ những trí thức, nhân sĩ và những blogger tiến bộ.
Và bây giờ đám âm binh đó lại chỉa mũi dùi vào chính các vị lãnh đạo của đảng cũng như vào chính anh đấy anh Tư ạ. He he, chơi âm binh có ngày bị mặc áo giấy là vậy.

Chắc anh và các đồng chí của anh cũng đã ghé mắt nhìn vào làng báo lề dân đứng đắn rồi chứ. Làng báo ấy được xây dựng lên bởi ai nếu không nói là những người được xã hội quý trọng. Đó là những đảng viên cấp tiến, những trí thức tài năng, những nhà văn, nhà báo tiến bộ, những công dân chân chính...Những bài báo của những người ấy viết, những trang blog của những người ấy lập ra là hoàn toàn đứng đắn, có tính phản biện cao, đóng góp tích cực cho công cuộc bảo vệ và đổi mới của đất nước. Tôi có thể kể ra đây một số người mà tôi nhớ như Hà Sĩ Phu, Tô Hải, Hoàng Tụy, Nguyên Ngọc, Nguyễn Quang A, Tương Lai, Hoàng Lại Giang, Phạm Đình Trọng, Bùi Minh Quốc, Nguyễn Trung, Phạm Toàn, Nguyễn Huệ Chi, Nguyễn Trọng Vĩnh, Nguyễn Trung, Lê Hiếu Đằng, Hạ Đình Nguyên, Hoàng Xuân Phú, Tiêu Dao Bảo Cự, Mai Thái Lĩnh, Trần Mạnh Hảo, Huy Đức, Võ Văn Tạo, Điếu Cày Nguyễn Văn Hải, Phạm Chí Dũng, Phạm Minh Hoàng, Nguyễn Thanh Giang, Nguyễn Huy Canh, Phạm Hồng Sơn, SV Phạm Lê Vương Các, Nguyễn Văn Thạnh, Oanh Yến thị Phạm, Huỳnh Thục Vy, Nguyễn Hoàng Vi...Và một số trang blog như: Ba Sàm, Bauxite VN, Nguyễn Xuân Diện, Nguyễn Tường Thụy, Quê Choa, Người Buôn Gió, JB Nguyễn Hữu Vinh, Trương Duy Nhất, Nguyễn Trọng Tạo, Bùi Văn Bồng, Đoan Trang, Thùy Linh, Dòng Chúa Cứu Thế, Anh Vũ, Giang Nam Lãng Tử, Phạm Viết Đào, Nguyễn Thông, Đào Tuấn, Nhật Tuấn, Nguyễn Vạn Phú, Hồ Trung Tú, Bà Đầm Xòe, Tạ Phong Tần, Lê Hiền Đức, Bùi Thị Minh Hằng, Xuân Việt Nam, Hồ Hải, Đông A, Phương Bích, Nguyễn Đắc Kiên...
Anh có thể nào tìm ra các bài viết xúc phạm cá nhân lãnh đạo, xâm phạm đời tư công dân và muôn vàn thứ bậy bạ vô trách nhiệm khác của những người đó hay trên các blog đó không? Ngay những bài viết giật gân câu khách bằng các đề tài rẻ tiền như đâm- cướp- hiếp mà báo chí được cho là chính thống của nhà nước vẫn tận tình khai thác cũng không hề có mặt trên những blog lề dân này. Hoàn toàn không. 
Dù bị bao vây đánh phá, dù không được chính quyền các anh công nhận, những người cầm bút tự do ấy, những blog lề dân ấy vẫn luôn luôn trách nhiệm về từng bài viết của mình trước lương tâm, trước xã hội và trước pháp luật. Đó là diện mạo thật sự của một nền báo chí tự do, dù là tự do trong hàng rào vây chặt của an ninh, của tường lửa, của giả danh côn đồ, của hacker cùng với hai lưỡi gươm 88 và 79 treo lơ lững trên đầu.
Một khi hàng rào ấy được dỡ bỏ, nền tự do báo chí thật sự được cởi trói, thì làng báo lề dân sẽ vươn lên. Những thứ âm binh, nặc danh, hạ cấp sẽ không còn chỗ đứng. (Bằng chứng là từ khi xuất hiện những blog đứng đắn kể trên, các trang blog bậy bạ, sex siếc khác vắng hẳn người vào). Lúc đó bản thân anh cũng sẽ bớt khổ anh Tư ơi.  Nhưng cho dù các anh không cởi trói thì làng báo lề dân cũng tự mình tìm cách vươn lên vì nó đã có chỗ đứng trong lòng dân, dĩ nhiên là cam go và tốn kém hơn.

3. Những trang blog nặc danh hạ cấp cùng những bài viết bôi bác nhắm vào các cấp lãnh đạo các anh thường xuất hiện rộ lên trước những cuộc họp quan trọng có liên quan đến vấn đề sắp xếp nhân sự của đảng anh. Trước hội nghị TW 6 đã rộ lên đến chóng mặt rồi sau đó tắt đi. Bây giờ nghe nói chuẩn bị nhóm họp hội nghị TW 7, những bài viết kiểu ấy lại nổi lên và không hiểu vì sao, lần nầy lại tập trung chĩa vào anh nhiều nhất. Không am hiểu chuyện nội bộ của các anh nên khó giải thích như thế nào. Tuy nhiên qua hiện tượng đó mọi người không thể nào không cùng rút ra một kết luận như đinh đóng cột như dưới đây.
Để tìm ra thủ phạm gây án, các thám tử thường đặt ra câu hỏi: Động cơ gây án là gì? Trong trường hợp trên, động cơ gây án là bôi nhọ, hạ thấp uy tín đối thủ để tranh giành quyền lực. Các nhân sĩ trí thức, các nhà báo tự do, các blogger và người dân lành thì không thể nào cạnh tranh giành giựt quyền lực với anh rồi anh Tư ạ.
Vậy thì ai đứng sau đám âm binh, đứng sau thứ nặc danh hạ cấp hẳn đã rõ rồi anh Tư nhỉ? Và nhân tiện cũng chúc mừng anh vì dư luận cho rằng một khi đối thủ của anh đã hết nước, phải dùng đến biện pháp hạ cấp thì có nghĩa "phe anh" đang thắng thế. He he!!!
Nhưng tại sao lại có chuyện nầy? 
Một nền chính trị không minh bạch, thiếu dân chủ, nhân sự lãnh đạo không thực sự do người dân bầu chọn là nguyên nhân của mọi sự tồi tệ.
Và anh đang hứng chịu một phần nhỏ của sự tồi tệ đó. 
Còn đất nước và nhân dân này đang hứng chịu tất cả, 38 năm qua. Anh có khổ không anh Tư?
HNC

Lược sử cuộc sửa đổi Hiến pháp Việt Nam 1992 - Timeline of the Amendment of Vietnam’s 1992 Constitution

Nguồn phamdoantrang

SUNDAY, APRIL 28, 2013

Bản tiếng Anh ở phía dưới. Please scroll down for the English version.

2011

Tháng 1: Báo cáo chính trị của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng Cộng sản Việt Nam xác định: "Khẩn trương nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992 (đã được sửa đổi, bổ sung năm 2001) phù hợp với tình hình mới". Bản báo cáo dài hơn 100 trang, với ngôn ngữ chung chung thường lệ, không nêu cụ thể "tình hình mới" là như thế nào, nhưng có nhận định: "Từ cuối năm 2007, đầu năm 2008, kinh tế và đời sống gặp nhiều khó khăn. Các thế lực thù địch tiếp tục chống phá, kích động bạo loạn, đẩy mạnh hoạt động "diễn biến hoà bình"".

2/8: Uỷ ban Thường vụ Quốc hội có tờ trình lên Quốc hội "về việc triển khai thực hiện chủ trương nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992". 

Tờ trình khẳng định việc sửa đổi Hiến pháp là nhằm mục đích "thể chế hoá kịp thời đường lối, các chủ trương, chính sách lớn của Đảng", "việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp phải bám sát" các cương lĩnh, nghị quyết và văn kiện của Đảng, "ghi nhận những thành quả", "thành tựu to lớn" của đất nước "do Đảng khởi xướng".

Tờ trình cũng đề ra một định hướng của việc sửa đổi Hiến pháp 1992 là "Khẳng định sự lãnh đạo toàn diện của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với Nhà nước và xã hội đã được nhân dân ta, mà đại diện cao nhất là Quốc hội thừa nhận và ghi vào Hiến pháp".

6/8: Quốc hội ra Nghị quyết số 06/2011/QH13 "Về việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992 và thành lập Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992".

Thành viên Uỷ ban gồm:
  1. Ông Nguyễn Sinh Hùng, Ủy viên Bộ chính trị, Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Ủy ban.
  2. Ông Uông Chu Lưu, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch Ủy ban.
  3. Ông Lê Hồng Anh, Ủy viên Bộ chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Ủy viên.
  4. Bà Nguyễn Thị Doan, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch nước, Ủy viên.
  5. Ông Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Ủy viên.
  6. Bà Tòng Thị Phóng, Ủy viên Bộ chính trị, Phó Chủ tịch Quốc hội, Ủy viên.
  7. Ông Tô Huy Rứa, Ủy viên Bộ chính trị
Tất cả đều là đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam và giữ chức vụ cao trong bộ máy lãnh đạo.

24/8: Uỷ ban Dự thảo Sửa đổi Hiến pháp 1992 họp phiên thứ nhất. 


2012

21/2: Uỷ ban Dự thảo Sửa đổi Hiến pháp 1992 họp phiên thứ hai, thảo luận về "Báo cáo của Ban Biên tập về những vấn đề cơ bản trong sửa đổi Hiến pháp năm 1992".

22/5: Ban Tuyên giáo Trung ương ban hành văn bản số 52-HD/BTGTW, gửi các tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương Hướng dẫn tổ chức học tập, quán triệt các nghị quyết của Hội nghị lần thứ 5, Ban Chấp hành TW Đảng khoá XI (7/5/2012), trong đó có "những vấn đề cơ bản định hướng việc sửa đổi Hiến pháp 1992" (tiếp tục thể chế hóa đầy đủ và sâu sắc hơn chủ trương phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, bảo đảm tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân mà nền tảng là liên minh giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo).

23/11: Quốc hội ra Nghị quyết "Tổ chức lấy ý kiến nhân dân về dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992", đợt lấy ý kiến "bắt đầu từ ngày 02 tháng 01 năm 2013 và kết thúc vào ngày 31 tháng 3 năm 2013".

29/12: Bộ Chính trị ra Chỉ thị "về việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân về dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992", nêu rõ: "Quân ủy Trung ương, Đảng ủy Công an Trung ương (…) chỉ đạo chặt chẽ công tác bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội; phối hợp với các cơ quan, tổ chức hữu quan kịp thời đấu tranh, ngăn chặn những hành vi lợi dụng dân chủ việc lấy ý kiến nhân dân để tuyên truyền, xuyên tạc, chống phá Đảng và Nhà nước ta".

Cùng ngày, tại cuộc họp báo triển khai thực hiện việc lấy ý kiến nhân dân về dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992, Chủ nhiệm UB Pháp luật QH Phan Trung Lý, Trưởng ban biên tập dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992, khẳng định: "Không có điều gì cấm kỵ khi nhân dân góp ý sửa Hiến pháp", "nhân dân có thể cho ý kiến đối với điều 4 Hiến pháp như với tất cả các nội dung khác trong dự thảo, không có gì cấm kỵ cả".


2013

2/1: Bộ Chính trị ra Chỉ thị số 22-CT/TW về việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân về dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992. Điểm số 3 và 4 quy định:

"Quân uỷ Trung ương, Đảng uỷ Công an Trung ương lãnh đạo, kiểm tra việc lấy ý kiến về dự thảo sửa đổi Hiến pháp trong lực lượng Quân đội nhân dân, Công an nhân dân; chỉ đạo chặt chẽ công tác bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội; phối hợp với các cơ quan, tổ chức hữu quan kịp thời đấu tranh, ngăn chặn những hành vi lợi dụng dân chủ việc lấy ý kiến nhân dân để tuyên truyền, xuyên tạc, chống phá Đảng và Nhà nước ta".

"Ban Tuyên giáo Trung ương, Ban cán sự đảng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, Ban cán sự đảng Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các cơ quan thông tấn, báo chí ở trung ương và địa phương có kế hoạch tuyên truyền bằng nhiều hình thức thích hợp và tạo điều kiện thuận lợi để nhân dân tham gia đóng góp ý kiến về dự thảo sửa đổi Hiến pháp; mở chuyên trang, chuyên mục về dự thảo sửa đổi Hiến pháp và phản ảnh kịp thời ý kiến đóng góp của nhân dân".

11/1: Giáo sư Hoàng Xuân Phú có bài viết "Hai tử huyệt của chế độ", nhận định:

"Có lẽ lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCSVN) quan niệm rằng
  • quy định về quyền lãnh đạo của ĐCSVN đối với Nhà nước và xã hội, và
  • quy định đất đai thuộc sở hữu toàn dân và do Nhà nước quản lý
tại Điều 4 và Điều 17–18 của Hiến pháp 1992 là hai tử huyệt của chế độ. Vì vậy, dư luận càng muốn hủy bỏ hoặc sửa đổi hai quy định đó, thì họ càng kiên quyết bảo lưu. Chúng nằm trong định hướng bất di, bất dịch của lãnh đạo đảng, và được tái thể hiện tại Điều 4 và Điều 57 của dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992".

19/1: 72 trí thức cùng ký vào một bản kiến nghị gọi là "Kiến nghị về sửa đổi Hiến pháp 1992" (sau này được gọi là Kiến nghị 72), với nội dung đề nghị bỏ Điều 4 Hiến pháp 1992, thực hiện tam quyền phân lập, áp dụng quyền sở hữu cá nhân về đất đai, bỏ vai trò lãnh đạo độc quyền của Đảng cộng sản, bỏ chức năng chính của quân đội là phục vụ đảng cầm quyển mà thay vào đó là phục vụ nhân dân, dành nhiều quyền dân chủ hơn cho nhân dân, v.v. Kiến nghị được đăng tải trên trang web Bauxite Việt Nam (http://boxitvn.blogspot.com/2013/04/thong-bao-cua-nhom-soan-thao-va-ky-kien_17.html) và Anh Ba Sàm.

1/2: Trang web Cùng viết hiến pháp (hienphap.net) ra đời với mục đích "tạo ra một không gian đối thoại dân chủ về việc sửa đổi Hiến pháp", như lời phi lộ của nhóm khởi xướng (gồm GS. Ngô Bảo Châu, GS. Đàm Thanh Sơn, Nguyễn Anh Tuấn).

2/2: Đại biểu Quốc hội Lê Như Tiến, Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng, trả lời phỏng vấn tạp chí Thanh Tra, tái khẳng định: "Không có "vùng cấm" trong sửa đổi, bổ sung Hiến pháp lần này".

4/2: 16 đại diện của nhóm Kiến nghị 72 đến trụ sở Quốc hội tại 37 Hùng Vương (Hà Nội) gửi Kiến nghị, trưởng đoàn là ông Nguyễn Đình Lộc, nguyên Bộ trưởng Tư pháp. Một số cơ quan báo chí có đến đưa tin và đăng tải, như báo Pháp luật TP.HCM.

Ông Lê Minh Thông, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, Phó Ban Biên tập dự thảo sửa đổi, bổ sung Hiến pháp 1992, tiếp đoàn.

21/2: Một số cựu sinh viên Đại học Luật Hà Nội gửi "Kiến nghị về việc sửa đổi Hiến pháp 1992", với hai nội dung: 1. Huỷ thời hạn chót cho việc lấy ý kiến nhân dân; 2. Tổ chức trưng cầu dân ý để nhân dân thực hiện quyền phúc quyết hiến pháp.

25/2: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại một hội nghị với Ban Thường vụ Tỉnh uỷ  Vĩnh Phúc: "Vừa rồi đã có các luồng ý kiến cũng có thể quy vào được là suy thoái chính trị, tư tưởng, đạo đức … Xem ai có tư tưởng muốn bỏ Điều 4 Hiến pháp không, phủ nhận vai trò lãnh đạo của đảng không? Muốn đa nguyên đa đảng không? Có tam quyền phân lập không? Có phi chính trị hóa quân đội không? Người ta đang có những quan điểm như thế, đưa cả lên phương tiện thông tin đại chúng đấy. Thì như thế là suy thoái chứ còn gì nữa". 

Đài Truyền hình Việt Nam phát sóng tin này trong chương trình Thời sự 19h, và lập tức gây ra một làn sóng phản đối trên không gian Facebook.

26/2: Nhà báo Nguyễn Đắc Kiên, báo Gia đình & Xã hội, có bài viết "Vài lời với TBT ĐCSVN Nguyễn Phú Trọng", đăng trên blog cá nhân và có gửi cho hai trang web khác là Anh Ba Sàm và Cùng viết Hiến pháp. Buổi sáng, Anh Ba Sàm đăng tải bài viết này. Đầu giờ chiều, ban lãnh đạo báo Gia đình & Xã hội tổ chức họp và chất vấn Nguyễn Đắc Kiên về bài viết, sau đó tuyên bố cho ông Kiên nghỉ việc, và đăng thông báo buộc thôi việc trên trang điện tử của báo.

28/2: Từ trang Dân Làm Báo, xuất hiện lời Tuyên bố của các Công dân tự do. Không còn là một kiến nghị, Tuyên bố này giống như sự thể hiện một ý chí chính trị: "Chúng tôi không chỉ muốn bỏ Điều 4 trong Hiến pháp hiện hành, mà chúng tôi muốn tổ chức một Hội nghị lập hiến, lập một Hiến pháp mới thực sự là ý chí của toàn dân Việt Nam, không phải là ý chí của đảng cộng sản như Hiến pháp hiện hành. Chúng tôi ủng hộ đa nguyên, đa đảng, ủng hộ các đảng cạnh tranh lành mạnh vì tự do, dân chủ, vì hòa bình, tiến bộ của dân tộc Việt Nam, không một đảng nào, lấy bất cứ tư cách gì để thao túng, toàn trị đất nước".

1/3: Hội đồng Giám mục Việt Nam gửi thư góp ý về Hiến pháp cho Uỷ ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992, yêu cầu Hiến pháp mới phải nêu rõ hơn các quyền con người, xoá bỏ đặc quyền của bất kỳ đảng phái chính trị nào, Nhà nước không được tuyên truyền tiêu cực về tôn giáo và không được can thiệp vào công việc nội bộ của cộng đồng tôn giáo.

2/3: Đoàn công tác Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 do Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng – Chủ tịch Ủy ban dự thảo – dẫn đầu đã có cuộc làm việc với TP.HCM về việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo sửa đổi HP trên địa bàn TP.

Sau đó, mỗi hộ dân tại TP.HCM bắt đầu được phát một tập tài liệu 79 trang so sánh Hiến pháp 1992 với dự thảo Hiến pháp do Uỷ ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 đưa ra. Kèm theo đó là một bản "Phiếu lấy ý kiến nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh về dự thảo sửa đổi hiến pháp 1992".

Bản này đưa ra hai nội dung góp ý:
  • Đồng ý với toàn văn Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992
  • Đồng ý với những nội dung khác trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 và có ý kiến góp ý, đề nghị sửa đổi, bổ sung ở những Chương, Điều, Khoản hoặc từ ngữ cụ thể.
6/3: Công thư của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng gia hạn góp ý sửa đổi Hiến pháp sẽ được dời lại đến ngày 30/9 thay vì 31/3, và đề nghị các cấp chính quyền, các cơ quan ban, ngành địa phương tạo điều kiện cho người dân đóng góp ý kiến.

8/3: Đài Truyền hình Việt Nam bắt đầu một chiến dịch truyền thông vào "giờ vàng" – Chương trình Thời sự 19h hàng ngày – với nội dung đả kích những người ký vào bản Kiến nghị 72, và khẳng định, ca ngợi vai trò lãnh đạo duy nhất của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Cùng ngày, blog Anh Ba Sàm – trang blog mạnh mẽ nhất trong việc đăng các bài viết, tư liệu mang các quan điểm ngoài quan điểm của Đảng và Nhà nước về sửa đổi hiến pháp – bị hack, toàn bộ dữ liệu bị xoá. Biên tập viên điều hành blog tìm cách lấy lại quyền kiểm soát trang web của mình, và bắt đầu cuộc chiến không cân sức giữa "Thông Tấn Xã Vỉa Hè" và cả một quân đoàn hacker.

9/3: Báo Đại Đoàn Kết đăng bài "Sự nguỵ tạo có chủ đích", khẳng định phần lớn những người ký tên vào Kiến nghị 72, tại địa bàn tỉnh Hà Tĩnh, đều là những địa chỉ không có thực và bị giả mạo. Kết luận của nhóm tác giả bài báo: "Việc ngụy tạo tên người dân nhằm tạo sức ép với Đảng và Nhà nước đã khiến việc dân chủ lấy ý kiến đóng góp cho Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 đã bị lợi dụng làm méo mó, biến dạng là động cơ chính trị không trong sáng của một số người có tư tưởng đối lập".

10/3: Đài Truyền hình Việt Nam hưởng ứng báo Đại Đoàn Kết với phóng sự "Mạo danh chữ ký kiến nghị sửa đổi hiến pháp" trong Bản tin Thời sự 19h. Phóng sự ghi hình bà Nguyễn Thị Hường, Phó Hiệu trưởng trường Đại Học Hà Tĩnh, cho biết: "Riêng điều 4 Hiến pháp, các em sinh viên đều hoàn toàn đồng tình, không có bất kỳ ý kiến trái chiều nào".

12/3: Báo Nhân Dân, cơ quan ngôn luận chính thức của Đảng Cộng sản Việt Nam, có bài viết "Khi phản biện xã hội được sử dụng như một chiêu bài" của tác giả Huỳnh Tấn, bóng gió rằng các tác giả của những bản kiến nghị trên Internet chắc là "không có việc gì làm", "chống Đảng".

13/3: Hacker tiếp tục cướp các địa chỉ khác (mới lập) của Anh Ba Sàm, tung lên những hình ảnh nguỵ tạo về một biên tập viên trang này nhằm mục đích bôi nhọ.

15/3: Anh Ba Sàm tiếp tục blogging ở địa chỉ mới.

18/3: Báo Quân Đội Nhân Dân có bài xã luận khẳng định quân đội không thể thoát ly sự lãnh đạo của Đảng. VTV hưởng ứng.

Một số người dân TP.HCM bắt đầu phản ánh lên Facebook, trang Bauxite Việt Nam và trang Anh Ba Sàm, về việc bị cán bộ địa phương (người của tổ dân phố, phường…) đến nhà "hướng dẫn" ký xác nhận đồng ý vào Phiếu lấy ý kiến, ví dụ: "Chỉ cần ghi "Đồng ý" là xong", "Nên tránh ghi phần 2, nhất là về Điều 4 và các điều về công an. Nếu ai ghi phần 2 thì các tổ trưởng nhớ ghi nháy thêm địa chỉ nhà hộ đó".

20/3: VTV và Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc tỉnh Hà Tĩnh, ông Từ Văn Thiện, cùng khẳng định Thái Bình và Hà Tĩnh là hai mảnh đất rất giàu truyền thống cách mạng, nhưng lại có rất nhiều người bị nguỵ tạo chữ ký vào bản Kiến nghị 72, chứng tỏ đây là "việc làm có mưu đồ chính trị chống phá đường lối chủ trương của Đảng và chính sách pháp luật của Nhà nước".

Tuy nhiên, VTV và ông Từ Văn Thiện không đưa ra bằng chứng cụ thể nào về sự nguỵ tạo. 10 ngày sau, Giáo sư Hoàng Xuân Phú chỉ ra điều đó trong bài viết "Chẳng nhẽ độc quyền cả nói dối hay sao?", đăng trên blog cá nhân, và blog Anh Ba Sàm đăng lại.

22/3: VTV phỏng vấn ông Nguyễn Đình Lộc, cựu Bộ trưởng Tư pháp, thành viên của Kiến nghị 72. Ông Lộc nói: "(…) những cái bản ấy tôi không tham gia. Tôi không tham gia. Tôi không tham gia vào việc xây dựng cái tờ văn bản ấy".          

Cùng ngày, trên Đài Tiếng nói Việt Nam, Giáo sư, Tiến sỹ Đỗ Thế Tùng, nguyên Viện trưởng Viện kinh tế, Học viện chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh, khẳng định sở hữu toàn dân về đất đai là tất yếu.

2/4: Nhóm khởi xướng Kiến nghị 72 ra một bản thông báo, tuyên bố rõ: "Dùng bạo lực và những thủ đoạn chính trị để duy trì chế độ toàn trị, cưỡng lại ý chí của nhân dân sẽ gây nguy hại lớn cho đất nước, cho dân tộc và cho cả Đảng Cộng sản Việt Nam".

3/4: Tỉnh Bình Dương tổ chức họp báo công bố kết quả lấy ý kiến nhân dân về sửa đổi Hiến pháp, theo đó, số lượt ý kiến đóng góp từ ngày 12/3 tới ngày 27/3 trong toàn tỉnh lên tới 44.459.628 trên tổng dân số 1,7 triệu người. Trong số ý kiến đóng góp này, có 44.455.188 người tán thành nguyên văn với bản Dự thảo Hiến pháp, chiếm tỷ lệ 99,99% dân số tỉnh Bình Dương.

21/4: Báo Quân Đội Nhân Dân trích lời Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho biết, "Sau 3 tháng triển khai nghiêm túc, dân chủ Nghị quyết của Quốc hội, Chỉ thị của Bộ Chính trị về tổ chức lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, đã có hơn 26 triệu lượt ý kiến góp ý của cơ quan, tổ chức, cá nhân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, với 28.140 hội nghị, hội thảo, tọa đàm lấy ý kiến góp ý".


* * *

TIMELINE OF THE AMENDMENT OF VIETNAM'S 1992 CONSTITUTION

2011

January: The political report, disclosed at the 11th National Congress of the Vietnamese Communist Party (VCP), stipulates that "the 1992 Constitution (which was amended in 2001) be promptly researched, amended and supplemented to be in line with new realities." The over 100-page report, being rhetorical and full of usual clichés, does not elaborate on what "new realities" it is, but reads, "Since late 2007, early 2008, the economy and life faced many difficulties. Hostile forces maintain their acts of sabotage and fomentation and intensify "peaceful evolution" activities."

August 2: The Standing Committee of the National Assembly submits to the NA the Statement "On the Implementation of the Policy of "Research and Amendment of the 1992 Constitution." The statement makes clear that the Constitution amendment aims at "constitutionalizing opportunely the Party's major guidelines and policies," and that "the Constitutional amendment must adhere closely to the Party's political credos, resolutions and political documents", "acknowledging huge achievements of the country constituted by the Party."

The Statement also draws up some guidelines for the Constitution amendment, including "Reinforcing the entire rule of the VCP over the State and the society, the rule that has been recognized and constitutionalized by the people, whose supreme respresentative is the National Assembly."

August 6: The NA issues Resolution No. 06/2011/QH13, titled "On the Amendment of the 1992 Constitution and the Establishment of the Committee for the Revision Draft of the 1992 Constitution."

The members of this Committee include:
  1. Mr. Nguyễn Sinh Hùng, Politburo member, Chairman of the NA, Chairman.
  2. Mr. Uông Chu Lưu, Central Party commissioner, Deputy Chair of the NA, Deputy Chairman
  3. Mr. Lê Hồng Anh, Politburo member, permanent member of the Party Central Secretariat
  4. Ms. Nguyễn Thị Doan, Central Party commissioner, Vice President of the State
  5. Mr. Nguyễn Xuân Phúc, Politburo member, Deputy Prime Minister
  6. Ms. Tòng Thị Phóng, Politburo member, Deputy Chair of the NA
  7. Mr. Tô Huy Rứa, Politburo member
All of them are members of the ruling VCP and are holding high positions of political leadership.

August 24: The Committee for the Revision Draft of the 1992 Constitution holds their first meeting.


2012

February 21: The Committee for the Revision Draft of the 1992 Constitution holds their second meeting to discuss on "The Report by the Ediorial Board on Basic Issues in the Amendment."

May 22: The Central Department of Propaganda and Education issues the document No. 52-HD/BTGTW to all Party cells, guiding the Party members to hold courses and seminars to study and comprehend the Resolutions of the fifth Conference of the 11th Central Committee of the VCP, which has been held on May 7, 2012. These Resolutions stipulate "basic guidelines for the Amendment of the 1992 Constitition", including "to keep constitutionalizing more fully and deeply the policy of promoting socialist democracy, guaranteeing that all the power of the state belong to the people, based on the alliance between the workers' class, the peasants' class, and the intellectual team led by the VCP."

November 23: The NA issues the Resolution titled "Conducting the Collection of People's Opinions on the Amendment Draft of the 1992 Constitution". The process of opinion collection is intended to take place "from January 2, 2013 to March 31, 2013."

December 29: The Politburo releases their Instruction of "conducting the collection of people's opinions on the amendment draft", commanding "the Central Military Commission and the Central Party Committee of Public Security" to "strictly lead and supervise the activities of ensuring national security and social order; work with concerned agencies to counter and to deter acts of abusing democracy and taking advantage of the people's opinion collection process to spread misleading propagandas against our Party and the State."

On the same day, in a press conference on the collection of people's opinions on the Amendment Draft, Mr. Phan Trung Ly, Head of the Legal Committee of the NA and the Editorial Board of the Draft, firmly said, "There is nothing like a taboo when people contribute their opinions to the 1992 Constitution reform," "People may express their viewpoints about Article 4 of the Constitution as well as to any other article in the Draft, without any taboo."


2013

January 2: The Politburo issues the Intrustion No. 22-CT/TW on collecting people's opinions on the Amendment Draft of the 1992 Constitution, Provion 3 and 4 of which said:

"The Central Military Commission and the Central Party Committee of Public Security co-lead and co-supervise the opinion collection within the Military and the Police; strictly lead and supervise the activities of ensuring national security and social order; work with concerned agencies to counter and to deter acts of abusing democracy and taking advantage of the people's opinion collection process to spread misleading propagandas against our Party and the State."

"The Central Department of Propaganda and Education, the Party Affair Committee of the Ministry of Culture, Sports and Tourism, and the Party Affair Committee of the Ministry of Information and Communication instruct and guide media agencies at central and provincial levels to develop strategies and plans to disseminate propaganda in diversed forms and to create favourable conditions for the people to contribute opinions; to set up subpages and columns on the Draft and to opportunely reflect public opinion."

January 11: Professor Hoàng Xuân Phú writes in his article "The Two Dead Points of the Regime":

"The VCP may have thought that
  • its ruling power over the State and the society, and
  • the regulation that land is owned by the people with the State as the administrator,
as stipulated in Article 4, Article 17 and 18 of the 1992 Constitution, are two dead points of the regime. Consequently, the more the people wish to either abolish or to amend those two provisions, the more the VCP wishes to reserve them. They are part of the Party's Immutable Policies, and they are restated in Article 4 and 57 of the Revision Draft of the 1992 Constitution."

January 19: 72 intellectuals sign on "the Petition of the 1992 Constitution Amendment" (hereinafter referred to as "Petition 72" as it is later called), suggesting the removal of Article 4 of the 1992 Constitution, the seperation of power, the adoption of private land ownership, and the abnegation of the monopoly rule of the VCP. It also calls on the military to give up the duty of serving the interest of the VCP and to serve the people instead, claiming more democracy rights for the people. 

The petition is posted to Bauxite Vietnam (at (http://boxitvn.blogspot.com/2013/04/thong-bao-cua-nhom-soan-thao-va-ky-kien_17.html) and Anh Ba Sam blog.

February 1: Website Cùng viết hiến pháp (Let Us Draw up the Constitution) is launched at hienphap.net with the purpose of "creating a space for democratic dialogues on constitution reform" as prefaced by the initiative group (including Professor Ngô Bảo Châu, Professor Đàm Thanh Sơn, and Nguyễn Anh Tuấn, former editor-in-chief of the VietNamNet).

February 2: Mr. Lê Như Tiến, Deputy Chair of the Committee of Culture, Education, Youth and Children, in his interview with the Inspectorate magazine, restates, "There is no forbidden zone in amending the Constitution."

February 4: 16 people, as representatives of the Petition 72 movement, go to the NA head quarter at 37 Hùng Vương St., Hanoi, to hand in the Petition in written from. The delegation is headed by Mr. Nguyễn Đình Lộc, former Minister of Justice. Subsequently some media agencies will report on this, such as the Ho Chi Minh City Legal Daily.

They are welcomed by Mr. Lê Minh Thông, Deputy Chair of the Legal Committee of the NA, Deputy Head of the Editorial Board of the Constitution Amendment Draft.

February 21: Several alumni of the Hanoi Law University submit "Petition on the Amendment of the 1992 Constitution", suggesting (1) to cancel the deadline for the process of public opinion collection, and (2) to hold referendum so that the Vietnamese people can practice their right to ratify the Constitution.

February 25: General Secretary of the VCP, Mr. Nguyễn Phú Trọng, said in a meeting on Monday with the Vĩnh Phúc Party's Standing Committee, "Recently there have been currents of ideas that can be considered as political, ideological, and moral deterioration. (For instance) Is there anyone who wants to remove Article 4 from the Constitution? (Anyone) Who wants to deny the Communist Party's leading role? (Anyone) Who wants pluralism and multi-party system? (Anyone) Who wants separation of power? (Anyone) Who wants to depoliticalize the military? There have been people with such opinions, and their opinions have been disseminated by the mass media. This must be nothing else but deterioration! What can it be to pursue mass litigation, demonstration and class action lawsuit?"

His preach, broadcast on the Vietnam Television (VTV – the major state-owned television) in the evening news, stirs a public outcry in the blogsphere and the Facebook community.

February 26: Nguyễn Đắc Kiên, a reporter for the Family & Society, writes an article in which he openly criticized the General Secretary as being too judgmental and having committed libel in considering freedom of expression as deterioration. He intially posts the article to his personal blog and sends it also to Anh Ba Sam ("Sidewalk News Agency", a popular blog advocating for democracy in Vietnam) and Cùng viết Hiến pháp. Later, the article is published on Anh Ba Sam in the morning, and in early that afternoon, the newspaper's leaders hold a meeting with Kiên, in which they declare his dismissal. The notice of Kiên's dismissal is published on the newspaper's website. 

February 28: The "Declaration of Free Citizens", orginated from Dân Làm Báo (Citizen Journalism), receives thousands of signatures from Vietnamese people, both domestic and oversea. It goes beyond a petition to become a declaration demonstrating a political will, "We not only want to remove Article 4 from the current Constitution, but we also want to conduct a constitutional referendum and to draw up a new Constitution which truly reflects the political will of all Vietnamese people, not the willl of the VCP like the current Constitution imposes. We advocate pluralism, multi-party system where political parties compete fairly for the sake of freedom, democracy, peace and development of Vietnam, where no political party shall dominate and control the country under any name."

March 1: The Vietnam Episcopal Council sends a letter of assessment and comments to the Committee for the Revision Draft of the 1992 Constitution, requesting that the new Constitution must elaborate more on human rights and revoke the privileges of any political party, and the government must not spread propaganda agaisnt religions or intervene into internal affairs of the religious community.

March 2: A working delegation of the Committee for the Revision Draft of the 1992 Constitution, headed by Mr. Nguyễn Sinh Hùng, Chair of the NA and the Committee, makes a visit to Ho Chi Minh City to work on the process of collecting public opinions on the Constitution Revision Draft in the city.

Later on, every household in Ho Chi Minh City receives a 79-page documents comparing the current Constitution with the Revision Draft drawn by the Committee and a "Request for Opinion on the 1992 Constitution Amendment Draft." This so-called request offer signees with two options:

-       I totally agree with the 1992 Constitution Amendment Draft
-       I agree with other provisions in the 1992 Constitution Amendment Draft and I would like to suggest amendment to these particular points.

March 6: An official letter from Mr. Nguyễn Sinh Hùng, Chairman of the NA, extends the deadline for the contribution of opinions to the Constitution Revision Drafft to September 30, instead of the previous deadline of March 30. He also urges authorities at all levels, and local state agencies to "create favourable conditions for the people to contribute their opinions."

March 8: The Vietnam Television embarks on a huge media campaign at "prime time" – the daily 19h Evening News – to condemn those who have signed on Petition 72, reaffirming and praising the leading role of the VCP. 

On the same day, blog Anh Ba Sam – so far the most straightforward website in publishing unmainstream viewpoints other than the VCP and the Government's regarding the Constitution reform – is hacked, all of its data removed. The website editors seek to regain their control, and the unequal battle between them and a corps of hackers began.  

March 9: The Đại Đoàn Kết (Great Solidarity) newspaper publishes an article, "The Deliberate Counterfeit", alleging the signees of Petition 72 in Hà Tĩnh province to be phantom. The group of co-authors writes in their conclusion, "Forging signatures to exert pressures upon the VCP and the Government means taking advantage of democracy and the opinion contribution process for sabotage, and this originates from the dark motive of some political dissidents."

March 10: The Vietnam Television bolsters the Đại Đoàn Kết with TV reportage "Counterfeiting signatures in the petition for Constitution amendment", broadcast in the 19h Evening News. In the reportage, Ms. Nguyễn Thị Hường, Vice Principal of the Hà Tĩnh University, said, "Regarding the Article 4 of the current Constitution, all students consent to it. There is not any view of dissent at all."

March 12: The Nhân Dân (People) newspaper, the official mouthpiece of the VCP, publishes the article "When Social Debates Are Employed as a Guise" by Huỳnh Tấn, implying that the initiators of all online petitions "must have nothing to do," "must be anti-Party."

March 13: Hackers attack other sites of Anh Ba Sàm, posting fake photos and stories they made up about the site editors to discredit them.

March 15: Anh Ba Sam resumes blogging at another site address.

March 18: An editorial on the Quân Đội Nhân Dân (People's Army), official mouthpiece of the communist military declares that the military cannot be placed out of the leadership of the VCP. VTV, as usual, involves itself in advocating this viewpoint.

Many people in Ho Chi Minh City grumble on Facebook, Bauxite Vietnam and Anh Ba Sam, about being "guided" by local authorities to sign "totally agree" on the Request for Opinion. They are being told, for example, "Just sign "totally agree" and that is all," "You should not choose the second option, especially not mention Article 4 and other things related to the police. If there's anyone who chooses the second, local administrative employess remember to note down his or her home address."

March 20: In the 19h Evening News, the Vietnam Television and the Chair of the Hà Tĩnh Fatherland Front, Mr.Từ Văn Thiện, say that although Thái Bình and Hà Tĩnh are two lands of revolutionary tradition, there are many people in these two provinces whose signatures were forged in Petition 72. This, they allge, is the evidence that the Petition is a political plot to subvert the Party's guidelines and the Government's policies.

However, both VTV and Mr. Từ Văn Thiện fail to present any concrete example or evidence of counterfeit. Ten days later, Professor Hoàng Xuân Phú points this out in his article, "You Want to Hold Monopoly even in Telling Lies?" posted in his blog and reported on Anh Ba Sam.

March 22: News reporter of the Vietnam Television conducts an interview with Mr. Nguyễn Đình Lộc, former Minister of Justice, head of the representative delegation of Petition 72 group. He says, "I was not involved. I did not participate. I did not participate in compiling those documents."

On the same day, in an interview with the Voice of Vietnam, Professor Đỗ Thế Tùng, Ph.D., former Head of the Institute of Economics, Ho Chi Minh National Academy of Politics and Public Administration, stresses that public ownership of land is inevitable.

April 2: The initiators of Petition 72 issue a statement, claiming, "Resorting to violence and bad political tactics to maintain the authoritarian regime, despite the will of the people, will cause great harm to the country, the people and even to the VCP."

April 3: Local authorities in Bình Dương province hold a press conference to announce the results of the public opinion contribution process. Accordingly, the number of opinions contributed from March 12 to March 27 amounts to 44,459,628, given the population of 1.7 million within the province. Of which, 44,455,188 people "totally agree" to the Revision Draft, accounting for 99.99% of the population. 

April 21: The Quân Đội Nhân Dân (People's Army) quotes the Standing Committee of the NA as saying, "Three months of earnestly implementing the NA's Resolution, the Politburo's Instruction on collecting people's opinions on the 1992 Constitution Revision Draft have elapsed. In total, there have been over 26 million opinions from organizations and invididuals regarding the Revision Draft, and 28,140 conferences and seminars contributing opinions have been organized."