Thứ Tư, 30 tháng 11, 2011

Thanh niên công giáo bị ca bắt cóc – Anh Chu Mạnh Sơn được gặp người nhà

Nguồn thanhnienconggiao
30TH. 11

TNCG – Tin từ bố mẹ của Anh Chu Mạnh Sơn cho biết, sáng nay, ngày 30/11/2011 họ đã được gặp mặt Anh tại trại trạm giam Nghi Kim – Nghệ An sau hơn 3 tháng bị nhà cầm quyền Việt Nam bắt đi và giam giữ chẳng rõ lý do. Cuộc gặp dưới sự giám sát của cả chục an ninh điều tra.

Bác Nghiêm bố anh Sơn cho biết: Tình hình sức khỏe của Sơn tuy có gầy hơn nhưng vẫn ổn. Khi hỏi về tình hình sinh hoạt của cháu trong trại giam Cháu cho biết: "hàng ngày, ngoài việc bị gọi lên hỏi cung Con luôn cầu nguyện, lần hạt, cậy trông, phó thác vào Thiên Chúa và Mẹ Maria, xin bố mẹ yên tâm. Con xin lỗi bố mẹ vì được bố mẹ nuôi nấng khôn lớn mà chưa giúp được gì". Có thể nói, đây là một trong những ý chí của những thanh niên công giáo bị bắt trong dịp vừa rồi.

Nghe lời tâm tư nghẹn ngào của con bác Nghiêm đã động viên và khuyên con "là một người đàn ông, con phải biết cứng rắn, biết ngước nhìn thập giá và những đau khổ của Chúa Giesu để vượt qua tất cả, kể cả có phải chết. Ở ngoài, gia đình và rất nhiều anh em bạn bè quan tâm và ủng hộ". Đây là một lời khuyên bảo, động viên đầy tinh thần trách nhiệm của bậc phụ huynh đối với con cái mình. Thay vì khuyên bảo con là nhắm mặt chấp nhận để được hưởng cái tự do nửa vời và giả tạo kia thì bác lại làm ngược lại, khuyên con mình phải can đảm. Đây cũng là lời khuyên bảo, động viên đầy ý nghĩa, ý chí đối với người đang bị giam giữ như anh Sơn. Dù là một người dân quê mùa chân chất nhưng bố mẹ anh Sơn cũng hiểu được giá trị của sự tôn trong phát luật, sự thật – công lý trong cuộc sống.

Trước các điều tra viên, Sơn đã cho bố mẹ biết rằng anh không có tội gì để phải ký nhận, trước sau như một. Cũng trong buổi gặp này, anh Sơn đã đề nghị một điều tra viên tên là Thành trả lại hai bộ chuỗi hạt của anh, đó là vật linh thiêng quý giá anh luôn theo mình, nếu không trả cho Sơn thì trả lại cho bố mẹ, nhưng họ đã không trả. Ngoài ra các điều tra viên còn cho Sơn và bố mẹ anh biết là họ đã ký tiếp một lệnh tạm giam khác.

Buổi gặp kéo dài khoảng 20 phút thì bị các điều tra viên cắt ngang và lôi anh Sơn vào vì không thỏa mãn việc họ yêu cầu bố mẹ anh Sơn làm trước khi gặp. Bác Nghiêm kể: "trước lúc vào gặp, cán bộ điều tra viên tên là Thành đề nghị hai Bác vào khuyên con khai nhận mọi hành vi phạm tội để được nhà nước khoan hồng nhưng bác Nghiêm đã làm họ thất vọng khi trả lời "Con tôi vô tội, còn nếu có tội xin các anh cứ làm đúng theo luật pháp".

Bút Quèn

Phấn đấu ký số 80 (Nhật ký mở=mở lần thứ 19 - VƯỜN RAU ĐẦY SÂU VẪN…SẦU ĐÂY!)

Nguồn tohai

Ngày thứ ba (29 tháng 11/2011)

VƯỜN RAU ĐẦY SÂU VẪN…SẦU ĐÂY!

Vậy là, cả một vùng rau xanh rộng lớn đang bị đủ loại "sâu" phá hoại bỗng dưng từ…trên Trời xà xuống một đàn chim 500 con đủ loại.. Chèo bẻo,chích chòe, chào mào, sáo sậu, chim cu, chim gáy, chim ruồi, chim…người….Tưởng phen naỳ không sạch hết thì cũng bớt đi được ít con sâu bự….Nào ngờ…

Chim bay đi…chẳng con sâu nào chết ! Thậm chí toàn những giọng "hót hay" ngợi ca người trồng rau tài tình, năng xuất mùa này hơn mùa trước , mùa sau hứa hẹn hơn hẳn…mùa này ! Nhân dân tha hồ ăn rau rẻ , gấp nhiều lần các nước tư bản ?

Cả một vùng rau xanh, sau hai mươi chín ngày "được" đủ loại chim ton hót , múa lượn, bay lên, xà xuống để chẳng bắt sâu mà chỉ đua nhau múa mép những bài ca lạc điệu …

Rồi …trở về các tổ ấm sang trọng để lại cả một vùng rau "tơi bời hoa lá" vì những vết chân chim được nuôi từ "lầu son gác tía" với một thông điệp :" Vườn rau xanh tốt tuyệt vời! Vài chỗ "Tuy Nhiên", đã giao cho chủ vườn rau…."Tái cơ cấu"!

Xin lỗi những con chim không hót bậy! Nhưng mình không thể hiểu nổi vì sao cả gần 500 con chim không sao phát hiện ra và mổ chết mấy con cú vọ, mấy con ác điểu chuyên xỉa thịt xác người ?Cùng lắm là những họa mi, những thiên nga… phải thấy …nhục vì các thứ đồng loại chim Phước, chim Hồng , chim Yến, chim Tâm…chim…mù..,chim…ngọng… mà …một mình bay đi "tìm về tổ ấm" riêng, đỡ nhục lây về cái "ốc đảo kỳ dị" nơi tập hợp được không ít những giống lạc loài , nửa chim nửa chuột , chẳng tồn tại ở bất cứ nơi nào giữa thời đại này, giữa thế giới này!

Đọc đến đây thì hẳn các bạn đã biết mình đang "bức xúc" cái chuyện gì rồi !

Dạ! Vâng! Cái chuyện "cơ quan quyền lực cao nhất" của nước ta mà có một thời mình đã đặt một chút "hy vọng cỏn con" vào nó,với mong muốn nó sẽ phát huy những điều "tích cực cỏn con"của khoá 12 mà sang cái khóa mang số hiệu "13", rất xui xẻo này sẽ mang đến những thay đổi "không có lợi cho nhửng người đã tạo nên nó!".

Nhưng không! Nó còn tồi tệ hơn bất cứ khóa nào mà mình đã trực tiếp bầu ra nó từ khóa 1 (1946) đến nay ! (trừ khóa 13 này,do được công an khu vực cho phép bà vợ mình bầu thay vì mình không di chuyển được) .

Vậy mà…

Ngày bế mạc, ông chủ tịch mới vẫn kết luận thành công tốt đẹp"…nhiều vấn đề …"nóng bỏng" nhưng vẫn đươc đề cập một cách.. "mát mẻ" (!?) và.. "có văn hóa" (báo chí đã kiểm duyệt cái đoạn "nói chay" này nhưng truyền hình trực tiếp lỡ phát nên 2 cái ý "nóng"- "mát" và "có văn hóa" này đã lọt vào tai cả triệu người nghe!).

Ông cũng kể ra một lô luật đã được thông qua mà báo chí lề phải của các ông cũng phải kêu lên "luật dễ thì thông qua, luật khó thì…xếp lại" . Ví dụ cái luật Đo Lường"! "Luật Kỷ Yếu", "Luật lưu trữ"mà bản thân mình cũng phải tự hỏi giống như ông đại biểu bác sĩ-nhà văn đưa ra "Luật Nhà Văn"để rồi… "chẳng hiểu tại sao mà mình đưa ra nữa???

Theo mình phán đoán ,có lẽ có sự mập mờ gì ghê gớm lắm có hại cho việc tính toán "lợi hay bất lợi" cho lợi ích cách mạng xã hội chủ nghĩa đây nếu đo lường theo kiểu tư sản!? Bởi vì :

-Ngay từ thuở ấu thơ , bước vào cấp hai (primaire supérieur) mình đã được học về lịch sử đo lường thế giới….nó phức tạp và khác biệt đến nỗi cãi nhau hoài và có thể tuyệt giao, cắt đứt buôn bán thậm chí cả dẫn đến đe dọa chiến tranh nữa… Do đó , tháng 10/1889 người ta đã phải có "Hội nghị quốc tế về đo lường". Họ thống nhất với nhau tỉ mỉ đến mức, ngay ngày đó mình cũng phải…phì cười vì tự hỏi "có ai điên mà đến bảo tàng các dụng cụ đo lường Breteuil (Sèvres) tận bên Pháp để đo cái thước của ông thợ may bên nhà mình nó có thật sự khuýp với cái "thước mẫu" (mètre -étalon)bên ấy chứ! Vậy mà những chi tiết cực kỳ rắc rối tỉ mỉ để hoàn chỉnh sự thống nhất về đo lường toàn thế giới loài người vẫn cứ tiếp tục được hoàn chỉnh , đỡ cho mỗi nước phải có bộ luật đo lường của riêng mình , đôi khi làm ảnh hưởng đến sự hữu hảo giữa các nước!.

Tính cho đến năm 1983, tại Hội Nghị Đo Lường toàn thế giới lần thứ XVII (chẳng biết có đại biểu Việt Nam nào không?), do có những bước tiến bùng nổ về khoa học kỹ thuật , người ta lại càng thấy cả những định nghĩa " mét là 10/1.000.000 của ¼ một kinh tuyến trái đất"(!) hoặc "mét là 2 đường vạch song song trên một tâm platine-irradium đặt tại một nơi… dưới 0 độ C" hình như vẫn có thể bị "du di", các nhà khoa học còn bầy ra thêm những định nghĩa mà mình,đọc xong, chỉ hiểu lơ mơ vì nó đã vượt qua cái tầm hiểu biết của bản thân ! Ví dụ họ định nghĩa cái mét chính xác nhất là cái mét do một cái đèn bắn ra isotope 86 đủ khả năng đo dược vận tốc của ánh sáng….Đọc đến đây thì mình (do đôt đặc) phải thốt lên :"Rỗi hơi! Chẳng biết rồi họ còn bổ xung cho cách đo lường những điều bí hiểm nào nữa đây?" Rõ ràng, với mình thì càng giải thích tỉ mỉ càng khó hiểu và…càng làm mình…rối trí!

Vậy mà ,có lẽ không thể theo những "quy ước tư sản",cái luật đo lường xã hội chủ nghĩa Việt Nam này được bàn bạc kỹ lưỡng từ tổ đến hội trường rồi thông qua một cách long trọng!

Chưa thấy văn bản cụ thể của Luật này nhưng chắc chắn nó phải "tiến bộ gấp vạn lần các thứ quy ước tư sản"!

Còn những "luật kỷ yếu", "luật lưu trữ" ư? Chắc chắn sẽ không giống ai ?Không có cái chuyện bao nhiêu năm thì phải được bạch hóa như các nước không có… Đảng lãnh đạo! Chắc chắn những điều sai trái, những bức thư, công hàm, công văn , những biên bản hội nghị, những tuyên bố…. "hố" …mà Đảng đã không cho dân biết thì sẽ… "bí mật muôn đời với sự tồn tại muôn năm của Đảng "! Luật phải có để bảo vệ những bí mật này là lẽ đương nhiên!

Tuy nhiên, với một lão già bị.. "đóng đanh tại gia", chẳng có căn cứ thực tiễn sống động nào ngoài việc theo dõi đủ thứ báo chí Ta, Tây, Tầu,…trên mạng ,thì :

Mỗi kỳ họp Quốc Hội của các ông ấy, mình lại thấy "sáng mắt sáng lòng" ra thêm ….Càng thấy sáng cả đầu, cả óc khi thấy hôm qua, trên Tivi ,ông Nghị Phước,sánh vai cùng chủ tịch nước Trương Tấn Sang và đại biểu Tràn Du Lịch đến báo cáo với "đại cử tri" Quận 1 "t/p mang tên Bác" về những "thắng lợi" mà Quốc Hội đã đạt được! Trông ông Phước –Husein ngồi một cách hiên ngang, oai vệ, và đầy hách dịch hao hao như một … Hô Cẩm Đào..trên chủ tịch Đoàn mà chẳng một cử tri nào dám chất vấn ông tại sao lại dám phản đối cả đề nghị cuả thủ tướng ,phản đối cả.."Bác Hồ muôn vàn kính yêu" về quyền được biểu tình của người dân thì mình lại ngộ ra một điều : "Hết thuốc chữa!Hết thuốc chữa!"

Hẹn trở lại vấn đề bi hài này …3 tháng sau nữa ,khi các vị Nghị sĩ Hồng b, Phước b, Yến b, Tâm b .. "đến hẹn lại lên"sân khấu quốc hội mua vui cho đồng chí, đồng bào ,nếu mình còn sống sót!

Đào Tuấn :Bát phở bạc triệu và "bữa cơm kèm berberin"

Nguồn tuanddk

Năm 2009, những điều tra của báo chí về những bữa ăn "mạ vàng" ở Thủ đô làm dư luận sốc nặng. Một bát súp khai vị giá 98 USD. Tại các "phòng vàng", hóa đơn thanh toán không thể dưới 1000 USD. Thậm chí, xa xỉ đến mức một chai rượu mở nắp cũng phải trả 713 ngàn đồng. Cũng trong năm này, một điều tra về tác động của lạm phát với các nhóm người nghèo được công bố với những câu chuyện làm người ta đau lòng. Ở ĐBSCL, nhiều bậc phụ huynh buộc phải cho con cái nghỉ học. Còn ở miền núi phía Bắc, đồng bào buộc phải cắt xén các chi phí y tế của chính bản thân.
Đến năm 2011, bát phở bò Kobe đã tăng thêm 100 ngàn đồng để đạt mức 1,2 triệu đồng. Có nghĩa một bữa sáng của người giàu bằng thu nhập 3 tháng của một gia đình nghèo. Trong khi ở một trường "nội trú dân nuôi" nào đó, nhà báo Trần Đăng Tuấn, TGĐ AVG miêu tả: "Một nồi cơm và một nồi canh rau cải", không một miếng thịt, dù bạc nhạc, thậm chí không một miếng "tóp mỡ"- thứ "thịt" thời bao cấp- là bữa trưa của 80 mầm non đất nước.
Không thể có một sự cào bằng trong thu nhập, cũng như rất khó để xã hội đạt đến trình độ làm theo năng lực, hưởng theo nhu cầu. Nhưng khi mà những công bố về sự chênh lệch mức lương mà Bộ LĐ-TB và XH công bố thì ngoài chuyện lương của người lao động và người quản lý chênh nhau tới 100 lần, còn ẩn chứa sau đó những bất bình đẳng giữa chính những người lao động với nhau. Chẳng hạn kết quả tổng hợp tình hình của 37 công ty mẹ của tập đoàn kinh tế, tổng công ty "hạng đặc biệt" cho thấy, năm 2010 tiền lương của doanh nghiệp có lợi thế đạt 8,14 triệu đồng/tháng, cao gấp 3,35 lần so với nhóm doanh nghiệp không có lợi thế. Tiền lương của nhóm doanh nghiệp  ngân hàng, tài chính đạt 10,5 triệu đồng/tháng, cao gấp 4,32 lần nhóm doanh nghiệp không có lợi thế.
Khoảng cách ngày càng nới rộng giữa người giàu và người nghèo mà mức độ chênh lệch thông qua lương mới là cái có thể nhìn thấy. Bởi đối với người lao động, lương có thể là 100% thu nhập, trong khi đối với cán bộ công chức, với những người lãnh đạo thì hoàn toàn không. Một ví dụ là những câu chuyện xã hội hàng ngày chứa đầy những nghịch cảnh: Cơm công nhân ăn kèm Berberin- một loại thuốc đi ngoài. Và dù "Lương bộ trưởng 40 năm mới mua nổi nhà thu nhập thấp" thì chỉ sau một nhiệm kỳ 4 năm, có quan chức đã xây được biệt thự.
Khoảng cách về lương, bởi thế, không đơn thuần chỉ là con số 100 lần, hay 364 lần cho những khoản thưởng, không đơn thuần là khoảng cách giàu nghèo, mà còn ẩn chứa trong nó những bất công xã hội về những mức lương thưởng "trên trời" không hề tương xứng với mức độ lao động và đóng góp. Ngay sau Sea games, không phải là ngẫu nhiên là những người đóng thuế lên tiếng phản đối khoản thưởng 1 tỷ đồng cho đội U23. Lý do rất đơn giản: Một cầu thủ thậm chí được thưởng hàng chục triệu đồng cho chính công việc của anh ta, một công việc được mô tả là "thắng được những đội bóng làng chỉ còn 10 người trên sân, hòa được một đội bóng vừa thua tan tác trước chính Việt Nam với tỷ số 0-5".
Khi, ngay chỉ đồng lương, đã chứa trong nó một khoảng cách mênh mông thì có lẽ con số chênh lệch giàu nghèo 9,2 lần mà Tổng cục Thống kê công bố qua kết quả cuộc khảo sát mức sống hộ dân cư, có lẽ cũng hoàn toàn chưa phản ánh chính xác mức độ phân hóa giàu nghèo.
Kinh Talmud nói: Nghèo thì đáng sợ hơn 50 loại tai nạnNhưng cũng đã qua cái thời giàu có là một cái tội. Vấn đề chỉ là những bất công trong việc phân phối của cải xã hội làm cho 1% dân số ngày càng giàu hơn và đời sống của 99% người nghèo ngày càng khó khăn. Đây cũng chính là một trong những nguyên nhân nảy sinh ra phong trào "Chiếm lấy phố Wall". Bởi dù là ở đâu, thời nào, một xã hội có phân hóa giàu nghèo thì chưa thể có bình đẳng thực sự.
Sau sự thật về những bữa cơm Suối Giàng, nhà báo Trần Đăng Tuấn đã đứng ra thành lập dự án (bữa) "cơm có thịt", dự án giờ đã phát triển thành Quỹ "Vì trẻ em vùng cao".
Nhưng còn phải cần bao nhiêu tấm lòng hảo tâm, bao nhiêu cái quỹ như thế cho đủ khi những "trường nội trú dân nuôi Suối Giàng", nơi chứa đựng những tấn thảm kịch phân hóa giàu nghèo, có ở khắp nơi?

Đào Tuấn : Ig Nobel y học cho Vương Bộ trưởng

Nguồn tuanddk

Năm 2009, Giải Ig Nobel trong lĩnh vực toán học được trao cho Thống đốc Ngân hàng Dự trữ Zimbabwe Gideon Gono. BBT Tạp chí Biên niên sử về các nghiên cứu vớ vẩn đã có sự thống nhất tuyệt đối bởi vị Thống đốc, với việc phát hành các đồng tiền có giá trị từ 1 xu tới 100 nghìn tỷ đôla Zimbabwe đã khiến cho người dân trở nên thông thái, có "nguy cơ" trở thành nhà toán học hơn với nhờ việc xử lý, tính toán hàng loạt con số mà mỗi đơn vị là 1.00.000.000.000.000 mỗi ngày.
Cái vị đắng mà người dân Zimbabwe đón nhận khi hay tin, có lẽ đến hôm qua người Việt cũng đã được cảm nhận khi vô tình rơi vào ma trận giá xăng dầu.
Trong phiên thảo luận tình hình KT-XH, ĐBQH Nguyên Đỗ Mạnh Hùng nêu "Trường hợp Petrolimex" như sau: Năm nào cũng báo cáo lỗ, nhưng khi cổ phần hoá lại báo cáo lãi hàng ngàn tỷ đồng . "Vậy bản chất kinh doanh lãi hay lỗ, lãi thật hay giả, lỗ thật hay giả?"- Ông đặt câu hỏi chung cho tình trạng các ông lớn "Cần huy động vốn thì báo lãi, cần hỗ trợ, cần tăng giá lại báo lỗ. Một hình thức làm mình làm mẩy đầy hư hỏng, chỉ có ở những quý tử nhà giàu được nuông chiều.
Nhưng sau phiên chất vấn tại kỳ họp Quốc hội vừa rồi, người dân, và có lẽ cả các vị đại biểu QH cũng không thể phân định được Petrolimex lỗ, hay lãi, giả, hay thật, khi mà Bộ trưởng Bộ Tài chính thì khẳng định như đinh đóng cột: "Petrolimex lãi 3 năm liền!". Xuất thân 10 năm kiểm toán Nhà nước, Bộ trưởng Huệ dẫn báo cáo kết quả kiểm toán trong ba năm từ 2008 – 2010, cho hay: Năm 2008 Petrolimex lãi 913,7 tỷ đồng, trong đó kinh doanh xăng dầu (KDXD) lãi 642 tỷ đồng. Năm 2009, lãi 3.217 tỷ đồng, trong đó KDXD lãi 2.660 tỷ đồng. Và năm 2010, doanh nghiệp này lãi 314 tỷ, trong đó KDXD lỗ 172 tỷ đồng, nhưng các ngành khác lại lãi gần 200 tỷ đồng. Rất rõ ràng và hoàn toàn không có sự nhầm lẫn giữa lãi từ kết quả kinh doanh tổng hợp và từ kết quả KDXD. "Tính tổng lại thì xăng dầu vẫn lãi, và trong ba năm thì Petrolimex đều có lãi cả", tư lệnh ngành Tài chính khẳng định. Nhưng ngay sau khẳng định này, Bộ trưởng Bộ Công thương khẳng định ngược lại, cũng như đinh đóng cột: Riêng KDXD, Petrolimex lỗ.
Sự thể càng thêm rắc rối bởi chỉ 1 ngày sau khi QH bế mạc, Bộ Tài chính ra công văn, mà báo chí gọi chính xác là "cải chính" những con số mà Bộ trưởng Huệ đã đưa ra trước QH. Bản tin Tài chính của Bộ Tài chính dẫn báo cáo quyết toán hợp nhất 6 tháng đầu năm 2011 của Petrolimex khẳng định KDXD lỗ 1.840 tỷ đồng.
Đúng là miệng quan. Sổ toẹt luôn cả kết quả kiểm toán đã từng dẫn.
Đến mức này thì nhân dân không thể không "mắt chữ O mồm chữ A".
Lỗ lãi, không đơn giản chỉ là chuyện của một doanh nghiệp (DN), vì đó là DN độc quyền, vì đó là DN chiếm 60% thị phần bán lẻ, vì loại hàng hóa đó ảnh hưởng đến không chỉ đời sống của người dân mà cả nền kinh tế.
Trong Hội thảo về cơ chế kinh doanh xăng dầu chỉ cách nay 2 tháng, Thứ trưởng Nguyễn Cẩm Tú gay gắt đến mức chỉ trích Bộ Tài chính: "Thích dùng chân tay hơn cái đầu, ngại biện pháp kinh tế, chỉ thích biện pháp hành chính…". Còn một vị phó vụ trưởng thì kháy rằng:"Tôi không giỏi nhưng cũng đi thi toán quốc tế…". Dư luận sau đó mải tán tụng câu trả lời, rất hàng tôm hàng cá, của Bộ trưởng Huệ, rằng: "Dù học nhiều nhưng cần có kiến thức thực tế" mà quên mất rằng có nhiều thực tế ở Việt Nam không tính bằng toán học được, chẳng hạn như chuyện lỗ lãi của DNNN.
Xung quanh câu chuyện lỗ lãi của Petrolimex, các bộ, ngành và bản thân Petrolimex đang "dùng tay", "dùng đầu", hay dùng…miệng, có lẽ đến giờ thì cũng chỉ mình họ biết.
Với tiêu chí "Đầu tiên khiến mọi người cười, sau đó khiến họ phải suy nghĩ", Nobel ig năm nay, ở lĩnh vực… y học, chính xác phải được trao cho hai vị bộ trưởng. Bởi với việc đưa ra những tình trạng ngược nhau xung quanh giá của cùng một loại mặt hàng, họ có thể khiến những công dân đất nước mình không nhìn, cũng vẫn có thể rơi vào trạng thái mù màu về giá.

RFI. Những trở ngại trong việc xây dựng Luật biểu tình tại Việt Nam (Phỏng vấn TS Nguyễn Quang A)

Nguồn RFI

Tiến sĩ Nguyễn Quang A
Tiến sĩ Nguyễn Quang A
Nguồn: internet

Trọng Thành

Ngày 26/11/2011, trong phiên họp bế mạc kỳ họp thứ 2 khóa XIII, Quốc hội Việt Nam đã thông qua quyết định đưa Luật biểu tình vào chương trình làm luật của nhiệm kỳ này. Đây là động thái được một bộ phận công luận trong và ngoài nước đánh giá là tích cực.

Ngày hôm qua Chủ nhật 27/11, tại Hà Nội, đã diễn ra một cuộc tập hợp ở Hồ Gươm, được một số phương tiện truyền thông đánh giá là khá thầm lặng, với mục tiêu « ủng hộ Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Quốc Hội Việt Nam ra luật biểu tình », theo lời kêu gọi trên một số trang mạng. Cuộc tập hợp với khá ít người tham gia này, ngay lập tức, đã bị công an trấn áp.

Như vậy, trong hiện tại, quyết tâm của quốc hội Việt Nam ra Luật biểu tình để tạo điều kiện cho các công dân thực thi quyền tự do được ghi trong Hiến pháp không đồng nghĩa với việc quyền này được tôn trọng trên thực tế. Để tìm hiểu về những trở ngại cho việc ra đời một bộ Luật biểu tình đảm bảo được quyền hiến định của công dân Việt Nam, RFI đặt câu hỏi với Tiến sĩ Nguyễn Quang A từ Hà Nội.

Tiến sĩ Nguyễn Quang A (Hà Nội)
 
28/11/2011
 
 

RFI : Thưa anh, như anh biết, tại Hà Nội, Chủ nhật vừa qua, có diễn ra một cuộc biểu tình bên Hồ Gươm, với mục tiêu là ủng hộ Quốc hội và Thủ tướng quyết định ra Luật biểu tình, nhưng cuộc biểu tình này đã bị trấn áp. Trước hết, xin anh cho biết suy nghĩ của anh về cuộc biểu tình này và các hành xử từ phía chính quyền, diễn ra trong thời điểm rất đặc biệt này ?

Nguyễn Quang A : Tôi nghĩ rằng, cuộc biểu tình gọi là ủng hộ Thủ tướng đề xuất Luật biểu tình, có lẽ cách đặt vấn đề ấy không được hợp cho lắm. Vì, chỉ có thể ủng hộ, khi Luật biểu tình tử tế, đường hoàng đã được thông qua, thì mới nên ủng hộ. Còn đây mới là một lời đề xuất, thì còn quá nhiều bất trắc ở đằng trước, thì tôi nghĩ rằng, ủng hộ là hơi sớm. Có thể nhiều người nhận xét như thế, cho nên người ta không tham gia cuộc biểu tình này.

RFI : Thưa anh, hơn một tuần vừa qua, tại Quốc hội Việt Nam, có bàn về Luật biểu tình này, và có rất nhiều ý kiến trao đổi xung quanh câu chuyện này, trong nghị trường và ngoài xã hội. Tóm lại, Quốc hội đã nhất trí thông qua nghị quyết về Chương trình làm luật trong nhiệm kỳ khóa này, trong đó có dự luật Luật biểu tình. Cái động thái mới trong chính trường Việt Nam này cho thấy có tín hiệu cởi mở hơn. Vậy xin anh cho biết các nhận định của anh về tình hình hiện nay, liên quan đến vấn đề biểu tình và những tranh luận xung quanh ?

Nguyễn Quang A : Tôi nghĩ rằng, một số người bình luận hoặc nhận xét, cho rằng, ở Miến Điện có vẻ tiến triển rất nhanh, rồi thấy ở Quốc hội Việt Nam họp bàn, có một vài đại biểu phản đối kịch liệt việc đưa Luật biểu tình vào chương trình làm luật. Những ý kiến hết sức kỳ lạ như vậy đã gây ra một làn sóng thảo luận, một sự bất bình. Trong công chúng, có rất nhiều thảo luận, thậm chí cả báo chí chính thống cũng nêu ra, phản bác ý kiến của ông Phước, đại biểu trong thành phố HCM. Rồi sau đó, Thủ tướng trả lời chất vấn trước Quốc hội cũng ủng hộ việc đưa Luật biểu tình này vào chương trình làm luật.

Nhiều người hy vọng có một sự chuyển biến. Nhưng mà những người để ý một chút, thì thấy rằng, khi mà Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nói đến chuyện những người biểu tình thế hiện lòng yêu nước, thì một mặt ông ấy nói là, ông ấy rất là quý trọng, chính phủ khen ngợi, rồi đủ thứ, … Nhưng một mặt, ông ấy rất là không hoan nghênh và [cho rằng] phải có biện pháp, nếu mà chuyện ấy bị lợi dụng, hoặc bị lạm dụng, hoặc có ý đồ để làm những việc khác. Thế thì, cái vế thứ hai, nếu mà hiểu kỹ ra, thì có thể thấy rằng, nó khá là mù mờ.

Ai đọc được ý đồ trong đầu người khác ? Như vậy, có thể là, nó [cách suy nghĩ như vậy] cho chính quyền một cái quyền, mà muốn ghép thế nào cũng được. 

Nếu mà hiểu cả cái khía cạnh ấy nữa, thì cho đến bây giờ, có thể nói là chưa có cái gì thay đổi cả. Và, cái chuyện đưa vào chương trình làm luật của Quốc hội, tức là mới đưa vào chương trình để làm luật, để chuẩn bị, thì có thể nó kéo dài, có khi cả 5, 7 năm, mà chưa chắc đã ra được cái luật.

Thí dụ như Luật lập hội, cũng là cái quyền của công dân, được hiến định trong Hiến pháp. Nhưng Quốc hội mấy khóa, chứ không phải mấy phiên họp, thảo luận đi, thảo luận lại, đến mười mấy lần dự thảo, các hội thảo đủ thứ, nhưng sau rồi lại ỉm đi. Thế thì, rất có thể là Luật biểu tình này cũng có thể rơi vào tình trạng như thế. Đấy là một khả năng.

Cũng có một khả năng là ra rất nhanh, nhưng lại không thực sự là một luật giúp cho người dân thực hiện quyền hiến định của mình, được thực hiện quyền bày tỏ thái độ của công dân đối với những vấn đề bức xúc trong xã hội. Giống như là Luật báo chí. Lẽ ra Luật báo chí là luật tạo điều kiện cho người dân thực hiện cái quyền tự do báo chí của mình, thì lại trở thành một luật thực sự dùng để quản lý báo chí. Thì như vậy, nó không giúp gì cho người dân thực hiện quyền hiến định của mình hết.

Muốn để có một Luật biểu tình thực sự là đường hoàng, thực sự là tử tế, đáp ứng nhu cầu phát triển của đất nước, tôi nghĩ rằng, cần phải có những thảo luận rất rộng rãi, dân chủ, trên tinh thần xây dựng. Trong Quốc hội thì đã đành, nhưng mà [phải cả] trong các tổ chức xã hội, trong báo chí. Rất tiếc là, bây giờ tất cả báo chí chính thống đều ở trong tay nhà nước. Viết chỉ cần khác thôi đã là khó rồi, chứ còn đừng nói đến các ý kiến hoàn toàn trái ngược, để tranh luận. Mà trong một xã hội, mà không có những ý kiến đối chất với nhau, ngược nhau, và tranh luận trên tinh thần cởi mở, xây dựng, để tìm ra lẽ phải, thì tôi nghĩ rằng tình hình khó mà có những biến chuyển lớn.

RFI Vừa rồi anh đã đưa ra một nhận định tổng quan, cho người nghe một ấn tượng rằng, trong vấn đề này, Việt Nam đang đứng trước ngã ba đường. Một đằng bộ Luật này sẽ bị ỉm đi, thứ hai, nếu có ra được, thì nó sẽ biến thành một thứ luật mang tính khống chế nhiều hơn. Vậy, trong ngã ba đường này, cụ thể là khả năng của Chính phủ là đến đâu, khả năng của Quốc hội là đến đâu, để có thể mang lại một bộ Luật cho phép người dân thực hiện được các quyền dân chủ cơ bản của mình ?

Nguyễn Quang A : Tôi nghĩ rằng, bên hành pháp rõ ràng đã nhận ra rằng, chuyện biểu tình là một hiện tượng tồn tại trong xã hội. Bên hành pháp đang rất khó khăn để ứng xử với hiện tượng này của công dân. Bên hành pháp, hiển nhiên là, cũng muốn tìm ra một cái cách nào đấy để dễ cho mình. Quốc hội cũng có thể có những ý kiến khác,… Nhưng mà, ở Việt Nam bây giờ, thì thực sự là, cái quan trọng bây giờ là đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo. Chóp bu của đảng Cộng sản mới là [nơi] có tiếng nói quyết định. Chứ còn bên hành pháp cũng lại là nói cái « chứng kiến » ấy mà thôi. Và Quốc hội cũng lại làm theo cái chứng kiến ấy mà thôi. Thực sự là nếu muốn có những thảo luận, muốn có những gì thực sự đột phá, thì phải nói là sự đột phá phải ở trong lãnh đạo cao cấp nhất của đảng Cộng sản Việt Nam.

RFI Mà thưa anh, thì lãnh đạo cao cấp nhất của đảng Cộng sản Việt Nam ấy, dường như là, cho đến nay, không có thể hiện chính thức, phản hồi chính thức về vấn đề này, có phải không ạ ?

Nguyễn Quang A : Cũng không phải hoàn toàn là như vậy. Cũng có từng người. Ví dụ như, bên Thủ tướng, cũng là một trong các lãnh đạo cao nhất của đảng Cộng sản Việt Nam, thì ông ấy có chính kiến của ông ấy về bên hành pháp. Còn ông Chủ tịch Quốc hội cũng lãnh đạo được Quốc hội chấp nhận cho vào chương trình nghị sự. Nhưng thực sự, còn Bộ Chính trị của đảng Cộng sản Việt Nam. Thực sự là họ phải thảo luận và phải quyết cái này. Vì từ trước tới nay, Quốc hội cũng thảo luận đi, thảo luận lại, nhưng cuối cùng quyết định nó ở ngoài đấy, không phải là ở bản thân Quốc hội. Tuy nhiên, trong thời gian vừa qua, vai trò của Quốc hội cũng được cải thiện một chút, nhưng mà tôi nghĩ rằng, nó không phải giống như các nước phương Tây đâu. Mình đừng có hy vọng quá cái mức.

RFI Vâng, thưa anh, trong vấn đề này, nếu xét riêng về nhiệm vụ của chính phủ Việt Nam, trong tình huống mà chưa có một luật mới để điều chỉnh lĩnh vực này một cách tốt hơn, vậy thì để có thể làm được tốt hơn việc thực hiện những nguyên tắc đặt ra trong Hiến pháp, phải chăng chính phủ có thế điều chỉnh lại Nghị định, và như vậy, đây cũng là một bước trung gian để đi đến việc điều chỉnh về luật một cách tốt hơn ?

Nguyễn Quang A : Điều 69 của Hiến pháp quy định quyền biểu tình của công dân. Và bởi vì, bên hành pháp người ta muốn dễ cho mình, tức là làm sao để quản lý cho dễ, thì người ta đưa ra nhiều thủ tục, và thực sự là làm cho tất cả mọi cuộc biểu tình muốn thành hợp pháp đều không thể thực hiện được. Cái nghị định 38, nếu mà đọc hết tất cả, mà thay cái chữ « tụ tập đông người » bằng « biểu tình », thì lập tức nhìn ra rằng, nội dung của nghị định ấy là vi hiến ngay, nó ngược với quyền biểu tình của công dân ở điều 69 của Hiến pháp. Nếu mà cơ quan hành pháp, cụ thể là bộ Công an, là người không bao giờ muốn có một chuyện như thế mà được soạn thảo, thì họ cũng là một nhóm lợi ích, họ phải làm sao lợi ích của họ được thực hiện dễ nhất. Vừa đá bóng, vừa thổi còi thì không ổn được.

RFI : Vâng, tức là, như anh nói, nếu Bộ Chính trị của đảng Cộng sản Việt Nam không đưa ra ý kiến về vấn đề này, thì phải chăng tình hình vẫn sẽ tiếp tục lùng nhùng, người dân vẫn không có khả năng thực thi một cách an toàn, đường hoàng và thực chất quyền hiến định của mình, và đồng thời các cơ quan quản lý cũng rất khó khăn trong việc làm đúng nhiệm vụ của mình một cách văn minh, thay vì là đối mặt liên tục với những xung đột, trấn áp như đã diễn ra, và vừa diễn ra hôm Chủ nhật, thưa anh ?

Nguyễn Quang A : Chắc chắn là như vậy.

Xin chân thành cảm ơn tiến sĩ Nguyễn Quang A.

BVN. Buổi chiếu ra mắt phim Hoàng Sa Việt Nam – Nỗi đau mất mát bị ngăn cấm

Nguồn BVN

PV Bauxite Việt Nam

TP. HCM – Bộ phim tài liệu Hoàng Sa Việt Nam – Nỗi đau mất mát nói về cuộc sống của ngư dân huyện đảo Lý Sơn (tỉnh Quảng Ngãi, Việt Nam) do ông André Menras-Hồ Cương Quyết và Đài Truyền hình TP. HCM (HTV) thực hiện năm 2011 dự kiến sẽ có buổi giới thiệu đoàn làm phim và chiếu ra mắt với các thân hữu vào lúc 17g30 ngày 29-11-2011, tại khu du lịch Văn Thánh (Q. Bình Thạnh, TP. HCM).

Thế nhưng, vào giờ chót, buổi chiếu phim đã không được diễn ra như mong đợi. Trong lời cáo lỗi với hơn 50 người hiện diện tại nhà sảnh Ami Art Gallery, ban tổ chức nêu rõ lý do phía an ninh (cả công an quận và thành phố) đã yêu cầu không được chiếu bộ phim này. Theo ông Cao Lập, thậm chí đã có sự đe dọa từ phía công an đối với các thành viên ban tổ chức và khu du lịch Văn Thánh.

Ông André Menras-Hồ Cương Quyết cho biết ông sẽ viết bài yêu cầu các cơ quan chức năng làm rõ ai đã ra lệnh cấm chiếu bộ phim này và cấm vì lý do gì? Đồng thời, bằng một biểu ngữ lớn do chính tay mình viết bằng tiếng Việt, ông tuyên bố: "Tôi Hồ Cương Quyết, công dân Việt Nam, phản đối các hoạt động phi pháp và bạo động của công an TP.HCM ngăn chặn và cấm việc chiếu phim tài liệu Hoàng Sa Việt Nam – Nỗi đau mất mát, dù nó là tiếng nói của đồng bào ngư dân Miền Trung và hoàn toàn có lợi cho Việt Nam trong sự nghiệp khẳng định chủ quyền trên biển đảo Hoàng Sa".

Theo quan sát của chúng tôi, rất khác mọi khi, các hàng quán dẫn vào khu du lịch Văn Thánh đều đồng loạt… đóng cửa. Lực lượng an ninh với trang bị máy quay phim, máy ảnh, máy ghi âm hoạt động ráo riết vòng ngoài, vòng trong tại khu vực mà các thân hữu của ông André Menras-Hồ Cương Quyết dự định thưởng thức tác phẩm của bạn mình.

Được biết, bộ phim này đã được Sở Ngoại vụ TP.HCM cấp giấy phép xuất nhập sản phẩm báo chí và xác nhận nội dung không vi phạm luật báo chí Việt Nam. Trước đó, công tác chuẩn bị và thực hiện bộ phim cũng đã được nguyên chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết ủng hộ và nhận được sự hỗ trợ của Vụ Thông tin Báo chí (Bộ Ngoại giao Việt Nam).

PV BVN

 

Công văn của Vụ Thông tin Báo chí (Bộ Ngoại giao) gửi Đài Truyền hình TP. HCM đề nghị cử người quay phim đi thực hiện phóng sự tại Lý Sơn

Công văn của Vụ Thông tin Báo chí (Bộ Ngoại giao) gửi Đài Truyền hình TP. HCM đề nghị cử người quay phim đi thực hiện phóng sự tại Lý Sơn

Giấy phép của Sở Ngoại vụ TP. HCM xác nhận nội dung của phóng sự này không vi phạm luật báo chí Việt Nam

Giấy phép của Sở Ngoại vụ TP. HCM xác nhận nội dung của phóng sự này không vi phạm luật báo chí Việt Nam

 

Từ phải qua: ông André Menras-Hồ Cương Quyết đang trao đổi với GS.TS. Nguyễn Đăng Hưng (Vương quốc Bỉ) và nhà báo David Cyranoski (tạp chí Nature, Hoa Kỳ) trước buổi chiếu dự kiến.

Từ phải qua: ông André Menras-Hồ Cương Quyết đang trao đổi với GS.TS. Nguyễn Đăng Hưng (Vương quốc Bỉ) và nhà báo David Cyranoski (tạp chí Nature, Hoa Kỳ) trước buổi chiếu dự kiến.

Nhà quay phim Nguyễn Hoàng (HTV), người cùng thực hiện bộ phim Hoàng Sa Việt Nam – Nỗi đau mất mát, đang chia sẻ với ông André Menras-Hồ Cương Quyết.

Nhà quay phim Nguyễn Hoàng (HTV), người cùng thực hiện bộ phim Hoàng Sa Việt Nam – Nỗi đau mất mát, đang chia sẻ với ông André Menras-Hồ Cương Quyết.

Ban tổ chức cáo lỗi cùng các thân hữu vì buổi chiếu đến giờ chót bị ngăm cấm.

Ban tổ chức cáo lỗi cùng các thân hữu vì buổi chiếu đến giờ chót bị ngăm cấm.

Một an ninh (áo xanh) đang làm nhiệm vụ quay phim đám đông.

Một an ninh (áo xanh) đang làm nhiệm vụ quay phim đám đông.

 

Ông André Menras-Hồ Cương Quyết (bìa trái) nói lên sự thất vọng của mình trước hành động của chính quyền TP.HCM.

Ông André Menras-Hồ Cương Quyết (bìa trái) nói lên sự thất vọng của mình trước hành động của chính quyền TP.HCM.

 

Ông Lê Hiếu Đằng giúp ông André Menras-Hồ Cương Quyết căng biểu ngữ thể hiện quan điểm trước hành động ngăn cấm buổi chiếu phim.

Ông Lê Hiếu Đằng giúp ông André Menras-Hồ Cương Quyết căng biểu ngữ thể hiện quan điểm trước hành động ngăn cấm buổi chiếu phim.

Ông André Menras-Hồ Cương Quyết trao tận tay mỗi người đến tham dự những đĩa CD phim Hoàng Sa Việt Nam – Nỗi đau mất mát.

Ông André Menras-Hồ Cương Quyết trao tận tay mỗi người đến tham dự những đĩa CD phim Hoàng Sa Việt Nam – Nỗi đau mất mát.

QUYỀN LỰC CÁ NHÂN: BẠN, TÔI VÀ TRUNG QUỐC

Post lại từ buudoan
BY: Blog Ánh Trăng
TL giới thiệu thêm một bài viết của một bạn gái đang học cao học tại Hoa Kỳ có tên là Panda Tun. Đọc để biết thế hệ trẻ ngày nay suy nghĩ và hiểu biết như thế nào? TL yêu họ, khâm phục họ và có thêm hy vọng, niềm tin vào ngày mai…Ngày mai thuộc về những người trẻ tuổi này.

QUYỀN LỰC CÁ NHÂN: BẠN, TÔI VÀ TRUNG QUỐC (PI)
Panda Tun:
Tôi viết những điều này sau khi nghe kể những người bạn Việt Nam của tôi phản ứng với một sinh viên Trung quốc khi cậu ta hỏi: "Bạn có ghét người Trung quốc hay không?", và những người bạn của tôi, hiểu cậu ta nói gì nhưng đã tảng lờ bằng cách gợi ý rằng: "Thôi, không nói chuyện chính trị", và tiếp tục trêu người Trung Quốc đó …
Sự thiếu quan tâm, thờ ơ, và bàng quan của những người xung quanh khiến tôi thực sự đau xót. Tôi đọc đâu đó nói về sự xâm lấn biên giới, lãnh hại, không nguy hại bằng sự xâm lấn và thôn tính về mặt văn hóa.
Những ai quan tâm đến tình hình chính trị trong nước đều ít nhiều hiểu được điều tôi vừa nói ở trên. Tôi đau xót khi nhìn sự vô tư – một thứ vô tư, hồn nhiên đến đau lòng của những người thân quen khi tiếp nhận những gì được dọn sẵn, những gì dễ dãi, mà quên đi, chính sự dễ dãi đó cũng là một sự lựa chọn chính trị, trong đó ta nhường bước, bán linh hồn và tinh thần dân tộc, những gì quý giá về mặt tinh thần của mình…
Các bạn thân mến,
Mỗi ngày, tôi đều dành một chút thời gian lướt qua các trang mạng để xem tình hình trong nước, xem những người dân nước mình tại Hà nội, Sài gòn phản ứng như thế nào với những hành động gây hấn, bạo ngược của Trung quốc trên biển Đông…Và tôi xem báo chí trong nước nói gì về những người đi biểu tình, quan chức nhà nước nói những gì. Vào trang của những người phản đối hành động của Trung Quốc, tôi đã thấy những người cầm quyền ở Việt Nam, thông qua công an thường phục, đồng phục và rất nhiều các dân phòng, cảnh sát cơ động…đối xử tồi tệ, làm tổn thương những người yêu nước, tổn thương lòng yêu nước của mọi người như thế nào để xoa dịu Trung quốc.
Tôi cũng đọc những bài báo phân tích cho thấy Trung quốc đã gây những ảnh hưởng sâu sắc đến Việt Nam như thế nào, từ những vấn đề tưởng như không có gì quan trọng thông qua văn hóa. Thông qua phim ảnh, họ truyền bá văn hóa theo mục đích phục vụ sự bá quyền. Không biết bằng cách tác động nào, những di tích nói lên hành động của cha ông ta chống Tàu (những tấm bia ở nhiều nơi ghi công người đã khuất vì dũng cảm chống Tàu đã bị đục đi mất chữ "chống Tàu"), hoặc bị thay thế. Rồi những vấn đề lớn như kinh tế, chính trị (mà gần đây nhất là Trung quốc đã trúng những gói thầu lớn liên quan đến kinh tế của VN- báo SGTT đã phân tích những cái hại khi toàn bộ ngành năng lượng của VN đặt vào tay TQ nguy hiểm như thế nào. Bạn có thích nghe nước mình phụ thuộc thế không? Và hẳn nhiên bạn cũng không thích cảm giác bất an phải không, khi bạn biết từ trong lịch sử đến giờ, nước này không đáng tin như thế nào.
Trước đây có blogger đã đưa tấm bia ghi công chiến sỹ đã hy sinh khi đánh lại Trung quốc năm 1979 đã bị đục bỏ phần ghi cuộc chiến mà anh tham gia, giờ đây là thông tin mới nhất, cũng liên quan đến văn hóa:
Tôi biết, khi bạn mở ra một trang web, một blog, thấy nói những điều bạn chưa biết, và khác với những gì báo chí hay nói, bạn có thể cho rằng đó là "phản động". Khoan hãy kết luận. Hãy đọc và xem nội dung họ viết như thế nào, rồi hãy tìm hiểu về thông tin họ nói, và tác giả.
Bạn hãy làm những điều ấy như một người biết nghi vấn, thay vì để những nỗi sợ hãi, những cái mà bạn đã được học từ cả một hệ thống, khiến bạn cứ nghĩ họ là người tồi tệ. Bạn học critical thinking, bạn biết về stereotypes, tác hại của những assumptions (giả thiết sai lầm nhưng bạn tin là đúng) đã gây hại đến như thế nào trong con đường đi tìm sự thật, vậy sao không áp dụng đi, các bạn của tôi?
Ví dụ như khi bạn đọc bài này chẳng hạn, nói về công an đối xử thế nào với một người biểu tình- ông Nguyễn Quang A.
Nếu như bạn đọc xong rồi mà không biết Nguyễn Quang A là ai, hay nghi ngờ những điều ông nói. Tốt! Dù sao cũng tốt hơn là khi đọc xong bạn không quan tâm, không nghĩ gì,một cái đầu nghi ngờ sẽ tốt hơn cái đầu của bạn đặc quánh với sự tối tăm và vô cảm. Hãy nghi ngờ tôi, nghi ngờ ông Quang A này, nghi ngờ những tờ báo mà bạn đọc. Tốt, nhưng hãy đừng bao giờ dừng lại đó.
Hãy tự bạn đi tìm sự thật cho chính mình. Bạn xem xem, họ nói khác nhau như thế nào? Bạn hãy kiểm chứng những thông tin mà bạn thấy. Bạn hãy nghĩ về con người  bạn, những sợ hãi, những quyết định trong quá khứ, những trải nghiệm và quan sát của bạn về thế giới xung quanh mình. Chẳng bao lâu, dù không thỏa mãn 100%, nhưng bạn sẽ có một sự nhạy cảm tốt hơn về những thông tin đến với bạn- nó phải chịu sự xét đoán của bạn, chứ không phải khiến bạn làm nô lệ cho nó.
Trong lúc nhiều người trong nước được dặn dò hãy tin vào nhà nước, thì các di tích như tôi vừa nói bị đục khoét có lợi cho Tàu, nhà nước thay vì phản đối Tàu và hiệp lực với nhân dân thì lại đi đánh người biểu tình để Tàu khỏi giận, xóa bỏ những trang sử Việt Nam đánh nhau với Tàu gần đây trong nhà trường, cho in những tác phẩm ca ngợi lòng dũng cảm, yêu nước của lính Tàu trong cuộc chiến tranh biên giới (mà thực ra là cuộc xâm chiếm Việt Nam), thì nhà nước đầy tham vọng bá quyền Trung quốc đã làm gì? Các bạn hãy xem một ví dụ:
Một cuốn sách Việt tuyên truyền đường lười bò của Trung Quốc
Trung quốc không những dạy cho người dân họ, cho các trẻ em của họ, mà họ còn cố gắng để "dạy" cho dân VN về lãnh thổ của Trung quốc. 
Nếu nhà cầm quyền Trung quốc cố tình dạy cho dân chúng nước họ những thông tin sai, rằng toàn bộ biển Đông là của họ bằng cả một bộ máy tuyên truyền khổng lồ, chỉ cung cấp thông tin một chiều, với dân số hơn 1 tỷ người tin rằng chính quyền họ đúng, ta có thể làm gì?
Ta viện cớ mình bận rộn, không có thời gian, trong lúc ta cố gắng tìm cách để quên đi những thực tại khiến ta suy nghĩ, để có được sự vui vẻ, thanh thản. Ta cố gắng lảng tránh cơ hội trò chuyện thẳng thắn và sâu sắc bằng cách đùa bỡn, gạt những vấn đề đang tranh cãi sang một bên để cười, để vui vẻ với những người bạn (phần đông là người Trung quốc).
Tôi không phản đối sự hài hước và niềm vui của bạn, vì những điều đó rất cần cho cuộc sống này. Nhưng sự hài hước ấy được ưu tiên hơn là những tìm hiểu và trò chuyện nghiêm túc để tăng cường sự hiểu biết, khiến ta đang trở thành một người vô cảm, không kiến thức về dân tộc mình, không lòng tự hào, không ý thức mình thuộc về nơi đâu, đất nước nào (chứ không phải chính quyền nào), thì ta dạy con cái chúng ta như thế nào về đất nước, dân tộc ta?
Ta lảng tránh tìm hiểu, vậy ta sẽ nói gì đây về chúng ta với những người bạn sẵn sàng lắng nghe? Ta sẽ nói gì đây để có thể giúp những người Trung quốc đứng về phía chúng ta (trong sự hiểu biết, trung thực và công bằng, chứ không phải sự dễ dãi đồng ý)? Chúng ta nói gì về việc làm sai trái của chính quyền họ với những người ngư dân của mình?
Tôi thường nghe các bạn nói rằng: "chính trị phức tạp lắm, nhiều tranh cãi, vậy hãy gạt sang một bên. Tôi sẽ làm mọi điều để phát triển xã hội tôi, mang lại công bằng cho nhân dân tôi, cải thiện môi trường đất nước tôi, trao cao quyền năng cho những người dân thiệt thòi ở nông thôn, những người thiểu số trong xã hội…"
Bạn quá ngây thơ hay vờ không biết rằng kể cả những cách bạn đang suy luận ấy cũng không phải là sản phẩm của quá trình tư duy logic trong bạn. Hoặc đó là một sự thỏa hiệp để khiến bạn cảm thấy thanh thản hơn. Hoặc đó là sản phẩm của sự vận động mà chính quyền nhắm vào tất cả chúng ta- hãy lo việc của các anh cho tốt, là nhà khoa học, hãy làm giỏi, bác sỹ hãy giỏi tay nghề…còn việc khác, để tôi lo.
Tôi nói bạn ngây thơ, vì những gì bạn tưởng là của bạn, nhưng không phải thế. Nó là một sản phẩm từ trí óc của bạn, nhưng bạn lấy đâu những dữ liệu để phân tích và đưa ra một quyết định? Thông tin bạn nhận được chỉ một chiều, được lập trình có lợi cho một nhóm lợi ích nào đó, kết quả đầu ra trong suy nghĩ của bạn cũng sẽ như thế. Bạn không tìm thêm thông tin khác, nhiều hơn một nhóm, bạn không suy nghĩ, chiêm nghiệm, bạn không nghi ngờ, bạn quyết định dễ dàng theo những gì bạn được dạy, những suy nghĩ mà bạn có, không phải là của bạn.
Tôi nói không đúng sao, vì bạn không dám bước khác đi, bạn không dám nghĩ khác, ngay cả khi bạn ở một đất nước tự do, bạn được phát biểu, được tự do tìm hiểu, không có một cảnh sát nào ở bên.Trong bạn đang có những người "cảnh sát", điều chỉnh tư tưởng của bạn. Bạn có tự do, nhưng tự do ấy không phải là quà tặng miễn phí. Đầu óc bạn cũng không tự do, nếu như bạn không đấu tranh mạnh mẽ để khiến tâm trí mình trở nên tự do.
Tôi nói bạn ngây thơ khi nghĩ rằng không động chạm, quan tâm đến chính trị, bạn vẫn có thể làm tốt. Rồi một ngày không xa, bạn sẽ nhận thấy làm gì mà không đụng đến thể chế, đến chính trị. Bạn không thể thay đổi gì nhiều trong xã hội nếu bạn không đấu tranh và đụng chạm đến chính trị.
Bạn thay đổi vấn đề môi trường ở Tây nguyên như thế nào, nơi các nhà máy khai thác Boxit của Trung quốc thải những chất độc hại đang phá hủy môi trường ở đó?
Bạn định thay đổi nước Sông Hồng đang ô nhiễm như thế nào, khi nguồn nước từ đầu nguồn (Trung Quốc đổ về), toàn các chất thải công nghiệp? Bạn tưởng đó là chỉ vấn đề môi trường thôi sao? Không đâu!
Bạn thay đổi đời sống những người dân tộc thiểu số như thế nào, khi những người hoạch định chính sách cố tình không tạo sự phát triển dân tộc như vẫn nói, hay không thèm quan tâm? Bạn sẽ làm thế nào để thay đổi cách quản lí của địa phương nơi bạn khi tất cả những người làm trong hệ thống đó không có năng lực và bạn không thể thải hồi họ?
Tôi đồng ý với bạn rằng về vĩ mô, ta, với sức nhỏ bé không thể làm gì được nhiều, và trong phạm vi ta có thể ảnh hưởng, ta sẽ làm hết sức mình, và cố gắng thay đổi được những người trong phạm vi của mình. Tất cả chúng ta làm tốt, xã hội sẽ tiến bộ.
Nhưng bạn không hiểu được những gì đang diễn ra trên đất nước mình, bạn lảng tránh tìm hiểu. Bạn có biết sự im lặng của bạn, sự bỏ qua việc tìm hiểu của bạn, việc bạn xác định không đụng chạm đến vấn đề chính trị của bạn cũng là một hành động, lựa chọn mang tính chính trị hay sao? Và sự im lặng, bàng quan của bạn sẽ có lợi cho ai? Bạn có thể đoán được câu trả lời.
Còn nếu không, hãy nghe câu này:
"The ultimate tragedy is not the oppression and cruelty by the bad people but the silence over that by the good people." given by Martin Luther King
Bi kịch lớn nhất không phải là sự đè bẹp hay tàn ác của những kẻ xấu xa, mà đó chính là sự im lặng của những người tử tế.
Thực lòng,tôi biết rõ rằng chúng ta có thể sẽ không thể giữ được Trường Sa, và những cuộc biểu tình hàng tuần vào chủ nhật trong thời gian này cũng sẽ chẳng làm rung động được những người lãnh đạo hay sẽ làm thay đổi mối quan hệ của VN-TQ. Nhưng tôi ngưỡng mộ và kính trọng những người dám xuống đường biểu lộ tình yêu, quan điểm và mối quan tâm của mình- họ dám dùng một cái quyền đã có sẵn từ trong luật của mình, nhưng chúng ta đã không dám dùng.
Điều khiến tôi thực sự đau lòng nhất không phải là việc Trung quốc chiếm đất hay chiếm biển và dạy người dân họ những điều sai trái, mà chính là việc con người chúng ta trở nên quá thờ ơ, không quan tâm đến việc ta đã mất đất nước rất nhiều- nhiều hơn cả phần đất mà Trung Quốc lấy được ở Thác Bản Giốc hay ải Nam quan, hay lãnh hải mà Trung quốc đang xâm chiếm trên biển Đông.
Thực vậy, nhìn vào kinh tế của chúng ta, có cái gì không là của Trung quốc đâu. Đến cả những nguồn tài nguyên của chúng ta, năng lượng của chúng ta, Trung quốc cũng nắm hết những phần quan trọng. Nhìn vào văn hóa, đơn giản là vào chương trình chiếu phim truyền hình xem, tràn ngập những bộ phim mà kẻ thủ lãnh không ra gì nhưng các bề tôi trung thành vẫn tận tâm phục vụ- ta bị đầu độc ngay từ bé vì ta xem nó hàng ngày, khiến ta tin rằng làm như thế là phải đạo, hoặc ít nhất ta giải trí và quên đi thực tại, quên đi ý định tìm hiểu.
Tôi đau lòng vì con người nước mình đang đánh mất đi bản thân mình, ý thức dân tộc, lòng tự hào dân tộc. Ta trở nên quá dễ dãi, quá dễ chấp nhận. Ta không biết mình là ai, và mỗi khi ta ngồi cùng nhau xem những bộ phim tàu đang truyền bá những tư tưởng độc hại (Đọc bài của nhà báo Đoan Trang: Bá quyền văn hóa của Trung quốc), tìm kiếm những phút thư giãn rất nghèo nàn, ta đang quên đi đất nước ta phải đối mặt với điều gì, những gì xẩy ra với chúng ta từ trước đến nay, ta có thể làm gì? Chúng ta có sự tự do để tìm hiểu và xem lại những kiến thức của chúng ta. Bạn nói với tôi "bạn không biết", nhưng với tôi, vấn đề không phải bạn không biết mà là "bạn không quan tâm".
Tôi ghét Trung quốc - các chính thể đầy tham vọng và độc ác, nhưng tôi không ghét riêng từng cá nhân. Tôi vẫn nói chuyện với họ và đối xử như bình thường. Tôi vẫn chơi với những người Trung quốc mà tôi thấy hợp, tử tế và chia sẻ mối quan tâm với tôi. Và tôi biết rằng vẫn có những người Trung quốc, dù thật thiểu số, ở đâu đó có kiến thức và lương tâm đủ biết chính quyền họ tồi tệ như thế nào. Bởi vì chính quyền của họ không chỉ tệ đối với nước khác, mà còn với chính những người dân nước họ.
Tôi biết mình không nên giữ định kiến rằng "người TQ thì như thế này, hay thế khác", bởi vì tôi biết rõ nhà nước và dân tộc, người dân có nhiều điểm chung nhau nhưng vẫn khác nhau. Và tôi biết rằng nếu ở một đất nước, người dân chỉ được nhà nước cung cấp thông tin gì, thì biết thông tin đó, thì nếu nhà nước tồi tệ đó tồi tệ, độc tài, cũng khó có hy vọng nhiều vào người dân nước ấy… Nhưng rồi, nhìn vào nước mình, tôi càng biết mình phải phân định rạch ròi và phải xét đoán mọi người, bởi vì ngay cả ở nước mình, dù vậy, cũng có những người dám phản đối hay không đồng tình với cách nhà nước đang làm.
Ta có thể làm gì?
Bạn đừng nghĩ rằng tôi xui bạn đi biểu tình, hay đấu tranh rất cao xa. Tôi chỉ nghĩ rằng điều chúng ta có thể làm được, tốt ở mọi nơi, đó là hãy LÀM CHO MÌNH ĐƯỢC TỰ DO, dùng sự tự do của mình, những gì mình có, để hiểu cho thấu đáo, đừng để ai bịt mắt và dẫn dắt mình, ngoài trái tim thực sự và trí óc thực sự của bạn, chứ không phải là những điều bạn tưởng là của bạn, nhưng bạn đang mang một trái tim và trí óc lên chương trình sẵn rồi-không phải từ ADN của bạn, không phải từ bộ não của bạn đâu. Còn ai lên chương trình cho bạn, hãy tự đi tìm, đó là "bài tập lớn của bạn, nếu bạn thực sự quan tâm". Hãy quan tâm, đừng dửng dưng, đừng nguội lạnh.
Cũng có thể ta cùng bắt đầu bằng việc nhìn nhận về sức mạnh của chính bản thân mình, và bước lên khỏi sự sợ hãi và định kiến ….
MA, 29/7/2011
PT.