Chủ Nhật, 23 tháng 6, 2013

Lê Nguyên Hồng : Nhân Quyền và Thú Vật Quyền

Nguồn diendanctm

Tác giả gửi đến DienDanCTM

Nhiều bạn đọc ở Việt Nam sẽ rất bất ngờ đến độ không thể hiểu được tại sao lại có thú vật quyền (Animal Right), trong khi hàng chục triệu người dân trong nước còn chưa đươc phổ biến những khái niệm phổ quát về nhân quyền thì rất có thể có ai đó còn coi người viết bài này là "có vấn đề về thần kinh" vì đã nói đến một đề tài không tưởng. Cũng dễ hiểu vì ở Việt Nam thậm chí đại đa số người Việt còn chưa biết những gì thuộc về nhân quyền và thế nào là nhân quyền, thì việc hiểu về thú vật quyền quả là điều quá xa vời…

Nhưng quả thật là có thú vật quyền (viết hoa) đang hiện hữu tại nhiều nơi trên thế giới. Ta nói thú vật quyền thay vì động vật quyền để khỏi bị hiểu nhầm sang quyền con người, bởi vì bản thân con người cũng chỉ là một loài động vật bậc cao… Như vậy người Việt tại Việt Nam đã lạc hậu một chặng đường quá dài so với nhiều quốc gia trên thế giới.

Ngoài việc nhân loại đang ráo riết kêu gọi tất cả các nước và vùng lãnh thổ trên thế giới tăng cường bảo vệ những loài động vật hoang dã đang có nguy cơ tuyệt chủng, thì những hiệp hội bảo vệ thú vật quyền ở các nước văn minh như Mỹ, Úc, Châu Âu cũng đã kiên trì lên tiếng trong nhiều chục năm qua về vấn đề quyền của thú vật. Đáp lại, chính phủ các nước của họ đã ban hành và áp dụng nhiều điều luật trong hệ thống pháp luật để bảo vệ thú vật quyền. Những văn bản luật đó đã được thực thi hơn nửa thế kỷ qua tại nhiều nước tự do…

Thái Lan – một nước nông nghiệp và có Đạo Phật là quốc đạo – tuy các nhà sư (trong một số hệ phái) thậm chí vẫn được ăn thịt, nhưng riêng về việc bảo vệ thú vật quyền (bao gồm cả các loài ngư, điểu…), đều được xã hội tôn trọng và nâng lên thành một nếp sống văn hóa. Người ta chẳng mấy khó khăn khi bắt gặp những con chó vô chủ vẫn được người qua đường chăm sóc, yêu mến. Thậm chí có nhiều người còn tặng những chú chó hoang cả những xiên thịt nướng thơm phức hay những cái đùi gà rán vàng ươm vừa mới ra lò…

Tại Thái Lan, nếu một người giết thịt một con chó hay mèo, dù là của chính mình nuôi cũng đều đối mặt với án phạt tù. Nếu nhà chức trách có bằng chứng ai đó đánh đập chó mèo hay thậm chí chuột, sóc, chim… theo lối tra tấn cũng bị xử phạt nghiêm minh. Tất nhiên luật chỉ là luật, cái chính yếu vẫn là xuất phát từ nhân tâm con người, từ văn hóa trong nhận thức.

Tại Úc và Mỹ, thú vật quyền đã đạt được ở một mức độ cao hơn nữa, đó chính là họ đã áp dụng những luật đối xử với gia súc, thậm chí là luật giết mổ gia súc (không chỉ là vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm mà còn là vấn đề nhân đạo trong giết mổ). Năm 2012 Bộ thương mại Úc đã phải tạm đình chỉ một chương trình xuất khẩu bò thịt sang Indonesia chỉ vì họ đã phát hiện rằng cách giết mổ bò tại đây không đạt tiêu chuẩn, đã gây đau đớn cho bò…

Ngày 21/06/2013 ông Matt Linegar – Giám đốc điều hành Liên Đoàn Nông Dân Úc – đã nói với Đài ABC: "Cách giết mổ này (quay ngược đầu gia súc khi tiến hành giết thịt) đã là bất hợp pháp ở Úc, Hoa Kỳ và Vương quốc Anh do sự đau đớn cùng cực mà nó gây ra cho động vật" và "Chúng tôi đang tiếp cận với các nhóm nông nghiệp ở các nước nhập khẩu gia súc lấy thịt, bởi vì mặc dù có sự khác biệt, nhưng vấn đề chúng ta phải nhất trí, đó là động vật không xứng đáng để chịu đựng nỗi đau và sự sợ hãi trước khi bị làm thịt. Trong khi xuất khẩu vẫn tiếp tục, cách giết mổ phi nhân đạo cần phải ngừng ngay lập tức ".

Nhìn lại đất nước Việt Nam của chúng ta, trước năm 1975 Miền Nam Việt Nam (VNCH) được xếp vị trí phát triển (kinh tế, văn hóa, giáo dục, nếp sống…) cao hơn Thái Lan và cả Hàn Quốc, nhưng từ 1975 đến nay, dưới sự cai trị của Đảng Cộng Sản Việt Nam, nước ta đã tụt hậu so với Thái Lan tới 95 năm (số liệu của WB 2009). Sự tụt hậu về phát triển chung tất nhiên sẽ kéo theo vấn đề nhân thức pháp luật và nhân quyền (bao hàm sự nhân đạo), vì vậy thú vật quyền của Thái chắc chắn cao hơn Việt Nam (chưa có thú vật quyền) là điều tất nhiên.

So sánh quả là khập khiễng, nhưng nếu chịu khó đào sâu suy nghĩ một chút thôi, chúng ta sẽ thấy xót xa đau đớn cho cả một dân tộc hàng ngàn năm lịch sử: Việt Nam không xa Thái Lan và các nước như Singapore, Malayxia vv… nhưng ở ta quyền con người còn chưa có (chỉ có trên giấy), nói chi đến chuyện thú vật quyền?

Có lẽ chỉ có ở Việt Nam, người ta (công an) muốn bắt ai thì bắt, không cần lệnh bắt của tòa án hay Viện kiểm sát, muốn khám nhà lục soát nơi ở hay thậm chí khám người tùy ý. Chính quyền có quyền (trên cả luật pháp) chỉ cho luật sư tiếp xúc thân chủ khi nào họ muốn mà pháp luật ngoảnh mặt làm ngơ.

Có lẽ chỉ có ở Việt Nam, những người biểu tình ôn hòa (dù chỉ là bày tỏ lòng yêu nước) cũng bị cầm tù, thậm chí bị đưa vào trại phục hồi nhân phẩm, nhà thương điên…  Có lẽ chỉ có ở Việt Nam, nghi phạm vào đồn thì mạnh khỏe, khi ra thì đã là những xác chết vì những nguyên nhân tưởng tượng như "tự tử", "đột quỵ" vv… mà chẳng thể nào tìm ra thủ phạm được, vì công an vừa là kẻ giết người vừa là kẻ đi điều tra!

Có lẽ chỉ có ở Việt Nam, thú vui ăn nhậu thịt chó đã trở thành "văn hóa thịt chó"* mặc dù thịt chó không thể thay thế các loại thực phẩm khác, nó chỉ dành riêng cho lũ bợm nhậu vỉa hè góc phố, hay xó bếp (mặc dù ngày nay để đón các quan CS đã có những nhà hàng thịt chó sang trọng), nhưng nó cũng chỉ là thứ thú vui thấp hèn, đàn đúm say sưa, mà "hiệp hai" của nó sẽ là các ván bài đỏ đen, các động mại dâm, động lắc nhan nhản khắp nơi khắp chốn…

Có lẽ chỉ có ở Việt Nam, con người coi chó là loài vật trung thành nhất nhưng khi cao hứng (thậm chí chỉ vì lý do "hôm nay mát trời") là đã ra tay giết hại chú chó trung thành của mình để thỏa mãn thú vui nhậu nhẹt giết thì giờ mà chẳng mảy may động lòng trắc ẩn!

Sau chầu nhậu thịt chó tưng bừng có thể sẽ là những cơn cuồng loạn đâm chém nhau chỉ vì những lý do không đâu. Là những vụ tai nạn giao thông thảm khốc thường xảy ra sau bữa tiệc thịt chó. Là những bà vợ nhà quê bước thấp bước cao chạy đi mua rượu cho chồng đãi bạn lúc trước, nay ngồi thu dọn "chiến trường" là đống bát đĩa dơ dáy nhầy nhụa, là những đống nôn ói nồng nặc mùi tanh nồng lợm mửa, thậm chí là cả đòn roi vì người chồng say xỉn, ngộ độc thần kinh đã mất hết trí khôn…  

Thú vật quyền ư? Còn xa lắm Việt Nam ơi! Khi mạng sống con người còn bị coi rẻ như cỏ rác, người ta dẫm đạp lên đói nghèo, lên nỗi đau của người khác, lên những nhu cầu bình thường của con người, thậm chí lên cả xác chết (tại các nhà xác ở bệnh viện) của đồng loại để mà trục lợi, ăn cướp… rồi sau đó đem khoe khoang bằng những xấp Dollas, những siêu xe, những căn hộ, những biệt thự hàng ngàn tỉ… Những kẻ đó (quan lại CS, những kẻ làm giàu bất chính) làm gì biết đến nhân quyền, nói chi chuyện thú vật quyền?

Nếu như ngay ngày hôm nay trên quê hương Việt Nam có tự do dân chủ thì cũng còn phải mất hàng trăm năm nữa người dân Việt Nam mới có thể sống một cuộc sống thanh bình và hạnh phúc. Bởi vì cùng với những món nợ khổng lồ hàng trăm tỉ USD hiện nay người dân Việt Nam đang phải gồng mình gánh trên đầu trên cổ, họ còn phải dọn nhiều loại "rác". Ngoài những thứ rác hữu hình, còn có những thứ rác khác đã ăn sâu vào đầu não con người, đó là "rác văn hóa". Hãy có nhân quyền, sẽ có thú vật quyền. Một xã hội biết tôn trọng nhân quyền và thú vật quyền thì đó là một xã hội văn minh!

Lê Nguyên Hồng

*Chỉ cách nay khoảng 10 năm, người viết bài này cũng từng là một tay thợ nhậu và là người đã từng coi thịt chó là món khoái khẩu!

Ghi chú của DienDanCTM: Bài nguyên thủy của tác giả có đăng bức hình giết mổ bò dã man đã bị lên án dữ dội trên các phương tiện truyền thông Úc những ngày tháng qua. Vì tính cách dữ dội của bức hình đó, DienDanCTM đã chọn không đăng lại ở đây và xin những độc giả nào muốn xem bức hình đó tự bấm vào nối kết dưới đây để xem: 
http://www.abc.net.au/news/2013-06-21/banning-the-inversion-box/4771064

Ghé thăm các blogs: 21/06/2013 (diendantheky)

Nguồn diendantheky

by Diễn Đàn Thế Kỷ

Blog BVN
Bàn về điều 258 của Bộ luật hình sự hiện hành 

 Hà Huy Sơn 

 Thời gian gần đây đã có một số người bị cơ quan điều tra bắt, khởi tố theo điều 258 của Bộ luật hình sự năm 1999, sửa đổi, bổ sung năm 2009 của Nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.  Trước đây hai năm, tôi có làm người bào chữa cho một thân chủ ở Cần Thơ đã bị kết án vì điều 258.  Nhận thấy điều 258 có một số điểm hạn chế, tôi đã có ý định kiến nghị với Ủy ban Thường vụ Quốc hội để yêu cầu giải thích điều luật này.  Vì trước đó tôi đã có một số kiến nghị với Ủy ban Thường vụ Quốc hội giải thích một số điều luật nhưng vẫn chưa nhận được hồi âm nên tôi xin bày tỏ ở bài viết này với những người quan tâm. 

 Điều 258 . Tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân 
 1.  Người nào lợi dụng các quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do tín ngưỡng, tôn giáo, tự do hội họp, lập hội và các quyền tự do dân chủ khác xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm. 
 2.  Phạm tội trong trường hợp nghiêm trọng thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm. 

 Thứ nhất: Điều 258 quy định không rõ ràng, nó dễ bị áp dụng sai do vô ý và lạm dụng do cố ý.  Nội dung không thể hiểu bằng một cách duy nhất, rõ ràng theo định lượng, mà việc hiểu điều luật này chủ yếu là do cảm tính vì nó không có khuôn khổ giằng buộc. 

 Thứ hai: Việc áp dụng điều 258 trong thực tế, các cơ quan tiến hành tố tụng thường vi phạm nguyên tắc bắt buộc của Bộ luật tố tụng hình sự là phải chứng minh hậu quả do tội phạm gây ra cho đối tượng bị hại là nhà nước, tổ chức, công dân.  Chính vì nội dung không rõ ràng của điều luật nên các cơ quan điều tra có tài thánh cũng không định lượng được thiệt hại do tội phạm gây ra và rồi đến Viện Kiểm sát và Tòa án cũng phải lờ đi vi phạm nghiêm trọng đó của cơ quan điều tra. 

 Thứ ba: Cho đến nay nhiều quyền tự do dân chủ của công dân đã được quy định trong Hiến pháp năm 1992 nhưng đến nay đã hơn hai mươi năm chưa được luật hóa.  Điều đó có nghĩa nhiều quyền tự do dân chủ của công dân chưa có quy định như thế nào là cấm vậy thì làm sao nói là lợi dụng?  Trong khi nguyên tắc chung của pháp luật là: "Công dân được làm những gì nhà nước không cấm, nhà nước chỉ được làm những gì pháp luật cho phép".  Thực trạng này thì ai là người đang vi phạm pháp chế của một nhà nước pháp quyền? 

 Thứ tư: Về nội dung ngữ nghĩa của điều luật " Tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân "  thể hiện sự mâu thuẫn . Đã là quyền của công dân thì đương nhiên công dân được phép được sử dụng trong mọi giới hạn không gian, thời gian của pháp luật và nhà nước có nghĩa vụ phải đảm bảo các quyền ấy.  Là quyền thì không thể là tội, là tội thì không thể là quyền.  Không thể vừa là quyền lại vừa là tội.  Đây chính là sự lập lờ, không rõ của điều 258.  Ủy ban Thường vụ Quốc hội theo pháp luật quy định có chức năng giải thích luật phải có văn bản hướng dẫn điều 258. 

 Theo quan điểm cá nhân, tôi cho rằng: Để hiện đại hóa đất nước, vấn đề trước cả văn hóa truyền thống, giáo dục, y tế… là việc xây dựng một nhà nước pháp quyền thực sự.  Cần xây dựng một văn hóa pháp luật, tôn trọng chính các nguyên tắc pháp luật chung do chính nhà nước đặt ra. 
 Hà Nội, ngày 17/06/2013 
 HHS 


BLOG ĐÀO TUẤN

Tháng Sáu 18, 2013 

1m2 đất đổi được tô phở. Đền bù 1m2 đất bằng giá một… cốc bia cỏ. 1m2 đất đền bù chưa mua nổi 2kg gạo. Thưa các vị ĐBQH, những cái tít báo không ca ngợi sự so sánh tuyệt vời của các nhà báo, nó chỉ phản ánh những bất hợp lý mà khung bảng giá đất do nhà nước quy định đang hiển hiện như một điều mà ai cũng chịu đựng.

Ngày 10-12-2010, 132/133 đại biểu HĐND TP Hà Nội đã biểu quyết thông qua khung giá đất mới năm 2011, một biểu giá mà chính Phó chủ tịch UBND TP Vũ Hồng Khanh, ngay khi đó, thừa nhận "Cách xa so với giá thực tế".

Xa thực tế là bao nhiêu? Thanh tra tài chính Thành phố sau đó ít lâu công bố một báo cáo, rằng giá thực tế cao hơn bảng giá đất của Hà Nội từ vài chục đến 400-500%.

Vì sao bảng giá đất luôn "lạc hậu hàng chục năm" ngay sau khi ban hành là điều mà người dân không hiểu được. Nhưng hậu quả của nó, thì rõ ràng, dân là người hiểu hơn ai hết với những mức đền bù giống y như một bất công, một nguyên cớ để người ta không kiện cáo không xong, xảy ra ở khắp nơi. Một m2 đất có giá bằng nửa cân thịt bò. 1m2 đất đổi được tô phở. Đền bù 1m2 đất bằng giá một… cốc bia cỏ. 1m2 đất đền bù chưa mua nổi 2kg gạo. Hay 100m2 đất thu hồi không mua nổi 1m2 đất dự án.

Thưa các vị ĐBQH, những cái tít báo không ca ngợi sự so sánh tuyệt vời của các nhà báo, nó chỉ phản ánh những bất hợp lý mà khung bảng giá đất do nhà nước quy định đang hiển hiện như một điều mà ai cũng chịu đựng.

Nhưng không chỉ người dân là nạn nhân của sự vô lý. Câu chuyện cũng không chỉ là những cái tít báo. Ngày hôm qua 17.6, khi Luật Đất đai sửa đổi được đưa ra thảo luận, ĐBQH Nguyễn Thanh Thụy (Bình Định), trước nghị trường đã đưa thực tế "Giá đất được quy định tại bảng giá chỉ bằng 40% giá thị trường. Ở Hà Nội, ở TP HCM, thậm chí chỉ bằng 18-30% giá thị trường".

Bà Thụy cũng nói "Nếu quy định giá đất thuê như dự thảo luật sẽ không đảm bảo cân đối thu chi ngân sách nhà nước từ đất đai". Bởi "Nếu cho thuê theo Bảng giá đất sẽ thấp hơn rất nhiều so với thị trường".

Không bù đắp được điều tiết địa tô. Không đủ bù đắp chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng. Không đảm bảo cân đối thu chi. Không tạo ra sự công bằng giữa các đối tượng sử dụng đất. Không thu được chính xác những đồng thuế khi cho thuê, chuyển nhượng dựa trên mức giá bèo bọt trong bảng giá đất. Có lẽ, còn rất nhiều chữ "không", được liệt kê sau bảng giá mà trong đó, mức giá đất "âm sâu dưới đất" gây hại cho cả nhà nước và người dân.

Chỉ có người sử dụng đất sau thu hồi là được lợi, và có lẽ, đây cũng chính là nguồn cơn cho cái gọi là "lợi ích nhóm".

Trở lại với phiên họp ngày 10-12-2010 của HĐND TP Hà Nội, sự "cách xa so với thực tế" còn được chính Phó Chủ tịch Vũ Hồng Khanh "thêm" rằng: Như mọi năm.

Phát biểu thừa nhận này có vẻ là một biểu tượng của sự bất lực khi những quy định trong luật khiến các đại biểu nhân dân buộc phải biểu quyết một biểu giá không hề có lợi cho dân, không hề có lợi cho nhà nước.
Gọi là tiếp cận với giá thị trường hay phù hợp với thị trường, thế nào cũng được, tuy nhiên, ngay bây giờ sự không đúng với thực tế, bất chấp thực tế phải được sửa đổi bằng những quy định chặt chẽ ngay trong luật, để bảng giá không tiếp tục "lạc hậu hàng chục năm" so với thực tế và trở thành một trong những nguyên nhân tiếp tục gây khiếu kiện.


BLOG HIỆU MINH

Nếu tới DC vào ngày đi làm trong metro du khách phương xa sẽ thấy các ông mặc véc, cà vạt nhưng lại đi giầy thể thao,  phụ nữ ăn mặc sang trọng, rất mốt nhưng đi giầy bệt.

Những người này đến VP sẽ có đôi giầy đúng mốt chỉ để đi họp, về chỗ ngồi lại bỏ giầy ra. Dân IT như tôi chui gầm bàn sửa máy tính nên rất hiểu thế giới giầy của phái đẹp.

Gọi đó là tính thực dụng của người Mỹ, kể từ cách đi giầy.

Thời trai trẻ mình quen một nàng lúc nào cũng diện đôi guốc 7 phân. Mỗi lần đến chơi ở nhà lắp ghép, nàng càu nhàu, sao bắt bỏ dép guốc bên ngoài thế này. Bỏ đi, chân dài thành chân vừa vừa, bởi nàng cao 1m53, vẻ đẹp bị giảm khá nhiều.

Hôm nay Washington Post có bài "Giầy cao gót có thể trông đẹp nhưng không tốt cho chân" được đọc nhiều nhất, mình nhớ người bạn xưa.

Tay nhà báo chắc nghiên cứu guốc dép khá kỹ. Đôi giầy 7 phân, đôi chân có vẻ dài hơn, bước đi vẻ uyển chuyển. Nhưng phía sau sự tự hào đó là nỗi đau từ những ngón chân mà chỉ có người đi mới thấu.

Đôi chân sinh ra là để giữ thăng bằng trên mặt đất và gót chân phải thẳng góc 90 độ với cẳng chân chứ không phải ở một góc nghiêng 45 độ như lúc trên đôi giầy cao chót vót.

Nếu nói phụ nữ nghiến răng để làm đẹp, quả không sai. Đau đớn, bệnh tật, và dù những ngón chân bị tụ máu hay trẹo chân bó bột cũng không thể ngăn họ leo trên đôi cà kheo.

Nhân chuyện bác Tư Sang đi Trung Quốc bàn về biển Đông với người láng giềng, vừa là đồng chí, vừa là anh em kiêm kẻ thù không đội trời chung, tự nhiên tôi liên tưởng đến người đẹp đi giầy cao gót.

Mấy tuần trước, Thủ  tướng Dũng đã có phát biểu nổi tiếng ở Shangri La ngầm ý lên án Trung Quốc "Tranh chấp chủ quyền lãnh thổ từ Biển Hoa Đông đến Biển Đông đang diễn biến rất phức tạp, đe dọa hòa bình và an ninh khu vực. Đâu đó đã có những biểu hiện đề cao sức mạnh đơn phương, những đòi hỏi phi lý, những hành động trái với luật pháp quốc tế, mang tính áp đặt và chính trị cường quyền".

Ông được truyền thông thế giới khen rất nhiều về sự đổi chiều.

Thủ tướng đã giành nhiều điểm trước cuộc bỏ phiếu tín nhiệm tại Quốc hội sau đó. Giới am hiểu nói rằng, 210 phiếu "Tín nhiệm cao" thuộc hàng bom tấn, ý nói những người có quyền lực tại VN đã ủng hộ Thủ tướng.

Tuy nhiên, tiếp sau vụ bắt blogger Trương Duy Nhất trước thềm cuộc bỏ phiếu, là nhà văn Phạm Viết Đào và gần đây blogger Đinh Nhật Uy, nhiều người không hiểu phía Việt Nam định gửi tín hiệu gì cho cộng đồng thế giới.

Nhân vụ này, BBC Việt Nam đã "chọc ngoáy" đúng kiểu Ăng lê bằng một bài viết "Bắt để làm quà", ý nói  phe thân Mỹ đã bị qua mặt bởi  phe thân Trung Quốc.

Chuyện đời không đơn giản thế. Chủ tịch Trương Tấn Sang đi Bắc Kinh cùng món quà đó, với người hàng xóm Bắc Kinh là quá nhỏ.

Khó mà tin một lãnh đạo quốc gia tầm cỡ như bác Sang trước khi công du lại bắt giam mấy tay võ mồm, đưa lên bàn đàm phán về biển đảo với Trung Quốc.

Người Mỹ cũng chẳng đến nỗi không đủ trí thông minh. Vài blogger không thể thay đổi tình thế với phương Bắc hay nhằm đối đầu với Hoa Kỳ.

Với họ, 3 bloggers hay 3000 cũng chẳng có ý nghĩa gì, một khi không động chạm đến quyền lợi nước Mỹ. Có chăng, đó là con bài khi đàm phán về quan hệ, nếu cần cao bồi lại lôi ra để đánh đổi.

Bó chân của người Hoa.

Nhớ lại vụ bắt bớ và video nhận tội của mấy người dân chủ ngay khi Jim Webb tới Hà Nội để bàn về đối phó với Trung Quốc, xứ mình có thể hiểu đây là những bước đi ngoại giao trên giầy cao gót.

Cứ lênh khênh, kiễng chân, nín nhịn để được điểm, lúc bên này, lúc bên kia, những người đẹp kiểu này thường nghĩ có nhiều người ngưỡng mộ hơn các chân dài đi bằng giầy thể thao.

Thời xưa, đàn bà Trung Quốc phải bó bàn chân, bó càng chặt, bàn chân càng bé, càng được đánh giá cao. Nhiều người cố bó nên bàn chân bị méo mó và thành tật.

Thời nay đã khác, giầy càng cao càng chứng tỏ sành điệu dù có đau đớn về thể xác.

Suy cho cùng, để có vẻ đẹp giả tạo cũng phải trả giá.

Tới Bắc Kinh với đôi giầy cao gót để đối phó với người đẹp bó bàn chân, khó mà đoán được điều gì sẽ xảy ra.
Nếu chủ mà yêu cầu khách bỏ đôi giầy cao vót khi vào Trung Nam Hải thì không hiểu sự thể có giống như cô bạn 1m53 thuở nào. Nhưng nếu chủ cũng bỏ giầy ra đẻ tỏ lòng hiếu khách thì chưa chừng lại thấy những bàn chân dị tật.
Kết thúc entry, xin đăng một comment trên Washington Post đặc kiểu Mỹ trong bài High Heels "I would have had sex with her, but I just didn't like her shoes – Tôi có thể làm tình với cô ta, nhưng đôi giầy thì chẳng làm tôi thích thú".

HM. 18-06-2013

PS. Các bạn biết không, riêng về đoạn giầy dép, tôi thích tính thực dụng của người Mỹ, cứ giầy bệt mà chơi, dễ thăng bằng trên mặt đất, chẳng có chuyện chân đau hay dị tật


BLOG LÊ DIỄN ĐỨC

Không biết bao giờ phiên toà phúc thẩm sẽ diễn ra và tại đâu, nhưng một lần nữa, Phương Uyên và Nguyên Kha lại đối diện với toà án.

Hai tuần sau khi bị tuyên án tổng cộng 14 năm tù giam và 6 năm quản chế, Nguyễn Phương Uyên và Đinh Nguyên Kha đã kháng cáo.

Phương Uyên và Nguyên Kha đã khẳng định lòng yêu nước qua việc tố cáo Trung Quốc xâm lăng Việt Nam. Tuy nhiên cả hai đều quyết định "không xin giảm án" mà cốt có cơ hội được nói hết ý của mình đã không được biểu thị trong phiên xử ngắn ngủi và bất minh ngày 16/05/2013.

Phương Uyên, cô gái bé nhỏ, 21 tuổi, nói rằng, "rất uất ức về bản án cũng như còn rất nhiều việc chưa giải bày được … vì trong phiên xử bị quan tòa ngăn không cho nói… . Uyên nói là rất "sốc" vì bản án, nhưng sau mấy ngày thì lấy lại được tinh thần…

Phiên tòa 16/05 hầu như không làm sáng tỏ bất cứ một vấn đề gì, không có nhân chứng, không có vật chứng, thậm chí không đưa ra được những căn cứ để buộc tội. Một câu hỏi rất đơn giản là khẩu hiệu "Tàu khựa cút khỏi Biển Đông" mà Phương Uyên viết bằng máu có vi phạm luật pháp Việt Nam hay không, Phương Uyên hỏi đến ba lần nhưng chánh án không trả lời được, cả bồi thẩm đoàn cũng ngồi im, cuối cùng họ cho em về chỗ...", theo lời của mẹ Phương Uyên.

Ngay sau phiên toà sơ thẩm của Phương Uyên và Nguyên Kha hôm 16/5, đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam đã phản đối bản án và kêu gọi trả tự do cho hai người này.

Trong một cuộc điều trần tại quốc hội Hoa kỳ với chủ đề "Các mối quan hệ Việt-Mỹ" do Tiểu ban Châu Á-Thái Bình Dương thuộc Ủy ban Đối Ngoại Hạ viện Mỹ tổ chức hôm 5/6, theo đài VOA, Phó Trợ lý Ngoại trưởng phụ trách Dân chủ - Nhân quyền - Lao động, ông Daniel Baer, tuyên bố:

"Tôi cam kết sẽ tiếp tục nêu lên trường hợp của hai nhà hoạt động này cũng như thúc đẩy nhà cầm quyền Việt Nam trả tự do cho Uyên và bạn của cô ấy là Kha".

Phát biểu của ông Baer, người dẫn đầu phái đoàn Hoa Kỳ sang Hà Nội đối thoại nhân quyền hôm 12/4 vừa qua, được đưa ra trước yêu cầu của Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ, dân biểu Ed Royce, đòi hỏi chính phủ của Tổng thống Barack Obama phải làm sao để chứng tỏ rằng các cuộc đối thoại nhân quyền hằng năm với Việt Nam mang lại những tiến bộ hay kết quả cụ thể.

Ông Ed Royce nhấn mạnh với hai giới chức trong hành pháp Hoa Kỳ tham gia buổi điều trần gồm Phó Trợ lý Ngoại trưởng Daniel Baer và Quyền Trợ lý Ngoại trưởng đặc trách Đông Á-Thái Bình Dương, Joseph Yun, rằng:

"Xin quý vị làm ơn cho thấy ít nhất một ví dụ để chứng tỏ rằng các cuộc đối thoại nhân quyền hiện tại với việt Nam có thể mang lại một số kết quả đúng với ý nghĩa khi nói rằng chúng ta muốn cùng nhau làm việc cho nhân quyền và cho tương lai. Bản án của Phương Uyên và Nguyên Kha là điểm quan trọng để nhà cầm quyền Hà Nội bắt đầu trong tiến trình đó".

Chủ tịch Ủy ban Đối Ngoại Hạ viện Mỹ nói Hoa Kỳ không thể không hành động hay không lên tiếng trước các vi phạm trầm trọng hàng loạt của Việt Nam khi mà chỉ trong 6 tuần lễ đầu năm nay Hà Nội đã tống giam hơn 40 các nhà bất đồng chính kiến như Uyên và Kha.

Ông Royce nói áp lực Việt Nam phóng thích Uyên và Kha hay những nhà hoạt động tương tự khác không phải là một đòi hỏi quá đáng vì cái "tội" mà họ bị trừng phạt chỉ là thực thi nhân quyền, bày tỏ quan điểm ôn hòa của công dân, vốn là những điều mà Việt Nam đã tự nguyện cam kết tôn trọng với quốc tế.

Theo dân biểu Royce, không có gì có thể biện minh được cho hành vi bắt bớ, đánh đập, giam cầm của chính phủ Việt Nam đối với Phương Uyên và Nguyên Kha để trả đũa cho việc họ đã rải truyền đơn kêu gọi bảo vệ chủ quyền lãnh thổ.

Vẫn theo lời Chủ tịch Ed Royce, Hoa Kỳ cần phải dùng đòn bẩy đang có để kiểm tra các vi phạm nhân quyền của Việt Nam, để chứng tỏ hành động của Mỹ đi đôi với lời nói trong lĩnh vực cổ xúy và bênh vực nhân quyền toàn cầu.

Dân biểu Gerry Connolly thuộc đảng Dân chủ khuyến cáo rằng lập pháp, tức Quốc hội, có thể khước từ đề nghị của hành pháp liên quan đến Hiệp định thương mại xuyên Thái Bình Dương TPP với Việt Nam nếu thành tích nhân quyền của Hà Nội không được cải thiện.

Trường hợp của Uyên và Kha cũng được đại sứ Liên hiệp Châu Âu tại Việt Nam nêu lên khi bày tỏ quan ngại về tình trạng bắt bớ, bỏ tù các nhà bất đồng chính kiến và các blogger tại Việt Nam. 

Tại một cuộc gặp với giới hữu trách Việt Nam hôm 24/5, đại sứ EU, Franz Jessen, đã kêu gọi Hà Nội ngay lập tức xem lại các bản án nặng nề dành cho các nhà hoạt động như Phương Uyên, Nguyên Kha, và các thanh niên Công giáo thuộc Dòng Chúa Cứu Thế. Đại sứ Liên hiệp Châu Âu cũng đã phản đối việc chính quyền Việt Nam từ chối yêu cầu của EU muốn được tham dự các phiên xử ấy.

Phiên toà của Phương Uyên và Nguyên Kha là một hiện tượng và biểu tượng của tinh thần phản kháng dứt khoát, trực diện và ngoại lệ. Vì rằng, từ trước đến nay, trong tất cả các phiên toà xét xử những nhà bất đồng chính kiến, những nhà tranh đấu dân chủ và nhân quyền, chưa hề có một ai can đảm thừa nhận chống lại Đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCSVN). Thông thường, mức độ của các trường hợp trước đó chỉ dừng lại ở sự xác nhận cách thức biểu hiện ôn hoà các chính kiến, phê phán các chính sách của nhà nước, nhưng chống lại ĐCSVN thì không.

Phương Uyên và Uyên Kha đã chứng tỏ thái độ rất bản lĩnh, một sự trưởng thành về nhận thức ở cái tuổi còn rất trẻ. Hai em chẳng hề bị ai "giật dây", "kích động" hay "xúi dục".

Ngay cả chuyện cờ vàng cũng không phải là cái cớ để toà án kết tội, vì theo Phương Uyên, đuợc học tập lịch sử nước nhà, cờ vàng ba sọc đỏ tồn tại từ năm 1890, từ thời Nhà Nguyễn, mang truyền thống và sắc thái quốc gia Việt Nam. Lá cờ, tự dưng nó không phải là sự chống đối nhà nước Việt Nam mà là một cách quảng bá tinh thần quốc gia của dân tộc Việt.

Khẩu hiệu mà Phương Uyên phát tán có nội dung: "Vì danh dự dân tộc, chống giặc Tầu . Vì tương lai đất nước, chống tham nhũng".

Chống ĐCSVN tức là chống lại sự lãnh đạo và chính sách của ĐCSVN, một đảng thời nay chỉ biết ăn mày quá khứ, đã biến chất, phản bội lại lợi ích của người lao động, dung dưỡng, bao che tham nhũng, rút ruột công trình ở mọi cấp độ, lớn nhỏ từ trên xuống dưới.

Những điều mà toà án căn cứ để buộc tội Phương Uyên và Uyên Kha không đủ cơ sở pháp lý cho nên quan toà đã tỏ ra lúng túng và vội vã kết thúc.

Tại phiên phúc thẩm cô bé Phương Uyên muốn làm sáng tỏ, mặc dù em chấp nhận mức án đã được tính trước.

Mọi thái độ và việc làm ảnh hưởng xấu tới mối quan hệ với Trung Quốc đều phải bị trừng trị. Đó là chủ trương xuyên suốt của tập đoàn lãnh đạo Hà Nội.

Cho nên, tôi không tin ở tác động của áp lực dư luận quốc tế. Có chăng, những người bị giam cầm đôi khi là con bài mặc cả cho một sự cần thiết nào đó, như trong trường hợp hiện nay, Việt Nam làm ứng viên vào Uỷ ban Nhân quyền Liên Hiệp quốc trong năm 2014 và mong muốn tham gia Hiệp định thương mại xuyên Thái Bình Dương TTP. Trong bối cảnh này, có một hy vọng mỏng manh.

Mức án sơ thẩm tại phiên toà phúc thẩm có thể không thay đổi, mặc dù quá nặng nề và bất công. Những gì các em đã làm chỉ là biểu hiện của lòng yêu nước, chống ngoại xâm và chống nội xâm: tham nhũng.

Các em xứng đáng là những chiến sĩ tiên phong, tạo một tiền lệ đáng ngưỡng mộ. Tù đày sẽ không làm các em giảm ý chí mà ngược lại, sẽ qua đi nhanh chóng, cuộc đời còn trải rộng trước mặt các em.

© 2013 Lê Diễn Đức - RFA Blog

BLOG NGƯỜI BUÔN GIÓ
Thứ hai, ngày 17 tháng sáu năm 2013

Bà Mẹ Hai Đứa Con

Lời bài hát Bà Mẹ Hai Con

Chuyện bà mẹ hai đứa con. Một thằng dâng cho nước non. Đêm đêm mắt mẹ mỏi mòn, khuya sớm ra vào mong con. Thằng Hai đi lính đã lâu, tình mẹ luôn ghi khắc sâu. Hai mươi lính được lĩnh tiền, tháng tháng viết thư mẹ liền: 

" Con xin kính thăm Mẹ hiền. " Con phương này bình yên. "Lương đi lính nên không giàu, chút ít Mẹ ăn trầu". 

Thằng Ba đọc thư rất hay, trường làng học qua lớp hai. Rung rinh tóc mẹ ngã màu, nước mắt thấm qua miếng trầu. 

Lời 2 : 

Một chiều u ám lá hoa, mẹ già đi dâng lễ xa. Cơ quan đến nhà bảo rằng : "Anh ấy vĩnh biệt đêm qua". Thằng Ba năm nay lớn khôn, sợ mẹ sầu đau khổ hơn. Hai mươi lính được lĩnh tiền, nó nhái lá thư anh liền: 

" Con xin kính thăm Mẹ hiền." Con phương này bình yên. "Lương con để lo dâu hiền nên không gởi Mẹ tiền". 

Mẹ già cười rung nếp nhăn, rằng thằng Hai nay rất ngoan. Ham dâu sá gì miếng trầu, nước mắt khóc vui lần đầu.


.........................................................

40 tuổi, ở lứa tuổi mạnh mẽ nhất của người đàn ông, coi thường mọi thứ mà nhiều người khác sợ. Nhưng đôi khi tôi vẫn cố kìm nước mắt khi nghe những bài hát dạng như thế này. Những bài hát về tình mẹ con, cha con là những bài hát khiến tôi khó kìm được cảm xúc trong lòng mình. Năm tôi đi tù, chị tôi kể mẹ buồn lắm, suốt ngày ngồi tụng kinh gõ mõ chả thiết ăn uống gì. Tôi cầm bút viết bài thơ gửi về cho mẹ, có đoạn.

''...Thời gian ơi hay đi như giấc mơ.
Cho thơ con viết thôi đượm buồn thương nhớ
Và hôm nao hạn đời con qua hết
Ơ mẹ kìa
Tượng Phật
Sáng hào quang.''

Rồi hạn đời lần đó qua, hạn đời lại đến mười mấy năm sau này. Tôi đã nhiều tuổi, không còn cảm xúc để làm thơ như lúc mái tóc còn dày và đen thẫm, tôi kể lại ngày về bẵng những câu văn bình thường mà đứa trẻ nào cũng có thể viết được.


''...Tôi cầm tờ giấy hủy bỏ biện pháp ngăn chặn bước qua những cánh cổng nhà tù. Người công an gác cổng đứng tuổi, mái tóc hoa râm trông phúc hậu cầm tờ giấy vào nhập sổ rồi mở cửa cho tôi ra. Ông nói thân tình.

- Về mà lo làm ăn nhé.

Tôi bước ra cánh cổng sắt, người xe đi lại. Tôi nhìn một lát định hướng rồi đi về phía bên tay trái. Đi bộ giữa dòng người tan tầm đang hối hả về nhà. Tôi về nhà mẹ..

Mẹ tôi bắc ghế ngồi ngoài cửa, nét mặt ngẩn ngơ dười dượi, bà nhìn vào luồng người đi lại ngoài đường mà như chả nhìn cái gì. Tôi đi từ trước mắt bà, trong tầm nhìn của mẹ, đến gần mà mẹ tôi cứ nhìn như thế, cái nhìn có hướng mà như đâu đâu. Tôi đến cửa gọi nhẹ

- Mẹ à, con đây.

Mẹ tôi như người đang mộng chợt tỉnh, mẹ cuống quýt, lập cập đứng dậy  đi vào nhà theo tôi. Giọng mẹ lắp bắp, tay mẹ sờ vào tôi, như không tin tôi đang trước mặt bà.

- Con sao, con sao rồi?

Tôi cười nói.

- Mẹ buồn cười thế, con đang ở nhà khỏe mạnh đây, lại cứ hỏi con sao là sao thế nào.

Tôi kể tôi vừa từ trại giam về đến thẳng đây, được về vì tội không có gì phải xét xử cả. Chỉ ngăn chặn, giáo dục thế thôi. Mẹ tôi luống cuống mở kim băng cài túi áo cánh nâu nói đứt đoạn trong dòng nước mắt.

- Con cầm lấy mấy đồng mà tiêu. Người ta bảo hôm nay con không về thì sẽ còn lâu mới về, mẹ từ sáng đến giờ cứ ngồi ngoài cửa đợi xem con có về không?

Tôi giữ tay mẹ, nói vẫn còn tiền trại giam cho đi đường về nhà đây. Mẹ bảo tôi về nhà luôn cho Tí Hơn mừng. Tôi chào mẹ để đi về nhà mình nơi có Tí Hớn đang chờ bố. Ngoái lại mẹ vẫn đứng trân trân nhìn theo...''

Bài hát tôi nghe chiều nay, lúc bơ vơ đất khách, xa quê hương hàng ngàn dặm. Khi mà những cánh én từ phương Nam chao chác liệng trên bầu trời ấm áp. Ở đây không ai bắt tôi đi tù vì tội viết những điều của nỗi lòng mình. Lần xa nhà này, mẹ tôi chắc không phải ngồi chờ tôi trước cửa mỗi chiều tối, không phải tụng kinh giải hạn hàng sớm tinh mơ lúc mặt trời chưa tỏ.

 Tôi nghĩ về một bà mẹ gầy gò, hốc hác và lam lũ quê mùa ở một tỉnh lẻ miền nam. Bà mẹ có hai đứa con lần lượt phải vào tù vì bày tỏ nỗi lòng của mình, tình yêu của mình với quê hương với dân tộc. Nếu trong lời bài hát kể về đứa con sau này lừa dối chuyện đứa thứ nhất để mẹ được an lòng. Thì hiện thực hôm nay ở Long An,  người anh Đinh Nhật Uy cũng đang an ủi mẹ mình, khi em trai Đinh Nguyên Kha bị nhà cầm quyền bắt tù 10 năm khổ sai. Nhưng Uy không an ủi mẹ bằng cách sửa lời thư như trong bài hát, mà Uy hành động để khẳng định rằng con đường em mình đi là con đường chính nghĩa, đúng với lương tâm con người.

Thế rồi một chiều bà mẹ của Uy đi vắng, công an đến nhà bắt nốt người con trai còn lại của bà.

Một chiều u ám lá hoa trên quê hương, không. Không phải chỉ một chiều như vậy, không phải chỉ một bà mẹ như vậy.? Dọc trên mảnh đất hình chữ S ngày nay có vô số bà mẹ ngóng con mỗi chiều từ phía trại tù. Có bà mẹ vĩnh viễn không bao giờ nhìn thấy con như mẹ của Lê Văn Sơn, Tạ Phong Tần.

Nhưng bà mẹ Nguyễn Thị Kim Liên nỗi xót xa đến dồn dập trong một thời ngắn quá, ngắn đến bàng hoàng như cơn lũ quét.

Nỗi đau nhức nhối về thằng em lãnh án tù khổ sai nhiều năm, lúc tuổi còn thơ dại còn đang cồn cào cuộn sóng trong lòng, tiếp đến thằng anh nó bị người ta bắt đi. Nỗi đau của bà mẹ đơn độc nơi miền quê ấy chắc khó bút nào kể cho hết.

Chẳng biết chia sẻ với bà Liên lúc này. Muốn gửi lời mong ước tốt lành đến cho bà, nhưng nó chẳng có nghĩa gì với bà, vì nỗi đau của bà quá lớn. Nỗi đau lớn như nước hồ mênh mông, lời ước mong chỉ như cái chén con múc bao giờ mới vợi. 

Cho tôi được cúi đầu cảm tạ bà đã sinh ra cho đất nước hai vị anh hùng.

BBC. Xu hướng đàn áp bất đồng ở VN

Nguồn BBC

 Cập nhật: 15:36 GMT - thứ bảy, 22 tháng 6, 2013

Các nhà bất đồng chính kiến

Không chỉ những người biểu tình chống Trung Quốc mới bị bắt

Các tổ chức nhân quyền cho rằng Việt Nam thời gian gần đây đang gia tăng đàn áp xu hướng bất đồng với Đảng Cộng sản trong dân chúng.

Hôm 20/6, đại diện của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (Human Rights Watch) có trụ sở ở Hoa Kỳ lên tiếng về các vụ bắt giữ blogger.

"Các đợt bắt bớ và tấn công blogger mới nhất cho hấy chính quyền sợ hãi thế nào trước các cuộc thảo luận mở về dân chủ và nhân quyền," Giám đốc khu vực Á châu của HRW, Brad Adams, nói trong một thông cáo phản ứng về vụ chính quyền bắt giữ ông Trương Duy Nhất và ông Phạm Viết Đào.

Trong khi đó, một luật sư đối kháng ở Hà Nội cho rằng chính quyền đang tiến hành các vụ bắt bớ, trấn áp theo hình thức 'chiến dịch' tiến hành thường niên.

Trao đổi với BBC hôm 22/6/2013, ông Nguyễn Văn Đài cho rằng các vụ bắt bớ gần đây chưa có dấu hiệu chấm dứt và còn hàm chứa những yếu tố khó lường.

Ông nói: "Mỗi một năm có một chiến dịch và bao giờ họ cũng có sự chuẩn bị và tính toán rất cụ thể với những đối tượng khác nhau.

"Tôi cho rằng việc bắt bớ như vậy vẫn chưa hoàn toàn chấm dứt, và nó chỉ chấm dứt trong đợt này thôi.

"Mình chưa biết được những gì sẽ xảy ra trong tương lai," ông nói.

'Đổ keo vào khóa cửa'

"Không biết chính quyền họ đã biết trước như thế nào đó, nên họ đã đổ keo vào trong khóa cổng của nhà anh Phạm Hồng Sơn, và anh không thể mở cửa ra để đón tiếp ông bên Tòa Đại sứ Hoa Kỳ được"

Luật sư Nguyễn Văn Đài

Lấy ví dụ về việc các bất đồng chính kiến ở Việt Nam đang bị sách nhiễu ra sao, ông Đài phản ánh việc hôm thứ Sáu, 21/6, bác sỹ Phạm Hồng Sơn, một nhà vận động cho tự do, nhân quyền được nhiều người biết, đã bị ngăn cản "thô bạo" không cho tiếp khách thuộc một đoàn ngoại giao ở Hà Nội tới thăm.

Ông Đài nói: "Rõ ràng người hoạt động bất đồng chính kiến ở trong chính quốc gia của mình đấu tranh, đòi hỏi quyền lợi, dân chủ thì bao giờ cũng khó khăn hơn rất nhiều

"Sáng hôm 21/6, bác sỹ Phạm Hồng Sơn có cuộc hẹn với ông tùy viên chính trị của Đại sứ quán Hoa Kỳ,

"Không biết chính quyền họ đã biết trước như thế nào đó, nên họ đã đổ keo vào trong khóa cổng của nhà anh Phạm Hồng Sơn, và anh không thể mở cửa ra để đón tiếp ông bên Tòa Đại sứ Hoa Kỳ được.

"Trong khi đó, ông nhân viên của Tòa Đại sứ đến cũng bị ngăn chặn từ cổng," ông Đài nói với BBC từ nhà riêng ở Hà Nội.

Ông Phạm Hồng Sơn cũng xác nhận với BBC về việc này.

Đây là lần thứ hai trong thời gian gần đây, bác sỹ Sơn bị ngăn cản tiếp xúc với đoàn ngoại giao Hoa Kỳ tại Hà Nội.

Hôm 12/4, cả ông và luật sư Đài đã bị ngăn cản tiếp xúc với các đại biểu Hoa Kỳ tham dự cuộc đối thoại nhân quyền thường niên song phương lần thứ 17.

Khi đó, tin tức nói ông Sơn bị cưỡng bức lên một xe hơi của chính quyền và câu lưu trong nhiều tiếng đồng hồ, trong khi xe của phái đoàn ngoại giao Mỹ dự kiến đưa hai nhà bất đồng tới khách sạn Metropole đã bị ngăn cản tiếp cận nhà riêng của hai ông.

'Khuynh hướng đàn áp'

Luật sư Đài cho hay, ông quan sát thấy có những kế hoạch với mục tiêu rõ ràng qua các đợt bắt giữ, trấn áp giới bất đồng chính kiến, mà ông gọi là những chiến dịch.

Ông nói: "Từ năm 2006 trở lại đây, mỗi một chiến dịch bắt bớ những người hoạt động dân chủ hay các blogger, họ đều hay nhắm đến các đối tượng với một phạm vi nhất định và song một đợt này thì họ lại chuẩn bị tiếp cho những chiến dịch tiếp theo.

"Mở đầu năm 2006 là chiến dịch bắt anh Phạm Bá Hải, những thành viên của Đảng Dân chủ Nhân dân, đầu năm 2007 họ bắt những luật sư như chúng tôi,

"Rồi năm 2008, họ bắt những người hoạt động như nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa, rồi 2009 là những người của Đảng Dân chủ của nhóm của anh Lê Công Định, rồi năm 2010 thì rất nhiều những nhóm khác."

Bình luận về khuynh hướng trấn áp với giới bất đồng chính kiến, mới đây Giáo sư Carl Thayer từ Úc cho rằng Việt Nam vừa muốn xuống thang với Trung Quốc để giảm căng thẳng biển đảo, vừa muốn tỏ ra cứng rắn với phương Tây.

Ông nói: "Trong năm nay, Việt Nam đã bắt giữ tới 46 blogger, và con số này rõ ràng cao hơn so với năm trước. Điều này xảy ra, mặc dù đã có những áp lực từ phía Hoa Kỳ, hay Liên minh Châu Âu (EU)."

Nhà quan sát chính trị Việt Nam từ Úc cho rằng Việt Nam đang sử dụng các vụ bắt giữ trấn áp nhằm giải quyết một số quan hệ đối ngoại với láng giềng Trung Quốc và cân bằng các quan hệ khác với một số cường quốc trong khu vực.

"Người ta chỉ có thể kết luận rằng vì chuyến đi của Chủ tịch Trương Tấn Sang thăm Trung Quốc, Việt Nam tỏ ra cứng rắn trước các khuynh hướng đấu tranh đòi cải tổ ôn hòa và cố gắng xích lại với Trung Quốc, sử dụng cả những tiếp cận mà họ có chung về ý thức hệ chính trị."

'Lên tiếng phản đối'

"Các đợt bắt bớ và tấn công blogger mới nhất cho hấy chính quyền sợ hãi thế nào trước các cuộc thảo luận mở về dân chủ và nhân quyền"

Giám đốc khu vực châu Á của HRW, Brad Adams

Một đại diện Tổ chức Phóng viên Không biên giới (RSF) từ Paris nói với BBC rằng việc Việt Nam tăng cường đàn áp giới bất đồng và các blogger chỉ càng làm cho việc chống đối trở nên lan rộng chắc chắn gây hại cho uy tín của chính quyền trên trường quốc tế.

Giám đốc phụ trách khu vực Châu Á - Thái Bình Dương của RSF, Benjamin Ismail, nói: "Các vụ và khuynh hướng bắt bớ các blogger, đàn áp các nhà vận động dân chủ, nhân quyền ôn hòa chỉ càng làm gia tăng thêm sự phản kháng trong nước, làm xấu đi thành tích nhân quyền đã xấu của Việt Nam."

Đại diện RSF nói thêm: "Các vụ bắt giữ để lại hậu quả lâu dài và có thể dẫn Việt Nam tới tình trạng khó kiểm soát được các xung đột, mâu thuẫn nội bộ, mà các sự kiện mùa Xuân Ả Rập là các ví dụ điển hình.

"Việt Nam không cá biệt trong việc trấn áp các tiếng nói vì dân chủ, nhân quyền, Trung Quốc và một số thể chế độc tài đều áp dụng cùng phương cách, nhưng không ai có thể ngăn chặn hết được các tiếng nói dân chủ trong thời đại toàn cầu hóa thông tin. Bắt giữ và trấn áp chỉ có hại, hơn là có lợi," ông Ismail nói.

Trong bối cảnh hiện nay, dường như áp lực của các nước phương Tây không có tác động nào, theo chuyên gia Carl Thayer.

"Tôi thấy rằng khuynh hướng này sẽ tiếp tục. Tôi không thấy bất kỳ cường quốc nào ở bên ngoài có thể có khả năng tác động đến các diễn biến nội bộ này của Việt Nam," ông Carl Thayer nói.

Thứ Sáu, 21 tháng 6, 2013

Đoan Trang : Tự do báo chí kiểu Việt Nam (kỳ 2)

Nguồn trangridiculous

Bản tiếng Anh ở phía dưới. Scroll down for the English translation. 

Như đã nói trong bài trước, "hơn ai hết, Đảng – mà đại diện ở đây là bộ máy tuyên giáo và an ninh – ý thức được sức mạnh của sự bí mật. Công khai, minh bạch là tự làm mất mặt mình, tự giết mình". Chính vì vậy, để bảo vệ chế độ, điều tối quan trọng là phải bảo đảm… bí mật, từ bí mật công tác đến an ninh quốc gia. Để làm được điều đó, nguyên tắc căn bản chỉ là "làm tốt công tác tư tưởng" và quản lý báo chí thật chặt chẽ, sát sao.  

Nhưng đến khi Internet và nhất là mạng xã hội xuất hiện, thì nhiệm vụ trở nên khó khăn hơn. Từ đây, bộ máy tuyên giáo và an ninh vừa phải quản lý báo chí chính thống, vừa phải kiểm soát truyền thông "phi chính thống", tức thế giới mạng. 

Duy trì chế độ thẻ nhà báo

Một phương thức tinh vi để kiểm soát báo chí dưới mỹ từ "quản lý" là sử dụng chế độ thẻ nhà báo. Sáng kiến này được áp dụng đã từ lâu, tới năm 2007 thì được luật hoá trong một thông tin gọi là Thông tư số 07/2007/TT-BVHTT hướng dẫn cấp, đổi và thu hồi thẻ nhà báo, Bộ Văn hóa - Thông tin, ngày 20/3/2007. Theo đó, người được xét cấp thẻ nhà báo phải bảo đảm các điều kiện và tiêu chuẩn sau đây:

a) Tốt nghiệp đại học; trường hợp là người dân tộc thiểu số đang công tác tại cơ quan báo chí miền núi hoặc chương trình phát thanh, truyền hình tiếng dân tộc thiểu số phải có bằng tốt nghiệp trung học phổ thông trở lên;

b) Có thời gian công tác liên tục theo chế độ biên chế hoặc hợp đồng dài hạn tại cơ quan báo chí đề nghị cấp Thẻ từ ba năm trở lên, tính đến thời điểm xét cấp thẻ;

c) Hoàn thành nhiệm vụ chuyên môn, nghiệp vụ của cơ quan báo chí phân công;

d) Không vi phạm quy định về phẩm chất, đạo đức nghề nghiệp báo chí; không bị xử lý kỷ luật từ khiển trách trở lên trong thời hạn 12 tháng tính đến thời điểm xét cấp thẻ;

e) Ðược cơ quan báo chí, cơ quan chủ quản báo chí, Sở Văn hóa - Thông tin (đối với báo chí các tỉnh, thành phố) và Hội Nhà báo cùng cấp thống nhất đề nghị cấp thẻ nhà báo.

Các điều kiện trên (trừ khoản a) đều khó thực hiện trong thực tế. Xét bản chất, nghề báo là nghề có tính lưu động cao, các phóng viên "nhảy việc" gần như liên tục, khó mà có người "công tác liên tục theo chế độ biên chế hoặc hợp đồng dài hạn (…) từ ba năm trở lên". Cho nên khoản b là khó đáp ứng. Các khoản còn lại thì đương nhiên chỉ nhằm khuyến khích các phóng viên biết chấp hành, chịu khó tuân theo chủ trương, định hướng của Đảng và Nhà nước; không có chỗ cho những phóng viên sáng tạo, nhiệt huyết, có tinh thần phản biện và luôn luôn sẵn sàng "xé rào", chống lại định hướng của Đảng. (Xin lưu ý, đạo đức nghề nghiệp báo chí, theo quy định về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam, đưa ra tại Đại hội VIII Hội Nhà báo là: "Tuyệt đối trung thành với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam".)

Riêng khoản e, "Được cơ quan báo chí, cơ quan chủ quản báo chí, Sở Văn hóa - Thông tin (đối với báo chí các tỉnh, thành phố) và Hội Nhà báo cùng cấp thống nhất đề nghị cấp thẻ nhà báo"  còn cho thấy sự nhập nhằng giữa khu vực nhà nước và khu vực xã hội dân sự. Báo chí về bản chất là một khái niệm thuộc về xã hội, và cơ quan báo chí không phải là cơ quan thực thi công vụ. Nhà nước không thể đứng ra cấp thẻ nhà báo để định danh cho người tiến hành hoạt động nghề nghiệp này; nói cách khác, Nhà nước không được lấn sân, chiếm lấy một lĩnh vực không phải của mình. Nhưng Nhà nước lại cứ giành lấy quyền ấy, thậm chí còn cẩn thận quy định rõ trong luật, rằng báo chí có nhiệm vụ "tuyên truyền, phổ biến đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, thành tựu văn hoá, khoa học, kỹ thuật trong nước và thế giới theo tôn chỉ, mục đích của cơ quan báo chí…".

Chính điều này dẫn đến việc nhiều nhà báo buộc phải "chấp nhận sự định hướng của một lực lượng mà năng lực truyền thông hẳn nhiên là thua xa họ" ("Giọt nước mắt củalề phải").

"Nhà báo tự do" = phản động

Nhiều người thường nói rằng thẻ nhà báo chỉ là một cái thẻ, không quan trọng. Nhưng trên thực tế, nó rất quan trọng, vì trong luật pháp cũng như trong nhận thức của xã hội, nhà báo phải là người "đang hoạt động hoặc công tác thường xuyên với một cơ quan báo chí Việt Nam và được cấp thẻ nhà báo" (Điều 14 Luật Báo chí). 

Người chưa/không được cấp thẻ thì không được công nhận là nhà báo. Từ đây dẫn đến việc họ đương nhiên bị gạt ra khỏi bất kỳ sự kiện nào mà ban tổ chức, cơ quan an ninh, chính quyền… không muốn bị báo chí biết. Ở rất nhiều hội thảo, hội nghị, sự kiện chính trị - xã hội, ban tổ chức luôn đặt điều kiện "phải có thẻ nhà báo" mới gửi giấy mời. Bằng cách này, ban tổ chức đã loại ra ngoài đông đảo phóng viên, là những người hoạt động báo chí y hệt như nhà báo nhưng không được cấp thẻ.

Công an, an ninh, hơn ai hết, là những người được quán triệt chặt chẽ rằng phải có thẻ do Nhà nước cấp mới được gọi là nhà báo, điều này đồng nghĩa với việc tất cả những người đang hoạt động báo chí mà không có thẻ thì đều là "phóng viên tự do", "tự xưng/ mạo nhận", và đều có thể bị ngăn chặn triệt để, không được phép tiếp cận thông tin. Ngày 30/10/2012, khi phóng viên Truyền thông Dòng Chúa Cứu Thế Việt Nam, Huyền Trang, bị công an đưa về đồn thẩm vấn, cô nói cô là phóng viên. Nhân viên công an liền quát: "Ai công nhận chúng mày là nhà báo hả? Thẻ tác nghiệp của chúng mày đâu? Một lũ ăn không ngồi rồi, rồi rủ nhau phản động hả?".

Riêng trong hai năm 2011 và 2012, trên cả nước đã xảy ra hàng chục vụ phóng viên bị đánh. Thủ phạm là lưu manh côn đồ, bảo vệ, vệ sĩ, công an, và cả dân thường. Nhưng trong tư duy của chính quyền, nạn nhân nếu chưa có thẻ thì không phải là nhà báo, do vậy sự việc không nghiêm trọng tương đương với "hành hung nhà báo."

Với blogger, tình hình còn tệ hại hơn: Họ không những không được pháp luật bảo vệ mà ngược lại, còn bị xử lý. Điếu Cày, Tạ Phong Tần, và tất cả các thành viên của Câu lạc bộ Nhà báo Tự do đều "không phải là nhà báo", nên bị cơ quan công an, an ninh xua đuổi, đàn áp thẳng tay khi họ có mặt tại các điểm nóng để đưa tin, dù chỉ là lên blog của họ. 

Một mặt, Đảng và Nhà nước xiết chặt việc "nắm tư tưởng", "định hướng" báo chí chính thống. Mặt khác, Đảng và Nhà nước nhất định không công nhận blogger là nhà báo. 

Làng báo chính thống và blog chính trị ở Việt Nam đều biết đến Trương Duy Nhất, người từng bỏ nghề báo để trở thành blogger, chủ trang mạng "Một góc nhìn khác". Sau khi ông Nhất bị bắt ngày 26/5/2013, nhà báo Đức Hiển (Facebooker Bố Cu Hưng) bình luận trên Facebook cá nhân rằng "vấn đề của một nhà báo là phải có thông tin. Khi thiếu khả năng hoặc cơ hội tiếp cận thông tin thì góc nhìn nếu khác là chửi đổng mà nếu giống là a dua…".

Cộng đồng FB và blog chính trị rộ lên một đợt chỉ trích nhà báo Đức Hiển. Tuy nhiên, nhìn từ góc độ của chính quyền thì ông Đức Hiển nói đúng. Khả năng và cơ hội tiếp cận thông tin chính là cái khác biệt giữa nhà báo và blogger, giữa nhà báo chính thống và nhà báo tự do. Blogger không thể nào có mặt ở các sự kiện chính trị-xã hội quan trọng do Nhà nước tổ chức, không thể nào tham dự hội thảo, hội nghị quốc gia, quốc tế, không thể nào tiếp cận quan chức cấp cao của Đảng và Nhà nước. Và chính quyền ý thức được rằng phải khoét sâu vào điểm yếu ấy của blogger thì mới giữ nền báo chí công dân ở thế yếu hơn báo chí cách mạng được. Song song với đó là việc tạo cuộc chiến vô hình "lề phải – lề trái" để ngăn chặn mọi sự hợp tác, bắt tay nhau giữa nhà báo quốc doanh và nhà dân báo.

Thay cho lời kết

Để kết thúc hai bài viết sơ lược về tự do báo chí kiểu Việt Nam, xin sử dụng một đoạn hội thoại – thẩm vấn điển hình cho tư duy của chính quyền về báo chí và hoạt động của nhà báo trong chế độ xã hội chủ nghĩa:

AN: Anh Y. ạ, hiện chúng tôi đang làm rõ động cơ, mục đích đằng sau một số bài viết trên blog của anh.

Blogger: Tôi phản đối việc bắt giữ tuỳ tiện. Như tôi đã nói, các bài viết của tôi chỉ có mục đích xây dựng, đóng góp cho Đảng một ý kiến phản biện ôn hoà.

AN: Không ai cấm anh phản biện, đóng góp ý kiến xây dựng Đảng. Nhưng anh có thể chọn những cách khác, hiệu quả hơn.

Blogger: Tôi không đồng ý. Thế nào là hiệu quả hơn? Tôi là blogger, tôi nói lên ý kiến của mình qua công cụ blog của tôi thì sao? 

AN (cười độ lượng): Đấy, anh lại thế rồi. Tôi đã nói rồi, không ai cấm anh phản biện, đóng góp ý kiến xây dựng cả. Nhưng mình là trí thức, là người có ăn có học, nói gì thì nói, phải có cơ sở anh ạ, phải có lý có lẽ, có thông tin, thuyết phục, chứ không phải thích gì nói nấy. Cứ thích thì nói nấy thì anh thành ra mấy cái đứa blogger phản động trên mạng à? 

 Blogger: Tôi là nhà báo. Tôi có cách tiếp cận và xử lý thông tin của tôi.

AN (nhấn mạnh): Anh không phải nhà báo. Anh làm gì có thẻ tác nghiệp, hả? Nhà báo tự do à? Điếu Cày à?

Blogger: Nhà báo thì sao mà không là nhà báo thì sao? Không lẽ chỉ nhà báo mới được viết? Mà luật nào cấm blogger được viết? Hiến pháp của chúng ta cũng đã quy định…

AN (ngắt lời): Khổ. Anh lại cực đoan rồi, anh Y. Tôi đã nói rất rõ là nói gì thì nói, viết gì thì viết, phải có thông tin xác thực, lập luận thuyết phục trên cơ sở xây dựng anh ạ. Anh xưng anh là nhà báo thì lại càng phải thế, phải có trách nhiệm với những gì mình viết chứ. Anh xem lại các bài viết của mình mà xem, toàn là những bài hết sức cực đoan, phiến diện vì thiếu thông tin.

Blogger: Thế anh nói "có những cách hiệu quả hơn để đóng góp ý kiến" là những cách gì?

AN: Nếu thực sự anh có tinh thần xây dựng, muốn đóng góp ý kiến xây dựng Đảng thì anh sẽ tìm ra cách. Thiếu gì cách. Ví dụ – đây là tôi lấy ví dụ thôi nhé – anh có thể gửi thư riêng đến các đồng chí lãnh đạo cao cấp. Chứ ai lại đi đưa lên blog công cộng như thế cho mấy đứa trên mạng nó đọc, rồi nó lợi dụng, nó bàn ra tán vào này nọ. Mình thấy nó hưởng ứng mình, mình tưởng thế là hay, chứ thực ra bọn nó chỉ lợi dụng mình thôi. Anh xem đấy, đến lúc anh bị bắt thì đứa nào giúp anh? Từ giờ phút này là chỉ có anh mới cứu được anh thôi, anh Y…

A police state: Police standing outside the trial of legal activist Cu Huy Ha Vu, 2011. 
(source unknown)

* * *

THE VIETNAMESE STYLE OF MEDIA CONTROL (PART 2)

As written in the first part, "more than anyone else, the Communist Party – herein represented by the propagandists and public security machinery – is aware of the power of secrecy. Transparency only means self-defamation and suicide." Therefore it is crucial to ensure secrecy in a variety of areas, ranging from work secret to national security. This can be done via the implementation of a basic principle, that is "to do good in propaganda of the communist ideology" and to keep the press under tight surveillance.

With the advent of the Internet and especially social media networks, however, the task becomes more difficult. Given such context, the propaganda and public security machinery must deal with controlling official media and, at the same time, suppressing the unofficial one, ie. the Internet media.

Press cards

A subtle measure taken by the Party to control the media in the name of "media management" is to maintain the so-called "press card" (not press badges which are issued to journalists covering a specific event). A Vietnamese press card is granted by the Ministry of Information and Communication to a reporter only when he/she meets a set of requirements imposed by a circular titled 07/2007/TT-BVHTT, including "not to be rebuked in the previous 12 months" and "to be recommended by the media agency, the line ministry, the Department of Culture and Information and the Association of the Press." All the requirements are hard to meet, especially for reporters who tend to criticize the Party.

In particular, the requirement that the reporter must be "recommended by the media agency, the line ministry, the Department of Culture and Information and the Association of the Press" manifests the vague boundary between the state sector and civil society. The press per se is part of the realm of civil society, and the media agency is not an agency performing official duties. 

Accordingly, the government is not entitled to grant press cards to identify those who work in media area; in other words, it cannot make invention in an area beyond its jurisdiction. However, the government in reality keeps exercising this authority, even prescribes that "The media operating within the Socialist Republic of Vietnam is the essential means of providing public information in relation to social life; is the mouth piece of Party organizations, State bodies and social organizations, and a forum for the people" (Article 1 on role and function of the media, Vietnam's Law on Media, 1999) and the media must "disseminate, publicize and contribute to the establishment and protection of the strategies and policies of the Party, the laws of the State, and the achievements of the country and the world in accordance with the guiding principles and aims of media organizations; to contribute to political stability" (Article 6 on the responsibilities and rights of the media).

As a result, a great many journalists are subject to the direction of the machinery of government whose capacity of communication is decidedly inferior to them.

"Free journalist" = reactionary element

Some may say press card itself is no more than a card, thus it is of not much significance. However, press cards are very important. A journalist is someone "who is granted a press card" in law as well as in social perception. Those without press cards are not recognized as journalists. Consequently, they will evidently be barred from any event that the organizers, the police, and the authorities, dislike the press to attend. "Press card bearing" is often referred to as one condition for journalists who want to attend state-organized, high level meetings. With this requirement, the organizers succeed in blocking hundreds of reporters and, of course, bloggers.

More than anyone else, the police insist that only those granted with press cards are recognized as journalists and that those without press cards are just "self-proclaimed" reporters or freelance writers who must not be given access to "authorized information". On October 30th 2012, Catholic blogger Huyền Trang was detained and interrogated for nearly one day in a Ho Chi Minh City police station. When she told the police that she worked as a reporter for Redemptorist News, an online Catholic news service, they shouted at her, "Who recognized you? Where is your press card? You all are a band of reactionary parasites!" 

In 2011 and 2012 alone, dozens of journalists reported being harassed or even assaulted by the police, ruffians and even civilians. However, their denunciations and complaints simply went ignored because they were not "journalists performing duties" in the eyes of the authorities.

Being unrecognized may cause much more trouble to bloggers because they do not receive protection. Dieu Cay and Ta Phong Tan, the two members of the Free Journalist Club, were severely persecuted when they came to hot spots to report for their personal blog. Both were given harsh sentences in the end: 12 years of imprisonment for Dieu Cay and 10 years for Ta Phong Tan.

On the one hand, the Party and the state tightly control official media. On the other hand, they keep denying the existence of "citizen journalists".

Both the mainstream media and the blogosphere heard of Truong Duy Nhat, who quit his journalistic career to become a blogger. He is now the owner of the blog "A Different Viewpoint". Following his arrest on May 26, 2013, journalist Duc Hien (aka. Bo Cu Hung) commented on his FB page, "the thing is that a journalist must be able to access information. If he or she lacks the ability or opportunity to access information, his or her different viewpoint will be either insults, or libels, or talking along the same line as someone else…"

Ironically while political bloggers harsly criticized Hien, he was right from the viewpoint of the authorities. The ability and opportunity to access information remain a huge difference between a journalist and a blogger, or a state-recognized journalist and an independent (free) one. There is no way for a blogger to attend major social or political state-organized events and gatherings, international and national conferences, or interview high ranking officials of the Party and the government.  

The authorities are fully aware that they must employ this disadvantage of the bloggers to keep them in the disadvantageous position to the press. At the same time, they deliberately create an invisible war between "right side" and "left side" media to curb any form of cooperation between state-owned and citizen journalists.

J.B Nguyễn Hữu Vinh : Lê Quốc Quân và cuộc truy đuổi vòng quanh

Nguồn rfablog
Thu, 06/20/2013 - 20:50 — nguyenhuuvinh

Lê Quốc Quân lại bị bắt giam

Ngày 27/12/2012, Luật sư Lê Quốc Quân bị bắt. Việc bắt Lê Quốc Quân không phải chuyện lạ. Bởi đây là lần thứ 3 Lê Quốc Quân bị bắt vào nhà giam. Khác với hai lần trước, những lý do bắt bớ Lê Quốc Quân là "tổ chức hoạt động lật đổ chính quyền nhân dân" và "gây rối trật tự công cộng", lần này, lý do bắt là "tội trốn thuế" - một tội danh nghe qua rất "bình thường" ở Việt Nam. Nhưng đối với Lê Quốc Quân, đây là cả một câu chuyện có quá trình dài.

Ngày 7/3/2007, Lê Quốc Quân bị bắt, tận ngày 19/3/2007 mới bị khởi tố theo điều 79 tội "tổ chức hoạt động lật đổ chính quyền nhân dân". Sau 3 tháng, anh được trả tự do với bản tin trên báo chí rằng: "Trong quá trình tạm giam để điều tra, Lê Quốc Quân đã thành khẩn, xin được khoan hồng và có đơn trình bày. Vì vậy sáng 16/6, Lê Quốc Quân đã được cơ quan bảo vệ pháp luật thả về đoàn tụ gia đình" mặc dù đến ngày 25/10/2007, mới có quyết định đình chỉ điều tra bị can. Thực ra, ai cũng biết Lê Quốc Quân đã được thả ra không vì sự nhân đạo quá mức của nhà nước, mà chỉ là vì áp lực mạnh mẽ khi Nguyễn Minh Triết, chủ tịch nước muốn sang thăm Hoa Kỳ.

Ngày 4/4/2011 khi đang đi đến xem phiên tòa công khai xử sơ thẩm Cù Huy Hà Vũ Lê Quốc Quân lại bị bắt cùng với bác sĩ Phạm Hồng Sơn vì tội "gây rối trật tự công cộng". Quá trình bắt giữ vụ này, dưới con mắt chứng kiến của không biết bao nhiêu người dân đi tham dự phiên tòa với video và chứng cứ đầy đủ rằng việc bắt bớ này hoàn toàn tùy tiện và có chủ đích đen tối. Một phong trào ủng hộ những người bị bắt bớ đã dấy lên khắp nơi. Sau 10 ngày giam giữ, Lê Quốc Quân lại được thả ra và kèm theo cái gọi là "Quyết định cảnh cáo". Ngày 27/11/2011. Lê Quốc Quân lại bị nhận "Quyết định cảnh cáo" vì đã dám đi biểu tình ủng hộ Thủ tướng đề nghị có luật biểu tình.

Và điểm nút là ngày 27/12/2012, Lê Quốc Quân bị bắt vì tội trốn thuế, sau khi người em ruột của Quân cũng đã bị bắt giam mấy tháng trước đó để "điều tra".

Như vậy, tội danh "trốn thuế" xem ra hữu hiệu hơn lý do "hai bao cao su đã qua sử dụng" trong vụ Cù Huy Hà Vũ. Và con đường đến trại giam của Lê Quốc Quân khá lòng vòng.

Nhưng cuối cùng, thì Lê Quốc Quân, một người ưa các hoạt động xã hội, quan tâm đến tình hình đất nước, biên giới, hải đảo và là người có nhiều đóng góp công sức cho cộng đồng công giáo cũng đi đến đích được soạn sẵn… nhà tù cộng sản.

"Trốn thuế" hay "hai bao cao su"?

Ở nước ngoài, trốn thuế là một tội danh nặng nề. Còn ở Việt Nam, doanh nghiệp trốn thuế là "chuyện thường ngày ở… khắp nơi". Đến mức độ báo chí nhà nước phải kêu lên là quá nhiều doanh nghiệp trốn thuế. Ngày 3/6/2013 Báo Dân Trí có bản tin: "TP.HCM: Gần 1.300 doanh nghiệp bỏ trốn, "xù" luôn tiền thuế".  "Nhiều doanh nghiệp dùng thủ thuật để trốn thuế". Trong năm 2012, Cục Thuế TP.HCM đã thanh tra, kiểm tra gần 12.500 hồ sơ về thuế, phạt và truy thu hơn 6.000 tỉ đồng…

Do vậy, khi bị bắt về tội "Trốn thuế" người dân thường dễ tin hơn là tội "tổ chức lật đổ chính quyền nhân dân". Bởi vì, ở VN đã hình thành một tâm lý từ rất xưa, nghiễm nhiên thành một quy luật xã hội rằng đã doanh nghiệp, hẳn nhiên trốn thuế.

Thế nhưng, việc tận dụng tội danh này trong một số vụ án nhằm lấy cớ bắt người đã lộ liễu đến mức người dân nghe qua là cảnh giác, nhất là đối với các đối tượng, những người yêu dân chủ, muốn có những đổi thay về chính trị. Điển hình là vụ án Điếu Cày – Nguyễn Văn Hải, một người đi đầu trong các cuộc xuống đường chống Trung Quốc xâm lược và là một Blogger – Câu lạc bộ nhà báo tự do.

Ngày 20/4/2008, Công an quận 3 Sài Gòn bắt Nguyễn Văn Hải tại Đà Lạt. Ông bị đưa ra tòa tuyên 30 tháng tù vì tộitrốn thuế. Bản án đã gây một làn sóng dư luận nghi ngờ tính trung thực của hành vi khởi tố và xét xử. Nhưng, phía nhà nước vẫn nghênh nghênh rằng: Ông Hải bị tù vì tội trốn thuế mà thôi.

Nhưng, cha ông đã dạy "Nói dối hay cùng". Sau đó, chính báo chí nhà nước đăng tin như sau: "Ngày 20/4/2008, Nguyễn Văn Hải bị bắt vì tội tuyên truyền chống phá nhà nước CHXHCNVN" (Báo Petrotimes). Đến đây, tội danh "trốn thuế" đã được chứng minh chỉ là cái cớ. Thế rồi mãn hạn tù, chừng như chưa yên tâm thả ra, ông Hải tiếp tục bị nhốt để ra tòa tiếp vì tội "tuyên truyền chống phá nhà nước" thêm 12 năm tù.

Người ta thừa biết rằng, nếu không có tội danh "trốn thuế" cho Điếu Cày, thì sẽ có "hai bao cao su đã qua sử dụng" như với Cù Huy Hà Vũ. Những sự thật sẽ dần dần lộ sáng cho biết giá trị của nền pháp quyền XHCN là gì.

Với Ls Lê Quốc Quân, có vẻ như tội danh trốn thuế cũng đã được lặp lại làm cái cớ bắt giữ. Màn kịch cũ lại được đưa ra diễn lại ở Hà Nội, nhân vật chính đã thay đổi nhưng nội dung vở kịch vẫn như cũ. Lê Quốc Quân đã bị bắt vì trốn thuế như thế nào?

Trước khi Lê Quốc Quân bị bắt, em trai Quân là doanh nhân Lê Quốc Quản đã bị bắt giữ, khám xét đồ đạc cùng với các nhân viên một công ty khác. Sau một thời gian, nhiều người trong công ty cùng bị bắt với Lê Quốc Quân ở công ty của mình.

Việc bắt giữ khẩn cấp một giám đốc vì trốn thuế với số tiền được nêu ra là 437,5 triệu đồng có ý nghĩa gì khi ngay cũng thời gian đó, một vụ án khác đã được đưa ra xét xử với tội danh trốn thuế hàng chục tỷ đồng được xử án treo? Thậm chí với kẻ chủ mưu vụ án cũng không bị bắt giữ mà chỉ "cấm đi khỏi nơi cư trú". Vụ án này được chính báo An ninh Thủ đô đăng tải. Lẽ nào cơ quan điều tra Thành phố Hà Nội không đọc bản tin này để thấy rằng giữa con số hàng chục tỷ đồng có thật và 437,5 triệu đồng đang điều tra lại cần có sự xử lý khác biệt và khắc nghiệt đến vậy?

Đây không chỉ là câu hỏi, mà là câu trả lời cho những ai còn nghi ngờ về lý do "trốn thuế" trong vụ án này.

Điều tra? Án tại Hồ sơ?

Bản Cáo trạng của Viện KSND Thành phố Hà Nội đưa ra trong vụ án Lê Quốc Quân trốn thuế, cho người ta thấy cách điều tra của các cơ quan công an Hà Nội "công phu và tỉ mỉ" đến hài hước nhường nào trong vụ án này. Không rõ với phương thức điều tra này, số tiền 437,5 triệu trốn thuế kia (nếu có), có đủ cho phục vụ một phần nhỏ công việc điều tra đó?

Điều đáng nói là dù một người ít hiểu biết về pháp luật, nhưng đọc bản cáo trạng này, thì có thể khẳng định rằng không thể có ai thoát tội trốn thuế ở Việt Nam khi cơ quan công an cần bắt.

Này nhé, bạn ăn ba bát phở, mỗi bát 50 ngàn đồng, bạn trả tiền 150 ngàn và lấy hóa đơn hẳn hoi. Nhưng khi cơ quan điều tra đến, họ sẽ điều tra ra rằng mỗi bát phở chỉ đáng giá 20 ngàn, như vậy ba bát phở chỉ 60 ngàn và dù bạn có hóa đơn, giấy tờ chứng minh đầy đủ là đã trả tiền, thì bạn vẫn bi kết tội kê khống 90 ngàn để… trốn thuế. Vì sao ư? Lời khai của những người được công an triệu tập sẽ phù hợp với việc chứng minh rằng mỗi bát chỉ đáng giá 20 ngàn đồng và đó mới là cái cần đề kết tội! Còn việc anh đã trả 150 ngàn là chuyện không cần biết?

Tương tự ở đây, Công ty Giải pháp Việt Nam thuê các chuyên gia, có hợp đồng đầy đủ, giấy tờ chi tiền, nhận tiền với chữ ký từng cá nhân… phù hợp pháp luật. Thế nhưng, công an "triệu tập làm việc" và kết quả lời khai rằng họ đã không nhận đủ số tiền đó. Vậy là công ty bị kết tội ghi khống để trốn thuế mà không cần biết phía chi tiền có đồng ý đối chất hoặc thừa nhận việc đó là có hay không. Như vậy, những hợp đồng, những chữ ký của ngay chính những người đã nhận tiền có giá trị hơn, hay những lời khai trước cơ quan điều tra của từng người khi một mình họ đối diện với cán bộ điều tra tại cơ quan công an có giá trị hơn?

Theo cách nghĩ đơn giản nhất của người dân, khi  ký chữ ký của mình, người ký phải chịu trách nhiệm pháp lý về chữ ký đó. Việc anh ký nhận 10 triệu đồng, nhưng anh chỉ nhận một triệu, đó là lỗi và là trách nhiệm của anh mà cơ quan pháp luật không thể vì thế mà truy tội người chi tiền.

Cũng theo cáo trạng nói trên, một số giao dịch, mua bán hàng hóa được thể hiện rõ ràng bằng hóa đơn, hợp đồng… thế nhưng khi công an điều tra và nhận được lời khai rằng không có các giao dịch. Thế là tội đổ lên đầu người mua bất kể ý kiến của người mua ra sao.

Vậy về pháp lý, những hóa đơn đó nói lên điều gì? Việc xuất hàng, nhận tiền được xác nhận đầy đủ bằng chữ ký và con dấu có giá trị gì trong quá trình hoạt động của doanh nghiệp và xã hội, hay chỉ phụ thuộc vào ý muốn của cơ quan điều tra coi đó có là chứng cứ hay không?

Trong khi đó, Bộ luật Tố tụng hình sự ghi rõ:

Điều 72. Lời khai của bị can, bị cáo
1. Bị can, bị cáo trình bày về những tình tiết của vụ án. 
2. Lời nhận tội của bị can, bị cáo chỉ có thể được coi là chứng cứ, nếu phù hợp với các chứng cứ khác của vụ án.
Không được dùng lời nhận tội của bị can, bị cáo làm chứng cứ duy nhất để kết tội.

Đọc bản cáo trạng của Viện kiểm sát nhân dân Hà Nội trong vụ án này, dù không có chuyên môn về luật pháp, người ta cũng không khỏi có những nghi ngờ cần thiết cho sự minh bạch và công lý ở quá trình điều tra, kết tội ở đây. Hầu hết, những kết tội của cơ quan điều tra là căn cứ vào lời khai, bỏ qua tất cả những giấy tờ, hợp đồng, hóa đơn có giá trị pháp lý hẳn hoi nhằm kết tội Lê Quốc Quân là giám đốc Công ty? Trong khi đó, chính nạn nhân là Lê Quốc Quân đã không hề được có ý kiến gì nêu ra tại đây?

Vậy đây là pháp luật hay đòn thù khi mà Bộ luật Tố tụng hình sự đã ghi rõ: "Không được dùng lời nhận tội của bị can, bị cáo làm chứng cứ duy nhất để kết tội".

Vở hài kịch sẽ đi đến đâu?

Sơ qua vài chi tiết trong vụ án này, để thấy rõ hơn cái lý do bị bắt về tội "trốn thuế" của Lê Quốc Quân. Ở đó, là cả một quá trình công phu, tỉ mỉ và là con đường vòng vo đưa Lê Quốc Quân đi đến nhà tù sau khi hàng loạt lượt bắt bớ, giam giữ đã không thành công.

Vở hài kịch này sẽ dẫn đến đâu?

Chúng ta hãy chờ xem nền pháp lý Xã hội Chủ nghĩa biểu diễn như thế nào để thể hiện tính ưu việt "không cần tam quyền phân lập" như TBT Nguyễn Phú Trọng đã tuyên bố.

Hà Nội, ngày Báo chí Việt Nam, 21/6/2013

J.B Nguyễn Hữu Vinh