Thứ Hai, 17 tháng 9, 2012

James Nickel - Quyền Con Người

Nguồn conduongvietnamorg

Lời người dịch:

Tác giả James Nickel, giáo sư Luật và Triết học tại đại học Miami, là một triết gia, giáo sư Luật học người Mỹ, ông đã ấn hành rộng rãi các tác phẩm nghiên cứu về lý thuyết nhân quyền, triết học chính trị, triêt lý về luật pháp, đạo đức và quan hệ quốc tế.

Nickel còn là một nhà quán quân tranh đấu không mệt mỏi cho quyền con người và các ông trình của ông là hạt nhân quan trọng cho nền công lý toàn cầu. Making Sense of Human Rights (1987, 2007) và bài "Quyền Con Người" (Ấn bản mùa thu năm 2010 ) của Nickel cho Tự Điển Bách Khoa Toàn Thư về Triết Học của ĐH Stanfod chắc chắn là một trong những công trình lớn và được trích dẫn nhiều nhất chắc chắn là một trong những ảnh hưởng lớn nhất và thường được trích dẫn trong các công trình về quyền con người. (theo Robert Paul Churchill/George Washington University")

Nhằm cung cấp một tài liệu tham khảo bằng Việt Ngữ tôi mạnh dạn chuyển dịch bài viết quan trọng "Quyền Con Người", bản hiệu đính mới vào mùa thu 2010 trên trang web trường ĐH Stanford " của Giáo sư James Nickel cho các độc giả người Việt có nhu cầu tìm hiểu về Quyền Con Người.

Với khối lượng đồ sộ các thuật ngữ về chính trị, triết học và luật học từ nguyên bản Anh ngữ, người dịch biết chắc mình không tránh khỏi những sơ sót khi chuyển dịch sang Việt Ngữ. Do đó, rất mong nhận được góp ý sửa chữa của các độc giả và xin nhận nơi đây lời xin lỗi chân thành về những sai sót, bất cập chắc không thể tránh khỏi trong công việc chuyển ngữ.

Trân trọng
Lê Quốc Tuấn


Quyền Con Người

Quyền Con Người là các chuẩn mực quốc tế nhằm giúp bảo vệ tất cả mọi người ở khắp mọi nơi khỏi những lạm dụng nghiêm trọng về chính trị, luật pháp và xã hội. Ví dụ về quyền con người là các quyền tự do tôn giáo, quyền được xét xử công bằng khi bị cáo buộc một tội phạm, quyền không bị tra tấn, và quyền tham gia vào các hoạt động chính trị. Những quyền này tồn tại trong đạo đức và pháp luật ở cấp quốc gia và quốc tế. Chúng nhắm chủ yếu đến các chính phủ, đòi hỏi việc phải tuân thủ và thực thi pháp luật. Các nguồn chính của quan niệm hiện đại về quyền con người là bản Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền (United Nations, 1948b) và nhiều văn kiện về quyền con người cùng các quy ước quốc tế sau đó trong các tổ chức quốc tế như Liên hợp quốc, Hội đồng châu Âu, Tổ chức các nước châu Mỹ, và Liên minh châu Phi.

Triết học về quyền con người giải quyết các câu hỏi về sự tồn tại, nội dung, tính chất, phổ quát, biện minh, và thể trạng pháp lý của quyền con người. Những khẳng định mạnh mẽ được được thực hiện nhân danh các quyền con người (ví dụ, cho rằng chúng là phổ quát, hoặc chúng hiện hữu một cách độc lập với việc bàn hành pháp luật như các chuẩn mực đạo đức hợp lý) thường xuyên gây nên mối e ngại có tính hoài nghi và chống lại các bảo vệ của triết lý. Sự phản ánh và những phản ứng từng có thể được thực hiện về các mối nghi hoặc này đã trở thành một lĩnh vực phụ của triết học về chính trị và pháp lý với một tài liệu quan trọng (xem phần Thư mục dưới đây).

Danh mục này bao gồm "Luật Pháp và các tổ chức quốc tế về quyền con người", phần dài cuối cùng, cung cấp một khảo sát toàn diện của hệ thống quốc tế nhằm thúc đẩy và bảo vệ quyền con người hiện nay:

• 1. Quan niệm chung về quyền con người
• 2. Sự hiện hữu của các quyền con người
• 3. Các quyền nào là quyền con người ?

o 3.1 Các quyền về chính trị và dân sự
o 3.2 Các quyền của nhóm thiều số
o 3.3 Các quyền về Môi trường
o 3.4 Các quyền xã hội
• 4. Luật pháp và các tổ chức quốc tế về quyền con người
o 4.1 Tổng quan lịch sử
o 4.2 Các quy ước Liên Hiệp Quốc về Quyền con người
o 4.3 Các tổ chức khác về quyền con người trong phạm vi Liên Hiệp Quốc
o 4.4 Các bố trí khu vực
o 4.5 Toà Hình sự quốc tế
o 4.6 Việc Cổ vũ quyền con người từ các quốc gia
o 4.7 Các tổ chức phi chính phủ về quyền con người
o 4.8 Tương lai của luật pháp về quyền con người
o Thư mục
• Nguồn trên Internet
• Văn kiện và các quy ước
• Các danh mục có liên quan


1. Quan niệm chung về Quyền Con Người

Bản Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền (1948) đề ra một danh sách gồm hơn hai chục quyền con người cụ thể mà các nước nên tôn trọng và bảo vệ. Những quyền cụ thể này có thể được chia thành sáu hoặc nhiều nhóm: Các quyền về an ninh để bảo vệ con người chống lại những tội phạm như giết người, tàn sát, tra tấn, và cưỡng hiếp; Các quyền về thủ tục đúng để bảo vệ chống lại việc lạm dụng hệ thống pháp luật như giam tù không xét xử, xét xử bí mật và trừng phạt quá mức; Các quyền về tự do nhằm bảo vệ tự do trong các lĩnh vực như niềm tin, bày tỏ, lập hội và quyền đi lại; Các quyền về chính trị để bảo vệ sự tự do tham gia chính trị thông qua các hành động giao tiếp, lập hội, phản đối, bầu cử và phục vụ tại các cơ quan công cộng; Các quyền về sự bình đẳng nhằm đảm bảo quyền công dân bình đẳng, bình đẳng trước pháp luật, và không bị phân biệt đối xử, và các quyền về xã hội (hoặc "phúc lợi") để đòi hỏi trẻ em phải được cung cấp giáo dục và bảo vệ chống lại đói nghèo. Một nhóm quyền khác có thể được bao gồm là các nhóm quyền (group rights). Nhóm quyền không có trong Tuyên ngôn Nhân Quyền Quốc tế nhưng được đề ra trong các quy ước quốc tế khác. Nhóm Quyền gồm nhưng quyền nhằm bảo vệ các nhóm sắc tộc chống lại tội ác diệt chủng, quyền sở hữu lãnh thổ và tài nguyên của các quốc gia (xem Anaya, 2004 Baker, 2004 Henrard 2000, Kymlicka 1989, và Nickel 2006).

Ở đây, quan niệm chung về Quyền Con Người được giải thích bằng cách thiết lập một số tính năng cụ thể. Mục đích là để trả lời câu hỏi quyền con người là gì bằng một mô tả chung của các khái niệm hiện đại thay vì chỉ bằng một danh sách các quyền cụ thể. Hai người có thể có cùng một ý tưởng như nhau về quyền con người ngay cả khi họ không đồng ý về việc một số quyền cụ thể nào đấy có phải là những quyền con người hay không. (Để hiểu thêm một nỗ lực khác mô tả các ý tưởng về quyền con người dưới ánh sáng của việc thực hành quyền con người đương đại, xin đọc Beitz, 14F.)

Trước tiên, quyền con người là các tiêu chuẩn chính trị chủ yếu để giải quyết việc người dân cần phải được các chính phủ và cơ quan hiến định đối xử như thế nào. Quyền con người không phải là những chuẩn mực thông thường về đạo đức vốn chủ yếu chỉ áp dụng giữa các ứng xử cá nhân với nhau (chẳng hạn như việc cấm nói dối và bạo lực). Như Thomas Pogge giải thích "để tham gia vào các quyền con người, một hành vi phải thuộc về một số ý nghĩa chính thức" (2000 Pogge, 47). Nhưng chúng ta phải cẩn thận ở đây vì một số quyền, chẳng hạn như quyền chống phân biệt chủng tộc và tình dục chủ yếu có liên quan đến điều chỉnh hành vi cá nhân (Okin 1998). Tuy nhiên, với những quyền chống sự phân biệt, các chính phủ được hướng dẫn theo hai cách. Các quyền này cấm chính phủ phân biệt đối xử trong hành động và chính sách của mình, và áp đặt trách nhiệm lên các chính phủ để ngăn cấm và không khuyến khích cả hai hình thức phân biệt ở nơi riêng tư và công cộng.

Thứ hai, quyền con người tồn tại như các quyền về đạo đức và/hoặc pháp lý. Quyền con người có thể tồn tại như (1) một chuẩn mực về đạo đức thực tế của con người, (2) một chuẩn mực đạo đức chính đáng được hỗ trợ bởi những lý do mạnh mẽ, (3) quyền hợp pháp ở cấp quốc gia (ở đây nó có thể được gọi là quyền "dân sự " hay "hiến định"), hoặc (4) một quyền hợp pháp trong khuôn khổ luật pháp quốc tế. Một người ủng hộ quyền con người có thể quan niệm các quyền con người hiện diện trong tất cả bốn cách ấy. (Xin đọc Phần 2: Sự Hiện diện của quyền con người.)

Thứ ba, có nhiều quyền con người (hàng chục) chứ không phải chỉ một số. Các quyền được sinh sống, được tự do và quyền về tài sản của John Locke là một số ít và có tính trừu tượng (Locke 1689), nhưng các quyền con người như chúng ta đang biết đến ngày nay hướng đến các vấn đề cụ thể (ví dụ, đảm bảo xét xử công bằng, chấm dứt chế độ nô lệ, đảm bảo sự sẵn sàng của giáo dục, ngăn chặn nạn diệt chủng.) Chúng là các quyền của những luật sư chứ không phải là các quyền trừu tượng của những triết gia. Nhân quyền bảo vệ con người chống lại sự lạm dụng quen thuộc về nhân phẩm và lợi ích căn bản của người dân. Bởi vì nhiều quyền con người có liên quan với các định chế và vấn đề đương đại, chúng không có tính xuyên lịch sử. Người ta có thể xây dựng các quyền con người trừu tượng hoặc có điều kiện để làm cho chúng trở nên xuyên lịch sử, nhưng sự thật vẫn là các công thức hình thành trong tài liệu về nhân quyền đương đại vừa không trừu tượng và cũng không có điều kiện. Họ giả định các loại xét xử hình sự, các chính phủ được tài trợ bởi thuế thu nhập, và hệ thống giáo dục có tính chiếu lệ.

Thứ tư, quyền con người là những tiêu chuẩn tối thiểu hoặc giản dị. Quyền con người quan tâm nhiều đến việc tránh đi sự tàn tệ hơn là việc đạt được điều gì tuyệt hảo. Tập trung của quyền con người là để bảo vệ đời sống tốt đẹp tối thiểu cho tất cả mọi người (Nickel 2006). Henry Shue cho thấy rằng quyền con người quan tâm đến "giới hạn thấp hơn về ứng xử có thể chấp nhận được của con người" hơn là "nhũng khát vọng vĩ đại và các lý tưởng được tán dương" (Shue 1996). Như những tiêu chuẩn giản dị , quyền con người để mở các vấn đề về pháp lý và chính sách cho việc hình thành quyết định có tính dân chủ ra ở cấp quốc gia và địa phương. Điều này cho phép các quyền ấy có tính ưu tiên cao, để phù hợp với rất nhiều thay đổi về văn hóa và thể chế, và mở ra một không gian rộng lớn cho sự quyết định có tính dân chủ ở cấp quốc gia. (Đối với những lời chỉ trích cho rằng, quyền con người là tiêu chuẩn tối thiểu xin đọc Brems 2009 và Raz 2010.)

Thứ năm, quyền con người là các tiêu chuẩn quốc tế bao gồm tất cả các nước và tất cả mọi người đang sống hiện nay. Luật pháp quốc tế đóng một vai trò rất quan trọng trong việc mang quyền con người đến tiếp cận toàn cầu. Chúng ta có thể nói rằng các quyền con người là phổ quát căn cứ vào việc chúng ta nhận thức được rằng một số quyền, chẳng hạn như quyền bầu cử, chỉ dành cho các công dân trưởng thành, một số văn kiện về quyền con người tập trung vào các nhóm dễ bị tổn thương như trẻ em, phụ nữ, và người dân bản địa.

Thứ sáu, quyền con người là những chuẩn mực có ưu tiên cao. Maurice Cranston cho rằng các quyền con người là những vấn đề "hết sức quan trọng" và việc vi phạm quyền con người là "một sự xúc phạm nghiêm trọng đến công lý" (Cranston 1967). Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là chúng ta nên xem quyền con người là tuyệt đối. Như James Griffin nói, nhân quyền phải được hiểu là "khả năng đến sự đánh đổi nhưng không quá đối kháng" (Griffin 2001b). Tính ưu tiên cao của các quyền con người cần sự hỗ trợ từ một kết nối hợp lý với các lợi ích căn bản của con người hay những cân nhắc có tính quy phạm mạnh mẽ.

Thứ bảy, các quyền con người đòi hỏi những biện minh thiết thực để áp dụng được ở khắp mọi nơi và hỗ trợ được cho tính ưu tiên cao của chúng. Nếu không có điều này, các quyền con người sẽ không thể chịu được sự đa dạng của văn hóa và chủ quyền quốc gia. Các biện minh thiết thực thì mạnh mẽ nhưng không cần phải được hiểu như là những biện minh không thể cưỡng lại.

Thứ tám, quyền con người là các quyền nhưng không nhất thiết phải ở trong một ý nghĩa nghiêm ngặt. Là các quyền, chúng có một số tính năng. Một là chúng có những chủ thể - một người hoặc một cơ quan có một quyền cụ thể - sở hữu cái quyền ấy. Nói chung, chủ thể sở hữu các quyền con người là tất cả những con người đang sống hiện nay. Một tính năng nữa của quyền là chúng tập trung vào một sự tự do, sự bảo vệ, một thể trạng, hoặc lợi ích cho các chủ thể có quyền (1983 Brandt, 44). Các quyền cũng hướng đến việc ai có nhiệm vụ hay trách nhiệm gì. Quyền con người của một người không phải là những quyền chủ yếu để chống lại Liên Hợp Quốc hoặc các tổ chức quốc tế khác, các quyền này chủ yếu áp đặt các nghĩa vụ đối với chính phủ của những nước mà người đó sinh sống hay cư trú. Các quyền con người của công dân Bỉ chủ yếu hướng đến chính phủ Bỉ. Các cơ quan quốc tế và các chính phủ của những quốc gia khác là thứ yếu hoặc là những "hỗ trợ phía sau". Các nhiệm vụ liên quan đến quyền con người thường cụ thể và đòi hỏi những hành động có liên quan đến sự tôn trọng, bảo vệ, tạo điều kiện thuận lợi và dự phóng. Cuối cùng, các quyền thường có tính bắt buộc trong ý nghĩa áp đặt trách nhiệm đối với thành phần mà chúng nhắm đến, nhưng đôi khi không có nghĩa gì hơn là một sự khẳng định các mục tiêu ưu tiên và phân công trách nhiệm cho tiến trình hiện thực hóa chúng. Dĩ nhiên, có thể tranh cãi rằng các quyền có tính cách tương tự như mục tiêu ấy không phải là các quyền có thực, nhưng đúng hơn là chỉ để nhận ra rằng chúng chứa đựng một khái niệm nhẹ yếu nhưng hữu dụng hơn của một quyền.

Sau khi đặt ra một quan niệm chung với tám yếu tố về quyền con người, sẽ là rất hữu ích để xem xét ba quan niệm khác mà tôi nghĩ nên được chối bỏ. Đầu tiên là khẳng định cho rằng tất cả các quyền con người là các quyền tiêu cực, với ý nghĩa cho rằng chúng chỉ yêu cầu chính phủ các nước không được làm các việc này việc kia. Trên quan điểm này, quyền con người không bao giờ yêu cầu chính phủ các nước phải thực hiện các bước tích cực như bảo vệ và cung cấp quyền con người. Để bác bỏ quan điểm này, chúng ta không cần phải viện dẫn đến các quyền mang tính xã hội vốn đòi hỏi đến những sự cung cấp như quyền giáo dục và chăm sóc y tế. Cũng đủ để lưu ý rằng quan điểm này là không phù hợp với vai trò đáng chú ý rằng một trong những công việc chính của các chính phủ là phải bảo vệ các quyền của người dân bằng cách tạo ra một hệ thống pháp luật hình sự và các quyền sở hữu hợp pháp có hiệu lực. Công ước châu Âu về Quyền con Người (Hội đồng châu Âu năm 1950) kết hợp quan điểm này khi tuyên bố rằng "Tất cả mọi quyền được sống của con người phải được bảo vệ bởi pháp luật" (Điều 2.1). Và Công ước chống tra tấn, trừng phạt, đối xử tàn ác, làm nhục vô nhân đạo khác của Liên Hợp Quốc (United Nations 1984) đề ra các yêu cầu: "Mỗi quốc gia phải đảm bảo rằng tất cả các hành vi tra tấn là hành vi phạm tội theo quy định hình luật của họ" (Điều 4.1). Việc cung cấp sự bảo vệ hiệu quả bằng pháp lý là mang lại các dịch vụ chứ không chỉ đơn thuần là kiềm chế.

Một quan điểm thứ hai để chấp nhận hoặc chối bỏ là cho rằng tất cả các quyền con người là bất khả xâm phạm. Nói rằng một quyền bất khả xâm phạm có nghĩa là người sở hữu nó không thể tự nguyện từ bỏ hoặc vì một hành vi xấu mà tạm thời hoặc vĩnh viễn bị mất đi các quyền của mình. Bất khả xâm phạm không có nghĩa là các quyền ấy tuyệt đối không bao giờ được sửa chữa bởi những cân nhắc khác. Tôi không tin rằng tất cả các quyền con người là bất khả xâm phạm trong các ý nghĩa này. Một người ủng hộ cả quyền con người lẫn hình phạt cầm tù đối với tội phạm nghiêm trọng phải tinh đến việc các quyền tự do đi lại của người dân có thể bị tịch thu tạm thời hoặc vĩnh viễn vì các tội phạm nghiệm trọng được xét xử công chính. Do đó, có lẽ nói rằng quyền con người rất khó bị đánh mất là đủ. (Đối với quan điểm mạnh mẽ hơn về tính bất khả xâm phạm, xin đọc Donnelly 2003:10).

Thứ ba, tôi nghĩ rằng ta nên chối bỏ đề nghị của John Rawls trong Luật của Người dân rằng quyền con người xác định tính khoan dung hợp pháp của các nước khác được giới hạn ở đâu. Rawls nói rằng các quyền con người "chỉ đặt để các giới hạn đến quyền tự chủ nội bộ của một chế độ" và rằng "việc thực hiện (quyền tự chủ) của họ đủ để loại trừ những can thiệp hợp lý và mạnh mẽ của những người khác, ví dụ như, bởi các biện pháp trừng phạt ngoại giao và kinh tế, hoặc bởi lực lượng quân sự trong trường hợp nghiêm trọng " (Rawls năm 1999, 79-80).

Thật là sự đơn giản hóa một cách nghiêm trọng đối với giải thích cho rằng có một ranh giới mỏng manh xác định chủ quyền quốc gia và sự chấp nhận ngừng lại ở đâu bởi các quyền con người. Không cần phải phủ nhận rằng quyền con người là hữu ích trong việc xác định các giới hạn các khoan dung chính đáng, nhưng có nhiều lý do để nghi ngờ rằng chúng chỉ đơn giản là xác định một giới hạn như thế. Đầu tiên, việc "thực hiện" các quyền con người là một ý tưởng rất mơ hồ. Không một quốc gia nào đáp ứng đầy đủ được các quyền con người, tất cả các nước đều có các vấn đề nghiêm trọng về quyền con người. Một số nước có vấn đề lớn về quyền còn người và nhiều nươc có các vấn nạn hết sức lớn về quyền con người ("vi phạm trầm trọng về quyền con người"). Hơn nữa, trách nhiệm của chính phủ hiện tại của một quốc gia về những vấn đề này cũng thay đổi. Trách nhiệm chính có thể thuộc về chính phủ trước đó và chính phủ hiện nay có thể thực hiện các biện pháp hợp lý để di chuyển theo hướng tuân thủ hơn.

Hơn nữa, xác định các quyền con người như các chuẩn mực thiết lập những giới hạn của sự khoan dung đòi hỏi phải hạn chế các quyền của con người vào một vài quyền cơ bản. Rawls đề nghị danh sách sau đây: "quyền được sống (giới hạn đến các ý nghĩa của phương tiện sinh hoạt và an ninh); quyền tự do (giới hạn đến việc thoát khỏi ách nô lệ, chế độ nông nô, cưỡng bức nghề nghiệp và một biện pháp đủ về các quyền tự do của lương tri để đảm bảo tự do tôn giáo và suy nghĩ), tài sản (tài sản cá nhân); và sự bình đẳng chính thức như được nhấn mạnh bởi các quy luật của công lý tự nhiên (nghĩa là những trường hợp tương tự cần được đối xử như nhau) "(1999 Rawls, 65). Khi công nhận danh sách này Rawls bỏ mất hầu hết các quyền tự do, quyền tham gia chính trị, quyền bình đẳng, và các quyền xã hội. Bỏ đi bất kỳ sự bảo vệ bình đẳng và dân chủ là nào một cái giá đắt phải trả cho quyền con người vai trò thiết lập các giới hạn của lòng khoan dung, và chúng ta có thể hòa giải với quan niệm cơ bản của Rawls mà không phải trả giá. Ý tưởng trực quan mà Rawls sử dụng là các quốc gia tham gia vào các hành vi vi phạm nghiêm trọng quyền con người là không thể được dung thứ - đặc biệt là khi khái niệm khoan dung ngầm ám chỉ, quyền thành viên ngang bằng và đầy đủ trong vị thế tốt trong cộng đồng quốc gia, như Rawls nghĩ. Để sử dụng ý tưởng trực quan này, chúng ta không cần phải theo Rawls trong việc đánh đồng quyền con người với một số danh sách rút gọn của các quyền con người. Thay vào đó, chúng ta có thể tiến đến một quan điểm - vốn dù sao cũng cần thiết cho các mục đích khác - về quyền con người nào quan trọng nhất và liệu có thể phân loại thành các thứ bậc. Từ đó, các vi phạm nghiêm trọng về những quyền cơ bản nhất của con người có thể được sử dụng làm nền tảng cho sư không thứ tha (Đối với một phiên bản đầy đủ hơn về những lời chỉ trích này xin đọc Nickel 2006.)


2. Sự hiện hữu của các quyền con người

Cách rõ ràng nhất mà các quyền con người hiện hữu là như các chuẩn mực của luật pháp quốc gia và quốc tế vốn tạo nên các quyết định có tính sắc lệnh và công chính. Ở cấp quốc tế, các chuẩn mực về quyền con người tồn tại vì các quy ước quốc tế đã tạo cho chúng thành luật pháp quốc tế. Ví dụ, quyền con người không có trong chế độ nô lệ hay nô dịch ở Điều 4 của Công ước châu Âu và hiện hữu tại Điều 8 của Công ước Quốc tế về các Quyền Dân sự và Chính trị bởi vì các quy ước này đã thiết lập nên quyền ấy. Ở cấp quốc gia, các chuẩn mực nhân quyền hiện hữu bởi vì chúng hiện diện thông qua việc ban hành lập pháp, quyết định của toà án hoặc tục lệ trở thành một phần pháp luật của một quốc gia. Ví dụ, quyền chống lại chế độ nô lệ tồn tại ở Hoa Kỳ bởi vì Tu chính án 13 của Hiến pháp Hoa Kỳ cấm chế độ nô lệ và nô dịch. Khi các quyền thẩm thấu trong luật pháp quốc tế, chúng ta nói về chúng như các quyền con người; nhưng khi chúng được ban hành trong luật pháp quốc gia, chúng ta thường mô tả chúng như các quyền dân sự hoặc hiến định. Như điều này minh họa, một quyền có thể cùng hiện hữu trong phạm vi của hơn một hệ thống chuẩn mực.

Việc ban hành trong pháp luật quốc gia và quốc tế là một trong những cách thức mà các quyền con người hiện hữu. Nhưng nhiều người đã cho rằng đây không phải là cách hiện hữu duy nhất. Nếu quyền con người chỉ hiện hữu bằng sự ban hành luật pháp, tính sẵn có của chúng được liên tục qua các phát triển chính trị trong nước và quốc tế. Nhiều người đã tìm cách để hỗ trợ ý tưởng rằng nhân quyền có gốc rễ sâu hơn và ít là một đối tượng của quyết định con người hơn là sự ban hành luật pháp. Một phiên bản của ý tưởng này là người dân được sinh ra với các quyền, bằng cách nào đó các quyền là bẩm sinh hay vốn có sẵn trong con người. Một trong những cách mà tình trạng chuẩn mực có thể là vốn có trong con người là được Thiên Chúa ban cho. Tuyên ngôn Độc lập Hoa Kỳ (1776) tuyên bố rằng mọi người "được phú bởi Đấng Tạo Hóa của họ" với các quyền tự nhiên được "sống, tự do và truy tìm hạnh phúc". Trên quan điểm này, Thiên Chúa, nhà lập pháp tối cao đã ban hành một số quyền con người cơ bản.

Các quyền quy hướng một cách hợp lý đến các quy lệ thiêng liêng phải là rất tổng quát và trừu tượng (quyền sống, tự do, vv ...) để chúng có thể áp dụng cho hàng ngàn năm lịch sử nhân loại chứ không chỉ cho những thế kỷ gần đây. Tuy nhiên, các quyền đương đại của con người là cụ thể và nhiều quyền trong số ấy giả định trước các định chế hiện đại (ví dụ, quyền được xét xử công bằng và quyền được giáo dục). Thậm chí nếu người được sinh ra với các quyền tự nhiên cho Đức Chúa Trời ban cho, chúng ta cần phải giải thích việc làm thế nào từ các quyền tổng quát và trừu tượng ấy trở nên các quyền cụ thể trong các tuyên ngôn và quy ước quốc tế đương đại.

Quy hướng các quyền con người vào mệnh lệnh của Thiên Chúa có thể mang đến cho các quyền này một tình trạng an toàn ở cấp độ siêu hình, nhưng trong một thế giới rất đa dạng, việc ấy không làm cho các quyền được an toàn một cách thực tiễn. Hàng tỷ người không tin vào Thiên Chúa của Kitô giáo, Hồi giáo và Do Thái giáo. Nếu một ai không tin vào Thiên Chúa, hoặc không tin rằng các quyền là do thần thánh ban phát thì nếu muốn đặt căn bản các quyền con người trên các niềm tin thần học, bạn phải thuyết phục được những người ấy về một quan điểm hỗ trợ bởi thần học. Điều này thậm chí có thể còn khó hơn là thuyết phục họ về các quyền con người. Việc ban hành luật pháp ở cấp quốc gia và quốc tế đem lại tình trạng an toàn hơn cho các mục đích thực tiễn.

Các quyền con người còn có thể tồn tại độc lập với việc ban hành pháp luật qua việc là một phần đạo đức thực tế của con người. Rõ ràng là tất cả các nhóm nhân loại đều có đạo đức, nghĩa là, các chuẩn mực bắt buộc của hành vi được hỗ trợ bởi các nguyên nhân và các giá trị. Những đạo đức này hàm chứa các chuẩn mực cụ thể (ví dụ như lệnh cấm những việc cố ý giết hại người vô tội) và những giá trị cụ thể (ví dụ, xem trọng giá trị đời sống con người.) Một phương cách mà các quyền con người có thể hiện hữu ngoài những nguyên nhân thiêng liêng hay ban hành pháp luật của mình là hiện hữu như các chuẩn mực được chấp nhận trong tất cả hoặc gần như tất cả đạo đức thực tế của con người. Nếu như tất cả các nhóm người có đạo đức có chứa định mức cấm giết người, các chỉ tiêu này có thể tạo thành các quyền của con người với cuộc sống. Quyền con người có thể được xem như các chỉ tiêu cơ bản về đạo đức được chia sẻ bởi tất cả hoặc gần như tất cả các đạo đức được con người chấp nhận.

Quan điểm này hấp dẫn nhưng đầy khó khăn. Đầu tiên, có vẻ như không chắc rằng đạo đức của hầu như tất cả các nhóm người đều đồng ý lên án việc tra tấn, xét xử bất công, các tổ chức phi dân chủ, và phân biệt đối xử trên cơ sở chủng tộc hay giới tính. Có rất nhiều bất đồng giữa các quốc gia và các nền văn hóa về những vấn đề này. Các hiến chương và quy ước quốc tế về quyền con người được dự phóng để thay đổi các chuẩn mực sẵn có,chứ không chỉ nhằm mô tả sự đồng thuận hiện có về đạo đức. Thứ hai, rất không rõ ràng rằng các chuẩn mực được chia sẻ thực sự có được ủng hộ từ những cá nhân tôn trọng các quyền này. Một nhóm ngưòi có thể cho rằng tra tấn là một điều không tốt mà không hề xét đến việc tất cả mọi người đều có một quyền ưu tiên chống lại sự tra tấn. Thứ ba, quyền con người chủ yếu là về nghĩa vụ của các chính phủ. Đạo đức thông thường giữa các cá nhân thường không có nhiều ý nghĩa để nói bàn về những gì chính phủ nên hoặc không nên làm. Đây là một vấn đề đạo đức về chính trị, không chỉ phụ thuộc vào các nguyên tắc đạo đức mà còn về quan điểm về sự an nguy cùng năng lực của nhà nước hiện đại.

Tuy nhiên, một cách khác để giải thích sự tồn tại của quyền con người là cho rằng chúng hiện hữu một cách cơ bản nhất trong các đạo đức đúng đắn hay công chính. Về giải thích này, nói rằng có một quyền con người chống lại việc tra tấn chính là chủ yếu muốn nói rằng có những lý do mạnh mẽ để tin rằng tham dự vào các tra tấn luôn luôn là sai trái và ần phải mang lại những bảo vệ để chống lại những thực hành như thế. Cách tiếp cận này sẽ xem Bản Tuyên ngôn Nhân Quyền là nỗ lực để xây dựng một nền đạo đức chính trị hợp lý. Không chỉ đơn thuần là nỗ lực xác định một đồng thuận có sẵn về đạo đức, mà cũng là sự cố gắng để tạo ra một đồng thuận về việc các chính phủ phải làm thế nào để có được hỗ trợ bởi các lý do đạo đức rất chính đáng và thực tiễn. Cách tiếp cận này đòi hỏi sự gắn bó với những nguyên nhân khách quan như vậy. Nó có giá trị như thế cũng như những cách thức đáng tin cậy của việc tìm hiểu thế giới vật chất hoạt động ra sao, hoặc những gì khiến cho tòa nhà được bền vững. Có nhiều cách thức để tìm ra những gì mà các cá nhân có thể đòi hỏi chính phủ một cách chính đáng.

Ngay cả khi có rất ít hiện diện của sự đồng thuận về đạo đức chính trị, những thỏa thuận hợp lý vẫn sẵn có cho con người nếu chịu dự phần với lòng cởi mở và tìm kiếm đạo đức, chính trị một cách nghiêm túc. Nếu các lý do đạo đức tồn tại độc lập với cấu tạo con người, khi kết hợp với các cơ sở về những tổ chức hiện nay, các vấn đề, và các nguồn lực, chúng có thể tạo ra các chuẩn mực đạo đức khác nhau từ những gì đã được ban hành hoặc thừa nhận. Bản Tuyên Ngôn Nhân Quyền dường như đã tiến hành chính xác trên giả định này. Một khó khăn với quan điểm này là sự hiện hữu như các nguyên nhân tốt đẹp này có vẻ như một cấu tạo khá mỏng manh cho các quyền con người. Nhưng có lẽ chúng ta có thể xem sự mỏng manh này như một thực tế chứ không phải như một khó khăn về mặt lý thuyết, như một cái gì đó để được khắc phục bằng việc xây dựng và ban hành các chuẩn mực pháp luật. Hình thức tốt nhất của sự hiện hữu các quyền con người sẽ kết hợp mạnh mẽ sự hiện hữu ấy với tồn tại của đạo đức vốn đến từ việc được ủng hộ bởi các lý do đạo đức và thực tiễn.


3. Quyền con người là những quyền gì ?

Phần này bàn về câu hỏi các quyền nào thuộc về danh sách các quyền con người. Không phải tất cả các câu hỏi về công bằng xã hội hoặc cai trị khôn ngoan đều thuộc về các quyền con người. Ví dụ, một nước có thể có rất nhiều bất bình đẳng về thu nhập, không mang lại đầy đủ một nền giáo dục cao hơn, hoặc không hề có công viên quốc gia nhưng vẫn không vi phạm bất kỳ quyền con người nào. Việc quyết định chuẩn mưc nào nên được xem là quyền con người là một vấn đề khó khăn. Và vẫn tiếp tục có các áp lực để mở rộng danh sách các quyền con người cho các lãnh vực mới. Nhiều phong trào chính trị muốn nhìn thấy mối quan tâm chính của họ được phân loại như các vấn đề thuộc vê quyền con người vì điều này sẽ quảng bá, thúc đẩy và hợp pháp hóa các quan tâm của họ lên mức độ quốc tế. Một hiệu quả có thể có của điều này là sự "lạm phát quyền con người", sự hạ thấp giá trị các quyền con người gây ra bởi việc sản xuất quá nhiều quyền con người không đúng đắn (Xem Cranston 1973, Orend 2002, Wellman năm 1999, Griffin 2010).

Một phương cách để tránh sự thổi phồng các quyền là theo ý tưởng của Cranston trong sự nhấn mạnh rằng nhân quyền chỉ đối phó với việc bảo vệ quyền tự do và những gì cực kỳ quan trọng. Một cách tiếp cận bổ sung là áp đặt một số thử nghiệm có tính đánh giá về những quyền con người cụ thể. Ví dụ, nó có thể được yêu cầu rằng một quyền con người được đề nghị không chỉ đáp ứng với một số điều hết sức tốt đẹp mà còn đối phó với mối đe dọa phổ biến và nghiêm trọng đến sự tốt lành ấy, đặt gánh nặng trên các quyền chính đáng, không lớn hơn mức cần thiết, và có tính khả thi ở hầu hết các nước trên thế giới (xem Nickel 2006). Cách tiếp cận này kiềm chế sự thổi phồng các quyền với một số thử nghiệm chứ không phải chỉ với một thử nghiệm chính.

Quyền con người là cụ thể và có tính định hướng vấn đề (Dershowitz, 2004 Donnelly 2003, Shue 1996, Talbott 2005). Tuyên ngôn về các quyền trong lịch sử thường bắt đầu với một danh sách những khiếu nại về sự lạm dụng của các thời đại và chế độ trước đó. Tuyên ngôn về các quyền có thể có những mở đầu nói về sự vĩ đại và trừu tượng của đời sống, tự do và phẩm giá vốn có của con người, nhưng danh sách về các quyền chứa đựng những chuẩn mực cụ thể hướng đến các vấn đề chính trị, pháp lý, kinh tế quen thuộc.

Trong việc quyết định các quyền cụ thể nào là những quyền con người, có thể đưa đến việc quá coi trọng hoặc quá xem nhẹ các văn bản quốc tế như bản Tuyên ngôn Quốc tế về Nhân quyền và Công ước châu Âu. Ta có thể quá xem nhẹ các văn bản ấy qua việc tiến hành xây dựng một danh sách các quyền quan trọng như thể một nội dung mới, chưa hề được nói đến bao giờ , và như thể chưa từng có hiểu biết thực tiễn được tìm thấy trong những sự lựa chọn các quyền từng trở thành tài liệu lịch sử. Và một trong những cách quá xem trọng là giả định rằng những tài liệu ấy cho chúng ta biết tất cả mọi thứ mà chúng ta cần phải biết về quyền con người. Cách tiếp cận này liên quan đến một loại của chủ nghĩa chính thống vốn cho rằng nếu một quyền có trên các danh sách các quyền chính thức của con người sẽ quyết định giá trị của nó như là một quyền con người ("Tôi chỉ cần biết là điều ấy có nằm trong sách thôi") Tuy nhiên, quá trình liệt kê các quyền con người ở Liên Hiệp Quốc và các nơi khác là một quá trình chính trị với nhiều khiếm khuyết. Có rất ít lý do để có thể xem các nhà ngoại giao quốc tế như những nhà các hướng dẫn có thẩm quyền nhất về quyền con người. Hơn nữa, ngay cả khi một hiệp ước có thể quyết định quyền nào là quyền con người trong luật pháp quốc tế, một hiệp ước như vậy cũng không thể quyết định được giá trị của quyền ấy. Có thể khẳng định là quyền ấy được hỗ trợ bởi các cân nhắc có giá trị, nhưng không thể làm như thế được. Nếu một hiệp địnhh quốc tế ban hành quyền được đến thăm công viên quốc gia miễn phí như một quyền con người, việc phê chuẩn hiệp định quốc tế đó sẽ khiến việc truy cập miễn phí đến các công viên quốc gia là một "quyền con người" trong luật pháp quốc tế. Nhưng sẽ không thể khiến chúng ta tin rằng quyền được thăm một công viên quốc gia miễn phí là đủ quan trọng để là một quyền con người thực sự.

Một khi một xem trọng các câu hỏi liệu một số chuẩn mực hiện được xem là các quyền con người nhưng không xứng hợp với tình trạng ấy và liệu một số chuẩn mực hiện không được chấp nhận là các quyền con người có nên được nâng cấp hay không, có rất nhiều cách có thể để tiến hành. Một cách giải quyết là nên tránh đặt quá nhiều sức nặng vào việc chuẩn mực ấy có thực sự là, hoặc có thể được, là một quyền theo ý nghĩa nghiêm ngặt. Cách giải quyết này này có thể mang lại lập luận rằng nhân quyền không thể bao gồm các quyền của trẻ em vì trẻ nhỏ không thể thực hiện quyền của chúng bằng cách kêu gọi, yêu cầu, hoặc bãi miễn (1955 Hart, Wellman 1995). Cách giải quyết này đưa đến câu hỏi phải chăng nhân quyền là những quyền theo nghĩa chính xác hơn, thay vì một ý nghĩa lỏng lẻo.

Các phong trào quyền con người và mục đích của chúng sẽ không được phục vụ tốt đẹp khi bị cưỡng ép trong một khuôn khổ khái niệm hẹp hòi. Ý tưởng cơ bản nhất của phong trào các quyền còn người là nhân quyền không phải là một quyền, nhưng là ý tưởng về sự điều chỉnh hành vi của các chính phủ thông qua các chuẩn mực quốc tế. Và khi nhìn vào các văn bản về nhân quyền, chúng ta thấy rằng các văn bản ấy sử dụng một loạt các khái niệm có tính quy phạm. Đôi khi chúng nói đến các quyền, như khi Bản Tuyên ngôn Quốc tế nói rằng: "Mọi người đều có quyền tự do đi lại" (Điều 13). Đôi khi các văn bản ấy đưa ra các ngăn cấm, như khi Tuyên ngôn nói rằng: "Không ai có thể bị bắt giữ, tạm giam, hay lưu đày tùy tiện (Điều 9). Và ỡ chỗ khác, chúng lại thể hiện những nguyên tắc chung, như được minh họa bởi khẳng định của bản Tuyên ngôn (nhân quyền) rằng: "Tất cả mọi người đều bình đẳng trước pháp luật" (Điều 7).

Một phương cách tốt hơn để đánh giá một chuẩn mực được chỉ định cho tình trạng quyền con người là xem xét các quyền ấy có tương thích với ý tưởng chung về quyền con người mà chúng ta thấy trong các tài liệu nhân quyền quốc tế hay không. Nếu đã đúng với quan niệm chung về các quyền con người như trình bày ở trên, cần phải có câu trả lời khẳng định cho các câu hỏi như liệu chuẩn mực này có thể được các chính phủ xem là các chú tâm chính hay không, dù quyền ấy là một ưu tiên cao, hay nhằm đảm bảo mọi người có thể có được một cuộc sống tối thiểu tốt đẹp, và dù có thể được ủng hộ bởi các nguyên cớ mạnh mẽ khiến các quyền ấy trở nên chính đáng phổ quát và ưu tiên cao.

Câu hỏi về quyền nào là quyền con người phát sinh trong mối liên quan đến nhiều nhóm quyền con người .

Dưới đây là thảo luận về (1) Các quyền dân sự và chính trị (2) Các quyền về nhóm và dân tộc thiểu số; (3) các quyền về môi trường và (4) Các quyền về xã hội.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét