Thứ Ba, 12 tháng 6, 2012

NHÂN QUYỀN – PHÁP QUYỀN – PHÁP CHẾ (Trích từ "Con đường Việt Nam")

Nguồn cdvn

PHONG TRÀO CON ĐƯỜNG VIỆT NAM

NHÂN QUYỀN – PHÁP QUYỀN – PHÁP CHẾ

Nguyên lý vận hành của một hệ thống pháp luật trong một xã hội dân chủ dựa trên 3 yếu tố cốt lõi: Nhân quyền, Pháp quyền và Pháp chế.

Nhân Quyền tại Việt Nam

Tuyên ngôn độc lập 1945 đã thừa nhận rằng mọi người sinh ra đều có sẵn các quyền con người căn bản, đều bình đẳng và tự do. Năm 1977, Việt Nam gia nhập Liên Hiệp Quốc cũng có nghĩa là sự công nhận của nhà nước Việt Nam đối với các quyền bất di bất dịch này của con người được qui định và trịnh trọng tuyên bố tại Tuyên ngôn Toàn cầu về Nhân quyền của LHQ vào năm 1948. Đến 1982 thì Việt Nam đã chính thức gia nhập tại Công ước Quốc tế về các Quyền Dân sự và Chính trị; và về các Quyền Kinh tế, Xã hội và Văn hóa. Tại đây, nhà nước Việt Nam đã long trọng cam kết tôn trọng, bảo vệ các quyền này cho công dân Việt Nam, và đồng thời cũng thúc đẩy các quyền này trên toàn thế giới. Trên tinh thần đó, Hiến pháp hiện hành (1992) của Việt Nam cũng đã hiến định tất cả các quyền thiêng liêng này của con người Việt Nam. Với những văn bản pháp lý như vậy thì mọi công dân Việt Nam từ lúc sinh ra đời đều được hưởng bình đẳng tất cả các quyền con người như bất kỳ công dân nào khác trên thế giới mà không phân biệt quốc gia, màu da, chủng tộc, xuất thân, địa vị, quan điểm chính trị, trình độ phát triển, lịch sử hình thành, v.v…, và cũng không phải chờ sự cho phép của bất kỳ luật hoặc văn bản nào dưới hiến pháp.

Tuy nhiên, các giá trị tốt đẹp trên danh nghĩa này còn rất xa so với thực tế trong việc thực thi quyền con người trên đất nước ta. Đại đa số người dân lẫn quan chức hiện nay đều nghĩ rằng chỉ có những quyền nào có luật qui định thì công dân Việt Nam mới được sử dụng. Quan điểm vi hiến như vậy lại tồn tại phổ biến ngay tại Quốc hội trong việc lập pháp. Sự xâm phạm tự do và các quyền cơ bản của người dân lại xảy ra phổ biến tại các cơ quan hành pháp. Còn các cơ quan tư  pháp thì lại trừng phạt không thương tiếc những công dân nào dám tự do sử dụng các quyền làm người căn bản của mình đã được hiến định. Cần hiểu rằng các hành động như vậy không chỉ vi hiến mà còn vi phạm luật pháp quốc tế và đi ngược lại với các chuẩn mực văn minh của thế giới.

Dân ta cần hiểu rằng theo luật pháp quốc tế mà Việt Nam cam kết tôn trọng thì các quyền con người là không thể phân chia, phụ thuộc lẫn nhau và liên quan với nhau. Năm 1993, Đại Hội đồng LHQ đã ra Tuyên bố Viên và Chương trình hành động tái khẳng định lại các tính chất này của các quyền con người bao gồm từ quyền được bú, được ngủ lúc mới sinh ra; được ăn, được học khi lớn lên; rồi quyền được có việc làm để sinh sống; quyền hôn nhân và nuôi dạy con cái; quyền đảm bảo sự riêng tư như chỗ ở, bí mật thư tín, điện thoại; quyền tự do ngôn luận, sáng tác, sáng chế, lập hội, biểu tình; quyền bình đẳng trước pháp luật, v.v… Nếu không hề cần có những luật để cho phép được bú được ăn được ngủ được học được làm thì cũng không cần phải có luật để cho phép được nói được bày tỏ quan điểm được sáng tác phê bình được biểu tình, v.v… Đó chính là tính nguyên vẹn không thể phân chia của các quyền con người mà nếu bị xâm phạm thì người sống sẽ không trở thành con người đầy đủ. Sự xâm phạm này nếu rất nghiêm trọng sẽ biến con người trở thành không khác gì con vật như trong các chế độ nô lệ. Chỉ khi nào người dân có thể tự do sử dụng đầy đủ các quyền con người thì mới thực sự làm người.

Những sự xâm phạm như vậy cũng là nguyên nhân của sự chậm tiến của Việt Nam trong một thời gian dài và của sự tăng trưởng bất ổn như hiện nay vì đã vi phạm hoặc không tôn trọng đầy đủ các quy luật tự nhiên khách quan.

Pháp quyền tại Việt Nam

Bản chất hay tính chất bất biến của pháp quyền là sự bảo vệ các quyền con người bằng pháp luật. Đây cũng là nguyên tắc qui định bởi Tuyên ngôn Toàn cầu về Nhân quyền: "Nếu không muốn con người buộc phải sử dụng sự nổi dậy như một biện pháp cuối cùng để chống cường quyền và áp bức thì việc bảo vệ các Quyền con người bằng nhà nước pháp quyền là thiết yếu". Do vậy, bản chất của một nhà nước pháp quyền là sự uỷ trị hợp pháp để đại diện cho mỗi công dân, không phân biệt bất kỳ yếu tố nào để bảo vệ mọi quyền con người của họ bằng pháp luật. Lưu ý rằng, sự ủy trị chỉ hợp pháp khi nó đại diện cho mọi công dân, từng người một mà không phân biệt thành phần, giai cấp cho dù người đó không bỏ phiếu cho những người được bầu chọn thực hiện sự ủy trị đó, cho dù quan điểm chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa, … của người đó có khác biệt với những người được bầu chọn đến thế nào đi nữa. Một nhà nước không đảm bảo được những tính chất này thì không thể là một nhà nước pháp quyền.

Nhà nước pháp quyền lần đầu tiên được Việt Nam hiến định vào năm 2001 khi sửa đổi bổ sung Hiến pháp 1992 tại điều 2: "Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân". Còn điều 50 thì ghi rõ: "Ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, các quyền con người về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa và xã hội được tôn trọng, thể hiện ở các quyền công dân được quy định trong Hiến pháp và luật". Như vậy, theo đúng bản chất của nhà nước pháp quyền ở điều 2 và ý nghĩa rõ ràng của điều 50 này thì công dân Việt Nam không chỉ có đầy đủ các Quyền Con người đã được Hiến pháp hiện hành qui định theo đúng nguyên tắc của Tuyên ngôn Toàn cầu về Nhân Quyền và hai Công ước Quốc tế kèm theo mà còn có thể được hưởng thêm những quyền khác nếu có luật qui định. Giá trị trên danh nghĩa rõ ràng là như vậy.

Tuy nhiên, thực tế của việc thực thi các điều khoản này của Hiến pháp thì lại khác xa. Thuộc tính phụ "xã hội chủ nghĩa" trong "Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa" được tùy tiện vận dụng và áp đặt để diễn giải sai lệch bản chất bất biến của thuộc tính chính "pháp quyền". Điều này không những tạo ra rất nhiều các phạm trù mơ hồ được gắn với cụm từ "xã hội chủ nghĩa" mà còn dẫn đến sự tước đoạt các quyền con người bất khả xâm phạm của công dân bằng cách cho rằng chữ "luật" trong điều 50 của Hiến pháp có nghĩa là khi nào có luật qui định về những quyền con người nào (đã được ghi ở Hiến pháp) thì công dân mới được thực hiện những quyền đó. Cách hiểu này trao cho Quốc hội cái quyền ban phát các quyền con người cho người dân chứ không phải là nhận sự ủy nhiệm của nhân dân để bảo vệ cho họ thực hiện đầy đủ các quyền vốn có của họ mà Tạo hóa ban cho, theo đúng thuộc tính "của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân" của Nhà nước pháp quyền được ghi tại điều 2 của Hiến pháp.

Khi nào mà Quốc hội của nước ta chưa làm được bổn phận bảo vệ Quyền Con người như vậy cho công dân ta thì nó chưa có tính hợp pháp vì đã vi hiến, cho dù nó có được hình thành bằng các hình thức phổ thông đầu phiếu đi nữa. Đây là vấn đề thực chất mà bất kỳ một quốc hội nào trong một nhà nước pháp quyền cũng phải đảm bảo, cho dù đó là pháp quyền xã hội chủ nghĩa, pháp quyền cộng hòa đại nghị, pháp quyền quân chủ lập hiến, v.v… đi nữa. Đó là chưa kể người dân có quyền đòi hỏi thuộc tính bổ sung "xã hội chủ nghĩa" phải làm hay hơn, tốt hơn, ưu việt hơn cho tính chất "pháp quyền xã hội chủ nghĩa" như lý tưởng cao đẹp mà đảng Cộng sản Việt Nam luôn tuyên truyền và Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam luôn khẳng định, chứ không phải là làm cho thực tế bảo vệ quyền con người tại Việt Nam ngày càng xấu đi như hiện nay. Thực tế này thuộc về trách nhiệm lãnh đạo của đảng Cộng sản Việt Nam mà Con đường Việt Nam đã đưa ra những đề nghị cần thay đổi nếu không muốn một sự sụp đổ toàn diện, kéo theo những hậu quả nặng nề cho dân chúng.

Pháp chế tại Việt Nam

Do trách nhiệm tối thượng của một nhà nước pháp quyền là phải bảo đảm cho công dân thực hiện đầy đủ các quyền con người của từng người nên nó phải ngăn cản sự xâm phạm các quyền này từ bất kỳ ai, bất kỳ tổ chức nào. Cũng do tính chất pháp quyền của nó, nên nó phải thực hiện việc ngăn cản này bằng luật pháp. Đây chính là nguyên tắc pháp chế – tức là chế tài bằng pháp luật – của một nhà nước pháp quyền. Đây cũng là nguyên tắc được qui định tại Tuyên ngôn Toàn cầu về Nhân Quyền: "Khi thực hiện các quyền và tự do của mình mỗi người chỉ phải chịu những hạn chế nào được luật qui định nhằm một mục đích duy nhất là để đảm bảo sự thừa nhận và bảo vệ đúng đắn các quyền và tự do của người khác và đáp ứng các yêu cầu chính đáng về đạo đức, trật tự công cộng và phúc lợi chung trong một xã hội dân chủ".

Mọi phạm vi chế tài (bao gồm hạn chế và xử phạt) phải do luật qui định. Không có luật hạn chế điều gì thì làm điều đó là không phạm luật và không phải xin phép nơi nào hết. Hoàn toàn không cần phải có luật cho phép làm điều đó. Chỉ có quan chức mới chỉ được làm những gì mà luật cho phép để hạn chế sự lạm dụng quyền hành của họ mà thôi. Không ai hay tổ chức nào được quyền nhân danh vì bất kỳ lợi ích chung nào để áp đặt các hạn chế đối với các quyền con người của công dân mà không được thông qua bằng luật bởi một quy trình lập pháp hợp hiến. Lý do và mục đích của những sự hạn chế như vậy cũng phải được ghi rõ.

Điều 12 Hiến pháp 1992 ghi "Nhà nước quản lý xã hội bằng pháp luật, không ngừng tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa". Điều này rõ ràng là tuân theo nguyên tắc pháp chế đúng đắn của một nhà nước pháp quyền như trên, phù hợp với chuẩn mực của luật pháp quốc tế. Tuy nhiên, thực tế thì khác hẳn. Không hiểu dựa trên cơ sở nào mà rất nhiều vị đại biểu Quốc hội – những người được gọi là những nhà lập pháp đại diện của dân – lại hồn nhiên phát biểu trước công chúng đại ý là phải cố gắng nhanh chóng xây dựng luật để người dân có thể thực hiện các quyền của mình. Còn các cơ quan hành pháp thì ban hành đầy rẫy các nghị định, quyết định hạn chế, cấm đoán các quyền con người của công dân một cách vi hiến. Còn các cơ quan tư pháp thì chưa bao giờ ra bất kỳ phán quyết nào liên quan đến sự vi hiến, đơn giản vì chúng không có được quyền hạn đó trên danh nghĩa và cũng không có đủ quyền lực tư pháp độc lập trên thực tế.

Thuộc tính xã hội chủ nghĩa đúng ra phải thể hiện được sự ưu việt hơn cho nguyên tắc pháp chế của một nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, thì thực tế lại trở thành cái để lợi dụng nhằm tước đoạt rất nhiều quyền con người của công dân bằng cách đặt sự bảo vệ chế độ lên trên hết – vi phạm nguyên tắc "Tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân" của Hiến pháp (điều 2). Thực tế này lại tiếp tục bị lợi dụng để bảo vệ đặc quyền cho các nhóm lợi ích nhỏ, tạo ra một thực tế càng tệ hại hơn nữa.

Trách nhiệm của công dân

Cách biệt giữa danh nghĩa và thực tế của môi trường pháp lý Việt Nam đang rất nghiêm trọng và ngày càng xấu đi nên gây ra bất ổn nặng nề. Trách nhiệm này đương nhiên là thuộc về chính quyền, nhưng nếu người dân không ý thức được các quyền con người và vai trò làm chủ đất nước của mình thì cách biệt này không bao giờ được thu hẹp theo hướng tốt đẹp. Dân ta cần hiểu cốt lõi bản chất của các khái niệm Nhân quyền, Pháp quyền, Pháp chế. Thực ra chúng rất đơn giản: Nhân quyền là các Quyền con người của mỗi người chúng ta vốn có từ lúc sinh ra mà không ai có quyền ban phát cả và chúng ta cần tự tin sử dụng ngay các quyền này mà không phải đợi ai cho phép. Pháp quyền là trách nhiệm trên hết của nhà nước phải bảo vệ cho công dân thực hiện đầy đủ các quyền bất khả xâm phạm này của mình, và Nhà nước Việt Nam hiện nay là một nhà nước pháp quyền được khẳng định tại Hiến pháp. Pháp chế nghĩa là chúng ta chỉ bị hạn chế làm những gì có luật qui định rõ, không có luật hạn chế tức là không có hạn chế, chứ không phải là chưa được phép. Mối liên hệ của bản chất và nguyên tắc của 3 khái niệm này tạo nên một nguyên lý cốt lõi của dân chủ: công dân có quyền làm bất cứ điều gì mà luật không hạn chế và không cần phải xin phép để làm điều đó.

Ở các nước dân chủ và thịnh vượng, thay vì làm ra nhiều luật để hạn chế thì nhà nước ở đó xây dựng rất nhiều luật khuyến khích và tạo động lực cho công dân của mình làm nhiều việc tốt để hướng xã hội phát triển theo những lý tưởng tốt đẹp. Chúng ta hoàn toàn đủ quyền và đủ lý do chính đáng để đòi hỏi có được một nhà nước pháp quyền với các nguyên tắc pháp chế như trên.. Không có những áp lực từ dưới lên thì sẽ khó có thể có được những thay đổi từ trên xuống. Đó là trách nhiệm của công dân.

Trách nhiệm của chính quyền

Tuy nhiên, trách nhiệm trên hết vẫn thuộc về chính quyền. Nếu nhà nước và đảng Cộng sản Việt Nam không nhận rõ được hiện trạng như trên và nhanh chóng thực hiện các giải pháp cải cách thành công thì sự thất bại của chúng sẽ dẫn đến các cuộc cách mạng. Liên Xô  sụp đổ sau khi đã tiến hành cải cách muộn màng và thất bại.

(Trích từ quyển sách Con đường Việt Nam)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét