Thứ Năm, 11 tháng 7, 2013

RFA. Phạm Chí Dũng : Đáp án cho “danh sách 20”

Nguồn RFA

Phạm Chí Dũng gửi RFA từ SG 2013-07-10

000_Hkg7852839-305.jpg
Công an, dân phòng dày đặc trước Tòa án Nhân dân TPHCM tại phiên xử ba blogger Điếu Cày, Anhba Saigon, Tạ Phong Tần hôm 24/9/2012, ảnh minh họa.
AFP photo

Có lẽ, giới blogger Việt Nam hiểu rằng họ vừa thoát khỏi một nỗi nguy hiểm không hoặc chưa có thực, và có thể từ đây đến cuối năm 2013 hoặc kéo sang cả năm 2014, họ sẽ tương đối bình yên mà "tác nghiệp" và nhậu nhẹt, trong lúc các chính khách còn quá nhiều mối lo quốc gia đại sự và cả mất ngủ vì "lo nghĩ" về nhau.

Cải chính Nguyễn Trọng Tạo

Nửa tháng sau bài "Gửi thủ tướng Ba Dũng" trên blog của mình, nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo lại viết tiếp một bài "sửa sai" với tựa đề "Vụ 20 bloger bị bắt: thông tin thật và giả?", với câu kết như một lời xin lỗi: "Sau vụ này, tôi thấy mình cần cảnh giác hơn, và bạn bè của tôi trên mạng nữa, hãy cẩn thận kẻo bị lẫn lộn thật giả không đáng có".

Câu kết trên xuất hiện vào ngày 9/7/2013, trùng với ngày xét xử luật sư công giáo Lê Quốc Quân bị đình hoãn một cách ngộ nghĩnh, và trong bối cảnh chưa có thêm một blolgger nào bị câu lưu sau vụ blogger Từ Anh Tú sáng bắt chiều thả.

Cần nhắc lại, điểm nhấn rối trí đáng bận tâm nhất trong bài "Gửi thủ tướng Ba Dũng" trên blog Nguyễn Trọng Tạo ngày 24/6/2013 không phải là sự gợi nhớ lại tình đồng đội và thân phận thương cảm của một bà mẹ Việt Nam anh hùng, mà là một đoạn bình luận chen ngang: "Hôm 19/6 có người trong đoàn anh Tư Sang từ Trung Quốc điện cho tôi bảo đã có danh sách 20 blogger có thể bị bắt. Tôi nói vui: Bắt hết nhân dân đi, xem họ sống với ai".

Lời bình luận này, hoàn toàn không phù hợp với chủ đề và những nội dung chính của bài viết, lẽ ra có thể làm cho người đọc cảm nhận về một sự chông chênh không thể lý giải của tác giả về kinh nghiệm hành văn. Tuy vậy, chính cái đoạn viết tưởng đâu hết sức nhỏ nhặt và thuộc vể lỗi kỹ thuật như thế lại là tác nhân gây nên một làn sóng xáo động và hoang mang trong giới blogger, kéo dài ngay sau khi bài viết này được đăng tải cho đến tận giờ đây, cùng kéo theo rất nhiều bình luận trên mạng và giới lề dân về khả năng và câu chuyện dành cho những ai có triển vọng "nhập kho", thậm chí còn khiến khá nhiều hãng truyền thông quốc tế không thể đứng ngoài cuộc.

Ở một thái cực ngược lại hoàn toàn, bài "Vụ 20 bloger bị bắt: thông tin thật và giả?" lại là lời trần tình của thi sĩ Nguyễn Trọng Tạo về việc đã chẳng hề tồn tại một "nhà báo quen" nào trong "đoàn anh Tư Sang đi Trung Quốc", tức bản thân tác giả đã bị "hố" khi có nhã ý nêu ra thông tin về "danh sách 20 blogger có thể bị bắt" để cảnh báo cho các "đồng đội".

Ai chỉ đạo bắt blogger?

Một chi tiết không thể bỏ qua là việc xác minh về nhân vật "nhà báo quen" như vậy đã được thi sĩ Nguyễn Trọng Tạo tiết lộ là do một "anh bạn của mình" – tức một người phải có năng lực đặc biệt để tiến hành kiểm tra về hoạt động xuất cảnh trong vòng mấy tháng qua của "nhà báo quen". Nếu hành động kiểm tra như vậy là có thực thì "anh bạn" phải thuộc một cơ quan đặc biệt (chẳng hạn như cơ quan an ninh), hoặc chí ít cũng phải có mối quan hệ rất đặc biệt với một cơ quan đặc biệt nào đó.

Vậy, câu hỏi là từ đâu xuất hiện nhân vật "anh bạn" này? Phải chăng đó chỉ là do trí tưởng tượng của người làm thơ - như điều đã từng có dư luận về tính ảo tưởng của "danh sách 20", hay đó là một nhân vật có thực trong đời sống chính trị, lộ diện bởi tác động can thiệp từ một cơ quan hay một cấp nào đó – những người muốn "thanh minh" cho hiện thực không tồn tại của "danh sách 20"?

Mà nếu "danh sách 20" không có nguồn gốc, thiếu chân đứng pháp lý hoặc chỉ là tin đồn thổi hết sức mơ hồ, người ta có thể suy ra là chẳng có nguồn cơn nào dính dáng đến "đoàn anh Tư Sang". Cũng có nghĩa không phải Chủ tịch nước đã chỉ đạo bắt một số blogger để "triều cống' hoặc "dâng tiến" ngay trước chuyến đi Bắc Kinh như một số dư luận bình phẩm, trong đó có cả vị giáo sư đầy kinh nghiệm chính trị Carl Thayer của Học viện quốc phòng Australia.

Khi một giả thiết khó khăn nhất đã được loại trừ, người ta có thể dễ dàng suy luận ra tính hợp lý của giả thiết còn lại. Đó là giả thiết về thủ pháp "bắn tin", do một nhóm người nào đó thực hiện, xảy đến trong bối cảnh cơ quan an ninh vừa tiến hành bắt khẩn cấp 3 blogger Trương Duy Nhất, Phạm Viết Đào và Đinh Nhật Uy, kể cả chuyện "bắt hụt" blogger Từ Anh Tú ngay trước chuyến đi Trung Quốc của "đoàn anh Tư Sang".

Câu hỏi cuối cùng tất nhiên là nếu không phải "anh Tư Sang" chỉ đạo bắt blogger, thì có ai khác muốn tạo nên một sự kiện gây sốc như thế? Và nhằm mục đích gì?

Phép màu cho Từ Anh Tú?

Một trong những hệ quả của "hiệu ứng 20" đã được toàn bộ giới blogger lề dân "quán triệt" một cách khá sâu sắc.

Ngay sau khi tin đồn có thể bắt tràn lan được tung lên mạng, khá nhiều blogger đã "tự điều chỉnh" – như cách bình luận của chính blogger Nguyễn Trọng Tạo trong bài "sửa sai" mới đây. Những "luận điệu tuyên truyền chống phá và cổ suý cho các thế lực thù địch" cũng vì thế đã giảm bớt về liều lượng và hàm lượng. Ít nhất, chính quyền cũng cảm thấy dễ thở hơn trong nửa tháng qua.

Nhưng hình như lại có một ẩn ý trong hai bài viết có tính tiếp nối về chủ đề của nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo. Cùng với sự biến mất của nhân vật vô hình "nhà báo quen" là sự thay thế của nhân vật vô hình "anh bạn" – đều là những nhân vật không có tên tuổi và không được chứng thực bởi bất kỳ một nguồn gốc nào, hai bài viết của Nguyễn Trọng Tạo đều đề cập vừa trực diện vừa gián tiếp đến Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, dưới hình thức một bức thư gửi thủ tướng và nỗi băn khoăn về 3 trang web cùng nhân danh người đứng đầu chính phủ.

Cấu trúc văn học không bình thường của nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo trong hai bài viết này cũng có thể làm người đọc liên tưởng đến một thủ pháp được dùng trong văn học trinh thám cổ điển của Conan Doyle  hoặc Maurice le Blanc. Còn ứng với một phép quy nạp toán học hay logic học đơn giản, người ta có thể nhận ra hai cái "không" tạo nên một cái "có".

Hai hình ảnh vô danh lại đứng bên cạnh một hình ảnh hữu danh.

Nhưng cái hữu danh đó thuộc về ai?

Không quá khó khăn để ngườí ta hệ thống lại khá nhiều dư luận đã bắt đầu xuất hiện một cách bất lợi đối với chủ tịch nước ngay trước, trong và sau chuyến đi Bắc Kinh. Đặc biệt, dư luận dân cư mạng tỏ ra phẫn nộ với việc blogger Đinh Nhật Uy bị bắt.

Tuy nhiên, động thái sáng bắt chiều thả đối với blogger Từ Anh Tú lại là một phương trình nhiều ẩn số. Bắt rầm rộ và đầy "quyết tâm" với sự liên quan đến cuốn sách "Bên thắng cuộc" không còn nhiều tính thời sự của tác giả Huy Đức, nhưng thả ra lại lặng lẽ và còn có vẻ khá "ưu ái". Như vậy có nghĩa là sao?

Nhiều người có kinh nghiệm trong giới blogger luôn cho rằng việc bắt hay thả một ai đó trong số họ khá thường phải xuất phát từ chỉ đạo của một cấp cao, thậm chí rất cao, chứ không thuần tuý do chủ ý của cơ quan an ninh địa phương. Nếu trường hợp Từ Anh Tú cũng tuân theo nguyên tắc đó, hẳn cái đoàn "thủ kho" đến 15 nhân viên an ninh kia không thể nào buông tha Tú một cách dễ dàng.

Mà việc Tú được thả ngay trong buổi chiều hôm bị bắt chỉ có thể được biến hóa từ một phép màu.

Phép màu nào vậy?

Hoặc những người đi bắt thừa nhận về một lầm lẫn nào đó của họ, nhưng cho tới nay vẫn chẳng có bất kỳ thông tin nào được công bố từ phía cơ quan chức năng; hoặc đã có một sự thay đổi lớn lao nào đó liên quan đến "ý chỉ" từ một cấp cao, thậm chí rất cao trong giới lãnh đạo nhà nước.

Im lặng và chờ đợi

Nhưng nói gì thì nói, điều có thể xem là bất nhất trong hành động bắt giữ đột ngột và thả người cũng đột ngột không kém của cơ quan an ninh đã làm phát sinh dư luận về một tình trạng không thống nhất nào đó trong "nội bộ", cũng như dư luận về sự chênh biệt rất đáng kể về quan điểm bắt người giữa một số vị lãnh đạo cao cấp bằng mặt không bằng lòng.

Thật ra, dư luận như thế không hẳn là không có cơ sở. Một hiện tượng lạ lùng là từ khi xảy ra vụ bắt giữ đầu tiên đối với blogger Trương Duy Nhất cho đến nay, toàn bộ hệ thống báo đảng cần mẫn và thân quen như Nhân dân, Quân đội nhân dân, Công an nhân dân đã không hề bình luận về các vụ bắt giữ, cũng không có các bài "phản tuyên truyền" như vẫn thường xuất hiện đối với các vụ việc "diễn biến hòa bình" trước đây như 14 thanh niên công giáo và tin lành, trường hợp Phương Uyên và Nguyên Kha, vụ bắt và xét xử 22 người của Hội đồng công luật công án Bia Sơn, và xa hơn trong dĩ vãng là hàng loạt trường hợp như Điếu Cày, Tạ Phong Tần, Việt Khang…

Lẽ nào đã xảy ra một tư thế không đồng nhất về quan điểm tuyên truyền và phản tuyên truyền, từ hệ thống tuyên giáo cấp trung ương đến bản thân các tờ báo đảng và có thể cả trong nội tình của từng tờ báo? Phải chăng các cơ quan ngôn luận của Đảng đã không nhận được một chỉ đạo thống nhất như thường có trước đây, và do đó họ đành kiên tâm giữ thái độ im lặng?

Im lặng và có thể cả chờ đợi.

Nhưng chờ đợi cái gì?

Có dư luận cho rằng sau chuyến đi Bắc Kinh của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, không khí chính trường Việt Nam như trở lại trạng thái và mối tương quan trước Hội nghị trung ương 6, tức vào khoảng giữa năm 2012. Mà nửa cuối năm ngoái lại xảy ra khá nhiều biến động bất thường về quan điểm điều hành và thay đổi nhân sự.

Tất nhiên, dư luận trên có được xem là chân xác hay không thì còn phải chờ nửa cuối năm 2013, mà trước mắt là đợt bỏ phiếu tín nhiệm ngay trong nội bộ đảng – một chủ trương mà Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã công khai nhắc đến không chỉ một lần.

Đinh Nhật Uy?

Trong bối cảnh còn nhiều vấn đề vĩ mô cấp quốc gia cần phải giải quyết, có vẻ như trường hợp blogger Đinh Nhật Uy ở Long An không còn là chuyện lớn. Thậm chí, đó có thể chỉ là câu chuyện rất nhỏ hoặc "chẳng có gì" vào thời điểm này.

Một trong những cơ sở để nhận chân ra lý lẽ đó là đã không hề có tính xác cứ đối với "danh sách 20".

Điều đó cũng có nghĩa là Đinh Nhật Uy rất có thể chẳng nằm trong một "danh sách tử thần" nào, mà có thể chỉ bị bắt giữ như một trường hợp thông thường, nằm trong hàng trăm "đối tượng" có hành động chống sự can thiệp của Trung Nam Hải. Hoặc cũng có thể bị bắt giữ theo một lối "ngẫu hứng" nào đấy.

Nếu quả vấn đề của Uy là thông thường và đang trở nên "bình thường hóa", hẳn nhiên chẳng còn mấy nhà chức trách bày tỏ mối quan tâm đặc biệt đến trường hợp này. Chỉ là một thanh niên "nông nổi", "vi phạm lần đầu" cùng "nhân thân tốt", chỉ cần được "răn đe" và "giáo dục" một thời gian…

Mới đây, gia đình của Đinh Nhật Uy đã làm đơn bảo lãnh cho con mình được tại ngoại để làm đám cưới với vị hôn thê đang tháng ngày mong mỏi. Điều đáng ngạc nhiên là chỉ một ngày sau khi nhận được đơn, cơ quan điều tra Long An đã lập tức mời gia đình Uy đến làm việc và hẹn sẽ trả lời đơn này trong ít ngày tới. Một số đồ vật của ba Uy, bị thu giữ trong quá trình bắt Uy, cũng đã được công an Long An làm thủ tục trả lại.

Không khí có vẻ đang được "bình thường hóa" như thế có thể khiến gia đình Đinh Nhật Uy gia cố hy vọng về việc blogger này có thể được tại ngoại và tiếp tới được đình chỉ điều tra trong thời gian không quá lâu nữa.

Quân – Uyên – Kha?

Câu chuyện của Đinh Nhật Uy cũng diễn ra trong bối cảnh phiên tòa dự kiến xét xử "Lê Quốc Quân cùng đồng phạm" đã được cơ quan tư pháp đình hoãn rất đột ngột, với lý do thẩm phán Lê Thị Hợp bị cảm – điều làm cho không ít dư luận hoài nghi về sang chấn "cảm mạo cấp cứu" như một hiện tượng không thường lệ trong y học. Thậm chí, blogger Nguyễn Xuân Diện còn nêu ra sáng kiến sẽ tổ chức một đoàn đi thăm bà Hợp tại bệnh viện.

Biểu hiện hình thức có thể toát lên bản chất vấn đề. Câu cú lộn xộn, ngày tháng lẫn lộn, chính tả không cần chấm phẩy và điều được nại là "lý do khách quan" trong hình thức văn bản của Tòa án Hà Nội trả lời cho luật sư bào chữa của Lê Quốc Quân… lại cho thấy một bầu không khí vừa lúng túng vừa căng thẳng đối với "khúc xương công giáo" ngày càng khó nuốt.

Bầu không khí ấy cũng làm người ta liên tưởng đến sự sôi động trước phiên xử sơ thẩm "người nông dân nổi dậy" Đoàn Văn Vươn. Những thánh lễ sôi sục cầu nguyện ở phần lớn các giáo xứ tại Việt Nam đang được đa số giáo dân kỳ vọng sẽ mang lại kết quả ít ra "giảm nửa án" cho Lê Quốc Quân - như hiệu quả đã diễn ra tại tòa án Hải Phòng vào tháng 4/2013 đối với Đoàn Văn Vươn.

Và nếu bầu không khí như vậy được diễn đạt một cách logic, phiên xử phúc thẩm đối với Phương Uyên và Nguyên Kha trong thời gian tới đây có thể sẽ trở nên "khoan dung" hơn. Người ta cũng hy vọng nếu đã có vài trường hợp trong số 14 thanh niên công giáo và tin lành được giảm án đáng kể trong phiên phúc thẩm, thì cũng có một khả năng cơ quan tư pháp tự ngộ là họ đã nghiêm khắc một cách vô lối đối với hai bạn trẻ - những người được nhiều dân chúng cho là mang tinh thần yêu nước.

Chỉ có điều, quá trình điều tra và có lẽ cả tố tụng hình sự đối với hai blogger Trương Duy Nhất và Phạm Viết đào lại có thể diễn ra không mấy êm ả. Như thuộc về một "kênh" khác, hai trường hợp này có thể đang bị truy xét về chủ đề "nguồn tin" – một sắc thái thường liên hệ mật thiết đến những vấn đề quan hệ và đấu tranh nội bộ.

Kết thúc một phép thử

Nhìn tổng quan từ các vụ bắt giữ blogger, xét xử các nhân vật "tù nhân lương tâm" cho đến vận động và tương quan trên chính trường, người ta có thể tưởng tượng ít nhất một kết luận: chiến dịch bắt giữ blogger vừa qua không hẳn là một tác động trực tiếp đối với những người hoạt động phản biện dân chủ, và tác động gián tiếp xảy ra có lẽ chỉ ảnh hưởng ở mức độ khá nhẹ nhàng trong một thời gian ngắn.

Minh chứng rõ nhất cho tình cảnh khả quan bất đắc dĩ ấy là đã không hề tồn tại một "danh sách 20" nào.

Một minh chứng khác, trái ngược với mối lo của nhiều blogger, là tác giả "Bên thắng cuộc" đã trở về Sài Gòn bình yên. Bức ảnh Huy Đức chụp chung với Đỗ Trung Quân ở sân bay Tân Sơn Nhất còn như được điểm xuyết bởi nhát bút "vô hại có điều kiện".

Thậm chí vị thế của các blogger còn được khẳng định, khi cả hai thông tin về "danh sách 20" lẫn lời "thanh minh" đều hiện ra trên blog của nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo – một trong số những blogger có uy tín xã hội, chứ không được thể hiện trên bất cứ một tờ báo lề phải nào. Điều đó gián tiếp cho thấy trong con mắt của ít nhất một số cơ quan đặc biệt nào đó của chính quyền, giới blogger Việt Nam đã có một chỗ đứng không thể phủ nhận về vị trí xã hội và tác động lan tỏa chính kiến.

Bối cảnh trên diễn ra cùng với tác động ngày càng lớn về nhận thức lại của Hoa Kỳ, Cộng đồng châu Âu và các tổ chức nhân quyền quốc tế khi họ cho rằng họ đã bị "hố" trong giai đoạn trước đây khi để cho Việt Nam tham gia Tổ chức thương mại thế giới. Cũng bởi thế, sự lên tiếng gay gắt của Ủy ban đối ngoại Hạ nghị viện Mỹ, thái độ nghiêm khắc của cơ quan ngoại giao các nước Tây Âu, những văn bản cận kề nhất như Dự luật nhân quyền cho Việt Nam và Dự luật chế tài nhân quyền Việt Nam, hiện đang được trình cho Hạ nghị viện và sau đó là Thượng nghị viện Mỹ, là những động thái mà Nhà nước Việt Nam không nên và không thể xem thường.

Vào tháng 4/2013, nghị sĩ Bernt Posselt thuộc Đảng Bình dân Châu Âu (EPP) còn nói tuột ra: "Tôi nghĩ rằng điều cực kỳ quan trọng phải nói ra, là chúng tôi xem họ như đối tác, trên lĩnh vực chính trị cũng như kinh tế. Kể cả việc nếu họ muốn, chúng tôi có thể hậu thuẫn họ làm thành viên Hội đồng Nhân quyền (Liên hiệp quốc) năm tới. Nhưng trước hết họ phải làm tròn các tiêu chuẩn, có nghĩa là họ phải tôn trọng nhân quyền, mà hiện nay thì họ đàn áp quá dữ dội".

Phía trước là… nhậu nhẹt

Gần đây, người viết bài này có dịp gặp gỡ và phỏng vấn bỏ túi một số blogger như Huỳnh Ngọc Chênh, Nguyễn Quang Lập, Đỗ Trung Quân tại một… bàn nhậu. Tất cả những gì mà các nhân vật đình đám này trêu đùa nhau đều liên quan đến mối quan tâm không che giấu của anh em bạn bè trước khả năng họ bị "nhập kho". Thậm chí một số blogger còn lên kế hoạch hành động rất cụ thể: tổ chức một hội thăm nuôi cho những blogger đã bị bắt và những người có tương lai không còn tự do.

Cũng đã đến lúc phải tính đến chuyện "hậu sự" bằng vào công tác từ thiện nhân đạo.

Nhưng nói gì thì nói, trong khi cảm thán về thái độ có vẻ khá cẩu thả của nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo, giới blogger hình như lại đang thầm cám ơn ông. Sự cám ơn chân tình này trước hết vì nhã ý của nhà thơ muốn thông tin và cảnh báo, và sau đó vì lời "cải chính" không sớm cũng chẳng muộn về "danh sách 20" của ông.

Một phép thử đã trôi qua, và may mắn thay cho giới blogger Việt Nam, chưa có gì được coi là là một trả giá xứng đáng.

Biểu cảm "cùng nhau đi nhập kho" của Huỳnh Ngọc Chênh, vốn đã lan tỏa một cách trào phúng và thân thiện trên các diễn đàn vào những ngày gian khó vừa qua, lại có thể được biến tấu thành một nét gì đó vui nhộn hơn trong những ngày tới, tự chuyển hóa từ tâm lý "bớt sợ" sang "thoát sợ".

Có lẽ, giới blogger Việt Nam hiểu rằng họ vừa thoát khỏi một nỗi nguy hiểm không hoặc chưa có thực, và có thể từ đây đến cuối năm 2013 hoặc kéo sang cả năm 2014, họ sẽ tương đối bình yên mà "tác nghiệp" và nhậu nhẹt, trong lúc các chính khách còn quá nhiều mối lo quốc gia đại sự và cả mất ngủ vì "lo nghĩ" về n

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét