Ỷ Lan : Thưa bà Farida Shaheed, là Báo viên LHQ về Quyền Văn hóa, bà vừa từ Việt Nam trở về sau chuyến đi 12 ngày khảo sát quyển văn hóa có được nhà cầm quyền Việt Nam tôn trọng hay không. Xin bà cho biết những thành phần dân chúng nào được bà tiếp xúc qua chuyến viếng thăm này ?
Farida Shaheed : Tôi đã gặp gỡ rộng rãi những người thuộc phía chính quyền, từ cấp bộ trưởng đến cấp địa phương. Tôi gặp những viên chức trong lĩnh vực văn hóa , giáo dục, dân tộc thiểu số và vụ tôn giáo, những thành viên Liên hiệp Phụ nữ, Liên hiệp các Nghệ sĩ, cũng như Ban Tuyên vận Đảng Cộng sản.
Về phía xã hội dân sự, chúng tôi đã gặp gỡ một số các nhà nghiên cứu và Viện Nghiên cứu, nghệ sĩ, các nhân viên phụ trách Viện Bảo tàng, nhà văn, nghệ sĩ hội họa, điện ảnh, thi sĩ - rất nhiều vị thuộc các lĩnh vực diễn đạt nghệ thuật. Tôi cũng đến thăm vùng núi Sapa và gặp gỡ với giới kỹ nghệ du lịch ở đây hay các nơi khác. Văn hóa Việt Nam rất đa dạng, tôi còn muốn thăm nhiều nơi nữa, nhưng tiếc rằng không đủ thời giờ.
Ỷ Lan : Có nhiều Báo cáo viên LHQ khác, tôi nghĩ tới bà Gay McDougal, đặc nhiệm về Dân tộc Ít người, thì than phiền bà không được gặp gỡ ai khác ngoài vòng các nhân viên nhà nước khi bà đi Việt Nam khảo sát. Bà có cảm thấy sự hạn chế này không ? Bà có được tự do gặp gỡ với xã hội dân sự và những ai tỏ lời phê phán chính quyền ?
Farida Shaheed : Với tôi, thật là quan trọng để tiếp xúc với xã hội dân sự và các nhóm hay các nhà hoạt động độc lập, vì qua họ mà ta có thể tiếp cận những người khác, để học hỏi thêm nhiều chuyện. Cho nên mọi Báo cáo viên LHQ đều tìm cách tiếp cận với xã hội dân sự độc lập, ngoài lịch trình do nhà nước ấn định. Chúng tôi có một lịch trình làm việc chính thức thiết lập chung với chính quyền trước khi tới Việt Nam. Nhưng ngoài lịch trình chính thức, chúng tôi tự xếp đặt cho mình các cuộc tiếp cận với xã hội dân sự, và gặp gỡ theo thì giờ chúng tôi quy định. Nhờ vậy đã có những người gặp chúng tôi, ăn nói thoải mái về hiện tình họ đang sống.
Đã có sự cởi mở theo như lời những người tôi gặp gỡ, và các xã hội dân sự hay các văn nghệ sĩ cũng đồng ý, không gian này đã lớn hơn trước. Đây là điều tích cực, nhưng chưa đủ. Hiện đang có nhu cầu mở rộng không gian cho việc tranh luận và tham gia đối thoại
bà Farida Shaheed
Ỷ Lan : Bà có thể cho biết tên những tổ chức xã hội dân sự hay người bà gặp gỡ ?
Farida Shaheed : Tôi không thể cung cấp tên họ ở đây. Ngay cả bản Phúc trình của tôi sẽ đệ trình LHQ vào tháng 3 năm tới, tôi cũng không nêu tên tuổi họ, để bảo vệ an ninh cho những ai đã cung cấp cho chúng tôi những tin nhạy cảm
Ỷ Lan : Tại cuộc họp báo ở Hà Nội, bà đã nói lên nhu cầu "mở thêm không gian cho người dân tự bộc lộ quan điểm họ" hay "bảo đảm tự do biểu đạt nghệ thuật và tự do học thuật ở mức cao hơn". Điều gì đã đưa bà tới nhận định như thế ?
Farida Shaheed : Tôi nghĩ người ta phải công nhận rằng Việt Nam đã thực hiện tốt và khác thường cho sự phát triển kinh tế. Nhưng đồng lúc, vì môi trường kinh tế quá sống động, đang nẩy sinh ước muốn thâm sâu trong lòng người dân, trong xã hội dân sự, giới học thuật cũng như giới doanh thương, là được tham gia và nói lên ý kiến họ cho tương lai đất nước. Tôi nghĩ rằng đã có sự cởi mở theo như lời những người tôi gặp gỡ, và các xã hội dân sự hay các văn nghệ sĩ cũng đồng ý, không gian này đã lớn hơn trước. Đây là điều tích cực, nhưng chưa đủ. Hiện đang có nhu cầu mở rộng không gian cho việc tranh luận và tham gia đối thoại. Ngay cả trong vấn đề phát triển kinh tế. Tôi nghĩ rằng tiến trình phát triển cần thiết phải kéo theo tranh luận và đối thoại với quần chúng là đối tượng của sự phát triển, nhờ vậy họ mới có tiếng nói cho tương lai của họ. Tôi cũng nghĩ rằng Việt Nam nên nhìn lại những ảnh hưởng tiêu cực trong cuộc phát triền kinh tế quá nhanh, những tác động có hại cho quần chúng, cho văn hóa và đời sống của họ. Kể cả du lịch. Tuy quần chúng được hưởng lợi từ các cuộc du lịch văn hóa, nhưng bản thân khối quần chúng kế thừa văn hóa ấy chỉ bị lợi dụng cho sự phát triển du lịch mà thôi.
Một vấn đề khác mà tôi quan tâm là môn dạy lịch sử. Tôi được một số giáo viên cho biết rằng tại Việt Nam chỉ có một giáo trình duy nhất về môn sử. Tôi thường khuyến nghị rằng tất cả các quốc gia nên có vài cuốn sách dạy sử để cho các giáo viên có khả thêm tư liệu truyện đạt một cách đa dạng hầu tránh cho học sinh, sinh viên cách hiểu một chiều. Mục đích tối hậu của người dạy sử là dạy cho học trò tinh thần phê phán, biết cách phân tích toàn diện các sự cố và hiện tượng.
Ỷ Lan : Còn vấn đề văn học nghệ thuật thì sao thưa bà ?
Farida Shaheed: Cũng như thế trong lĩnh vực nghệ thuật và học thuật, tôi nghĩ là có khuyết điểm trong việc định nghĩa các ranh giới. Hiện có Hiến Pháp với các quyền tự do ngôn luận và lập hội, nhưng các Viện Nghiên cứu, hay nghệ sĩ không biết làm sao trước ngã ba đường vì luật pháp chẳng hề quy định phải trái. Như thế thì những tự do trong Hiến Pháp cần định nghĩa lại để cho các điều luật không áp dụng tùy tiện và quần chúng thấy rõ hơn không gian tự do họ được phép. Có thể nói đang có một chút "xin cho" hiện nay. Không gian có thoáng hơn, nhưng không gian ấy nẩy sinh sự căng thẳng cho những ai thúc đẩy hay tìm cách biểu tỏ ý kiến họ. Tôi cho rằng những trừng phạt áp đặt lên giới nghệ sĩ chỉ vì họ biểu tỏ ý kiến của họ, là quá đáng. Giới này không xúi giục bạo động hay phản chống, họ chỉ biểu tỏ quan điểm họ mà thôi. Lẽ ra họ phải được quyền sáng tạo mà không bị trừng phạt.
Tôi cho rằng những trừng phạt áp đặt lên giới nghệ sĩ chỉ vì họ biểu tỏ ý kiến của họ, là quá đáng. Giới này không xúi giục bạo động hay phản chống, họ chỉ biểu tỏ quan điểm họ mà thôi
Bà Farida Shaheed
Ỷ Lan : Bà có nhắc chuyện một số nghệ sĩ bị bắt giam, sách nhiễu, hay hăm dọa vì những tác phẩm sáng tạo của họ, đúng thế không thưa bà ?
Farida Shaheed : Đúng thế, tôi đã nói thẳng với nhà cầm quyền việc tôi đã gặp những nghệ sĩ và được họ cho biết họ bị theo dõi, bị sách nhiễu, nhận nhiều cú điện thoại vô danh hăm dọa, và có số người còn bị tấn công thân thể. Họ tin rằng đó là hậu quả của sự biểu tỏ ý kiến họ. Đặc biệt là vì không có những điều luật minh bạch được viết ra quy định các giới hạn không được vượt qua. Ngay tại tòa án cũng không hề minh định những luật lệ định nghĩa rõ ràng cái gì là phạm tội, cái gì là quyền biểu tỏ chính đáng.
Ỷ Lan : Một điều khác mà bà nhận định là không có các nhà xuất bản tư nhân và độc lập với nhà nước?
Farida Shaheed : Theo tôi hiểu thì có một hệ thống in ấn, xuất bản, nhưng không có nhà xuất bản độc lập. Đây là điều đáng quan ngại, vì nó cho thấy rằng ai đó muốn xuất bản những công trình không thông qua kiểm duyệt của nhà nước thì đành phải xuất bản lậu thôi, và làm như thế sẽ bị trừng phạt. Có nhiều nhà văn phải gửi tác phẩm họ ra in ở nước ngoài. Điều này đóng sập không gian tự do ngôn luận và biểu tỏ ý kiến.
Ỷ Lan : Lúc nào thì bà cho công bố bản phúc trình và bà chờ đợi kết quả ra sao thưa bà ?
Farida Shaheed: Tôi sẽ công bố bản Phúc trình của tôi tại Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc vào khóa họp tháng 3 năm 2014. Tôi hy vọng rằng phúc trình này sẽ giúp đỡ cho nhân dân trong nước và các xã hội dân sự, đồng thời thúc đẩy chính quyền Việt Nam chuyển biến trên những vấn đề mà chúng tôi nhận dạng.
Ỷ Lan : Xin cám ơn bà Farida Shaheed.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét