Thứ Sáu, 23 tháng 8, 2013

Ghé thăm các Blọgs: 22/08/2013 (diendantheky)

Nguồn diendantheky

BLOG ĐÀO TUẤN
Tháng Tám 22, 2013 

Họ sẽ phải rời nông thôn muôn đời luôn trong trẻo "không còn những thứ gió quẩn khốn nạn, hiểm nguy và đầy bất trắc" trở thành những món hàng trong chợ người thành phố?

Thiên tai. Dịch bệnh. Biến động thị trường. Thuế phí. Nợ nần. Ốm đau. Mất đất. Thất nghiệp. Đây là những từ ngữ tuy rời rạc, nhưng lại có một mối liên hệ chung: Chúng là những nguyên nhân gây ra các "cú sốc"- từ dùng trong một báo cáo về "bức tranh nông thôn, nông dân" vừa được công cố hồi tháng 6.

"Cả xã nông dân" trở thành tay trắng sau chỉ một cơn bão! Nông dân nghèo thêm sau mỗi năm… được mùa. Thuế phí đè nặng lên hạt lúa củ khoai con heo con gà khiến càng trồng càng lỗ, càng nuôi càng nghèo. Nhưng cú sốc lớn nhất, nhưng nghịch lý nhất vẫn là câu chuyện những người nông dân không có đất.

Hình như nông dân không có đất thì không được gọi là nông dân nữa.

Hôm qua, đối diện với tư lệnh ngành đất đai, ĐBQH tỉnh lúa Thái Bình Đỗ Văn Vẻ đã 3 lần chất vấn về câu chuyện "sau 68 năm và sau 20 năm". 68 năm sau ngày độc lập, cuộc cách mạng "người cày có ruộng" đã khiến 2 triệu nông dân bấy giờ lần đầu tiên được sở hữu ruộng đất, đối với nông dân, là ước mơ ngàn đời, là tư liệu sản xuất, và là yếu tố để được gọi là nông dân. Còn 20 năm? 20 năm sau ngày Luật đất đai 1993 có hiệu lực, đang tồn tại tình trạng "9,6% tức hơn 6 triệu nông dân không có đất".

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và môi trường khẳng định rằng "Quan điểm là không chia lại đất nông nghiệp". "Chúng ta đặt vấn đề người sinh ra cần có đất trong khi đất thì không sinh ra"- ông nói. Còn việc giải quyết đất cho hơn 6 triệu nông dân, Bộ trưởng nói đến việc "chuyển dịch cơ cấu". Và ông cũng nói thêm rằng "không thể ngày một ngày hai".

"Không chia lại đất" vì không thể giải quyết bất ổn này bằng một bất ổn khác. "Người sinh ra trong khi đất không sinh ra"- Điều này ai cũng có thể nói và nói trúng phóc. Giải quyết bằng "chuyển dịch cơ cấu" kinh tế, và qua đó, chuyển dịch cơ cấu nghề nghiệp. Bộ trưởng nói đều đúng cả. Duy chỉ có điều, nói như thế cũng có nghĩa "không thể ngày một ngày hai" giải quyết được vấn đề ruộng đất và việc làm cho hơn 6 triệu nông dân không có đất.

Mọi so sánh đều khập khiễng. Nhưng có một thực tế là 9,6% hay hơn 6 triệu nông dân không đất trong hoàn cảnh diện tích sử dụng bình quân của 283 khu công nghiệp trên toàn quốc chỉ chừng 60%. 128.000 ha đất bỏ hoang. 2399 dự án với 71.000 ha, hơn 16 ngàn căn chung cư và 1,6 triệu m2 đất nền đang trở thành nơi nông dân… "khai hoang".

Chính Bộ trưởng Quang cũng nhận thấy việc "Chúng ta chạy theo phong trào nhiều, thu hồi đất của dân rồi không sử dụng tạo ra vấn đề XH rất bức bách".

Nhưng 6 triệu nông dân đang bức bách trong "ngày một ngày hai" làm gì để kiếm miếng đút miệng? để tránh cú sốc lớn nhất đối với một người nông dân là không có đất?

Hay họ sẽ phải rời nông thôn muôn đời luôn trong trẻo "không còn những thứ gió quẩn khốn nạn, hiểm nguy và đầy bất trắc" trở thành những món hàng trong chợ người thành phố, để nếu may mắn, trở thành một công nhân khoan điện bất đắc dĩ, và vào một ngày nào đó, có thể bất thần "cháy như đuốc"?

BLOG GÓC NHÌN ALAN

Tôi thường diễu cợt là người đàn ông nên có 4 bà vợ: bà số 1 lo quán xuyến nhà cửa và chăm sóc chồng con tận tinh; bà số 2 là một người bạn thân thiết hiểu chồng để chia sẻ mọi tâm sự ; bà số 3 là một hoa khôi đễ tạo sĩ diện khi sánh bước giao tiếp với xã hội bạn bè; và bà số 4 là một con cọp trên giường để thoả mãn các thú vui trần tục. Điều quan trọng nhất để người chồng giữ vững hạnh phúc là 4 bà không quen hay biết gì về các bà kia.

Tôi không có 4 bà vợ; nhưng có 2 bà giúp việc lo chuyện nhà cửa bếp núc; có Góc Nhìn Alan và tâm sự của BCA để mua vui cho ngày tháng; có mấy đứa con trai vô cùng thông minh để hãnh diện; và có 1 con mèo nhỏ đáng yêu hay ngái ngủ trong tay tôi mỗi tối để cùng tìm hơi ấm. Hạnh phúc là đó. Tôi không hiểu tại sao Hồi Giáo lại chơi độc cho phép đàn ông lấy đến 4 bà vợ? 4 lần rắc rối và nhức đầu sẽ giết bất cứ đàn ông nào, dù là Bin Laden.

Một anh bạn lại thích triết lý, nghiêm túc hơn nên gởi cho tôi chuyện 4 bà vợ của anh. Hãy nghe anh kể:
Một thương nhân giàu có có 4 bà vợ.

Ông nâng niu chiều chuộng, coi người vợ thứ tư như một món đồ trang sức quý, luôn mua sắm cho bà ta những bộ đồ sang trọng đắt tiền.

Ông cũng rất yêu người vợ thứ ba. Ông tự hào về người vợ này và luôn muốn "khoe" vợ với bạn bè.

Ông cũng yêu người vợ thứ hai. Ông coi bà như người bạn tâm tình, người giúp ông vượt qua những khó khăn trong cuộc sống.

Người vợ thứ nhất lại là người rất chân thành, chung thuỷ, luôn kề vai sát cánh bên ông lo toan chu đáo chuyện gia đình. Tuy nhiên, ông lại không yêu bà vợ thứ nhất. Mặc dù bà rất yêu ông, ông hầu như chẳng bao giờ chú ý đến bà.

Một ngày, ông ngã bệnh, sắp từ giã cõi trần.

Ông ta hỏi bà vợ thứ tư: "Tôi yêu mình nhất, luôn dành cho mình sự quan tâm đặc biệt và những điều tốt đẹp nhất. Tôi chẳng còn sống được bao lâu nữa, liệu khi tôi chết, mình có nguyện đi theo tôi không?".

"Không đâu" – Bà vợ thứ tư đáp lại và bước đi.

Ông hỏi người vợ thứ ba: "Tôi yêu bà nhiều lắm, tôi sắp chết rồi, bà có nguyện theo tôi không?"
.
"Không, cuộc sống vẫn đang đẹp mà. Sau khi ông chết, tôi sẽ tái hôn". Trái tim ông run lên đau đớn.

Sau đó, ông hỏi người vợ thứ hai: "Bất cứ khi nào gặp vấn đề khó khăn rắc rối gì tôi cũng đều tìm đến bà. Bây giờ tôi xin bà hãy kề vai sát cánh cùng tôi lần cuối cùng. Khi tôi chết, bà có nguyện đi theo tôi không?".

Bà vợ thứ hai trả lời: "Xin lỗi, lúc này tôi không thể giúp ông được. Nếu có, tôi chỉ đưa linh cữu ông ra mộ thôi".

Ông nghe câu trả lời mà như sét đánh ngang tai. Ông thực sự quá đau đớn vì người mà ông nghĩ có thể tin tưởng nhất cũng bỏ rơi ông. Bỗng có một giọng nói cất lên: "Tôi sẽ đi cùng ông, đi đến bất cứ nơi nào ông tới". Ông dáo dác tìm kiếm chủ nhân của giọng nói và nhận ra đó chính là người vợ thứ nhất, người mà chẳng mấy khi ông để ý tới.

Trông bà gầy và xanh xao quá. Rưng rưng xúc động, ông nói: "Đáng lẽ ra trước đây tôi phải chăm sóc bà nhiều hơn nữa". Chỉ có duy nhất người vợ cả, người thường bị ta bỏ mặc, lãng quên khi sống… là kiên quyết đi theo, yêu thương ta cả cuộc đời

Mỗi chúng ta ai cũng có 4 bà vợ.
Bà vợ thứ tư chính là thân thể của chúng ta. Cho dù ta có chăm chút, trau chuốt đến mấy, rồi nó cũng rời bỏ ta khi ta chết.

Còn bà vợ thứ ba? Đó chính là của cải, địa vị. Khi chúng ta chết, chúng sẵn sàng đi theo người khác.

Bà vợ thứ hai chính là gia đình và bạn bè. Cho dù có thân thiết đến mức độ nào, khi ta chết, họ cũng chỉ khóc đưa ta ra mộ mà thôi.

Bà vợ thứ nhất chính là tâm hồn ta, thường bị lãng quên khi ta chạy theo tiền tài, địa vị, danh vọng, của cải, nhưng nó sẽ theo ta suốt cuộc đời.

Hãy nuôi dưỡng tâm hồn ngay từ bây giờ, vì đó là "người" thân tín nhất bên ta. Đừng để phải hối hận vì đã lãng quên nó.


BLOG HUỲNH NGỌC CHÊNH

Đảng bịnh nặng lắm rồi. Hai vị đứng đầu của đảng là bác Tư Sang và bác Trọng Lú đã công khai công nhận điều đó. Nhiều bịnh lắm nhưng bịnh có tính quyết định cho sự sống còn của đảng là bịnh tham nhũng. Ở đây xin đi lạc đề để bàn chữ "lú" một tí chứ có người chưa biết chuyện lại hiểu nhầm ý tốt của tôi. Gắn chữ lú vào bên cạnh tên bác Trọng, theo như bài báo chính thức trên lề đảng là tỏ ý ca tụng bác là người cực kỳ trong sạch chứ không phải chê bai bác là lú lẫn. Theo bài báo ấy vì bác quá sức trong sạch, trong sạch một cách kỳ lạ, dân gian không còn từ gì để ngợi ca nên phải sáng tạo ra từ mới là "lú" để dùng. Lú nầy đồng âm với lú kia nhưng dị nghĩa.

Qua đó thấy rằng bác Trọng rất rất trong sạch. Bác Tư cũng được xem là trong sạch. Hai bác đều trong sạch nên rất mạnh khỏe. Mạnh khỏe nên chưa nhuốm bịnh dù đang sống trong một môi trường rất bịnh. Do vậy không còn ai xứng đáng hơn hai bác ấy trong việc đứng lên phất cao ngọn cờ chống bịnh, đặc biệt là bịnh tham, là căn bịnh trầm kha đang đến hồi phát tác khủng khiếp.

Hai bác ấy rất có tâm, có lòng với đảng, rất nhiệt tình lo chữa trị cho đảng nhưng khổ nỗi hai bác ấy lại dùng các phương thuốc quá cũ để chữa trị. Cái bịnh tham bây giờ nó biện chứng phát triển đến mức siêu việt theo sự phát triển của thời đại rồi. Mỗi lần nó ăn là ăn đến hàng trăm, hàng ngàn tỉ. Và cách ăn của nó cũng rất ...công khai minh bạch. Ăn qua chính sách, ăn qua cách ra nghị định và thông tư, ăn qua dự án, ăn qua nhóm lợi ích, ăn qua các công ty sân sau, ăn qua các ngân hang, ăn qua đấu thầu công khai…nghĩa là có muôn trùng cách ăn và ăn rất dễ dàng là nhờ vào chính cơ chế vận hành để sinh tồn của đảng.

Vậy mà hai bác trong sạch lại dung liều thuốc phê và tự phê, là cái bài thuốc của ông lang Mao du nhập vào VN cách đây hơn nửa thế kỷ chỉ dùng để bôi ngoài da cho các vết lở gây ra bởi bệnh tham lúc còn sơ khai cho đỡ ngứa tạm thời chứ không dứt được căn nguyên. Ngay với cái bệnh tham thời sơ khai chỉ ăn vài cân thóc, vài lạng thịt, vài tờ tem phiếu thì liều thuốc ấy cũng không chữa dứt được, huống chi là chữa cái bịnh tham đã tiến hóa lên đến mức siêu việt như ngày nay cùng những biến chứng tinh vi của nó.

Để chữa bịnh tham, thế giới đã có bài thuốc mà hầu hết quốc gia tiên tiến đang sử dụng rất hiệu nghiệm. Một nhà nước pháp quyền với tam quyền phân lập, một xã hội dân sự, một nền kinh tế thị trường minh bạch là thang thuốc cực tốt để đẩy lùi bịnh tham.

Thật ra bác Lê Hiếu Đằng không phải là một thang thuốc, nhưng những bước đi của bác đang cùng mọi người góp phần đấu tranh cho sự hình thành một thang thuốc hiện đại để chữa bịnh cho cả quốc gia.

Từ lâu, nhiều đảng viên đã nhìn thấy căn bịnh của đảng đang phát tác và lây lan khắp nơi nên tự cứu mình bằng cách bỏ đảng chạy ra ngoài. Số lượng đảng viên bỏ đảng chưa có thống kê chính thức, nhưng tính từ năm 75  nghe đồn cứ lai rai gộp lai đến bây giờ cũng ra một con số không nhỏ. Hiện nay theo như bác Đằng nói thì có khá nhiều người đang muốn ra và dường như họ muốn rủ rê nhau cùng công khai tuyên bố ra một lúc vào một ngày đẹp trời nào đó.

Hai ông Huỳnh Nhật Tấn và Huỳnh Nhật Hải là hai đảng viên bỏ đảng rất sớm

Ra rồi thì có thể cứu được bản thân mình. Nhưng còn đảng và dân chúng thì sao. Căn bịnh của đảng không chỉ lây lan trong đảng mà còn di căn ra ngoài xã hội. Xã hội hiện nay cũng bịnh quá rồi. Đâm, chém, cướp, hiếp, lừa đảo, mại dâm, ma túy... tràn lan khắp nơi. Các bác ra khỏi đảng nhưng còn thấy mình có trách nhiệm với đảng và quan trọng là với xã hội và đất nước. Phải chăng vì vậy mà các bác ấy muốn làm cái gì đó để cứu đảng, cứu nước, cứu dân?

Vào những năm cuối thập kỷ 80 của thế kỷ trước, những năm cuối cùng của chế độ cộng sản Xô Viết, một nhà văn nào đó của Liên Xô dấy lên chuyện lập đảng cho những người không đảng. Tôi không còn nhớ rõ, đại khái ông nói rằng đất nước Xô Viết với hơn 400 triệu dân mà chỉ có một đảng dành riêng cho 20 triệu đảng viên vì vậy nên có một đảng dành cho những người không đảng còn lại để nhằm vào mục tiêu cứu nước Liên Xô vĩ đại. Nhưng đảng ấy chưa kịp lập ra thì chế độ Xô Viết đã ngã ra đột tử vì bịnh đã quá nặng, hết phương cứu chữa.

Bây giờ thì bác Đằng và bác Nhuận hô hào lập đảng từ những người bỏ đảng. Khi chuyện nầy nổ ra đã tạo nên những phản ứng đa chiều trong dư luận.

Ủng hộ, công kích, nghi ngờ…thôi thì đủ kiểu suy diễn. Có vài chiều ý kiến từ chính những người đã bỏ đảng hoặc chuẩn bị bỏ đảng đã thu hút sự chú ý của nhiều người. Theo một luồng ý kiến thì thời cơ chưa chín mùi để ra đời một cái đảng như vậy (nhưng không biết khi nào thì chin mùi?). Một luồng ý kiến khác thì cho rằng liệu pháp của hai bác Đằng- Nhuận là quá sốc đối với một cơ thể đã quá già nua và đang bịnh nặng. Gộp từ hai luồng ý kiến đó đã phát sinh ra một luồng ý kiến nữa là nên chăng đưa ra một liệu pháp ít sốc hơn là thay vì lập đảng thì lập một phong trào rộng rãi gì đó để vận động nhiều người tham gia để cùng nhau cứu nước, cứu dân.

Theo Hiến Pháp thì mọi công dân đều có quyền tự do lập đảng, lập hội, lập nhóm. Tuy nhiên từ sau năm 75 đến nay chỉ thấy hai đảng chính trị hợp pháp là đảng Dân Chủ và đảng Xã Hội bị giải tán chứ chưa thấy một tổ chức chính trị nào có đường lối độc lập với đường lối của đảng CSVN được ra đời hợp pháp. Nhiều tổ chức nhen nhóm ra đời đã nhanh chóng bị dập tắt. Từ đảng Dân Chủ phục hoạt của cụ Hoàng Minh Chính đến nhóm 8406... thậm chí đến một câu lạc bộ ngành nghề như câu lạc bộ Báo chí Tự do cũng không thể nào được phép hoạt động và những người khởi xướng là Điếu Cày, Tạ Phong Tần, Anh Ba Sài Gòn đều đang bị nằm tù như mọi người đã biết.

Từ đó dư luận không tin rằng tổ chức chính trị mà hai bác Đằng- Nhuận hô hào khởi xướng sẽ ra đời được.
Tuy nhiên cũng có một luồng dư luận nhỏ hơn cho rằng, tình hình đang càng ngày càng thuận lợi, có vài tín hiệu cho thấy đã đến lúc phải tỏ ra cởi mở và thay đổi. Miến Điện đã làm được và không gây ra xáo trộn gì, sự xuất hiện của phe đối lập không những không làm cho phe cầm quyền ngã lăn ra đột tử mà còn làm cho họ tăng thêm uy tín trong dân và dưới mắt bạn bè thế giới. Miến Điện làm được thì lý gì Việt Nam anh hùng tài giõi hơn lại không làm được.

Nhưng dù cho đảng của những người bỏ đảng ấy không lập ra được vì lý do nào đó thì tiếng hô hào của họ cũng giúp đánh tan được phần nào nỗi sợ hãi đang bao trùm, cũng là góp tiếp những bước đi cho sự hình thành xã hội dân sự.


BLOG BS HỒ HẢI

Hôm nay xem clip của BBC Vietnamesephỏng vấn ông cụ Nhạc Sư Vĩnh Bảo, 96 tuổi, một người sống trầm lặng suốt gần 4 thập kỷ qua. Nhưng hôm nay có những lời tâm huyết, đúng với thực tế nước Việt một thế kỷ qua.

Lẽ ra không cần phải làm thêm cái entry này, nếu tôi có cùng quan điểm của ông. Nhưng vì quan điểm của tôi còn nằm ở chỗ lớn hơn là dễ mất nước khi văn hóa một dân tộc bị đánh mất.

Văn hóa của một dân tộc là một lĩnh vực rất rộng, hầu như chưa có ai trên thế giới này định nghĩa hoàn hảo cho nó. Vì nó là sự hun đúc cả lịch sử, tiếng nói, chữ viết, lối sống, đạo đức, thuần phong mỹ tục, v.v... ngàn đời của một dân tộc mà thành. Rất khó mất, nhưng không phải không thể mất. Nhưng mất văn hóa là mất sạch một dân tộc. Lúc đó, tổ quốc và dân tộc là tổ quốc và dân tộc của kẻ khác.

Để hiểu văn hóa đơn giản nhất ta có thể lấy ví dụ, một bác nông dân có thể lại có văn hóa hơn một giáo sư tiến sĩ. Mặc dù, giáo sư tiến sĩ thì có trình độ học lực hơn bác nông dân.

Lược lại lịch sử nhân loại, thì nước mất thì còn có thể lấy lại được, nhưng văn hóa mất thì dân tộc ấy sẽ đi đến chỗ diệt vong. Nó còn ghê gớm hơn cả chuyện mất nước.

Diệt vong có 2 loại. Thứ nhất là, diệt vong do thiên nhiên gây ra, ví dụ như nạn Đại Hồng Thủy đã diệt vong nền văn minh Maya. Thứ hai là, diệt vong do một dân tộc này xâm lược và đồng hóa dân tộc khác.

Lịch sử Việt Nam, đế chế Champa hùng cường ở thế kỷ thứ II đến thế kỷ thứ XIX - năm 192 đến năm 1832 - thì bị Đại Việt xâm chiếm, mất nước và nền văn hóa với Tháp Chăm, những điệu múa, lối ăn cách sống, phong tục tập quán, và chữ viết đến hôm nay xem ra gần như mất sạch, chỉ còn một dúm người sống và sinh hoạt ở vùng Nam Trung Bộ - Phan Rang. Và Champa xem như đã bị diệt vong.

Lịch sử Trung Hoa cũng thế. Mãn, Mông, Hồi, Tạng và Hán tộc chỉ mới vài trăm năm trước đây còn tồn tại độc lập, sinh sống với nhau dù có nhiều cuộc chiến tranh dành lãnh thổ. Nhưng chỉ mới từ 1949 đến nay, khi Mao Trạch Đông lấy cơ đồ, một loạt cuộc xâm lược, bành trướng lãnh thổ lớn hơn 3 lần so với thời Tần Thủy Hoàng. Người Hán nay hầu như đã đồng hóa gần hết 4 dân tộc còn lại cả chữ viết và phong tục tập quán. Chuyện Hán hóa 4 dân tộc còn lại sẽ bị diệt vong chỉ còn là thời gian.

Nhưng cũng có những dân tộc đã bị mất nước, đã bị ngoại bang thực hiện cuộc diệt chủng tàn khốc nhất thế kỷ XX - Do Thái bị Đức Quốc Xã với Hitler tàn sát. Nhưng họ vẫn lập lại tổ quốc và phục hồi lại văn hóa nước nhà. Vì người Do Thái tứ tán khắp thế giới, họ biết giữ cái văn hóa của họ, và biết hiệp quần gây sức mạnh để trở lại quê nhà lấy lại đất đai, và xây dựng lại nền văn hóa của Do Thái Giáo, nằm trong một khu vực Hồi Giáo đầy cực đoan.

Cho nên, mất nước thì nhà tan, nhưng mất văn hóa thì dân tộc ấy bị diệt vong, chứ không chỉ đơn thuần là dễ mất nước. 

Sau khi cái vòng kim cô của Mao tròng vào đầu của đảng cộng sản ở Việt Nam từ ngày nó được cụ Hồ thành lập cho đến nay. Cái vòng kim cô ấy gồm 3 tư tưởng hủy diệt nhân loại của Mao gồm có:

1. Họng súng đẻ nên chính quyền để cướp chính quyền và giữ vững ngai vàng.
2. Hai cái phàm là để xây dựng hệ thống ràng buộc quyền lợi trong đảng ăn chia.
3. Báo chữ to dùng để làm cái loa làng định hướng cả phần hồn của các dân tộc theo kiểu Joseph Goebbels.

Xem ra, dấu mốc lịch sử có đảng cộng sản ra đời ở Việt Nam là thời điểm bắt đầu cho một giai đoạn - mà dân tộc Lạc Việt hơn 2000 năm chật vật tồn tại và phát triển về phương Nam để tránh nạn diệt vong - cho sự đấu tranh sinh tồn của người Việt chống chọi lại nạn diệt vong Hán hóa.

Vấn đề còn lại là, đảng cộng sản ở Việt Nam chỉ mới xuất hiện 83 năm qua, nhưng văn hóa nền của người Việt đã dần mai một. Đến hôm nay tình hình văn hóa nước nhà đã bị những cái loa làng, với mục tiêu dân vận của đảng cầm quyền đã phá nát nền văn hóa dân tộc đến mức đáng để báo động. Hậu quả là bây giờ văn hóa nước nhà không khác thời mà nhà văn Vũ Trọng Phụng viết tác phẩm Số Đỏ. Đó cũng là thời điểm dân Việt bắt đầu làm cách mạng đánh đuổi thực dân Pháp sau 100 năm cai trị. 

Thế thì liệu cái đảng cầm quyền này nó muốn dân tộc này bị diệt vong như người Kinh đã từng diệt chủng Champa, hay là nó phải bị tiêu diệt ngay trên mãnh đất kiên cường này? Vấn đề này quả là khó lường, vì sự việc nó đã đi đến chỗ hoặc dân tộc sẽ bị diệt vong, hoặc đảng cộng sản ở Việt Nam phải bị tiêu diệt. Đã đến lúc dân tộc không thể ngồi yên cho văn hóa Hán hóa từ Trung Hoa được đảng cộng sản mang về tiêu diệt dân tộc Việt.

Asia Clinic, 9h56' ngày thứ Ba, 20/8/2013


BLOG ĐÀO TUẤN
Tháng Tám 19, 2013 

trong khi Giáo sư Hiroshi đáng kính vắt óc toát mồ hôi để tạo ra một nụ cười cho người máy, thì ở xứ Việt ta, có những người lại "không biết cười".

Tháng 4 năm ngoái, Giáo sư Hiroshi Ishiguro thuộc trường Đại học Osaka, Nhật Bản đã khiến thế giới "mắt chữ O, mồm chữ A" khi giới thiệu một "nữ robot" gọi tên là Geminoid F. Geminoid F làm thế giới kinh ngạc bởi "cô" có thể nói, hát và đặc biệt, cô "biết cười" với 65 biểu hiện sắc thái khác nhau trên khuôn mặt.

Có điều, khi clip về Geminoid F được tung lên mạng, những con người sinh ra đã bẩm sinh biết cười, chỉ…mỉm cười mà bình luận rằng: Geminoid F đang nhếch mép, đang nhe răng chứ đâu phải là cười.

Đấy. Con người có thể chinh phục mặt trăng, chế tạo phi thuyền, biến gái thành trai… nhưng khoa học có tiến bộ đến bao nhiêu, con người có sáng tạo đến thế nào cũng không thể tạo cho rô bốt một nụ cười đúng nghĩa. Rất đơn giản thôi, một nụ cười trước hết phải bắt nguồn từ cảm xúc, thứ mà ma nơ canh có đẹp, có thật đến mấy hay rô bốt thế hệ thứ bao nhiêu bao nhiêu cũng không thể có như con người.

Ấy thế mà trong khi Giáo sư Hiroshi đáng kính vắt óc toát mồ hôi để tạo ra một nụ cười cho người máy, thì ở xứ Việt ta, có những người lại "không biết cười".

Chẳng phải người máy. Cũng không phải Ma nơ canh. Là "cán bộ nhà nước".

Tuần rồi, bí thư tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Vĩnh Tân vừa có phát biểu xác định "vấn đề quan trọng nhất" là địa phương tập chung nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ phải thay đổi ứng xử từ việc thực hiện mệnh lệnh hành chính sang hành chính phục vụ dân. Tuổi trẻ dẫn lời ông Tân khẳng định: "Cán bộ không đủ chuẩn và không biết cười, không đồng cảm với nhân dân thì dứt khoát phải cho nghỉ".

Thế nào là "không biết cười"?, thế nào là "không đồng cảm" để có thể "cho nghỉ"- một trong những biện pháp xử lý hành chính nặng nhất đối với công chức? Chẳng văn bản quy phạm nào quy định. Cho nghỉ vì "không biết cười" hay vì "không đồng cảm" là khó chứ chẳng chơi.

Nhưng khó kệ khó, phát biểu của vị bí thư "gây bão" dư luận ngay khi ông nói trúng tâm tư của ngót chín chục triệu đồng bào, những người hàng ngày hàng giờ phải tiếp xúc với không ít "rô bốt", "ma nơ canh" hoặc "lạnh như kem" hoặc "nhăn như khỉ" mỗi khi "lâm" cửa quan.

Rất vui tính, có người đã đề xuất mở lớp dạy cười cho cán bộ, công chức nhà nước. Chắc là do nhớ tới "câu chuyện tháng tư" khi CSGT TP HCM lần đầu tiên mở lớp tập huấn để "CSGT biết cười và xin lỗi dân khi xử phạt vi phạm trên đường phố", hay cách mà ngành y tế dạy "y bác sĩ học cách cười và nói cám ơn bệnh nhân".

Ừ thì nụ cười, hay lời "cảm ơn", "xin lỗi" dù là một kỹ năng, một thủ thuật, một phản xạ được giáo dục, nhưng việc nở một nụ cười trước khi giơ tay chào dân, hay nói lời xin lỗi trước lỗi lầm, sai sót không ai không mắc phải, thực ra cũng là cần thiết khi cuộc sống vốn đã có quá nhiều căng thẳng. Nhưng xin lỗi trước Giáo sư Hiroshi Ishiguro và "nữ Rô bốt" Geminoid F, cũng phải thật thà mà nói, nhe răng chưa chắc đã phải là một nụ cười.

Nụ cười, có lẽ khó có thể dạy, bởi nó phải bắt đầu từ cảm xúc, từ sự trân trọng, từ việc thông cảm giữa những con người và con người. Và quan trọng là nụ cười đó phải được gắn với những hành động cụ thể.

Chủ tịch nước kê ghế giữa cảng Sa Kỳ nói chuyện với ngư dân. Bộ trưởng Bộ Giao thông bỏ lễ khánh thành để đi Cần Giờ chỉ đạo cứu hộ. Nữ tân bí thư tỉnh ủy Ninh Bình đội mũ cối về nơi bão đổ bộ…Bao nhiêu là những hình ảnh đẹp, những câu chuyện gần dân, những sự đồng cảm. Nhưng bên cạnh đó, cũng còn vô số những câu chuyện, những nổi bức xúc của người dân trước những "Rô bốt siêu vô cảm".

Không ít trong số những "người nhà nước" đang thiếu nghiêm trọng một sự thông cảm cần thiết, thậm chí có thái độ coi thường, với những người dân quanh mình. Đây là một sự thật. Và yêu cầu phải "biết cười", vì thế, rất dễ dẫn đến những "nụ cười Geminoid F"- một ma nơ canh máy.

Ủng hộ vị bí thư tỉnh ủy. Nhưng xin nhắc ông rằng, muốn "biết cười"- với đồng bào của mình, muốn nụ cười không phải là "nhe răng, nhếch mép", cán bộ công chức nhà nước trước hết phải biết khóc. Khóc chứ không phải rơi nước mắt, để bằng tấm lòng, thực sự đồng cảm với những khó khăn của nhân dân.

Bởi nếu có sự đồng cảm thực sự thì một nữ hộ sinh nào đó đã không để rơi những đứa trẻ vài ngày tuổi chỉ vì "trong khăn không có tờ 20 ngàn". Bởi nếu có sự đồng cảm thực sự thì chẳng cần những quy định "CSGT chỉ được mang 100 ngàn". Và bởi, chỉ sự đồng cảm thực sự thì những hành vi bản năng như nở một nụ cười, nói lời cảm ơn, hay cất tiếng xin lỗi mà một đứa trẻ lên 5 đã được dạy, mới lại không, thật kỳ cục và ngược đời, tái trở thành bài học cho những lớn râu tóc đã đầy mồm vẫn vỗ ngực xưng là "đầy tớ của dân".


BLOG J.B NGUYỄN HỮU VINH

Tờ Quận đội Nhân Dân, một tờ báo lâu nay nổi tiếng là "bỏ hình, bắt bóng" trong làng báo chí Việt Nam. Sở dĩ nó được phong cho đặc tính trên, không hẳn vì đặc thù của quân đội, của phòng không hay không quân nghe nó cao siêu hay bí hiểm. Chỉ vì ai cũng biết rằng đã là Quân đội Nhân dân, thì nhiệm vụ đầu tiên và quan trọng nhất của nó phải là bảo vệ đất nước, bảo vệ lãnh thổ và bảo vệ Nhân dân. Thế nhưng, nó đã không coi nhiệm vụ chính yếu đó là quan trọng.

Tờ báo mang tên hay mạo danh "Quân đội Nhân Dân"?

Nó mặc cho Trung Cộng đang chiếm Hoàng Sa mấy chục năm nay, nó kệ cho bọn Bành trướng Bắc Kinh xua quân đánh chiếm từng phần Trường Sa của Việt Nam và đang nhung nhúc ở đó.

Nó kệ cho ngư dân Việt Nam đang ngày đêm bị bắn giết, bị bắt bớ, thậm chí muốn làm ăn sinh sống trên biển Việt Nam phải treo cờ và mua "giấy phép" của Trung Cộng.

Nó mặc cho "đội quân bành trướng thứ 5" – theo ngôn ngữ của đảng cộng sản – tung hoành, cắm chốt khắp nơi, từ điểm hiểm yếu chiến lược tới tận cùng Tổ Quốc.

Hẳn nhiên, là nó luôn luôn kêu gào cho cái phong trào "Học tập đạo đức, tư tưởng Hồ Chí Minh". Nhưng, câu nói của Hồ Chí Minh "Hễ còn một tên xâm lược nào trên đất nước chúng ta, thì ta còn phải chiến đấu, quét sạch nó đi" thì hoặc nó không nói tới, không liên hệ tới với bất cứ trường hợp hiện tại, thực tiễn nào. Trong trường hợp có nói tới chỉ khi nó hợp tự hào về một dĩ vãng "vinh quang" của cuộc chiến Bắc – Nam khốc liệt – Một cách "thủ dâm" bằng hào quang tưởng tượng của quá khứ.

Thậm chí, nó tưng bừng đăng tin Bộ Trưởng Quốc Phòng hoan hỉ, sung sướng biết ơn Trung Cộng, khi quân lính Trung Cộng đang giày xéo đất đai Tổ Quốc.

Những năm gần đây, nó quay sang tìm đánh "các thế lực thù địch" trong nhân dân làm nhiệm vụ chính.

Nó ngang nhiên kết tội nhân dân khi người dân bày tỏ ý kiến mình theo quy định của Hiến pháp và pháp luật.
Nó ngang nhiên tước đoạt, ngụy biện để lấp liếm những quyền lợi chính đáng của người dân. Không những không bảo vệ dân khi bị cướp bóc, nó còn vào hùa với những kẻ cướp đất đai, tài sản của nhân dân.

Nó ngang nhiên bỏ nhiệm vụ chính là bảo vệ nhân dân, khi nó vẫn ăn cơm dân, mặc áo dân và phè phỡn trên xương máu nhân dân đang ngày ngày góp từng đồng xu nhỏ nuôi nó để bảo vệ những thế lực đang hà hiếp, chống lại nhân dân.

Và nó bằng nhiều cách, kể cả vô liêm sỉ, phản khoa học, phi logic và hài hước, không xấu hổ nhất nhằm bảo vệ những luận điểm cùn mằn, hạ cấp của nó qua các luận điệu, các bài báo nó đưa lên.

Từ hiện tượng… bảo vệ sổ hưu

Hiện tượng Trần Đăng Thanh - Đại tá, Phó Gíáo sư, Tiến sĩ, Nhà giáo Ưu tú, công tác ở Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng - đã làm rung động cộng đồng mạng một thời gian dài. Nó cho thấy não trạng "làm mọi cách để bảo vệ bằng được Tổ quốc Việt Nam XHCN" của các sỹ quan và cán bộ hiện nay là gì. Tất cả là chỉ để "bảo vệ sổ hưu cho những người đang hưởng chế độ hưu và bảo vệ sổ hưu cho những người tương lai sẽ hưởng sổ hưu". Chỉ có thế.

Nghĩa là, nếu cái sổ hưu kia không còn, hoặc vơi bớt đi, thì Tổ Quốc cũng đi tong.

Đến hiện tượng… suy đồi nhận thức và giáo dục

Tưởng như quân đội nhân dân Việt Nam"từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu", anh hùng, sáng suốt thì hiện tượng Trần Đăng Thanh nói trên, chỉ là cá biệt. Nào ngờ, càng ngày, tờ báo này càng có dịp chứng minh nguồn cán bộ mang bộ não như Trần Đăng Thanh là không hiếm. Thậm chí còn ở chức vụ cao hơn, càng thiếu tư duy hơn. Mới đây, đó là hiện tượng Từ Ngọc Lương – Thiếu tướng, Tiến sĩ, Hiệu trưởng Trường Sĩ quan Lục quân 2, Đại học Nguyễn Huệ.

Trong bài viết trên tờ QĐND nói trên, ông TS này đã lớn tiếng mắng mỏ một vị cộng sản gộc, lão thành cách mạng có cả tuổi đời, tuổi đảng mà Từ Ngọc Lương phải gọi bằng… bố. Rằng thì là "tôi cho rằng ông Đằng "biết một mà chẳng biết hai, thấy cây mà không thấy rừng".

Bằng căn bệnh mà cô bé Phương Uyên đã phải nói thẳng thắn vào mặt Tòa án Long An rằng "Đừng đánh đồng", ông ta gán cái ý nghĩ quái gỡ của ông rằng "sự lãnh đạo duy nhất của Đảng Cộng sản Việt Nam là lựa chọn đúng đắn" lại "là ước nguyện của đại bộ phận nhân dân". Thử hỏi ông Lương rằng ông đã hỏi được mấy người dân, ông lấy tư cách gì để khẳng định rằng đó là "ước nguyện của đại bộ phận nhân dân". Đại bộ phận nhân dân đó gồm những ai?  

Cái thói cả vú lấp miệng em hay cái thói hô hào dốt nát không biết ngượng trước thiên hạ, ông Ts này đã dẫn chứng bằng vụ lấy ý kiến sửa đổi Hiến pháp vừa qua. Đến đây, hẳn người đọc không thể không bật cười với cái cơ sự "biết một không biết hai, thấy cây mà không thấy rừng" của ông ta. Bởi nếu ông tả có đủ chút tỉnh táo, hãy lấy xe nhà trường, sang ngay bên tỉnh Bình Dương bên cạnh mà hỏi vềcon số hơn 44 triệu ý kiến góp ý sửa đổi Hiến Pháp để xem cái trò "đại bộ phận nhân dân" được diễn ra sao ông nhé. Còn nếu ông không đủ thời gian, vì bận nhậu nhẹt đâu đó, mời ông vào ĐÂY mà đọc. Hãy đọc đi, bởi nhiều khi không ai buộc ông phải nói cho thiên hạ biết là mình bị điếc.

Đúng là cha ông ta nói cấm có sai, rằng "kẻ điếc hay hóng, kẻ ngọng hay nói". Hãy nghe ông độc diễn "Thời điểm đó, ở Việt Nam đang tồn tại khá nhiều đảng phái, nhưng thử hỏi đảng nào đã đứng ra lãnh đạo quần chúng nhân dân lật đổ chế độ áp bức, đô hộ, xâm lăng? Chính là Đảng Cộng sản".

Tại sao ông không nghĩ đến được điều đơn giản sau đây: Đảng ta quang vinh thế, vĩ đại thế, giỏi giang thế, sao không đủ gan dám để cùng các đảng phái khác như ở thời điểm đó, nhân dân sẽ tự biết chọn ai là vàng, ai là thau. Cần gì phải ghi vào luật rằng tao là bố mày và ai dám động đến điều đó thì nhà tù chờ sẵn? Điều đó nói lên cái gì? Là sự quang vinh, quang minh hay bất minh?

Tại sao ông không ngượng khi viết rằng Đảng CS đã "lãnh đạo quần chúng nhân dân lật đổ chế độ áp bức, đô hộ, xâm lăng" khi ngoài kia, hải đảo, biên giới, lãnh thổ đang được cắm cờ Trung Cộng. Thậm chí, Hoàng Sa – Trường Sa đang nằm trong tay quân xâm lược. Kẻ thù đất nước, dân tộc đang ngày đêm giày xéo quê hương, Tổ Quốc. Ông không biết hoặc không cần biết, mà ông chỉ cần "bảo vệ cái sổ hưu" như Trần Đăng Thanh đã huỵch toẹt ra bằng những lời lẽ mị dân sống sượng? Thưa ông Ts Từ Ngọc Lương.

Điều hài hước ở đây, là ông nói "Và ngay từ ngày đó, những người dân Việt Nam chân chính đã tự biết mình cần đảng nào và tin theo, đi theo đảng nào". Khi mà ngay hiện nay, khi cả nhân loại đang ở thế kỷ 21, với đầy đủ kỹ thuật, công nghệ làm thay đổi cơ bản thế giới, thì não trạng của ông Tiến sĩ vẫn dừng ở trò tháu cáy những năm 1945 của thế kỷ trước?

Mang chức danh Hiệu trưởng có dưới tay mình đến 4 Phó Giáo sư, 44 Tiến sĩ, 236 thạc sĩ mà ông không có nổi một người giúp ông cập nhật thông tin sự thật, thì đó quả là đại họa cho Quân đội và nền giáo dục nước nhà. Nếu ông chỉ suốt ngày cứ mụ mị vào sự quang vinh, cứ vẫn dựa vào những trò thủ dâm chính trị với hào quang, ảo vọng của quá khứ tự mình tô vẽ ra, thì đó là đại họa cho đất nước. Thà ông trở về với vị trí của mình là một con vẹt, chỉ để hót mà thôi.

Sự tai hại không chỉ ở kiến thức cập nhật, ở nhận thức mà sự tai hại ở đây, với tư cách một Hiệu trưởng một trường Đại học Quân sự. Ở đó đào tạo ra các sĩ quan cho quân đội Nhân dân mà ngay cả hiệu trưởng cũng thiếu những nét văn hóa tối thiểu của một con người bình thường, chứ chưa nói đến những tư cách mà một thầy giáo, một tiến sĩ, nhất là một hiệu trưởng cần có. Trong bài viết, ông rất xách mé với một lão đồng chí cộng sản của ông, xưng hô không cần họ tên, không cần trịnh trọng mà một hai cứ "ông Đằng". Đó có phải là sự tôn trọng tối thiểu mà các đảng viên cộng sản phải dành cho nhau? Đó có phải là sự mẫu mực cần có của một thầy giáo trước học sinh rằng phải "yêu trẻ, kính già" chứ chưa cần nói là một sĩ quan, một tướng lĩnh quân đội?

Trong bài báo này, ông Thiếu Tướng Từ Ngọc Lương này cũng cùng đồng hạng với một đảng viên sinh viên tự giới thiệu là "tuổi Đảng của tôi chưa bằng 1/10 so với của ông" (Lê Hiếu Đằng) – nghĩa là ở cái tuổi vắt mũi chưa sạch -  để cùng hòa giọng chửi bới một lão thành cộng sản. Quả là đáng nể tinh thần đồng chí, đồng đội và đạo đức của người Cộng sản Việt Nam. Và họ dùng chính tờ Quân đội Nhân Dân để thóa mạ, chửi bới lẫn nhau. Họ đã vượt xa những chuẩn mực đạo đức thông thường cần có.

Thực ra, cũng không có gì là lạ, câu kết luận của ông Ts Thiếu tướng Từ Ngọc Lương đã nói lên tất cả bản chất của ông, từ suy nghĩ, hành động và lời nói. Rằng ông đã tiếc cho ông Lê Hiếu Đằng rằng "đã đánh mất tất cả. Thật đáng tiếc!"

Song điều mà ông Từ Ngọc Lương không bao giờ hiểu được là có những người chấp nhận mất tất cả, không chỉ "sổ hưu", mà cả tù tội, cả oan trái… thậm chí là mất mạng. Chỉ để một lần được nói lên tiếng nói chân thật, suy nghĩ chân thành tự trái tim, khối óc của một kiếp được gọi là CON NGƯỜI.


BLOG J.B NGUYỄN HỮU VINH

Giám đốc Công an Hà Nội, Thiếu tướng Nguyễn Đức Chung - phát động cuộc thi 'Công an Hà Nội vì nhân dân phục vụ - Vì thủ đô bình yên' và đã tìm được các bức ảnh để trao giải về "hình ảnh đẹp của công an".

Liền sau đó video clip tố cáo hai Cảnh sát giao thông ở Đất Đỏ - Long Điền, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu chặn xe lập biên bản rồi ăn chặn tiền người vi phạm được tung lên mạng. Dù cho tờ Công an TPCHM đã ra tay cứu bồ bằng bài viết "Sự thật…". Nhưng, ai mà chẳng biết cái sự thật đó là gì. Thỉnh thoảng, trên báo Công an xuất hiện những bài viết hô hoán là "sự thật" thì hãy hiểu rằng, sự thật ẩn giấu đâu đó xa xa. Cuối cùng dưới áp lực dư luận thì sau đó công an Bà Rịa – Vũng Tàu cũng đã phải đình chỉ công tác hai viên cảnh sát giao thông nói trên.

Mãi lộ, nếu không thì lấy ai làm việc?

Nạn mãi lộ ở Việt Nam nhức nhối và gây tác hại khủng khiếp cho tính mạng người dân, đó là việc mất an toàn giao thông, phá nát cơ sở hạ tầng mà cái phá nát lớn nhất lại là kỷ cương, luật pháp.

 Chuyện cảnh sát giao thông nhận mãi lộ ở Việt Nam, xưa nay là chuyện "ắt, dĩ, tất, ngẫu" không cần bàn cãi. Nạn mãi lộ, tham nhũng cứ leo thang ngày càng cao theo những lời thề hứa, những chính sách, những chủ trương ngày càng ráo riết và tốn tiền dân của ngành công an.

Đến mức, báo chí đã có hàng loạt phóng sự, bài viết, ký sự… với rất nhiều đợt và rất cụ thể. Ngay từ thời ông Võ Văn Kiệt làn Thủ tướng đã phải kêu lên "CSGT nào nhận 5 ngàn đồng từ lái xe, sẽ bị đuổi khỏi ngành". Rồi khi Tổng cục Cảnh sát tổ chức các đoàn Kiểm tra Đặc biệt. Chỉ một thời gian ngắn, nhiều chiêu trò tham nhũng, hối lộ và nạn cướp cạn bị đưa ra trước công luận xã hội đã làm hoảng hốt nhiều người. Cứ tưởng tình hình vậy thì sẽ tốt hơn.

Nhưng rồi đâu lại có đó, tất cả vẫn như cũ. Đến mức, báo chí đã phải kêu lên rằng trò này còn "Ghê hơn cướp cạn" mà cũng ít thấy ai bị đuổi khỏi ngành bao giờ. Người ta có cảm giác nếu đuổi, nếu kỷ luật CSGT ăn mãi lộ thì "lấy đâu cán bộ mà làm việc".

Chỉ có nhà báo viết những bài báo này thì hiện đang nằm trong nhà tù.

Nguy cơ lộ sáng hình ảnh các "đầy tớ nhân dân"

 Thế rồi mạng internet ra đời và các mạng xã hội đã phát huy tác dụng của nó là phản ánh sự thật cuộc sống. Hàng loạt thông tin, hình ảnh, video được đưa lên từ nhiều nguồn, từ báo chí và người dân. Từ cảnh ăn chặn tiền trắng trợn của người dân, đến ngang nhiên vi phạm luật pháp, vi phạm quy định, hống hách, hách dịch và hoạnh họe người dân nhằm kiếm tiền… Tất cả được phản ánh nhanh chóng trên mạng, trên các diễn đàn… nhờ các phương tiện ghi âm, ghi hình ngày càng đa dạng và phổ biến. Rồi những cảnh công dân vặn lại cảnh sát cố tình bắt lỗi khi họ không vi phạm thành bài học cho nhau. Vì thế việc bóp nặn và kiếm ăn càng ngày càng khó khăn hơn. Lúc đầu, thì công an đánh bài lờ.

Dù một cảnh sát có công phu, kín đáo ra sao đi nữa, thì việc nhận mãi lộ vẫn thường xuyên xảy ra trước mắt người dân, vì thế việc giấu nhẹm không phải dễ dàng. Đặc biệt là khi người dân cảnh giác. Bởi vì, nếu là báo chí nhà nước thì có thể nắm đầu Tổng Biên tập kiểm soát tin tức đưa lên báo là xong. Nhưng báo chí nhân dân thì không dễ dàng như thế.

Đến mức này thì công an cũng… hoảng.

Để đối phó với trường hợp này, nhiều chiêu trò đã được sử dụng. Từ việc dừng xe chỗ khuất, di chuyển địa điểm, đến việc cuộn tiền vào cây gậy chỉ huy giao thông ra sao, những cuộc điện thoại giải thoát cho con ông cháu cha, việc mua tuyến, bảo kê… tất cả đều được sử dụng thành thạo. Nhưng chưa đủ để chống lại con mắt nhân dân đang ngày càng cảnh giác khi mỗi người dân là một chiến sĩ thông tin nhờ các công cụ hiện đại và mạng internet.

Và những chiêu mới được bày ra.

 Sài Gòn có chiêu "chống cãi cự CSGT" bằng những người không hề quen biết, không hằn thù với nạn nhân tấn công họ những trận đòn nên thân, thậm chí là thiệt mạngsau khi cự cãi với CSGT(!). Nhiều nơi, cứ có chốt CSGT đóng để nhận mãi lộ, thì ở đó có đám cò mồi hoặc bặm trợn gây sự với lái xe, người có ý định quay phim, chụp ảnh. Mô hình này có tác dụng nhất định và đang được nhân rộng ra một số tỉnh phía Bắc. Tờ Thanh Niên viết"Thời gian gần đây, Báo Thanh Niên tiếp nhận nhiều đơn thư, phản ánh của người vi phạm giao thông bức xúc về việc họ bị xử "oan", nhưng sau khi tranh cãi với CSGT thì đa phần là thua, thậm chí bị ăn đòn".

Đấy là cách xử lý cấp thấp, còn ở cấp vĩ mô, ngành công an làm gì?

"Xử lý nghiêm" – lời nói của quan chức

Đó là câu cửa miệng kiểu "ơn Đảng ơn Chính phủ". Bất cứ vụ việc tiêu cực nào, khi dính đến lực lượng công an, cảnh sát vi phạm, thì câu đầu tiên người dân nhận được là "sẽ xử lý nghiêm". Còn thực tế, cái nghiêm là thế nào, xin hãy đợi.

Tai nạn giao thông tăng chóng mặt với giai điệu "Năm sau cao hơn năm trước" và tính mạng người dân cứ ra đi nhiều hơn một cuộc chiến tranh khốc liệt. Thế nhưng, đã bao đời bộ trưởng, bao tiếng gào thét, bao kế hoạch và tiền dân đã ra đi, tình hình vẫn không cải thiện.

Mới đây, ngày 2/7 trong cuộc tọa đàm "Chung tay giảm thiếu tai nạn giao thông", một người dân đã đề nghị Bộ trưởng CA lập Facebook để giúp người dân dễ dàng chuyển thẳng cho bộ trưởng những hình ảnh nhà xe mỗi khi tới chốt CSGT chỉ mất 5-10 giây là lại lao vun vút, xe chở quá số người quy định, chở quá tải "vẫn đi ngon".

 Khi đề cập đến vấn đề này, Ông Trần Sơn Hà, Phó cục trưởng Cục CSGT đường bộ, đường sắt - Bộ Công an, cho biết đây là câu hỏi mà ngành công an trăn trở trong nhiều năm. Và cũng theo ông Hà, Bộ Công an đã chỉ đạo chặt chẽ các lực lượng, phải thực hiện theo pháp luật và sự giám sát của nhân dân."Chúng tôi có quy chế để kiểm soát và có đường dây nóng của Cục CSGT đường bộ, đường sắt và các tỉnh thành, mong nhân dân giám sát, phát hiện trường hợp sai phạm phản ánh qua đường dây nóng hoặc có đơn thư khiếu nại, chúng tôi sẵn sàng giải quyết"- ông Hà nói.

Thế nhưng, chính ông Hà đã tự mâu thuẫn với câu nói này của ông khi chỉ trước đó 2 tháng, ngày 26/4/2013, ông ký văn bản số 1042/C67-P3/2013 gửi Trưởng phòng CSGT các tỉnh. Văn bản viết: "Luôn luôn nâng cao tinh thần cảnh giác, kiên quyết đấu tranh làm rõ với những đối tượng có lời nói đe dọa, lăng mạ hoặc có hành vi chống đối CSGT đang thực thi công vụ, hoặc quay phim, chụp ảnh hoạt động tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm khi chưa được phép của CSGT đang làm nhiệm vụ".

Như vậy, văn bản này đã mặc nhiên coi việc quay phim, chụp ảnh các hoạt động của CSGT "khi chưa được phép" là hành động phạm tội và cách xử lý là "Nếu đúng là nhà báo thì tập hợp thông báo cho cơ quan chủ quản; nếu giả danh nhà báo thì tạm giữ, lập hồ sơ chuyển cơ quan chức năng xử lý theo quy định của pháp luật".

Hẳn nhiên là nếu đúng là nhà báo, Phó Cục CSGT Đường Bộ - Đường Sắt của Bộ Công an có thể can thiệp với Tòa soạn hoặc TBT để kiểm soát thông tin. Còn nhân dân thì chắc sẽ khó khăn hơn, nên phải "tạm giữ, lập hồ sơ chuyển cơ quan chức năng xử lý theo quy định của pháp luật"  - Nhưng chưa hiểu ông căn cứ vào điều luật nào? Khi bị phản ứng bởi báo chí, ông Hà lập tức giải thích ngược lại hoặc rất tự mâu thuẫn.

Chống… lộ sáng

Trước những câu hỏi của báo chí, ông Cục Phó cũng phải bật ra câu nói sau: "Bây giờ anh em cứ bị báo chí giám sát từng bước của nhà báo thì làm ăn được cái gì".

À, thì ra vậy, vấn đề là ở chỗ nếu bị chụp ảnh, quay phim, thì không "làm ăn được cái gì" nên ông cấm.

Ừ, thì thà ông nói thẳng toẹt ra là: Tao đếch cần luật lệ gì nhé, tránh xa chỗ CSGT cho chúng nó làm ăn, không quay phim, chụp hình gì ráo, thằng nào quay, chụp mà không xin phép để bố trí trước, thì bắt giữ và điều tra".  Vậy có phải tiện hơn cho tất cả không?

Và vấn đề cần đặt ra, là vì sao ông Hà phải đi ngược luật pháp để quy định ngăn cản việc người dân có thể giám sát các "đầy tớ" của mình làm ăn khuất tất? Tại sao chỉ trong hai thời gian cách nhau không dài, ông Trần Sơn Hà - Cục Phó cục CSGT lại thay đổi nhanh chóng lời nói và hành động của mình?

Còn nhớ, cách đây không lâu, một số CSGT Thừa Thiên – Huế đã phải nộp 120 triệu đồng để mua lại đoạn phim cho một nhóm thanh niên đã quay được trong quá trình "tác nghiệp" của CSGT. Việc này, các thanh niên này giả danh báo chí nên bị kết tội tống tiền.

Vấn đề là vì sao, khi "tác nghiệp" bị quay phim lại thì CSGT phải nộp 120 triệu đồng? Câu trả lời của viên CSGT ôm tiền đi mua đoạn phim chỉ vì "Mặc dù biết bị tống tiền, nhưng vì sợ ảnh hưởng đến công việc, uy tín… nên cả 5 anh em tổ công tác đã góp mỗi người 24 triệu đồng để gửi cho Bảo và Trung nhằm được yên chuyện" xem ra không mấy thuyết phục và chẳng ai tin.

Còn việc ông giải thích là để chống lại những kẻ giả danh nhà báo? Tại sao lại có những kẻ giả danh nhà báo đến với CSGT? Mà họ giả danh để làm gì nếu CSGT luôn "trung thành, tận tụy, kính trọng và lễ phép với nhân dân"?

Chỉ cần trả lời câu hỏi đó, đủ hiểu cái văn bản của ông Trần Sơn Hà cục phó là cái phao cứu những CSGT đang làm loạn xã hội bằng nạn nhũng nhiễu và hối lộ, mãi lộ ra sao.

Thực chất, những chiến sĩ cảnh sát, công an được mệnh danh là đầy tớ nhân dân, có nhiệm vụ thức cho dân ngủ ngon, gác cho dân vui chơi… giờ đây đã đổi vị trí. Nạn nhũng nhiễu, hối lộ đã biến họ thành gánh nặng, nỗi sợ hãi của người dân.

Và cái văn bản nói trên, không phải vì ông sợ những kẻ giả danh nhà báo mà ông chỉ sợ những kẻ giả danh đầy tớ bị lột mặt mà thôi.

BLOG ĐÀO TUẤN

Không phải cứ có "phân cấp rõ ràng" thì ở đâu các vị bộ trưởng cũng sẽ "thanh thản như anh nông dân cày xong thửa ruộng".

Sau khi kiên nhẫn lặng thinh trước những tiêu cực "to như cái đình" của ngành y tế, cuối cùng, trong một hội nghị nội bộ, đóng vai trò người chỉ đạo, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến lần đầu tiên cũng bày tỏ chính kiến . Báo chí dẫn lời bà khẳng định: "Phân cấp có rồi, ai sai người đó chịu". Rồi thì "Ai làm không nghiêm, sẽ phải xử lý nghiêm".

"Chính phủ là cung cấp đủ tài chính để làm sao vắc xin được tiêm miễn phí cho trẻ. Bộ Y tế ban hành văn bản quy phạm pháp luật, quy trình tiêm chủng, đôn đốc các đơn vị thực hiện. Chính quyền thực hiện nhiệm vụ triển khai tiêm chủng. Còn tại nơi thực hiện tiêm người tiêm chủng phải thực hiện đúng quy trình. Có quy định đầy đủ rồi"- Bộ trưởng nói.

Còn vụ Hoài Đức thì: "Cả một khoảng thời gian dài thu tiền như thế, để phiếu xét nghiệm như thế mà không ai biết thì chúng ta cũng phải nói đến trách nhiệm trực tiếp, rõ ràng của trưởng khoa, giám đốc bệnh viện, kể cả công tác thanh kiểm tra cũng yếu".

Thế là rất rõ ràng, vì có "phân cấp rõ ràng", cho nên, dù "từ mẫu" hay dì ghẻ, tất nhiên không có chuyện "con dại cái mang".

Xem trong tất cả các phát ngôn này, rõ ràng, không thấy đâu bóng dáng trách nhiệm của Bộ trưởng.

Và điều tệ nhất, tất tật những gì Bộ trưởng nói đều đúng. Không ai có thể buộc trách nhiệm vào bà. Cũng như chẳng có lý do gì để bà từ chức như một ai đó đang "lảm nhảm" ở một đâu đó.

Đọc tới đây, hẳn nhiều bạn đọc sẽ chưa quên scandal truyền máu nhiễm HIV xảy ra ở Ả rập Xê út hồi đầu năm khiến thế giới rúng động.

Reham al-Hakami, một bé gái 12 tuổi, bị mắc bệnh thiếu máu hồng cầu đã được bệnh viện đa khoa Jazan truyền máu đã bị nhiễm HIV.

Khi dẫn lại sự việc này, báo Quân đội nhân dân mô tả: Việc công khai chỉ trích các quan chức chính phủ ở A-rập Xê-út hiếm khi xảy ra. Nhưng vụ việc của bé al-Hakami lại châm ngòi cho một làn sóng chỉ trích công khai dữ dội trên các trang mạng xã hội và phương tiện truyền thông. Hội Nhân quyền Quốc gia yêu cầu các nhà chức trách tiến hành điều tra nghiêm túc vụ việc và tuyên bố sẽ đấu tranh đòi công lý xứng đáng cho nạn nhân, đồng thời kêu gọi các nhà chức trách bắt giữ các nhân viên y tế có dính líu. Daoud al-Sharian, một MC nổi tiếng của kênh truyền hình nhà nước MBC, đã kêu gọi Bộ trưởng Y tế Abdullah al-Rabiah phải từ chức. "Tôi ước, chỉ một lần thôi, rằng một vị bộ trưởng sẽ phải từ chức vì những lỗi lầm do nhân viên của họ gây ra"- Al-Sharian nói.

Tội nghiệm cho Bộ trưởng Al-Rabiah. Đã có "phân cấp rõ ràng" mà. Ông cũng đâu có phải là người đã trực tiếp truyền thứ mắc dịch đó vào người bệnh nhân.

Khổ cho Al-Rabiah, ngay cả chiếc iPad, món quà mà ông tặng cô bé trong chuyến đích thân tới thăm tại bệnh viện, cũng bị nhạo báng là "nên được đưa vào sách kỷ lục Guinness như là khoản bồi thường rẻ mạt nhất từ trước tới nay".

Một cách bối rối, Bộ trưởng Al-Rabiah sau đó thanh minh iPad là thứ mà cô bé ao ước và ông thật thà "Nếu tôi không đến thăm cô bé thì tôi thấy mình thật đáng trách".

Bộ trưởng Al-Rabiah sau đó không từ chức, dù ngành y tế Ả Rập Xê út đã sa thải tới 7 quan chức y tế cao cấp. Chắc là vì ở Ả Rập có "phân cấp rõ ràng". Và đề cao nguyên tắc "Ai làm không nghiêm, sẽ phải xử lý nghiêm".

Nhưng không phải cứ có "phân cấp rõ ràng" thì ở đâu các vị bộ trưởng cũng sẽ "thanh thản như anh nông dân cày xong thửa ruộng".

Tháng 10.2008, Bộ trưởng Y tế Chile, cũng là một phụ nữ, đã tuyên bố từ chức sau vụ bê bối "quên" không thông báo kết quả dương tính HIV cho 25 bệnh nhân tại một bệnh viện địa phương ở Iquique.

Nữ Bộ trưởng nói bà quyết định từ chức bởi "sự việc xảy ra đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới niềm tin của người dân Chile với ngành y", đồng thời "hủy hoại hình ảnh của chính phủ".

Hẳn nhiên, ở Chile, cũng có "phân cấp rõ ràng" khi Bộ trưởng cũng quản lý bằng "ban hành văn bản quy phạm pháp luật, quy trình, đôn đốc thực hiện". Ở Chile, Bộ trưởng Y tế tất nhiên cũng không phải hàng ngày xuống từng bệnh viện để trả kết quả xét nghiệm. Và ở Chile, cũng có chuyện "Ai làm không nghiêm thì xử lý nghiêm". Nhưng ở Chile, nơi y bác sĩ không được trân trọng gọi là "từ mẫu" như ở ta, Bộ trưởng chịu trách nhiệm giữ gìn hình ảnh của ngành y tế ngay trước hành vi của một vài nhân viên xét nghiệm nào đó, ở một bệnh viện hẻo lánh nào đó. Và ở Chile, một thành viên Chính phủ có trách nhiệm bảo vệ hình ảnh chính phủ bằng sự từ nhiệm cá nhân.

Một bộ trưởng không thể "con dại cái mang", chịu trách nhiệm trước từng sự cẩu thả của một những nhân viên xét nghiệm trên khắp đất nước. Điều đó đúng. Nhưng cũng đúng như việc bà phải chịu trách nhiệm trước những điều tiếng của ngành y, trước niềm tin và sự "hoang mang trong xã hội" đối với một ngành về nguyên tắc mà người dân đang gửi cả mạng sống và niềm tin.


BLOG NGUYỄN VĂN TUẤN

Thực tình, đọc báo QĐND là một kinh nghiệm không dễ dàng và thoải mái. Những lí giải trong tờ báo đó cùng với những giọng văn đặc thù làm cho người đọc cảm thấy như bị tăng huyết áp. Lại có những lí giải quan trọng mang tính khẳng định nhưng chứng cứ thì chưa được rõ ràng. Tiêu biểu cho tình trạng này là một bài phản ứng trước lời kêu gọi lập đảng chính trị mới của ông Lê Hiếu Đằng, tác giả Trọng Đức viết trên QĐND như sau: 

 "Thực tế, với tuổi đời như ông Đằng, chắc ông cũng thừa hiểu, trong thế giới hiện nay, hầu như chẳng có nước nào, kể cả những nước đang tự vỗ ngực là dân chủ và muốn áp đặt kiểu dân chủ của mình làm 'khuôn vàng, thước ngọc' cho toàn thế giới, cho phép tù nhân đang thụ án ra tù để đi thi đại học. Ở Việt Nam cũng vậy."

Tôi e rằng phán xét của tác giả là một sai lầm nghiêm trọng. Ở các nước như Úc, Anh và Mĩ (những nơi tôi có chút kinh nghiệm), tù nhân có quyền ghi danh theo học tại các trường cao đẳng dạy nghề và đại học. Dĩ nhiên, họ chỉ theo học các chương trình hàm thụ. Mấy năm trước đây, báo chí Úc đưa tin về một tù nhân thuộc nhóm "tù nhân nguy hiểm" sau khi ra tù lấy liền một lượt 2 bằng đại học!  Ở Anh cũng có khá nhiều tù nhân vừa thụ án vừa theo học đại học từ xa.  Những chương trình học tù nhân hay theo đuổi là … luật. Ngoài luật khoa, các tù nhân còn thích theo học các chương trình về kinh tế và khoa học xã hội. 

Chẳng những tù nhân được theo học đại học, mà Nhà nước và các đại học còn chủ động đem giáo dục đến cho họ. Chẳng hạn như ở bang Nam Úc, Đại học Flinders còn có chương trình dự bị đại học cho những tù nhân chưa có bằng trung học, để trong thời gian thụ án, họ có thể tiếp tục học đại học.  Theo chương trình này thì giảng viên của trường đến tận nhà tù để giảng dạy. Họ nói đó là một chương trình độc đáo chỉ có ở Úc, nhưng tôi không rõ có thật sự Úc đi tiên phong trong việc đem giáo dục đại học đến tù nhân hay không. 

Những nước đó (Úc, Anh, Mĩ) không "tự vỗ ngực là dân chủ". Họ thậm chí còn không có những tiêu đề như "Độc lập, tự do, hạnh phúc" dưới quốc danh. Nhưng họ xem đem giáo dục đến tù nhân (không phải "giáo dục tù nhân" hay "cải tạo tù nhân") là một vấn đề nhân quyền. Nói cách khác, dù trong môi trường mất tự do, nhưng tù nhân có quyền tự do được theo học. Còn phía nhà cầm quyền thì họ xem việc đem giáo dục đến tù nhân là một cách giúp cho họ nhận thức được cái đúng và cái sao, hay cũng là một hình thức giúp cho tù nhân hòa nhập với xã hội khi họ xong án tù phạt. 

Báo chí và chính phủ các nước đó cũng chẳng phùng mang trợn mắt khi công dân họ có ý kiến khác chính phủ.  Có thể các nước đó chưa biết đến câu nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh ("Dân chủ là để cho dân mở mồm ra nói. Dân chủ là đừng bịt miệng dân") nhưng những gì xảy ra trong thực tế tại các nước đó đúng như câu nói nổi tiếng đó. 

Bài báo còn có đoạn viết về dân chủ mà tôi nghĩ sẽ làm cho người đọc, kể cả người viết cái note này, lúng túng vì không biết logic đằng sau ra sao. Ví dụ như cách giải thích "Trên thực tế, dân chủ không phụ thuộc vào chế độ độc đảng hay đa đảng mà nó phụ thuộc vào bản chất chế độ cầm quyền phục vụ giai cấp nào." Giải thích thế nào là dân chủ thì chắc đòi hỏi cả một bài luận văn dài, và trong thực tế đã có nhiều học giả giải thích về câu hỏi này. Cá nhân tôi thì nghĩ đơn giản là dân chủ cũng phụ thuộc vào thể chế đa đảng. Theo cách hiểu của tôi (và chắc nhiều người khác nữa), dân chủ là một hệ thống chính trị mà trong đó sự cạnh tranh quyền lực được diễn ra một cách công minh, là hệ thống chính trị mà người dân cho quyền chọn và truất phế người lãnh đạo và lãnh đạo phải có trách nhiệm với xã hội và người dân. Bởi vì bản chất là cạnh tranh, nên đa đảng là điều tất yếu. Còn nếu chỉ có một đảng thì cạnh tranh chỉ xảy ra trong nội bộ chứ không thể xảy ra ngoài đảng được, và rất khó xem đó là "dân chủ". 

Sẵn dịp, tôi tò mò tìm hiểu xem các Bách khoa từ điển VN định nghĩa dân chủ là gì, và phát hiện một vài khác biệt thú vị.  Bách khoa toàn thư định nghĩa về dân chủ như sau: "hình thức tổ chức thiết chế chính trị của xã hội dựa trên việc thừa nhận nhân dân là nguồn gốc của quyền lực, thừa nhận nguyên tắc bình đẳng và tự do." Sau đó, trang này còn định nghĩa/giải thích dân chủ xã hội chủ nghĩa như sau: " […]DC xã hội chủ nghĩa là DC của đại đa số nhân dân, gắn với công bằng xã hội, chống áp bức bất công; được thực hiện trong thực tế trên tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội, được thể chế hoá bằng pháp luật và được pháp luật bảo đảm. Đảng cộng sản là người lãnh đạo trong nền DC đó." Định nghĩa này không dễ hiểu chút nào!  Từ điển wikipedia định nghĩa dân chủ là một hình thức chính phủ mà tất cả công dân hợp pháp tham dự - qua người đại diện hay trực tiếp – một cách bình đẳng vào việc để nghị, phát triển và tạo ra luật pháp. Một thể chế dân chủ, theo wikipedia, là bao gồm các điều kiện xã hội, kinh tế và văn hóa cho phép người dân tham gia một cách bình đẳng và tự do vào việc tự lập chính trị.  Còn Karl Popper, một triết gia về khoa học, định nghĩa dân chủ là đối nghịch với độc tài, chuyên chế; dân chủ là tạo cơ hội của người dân kiểm soát lãnh đạo của họ và truất phế lãnh đạo mà không cần đến một cuộc cách mạng. So sánh như thế thì thấy định nghĩa dân chủ của sách báo Việt Nam còn rất khác so với cách hiểu chung trên thế giới. 

Nói đến tự do, tôi thấy thật là đáng ngại khi tác giả kết thúc bài viết bằng một câu văn so sánh con người với súc vật về tự do: "Con người không thể đòi quyền tự do cắn xé đồng loại như con vật, nói rộng ra, không thể 'thích làm gì thì làm' như con vật."  Tôi e rằng tác giả đã [cố tình?] hiểu sai ý nghĩa của hai chữ "tự do" trong bài của ông Lê Hiếu Đằng. Không một người có học nghiêm túc nào lại nói đến quyền "tự do thích làm gì thì làm như con vật". Một xã hội tự do cho phép các thành viên trong xã hội quyền tự do làm những gì họ thích nhưng phải tôn trọng quyền tự do của người khác và tôn trọng đạo lí xã hội.  Một cá nhân có thể tự do mạt sát người khác là súc vật nhưng sự mạt sát đó vi phạm đạo lí làm người trong một xã hội văn minh. 

Theo tôi hiểu, ông Lê Hiếu Đằng đề cập đến tự do như là một ý tưởng chính trị, như tự do tư tưởng, tự do ngôn luận, tự do tín ngưỡng, v.v.  (Đâu có ai thấp đến độ nói đến tự do giết người!)  Tự do tư tưởng và ngôn luận là môi trường tốt nhất để đi đến sự đồng thuận trong điều kiện bất đồng chính kiến. Không ai có thể nói đúng 100% và cũng chẳng ai nói sai 100%, nhưng trong một xã hội tự do báo chí, những ý kiến sẽ hoàn hảo hơn và hi vọng sẽ đạt đến chân lí. Chính vì thế mà trước đây Nguyễn Ái Quốc đã than rằng "Mãi tới bây giờ chưa có một người Việt Nam nào được phép xuất bản một tờ báo nào cả. Tôi gọi báo là một tờ báo về chính trị, về kinh tế hay văn học như ta thấy ở Châu Âu và các nước Châu Á khác chứ không phải một tờ báo do chính quyền thành lập."  Ông cụ mà sống lại chắc cũng không hài lòng với tình trạng hiện nay. 

Nói tóm lại, ở vài nước phương Tây (và tôi tin là các nước khác ở châu Á), những nơi mà người ta không tự xưng là tự do và dân chủ, tù nhân có quyền tự do theo học đại học. Theo như ông Lê Hiếu Đằng thuật lại thì ngày xưa VNCH cũng cho phép tù nhân được ghi danh học hành một cách chính thống. Không có lí do gì một thể chế văn minh với tiêu chí "độc lập, tự do, hạnh phúc" mà không cho phép tù nhân quyền theo học đại học.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét