Chủ Nhật, 26 tháng 10, 2014

Hiệu Minh : Một giờ với Robert Dodge – Nhiếp ảnh gia kiêm nhà báo Mỹ

Nguồn hieuminh

Bìa cuốn sách của Robet Dodge.

Bìa cuốn sách của Robet Dodge.

Hôm trước tình cờ vào trang VOA  có phỏng vấn của nhiếp ảnh gia Robert Dodge nhân dịp xuất bản tác phẩm với tựa đề "Vietnam, 40 years later – Việt Nam 40 năm sau", cuốn sách đầu tiên của ông. Theo đường link, tôi vào trang web http://vietnam40yearslater.com/ bị choáng ngợp với hàng trăm bức ảnh có hồn vía nước Việt hiện lên trong ống kính của một người Mỹ.

Tôi liên lạc với ông, hẹn uống café ở trụ sở World Bank trên đường H cắt phố 18. Một ngày sau, chúng tôi đã ngồi nhâm nhi Starbucks ở MC Atrium mang tên James Wolfensohn, vị chủ tịch cũ.

Ông Dodge rất thân thiện và dễ mến, nụ cười vẻ tin cậy. Hình như tố chất của nhà báo, nhiếp ảnh gia, phải dễ gần gũi, nếu không chẳng có ai giơ mặt cho chụp, hay đưa micro để phỏng vấn.

Tôi cũng chẳng định hỏi gì vì có biết gì mà hỏi, nhưng câu chuyện về những bức ảnh Việt Nam do ông chụp từ 2005 đến nay, 9 năm, 9 chuyến đi xuyên Việt, từ Sapa về Đà Lạt, vào Ninh Bình rồi Bạc Liêu, Hà Nội, Đà Nẵng, Sài Gòn, chỗ nào cũng có dấu chân của người Mỹ này, làm người ta không khỏi tò mò.

Hỏi ra mới biết, chúng tôi cùng thời với nhau, thời mà người Mỹ chỉ thấy chiến tranh vào từng phòng khách của từng nhà, thời mà người Việt ngày nào cũng nghe còi báo động, bom rơi, máu chảy.

Ông kể, lẽ ra phải đi quân dịch, nhưng thời TT Nixon (1970) đó có luật bắt thăm đi lính. Có lẽ giống nhiều người, chàng trai ấy không muốn ra chiến trường. Bill Clinton cũng thế mà vẫn thành tổng thống sau này. Như một sự may rủi, Robert Dodge nhặt được số…không phải vào quân đội.

Nhưng không vì thế mà ông quên Việt Nam, vì ông cho rằng, ký ức chiến tranh này còn đeo đuổi nước Mỹ mãi. Trong họ, Việt Nam chỉ có chiến tranh, chết chóc và thất vọng. Ông muốn thay đổi cách nhìn đó bằng những hình ảnh Việt Nam hòa bình và thân thiện.

Nhân một lần vào trang web của một nhiếp ảnh gia, Lý Hoàng Long, sống ở Đà Lạt, Robert Dodge thấy những bức ảnh ấn tượng, mô tả cuộc sống bình thường của người Việt, ông làm quen.

Cũng hẹn đi cafe, hai nghệ sỹ gặp nhau, lẽ ra chỉ định một buổi chiều chụp loanh quanh Đà Lạt sương mờ, họ đã gắn bó tới 2 ngày không dứt và tình bạn đã kéo dài đến hôm nay. Sau này, nhiếp ảnh gia Lý Hoàng Long đã giúp cho ông Dodge đi khắp nước Việt trong nhiều chuyến đi. Chỉ có nhiếp ảnh gia mới hiểu nhiếp ảnh gia muốn gì và ở đâu, lúc nào chụp được đẹp.

Có lần Robert thấy cảnh hùng vĩ những người phụ nữ đang gieo hạt trên nương. Ông cùng anh Long cố trèo lên đồi, nhưng bùn ướt, trượt chân và ngã, bị trẹo gối. Nhờ có anh Long mà ông được đưa ra sân bay, sau 72 tiếng mới về tới Mỹ để cấp cứu. Người bác sỹ không khỏi thán phục vì sự chịu đựng đau đớn và cơ thể đề kháng tốt của nhiếp ảnh gia.

Nhưng không vì thế mà Robert Dodge không trở lại Việt Nam những lần sau. Nay cuốn sách đã hoàn chỉnh, ông lại muốn lên đường, quay lại miền đất ông rất quí trọng, thương yêu, ghi thêm những khoảnh khắc mới của một Việt Nam thoát nghèo một cách kỳ diệu, đã đổi khác so với 40 năm trước đây. dù họ đang đứng ở ngã đường đầy thách thức giữa ý thức hệ và hội nhập.

Việt Nam đã biến đổi nhiếp ảnh gia từ truyền thống sang hiện đại

Tôi có hỏi, điều gì làm ông ấn tượng về Việt Nam. Đó là đất nước hùng vĩ, đa sắc mầu, những con người thân thiện, sẵn sàng cho chụp ảnh mà không yêu cầu bất kỳ điều gì, chuyện ở Mỹ hay Tây Âu là cấm kỵ. Những cánh đồng lúa vàng, ruộng bậc thang trên nương, người đánh cá quăng chài vào sáng sớm, Đà Lạt hay Sapa sương mờ…không thể thu vào ống kính đen trắng trong máy ảnh phim truyền thống.

Miền quê sông nước. Ảnh: Robert Dodge.

Miền quê sông nước. Ảnh: Robert Dodge.

Trước đó ông chuyên về phong cảnh, sang Hà Nội lần đầu cũng thế, nhưng ông thấy như thế chưa đủ và bắt đầu thêm người Việt vào những bức ảnh.

Ông mang theo một máy canon kỹ thuật số, những bức ảnh mầu đầu tiên được số hóa của thời đại tin học. Cuốn ""Vietnam, 40 years later" tái hiện hình ảnh Việt Nam từ nhiều góc nhìn khác nhau cũng là cuốn sách đầu đời của nhiếp ảnh gia kiêm nhà báo lọc lõi.

Cho đến thời điểm này, ông vẫn thấy việc lựa chọn ảnh số cho cuốn ảnh Việt Nam là một lựa chọn thú vị. Thật kỳ lạ, một người Mỹ sống quá nửa đời ở một thế giới văn minh, theo truyền thống đen trắng, nay đã phải chuyển sang kỹ thuật số bởi một miền đất từng là cựu thù

Bức ảnh mầu kỹ thuật số đầu tiên ở Hà Nội

Bức ảnh mầu đầu tiên. Ảnh: Robert Dodge.

Bức ảnh mầu đầu tiên. Ảnh: Robert Dodge.

Tôi thích bức ảnh có bức tường mầu vàng úa, mốc meo, treo cái nón, một cái khăn mướp mầu xanh và cạnh đó là số 6 trên nền mầu xanh. Ai từng ở Hà Nội sẽ nhận ra đây là một góc cổ của Hà Nội rất đời thường hiện nay, dù ngoài kia phố phường đã đổi thay chóng mặt. Chỉ cho Lan Hương đang công tác ở DC, em nói ngay, người hiểu nước Việt mới có thể chụp những bức ảnh này.

Ông cười giải thích, đó là pô đầu tiên chụp tại Hà Nội. Năm đó (2005), đến thành phố vào buổi chiều. Hẹn với bạn, 11 giờ đêm có chuyến tầu đi Sapa, còn vài tiếng, ông vác máy đi loanh quanh. Nhìn thấy một phụ nữ vẻ lam lũ, đội cái nón đã ngả mầu, Robert Dodge lặng lẽ theo. Biết có ai phía sau, bà lặng lẽ treo cái nón lên tường, vắt cái khăn lên cái đinh đã rỉ, rồi bước nhanh vào nhà. Ông thầm nói "Cảm ơn bà, tôi chỉ cần có thế", thế là bức ảnh được thu vào ống kính canon kỹ thuật số có mầu của Hà Nội qua năm tháng.

Ảnh trên trang bìa

Như ông đã trả lời trên VOA, đó là bức ảnh chụp một phụ nữ bán bánh mì, hậu cảnh là những chiếc xe mô tô chạy thật nhanh sau lưng. Ngoài ra còn mấy bà bán bánh mỳ bên cạnh nữa, ngay bên chiếc xe Mec mầu đen láng bóng, một sự chênh lệch giầu nghèo hiện lên trong bức ảnh. Ông ưng ý bức này nhất vì nói lên nhiều điều về lịch sử của Việt Nam.

Một bà đã luống tuổi, nhìn kỹ răng có vẻ không đến nha sỹ, bán hàng rong, một cảnh quen thuộc nhiều thập kỷ ở đất nước này. Ồng không biết những gánh hàng rong đã nuôi những thế hệ lớn lên, cứu rỗi dân tộc. Bà đội chiếc nón lá đặc trưng xứ Việt, áo vét theo mốt Tây phương, chân mang dép và vai đeo túi mốt thời nay.

Người bán bánh mỳ trên phố. Ảnh: Robert Dodge.

Người bán bánh mỳ trên phố. Ảnh: Robert Dodge.

Bà mẹ này cố vươn ra thế giới bên ngoài để nối kết với nền kinh tế toàn cầu. Những ổ bánh mì baguette nhắc nhở thời kỳ Pháp thuộc. Sau bà là những người trẻ tuổi lái xe máy lao vun vút. Đó là hình tượng của thế hệ trẻ hối hả hướng tới tương lai. Một bạn trẻ, mặc áo xanh rất mờ trong bức ảnh, ngoảnh lại nhìn bà, làm cho người xem tự hỏi, liệu bà có muốn đi theo, hay là sự tiến bộ của Việt Nam sẽ bỏ lại bà và thế hệ của bà phía sau lưng.

Cũng có đôi chút về kỹ thuật chụp ảnh, tôi có nói, chắc ông phải chụp vài chục cái mới được một cái ưng ý. Ông gật đầu. Hôm đó, ông ngồi phía xa, ngắm bà, thỉnh thoảng chụp một pô. Lúc đầu bà tỏ ra băn khoăn, không hiểu cái ông tây chụp cái gì mà chụp lắm thế. Nhưng rồi ngoài kia sự hối hả của cuộc sống làm bà quên đi Robert Dodge.

Để chụp được ảnh đó, ông phải để tốc độ chậm, giảm ánh sáng, đề người chạy xe bị mờ đi, nhưng focus lại nhằm vào mấy ổ bánh mỳ và người bán. Sau 20 phút, ông thử một cái, xem lại trên màn hình LCD, ông đã thầm kêu lên, được rồi.

Đôi lời cuối

Chuyện trò một hồi, hai cốc starbucks cafe cũng cạn. Tôi có nói với ông, sang Mỹ tôi bị món cafe kiêm nước đun sôi này hút hồn. Ông cười, starbucks không thể so với cafe đen đá của xứ Việt, mỗi lần nhâm nhi, ông lại thấy Việt Nam hiện lên thanh bình, nhẹ nhàng như những giọt chảy đều đều trong cái phin.

Ông không hiểu nổi sao starbucks lại đắt và đông kình hoàng ở Sài Gòn trong khi cafe Việt Nam chất lượng và ngon hơn. Có gì đó đã ngăn thương hiệu Việt ra xứ người.

Như đã nói trong VOA, nay Robert Dodge nhắc lại với tôi, Việt Nam đã vượt qua được một chặng đường dài trên con đường phát triển, đó là điều không thể không thừa nhận, từ một nước nghèo thành nước có thu nhập trung bình. Nhưng từ nay cần những con đường khác hơn.

Những bất cập trong thể chế, tham nhũng tràn lan, vấn đề tự do báo chí, nhân quyền là những cản trờ cho sự sáng tạo, mất cơ hội trong phát triển, bỏ lỡ bao chuyến tầu. Điều này thì ngay cả TT Obama hay ngoại trưởng Kerry đều nhắc nhở trong câu chuyện với các chính trị gia Việt Nam.

Chia tay, tôi có hỏi, sao ông không xuất bản cuốn sách này tại Việt Nam. Chính phủ VN dùng như một cách quảng bá hình ảnh Việt Nam ra thế giới, cần gì phải bỏ hàng triệu đô la cho vài phút trên CNN.

Robert Dodge nói, cuốn sách ảnh này nhằm vào thị trường Mỹ vì nhân 40 năm kết thúc chiến tranh, chắc chắn người Mỹ muốn nhìn lại 4 thập kỷ, Việt Nam đang ở đâu, có còn chiến tranh điêu tàn hay đã hòa bình và tươi đẹp.

Ông trầm ngâm, ừ nhỉ, giá như những hình ảnh này đến với người Viêt, nhiếp ảnh gia sẽ hạnh phúc biết bao, bởi trái tim nghệ sỹ không chỉ dành riêng cho một phía bên kia bán cầu, quan hệ Mỹ Việt đã nồng ấm hơn rất nhiều sau 40 năm hết tiếng súng.

Cuối buổi gặp, tôi hỏi ông có mang theo máy ảnh không. Ông lắc đầu, tôi cũng vậy, nhưng ông bảo, dùng iPhone cũng OK, rồi ông đưa cho tôi. Một blogger chụp ảnh một nhiếp ảnh gia nổi tiếng của Mỹ, kể cũng liều. Buồn cười hơn là ông có những bức ảnh để đời chất lượng tuyệt hảo nhưng hôm nay lại vào chui vào iPhone chất lượng thấp.

Chia tay, tôi chúc ông có cuốn sách bằng tiếng Việt, do một người Việt có trình độ về nhiếp ảnh đề tựa. Tôi tin những gì trong ống kính của Robert Dodge sẽ được đón nhận tốt đẹp tại Việt Nam. Tôi cũng mong ông trở lại VN chụp nhiều ảnh hơn nữa về một miền đất mà cả hai cùng bạn đọc khắp năm châu yêu quí.

Chúng tôi nắm tay rất chặt và cùng nói "See you again" – Hẹn gặp lại.

HM. 24-10-2014

Đầu nguồn. Ảnh: Robert Dodge.

Đầu nguồn. Ảnh: Robert Dodge.

Ông Robert Dodge tại World Bank. Ảnh: HM chụp bằng iPhone của ông ấy

Ông Robert Dodge tại World Bank. Ảnh: HM chụp bằng iPhone của ông ấy

Robert Dodge.- Biography

Robert Dodge is a commercial, editorial and fine arts photographer and writer with more than 30 years of experience in journalism and public relations. His work includes portraits, landscapes, and iconic Washington venues, as well as wedding, travel, and corporate and advertising imagery.

While photography has been a part of Dodge's life since age 14, he spent more than three decades as a newspaper writer and editor. In 2006, he left The Dallas Morning News, where he had been a Washington correspondent for nearly 25 years, to work in media relations for a major industry trade association. Several years later, he launched an independent business as a writer and photographer.

In 2013, images from his Vietnam 40 Years Later project won top honors in FotoWeekDC's Uncover/Discover contest. In 2010, an image from the project won honorable mention in the Santa Fe Workshop's LIGHT contest. The Dallas Press Club honored Dodge for his Dallas Life Magazinestory Mr. Bentsen and the President, which chronicled the close relationship between Treasury Secretary Lloyd Bentsen and President Bill Clinton. In 1982, he was a key member of a team ofDallas News journalists who were Pulitzer Prize finalists for spot-news reporting on the bankruptcy of Braniff International Airways.

Dodge was president of the National Lesbian and Gay Journalists Association, 1999-2002, and has served on the Accrediting Council on Education in Journalism and Mass Communications, the academic and industry group that awards accreditation to journalism colleges.

Dodge lives in Washington, D.C., with his two cats, Winston and Tittles, who both enjoy boiled shrimp and a good belly rub. Vietnam 40 Years Later is his first book.

2020 12th Street, NW, No. 417, Washington DC 20009

HYPERLINK "mailto:Robert@RobertDodge.comRobert@RobertDodge.com |http://www.RobertDodge.com

Xem thêm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét