"Nếu kết quả của các cuộc kiểm điểm ở bộ, ngành, địa phương, đơn vị nào cũng chung chung, trùng lắp, không có địa chỉ cụ thể, con người cụ thể, trách nhiệm cụ thể thì làm sao làm sao thuyết phục được dân rằng chúng ta đang chấn chỉnh thật sự, chấn chỉnh một cách nghiêm túc để xứng với sự kỳ vọng của dân"
Nguyên UVTƯ Đảng, Phó Chủ nhiệm UBKT TƯ Vũ Quốc Hùng trao đổi với Lao động sau một tuần sôi động với các cuộc kiểm điểm theo NQ TƯ 4 diễn ra rộng khắp trên toàn quốc.
Nghị quyết nói tham nhũng là quốc nạn. Thực hiện nhiều nơi né tránh
PV: .Nhận định "Người dân tiếp tay cho tiêu cực, tham nhũng" trong báo cáo Phòng chống tham nhũng 2012 đã gặp phải phản ứng khá gay gắt của không chỉ Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn mà còn của đông đảo nhân dân, từng là thường trực Ban chỉ đạo TƯ 6 lần 2, ý kiến của ông về vấn đề này?
Ông Vũ Quốc Hùng: Tôi hoàn toàn nhất trí với ý kiến của đồng chí Huỳnh Ngọc Sơn: Dân không bao giờ muốn bỏ tiền nhà đi đút lót, vì các cán bộ công chức đòi ăn nên dân mới phải đút. Dân khổ lắm. Và việc trách cứ dân là không đúng bản chất bởi thực tế hầu hết các vụ tham nhũng là do dân phát hiện. Bản chất của tham nhũng là chỉ có những người có chức quyền mới có cơ hội tham nhũng và tìm mọi cách, kể cả việc gây khó dễ, hà hiếp người dân để tham nhũng, vì thế, người dân thực tế chỉ là nạn nhân của tham nhũng. Nhận định sai dễ dẫn đến phương pháp sai. Bởi suy cho cùng, chống tham nhũng phải làm sao để có muốn người ta cũng không thể tham nhũng, chứ việc khuyên can, kêu gọi người dân là cần nhưng chưa đủ. Và chống tham nhũng, phải đồng nghĩa với việc xử lý nghiêm khắc, kiên quyết hành vi tham nhũng cũng như trách nhiệm của cơ quan chức năng và người đứng đầu những địa phương, đơn vị xảy ra tham nhũng. Trước đây, chúng ta nói đến "một bộ phận" và đến giờ nghị quyết TƯ 4 đưa ra nhận định "một bộ phận không nhỏ" cán bộ đảng viên, trong đó có những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả một số cán bộ cao cấp, suy thoái, cơ hội, thực dụng, tham nhũng, lãng phí, vô nguyên tắc… Nhưng nếu chống tham nhũng theo kiểu phê phán bằng khẩu hiệu, hoặc đổ lỗi cho người dân,thì cuộc chiến chống tham nhũng không thể có được kết quả tốt đẹp. Và chính tư duy này, kiểu chống tham nhũng này, đã dẫn đến kết quả là như TƯ đã nhận định: Tham nhũng ngày càng nghiêm trọng.
PV: Những thông tin chính thức từ các cuộc kiểm điểm theo tinh thần NQ TƯ 4 đến với người dân cho thấy dường như chưa có sự kiểm điểm, chí ít là việc để xảy ra tham nhũng trong phạm vi đơn vị, ngành, địa phương mình. Việc phát hiện ra tham nhũng, trách nhiệm với tham nhũng qua kiểm điểm là việc khó, hay đây là sự né tránh, thưa ông?
Gần đây, tôi chú ý tới sự kiện Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Lê Thanh Cung kêu gọi DN phối hợp cùng chính quyền chống lại vấn nạn tham nhũng. Đồng chí Chủ tịch thừa nhận tình trạng một số cán bộ công quyền nhũng nhiễu doanh nghiệp là có, và cam kết chính quyền sẽ tìm cách ngăn chặn. Đông chí chủ tịch đề nghị khi gặp phải những cán bộ nhũng nhiễu, vòi vĩnh, DN hãy ghi âm lấy bằng chứng để cùng chính quyền xử lý nghiêm, nhằm làm trong sạch bộ máy công quyền. Theo tôi, đây cũng là một biểu hiện cụ thể của việc thực hiện nghị quyết TƯ 4. Bởi nếu nghị quyết TƯ đã thừa nhận tham nhũng là quốc nạn mà chính quyền các địa phương lại lơ là, né tránh, không dám nhìn vào sự thật, không dũng cảm công khai, ít nhất là nói về việc sẽ đấu tranh quyết liệt với tham nhũng thì làm sao có thể đẩy lùi được tham nhũng. Tất nhiên, tham nhũng ngày càng trắng trợn, ngày càng tinh vi, ngày càng thâm độc hơn. Nhưng không vì chuyện tham nhũng ngày càng tinh vi, đối tượng ngày càng nhiều thủ đoạn mà đợt sinh hoạt chính trị này lại không nhìn nhận thực trạng tham nhũng. Tôi cũng thấy ngạc nhiên khi trong rất nhiều các thông tin về đợt sinh hoạt chính trị này chưa thấy nơi nào tự vạch ra những hành vi tham nhũng của cán bộ đảng viên. Thậm chí ngay cả trách nhiệm của người đứng đầu bộ, ngành địa phương cũng chưa thấy được nói tới. PCTN lại là một nội dung đặc biệt quan trọng, có ý nghĩa quyết định tới công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và kết quả chống tham nhũng, lãng phí thì đã được nói rất rõ trong Văn kiện Đại hội XI là "Chưa đạt yêu cầu đề ra". Nếu không gắn việc chống tham nhũng, lãng phí vào đợt sinh hoạt chính trị này, nếu không chỉ rõ trách nhiệm của người đứng đầu trước tình trạng tham nhũng, lãng phí, thất thoát thì làm sao đợt sinh hoạt chính trị thuyết phục được người dân- những nạn nhân của tham nhũng. Trong đợt học tập nghị quyết TƯ 4, đã có nhiều ý kiến cho rằng Nguyên tắc "tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách" ở nhiều nơi mang tính hình thức. Chống tham nhũng là việc không dễ, nhưng không nói tới trách nhiệm của người đứng đầu trong đơn vị để xảy ra tham nhũng tôi cho đó chính là biểu hiện của bệnh hình thức, của việc né tránh.
Công khai để dân biết, dân tin, dân ủng hộ
PV: Tại Hà Nội, sau hội nghị kiểm điểm, Bí thư Thành ủy HN đã có buổi gặp gơ báo chí để cung cấp một số thông tin và nhấn mạnh đến việc bỏ phiếu tín nhiệm để loại bỏ những cán bộ yếu kém. Nhận xét của ông về cách làm của Hà Nội?
Hà Nội là thủ đô, là địa phương thực hiện đầu tiên việc kiểm điểm theo nghị quyết TƯ 4 và sự nêu gương đó là rất quan trọng. Những động thái của Hà Nội vừa rồi theo tôi là tích cực, trước hết là ở việc chủ động tổ chức cung cấp thông tin cho báo chí và đưa ra "địa chỉ cụ thể" của những tập thể, đơn vị liên quan đến việc kiểm điểm, đưa ra con số cụ thể về 23 cán bộ bị buộc phải điều chuyển. Đồng chí bí thư Thành ủy còn khẳng định việc xử lý kỷ luật đối với những cán bộ không hoàn thành nhiệm vụ và đặc biệt là việc bỏ phiếu tín nhiệm với tuyên bố "Nếu hai năm liên tiếp không đạt yêu cầu phiếu tín nhiệm là thay thế; nếu một năm phiếu tín nhiệm quá thấp cũng bị thay, không chờ hết tuổi, hết nhiệm kỳ". Theo tôi, đây là động thái cương quyết cần phải nhân rộng. Nhân dân Thủ đô và cả nước đang chờ đợi những tuyên bố như thế được thực hiện trong cuộc sống, được biến thành hành động cụ thể để Thủ đô xứng đáng là tấm gương của cả nước.
PV: Việc kiểm điểm theo NQ TƯ 4 là vấn đề mà dư luận nhân dân rất quan tâm. Tuy nhiên, những thông tin công khai hiện còn rất hạn chế, thậm chí rất chung chung, trùng lặp. Thưa ông, kiểm điểm có phải là chuyện nội bộ trong Đảng? và phải chăng việc kiểm điểm đang thiếu đi sự kiểm tra giám sát của người dân?
Tôi cũng nhận thấy có sự trùng lặp trong hầu hết các thông tin về việc kiểm điểm. Ở đâu kiểm điểm cũng thấy "chủ động, khách quan, đúng mức, thẳng thắn, chân thành, nhìn thẳng vào sự thật, tạo chuyển biến"… trong khi kết quả kiểm điểm thế nào thì chỉ được nói hết sức vắn tắt và cũng hết sức chung chung. Tôi nghĩ đã đến thời điểm chúng ta cần thực sự dân chủ, công khai việc kiểm điểm trước dân. Bởi nếu kết quả của các cuộc kiểm điểm ở bộ, ngành, địa phương, đơn vị nào cũng vẫn chỉ là những từ ngữ chung chung, trùng lắp, không có địa chỉ cụ thể, con người cụ thể, trách nhiệm cụ thể thì làm sao chứng minh được sự đúng đắn trong những nhận định của NQ TƯ 4, làm sao thuyết phục được nhân dân rằng chúng ta đang chấn chỉnh thật sự, chấn chỉnh một cách nghiêm túc để xứng với sự kỳ vọng của dân.
Tôi phải khẳng định rằng Điều lệ Đảng nêu rõ "Đảng tôn trọng, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân; dựa vào nhân dân để xây dựng Đảng". Đảng không có lợi ích nào khác ngoài lợi ích của đất nước, của nhân dân. Việc của Đảng không có gì là việc riêng. Và chính vì vậy, việc kiểm điểm càng phải công khai để cho dân biết. Dân có biết thì dân mới tin. Dân có tin thì dân mới ủng hộ. Và dân có ủng hộ thì việc gì cũng thành công.
Trong đợt sinh hoạt chính trị này, chúng ta đã tổ chức lấy ý kiến những đảng viên kỳ cựu, những cán bộ lão thành cách mạng. Điều đó là cần nhưng chưa đủ bởi trí tuệ nhân dân cần phải được phát huy. Theo tôi, kết quả việc kiểm điểm cần công khai trước dân để nhân dân biết, dân giám sát, dân góp ý và tham gia đánh giá kết quả kiểm điểm của các cấp. Phải để nhân dân kiểm tra, giám sát việc kiểm điểm, có như thế, việc của Đảng cũng mới là việc của dân.
Chỉnh đốn Đảng không đơn thuần là việc cấm café, cấm nhậu nhẹt
PV: Ở Bình Thuận, ở Quảng Nam, sau các hội nghị kiểm điểm, có một số thông tin đưa ra báo chí về những quy phạm cấm cán bộ la cà quán café, cấm nhậu nhẹt vào giờ trưa…Tuy nhiên, đây có vẻ là vấn đề kỷ luật hành chính? Trong khi nội dung của kiểm điểm theo TƯ 4 không đơn giản chỉ là vây? Thưa ông?
Trong chỉ thị 15 về việc thực hiện NQ TƯ 4 có đề cập cụ thể đến 3 nội dung kiểm điểm: Về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; việc thực hiện Quy định về những điều đảng viên không được làm; trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng và từng đảng viên, của người đứng đầu về tình trạng cán bộ, đảng viên suy thoái. Những hạn chế, yếu kém trong công tác cán bộ. Và những hạn chế, khuyết điểm trong thực hiện nguyên tắc "tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách"… Trong 3 nội dung này, Chỉ thị 15 của Bộ Chính trị nhấn mạnh nội dung thứ nhất là trọng tâm, xuyên suốt và cấp bách nhất.
Tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện nay, những thông tin công khai trên báo chí về kết quả kiểm điểm của rất nhiều bộ, ngành, địa phương thật ra còn chưa có câu chữ nào nói đến sự suy thoái và việc kiểm điểm như một bản liệt kê thành tích, kèm theo vài dòng rút kinh nghiệm, cho nên người dân khó có thể biết nội dung được Bộ Chính trị xác đinh là "trọng tâm, xuyên suốt và cấp bách nhất" đã được kiểm điểm như thế nào. Theo tôi, đó mới là nội dung chính chứ không phải chuyện kỷ luật hành chính.
Việc cấm cán bộ đảng viên la cà quán café hay nhậu nhẹt cũng cần hoan nghênh. Nhưng cốt lõi của việc kiểm điểm theo nghị quyết TƯ 4 là những vấn đề cấp bách hơn nhiều, liên quan đến sự tồn vong của Đảng, của chế độ. Và việc chấn chỉnh Đảng lại càng không đơn thuần là việc cấm café, cấm nhậu nhẹt.
Xin trân trọng cảm ơn ông
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét