Sinh nhật lần thứ 44 - không nến, không hoa … chỉ có lời cầu chúc bình an của những người trân trọng và quý mến anh ở nhiều nơi khác nhau.
Đêm qua trăn trở, đã bật dậy định viết cái gì đó về khái niệm "đầu hàng" , "đối thoại" và "thỏa hiệp" rồi, nhưng rồi lại nén tiếng thở dài, lại nằm.
Suy nghĩ về phiên tòa và bản án của anh Điếu Cày chưa nguôi, nhìn lại đã đến ngày kỷ niệm sinh nhật lần thứ 4 của anh Định ở trong tù.
Nhiều lời phản đối, nhiều tiếng thở dài ngao ngán sau bản án phi lý, bất công dành cho blogger Điếu Cày, và ngay sau hôm xử anh, mọi người dường như bận tâm nhiều hơn đến định nghĩa mới về tự do được cho rằng của viên Trung tá Vũ Văn Hiển, công an phường 6, quận 3 hơn là hành động.
Tôi còn nhớ hoài một comment mà tôi đã được đọc khi nói về trường hợp của Lê Công Định trên blog Linh dạo nào: "Thực ra chúng ta đang rất vô trách nhiệm. Chúng ta nhìn người khác đi vào chỗ chết - cho chúng ta sống tử tế hơn. Nhưng chúng ta biết làm gì ngoài việc ngồi đây tranh luận qua mạng, rồi sáng mai, bạn lại đi khắp nước Mỹ chẳng hạn, còn tôi, tôi lại chúi đầu vào công việc. Nhiều lúc ngao ngán là thế thôi"
4 năm – nhắc lại trường hợp Lê Công Định, tôi vẫn còn được nghe nhiều về sự "đầu hàng", sự "thỏa hiệp" nhiều hơn là sự dấn thân và từ bỏ những gì mà anh đang có ở thời điểm đó.
Rõ ràng là phán xét một người bao giờ cũng dễ dàng hơn là đặt mình vào vị trí của người đó để có những quyết định và hành động đúng đắn.
Đến tận bây giờ, tôi vẫn thấy nhiều người đổ lỗi cho sự đầu hàng của Lê Công Định là làm tiêu tan nhuệ khí đấu tranh, làm mất tinh thần và niềm tin của nhiều người dấn thân vì dân chủ. Đã 4 năm rồi, và mọi thứ dường như không thay đổi mấy thì phải.
Ấn tượng của tôi về Lê Công Định đó là một trí thức có tài và trí lực, nếu cam tâm làm một con ốc trong guồng máy chính trị - xã hội Việt Nam hiện tại, hẳn anh sẽ còn tiến xa hơn và là một con ốc lớn nếu chấp nhận quy luật 3 không: không nghe – không thấy – không biết.
Anh đã lựa chọn, và chúng ta ngồi đây phán xét sự lựa chọn ấy.
Phải chăng chúng ta quá xét nét và nhẫn tâm với chính những người can đảm có cùng khao khát tự do như chúng ta?
Chúng ta thường phán xét người này khôn hay dại trong hành động, mà quên rằng chính sự dấn thân vì khôn hoặc vì dại của họ đã là một bài học, một kinh nghiệm cho chính bản thân chúng ta.
Một người có một vai trò, một vị trí và cách hành động khác nhau, không phải chúng ta đang mở một cuộc tìm kiếm hình ảnh của một vị anh hùng, một nhà lãnh đạo. Đây không phải là thời kỳ của các anh hùng, đây là thời điểm của những con người đã can đảm, đang và sẽ can đảm.
Những người can đảm đi tù hết thì sao? Thì chúng ta thôi can đảm và chấm dứt ước mơ về tự do ư?
Không hề có chuyện đó, vì vậy, nếu thoát ra khỏi được tâm lý tôn vinh lãnh tụ, có lẽ chúng ta sẽ thấy mình nhẹ nhàng và cư xử nhân văn hơn với những người đi trước đã hy sinh tự do cá nhân của mình.
Chừng ấy năm qua đi, blogger Điếu Cày, Tạ Phong Tần, AnhbaSG phải đối mặt với bản án khốc liệt vì đã nói những gì mình nghĩ, đã truyền bá suy nghĩ của mình đến với mọi người.
Chừng ấy năm qua đi, Trung Quốc tiến thêm một bước dài, đánh dấu việc thành lập thành phố Tam Sa bằng những tuyên bố và những buổi lễ với đầy đủ nghi thức và cờ hoa.
Còn chúng ta, chúng ta còn đang trăn trở và bất lực buông tay nhìn những người xung quanh mình bị đánh, bị tạm giữ, bị bắt giam mà không thể làm gì ư?
Sinh nhật lần thứ 44 của luật sư Lê Công Định – đánh dấu năm thứ 4 trải qua giai đoạn khốn khó của anh ở trong tù, ngoài lời cầu chúc bình an, sức khỏe, tinh thần kiên định đến anh, tôi luôn tin tưởng rằng "hào khí Diên Hồng" sẽ không bao giờ lụi tàn trong tinh thần mỗi con người chúng ta.
Đừng để thêm một người yêu nước nào phải cảm thấy mình lẻ loi, đơn độc nữa mọi người ạ!
Bài viết năm ngoái: Cho Một Niềm Hy Vọng
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét