Chủ Nhật, 7 tháng 10, 2012

Phạm Viết Đào - CÁC NHÀ VĂN NGOÀI ĐẢNG BÌNH LUẬN VỀ THẾ CUỘC HỘI NGHỊ TW 6

Nguồn phamvietdao

Phamvietdao.net: Mặc dù thông tin bị bịt kín như bưng nhưng nhiều nhà nhà văn vẫn tìm cách " nối mạng" thông tin để dõi theo thời cuộc; Bước đầu xin giới thiệu ý kiến của 2 nhà văn không phải đảng viên: Trần Bảo Hưng và Võ Khắc Nghiêm lên tiếng về cái hội nghị có nhiều vấn đề gây cấn này: Hội nghị TW Đảng lần thứ 6 khai mạc ngày 1/10/2012 vừa qua…Trong khi cộng đồng mạng, các nhà văn không phải là đảng viên tìm cách bày tỏ chính kiến của mình ở chỗ này, chỗ kia thì ngược lại: không ít nhà văn là đảng viên lại im như thóc, sợ "vãi linh hồn"… khi bàn về chủ đề nhạy cảm, kiêng kỵ này ?

Nhà văn Trần Bảo Hưng: (Nguyên là Trưởng Ban Văn hóa-Nghệ thuật Báo Đại đoàn kết…)

Nhìn vào tổng thể "ván bài" thế cuộc của Hội nghị TW lần này tôi có phần bi quan, lo lắng về tương quan lực lượng của cuộc chiến giữa 2 phe: phe ông Nguyễn Phú Trọng, Trương Tấn Sang và phe ông Nguyễn Tấn Dũng…
Qua các phương tiện thông tin chính thống và mạng, qua kinh nghiệm bản thân tôi cảm nhận được phía ông Nguyễn Phú Trọng, Trương Tấn Sang là những người có ý tưởng trong sáng, muốn lập lại trật tự trong Đảng; Cứu Đảng tức là giữ sự ổn định cho chế độ để rồi từng bước cải cách, cải tổ…
Tôi cũng tin rằng: hai ông Nguyễn Phú Trọng, Trương Tấn Sang cũng đã nhận ra cái "lỗi hệ thống " của cái thế chế mà các ông là những kẻ đứng đâu…Chắc các ông cũng đang muốn tìm cách khắc phục nó để đưa đất nước phát triển, mang lại đời sống hạnh phúc cho nhân dân chứ các ông không phải là giống người ôm lấy quyền lực để vơ vét về cho gia đình dòng họ của mình.Để khắc phục được cái lỗi hệ thống này thì nhất quyết với tư cách là người đứng đầu Đảng, ông Nguyễn Phú Trọng buộc phải sắp xếp lại bàn cờ thế sự, bày xếp lại binh mã thì cáo cỗ xe mà ông phụng sự, cầm lái mới tiến lên được…Cuộc chỉnh đốn Đảng lần làn mang ý nghĩa đó…Có điều: " chổi ngắn liệu có quét được nhện xa" ? Liệu trong cái Ban chấp hành Trung ương với 175 thành viên có được đa số có cùng suy nghĩ, tâm huyết, giữ được sự chừng mực trong cuộc sống cá nhân như 2 ông không để nhất tề đứng dưới cờ của 2 ông ? Ngay cái Bộ chính trị 13 vị đã cho thấy nhiều vấn đề đã không có được cái ý chí của " 5 anh em trên một chiếc xe tăng" vậy thì cái ý chí, cái nghị quyết chung của cái hội nghị TW lần này có là gì ? Có nhất tề tuyên chiến với tệ nạn, tiêu cực đang là lực cản phá ngay trong Đảng để đưa guồng máy bớt đỡ hao phí năng lượng hay chỉ là một sực chắp vá, thỏa hiệp đắp đổi để giữ cho khỏi bị bung bét ra, để giữ miếng ăn cho nhau…
Tôi cho rằng: số ủy viên TW có ý chí, tâm huyết như 2 ông Nguyễn Phú Trọng, Trương Tấn Sang không nhiều, không chiếm đa số trong số 175 vị kia; nhưng về cơ cấu, tổ chức Đảng thì các ủy viên TW chắc cùng không dám công khai bày tỏ sự chống đối, phủ quyết những ý kiến, ý tưởng của TBT; theo tin mạng thì cuộc bỏ phiếu lần này được tiến hành công khai, tức là đánh bài ngửa, không tiến hành theo hình thức bấm nút hay bỏ phiếu kín…Điều này sẽ đặt 175 ủy viên BCHTW trước những lựa chọn khó khăn: Bày tỏ chính kiến không tán thành quan điểm của TBT đưa ra ư ? Chắc không dại gì…Nhưng nếu buộc họ công khai bỏ phiếu phủ quyết phe Thủ tướng thì họ không phải đắn đo suy nghĩ?
Ở đây một lựa chọn vì vận mệnh đất nước và một sự lựa chọn vì tiền đồ chính trị cá nhân không dễ gì đối với 175 vị ủy viên trung ương kia: " bên tình bên hiếu bên nào nặng hơn…"Chính vì sự giằng co do tương quan lực lượng 2 phe chưa rò ràng nên rất có thể xảy ra tình hình cò cưa bùng nhùng; hình thành nên phái " đầm lầy " trong Đảng, tình hình này giống với nước Pháp giai đoạn thế kỷ XVI-XVII; Và nếu rơi vào tình cảnh này thì đất nước thêm một lần "thở hắt" ra để rồi lại tiếp tục chìm sâu vào cái đầm lầy tham nhũng, quan liêu do cái thể chế cộng sản mang lại…

Nhà văn Võ Khắc Nghiêm:

Tôi nghĩ rằng: Hội nghị TW lần này sẽ đi đến được một kết cục: thống nhất được một hình thức kỷ luật nào đó với ông Nguyễn Tấn Dũng về những sai phạm để xảy ra trong công việc điều hành Chính phủ; Ở các nước có nền hành chính minh bạch, chỉ để xảy ra một vụ như Vinashin, Vinalines…thì Thủ tướng đã tìm cách từ chức rồi…
Đối với ông Nguyễn Tấn Dũng ngoài chuyện điều hành chung, ban hành các quyết sách lớn mang đã những hiệu quả tiêu cực cho nền kinh tế đất nước như việc điều hành ngành ngân hàng, tài chính, để xảy ra tham ô tham nhũng lan tràn trong guồng máy do Chính phủ trực tiếp quản lý chưa kể đời sống riêng tư của ông cũng có nhiều chuyện được đưa lên mạng…
Sau hội nghị chỉnh đốn Đảng lần này, Ban chấp hành trung ương cũng nên bạch hóa một số thông tin đang được lưu hành trên mạng về chuyện con cái và chuyện xây dựng nhà thờ có sự việc này không, ông Nguyễn Tấn Dũng có gì vi phạm tư cách đảng viên không ?
Việc thống nhất được một hình thức kỷ luật trong Đảng đối với ông Nguyễn Tấn Dũng tôi nghĩ là có cơ sở và khả thi bởi các lý do sau đây: Đúng là 175 ủy viên TW có thể có người nọ người kia nhưng thực ra trong quan hệ làm ăn, kinh tế thì ông Nguyễn Tấn Dũng trực tiếp với một số bộ trưởng, các chủ tịch tỉnh nhiều hơn, thành ra việc bỏ phiếu chắc sẽ tập trung và sẽ theo sự chỉ đạo của Bộ Chính trị…
Đây là cơ hội để Đảng "tự rửa mặt cho mình ", nếu ở cấp Bộ chính trị, cấp chính phủ trong đợt chỉnh đốn Đảng lần này không tìm, vạch ra được vấn đề gì để mà chỉnh để tâm phục, khẩu phục trước hết là trong Đảng, sau đó là nhân dân thì đây quả là một điều không hay ho gì với Tổng Bí thư và Chủ tịch nước…

P.V.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét