Sau công văn 7169 của Văn phòng Thủ tướng chính phủ, phiên tòa vừa diễn ra hôm 24/9 với những bản án rất nặng dành cho ba cây bút "lề trái" là Điếu Cày Nguyễn Văn Hải, Tạ Phong Tần và AnhbaSaigon Phan Thanh Hải lại là một động thái tiếp theo cho thấy sự cứng rắn của chính quyền trong việc "xử lý nghiêm" các nguồn thông tin không chính thống.
Tuy nhiên, nhiều người cho rằng thái độ cấm đoán, ngăn chặn thông tin sẽ không bao giờ giải quyết được vấn đề.
Công văn hỏa tốc được gửi ra từ Văn phòng thủ tướng chính phủ vào ngày 12/9 có bốn ý kiến chỉ đạo từ thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.
- Một là giao cho Bộ Công An chủ trì phối hợp cùng với Bộ Thông tin và Truyền thông và các cơ quan chức năng tập trung chỉ đạo điều tra, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân đã đăng tải các thông tin được cho là "vu khống, bịa đặt, xuyên tạc nhằm bôi xấu bộ máy lãnh đạo.
- Hai là Bộ Thông tin và Truyền thông phải phối hợp với Ban Tuyên giáo trung ương cung cấp thông tin khách quan, đúng sự thật về tình hình đất nước, nhất là trong các vấn đề mà dư luận quan tâm, xử lý nghiêm việc thông tin, tuyên truyền không đúng sự thật.
- Ba là các cơ quan truyền thông của nhà nước phải tăng cường cung cấp thông tin kịp thời, chính xác và chủ động phản bác thông tin không đúng sự thật, xuyên tạc, chống Đảng và Nhà nước.
- Bốn là các cán bộ công chức không được xem và phổ biến các thông tin đăng tải trên các trang mạng phản động.
Ngoài ra, công văn còn nêu đích danh ba trang thông tin điện tử là trang "Dân làm báo", "Quan làm báo" và "Biển Đông" là những trang đã đăng tải thông tin vu khống, bịa đặt, xuyên tạc, bôi đen bộ máy lãnh đạo.
Không thể "xử lý nghiêm" đối với thông tin trung thực
"Nếu thủ tướng không loại trừ báo chính thống ra thì rõ ràng yêu cầu thông tin chính xác, trung thực phải áp dụng đối với cả báo mạng và báo chính thống. Nếu những tờ báo chính thống nào chuyên môn nói xuyên tạc, bôi hồng hoặc tô đen lên, thì những tờ báo ấy cũng phải bị xử lý."
Blogger Nguyễn Tường Thụy cho rằng chỉ thị của thủ tướng sẽ là hợp lý nếu như việc "xử lý nghiêm" ở đây được áp dụng cho tất cả các cơ quan báo chí, truyền thông nói chung. Ông nói:
"Tinh thần của thủ tướng thì tôi rất hoan nghênh. Thủ tướng nói là yêu cầu thông tin phải trung thực. Như vậy, không những báo mạng phải trung thực mà báo chí nhà nước cũng phải chính xác, trung thực. Chúng tôi đã vạch ra rất nhiều chuyện báo chí nhà nước không chính xác, không trung thực, có ý đồ không tốt. Cho nên, thủ tướng chỉ đạo như vậy là đúng. Thông tin phải chính xác, trung thực. Như vậy, phải đánh những trang mạng tung tin thất thiệt, tuyên truyền lật đổ chế độ, hoặc ảnh hưởng uy tín của các vị lãnh đạo nhà nước thì điều đó là đúng rồi, nhưng (nếu) họ thông tin thật thì anh không thể làm gì được họ."
Như vậy, không những báo mạng phải trung thực mà báo chí nhà nước cũng phải chính xác, trung thực. Chúng tôi đã vạch ra rất nhiều chuyện báo chí nhà nước không chính xác, không trung thực, có ý đồ không tốt.
Blogger Nguyễn Tường Thụy
Hầu hết các trí thức được hỏi đều cho rằng nếu các trang mạng "lề trái" vạch ra những vấn đề lâu nay nằm trong bức màn bí mật và những điều đó không phải là bí mật quốc gia thì các cơ quan chức năng không thể "xử lý" họ.
Chưa kể, báo chí "lề trái" trong một số trường hợp lại tỏ ra chính xác và uy tín hơn "lề phải". Đơn cử một vài sự kiện mới và gần đây nhất là vụ bắt "bầu Kiên", vụ cơ quan công an điều tra và ra quyết định khởi tố ông cựu Bộ trưởng Bộ Kế hoạch – Đầu Tư Trần Xuân Giá... Chính lối đưa tin kiểu "thậm thụt", đăng lên, rút xuống, rồi lại đăng lên của báo chí chính thống đã khiến cho người dân hoàn toàn mất lòng tin và mất phương hướng. Trong khi đó, một số trang thông tin điện tử "lề trái" lại càng ngày càng "được lòng" nhiều độc giả hơn khi đăng tải những thông tin mà họ có thể dễ dàng kiểm chứng và xác nhận được độ xác thực.
Ngoài ra, chế độ kiểm duyệt thông tin cũng là một nguyên nhân góp phần làm cho báo chí "lề phải" mất uy tín trong lòng người dân. Luật gia Lê Hiếu Đằng nói:
"Vấn đề hiện nay Trung Quốc đã lăm le, không phải là lăm le nữa mà đang dần lấn chiếm biển đảo của Việt Nam, thì tại sao không cho báo chí trong nước đấu tranh lại những luận điệu xuyên tạc, hiếu chiến của phe báo chí Trung Quốc, mà lại buộc tay buộc chân anh em báo chí. Tôi nghĩ đó là cái mà làm cho báo chí "lề phải" không còn uy tín để đi vào lòng dân nữa."
Cấm đoán không bao giờ là một giải pháp tốt
Theo luật gia Lê Hiếu Đằng, một trong những biện pháp căn bản để xóa đi tình trạng báo chí "lề phải", "lề trái" là phải có tự do báo chí. Quyền được thông tin của người dân đã được ghi trong Hiến pháp cần phải được tôn trọng. Ngoài ra, ông cũng cảnh báo:
"Cấm đoán không bao giờ giải quyết được việc gì cả. Chỉ có công khai, minh bạch mới giải quyết được những vấn đề tồn tại hiện nay. Chứ nếu không công khai, minh bạch, không công nhận quyền tự do, dân chủ của người dân thì sẽ không bao giờ giải quyết được vấn đề gì cả. Mà cái đó sẽ âm ỉ và dần dần trở thành làn sóng ngầm hết sức nguy hiểm cho sự bất ổn định về mặt chính trị."
Dĩ nhiên, không ai phủ nhận trên thị trường thông tin cả "lề phải" và "lề trái", không thiếu những thông tin thiếu chính xác hay khó kiểm chứng. Nhưng theo TS Nguyễn Quang A, nếu có một chế độ thực sự tự do về ngôn luận thì những nguồn thông tin như thế sẽ không còn đất sống. Ông nói:
"Khi mà có những thông tin kiểu như thế thì người ta lại có các báo khác đưa toàn bộ ra. Lúc đó, bạn đọc có thể so sánh. Tức là có sự cạnh tranh thì lúc đấy những báo mà cắt xén hay làm méo mó đi sẽ không còn đất sống nữa. Lúc đó tự nhiên nó chết. Rất đáng tiếc là bây giờ có thể có những báo như vậy nhưng người ta lấy tiền thuế của dân để nuôi nên nó vẫn sống."
Cấm đoán không bao giờ giải quyết được việc gì cả. Chỉ có công khai, minh bạch mới giải quyết được những vấn đề tồn tại hiện nay.Blogger Nguyễn Tường Thụy
Blogger Nguyễn Tường Thụy thì cho rằng chính bản thân người đọc là một sàng lọc rất tốt các nguồn thông tin trên thị trường. Và không ai khác hơn là chính họ sẽ là quan tòa tốt nhất cho sự sống còn của các nguồn thông tin.
"Người đọc người ta cũng không thích thông tin giả dối đâu. Cho nên anh nào nói năng lăng nhăng, suy đoán linh tinh nhiều quá, chửi bới nhiều quá thì họ cũng không thích đâu. Yêu cầu của họ là khách quan và tốt nhất đừng hướng dẫn người đọc. Để cho người đọc đọc tin và họ tự thẩm tra lấy. Nếu có đưa ra nhận định của mình thì cũng phải nhận định hết sức chừng mực, vừa phải."
Theo TS Nguyễn Quang A, chuyện cấm đoán, ngăn chặn thông tin không những không đem lại kết quả mong muốn mà còn gây tác động ngược lại bởi tâm lý càng cấm càng muốn xem của người đọc.
"Bản thân chuyện cấm đoán như thế tôi nghĩ là không những không đạt được kết quả mà còn có tác động ngược. Đấy là chưa nói đến chuyện về tính pháp lý, chưa nói đến chuyện nó đi ngược lại với tất cả quy định hiện hành cũng như các văn bản, hiệp định mà Việt Nam đã long trọng ký kết và cam kết với các tổ chức quốc tế cũng như bản thân luật của Việt Nam."
Suy nghĩ của TS Nguyễn Quang A cũng chính là điều mà rất nhiều chính phủ cũng như các tổ chức quốc tế đã và đang lên tiếng đối với Việt Nam sau hàng loạt các vụ việc ngăn chặn, sách nhiễu giới cầm bút "lề trái", đặc biệt là sau vụ xử nặng ba blogger Điếu Cày Nguyễn Văn Hải, Tạ Phong Tần và AnhbaSaigon Phan Thanh Hải với những bản án rất nặng là 12 năm, 10 năm và 4 năm tù giam.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét