Thứ Ba, 2 tháng 10, 2012

RFA. Tác dụng ngược của các bản án nặng nề - Viết blog ở tù lâu hơn giết người !

Nguồn RFA

Ông Phil Robertson, Phó Giám đốc Human Rights Watch đặc trách vùng Á Châu, khẳng định rằng những blogger này "lẽ ra phải không bao giờ bị coi là tội phạm".

Nhưng, những người có lòng với quê hương đất nước ấy bị giới cầm quyền trong nước "coi là tội phạm" chỉ vì họ hành xử những quyền tự do căn bản của con người mà chính Hiến Pháp, luật pháp hiện hành của VN quy định cùng công ước quốc tế mà VN đã cam kết. Chẳng hạn như, gần đây nhất, trong phiên phúc thẩm hôm 26 tháng 9 vừa rồi, 3 thanh niên Công giáo yêu nước Phêrô Trần Hữu Đức, Antôn Đậu Văn Dương, Antôn Chu Mạnh Sơn bị tòa án Nghệ An áp đặt những bản án tổng cộng gần 10 năm tù và hơn 3 năm quản chế về tội danh máy móc "tuyên truyền chống phá nhà nước". LS Lê Quốc Quân nhận xét:

Kết quả đó đã gây ra một sự thất vọng lớn cho nhiều người. Kết quả này, mặc dù đã có thể dự báo được phần nào nhưng nó đã làm cho nhiều người bị sốc và phẫn uất, vì không chỉ là kết quả hay là bản tuyên án mà là vì tất cả các hành vi trước, trong và sau phiên tòa.

Phiên tòa Nghệ An gọi là 'công khai" ấy lại càng làm cho công luận đậm nét thêm  – nói theo blogger Huỳnh Ngọc Chênh - " một không khí căng thẳng và bưng bít bao trùm phiên tòa gọi là công khai xét xử 3 bloggers yêu nước" Điếu Cày Nguyễn Văn Hải, AnhbaSaigon Phan Thanh Hải và Sự Thật Và Công Lý Tạ Phong Tần hôm 24 tháng 9 vừa qua với những bản án tổng cộng 26 năm tù giam, 13 năm tù nhà, những bị cáo không nói lên được lòng ái quốc của mình, LS bị chèn ép phi pháp trong việc tranh tụng với công tố; thân nhân các nhà yêu nước ấy bị giam giữ, bị khủng bố, bị cản ngăn tới dự phiên xử gọi là 'công khai", người dân ra sức tham dự phiên toa bị bắt bớ, đánh đập…

Qua bài "Sự trả thù mất trí", blogger Thuỳ Linh nhận định:

Bản án dành cho những blogger cất tiếng nói ôn hòa gấp ba lần án tù cho những kẻ khoác áo công quyền để giết người đã là bản án tự kết án cho chế độ được tạo ra từ những nghịch lý: Ảo tưởng, Bất tin, Bất tín, Căm hận, Chán ngán…Và người xưa đã đúc kết: "bạo phát, bạo tàn". Nếu chính phủ tiếp tục phát hành những "trái phiếu độc đoán, chuyên chế" thì họ sẽ gặt về dự án Sụp đổ như đã từng trước đây với những Vinashin, Vinaline…Bởi nhân dân không còn gì để thế chấp, không còn gì để họ có thể cướp bóc, đàn áp ngoài sự oán thán, căm hận – những cái mà chính quyền không hề muốn nhận về. Không biết còn kéo dài bao lâu nữa sự trả thù mất trí này?

Blogger Tưởng Năng Tiến lưu ý thái độ kiên quyết "quay lưng lại với đất nước, dân tộc" của giới cầm quyền vốn thể hiện qua 3 bản án tù áp đặt, phi lý và nặng nề này:

Những bản án nặng vừa rồi của nhà cầm quyền Hà Nội đối với các bloggers Nguyễn Văn Hải, AnhbaSaigon và Tạ Phong Tần có điều như thế này, đó là thái độ dứt khoát của nhà cầm quyền Hà Nội đối với phong trào Dân chủ - tức là họ tỏ thái độ nhất định quay lưng lại với đất nước, dân tộc này.

Những "bản án quá nặng nề và nghiệt ngã" ấy khiến blogger Nguyễn Hưng Quốc không khỏi nêu lên nghi vấn rằng "Tại sao chính quyền phải nặng tay và nghiệt ngã đến như vậy ?". GS Nguyễn Hưng Quốc nêu lên 2 lý do chính:

Bản án dành cho những blogger cất tiếng nói ôn hòa gấp ba lần án tù cho những kẻ khoác áo công quyền để giết người đã là bản án tự kết án cho chế độ được tạo ra từ những nghịch lý...
Blogger Thuỳ Linh 

Thứ nhất, để trả thù. Ai cũng biết là chính quyền Việt Nam hiện nay, cũng giống như bất cứ chế độ độc tài nào, rất căm ghét các blogger và các nhà báo độc lập. Độc tài bao giờ cũng gắn liền với sự dối trá và do đó, đều có nhu cầu che giấu sự thật và né tránh mọi sự phản biện. Tất cả sức mạnh của độc tài đều được xây dựng trên, và nuôi dưỡng bằng, sự dối trá và che giấu ấy. Chính vì vậy, họ xem những kẻ nói thật là những kẻ thù không thể đội trời chung…

Thứ hai, để đe dọa. Mới đây, đích thân Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ra lệnh phản công, trừng trị và ngăn chặn các blog "phản động". Đến nay, cả ba blog bị ông Nguyễn Tấn Dũng nêu đích danh vẫn tồn tại, hơn nữa, vẫn thu hút một số người đọc cực kỳ đông đảo. Người ta bèn chuyển sự răn đe đến ba đối tượng nhỏ hơn và yếu hơn, những người đã bị bắt. Bản án dành cho họ, do đó, như một lời cảnh cáo: Liệu hồn!

Tội "chống phá nhà nước"

dc-250.jpg
Blogger Điếu Cày biều tình chống Trung Quốc vào năm 2007
Trong khi với việc trấn áp bỏ tù những người yêu nước, giới cầm quyền tỏ ra ngày càng "thiện nghệ", thì điều mà họ không làm được, theo GS Nguyễn Hưng Quốc, là chứng minh 3 bloggers Điếu Cày, AnhbaSaigon, Tạ Phong Tần "phản động" và có âm mưu "chống nhà nước", vì những gì 3 bloggers ấy từng làm chỉ là tham gia biểu tình yêu nước cũng như viết bài chống phương Bắc xâm lược. Nếu như vậy, thì những bản án tù nặng nề mà giới cầm quyền dành cho 3 nhà yêu nước ấy, theo GS Nguyễn Hưng Quốc, "cần được hiểu" thêm là "Chống TQ đồng nghĩa với việc chống phá nhà nước XHCNVN", cũng giống như nhà báo Hoàng Khương bị tù đày vì chống tham nhũng của công an thành ra "vạch trần sự tham nhũng của công an cũng đồng nghĩa với việc chống phá nhà nước XHCNVN". Và, vẫn theo GS Nguyễn Hưng Quốc, thông điệp mà giới cầm quyền muốn gởi tới người dân, nhất là giới bloggers, nhà báo tự do, là:

- Tham nhũng là một vùng cấm.

- Chống TQ là một vùng cấm.

- Tự do ngôn luận là một vùng cấm.

Hay nói theo tựa đề bài viết của blogger Nguyễn Hưng Quốc, là "Thông điệp của chính phủ VN: 'Tự do là cái con…" (xin lỗi quý thính giả) – một câu nói rất "tượng hình" mà Trung tá CA Vũ Văn Hiển văng tục và doạ "bẻ cổ" khi thấy bà Dương Thị Tân, vợ blogger Điếu Cày và con trai mặc áo có chữ "tự do cho những người yêu nước".

Phát ngôn bừa bãi vạn lần ấn tượng ấy của Trung tá công an Vũ Văn Hiển, phó công an phường 6, quận 3, Saigòn, khiến blogger Quê Choa vội vàng viết thư gởi một người đồng hương làm thứ trưởng ngành GD&ĐT, kèm theo một đề thi văn đề nghị cho khối C trong mùa thi tới vì những đề thi văn trước đó "bày cho các cháu nói dối và xem thường văn chương"; đề thi văn đề nghị của Quê Choa là:

Bác Hồ nói "Không có gì quí hơn độc lập tự do". Trung tá công an Vũ Văn Hin nói: "Tự do là cái con...c!" Từ những gì trải nghiệm ở nước ta, bạn hãy viết một bài luận về vấn đề này để chứng minh phát ngôn của trung tá công an Vũ Văn Hin về tự do ở Việt Nam là hoàn toàn chính xác.

Blogger Bà Đầm Xoè tính ra mới thấy bloger Điếu Cày bị tù và "bán ở tù" tổng cộng tới 17 năm, chứ không phải 12 năm; Tạ Phong Tần thì bị tù 15 năm chứ không phải 10 năm; còn AnhbaSaigòn bị tù 7 năm thay vì 4 năm. Tại sao vậy? Vì, theo blogger Bà Đầm Xoè, sau nhiều năm bị đoạ đày ở trại tù, các bloggers yêu nước đó lâm cảnh "sự nghiệt ngã của thân phận làm người bị quản chế sẽ bị đầy đọa, dọa nạt, theo dõi, khủng bố chẳng hề kém khi còn ở trong trại, thậm chí còn gay gắt, đểu cáng và nghẹt thở hơn". Và "điều này hẳn một người Việt Nam tử tế nào cũng đã biết".

Những án tù nghiệt ngã ấy khiến blogger Bà Đầm Xòe nêu lên câu hỏi rằng "Tại sao Đảng CSVN lại tàn ác với những người yêu nước đến như vậy ?", và tự giải thích rằng "nguyên nhân thì có nhiều, nhưng nguyên nhân chính là họ đang ở thời điểm của sự hấp hối…".  Và Bà Đầm Xoè hỏi tiếp "Mũi tên họ muốn cắm vào đâu ?". Họ "cắm vào" 3 "địa chỉ":

Đó chỉ là một đòn thất bại vì họ đã lộ ra bản chất bán nước, hèn nhát không biết bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, lãnh hải như các anh chị bloggers bị họ xử tù vừa rồi.
Blogger Trai Sông Tiền

Thứ nhất, tiếp tục dằn mặt những tiếng nói đòi tự do, dân chủ, đòi bảo vệ chủ quyền lãnh thổ để nhằm bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ đã mục nát…

Thứ hai, làm món quà dâng lên quan thầy của họ ở Trung Nam Hải…

Thứ ba là dằn mặt Mỹ, phương Tây và cả Châu Âu rằng chỉ cần tiền của những nước này. Cái khác VN không cần. VN chỉ có một đường duy nhất là đi theo Trung Cộng.

Qua bài "Đảng CS hay tên lính đánh thuê", tác giả Quốc Uy phân tích rằng " Phiên tòa phi lý, phi nhân, tàn ác, dấm dúi, vụng trộm của cái thành phố mang tên 'Bác Hồ vĩ đại' xử 3 bloggers đã đẩy nhận thức của xã hội về bản chất hiện nay của ĐCSVN lên "một tầm cao mới", tuy bản chất này đã bắt đầu hiện ra rõ nét ngay từ khi hệ thống Cộng sản thế giới sụp đổ. Từ một đảng mang ngọn cờ cứu nước buổi đầu đã trượt dài thành một tên lính đánh thuê, chống lại Tổ quốc mình, chống lại cả quá khứ của mình", đó là:

1/ Tên lính đánh thuê cho đồng tiền…

2/ Tên lính đánh thuê cho Cộng sản Đại Hán…

Khi tội danh "tuyên truyền chống Nhà nước CHXHCNVN" đã đưa 3 bloggers của Câu Lạc Bộ Nhà Báo Tự Do vào cảnh tù đày nghiệt ngã dài lâu, thì bloger Bùi Tín nhận thấy, "thật ra không ai tuyên truyền chống Nhà nước này bằng chính những phiên tòa bỏ túi trong không khí khủng bố do chính Nhà nước CS chủ trương, đạo diễn và thi hành bằng những công cụ chuyên chính phi pháp của họ. Họ không còn biết tự trọng, hổ thẹn là gì. Chỉ có chính họ mới thực hiện xuất sắc, độc đáo đến như vậy việc tự bôi bẩn bộ mặt của chính mình, của một chế độ độc đảng ngang nhiên chà đạp tự do công dân. Không một ai khác có thể tự mình tuyên truyền chống lại mình một cách có hiệu quả cao như phiên tòa này".

Tự hào khi bị kết tội

blogger-Chungtalatudo-danlambao2a-250.jpg
Thân nhân các bloggers trong ngày diễn ra phiên xử tại TAND TPHCM hôm 24/9/2012. Photo courtesy of danlambao
Theo blogger Trai Sông Tiền thì đây là "bằng chứng thêm nữa tố cáo hành động bán nước của giới cầm quyền. Và những bản án nặng nề đó cho thấy họ ra sức "răn đe và dập tắt ngọn lửa đấu tranh trong nước".

Đó chỉ là một đòn thất bại vì họ đã lộ ra bản chất bán nước, hèn nhát và lộ ra bản chất của con người VN nhưng không biết minh định và lớn tiếng bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, lãnh hải như các anh chị bloggers bị họ xử tù vừa rồi.

Blogger Lê Quốc Quân không quên khẳng định CLB Nhà báo Tự do của 3 bloggers ấy "không phải là tội mà là một sự tự hào" vì là nơi để "viết cho tự do và vì tự do". LS Lê Quốc Quân tin rằng ngay bây giờ, những người yêu nước ấy "vượt qua không gian khắc nghiệt của nhà tù và thời gian đẵng đẵng, tinh thần tự do phá tan ngục tù và đang bùng cháy trong trái tim các anh chị."

Khi bày tỏ hy vọng "Một ngày mai tươi sáng", tác giả Quốc Anh từ Saigòn cũng nói lên lòng ngưỡng mộ của mình đối với 3 bloggers này, ca ngợi rằng "họ đã dũng cảm dám nói lên sự thật, dám lên án những bất công, cường quyền vẫn luôn hiện diện trong lòng xã hội Việt Nam. Thật đáng thương thay cho những cánh én đơn lẻ chưa thể làm nên nổi một mùa xuân".

"Những cánh én đơn lẻ" ấy khiến người ta liên tưởng đến tâm sự của nhà thơ Lưu Quang Vũ rằng:

Đến bao giờ ngày vui

Như chim về bên cửa ?

… Đến bao giờ, đến bao giờ

Việt Nam ơi ?

Nhưng, từ trong ngục tù đày đoạ, blogger Điếu Cày đã bày tỏ quyết tâm qua "Những dòng sông tranh đấu", quả quyết rằng:

Cuộc đời tôi từ nay gắn bó

Với dòng sông tranh đấu quê hương

Chúng tôi đi vì quyền dân chưa đủ

Dù bị giam trong lao ngục đoạ đày

Nhưng dòng sông vẫn không nghỉ một ngày

Chảy về phía Tự do Dân chủ…

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét