Thứ Năm, 14 tháng 11, 2013

RFA. Phạm Chí Dũng : Việt Nam - Ba kịch bản Hội đồng nhân quyền

Nguồn RFA

Phạm Chí Dũng gửi RFA từ Việt Nam 2013-11-10

Hội đồng nhân quyền Liên hiệp quốc
Hội đồng nhân quyền Liên hiệp quốc
Courtesy un.org

Ngày 12/11/2013, Nhà nước Việt Nam sẽ tràn trề cơ hội được "lên thớt" - như cách nói trào phúng xen giễu cợt của giới sinh viên trong nước trước khi bước vào cuộc khảo nghiệm vấn đáp trên giảng đường.

"Cái thớt" đó chính là Hội đồng nhân quyền Liên hiệp quốc. Trong lịch sử tồn tại của mình, giới cầm quyền ở Việt Nam chưa bao giờ được đặt chân lên bục danh dự của tổ chức danh giá này. Và đây có thể là lần cuối cùng, thuộc về chu kỳ cuối cùng của lịch sử tồn tại, hầu mong nhận được tấm bằng danh dự.

Hồi hộp và âu lo về kết quả thi vấn đáp là tâm trạng không tránh khỏi, đặc biệt ứng với những quốc gia không đủ tự tin vào tâm thế "nói đi đôi với làm".

Kẻ áp bức không thể làm quan tòa!

Từ những năm 2009 - 2010, cùng thời gian với điểm khởi xướng chiến dịch vận động tham gia vào bữa tiệc đứng Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP), tầng lớp "muốn làm bạn với tất cả các nước" cũng bắt đầu quan tâm đến khái niệm "nhân quyền quốc tế" một cách thực chất hơn là thái độ bài bác trong nhiều năm trước đó. Tháng 5/2009 cũng là thời điểm Nhà nước Việt Nam khởi động cho vẻ khiêm nhường đầu tiên bằng vào cuộc "tự phê bình" định kỳ về nhân quyền.

Song hành với phạm trù quyền lực, tham vọng danh xưng là khó có điểm dừng.

Trong nhiều năm trước, Nhà nước Việt Nam đã không có nhiều cơ hội để mơ màng về một vị thế đáng kể trong Hội đồng bảo an hay bất cứ hình thức hội đồng nào đó của Liên hiệp quốc - những cơ may có thể làm tăng giá trị ngoại giao và kéo theo một số vận hội về kinh tế song phương và đa phương quốc tế.

Chỉ sau khi quan hệ cựu thù Việt - Mỹ được chính thức bình thường hóa vào năm 1995, mọi chuyện mới hơi hé mở. Nhưng cũng phải với độ trễ 5 năm, tức đến năm 2000 khi Hiệp định song phương Việt - Mỹ được ký kết, những người đã tham gia ký kết Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị trước đó đến 18 năm mới nhận ra cơ hội có thể "sánh ngang với các cường quốc năm châu" nếu bộ mặt công tác bảo vệ nhân quyền ít ra phải tỏ ra hồng hào hơn.

Nhưng vẫn còn một độ trễ khác chờ đón, bởi người Mỹ không cho không ai cái gì. Phải mất đến 6 năm sau khi thương mại hai chiều Mỹ - Việt được nhân lên 6 lần, cánh cửa phòng Bầu dục mới lần đầu tiên mở ra cho một nguyên thủ quốc gia Việt Nam - ông Nguyễn Minh Triết. Chính cuộc hòa đàm này đã khiến cho hy vọng về một cái ghế trong Hội đồng nhân quyền bắt đầu manh mún trong não trạng một nước nhỏ.

Chính sách "lobby hành lang" cho một chỗ ngồi trong Hội đồng nhân quyền cũng vì thế đã được khởi xướng, thông qua những cuộc ngoại giao con thoi "vừa kiên định vừa mềm mỏng", cùng chủ trương đối ngoại "vừa đấu tranh vừa tranh thủ". Hành vi này càng trở nên có ý nghĩa hơn khi từ năm 2006, Nhà nước Việt Nam được người Mỹ nhấc khỏi danh sách các quốc gia cần quan tâm đặc biệt về nhân quyền và tôn giáo (CPC), đồng thời nền kinh tế đất nước này lại có cơ hội "nâng lên một tầm cao mới" khi được chấp thuận trở thành thành viên thứ 150 của Tổ chức thương mại thế giới.

Đáng lý ra, Hội đồng nhân quyền Liên hiệp quốc đã trở thành một món trang sức dễ thương cho giới lãnh đạo đầy tham vọng của Việt Nam, nếu không xảy ra quá nhiều rắc rối liên quan đến bắt bớ, xử án và giam cầm chính trị ở đất nước này trong ít nhất 6 năm qua. Bởi ngay sau khi được thỏa mãn những ước muốn về ngoại giao và kinh tế, giới cầm quyền Việt Nam lập tức bị Mỹ, Tây Âu và nhiều tổ chức nhân quyền quốc tế chỉ trích quyết liệt về thái độ bất nhất khi tiến hành "nhập kho" hàng loạt nhân vật lãnh đạo của các tổ chức bất đồng chính kiến. Một số tôn giáo như Công giáo, Tin lành, Phật giáo hòa hảo, Phật giáo Việt Nam thống nhất cũng không thoát khỏi tình cảnh bị chèn ép trở lại.

Đó là lý do vì sao vào cuối năm 2012, cuộc đối thoại nhân quyền thường niên Việt - Mỹ bị Hoa Kỳ đột ngột ngưng lại. Không ít thất vọng đã được Washington bày tỏ trước "thành tích nhân quyền ngày càng tồi tệ ở Việt Nam".

Chỉ sau chuyến công du bất ngờ của người đứng đầu đảng Nguyễn Phú Trọng đến Vatican và Nghị viện châu Âu vào đầu năm 2013, không khí mới bớt căng thẳng. Tháng 4/2013, cuộc đối thoại nhân quyền Việt - Mỹ được nối lại, nhưng chỉ ở cấp phó trợ lý ngoại trưởng Mỹ.

"Tôi nghĩ rằng điều cực kỳ quan trọng phải nói ra, là chúng tôi xem họ như đối tác, trên lĩnh vực chính trị cũng như kinh tế. Kể cả việc nếu họ muốn, chúng tôi có thể hậu thuẫn họ làm thành viên Hội đồng nhân quyền năm tới. Nhưng trước hết họ phải làm tròn các tiêu chuẩn, có nghĩa là họ phải tôn trọng nhân quyền, mà hiện nay thì họ đàn áp quá dữ dội" - Bernt Posselt, một dân biểu thuộc Đảng Bình dân Châu Âu (EPP), trần tình đầy cảm xúc với báo giới vào tháng 4/2013.

Người Mỹ và châu Âu cũng không quên chiếu lại bộ phim có đến nửa trăm nhân vật bị nhà nước Việt Nam tống giam vào năm 2012 vì hành động dại dột dám công khai bày tỏ chính kiến.

Ông Lê Hoài Trung, Đại sứ, Trưởng phái đoàn Đại diện thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc trình thư ủy nhiệm lên Tổng thư ký Ban Ki-Moon
Ông Lê Hoài Trung, Đại sứ, Trưởng phái đoàn Đại diện thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc trình thư ủy nhiệm lên Tổng thư ký Ban Ki-Moon (vietnam +.vn)

Có lẽ đó cũng là một trong những xúc động khó kìm nén được tỏ bày từ những nghị sĩ như Bernt Posselt, khi được giới truyền thông hỏi về thái độ có hay không sự ủng hộ đối với Nhà nước Việt Nam: "Hiển nhiên là không hậu thuẫn ! Chắc chắn là không hậu thuẫn! Điều này có nghĩa là quốc gia vi phạm nhân quyền tồi tệ nhất trên thế giới về tự do ý kiến, tự do ngôn luận và tự do tôn giáo sẽ trở thành một trong những quan tòa xét xử những tự do này. Không thể có được chuyện đó. Kẻ áp bức không thể làm quan tòa!".

"Chiếu cố"

Nhưng kẻ áp bức vẫn có quyền "vận động" quan tòa, như điều thường thấy trong hệ thống tư pháp ở Việt Nam.

Vào những ngày trước khi diễn ra cuộc bỏ phiếu tại Hội đồng nhân quyền Liên hiệp quốc, báo chí lề đảng đã một lần nữa gióng lên giai điệu "Việt Nam muốn đóng góp tích cực hơn vào nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế trong việc thúc đẩy và bảo vệ quyền con người trên thế giới", và "Việt Nam cam kết sẽ đóng góp tích cực vào công việc chung của Hội đồng".

Nhưng khác với nhịp điệu khá dồn dập trong chiến dịch ứng cử vào TPP, vào lần này tiếng nói báo đảng trở nên đơn độc hơn nhiều. Cho đến nay, vẫn chủ yếu là các tờ Nhân Dân, Quân Đội Nhân Dân, Công An Nhân Dân, Đại Đoàn Kết, Sài Gòn Giải Phóng đóng vai trò tiền hô và một ít tờ báo khác hậu ủng. Tuy nhiên, con số này là quá ít ỏi so với gần 1.000 báo in và điện tử có mặt tại Việt Nam, và cũng hoàn toàn chưa xứng đáng với những cố gắng không mệt mỏi của Ban Tuyên giáo trung ương trong chỉ đạo và định hướng tuyên truyền cho một ráng hồng từ cái ghế sắp được ngồi.

Tình thế trên cho thấy nếu xem công luận là một trong những đại diện tiêu biểu nhất để có thể đánh giá khách quan về tương quan chính trị tại Việt Nam, đã chỉ có chưa đầy vài phần trăm ấn phẩm báo chí tỏ ra "trung thành tuyệt đối", trong khi tuyệt đại đa số báo giới công khai phơi bày thái độ bàng quan chính trị hoặc âm thầm hơn là "bất tuân dân sự".

Thái độ trên còn có thể hàm ý về tư cách "phi lề đảng" của báo giới nói chung.

Và mối tương quan hoàn toàn bất cân xứng trên cũng là một tham khảo đắt giá cho khả năng và thực chất việc Nhà nước Việt Nam ứng xử với cái ghế của Hội đồng nhân quyền Liên hiệp quốc.

Trong trường hợp may mắn nhất - được "đặc cách" xét tuyển, tức không kém đồng cảm với yêu cầu "linh động" mà Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã tha thiết đề nghị tại New York vào tháng 9/2013 về cơ chế cho Việt Nam tham gia vào TPP - nhà nước Việt Nam sẽ nghiễm nhiên có được một chỗ ngồi trong căn phòng nhân quyền quốc tế mà không đến mức phải cải thiện quá nhiều hành vi đối xử tại quốc nội.

Có vẻ ngẫu nhiên, Việt Nam có đôi chút hy vọng được xếp vào một trong 4 chiếc ghế khuyết của khối Á Châu-Thái Bình Dương.

Chỉ bởi lý do không có quá nhiều ứng cử viên. Hoặc giống như một cuộc bầu bán bỏ túi.

Với 4 ghế của khối châu Á - Thái Bình Dương cần được bầu lại, danh sách ứng cử viên chính thức của khối này gồm có Trung Quốc, Jordani, Maldives, Ả Rập Xê Út và Việt Nam.

Theo một đánh giá của giới quan sát, nếu cho là Jordani và quần đảo Maldives là xứng đáng hơn và sẽ trúng cử, cuối cùng Liên Hiệp Quốc sẽ phải chọn thêm 2 trong 3 nước "bất xứng". Hoặc "trường hợp xấu nhất" là cả 3 ứng cử viên bất xứng Trung Quốc, Ả Rập Xê Út và Việt Nam đều trúng cử.

"Thế lực thù địch" trong giới quan sát quốc tế còn chêm vào một lối so sánh chết người: "trường hợp xấu nhất" trên là sự chọn lựa giữa bệnh dịch hạch hoặc bệnh dịch tả.

Nhưng nếu "căn bệnh" trên biến thành hiện thực, gần như đoan chắc một vị trí trong TPP cũng nằm trong tầm với của nền kinh tế còn lâu mới được coi là "thị trường" theo nghĩa hoàn chỉnh, nền kinh tế được đại diện bởi các tập đoàn phủ chụp bởi tính từ "xã hội chủ nghĩa" nhưng thân thể lại phì nộn đến mức không thể chấp nhận được đối với dân chúng Việt.

Hiện thực đó có thể xảy đến ngay vào năm tới.

Ứng với giả thiết tốt đẹp này, hoạt động dân chủ và những người bất đồng chính kiến ở Việt Nam sẽ được hé mở thêm một góc sân, thậm chí một vài phong trào dân sự còn có thể hình thành mà không phải chịu rủi ro theo cách "xã hội dân sự là một thủ đoạn của diễn biến hòa bình" như giới tuyên giáo vẫn quay quắt trước đây.

Nhưng có lẽ tất cả những gì được xem là "cởi mở" sẽ chỉ đóng khung ở góc sân nhỏ bé đó. Bài học từ năm 2006 sau khi Nhà nước Việt Nam được đưa ra khỏi danh sách các quốc gia cần quan tâm đặc biệt về nhân quyền và tôn giáo vẫn còn nóng hổi. Vì ngay sau năm 2006, hàng loạt nhân vật cách tân đã bị bắt giữ và xét xử. Các tôn giáo cũng chịu chung cảnh ngộ.

"Lưu ban"

Không có quá nhiều ứng cử viên không có nghĩa là Nhà nước Việt Nam không thể không bị loại. Trước đây, các khối khu vực thường đưa ra số lượng ứng cử viên vừa vặn với số ghế khuyết nên quốc gia nào được khối của mình đề cử thì cũng chắc chắn sẽ thắng cử. Nhưng gần đây, các thành viên của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc đã cứng rắn hơn. Nếu thấy một ứng cử viên quá bất xứng, họ nhất định không bầu cho ứng cử viên đó và yêu cầu khối khu vực liên hệ phải đưa ra một ứng cử viên mới.

Ngoài ra theo thể thức bỏ phiếu riêng và kín đối với từng ứng cử viên, muốn trúng cử, mỗi ứng cử viên phải đạt được số phiếu tuyệt đối trên tổng số 192 thành viên của Liên hiệp quốc, nghĩa là phải có ít nhất 97 phiếu thuận.

Dường như để tiền trạm cho tinh thần thuận thảo ấy, ngày 27/8/2013, phái đoàn Việt Nam tại Liên Hiệp Quốc đã công bố 14 lời hứa về nhân quyền của Chính phủ Việt Nam trước chủ tịch Đại hội đồng Liên hiệp quốc, trong đó có lời hứa quan trọng nhất: "Thông qua các chính sách và các biện pháp để đảm bảo tốt hơn tất cả các quyền căn bản về kinh tế, xã hội, văn hóa, dân sự và chính trị theo thông lệ quốc tế đã công nhận".

Nhưng cũng theo cái nhìn đầy mẫn cảm và còn hơn cả trải nghiệm của giới quan sát phương Tây, ứng với trường hợp Việt Nam, lời hứa là một câu chuyện khá khác biệt với hành động thực tế.

Một lời hứa khác được kín đáo bắn tin vào tháng 4/2013, sau cuộc đối thoại nhân quyền Việt - Mỹ, khi một quan chức ngoại giao cao cấp của Việt Nam nói với một nghị sĩ châu Âu "Hãy cho chúng tôi thời gian". Nhưng dù thời gian từ đó đến nay đã đủ lâu, đặc biệt là độ trễ sau cuộc gặp Trương Tấn Sang - Obama tại Washington đã đủ dài, phía Mỹ vẫn chưa phát ra một tín hiệu hài lòng đối với sự chậm trễ phụ thuộc vào nhiều nguyên do trong - ngoài, kể cả không ít đồn đoán về thế chia ba của giới "tam quyền phân lập" tại Việt Nam.

Chuyến làm việc mới nhất của Quyền phó trợ lý ngoại trưởng Hoa Kỳ Scott Busby ở Hà Nội và Sài Gòn đã dường như chỉ gây thêm ức chế cho những người chủ trương tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do tôn giáo, tự do cho xã hội dân sự và chẳng cần phải bắt bớ mới làm cho xã hội tốt đẹp hơn.

Nói cách khác, mọi việc vẫn gần như giẫm chân tại chỗ.

Đó cũng là lý do để cuộc bỏ phiếu kín tại Hội đồng nhân quyền Liên hiệp quốc vào ngày 12/11/2013 cũng có thể sẽ diễn biến theo hướng rất không thuận lợi cho ứng cử viên Việt Nam. Nếu sự đồng lòng của các nước phương Tây và gần gũi với phương Tây được thể hiện cao độ và đủ chín, cánh cửa của Hội đồng nhân quyền chắc chắn sẽ được đóng chặt, cho dù trước đó những người rất tự tin về thành tích nhân quyền đã tưởng như thò lọt một chân vào trong.

Trong trường hợp này, không loại trừ một trong những tật xấu của người Việt sẽ phản ứng tức thời: siết lại hoạt động dân chủ và gia tăng bắt bớ.

Một nhà hoạt động dân chủ trong nước thở dài: "Không ăn được thì đạp đổ! Họ vẫn có thể làm thế cho bõ ghét".

"Thi lại"

Kịch bản cuối cùng, mang tính dung hòa nhất và cũng có thể làm tất cả các bên hoặc tạm hài lòng, hoặc chưa đến mức tuyệt vọng, là cuộc bỏ phiếu kín ngày 12/11 sẽ chỉ mang tính "sơ khảo".

Với những lý do có thể tuyên bố cũng như không thể nói ra, một phương án có thể xảy đến là các quốc gia trong Hội đồng nhân quyền Liên hiệp quốc sẽ ban bố một thời gian "ân hạn" cho nhà nước Việt Nam về chủ đề nhân quyền, cũng như 5 quốc gia trong khối TPP mới đây đã đề xuất thời gian ân hạn 5 năm cho Việt Nam để cải cách kinh tế quốc doanh, thay vì phải "trả bài" ngay lập tức.

Trong trường hợp phải "thi lại" này, mọi chuyện lại phải có độ lùi không mong muốn. Cái ghế nhân quyền trong căn phòng hội đồng vẫn còn để trống và ai muốn ngồi vào cái ghế đó lại cần có thêm thời gian để chuẩn bị tốt hơn cho vòng "chung khảo".

Theo cách nhìn của giới quan sát, sự chuẩn bị tốt hơn cũng có nghĩa là thái độ phải được xem là "thành tâm chính trị".

Cũng theo giới phân tích, năm 2011, những chính khách Miến Điện đã thành thực hơn giới lãnh đạo Việt Nam giờ đây rất nhiều. Và đó là lý do vì sao thể chế Miến Điện đang giữ được quyền lực, tài sản và còn nhận được sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế.

Ở vào thế quá khó về kinh tế, xã hội và cả về chính trị từ thời điểm 1975 đến nay, giới cầm quyền tại Việt Nam có lẽ không có lối ra nào khác nếu không muốn bị "lưu ban" hoặc "thi lại".

Lại "chiếu cố"

Tín hiệu mới nhất về phương án "chiếu cố" vừa xuất hiện: ngày 7/11/2013, phái đoàn thường trực của Việt Nam tại Liên hiệp quốc ra thông cáo báo chí cho biết Việt Nam đã trở thành thành viên mới nhất của Công ước Liên Hiệp Quốc chống Tra tấn và những hình phạt hoặc sự đối xử tàn ác, hạ nhục nhân cách.

Việc nhà nước Việt Nam ký kết công ước trên cũng là một trong những điều kiện nằm lòng về nhân quyền mà người Mỹ đặt ra từ ròng rã nhiều năm qua.

Kịch bản "chiếu cố" cũng vì thế đang dần chiếm ưu thế.

Phạm Chí Dũng, Việt Nam 09-11-2013

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét