Thứ Bảy, 15 tháng 2, 2014

Hiện Trạng TPP … (gocnhinalan)

Nguồn gocnhinalan

FEBRUARY 14, 2014 BY 

Con đường TPP của VN 'còn nhiều ổ gà'

BBC 11-2-14

Việt Nam tin rằng sẽ có thêm lợi ích từ Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) nhưng trước mắt còn gặp nhiều trở ngại.

Trong bài viết 'Vietnam and the TPP Traverse Rough Seas Towards Promised Land' trên trangwww.vietnam-briefing.com, tác giả Edward Barbour-Lacey cũng nói về những rủi ro khi Hà Nội đặt bút ký TPP.

TPP được xem là thỏa thuận chiếm 40% GDP toàn cầu và chiếm khoảng 30% mậu dịch quốc tế.

TPP cũng được chính quyền Hoa Kỳ xem là cách để Washington củng cố quan hệ với các nước châu Á để đối trọng với ảnh hưởng của Trung Quốc.

Việt Nam tin rằng TPP sẽ tạo điều kiện tiếp cận và đẩy mạnh xuất khẩu tại các thị trường mới, cũng như duy trì các thị trường truyền thống.

Trong những năm qua, 50% đầu tư nước ngoài vào Việt Nam là từ các nước thành viên TPP.

TPP dự kiến sẽ giúp nhiều ngành tại Việt Nam như may mặc, giày da, đồ gỗ…và khiến các sản phẩm của Việt Nam cạn tranh hơn các sản phẩm của Trung Quốc bởi Trung Quốc không tham gia TPP.

Hơn nữa, TPP sẽ giúp Việt Nam tạo môi trường luật pháp minh bạch hơn trong bối cảnh Hà Nội đang sửa đổi các văn bản liên quan tới đầu tư, luật đất đai và đấu thầu.

'Hệ quả tiêu cực'

Tuy nhiên, chặng đường tới hoàn tất đàm phán TPP không dễ dàng.

Tác giả bài viết nhận định điều ông gọi là "TPP có thể có một số hệ quả tiêu cực với Việt Nam."

"Đặc biệt là việc tăng cạnh tranh mạnh từ các nước có thể làm tê liệt một số khu vực kinh doanh quản ly yếu kém của Việt Nam.

"Ngoài ra, trong một số lĩnh vực Việt Nam có lợi thế như các sản phẩm nông nghiệp thì Việt Nam sẽ không thể tận dụng được việc giảm thuế.

Thậm chí ngay ở Hoa Kỳ TPP không phải được tất cả âu yếm. Hiện có cuộc chiến giữa khu vực có lao động được tổ chức tốt (có nghiệp đoàn) với các công ty đa quốc gia vốn hưởng lợi chủ yếu từ TPP.

"Những người phản đối gọi thỏa thuận này là "lén lút, phi dân chủ và giết chết việc làm"

"Khi ta xem các thỏa thuận mậu dịch tự do khác từng có trong lịch sử, có thể biện luận rằng lợi ích kinh tế là nhiều hơn chi phí phát sinh từ các thỏa thuận như TPP.

Tác giả, cũng bàn về dự luật nông nghiệp Hoa Kỳ đã tạo ra những điểm gây tranh cãi theo đó có một điều khoản cho phép Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ triển khai chương trình kiểm tra cá tra của Việt Nam vì lý do an toàn thực phẩm.

Tuy nhiên ngay cả một cơ quan thanh tra độc lập của Quốc hội Hoa Kỳ (GAO) đã gọi chương trình này là "lãng phí và không cần thiết."

Việt Nam đang có động thái trả đũa để bảo vệ ngành cá tra và nhiều nhà phân tích tin rằng Hà Nội có thể đưa chủ đề này ra kiện tại WTO và rằng có khả năng việc thực hiện TPP có thể bị trì hoãn.

Trong năm 2013 xuất khẩu của Việt Nam sang Hoa Kỳ tăng 21.3% so với năm trước đó, đạt 23.87 tỉ USD. Tức là 18% xuất khẩu của Việt Nam là sang Hoa Kỳ.

Việt Nam nhập hàng hóa trị giá 5.23 tỉ USD từ Hoa Kỳ trong năm 2013, tăng 8.3% so với 2012.

Cả Việt Nam và Nhật Bản đều kêu gọi Hoa Kỳ hoàn tất thỏa thuận khung TPP trước chuyến thăm của Tổng thống Obama sang châu Á vào tháng Tư.

Cả hai nước lo ngại rằng nếu Hoa Kỳ càng cần nhiều thời gian để hoàn tất quá trình này thì lại càng có thêm khả năng Hoa Kỳ sẽ đưa ra thêm các thay đổi đối với thỏa thuận.

Tin vui, như báo Japan Times đưa, là cả hai nước đều ủng hộ Hoa Kỳ mạnh trong vai trò tại châu Á và xem Washington có ảnh hưởng làm ổn định khu vực hiện có các tranh chấp lãnh thổ, tác giả Edward Barbour-Lacey kết luận.

'Thế lực cản TPP'

Cho tới nay chính phủ Hoa Kỳ khuyến cáo Việt Nam phải có cải thiện nhân quyền rõ rệt như một trong các điều kiện để sớm hoàn tất vòng đàm phán TPP.

Tuy nhiên trong cuộc phỏng vấn với BBC ngày 02/02/2014, tiến sỹ kinh tế Phạm Chí Dũng nói với BBC về điều ông gọi là có thể một thế lực trong nội bộ đảng và ngành an ninh vốn không muốn Việt Nam "gần gũi với phương Tây" và không muốn Việt Nam ký TPP.

Ông Dũng, trong một bài viết khác cho BBC, cũng từng bình luận rằng khoảng 80-90% nguyên phụ liệu dùng để sản xuất hàng xuất khẩu của nển kinh tế Việt Nam vẫn phụ thuộc vào Trung Quốc và Nhà nước Việt Nam sẽ vào thế khó xử khi bắt buộc phải chuyển đổi vùng nhập khẩu nguyên liệu.

"TPP dĩ nhiên là một lối thoát, thậm chí là một lối mở tươi lành nhất mà chính thể một đảng ở Việt Nam có thể vận dụng để ít nhất cũng tạm làm yên lòng dân chúng, hạn chế được phần nào những phẫn uất của dân nghèo về sự tàn bạo của các nhóm lợi ích, và cách nào đó tạm thời kìm giữ những ý tưởng hoặc hành động cần phải thay đổi thể chế chính trị.

"Thế nhưng điều kỳ lạ là dù vẫn ngầm xem TPP là một cái phao cứu sinh, trong suốt ba năm qua Hà Nội vẫn hầu như chẳng làm gì để bổ túc cho hồ sơ ứng cử viên TPP như cải cách kinh tế và giảm tính độc quyền của khối doanh nghiệp nhà nước, tăng tính minh bạch và tính hữu dụng cho cuộc chiến chống tham nhũng, kể cả một số vấn đề liên quan khác như môi trường, quyền lập hội lao động…", nhà báo bị cấm xuất cảnh và bị thu hộ chiếu mới đây bình luận.

 

RFA 11-2-14
Gia nhập TPP: cơ hội và thách thức

Mặc Lâm, biên tập viên RFA, Bangkok

Năm 2013 đã trôi qua, các cuộc đàm phán TPP giữa Việt Nam và Hoa Kỳ vẫn còn nhiều bế tắt mặc dù Mỹ đã hết sức khuyến khích Việt Nam trong nhiều cuộc đám phán. Tuy nhiên trở ngại lớn nhất vẫn tiềm ẩn từ nền kinh tế, chính trị Việt Nam trước khi gia nhập TPP. Mặc Lâm phỏng vấn TS Lê Đăng Doanh, nguyên giám đốc Viện Nghiên Cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) để tìm hiểu thêm về vấn đề này, trước tiên TS Lê Đăng Doanh nhận xét những thuận lợi khi Việt Nam tham gia vào TPP:

TS Lê Đăng Doanh: Trước hết cần khẳng định rằng nếu Việt Nam tham gia TPP thì sẽ được nhiều quyền lợi. Một là trong số 12 nước TPP thì Việt Nam có nhiều cơ hội bổ xung nền kinh tế của mình với những nền kinh tế khác, đặc biệt là Hoa Kỳ và Nhật Bản. Mới đây Nhật có cho biết sẽ thực hiện sự hợp tác trong nông nghiệp và chế biến nông, thủy sản để sản xuất tại Việt Nam nhưng có thể xuất khẩu về Nhật với mức thuế suất về phía Nhật Bản là 0%. Như vậy là một cơ hội rất tốt để Việt Nam có thể phát triển nông nghiệp, thủy sản cũng như chế biến và phát triển công nghiệp thực phẩm.

Điểm thứ hai đặc trưng của TPP là Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới có những yêu cầu cao hơn rất nhiều. Nếu những hiệp định thương mại tự do trước đây chỉ yêu cầu tự do hóa về thương mại hàng hóa thì Hiệp định thương mại tự do sau đó mở ra tự do hóa thương mại dịch vụ, đầu tư, tài chính, tiền vốn và bây giờ hiệp định TPP này nó yêu cầu có sự thống nhất về quy định và hành xử của nhà nước trong đó có các quy định rất phù hợp với Việt Nam thí dụ như cạnh tranh, kiểm soát độc quyền. Nó cũng yêu cầu các doanh nghiệp nhà nước phải công khai minh bạch và không được ưu tiên ưu đãi gì.

Mặc Lâm: Thưa Tiến Sĩ, một trong những khó khăn khi Việt Nam gia nhập TPP là vấn đề cạnh tranh với doanh nghiệp nước ngoài nhất là với các nước tiên tiến sẽ là một thách thức lớn cho doanh nghiệp Việt Nam. Theo TS thì những khó khăn ấy Việt Nam phải chuẩn bị như thế nào?

TS Lê Đăng Doanh: Việt Nam bước vào sân chơi TPP thì một là phải có những cải cách mạnh mẽ và điều ấy cho đến nay Việt Nam có đề ra phương hướng sẽ cải cách nhưng còn nhưng biện pháp cụ thể thì chưa thấy rõ.

Thứ hai nữa như ông nói có một số mặt hàng của Việt Nam sẽ khó có khả năng cạnh tranh được. Điều đáng lo nhất đối với Việt Nam là về mặt hàng công nghiệp với quy định xuất xứ của sản phẩm. Thí dụ như đối với sản phẩm dệt may thì TPP quy định từ sợi trở lên phải có hàm lượng TPP 70%. Điều đó có nghĩa là người Việt Nam phải phát triển công nghiệp và dịch vụ trợ giúp cho dệt may như nhuộm, chỉ may, cúc áo, chất độn để cho hàm lượng đạt được 70% . So với hiện nay chủ yếu là nguyên liệu Trung Quốc là nước không phải TPP chiếm đến 60-70% tùy từng loại mặt hàng, đấy là một thách thức.

Thách thức thứ hai là công khai minh bạch. Lâu nay tuy chúng ta nói công khai minh bạch nhưng chúng ta chưa thực hiện được vì nó đòi hỏi một cái tâm rất lớn bởi nó có thể đụng chạm đến các lợi ích nhóm.

Điều thứ ba rất quan trọng đó là nông nghiệp thì 5 ăn 5 thua có nghĩa là các sản phẩm về thủy sản, cây trồng tứ lúa cho tới cà phê, hồ tiêu thì Việt Nam có lợi thế nhưng sản phẩm về chăn nuôi thì Việt Nam hiện nay đang lạc hậu rất lớn. Nếu không kịp thời có cải cách và thay đổi thì các mặt hàng ấy khó cạnh tranh với các mặt hàng như thịt heo từ Đan Mạch, từ Canada, Hoa Kỳ rất rẻ. Hay thịt bò, sữa…đấy là các thách thức rất lớn

Một thách thức cuối cùng nữa là Việt Nam có chấp nhận cải cách hay không.

Trong hiệp định TPP nó có những quy định phải công khai việc mua sắm của chính phủ, quy định về luật công đoàn tức là quyền tự do lập công đoàn của người lao động…hiện nay chúng ta đang hy vọng Việt Nam có thể tiến những bước tiến mạnh mẽ để có thể kết thúc đàm phán TPP trong thời gian gần nhất. Có tin nói sẽ cố thực hiện trong năm 2014 này.

Mặc Lâm: Thưa TS một trong những quy định của TPP là việc đấu thầu phải công khai minh bạch và được giám sát. Tuy nhiên đây là miếng bánh béo bở nhất mà nhóm lợi ích đang chia chát với những người trách nhiệm. Làm cách nào Việt Nam có thể đối phó hữu hiệu để đạt được yêu cầu do TPP đề ra?

TS Lê Đăng Doanh: Việc các nhóm lợi ích trục lợi trên việc đấu thầu thì Việt Nam đã biết và chính ông Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tại hội nghị III của Ban chấp hành trung ương ngày 15 tháng 10 năm 2011 đã nêu đích danh lợi ích nhóm và tư duy nhiệm kỳ.  Thế thì việc cải cách đó nằm trong lợi ích của Việt Nam nhưng lại không phù hợp với lợi ích nhóm. Tôi rất hy vọng sự đồng thuận về nguyên tắc mà ông Tổng bí thư đã nêu lên với yêu cầu về công khai minh bạch về đấu thầu và mua sắm của chính phủ ở TPP sẽ có sự đồng thuận với nhau.

Mặc Lâm: Mới đây qua kiểm điểm định kỳ phổ quát về nhân quyền của Việt Nam (UPR) thì nhiều nhà làm luật của Mỹ tỏ ý không hài lòng và tuyên bố sẽ ngăn cản Quốc hội Mỹ chuẩn thuận hiệp định này đối với Việt Nam. Theo TS nếu không vào được TPP thì Việt Nam sẽ thiệt thòi gì và liệu TPP có phải là chiếc đũa thần đối với nền kinh tế Việt Nam đáng để Việt Nam phải xem xét và điều chính sách của mình về vấn đề nhân quyền cho phù hợp?

TS Lê Đăng Doanh: Theo tôi thì Việt Nam vẫn còn có thời giờ và gần đây nhận thức trong xã hội về quyền con người đã được nâng cao lên rất rõ rệt và bản hiến pháp của Việt Nam mới thông quan năm 2013 này trên lời văn đã nhấn mạnh nhiều hơn về quyền con người so với bản hiến pháp trước đây. Thế thì ta vẫn còn hy vọng Việt Nam vẫn còn thời gian để thực hiện một số cải cách về quyền con người đáp ứng yêu cầu để hai bên có thể thống nhất với nhau được.

Nếu không gia nhập TPP được thì như ông thấy Việt Nam vẫn đang đàm phán một hiệp định thương mại tự do với liên minh châu Âu và Việt Nam sẽ là thành phần của cộng đồng kinh tế ASEAN. Tuy nhiên chúng ta có thể thấy cộng đồng ASEAN phần lớn là các nền kinh tế đang cạnh tranh với Việt Nam trong khi đó nếu vào TPP thì sẽ có nhiều nền kinh tế bổ xung cho Việt Nam.

Thí dụ như Hoa Kỳ hay Nhật Bản. Những sản phẩm mà họ cần dùng mà họ không sản xuất nữa thì họ sẽ nhập từ Việt Nam như dệt may, da giày, hàng nông sản và thủy sản….

Trong khi đó ngược lại tại ASEAN Việt Nam đang phải cạnh tranh về dệt may da giày với rất nhiều đối thủ. Trong TPP hiện nay chưa có Thái Lan, Ấn Độ cho nên các đối thủ cạnh tranh về gạo cũng như các thứ khác của hai quốc gia này cũng là lợi thế cho Việt Nam.

Tôi nghĩ rằng TPP không phải là chiếc đũa thần, mà chiếc đũa thần chính là sự cải cách của con người Việt Nam, nhà nước Việt Nam. TPP chỉ có thể là chất xúc tác, kích thích để Việt Nam có thể mạnh mẽ hơn trong việc thực hiện cải cách mà thôi chứ TPP không làm thay được cho Việt Nam

Mặc Lâm: Xin cám ơn TS Lê Đăng Doanh đã dành cho chúng tôi cuộc phỏng vấn này.

 

HSBC đề cao lợi ích của Việt Nam trong TPP
Hoàng Phi
Thứ Ba,  11/2/2014,

(TBKTSG Online) – Một báo cáo mà HSBC toàn cầu vừa đưa ra đã dành khá nhiều lời về những lợi ích mà Việt Nam có được khi hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) được ký kết, các ngành xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sẽ thâm nhập mạnh vào thị trường Mỹ khi hàng rào thuế quan được gỡ bỏ.

HSBC cũng cho rằng giá trị thực tế của TPP nằm ở tiềm năng thúc đẩy cải cách doanh nghiệp nhà nước, bãi bỏ các quy định về khu vực dịch vụ và nâng cao năng suất cũng như những đòi hỏi về cải cách trong nước.

"Một khi được ký kết, TPP sẽ tạo ra một khu vực mậu dịch tự do lớn với 40% GDP toàn cầu và 30% mậu dịch quốc tế; Nhật Bản, Malaysia và Việt Nam được cho là những quốc gia hưởng lợi lớn ở châu Á", báo cáo của HSBC được gởi đến Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online nhận định.

HSBC nhận định cơ hội của Việt Nam là rất lớn khi cánh cửa vào thị trường Mỹ mở ra cho các ngành xuất khẩu chủ lực của Việt Nam.

Hiện tại, hàng xuất khẩu vào thị trường Mỹ chịu mức thuế quan trung bình từ 4,5% đến 14% với ngành may, và 10,4% với ngành da giày.

Và khi ký TPP thì thuế quan cho các mặt hàng này được hủy bỏ, sẽ làm bùng nổ xuất khẩu đến thị trường này.

Những nhận định trên của HSBC thực ra không mới và những lợi ích mà bản báo cáo này đưa ra thực ra cũng chỉ dựa trên những suy đoán và ước đoán của các tổ chức và các nhà nghiên cứu

Còn thực tế thực hiện lại còn nhiều vấn đề khác.

Chẳng hạn, để hàng dệt may xuất khẩu vào Mỹ được hưởng mức thuế suất 0% thì các doanh nghiệp Việt Nam phải đáp ứng được quy tắc xuất xứ "từ sợi trở đi" (yarn forward).

Để làm được điều đó Việt Nam phải đầu tư lớn cho ngành dệt nhuộm, một điều không dễ ngay tại thời điểm này.

Trong khi phần lớn nguyên phụ liệu dệt may vẫn nhập từ các nước không thuộc TPP, và ngành may Việt Nam vẫn chủ yếu làm gia công thì sẽ không đáp ứng được điều kiện miễn thuế.

TPP hiện tại vẫn đang được các bên thúc đẩy đàm phán để có thể hoàn tất ký kết ngay trong năm 2014 này.

Sau đó, các bên sẽ có thêm thời gian từ 12 đến 18 tháng để thực hiện các bước thông qua trong nội bộ các quốc gia rồi mới có hiệu lực.

Báo cáo của HSBC có nhắc đến một số rào cản còn vướng trên bàn đàm phán, đồng thời nhắc đến một mối lo "nhức đầu" là quyền fast track, một quyền mà Quốc hội Mỹ trao cho Tổng thống Mỹ trong đàm phán các thỏa thuận thương mại với nước ngoài.

Theo giới phân tích, chính quyền Obama muốn TPP được ký trước tháng 11 năm nay, là thời điểm bầu cử Quốc hội Mỹ, để tránh những rắc rối có thể có khi mà chính giới nước này vẫn đang tranh cãi với nhau về hiệp định này.

Đáng ngại nhất là nhiều nghị sĩ Quốc hội tỏ vẻ không muốn trao quyền fast track cho tổng thống.

Việc chính phủ Mỹ hiện chưa có được quyền fast track đã làm dấy lên những lo ngại về chuyện TPP sẽ bị "treo" một khi được ký kết ở ngay chính quốc gia chủ chốt là Mỹ vì nhiều tiếng nói chống đối ở trong chính giới lẫn các tổ chức nghiệp đoàn và các nhà hoạt động môi trường.

Nếu không có được fast track, các nghị sĩ Mỹ sẽ có quyền can thiệp vào nội dung đàm phán và viễn cảnh về việc hoàn tất TPP trong năm nay là rất xa vời.

Trong TPP, lợi ích của Việt Nam gắn liền với thị trường Mỹ, và vì thế những diễn biến trên chính trường nước này đang được dư luận theo dõi khá sát sao.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét