Thứ Sáu, 7 tháng 2, 2014

VRNs. Việt Nam Hôm Nay, ngày 06.02.2014

Nguồn VRNs.
ĐĂNG NGÀY: 06.02.2014 , MỤC: - TIN NỔI BẬTTIN VIỆT NAM

1. Một luật sư bị 'hành' vì cự cãi thẩm phán

Tờ Pháp Luật đưa tin, luật sư Lôi Thị Dung (Đoàn Luật sư tỉnh Vĩnh Long), người bào chữa và bảo vệ cho hai bị cáo và một người bị hại trong một vụ cố ý gây thương tích tại TAND tỉnh Đồng Tháp, đã bị rút giấy chứng nhận bào chữa sau khi cự cãi với thẩm phán.

Trước đó vào tháng 3/2013, theo tường thuật của tờ Pháp Luật, luật sư Dung được tòa cấp hai giấy chứng nhận người bào chữa. Phiên xử phúc thẩm vụ án diễn ra vào ngày 17/4/2013 do thẩm phán Đinh Văn Phong làm chủ tọa.

Trong phần thủ tục, luật sư Dung đề nghị tòa xác định bổ sung tư cách cho một nhân chứng và một người liên quan nhưng chủ tọa không đồng ý.

Sau khi HĐXX xét hỏi xong, chủ tọa yêu cầu luật sư hỏi bị cáo và người bị hại thì luật sư Dung "chỉnh": "Thưa tòa, theo trình tự tòa phải yêu cầu VKS hỏi trước, nếu đại diện VKS không hỏi thì mới đến luật sư".

Tiếp đó, luật sư Dung còn yêu cầu tòa thực hiện một số việc khác nhưng chủ tọa không chấp thuận.

Chủ tọa sau đó còn đuổi luật sư ra khỏi phòng xử hai lần mà không nêu lý do.

Sự việc không dừng lại ở đó, TAND tỉnh Đồng Tháp còn gửi văn bản yêu cầu Đoàn Luật sư tỉnh Vĩnh Long xử lý kỷ luật đối với luật sư Dung. Đồng thời, chánh án ban hành quyết định thu hồi hai giấy chứng nhận người bào chữa cấp cho luật sư Dung trong vụ án nói trên nhưng không nêu lý do. Khi đoàn Luật sư tỉnh Đồng Tháp đề nghị TAND cung cấp băng ghi hình phiên xử nhưng chánh án có văn bản từ chối rằng "không cần thiết" (?!).

Trong khi đó, Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam Lê Thúc Anh cho rằng, TAND tỉnh Đồng Tháp thu hồi hai giấy chứng nhận người bào chữa của luật sư Dung mà không ghi lý do là trái luật và không có cơ sở pháp lý.

Bạn đọc Trần Quốc Tuấn của tờ VnExpress nhận xét: "Cửa quyền. Đối với luật sư còn bị hành như thế thì người dân không biết sẽ bị thẩm phán coi thường thế nào nữa."

Cũng theo Liên đoàn Luật sư, việc dùng quyền hạn của mình để đuổi luật sư ra khỏi phòng xử là có dấu hiệu cản trở quyền hành nghề của luật sư.

Bạn đọc Hồng Ngọc tha thiết nói: "Rất mong các cơ quan chức năng có thẩm quyền sử lý vụ này đến nơi đến chốn, vì tất cả những người có liên quan đều biết rất rõ về luật mà vẫn có người phạm luật, thì những người thiếu hiểu biết chúng tôi sẽ bị chèn ép như thế nào nữa".

2. Hà Nội: Sau Tết, cả ngàn bánh chưng vào… thùng rác

"Từ mùng 2 Tết tới giờ, ngày nào tôi cũng nhặt được 1-2 bánh chưng từ các thùng rác, có ngày nhặt tới 5 cái. Ngoài bánh chưng, có nhà vứt nguyên cả con gà…", đó là lời chia sẻ của chị Nguyễn Thị Hà, công nhân vệ sinh thuộc Công ty môi trường số 4 (quận Đống Đa, Hà Nội), được tờ Dân Việt trích dẫn.

Chị Hà nói tiếp: "Những chiếc bánh này vẫn còn ăn được, không hiểu sao người ta đã vứt đi. Ngày mùng 3 Tết vừa rồi, tôi còn nhặt được nguyên một con gà chưa luộc. Thấy vẫn chưa ôi nên tôi mang về ăn. Càng ngày càng thấy người ta lãng phí…"

Còn theo anh Nguyễn Xuân Cường, công nhân vệ sinh dọn rác khu vực xóm Đình (Đại Mỗ, Từ Liêm) chia sẻ: "Từ mùng 5 Tết trở đi đã thấy người dân vứt bánh chưng. Nhưng cao điểm nhất là từ mùng 10 tới rằm tháng Giêng. Bánh chưng mốc xanh mốc đỏ. Có nhà vứt 2 – 3 cái".

"Nếu mỗi xe rác Tết trung bình có khoảng 4-5 cái bánh chưng bỏ đi thì riêng khu vực chúng tôi làm đã có cả ngàn bánh chưng bị đổ bỏ sau Tết." Anh Cường ước tính.

Tờ Dân Việt cũng dẫn lời một gia đình vừa bỏ nửa ký giò và nửa cái bánh chưng, gia đình này cho biết: "Tết nhất chuẩn bị nhiều đồ ăn, nhưng giò, bánh chưng là hương vị tết, không có không được. Giờ không ăn hết đổ đi cũng áy náy lắm…"

Đức Phanxicô, Giáo Hoàng đương kim của Giáo hội Công giáo đã nhiều lần cảnh báo việc lãng phí thực phẩm.

Trong một cuộc phỏng vấn với tờ La Stampa của Ý, ĐGH Phanxicô đã nói: "Với những thực phẩm dư thừa và bị ném đi, ta có thể nuôi sống nhiều người. Nếu ta có khả năng chấm dứt việc hoang phí và bắt đầu tái chế biến thực phẩm, thì nạn đói trên thế giới sẽ giảm đi rất nhiều. Tôi ngỡ ngàng trước con số thống kê cho rằng cả mười ngàn trẻ em chết vì đói mỗi ngày trên khắp thế giới."

Cũng theo một khảo sát trực tuyến của tờ Dân Việt tính đến thời điểm 2 giờ 42' hôm nay, có đến 44.3% cho biết, gia đình phải vứt bỏ một chút thức ăn thừa sau Tết, 10.13% buộc phải bỏ nhiều, kể cả những món còn nguyên chưa ăn đến. Số còn lại không vứt một chút thức ăn thừa nào.

3. Bỏ công khai hoang đất hàng chục năm, "chết sững" khi nhận quyết định thu hồi

Theo thông tin từ tờ Dân Trí, vợ chồng anh Lê Văn Bé (SN 1973) đang đứng trước nguy cơ mất đất sau gần 20 năm lập nghiệp trên vùng đất ven biển hoang hóa rộng 14.000m2 ở xã Gành Dầu – Phú Quốc (Kiên Giang).

Trong thời gian ở đây, anh chị đã biến mảnh đất hoang hoá này thành một trang trại nhỏ bao gồm vườn rau, áo cá, hàng chục chuồng trại chăn nuôi các loài quý hiếm … tính tổng thu nhập hàng tháng gần cả 50 triệu đồng.

Vợ chồng anh Bé cho biết thêm, năm 1995 vợ chồng anh đến mảnh đất này sinh sống (có xin giấy tạm trú của địa phương) và khai khẩn 14.488m2 ven biển để trồng dừa, sầu riêng và nhiều loại cây khác.

Đến năm 2007 toàn bộ diện tích của anh Bé rơi vào qui hoạch xây dựng Khu du lịch sinh thái Bãi Dài nhưng vợ chồng anh Bé không được kê khai nguồn gốc đất cũng như diện tích, đồng thời cơ quan chức năng còn làm sai nguồn gốc đất của vợ chồng anh và bồi thường hơn 1,2 tỷ đồng.

Sau đó, vào tháng 11/ 2013, UBND huyện Phú Quốc ra quyết định 504/2013/QĐ – UBND thu hồi 621,30m2 đất của anh Bé, theo bảng trích đo ngày 28/3/2013. Tuy nhiên, biên bản đo vẽ diện tích đất thu hồi lên đến 4.666,8m2 với tổng giá trị bồi thường gần 600 triệu đồng, bao gồm đất, nhà cửa, cây trồng,…

Bạn đọc Vũ Quốc Huy bày tỏ sự bất bình: "Thật vô lý và vô cùng bất công! Dự án sân golf, du lịch sinh thái…nhóm lợi ích hưởng lợi dân nghèo thì mất cả chì lẫn chài. Tình lý để đâu?"

Anh Bé thổ lộ: "chỗ ở mới gia đình tôi không có, nhà tái định cư cũng chẳng nghe cán bộ nói đến, chẳng biết thời gian tới vợ chồng tôi sẽ sống ra sao nếu như quyết định thu hồi đất còn nhiều khuất tất của huyện Phú Quốc được thực hiện."

Theo tờ Pháp Luật cho biết, ngày 29/11/2013 vừa qua, Quốc hội đã chính thức thông qua Luật Đất đai sửa đổi. Theo đó, luật tiếp tục khẳng định đất đai thuộc sở hữu toàn dân và Nhà nước vẫn thực hiện thu hồi đất đối với các dự án phát triển kinh tế-xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng.

Trong khi đó, điều 17 của Tuyên ngôn quốc tế nhân quyền của Liên hợp quốc khẳng định: "Mọi người đều có quyền sở hữu tài sản cá nhân cũng như tập thể. Không ai có thể bị tước đoạt tài sản của mình một cách độc đoán."

Hội Đồng Giám Mục Việt Nam cũng đã từng góp ý trong một văn thư vào năm 2008 như sau: "giới hữu trách phải tìm giải pháp triệt để hơn, tức là để người dân có quyền làm chủ tài sản, đất đai của họ, đồng thời người dân cũng phải ý thức trách nhiệm của mình đối với xã hội."

Dẫn số liệu của Bộ Tài nguyên và Môi trường (TNMT), tờ Đầu Tư cho biết, đơn thư khiếu nại, tố cáo liên quan đến đất đai chiếm 65-70% tổng số đơn thư khiếu nại tố cáo; hầu hết các vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, kéo dài đều liên quan đến đất đai.

Việc quy định Nhà nước vẫn thực hiện thu hồi đất đối với các dự án phát triển kinh tế-xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng, có thể khiến lợi ích của các cá nhân có đất thu hồi bị xem nhẹ.

4. Phớt lờ lệnh cấm, xe biển xanh vẫn "nghênh ngang" ở lễ hội tại Thanh Hóa

Cũng theo tờ Dân trí cho biết, mặc dù đã có lệnh cấm xe công không được đi lễ hội, chùa chiền thế nhưng ngay tại lễ hội Phủ Na (Thanh Hóa) hàng loạt chiếc xe biển xanh thản nhiên nằm tại bãi đỗ xe và ngay cổng vào Phủ.

Theo ghi nhận của phóng viên, có đến chục chiếc xe công VIP, mang biển số cũng VIP đi ra đi vào. Đặc biệt, những chiếc xe này hầu hết mang biển số của Thanh Hóa.

Bạn đọc Ngô Minh Hoàng bình luận: "Biển số rõ ràng thế này, không biết chính phủ sẽ chỉ đạo xử lý những công bộc không tuân phép nước thế nào đây? Hay là vẫn để dân nghi ngờ rằng, luật pháp chỉ áp dụng nghiêm đối với người dân "làm chủ", chứ không áp dung đối với "đầy tớ của dân"???

Bạn đọc Hải Nam tiếp lời: "Cảm ơn báo dân trí. Tôi rất mong được đọc tiếp bài: Xử lí những xe công tham gia lễ hội Phủ Na trong số tới"

Tờ Dân trí cho biết thêm, hàng năm, Thủ tướng Chính phủ đều có chỉ thị nghiêm cấm cơ quan, đơn vị nhà nước dùng xe công đi lễ chùa, cấm công chức dùng xe công vào việc riêng.

Bạn đọc Nguyentran cũng chia sẻ: "Việc cấm là của nhà nước, việc chơi các quan cứ chơi. Xe công, lái xe công, xăng của công, mất gì mà không xài. Lệnh có nghiêm đâu mà thực thi. Họ còn đốt pháo ầm ầm có sao đâu." Bạn đọc Công lý mỉa mai: "Của dân, của chùa, được làm quan dại gì mà không dùng."

Pv.VRNs

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét