Thứ Hai, 21 tháng 4, 2014

Đình Trung : Tản mạn về sách

Nguồn chuacuuthe
ĐĂNG NGÀY: 21.04.2014 , MỤC: BÌNH LUẬNCHUYÊN ĐỀ

sachVRNs ( 21.04.2014) – Sài Gòn-  Sáng nay (20/04/2014) cầm cuốn báo Tuổi Trẻ Cuối Tuần trên tay, ngay trang bìa có mô hình biễu diễn về thống kê đọc sách, mô hình hình chóp nón, đỉnh là Việt nam với tỷ lệ đọc sách bình quân 1 người đọc 0,8 cuốn /1 năm, kế đến là Malaysia > 10, Mỹ 12 và cuối cùng là Pháp 15 cuốn/năm. Số liệu này được chú thích là theo số liệu của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (trang 3).Nếu đây là tỷ lệ chính xác thì thật đáng buồn, đáng xấu hổ và đáng lo ngại, mà có lẽ chính xác thật.

Tôi thường di chuyển đó đây nên có dịp quan sát, khách nước ngoài (người phương Tây, và cả người Hàn, người Nhật) trong những lúc di chuyển, trên máy bay, xe hỏa hay tàu thuyền, khi ngồi đợi ở các nhà ga, hoặc khi trong các quán cà phê, nói chung những chỗ nào tương đối ổn định đếu thấy họ đọc sách, người lớn tuổi cũng như thanh niên, ngược lại, người Việt và người Tàu thì không, thường thì người Việt tụ tập nói chuyện ồn ào, ăn vặt hoặc … ngủ ! Rất hiếm thấy người Việt đọc sách ở những nơi công cộng như vừa kể.

Tôi sinh sống ở thành phố Saigon này gần 60 năm (ngoại trừ một vài năm xa thành phố) nên có dịp theo dõi và chứng kiến những biến cố lịch sử của đất nước cũng như thành phố.

 

Trước năm 75, hệ thống thư viện hầu như có mặt ở tất cả các trường học, kể cả trường tiểu học (cấp 1 bây giờ), năm tiểu học tôi học trường tiểu học Trần Quý Cáp cạnh hồ Con Rùa, ngay ngã tư Trần Quý Cáp (Võ Văn Tần bây giờ) và Pasteur, dọc đường Pasteur gần trường Đại học Kiến Trúc có một thư viện nhỏ rất êm đềm và thinh lặng, tuổi thơ của tôi đã say mê hằng giờ trong đó khi đi học sớm hoặc chờ cha đến đón. Gần xóm nhà tôi có mấy hiệu cho thuê sách, đủ mọi loại sách, giá thế chân rất rẻ và giá thuê sách cũng rất rẻ, những cuốn sách bìa được đóng lại bằng giấy bao xi măng, tên cuốn sách được nắn nót bằng bút lông to bản, ngoài bìa giấy xi măng là một bao nilon để bảo vệ cuốn  sách, bìa trong ghi chi chít ngày và giờ các khách  hàng đã thuê sách đọc. Đủ mọi loại sách, thượng vàng hạ cám, nhưng chủ hiệu cho thuê sách thường nhìn mặt mà cho thuê, trẻ con đừng mong thuê được những cuốn sách tiểu thuyết kiểu bà Tùng Long hay Nghiêm Lệ Quân.

 

Tôi thường có mặt ở nhà sách Khai Trí vì được đọc sách miễn phí, chỉ một điều phiền là phải đứng mỏi chân, Nhà sách Đức Mẹ ở Kỳ Đồng thì thật tuyệt, tuyệt vì không khí mát rượi lại được xem các sách báo Công giáo. Mỗi chiểu thứ bảy, sau khi dự chầu ở Đền tôi đều vào lân la trong nhà sách, để nghe nhạc, để đọc sách, để ngắm tranh ảnh, để mua báo Đức Mẹ và báo Tuổi Hoa. Đôi khi cũng tạt vào nhà sách Đa Minh, nhà sách Hiện Tại là những nhà sách báo đạo ở thành phố này.

 

Tôi có một người bạn, chị ấy là một nghệ sĩ Violon, ngôi nhà nhỏ chị ở cùng với bà mẹ trong con hẻm nhỏ đường Yên Đổ (Lý Chính Thắng bây giờ), ngôi nhà có những cái cửa sổ lật màu đỏ gụ, bên trong ngôi nhà ấy là một tủ sách lớn, phần lớn là sách ngoại quốc, sách dịch và sách của nhóm Tự lực Văn đoàn. Những cuốn sách được chị nâng niu bao bọc bằng một loại giấy bóng kiếng mờ mờ đục đục, mong manh, khiến người cầm đọc phải thật thận trọng, nhẹ nhàng, yêu quý. Ngày ấy tôi đọc được trong tủ sách của chị cuốn Hoa Vông Vang của Đỗ Tốn, lâu nay tôi cố ý tìm nhưng chưa thấy in lại. Bây giờ nghe nói ở Hoa Ký, chị không thường xuyên đàn nữa nhưng lại cầm bút.

 

Ngày xưa tôi được xếp vào loại học giỏi, tháng nào cũng có Bảng Danh Dự, năm nào cũng được phần thưởng cuối năm, phần thưởng của học sinh lúc bấy giờ là sách, đặc biệt nhất là các cuốn tự điển, bọn nhà nghèo chúng tôi mà học khá thì chẳng thua kém chúng bạn về phương diện sách, mặc dầu không có tiền để mua. Có năm tôi đươc học một cô giáo rất đẹp, bọn con trai chúng tôi học mà cứ trầm trồ ngắm và khen cô đẹp, theo sự nhận xét non trẻ của chúng tôi lúc bấy giờ thì hình như nhiều thầy giáo trẻ cũng theo đuổi cô nữa. Mỗi tháng cô đều có phần thưởng cho học sinh nhất lớp về môn Anh văn của cô, phần thưởng chỉ là 1 cuốn sách bằng tiếng Anh, nhưng rất vinh dự vì có chữ đề tặng của cô, trong tháng đó, người học sinh có phần thưởng sẽ phải đứng lên giữa lớp nói về nội dung cuốn sách đã được cô tặng. Sau năm 75, nghe nói cô đã gởi xác cùng với cả gia đình giữa lòng đại dương có tên là Thái Bình.

 

Chúng tôi có kinh nghiệm về việc đọc sách rất sống động, là những kỷ niệm không thể xóa nhòa trong tâm trí tôi. Mỗi ngày sau bữa cơm chiều, việc dọn dẹp được thực hiện thật nhanh chóng, cả nhà tập họp ở phòng chung theo lệnh của bố tôi, mỗi ngày cả nhà được nghe một đoạn trong các cuốn tiểu thuyết của nhóm Tự lực Văn đoàn, khi đọc xong đoạn bố tôi chỉ định, kế đến là phần nhận xét và phê bình, hoặc bố tôi phân tích nhận định, hoặc ông đặt câu hỏi và bắt con cái trả lời, nhờ thế chúng tôi biết rất nhiều về nhóm Tự lực Văn đoàn, khi vào lớp học, chúng tôi luôn dành đươc điểm cao môn thuyết trình lớp Đệ Ngũ. Ngày ấy tôi để ý thấy bố "nịnh" mẹ rất rõ, ông cho đọc đi đọc lại cuốn "Tôi là mẹ" của Lê Văn Trương, một cuốn tiểu thuyết đề cao tâm hồn hy sinh quảng đại của người mẹ. Một điểm khác, có lẽ do nhà tôi có nhiều anh trai lớn, hình như ông có ý chuẩn bị tâm lý cho cả nhà, nhất là mẹ tôi nên cũng hay cho đọc đi đọc lại cuốn "Nửa chừng xuân", "Gánh hàng hoa","Anh phải sống" và "Đoạn tuyêt".

 

Biến cố 1975 ập đến cho miền nam, cùng với tài sản trong nhà theo nhau ra ngõ, sách cũng xếp hàng lần lượt ra đi, một chợ sách cũ thật lớn ở ngay khu Sinco, đường Calmet, gần đường Trần Hưng Đạo, đây là địa chỉ tôi hay dừng lại sau những cuốc đạp chiếc xich lô mệt mỏi để mưu sinh, ở đó muôn vàn sách các loại được tuồn ra, sách quý rất nhiều, rất nhiều cặp mặt nâng niu tần ngần tiếc rẻ, ở đó chúng tôi gặp sách, ở đó chúng tôi cũng gặp nhau, những trí thức miền nam thất chí, nhìn nhau bằng con mắt thương cảm, rã rời, tất cả cùng đói nên chẳng biết nói với nhau câu gì, chia sẻ với nhau cái gì nữa.

 

Xã hội thay đổi quá nhanh chóng, nhất là thay đổi hoàn toàn sau biến cố 1975,  không gian nhà trường thay đổi, bầu khí gia đình cũng thay đổi, kết quả cho đến hôm nay, tỷ lệ đọc sách của người Việt rơi tự do một cách thảm hại, không đọc sách đồng nghĩa với ngu dốt, dân tộc chúng ta sẽ đi về đâu, đất nước chúng ta sẽ đi về đâu, khi dân số tăng mà tri thức không tăng, thậm chí lùi ? Sẽ là một mớ người hỗn độn kém cỏi quay ra cấu xé lẫn nhau, phá hết của cải cha ông để lại, bán hết tài sản của gia đình rồi đem thân làm nô lệ ? 

Đã có những cố gắng để người dân tiếp cận được sách nhiều hơn, đã có những cá nhân, những tổ chức dân sự cố gắng đem sách về nông thôn. Về phía Giáo Hội, một vài nhóm có tổ chức gởi các tủ sách nhà đạo về các vùng sâu vùng xa, trong những chuyến về các vùng ấy, tôi đã thấy một vài nơi tổ chức tủ sách cho thiếu niên nhi đồng, một trong những hoạt động công khai là tủ sách Giêrado của Nhà sách Đức Mẹ ở Kỳ Đồng, hàng trăm tủ sách đã được gởi đi từ chương trình này, nhưng hình như chưa đủ để kích cái tỷ lệ nhục nhã kia lên đến con số tròn 1/năm. Cần phải có một sự thay đổi vĩ mô của xã hội. Bao giờ ?

 Đình Trung

20/4/2014

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét