VRNs (06.4.2014) – Sài Gòn – Vào hồi 18 giờ 30 ngày 05.4.2014 linh cữu thầy giáo Phêrô Đinh Đăng Định được đưa về phòng A6 trong khuôn viên Giáo xứ Đức Mẹ HCG Sài Gòn.
Khi nghe tin linh cữu thầy Phêrô chuyển bị về tới nhà thờ, nhiều người đã có mặt ở đây để đón Thầy, trong niềm tiếc thương. Lúc linh cữu Thầy Định đã yên vị tại Phòng A6, trong khuôn viên nhà thờ, cha Vinhsơn Phạm Trung Thành, Giám Tỉnh DCCT và cha Giuse Hồ Đắc Tâm, Chánh xứ Gx. Đức Mẹ HCG, một số cha trong Tu viện và nhiều người yêu mến thầy đã đã tới cầu nguyện cho Thầy.
Trước khi cổng nhà thờ đóng, lúc 9 giờ 45 một số cha trong Tu viện quý cha cùng với những người yêu mến thầy một lần nữa quy tụ trước linh cữu để đọc kinh cho Thầy. Lần viếng này có cha Giuse Lê Quang Uy (trước đây ngài cũng lên tiếng phản đối dự án Bauxite), cha Đaminh Nguyễn Văn Phương, Giuse Đinh Hữu Thoại, và một số thầy đang trong giai đoạn đào tạo tại Học Viện cũng có mặt.
- Những người yêu mến thầy Định đến kính viếng và cầu nguyện cho thầy
Chúa nhật 06.4, nhiều đoàn thể và cá nhân đã đến tiễn biết Thầy và chia buồn cùng với gia đình: Hội Cựu Tù Nhân Lương Tâm, No U Sài Gòn, Bà con dân tộc H'mong từ Tuyên Quang, bà con dân oan Miền Tây. Chúng tôi thấy có thầy Thích Không Thánh, trụ trì chùa Liên Trì, Lm. Giuse Maria Lê Quốc Thăng, Tổng thư ký UB Công lý và Hòa bình của Hội đồng Giám mục Việt Nam, bác sĩ Nguyễn Đan Quế, nhạc sĩ Tô Hải….Nhiều tổ chức cũng như cá nhân đã gửi vòng hoa kính viếng và phân ưu cùng gia đình thầy Định.
Đến viếng thầy Đinh Đăng Định, Tiến sĩ Vũ Thị Phương Anh viết trong sổ tang: Xin bày tỏ lòng kính trọng và thương tiếc đến thầy giáo Đinh Đăng Định, người yêu nước chân chính. Những gì thầy đã làm sẽ được thế hệ sau tiếp nối"
Nhạc sỹ Tô Hải viết: " Một anh hùng dân tộc thực sự đã ra đi, vì muốn yêu nước mà phải chết, muôn đời anh Định nhà giáo, nhà trí thức đích thực của dân tộc sẽ sống mãi trong trái tim của muôn triệu người Việt Nam và thế giới".
Nhạc Sỹ Tuấn Khanh viết: "Bài học cuối thầy để lại, hẫu thế mãi mãi không thể quên"
Anh Nguyễn Lân Thắng một người từ Hà Nội vào Sài Gòn để dự đám tang Thầy Định anh cho biết: "Tôi biết Thầy Định cũng khá lâu, khi mà cái bản án xét xử của Thầy về tội tuyên truyền chống phá nhà nước xẩy ra. Là một trong những người tham gia ký phản đối dự án bauxite nhưng mãi về sau tôi mới biết Thầy Định là một trong những người rất kiên cường. Vì mặc dù ở tỉnh lẻ xa xôi, nhưng Thầy đã rất lỗ lực vận động bà con ký tên vào cái bản tuyên bố phản đối bauxite. Do vậy tôi rất ngưỡng mộ lòng quả cảm của Thầy. Hôm nay tôi có mặt ở đây để bày tỏ lòng thành và nghiêng mình kính cẩn trước vong linh của Thầy.
Anh Thắng cho biết thêm: "Để tiếp nối những công việc của Thầy không chỉ riêng tôi mà mỗi người chúng ta phải tiếp tục đấu tranh, phải tiếp tục làm những công việc như Thầy Định, tức là đem sự thật, đem những vấn đề của đất nước trao đổi với người khác chưa biết để vận động nhân dân hiểu được cái bản chất của xã hội hiện nay để có thể lên tiếng đấu tranh."
Dân oan Lê Thị Ánh Nga sống tại Chợ Gạo, Tiền Giang đến viếng Thầy Định cho biết: "Hôm nay tôi nghe người dân khắp nơi ở các tỉnh điện thoại với nhau để lên Sài Gòn, 38 Kỳ Đồng này chia buồn với gia đình và viếng linh cữu của một người mà chúng tôi rất là ngưỡng mộ, ông là Đinh Đăng Định" Chị cho nói tiếp: " Ông đã đứng lên phản đối dự án bauxite, phản đối những cái sai của nhà cầm quyền và ông đã bị ở tù lương tâm. Tôi rất xúc động, ngày hôm nay từ sáng tới chiều dân các tỉnh chuyển bị đang tập chung về đây".
Bà Đặng Thị Dinh vợ của Thầy Giáo Đinh Đăng Định chia sẻ cảm xúc khi đưa thầy về nhà thờ Kỳ Đồng: " Thực sự tôi rất phấn khởi. Giờ đây, tôi không biết nói gì hơn cả, bởi vì trong nhà thờ có các cha, có tất cả mọi người cũng là sự ấm áp của gia đình và của chồng tôi. Gia đình tôi không biết nói gì nữa cả, rất cám ơn mọi người, cám ơn các cha và mọi người rất nhiều. Nói thật với anh khi ở Đăk Nông, những lúc mà tôi nhìn tới anh ấy, tôi muốn gào thét lên bởi vì tôi thấy cô đơn và nỗi uất ức trong lòng tôi. Tôi không thể biết chia sẻ với ai được. Cũng có người bên cạnh đó, nhưng họ cũng chỉ là hàng xóm thôi và họ chưa hiểu gì về anh ấy cả. Khi về đây tôi thấy có sự rất là ấm áp tình cảm của các cha và của mọi người chia sẻ với tôi. Tôi thấy ấm áp trong người và bớt đi một chút sự tủi thân" "Tôi muốn nói nhiều lời cảm ơn tới các cha nhà Dòng và tất cả mọi người".
Thầy Thích Không Tánh,bác sĩ Nguyễn Đan Quế và vài người khác đại diện Hội Cựu Tù Nhân Lương Tâm tới viếng Thầy Giáo Đinh Đăng Định. Thầy Thích Không Tánh chia sẻ: " Sau phiên họp thường kỳ gặp gỡ nhau của hội Cựu Tù Nhân Lương Tâm Việt Nam thì chúng tôi đã cùng nhau qua đây. Được biết linh cữu Thầy Đinh Đăng Định được quàn ở Dòng Chúa Cứu Thế nên chúng tôi qua đây để phúng viếng và chia buồn đến gia đình cũng như cầu nguyện cho hương linh của Thầy Đinh Đăng Định được nhẹ nhàng và siêu thoát".
Thầy Thích Không Tánh cũng nói về thầy Định: "Như lời chúng tôi đã đọc trước vong linh của Thầy Đinh Đăng Định đó là gói ghém nội dung của toàn thể hội Cựu Tù Nhân Lương Tâm. Chúng tôi hết sức kính phục và quý trọng tinh thần bất khuất và anh dũng của Thầy Đinh Đăng Định trước sự đàn áp và sự bất công của chế độ đối với một nhà giáo và một người yêu nước như vậy. Chúng tôi mãi nhớ tới Thầy Đinh Đăng Định".
Một số người dân tộc H'mong tại Tuyên Quang vượt hàng ngàn cây số vào viếng Thầy Giáo Định. Em Lý Văn Súa nói: "Với tâm nguyện xuống đây để được nhìn thấy Thầy và chia buồn cùng gia đình Thầy Đinh Đăng Định đã qua đời. Em đại diện cho người H'Mong xuống để chia buồn với gia đình và tiễn Thầy về để Thầy sớm được siêu thoát". Khi được hỏi em biết thầy giáo Đinh Đăng định như thế nào, em Súa nói: "Em cảm thấy Thầy là một người đấu tranh cho quê hương đất nước, đấu tranh cho người dân tộc Tây Nguyên không bị mất đất, em rất cảm phục Thầy, vì chúng em cũng là người dân tộc bị đàn áp".
Ông Tạ Văn Dung, một người dân sống tại Sài Gòn đến viếng thầy Định cho biết: "Tôi là một người dân bình thường, tôi biết thầy Định trên mạng. Tôi cảm thấy là tôi phục tính cách, tính chất và sự can đảm của Thầy Định. Do vậy khi biết tin Thầy Định mất tôi đến đây để phúng. Vì tôi nghĩ lý tưởng của tôi và của Thầy Định cũng giống nhau". Ông Dung cho biết mình cùng quan điểm và lý tưởng như thầy Định. Ông cho biết thêm: "Qua những lần lên mạng đọc tin tức về thầy Định và những việc làm của thầy, tôi thấy là, nếu một phần nhỏ người Việt Nam mà được như vậy chắc có lẽ cuộc sống người Việt Nam sẽ thay đổi nhiều. Riêng tôi, tôi làm đúng một người công dân: cái gì đúng thì tôi theo, cái gì sai thì tôi chống." Ông Dung nói tiếp: " Điều trăn trở nhất trong cuộc sống của tôi hiện giờ là: Đất biển đảo của Việt Nam đang bị gặm nhấm từng ngày. Và tôi muốn tất cả dân tộc Việt Nam làm sao đồng lòng, nhất là giới trẻ, giới sinh viên để đòi lại phần đất phần biển đảo đã mất".
Mana Khanh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét