Thứ Tư, 23 tháng 4, 2014

Nguyễn Thị Từ Huy : Những câu hỏi chưa được trả lời (Luận văn Nhã Thuyên)

Nguồn vanviet

tải xuống (3)

Nguyễn Thị Từ Huy

Từ khi Quyết định số 667/QĐ-ĐHSPHN ngày 11 tháng Ba năm 2014 và Quyết định số 708/QĐ-ĐHSPHN ngày 14 tháng Ba năm 2014 được Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội (ĐHSPHN) ban hành và bị Đỗ Thị Thoan từ chối,  tôi luôn băn khoăn bởi một số câu hỏi, trong đó có những câu sau đây (dĩ nhiên, phải nói trước rằng đây chỉ là những câu hỏi mang tính bề mặt, còn có những câu hỏi cho phép chạm tới những tầng sâu hay những góc khuất của vụ việc, nhưng chúng được để dành cho dịp khác):

 1. Tại sao Hiệu trưởng một trường đại học lớn, từng có kinh nghiệm hợp tác làm việc với các trung tâm nghiên cứu nước ngoài, có nhiều công trình đăng tạp chí quốc tế, lại có thể ra một quyết định vi phạm hết các quy chế, quy trình và thông lệ đào tạo như thế ?

 2. Tại sao ông Hiệu trưởng không cho Hội đồng Thẩm định (HĐTĐ) và Hội đồng Chấm luận văn cùng làm việc và cùng đối chất với nhau ? Tại sao ông Hiệu trưởng không cho học viên tự bảo vệ công trình nghiên cứu của mình, theo đúng các quy trình đào tạo phải có ?

 3. Tại sao ông Hiệu trưởng lại chỉ trao cho Đỗ Thị Thoan duy nhất cái quyết định mà không trao toàn bộ các văn bản liên quan, làm cơ sở pháp lý cho quyết định ? Ông sẽ tránh khỏi bị chỉ trích, hoặc bị chỉ trích ít hơn, nếu minh bạch hóa quy trình ra quyết định. Minh bạch hóa chỉ có lợi cho ông Hiệu trưởng. Bởi vì dù ông là người ký quyết định thì các vấn đề chuyên môn vẫn là do HĐTĐ chịu trách nhiệm. Ông ký quyết định dựa trên đề nghị của HĐTĐ. Nếu ông trao hết mọi giấy tờ của HĐTĐ cho Đỗ Thị Thoan thì chẳng ai có thể nói gì ông. Mọi chỉ trích nếu có sẽ tập trung vào HĐTĐ. Nhưng ông đã không làm như vậy, ông đã tự làm khó cho mình. Điều này thật khó hiểu. Nó khiến cho người ta phải băn khoăn : vậy có tồn tại cái gọi là HĐTĐ không, hay đó chỉ là một Hội đồng ma ? Còn nếu HĐTĐ có thật, phải chăng ông Hiệu trưởng không có toàn quyền quyết định, ông bị Hội đồng điều khiển và cấm không cho công bố thông tin  ?

 4. Câu hỏi này sẽ kéo theo nhiều câu hỏi khác, ở đây tôi chỉ nêu ra một câu thôi, liên quan đến cái gọi là HĐTĐ, khi tôi giả định rằng HĐTĐ không đồng ý cho Hiệu trưởng công khai thông tin về Hội đồng. Xin nhắc lại đây chỉ là một giả định. Chúng ta cũng chẳng làm gì được khác hơn là giả định, khi mọi thứ đều bị bưng bít như vậy. Câu hỏi là : Tại sao HĐTĐ không cho phép ông Hiệu trưởng công bố danh sách Hội đồng, bản nhận xét của từng thành viên Hội đồng, và Biên bản họp Hội đồng ? Câu hỏi này lại làm nảy sinh một câu hỏi quái đản khác : Tại sao quyền công bố lại nằm ở HĐTĐ chứ không phải là ở Hiệu trưởng ? Như vậy có ngược đời quá không ? Ông Hiệu trưởng là người có quyền thành lập HĐTĐ, vậy tại sao ông lại phải nhượng bộ Hội đồng, khi Hội đồng không muốn ông công bố thông tin về các hoạt động của họ ? Ở Việt Nam, người ta đang làm việc theo kiểu gì vậy ? Vụ việc này cho thấy chẳng có bất kỳ một nguyên tắc nào, chẳng có bất kỳ một logic nào trong công việc, mà đặc biệt ở đây lại là những công việc khoa học.

 Những câu hỏi trên, cho đến thời điểm này, vẫn chưa có câu trả lời.

 Tuy nhiên, mới gần đây, trên website VanVn.net, ông Phan Trọng Thưởng cho công bố « toàn văn bản nhận xét phản biện của PGS.TS Phan Trọng Thưởng tại Hội đồng thẩm định luận văn do Trường Đại học Sư phạm Hà Nội thành lập», tôi trích nguyên văn ở website :

http://vanvn.net/news/14/4614-pgsts-phan-trong-thuong–de-hieu-ro-hon-thuc-chat-cua-mot-luan-van.html

 Lúc này tôi không bàn đến nội dung của bản nhận xét. Tôi sẽ còn trở lại với bản nhận xét phản biện này ở góc độ thuần túy khoa học, để bàn sâu về trình độ chuyên môn và các phương pháp làm việc rất có vấn đề của một PGS.TS như ông Phan Trọng Thưởng. Trừ phi có ai đó trong Hội đồng Khoa học năm 2010 của Đỗ Thị Thoan làm việc này : viết bài chỉ ra những bất cập cùng những lập luận phi khoa học và yếu kém trong bản nhận xét của PGS.TS Phan Trọng Thưởng.

 Ở đây, tôi chỉ nhấn mạnh phát hiện này : cá nhân ông Phan Trọng Thưởng đã công khai việc mình là thành viên của HĐTĐ luận văn của Đỗ Thị Thoan. Ông không muốn che giấu điều này. Như vậy, ít ra công luận được khẳng định một điều : HĐTĐ có thật. Và công luận đã biết được một thành viên của HĐTĐ.

 Sự xuất hiện công khai của ông Phan Trọng Thưởng khiến cho giả định của tôi ở mục số 4 thành ra sai một phần. Nghĩa là ít nhất có một thành viên Hội đồng không muốn « tồn tại trong bí mật », không muốn giấu thông tin, không muốn giấu căn cước. Nhưng chính điều này lại khiến cho vấn đề trở nên khó hiểu theo một cách khác : Tại sao ông Hiệu trưởng, cho đến lúc này, vẫn cương quyết không chịu trao cho Đỗ Thị Thoan những nhận xét của HĐTĐ mà cô đòi hỏi ? Trong khi đó, thành viên của HĐTĐ, ông Phan Trọng Thưởng, lại đăng công khai nhận xét của mình cho toàn thiên hạ biết? Rõ ràng, việc làm của ông Hiệu trưởng và việc làm của ông Phan Trọng Thưởng là mâu thuẫn với nhau. Vấn đề là : nếu ông Phan Trọng Thưởng công khai được thì sao ông Nguyễn Văn Minh lại phải giấu ?

 Như vậy rút cuộc, ai là người không muốn công khai các thông tin về HĐTĐ  và các văn bản của HĐTĐ ? Ông Hiệu trưởng hay HĐTĐ ?

 Liệu sự xuất hiện công khai của ông Phan Trọng Thưởng có phải là một dấu hiệu cho thấy tiến trình minh bạch hóa bắt đầu chuyển động ? Hy vọng lắm thay !

 Và một câu hỏi trong mục số 4 của tôi phải được xoay chiều : Phải chăng tới đây các thành viên khác của HĐTĐ sẽ lần lượt xuất hiện công khai cùng với các bản nhận xét của họ, giống như ông Phan Trọng Thưởng ?

 Nếu họ xuất hiện thì cũng thật đáng cho sự mong đợi của công luận bấy lâu nay.

 Nếu họ không xuất hiện thì đây sẽ là một hội đồng khoa học « độc đáo » nhất trong lịch sử đại học : hội đồng một phần năm (1/5) công khai, bốn phần năm (4/5) bí mật.

 Vụ bê bối này, nếu không được giải quyết thỏa đáng, thì hẳn nhiên, nó không chỉ là một vết nhơ của riêng một mình ông Nguyễn Văn Minh, riêng một mình HĐTĐ, riêng một mình trường Đại học Sư phạm Hà Nội hay Bộ Giáo dục và Đào tạo. Nó sẽ trở thành vết nhơ chung của toàn bộ giới giảng dạy và nghiên cứu Việt Nam, và hơn thế nữa. Đồng thời nó không chỉ là một vết nhơ, mà còn có thể kéo theo nhiều hậu quả tệ hại khác.

 Chỉ có một cách duy nhất để cứu vãn cho tất cả, đó là vụ việc được giải quyết đúng theo quy định pháp luật, đúng theo các chuẩn mực khoa học, và đúng theo các quy trình chuẩn của đào tạo và giáo dục.

 Cho đến thời điểm này, tất cả vẫn chỉ đang ở dạng câu hỏi.

 Sài Gòn, ngày 21/4/2014

Nguyễn Thị Từ Huy

Tác giả gửi Văn Việt

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét