Thứ Bảy, 26 tháng 11, 2011

Trần Kỳ Trung : MỘT VÀI KỶ NIỆM CỦA NGƯỜI BIÊN TẬP SÁCH

Nguồn trankytrung 
          Từ một cơ quan của giáo dục, tôi chuyển về làm anh biên tập sách của một Nhà Xuất Bản miền Trung. Làm biên tập sách, tôi hiểu, là người phải có trình độ, có vốn sống, có tài năng…Trên thực tế, người biên tập sách, chính là một "tác giả thứ hai" của quyển sách mình biên tập. Nói điều này không phải quá, khi biên tập sách, người biên tập có thể đưa ra nhận định, đính chính lại các điển tích, sửa câu ngữ pháp sai…trong quyển sách mình biên tập, quan trong nhất, làm được việc đó được tác giả chấp nhận. Lại còn một điều nữa, người biên tập sách phải có bản lĩnh, sẵn sàng bảo vệ quan điểm của mình, bảo vệ cái " đúng", trước Tổng biên tập, hội đồng biên tập và trước cả dư luận. Tôi còn nhớ, khi tôi biên tập cuốn sách " BÀN VÀ LUẬN" của Bác sỹ Nguyễn Khắc Viện, một nhà văn hóa lớn của Việt Nam. Với những bài viết của Ông, nói thật, tôi không dám sửa một chữ nào. Vì Ông viết hay, chắc, lập luận rõ ràng từng vấn đề một. Từ những vấn đề lớn của xã hội như thế nào là dân chủ, thế nào là nền giáo dục hiện đại, tiên tiến… và đến những vấn đề rất nhỏ như biến những ao hồ vùng làng quê để xây bể bơi cho con em nông dân tập bơi. Xây như thế nào tiện nhất, rẻ nhất, ai cũng làm được. Rồi chuyện học đá cầu, một môn thể thao giải trí rất lành mạnh, nhiều đối tượng có thể tham gia, dễ học, chỗ nào cũng có thể trở thành sân chơi …Khi tôi biên tập cuốn sách này, tôi nghĩ, giá như những điều Bác sỹ Nguyễn Khắc Viện viết ra, được xã hội chấp nhận, thành một phong trào thì tốt biết bao nhiêu. Bây giờ mới thấy ý kiến của Bác Sỹ Nguyễn Khắc Viện còn nguyên tính thời sự. Trong quyển sách đó, Bác Sỹ dành nhiều bài đề cập về khái niệm " Dân Chủ". " Đây là một khái niệm rất lớn, các anh, các chị ạ! – như một lần Ông đến thăm NXB và nói chuyện với chúng tôi-  " Muốn hiểu thế nào là dân chủ, chúng ta phải học các nền văn minh tiên tiến trên thế giới, học các nước quản lý tốt bằng luật pháp trên thế giới. Không thể gọi" Dân chủ tư sản là dân chủ giả hiệu" rồi ra sức phản bác bằng những lập luận thiếu thuyết phục, thiếu luận chứng khoa học. Chúng ta phải hiểu, để đạt được một chế độ dân chủ như hiện nay, một luật pháp thượng tôn từ người dân thường đến tổng thống đều phải chấp hành, nhân dân các nước dân chủ tư bản đó phải trải qua rất nhiều cuộc đấu tranh, trả giá bằng hàng triệu sinh mạng con người, bằng những cuộc cách mạng long trời, lở đất. Nhiều vị lãnh tụ của những cuộc cách mạng đó đã bị chế độ phong kiến, phản dân chủ chém đầu. Họ vẫn không sợ, lên đoạn đầu đài với thái độ hiên ngang, có niềm tin bất diệt về sự thắng lợi của một cuộc cách mạng dân chủ mới… Các nước đó, hiện nay được tự do biểu tình, tự do báo chí, xuất bản, có quyền kiện tổng thống, chính phủ… khi đưa ra những chính sách sai…Đó là thành quả của những cuộc cách mạng lớn, không thể gọi đó là " dân chủ giả hiệu" mà phải gọi chính xác là " dân chủ nhân dân". Ông khuyên chúng tôi rất chân thành: " Các anh, chị làm biên tập nên học nữa, đọc nữa, giỏi ngoại ngữ, tiếp thu tinh hoa thế giới. Chỉ có thể hiểu người, hiểu bạn mới hiểu ta…" . Được đọc và trực tiếp nghe những lời của Bác sỹ Nguyễn Khắc Viện khuyên bảo, chúng tôi sáng ra nhiều điều. Trong lời giới thiệu cuốn sách này, xuất bản lần đầu ở NXB Đà Nẵng, tôi viết ở đoạn cuối: " … Trong cuộc đấu tranh để có một nền dân chủ , công bằng thực sự, những người dám dấn thân, chấp nhận phong ba, bão táp, thậm chí cả sinh mạng chính trị của mình, họ vẫn quyết tâm đạt mục tiêu đó đến cùng. Đó là những con người rất đáng kính phục…". Câu này bị ông Tổng biên tập gạch, không cho in. Tôi rất tiếc, bởi hình ảnh của Bác Sỹ Nguyễn Khắc Viện, là hình ảnh của một trí thức lớn, một nhân cách lớn, tôi rất khâm phục. Tôi xuống nhà in, lấy lại bản thảo và tìm mọi cách đưa câu cuối trong lời giới thiệu vào và nghĩ nếu mình bị kỷ luật, cũng sẵn sàng. Sau này khi sách in ra, Bác sỹ Nguyễn Khắc Viện đã gửi lời cảm ơn đến anh Nguyễn Văn Giai, Giám đốc kiêm Tổng biên tập NXB Đà Nẵng đã in cuốn sách, đặc biệt là lời giới thiệu. Anh Giai rất vui… Chỉ thế thôi, tôi mừng, ít nhất mình cũng làm được một việc nhỏ để xã hội chúng ta có một tác phẩm tốt, mọi người sống với nhau đẹp hơn.
            Tôi còn một kỷ niệm vui nữa, khi in một tập truyện ngắn của một nhà văn viết về chiến tranh, tôi đặt bìa cho họa sỹ với ý tưởng căn cứ vào nội dung những truyện ngắn trong tập, vẽ ba bìa, chọn một. Tôi chọn bức vẽ là một vết nổ lớn màu đỏ choáng hết cả cái bìa, bên dưới hàng chữ đen ngả nghiêng, tên tập truyện ngắn. Tôi muốn diễn tả sự khốc liệt chiến tranh vì cả tập truyện ngắn, người đọc, đọc lên thấy sự khiếp đảm của bom, đạn, chém, giết. Chiến tranh đã biến con người thành những cái máy giết người vô hồn, nhất là những cuộc nội chiến, không có người chiến thắng, không có người thua cuộc, chỉ có máu và nước mắt. Khi tôi trình bày bìa này cho ông Trưởng phòng, nguyên là phóng viên một tờ báo lớn. Mới đầu ông nghe ra, có vẻ khoái lại còn khen tôi: " Cái bìa cậu chọn mang tính nhân văn lớn lắm! lên án chiến tranh ghê lắm!". Ai ngờ… khi sách in ra, lại có ý kiến của cấp trên, quản lý NXB cho rằng, bìa sách của tập truyện ngắn nọ là phản ánh "tiêu cực, mặt trái của chiến tranh". Ông Trưởng phòng quay ra phê bình tôi gay gắt: " Nhận thức chính trị còn nông cạn, trình độ thẩm mỹ kém. Sẽ trừ vào điểm thi đua cuối năm". May cho tôi, lúc đó anh Nguyễn Văn Giai, Giám đốc Nhà Xuất Bản gọi lên, yêu cầu trình bày lại toàn bộ nội dung cuốn sách và anh hỏi vì sao lại đặt vẽ bìa như thế này? Tôi biết tính anh Giai là rất tin vào cấp dưới, như có lần anh nói vui: " Đảng, nhà nước phân công, thì làm chứ tôi có biết viết, biết vẽ đâu mà biên tập với duyệt. Có điều các anh là người có học, có trình độ có gắng biên tập đừng để xảy ra sai sót. Phải biết bảo vệ quan điểm của mình, nếu đúng tôi ủng hộ, nếu sai thì… tôi thiến!" . Vì thế, tôi cố gắng diễn giải cho anh hiểu vì sao quyển sách có cái bìa trên. Anh nghe chăm chú, rồi nói với tôi : " Ông nói thế là tôi hiểu rồi, nhưng ông nhớ cho, chẳng lẽ mỗi lần vẽ bìa ông lại ôm quyển sách gặp mấy ông cấp trên để giải thích như đang giải thích với tôi như thế này sao? Các ông ấy không nghe đâu. Vẽ bìa, các ông chú ý hộ tôi, nếu viết về chiến tranh, cứ cố gắng vẽ diễn tả ta thắng địch thua là được! Còn cái bìa này, qua lời ông giảng giải tôi hiểu, tôi sẽ nói lại với các ông ấy". Chuyện này rồi cũng qua đi, vui nhất là ông Trưởng phòng của tôi, sau này lại còn nói : " Cái bìa cậu đặt  tay họa sỹ vẽ tôi trông giống như cái… của đàn bà đến tháng!"
         Đến chịu ông này.
         Làm người biên tập, tôi nghĩ, cần có lòng dũng cảm, tự trọng. Giữa thời buổi đồng thau lẫn lộn, có những nhà văn tận tâm, thực tài, họ viết ít, nhưng có rất nhiều NXB đến đặt vấn đề xuất bản, nhưng cũng có người viết sách chỉ muốn in lấy được, bất chấp dư luận, bất chấp phản ứng tốt, xấu từ phía bạn đọc, cốt chỉ để khoe mẽ, lên gân. Quyển sách nào mà tác giả mang đến cũng là " viết như thần", " Nội dung khái quát cả thời đại" v.v… Nếu Biên tập viên không vững vàng, dao động, rất dễ gật đầu để rồi có một tác phẩm " không ra hồn, không ra dáng, thẩm mỹ méo, nội dung khô" đến với bạn đọc.  Bạn tôi, có một lần hứng chịu cảnh này.
       Năm ấy có một ông nhà văn từ miền bắc vào, ôm một bản thảo dày cộm. Bản thảo này, một số NXB phía bắc đã không in vì nội dung chưa phù hợp. Ông nhà văn hy vọng ở NXB chúng tôi, tác phẩm này,  sẽ ra mắt bạn đọc. Biết bạn tôi cũng là người viết văn. Đầu tiên ông ấy bốc bạn tôi lên tận mây xanh: " …Mình đọc văn của ông rồi. Văn của ông, tôi tin cỡ như Nguyễn Huy Thiệp hay Phạm Thị Hoài nếu có đọc, chắc họ sẽ gác bút. Văn ông đọc lên, tôi cứ như bị ma ám, không thể dứt ra được! Kinh quá!". Ông ấy nói với bạn tôi cứ như thật, như đã đọc rồi. Chứ bạn tôi có biết đâu, vừa hôm qua, ông gọi tôi ra rồi hỏi nhỏ: " Mày nói cho tao biết thằng ấy nó viết những truyện ngắn gì? Nội dung ra làm sao? Để tao biết còn nói chuyện với nó…" Ồng nói với bạn tôi về tác phẩm ông đang cầm trên tay: " Mình nói với ông, đây tác phẩm mình rút hết ruột gan ra để viết. Xin lỗi ông nhá! Nguyễn Du viết về Kiều cũng chỉ bằng mình viết về nhân vật này thôi. Ông đọc đi, ông sẽ thấy, nhân vật chính tôi viết còn đau gấp ngàn lần nàng Kiều. Sự đày đọa của những kẻ có chức, có quyền với nhân vật chính trong tác phẩm này, nếu như nàng Kiều là có thực, hiện diện về đây, đọc tác phẩm này sẽ kêu lên: " Trời ơi! Tưởng mình khổ, hóa ra lại có người còn khổ hơn mình! Trời ơi". Thấy bạn tôi im lặng, như đang lắng nghe, ông ta nói tiếp: " Các ông in đi, in độ mười nghìn bản, tôi đảm bảo chỉ cần đọc mấy bài phê bình, giỏi quảng cáo trong vòng một tháng là bán hết, phải nối bản cho mà xem". Rồi như sách đã in, mười nghìn bản đã có, ông ấy yêu cầu: " In mười nghìn bản thì nhuận bút các ông trả cho mình là bao nhiêu? Bốn triệu nhá!" ( thời điểm năm 1991 – 1994). Đấy là ông ấy chưa tính vào chuyện ăn dầm, nằm dề ở nhà khách của NXB gần một tháng để cố công thuyết phục NXB in sách mà không mất một đồng xu nào? May thay, bạn tôi, dù rất quý các nhà văn, nhưng sau khi tham khảo ý kiến tập thể, cũng như một số NXB khác và nhất là qua tính cách của ông nhà văn này đã cương quyết không in tác phẩm mà ông ấy ví ngang truyện Kiều.
          Chuyện biên tập sách của người biên tập viên, tôi nghĩ, cũng nhiều nỗi buồn vui như nhân tình thế thái bây giờ. Chỉ có điều, chuyện buồn thì quên đi, chuyện vui thì nhớ, cố gắng sống, viết, biên tập cho tốt, có tác phẩm hay được bạn đọc khen.
          Mong gì hơn!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét