Thứ Ba, 2 tháng 10, 2012

Huỳnh Ngọc Chênh : TÔI VÀ VIỆT CỘNG

Nguồn huynhngocchenh

Sep 30, 2012
Mấy ngày nay hơi mệt, định không viết lách gì. Nằm riết ở nhà không đi đâu, nhìn ra ngoài  trời mưa mù mịt, bỗng dưng nhớ đến thời ấu thơ. Lại lấy bàn phím ra...

Nói về chống cộng, có lẽ tôi là người chống cộng từ rất sớm. Không biết có đạt được danh hiệu người chống cộng nhỏ tuổi nhất Việt Nam hay không, chứ hồi ấy mới khoảng 6,7 tuổi gì đó, tôi đã có âm mưu và hành vi chống Việt Cộng rất cụ thể rồi.

Lớn lên trong giai đoạn Ngô Đình Diệm về chấp chánh, bị tuyên truyền qua những buổi tối xem chiếu phim hiếm hoi được tổ chức vài ba tháng một lần, qua các áp phích chống cộng dán trên các bảng tin đầu làng... tôi cũng như nhiều đứa trẻ trong làng tự dưng thấy căm thù Việt Cộng dù chẳng hiểu nó là cái gì.
Tôi lại được hơn mấy đứa trẻ khác trong làng là rất ham đọc sách. Mà thời đó sách vở rất hiếm hoi, vớ được cái gì, đọc cái đó đến thuộc lòng. Hồi đó tôi mới học lớp 1, lớp 2 gì đó thì chị tôi học lớp ba. Ba tôi mua cho chị ấy cuốn " Việt Nam Toát Yếu sử Lược lớp Ba" của tác giả nào đó tôi không còn nhớ tên. Tôi suốt ngày đọc cuốn đó thích thú như đọc truyện cổ tích, đọc đi đọc lại đến nỗi thuộc nằm lòng từng trang sách. Qua đó tôi hiểu rằng giặc Ân, giặc Hán, giặc Nam Hán, giặc Tống, giặc Nguyên, giặc Minh, giặc Mãn Thanh, giặc Pháp, giặc Nhật là rất xấu xa ác độc. Và mỗi thời có giặc là có một vài anh hùng xuất hiện để chống giặc cứu dân. Đó là các anh hùng Phù Đổng Thiên Vương, Ngô Quyền, Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Trần Quốc Toản, Phạm Ngũ lão, Lê Lợi, Lê Lai, Nguyễn Huệ, Phan Đình Phùng, Hoàng Hoa Thám, Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh...Cũng từ đó tôi suy ra rằng, thời xưa thì có các giặc đó, còn thời nay là ...giặc Cộng. Bị nhiễm những câu chuyện anh hùng trong cuốn sách lịch sử lớp ba, tuổi ấu thơ của tôi bỗng dưng nghĩ ra rằng: thời giặc Cộng nầy phải có một anh hùng đứng lên chống lại để cứu nước cứu dân và người đó chính là...tôi.
Theo những gì tuyên truyền hồi đó, hình ảnh giặc cộng trong tôi là "thằng Việt Cộng" mặc áo đen, khuôn mặt hung ác, miệng lòi ra cả răng nanh, tay cầm mã tấu, đêm đêm lén lút mò về làng giết người dân lương thiện. Thế là tôi nghĩ mình phải noi gương Trần Quốc Toản hoặc Thánh Gióng làm một hành động gì đó để chống lại giặc Cộng ngay từ lúc còn bé chứ không chờ đến lớn lên. Một âm mưu chống lại giặc Cộng hình thành trong đầu thằng bé chưa quá 7 tuổi. Âm mưu nầy, có lẽ tôi cũng học được ngay trong cuốn lịch sử lớp ba.
Tôi bí mật đào một cái hố be bé ở góc vườn, bỏ xuống đó một ít gai tre rồi đậy nắp hố bằng một tấm phên mục, có lớp lá tre khô bên trên để ngụy trang, rồi chờ đêm xuống, Việt Cộng mò về là sụp hầm chông.
Dĩ nhiên cai hầm chông bé như cái lỗ mũi của tôi chẳng bẫy được chú Việt Cộng nào nhưng dầu sao hành vi cấu thành tội phạm của tôi đã rõ. Nếu vụ việc này mà hồi tố thì nguy cơ tôi ở tù rất chính đáng đến vài chục năm.
Trong lúc hàng  đêm mơ  mình trở thành anh hùng chống Việt Cộng, thì tôi nào có hay ngay trong nhà tôi, Việt Cộng nằm đầy cả ổ. Ba tôi, mẹ tôi,  anh rễ tôi, cô dì chú bác, bà con họ hàng nội ngoại đều toàn là Việt Cộng nằm vùng hoặc đã thoát ly. Không những thế, ba tôi còn là trùm Việt Cộng của làng, ông là bí thư chi bộ đảng từ năm 1945 cho đến ngày ông bị đi tù lần cuối cùng vào năm 1965. Bản thân tôi lại sinh ra ngay trong vùng Việt Minh ở Tam Kỳ, tiền thân của Việt Cộng, khi vào năm 1952 mặt trận Hòa Vang bị Pháp đánh vỡ, cả gia đình tôi cùng dân làng bỏ chạy vào chiến khu ở Tam Kỳ và tôi được sinh ra ở đó. Nhà tôi là một gia đình Việt Cộng "toàn tòng" và tôi là thằng bé sinh ra đã là Việt Cộng rồi mà tôi nào có hay.
Không biết tôi được "giác ngộ cách mạng" khi nào, để từ một đứa đang mơ làm người anh hùng chống cộng trở thành một thằng Việt Cộng nhí hung hăng . Có lẽ là sau khi đảo chánh Ngô Đình Diệm vào năm 1963. Thời kỳ đó, những buổi họp chi bộ, những buổi giao ban chớp nhoáng diễn ra trong nhà tôi nhiều hơn và ít dè dặt hơn. Có những đêm tôi giật mình thức giấc bổng nghe những tiếng rì rầm của nhiều người trong nhà tôi. Những kế hoạch phá Ấp Chiến Lược, chống tề diệt ngụy, kháng chiến chống Mỹ cứu nước...cứ âm thầm đi vào trong tôi cùng với giấc ngủ.
Có lẽ tôi cũng đã đi du kích và chết mất xác như bao bạn bè cùng trang lứa với tôi nếu như mẹ tôi không gởi tôi xuống Đà Nẵng nương nhờ nhà bác ruột của tôi, cũng là một đảng viên Việt Cộng nằm vùng, để tiếp tục học lên cấp hai khi ba tôi bị "Mỹ Ngụy" bắt đi tù lần cuối cùng vào năm 1965.
Cái sự học nó đẩy tôi đi luôn một mạch từ cấp hai ở Hòa Vang, Đà Nẵng lên đến cao học ở tận Sài Gòn để tôi không có dịp cầm súng cho phe nào, giữa hai phe đang bắn vào nhau quyết liệt. Nhiều bạn bè tôi bất hạnh hơn, cũng sinh ra trong gia đình Việt Cộng như tôi nhưng giữa chừng đứt đường học, bị bắt lính cầm súng bắn lại chính cha anh, chú bác của mình ở phe bên kia.
Những năm đại học, tôi cũng được một hai lần tham gia biểu tình chống Mỹ Thiệu. Sau đó tôi được lôi kéo vào nhóm sinh viên chống Mỹ ở đại học Khoa Học mà trưởng nhóm là anh HTH, giảng nghiệm viên hướng dẫn thí nghiệm hóa của tôi. Hồi đó, hoạt động yêu nước cao nhất của tôi là tham gia vài lần biểu tình và viết mấy bài báo đưa cho anh H để anh ấy ký một cái tên nào đó rồi gởi đăng vào tờ báo chuyền tay bí mật nào đó mà có nhiều khi tôi chẳng thấy mặt nó.
Sáng 30 tháng tư 1975, tôi được lệnh đi theo H cùng với một nhóm sinh viên xuống "chiếm đài truyền hình và đài phát thanh Sài Gòn". Nói chiếm cho oai, chứ thực ra khi chúng tôi đến nơi, tuy Việt Cộng chưa vào Sài Gòn, quân lính bảo vệ và nhân viên của hai đài đã bỏ chạy từ lúc nào rồi.
Tôi có mặt tại đài phát thanh lúc ông Dương Văn Minh và Vũ Văn Mẫu được bộ đội chở đến để đọc lời đầu hàng. Theo nhật ký của tôi ghi lại sau thời điểm đó vài ngày, tôi đã cùng với  vị chỉ huy bộ đội (sau nầy tôi biết đó là ông Bùi Tùng) soạn lời đầu hàng cho Dương Văn Minh đọc và lời tiếp nhận đầu hàng cho ông chỉ huy ấy đọc. Hai văn bản lịch sử đó không biết ai đã lấy và cất giữ.(Đại úy Phạm Xuân Thệ chăng?)
Năm ngày sau kết thúc chiến tranh, biết lớp cao học đang chuẩn bị thi và làm luận án tốt nghiệp của tôi bị giải tán, tôi buồn rầu vì mất học (lúc ấy tôi học đang ngon trớn), lại thêm buồn vì mất cô bạn gái (cô ấy theo gia đình bay sang Mỹ trước ngày 30.4 cô ấy tên là Thu Hải, không biết sau ngần ấy năm trời cô có còn nhớ đến tôi). Sài Gòn không còn gì cho tôi nữa, tôi lặng lẻ lên bến xe Petrus Ký (nay là Lê Hồng Phong)  mua vé xe đò, chào từ giả Sài Gòn, về lại quê hương miền Trung dù lúc ấy tôi biết rằng nhóm sinh viên chống Mỹ mà tôi tham gia thuộc đường dây an ninh T4, cụm tình báo  A 10 gì gì đó.  Tôi dính líu với an ninh tình báo của Việt Cộng đấy, mà tôi cũng nào có hay và có thiết gì...
(Mệt quá, viết chưa xong)

*****************************
tiếp

6:22 PM 2/10/2012

...một tuần sau ngày 30.4, tôi về lại Đà Nẵng.
Đà Nẵng đã hưởng hòa bình trước một tháng, gia đình tôi cùng nhiều bà con khác đang chuẩn bị trở lại quê nhà. Tôi ủng hộ quyết định nầy của ba tôi.
Mẹ tôi buôn bán tảo tần dành dụm được vài chục cây vàng mang ra bán dần để đổ tiền vào khẩn hoang ruộng đồng, gần chục ha ở quê ngoại Hòa Quý và  5 ha ở quê nội Hòa Xuân. Hồi đó phải thuê người rà gỡ bom mìn rất tốn kém.
Các chú, các bác, các cậu tôi đang từ miền Bắc trở về hoặc từ trên núi xuống đang giữ các cương vị kha khá ở Đà Nẵng cũng như ở Hòa Vang, đến gợi ý tôi tham gia vào chính quyền mới như làm công an, cán bộ huyện, ngành du lịch...nhưng tôi đều từ chối. Tôi thích về quê làm nông với ba mẹ và em gái của tôi.
Khi nằm ở Sài Gòn, nhiều đêm nhớ lại những ngày tháng nông tang ở quê nhà mà lòng quặn thắt. Ước nguyện  của tôi là khi hòa bình lập lại nếu đường học dở dang thì sẽ về lại quê nhà vui thú với nghề nông mà trước đây chiến tranh khốc liệt đã làm cho đứt đoạn.

Nhưng làm nông khi tôi còn bé chỉ chạy theo làm những việc phụ thì nó vui vẻ và lãng mạn lắm. Bây giờ trở thành lao động chính thì nghề nông quả là rất nghiệt ngã với tôi. Không còn những đêm hè đầy sao và đom đóm, lũ trẻ chúng tôi chạy quanh sân vừa đạp lúa vừa chơi trò vật lộn, không còn những trưa hè nằm vắt vẻo trên chiếc võng treo dưới bóng râm nghe tiếng ve râm ran sau bửa cơm trưa giữa đồng, không còn chuyện tát nước đêm trăng rồi kéo nhau xuống mương tắm mát cùng ánh trăng....Đúng là hai lần không thể cùng tắm trên một giòng sông như triết gia gì đó của Hy Lạp đã nói.
Dù đã có thuê nhiều người làm, nhưng tôi cũng phải làm quần quật cùng ba mẹ và đứa em gái từ sáng sớm đến chiều tối. Thế nhưng sức trai hai mươi quá thừa năng lượng giúp tôi vượt qua và nhanh chóng thích nghi với công việc nặng nhọc.
6 giờ chiều đã ăn tối, nên tôi có một buồi tối rất dài. Tôi chong đèn dầu nằm đọc sách cả đêm. Những năm ở SG, lo học cấp tập rồi còn lo chuyện tranh đấu nên hầu như không có thì giờ đọc sách cũng như đầu óc  rãnh rỗi để tiếp thu được nội dung của sách. Thời đó hầu như tháng nào gia đình gởi tiền vào tôi đều đi mua sách. Sau đó đi dạy thêm có tiền cũng chỉ mua sách. Mua để đó hoặc liếc qua chứ chưa có thời giờ đọc. Sau ngày 30.4, trước khi về lại Đà Nẵng tôi đã đảo một vòng lề đường SG mua được rất nhiều sách quý với giá rẻ mạt. Sách nầy do đám hôi của lấy từ các gia đình quyền thế bỏ chạy mang ra bán sôn.
Bấy giờ ở quê nhà đêm thanh vắng, tôi lần lượt gặm nhấm một cách thích thú những gì tôi mang từ SG về. Các tác phẩm của Tolstoi, Dostoievski, Victor Hugo, Charles Dicken, Nieztche, Herman Hess...tôi đọc được từ dạo ấy. Mỗi tuần tôi lại tự cho mình được nghỉ một hai ngày. Khi ấy tôi chạy xe xuống Đà Nẵng mượn sách tại thư viện công đoàn nằm ở ngã tư Lê Lợi -Hùng Vương. Tôi làm thẻ thư viện và quen với cô phụ trách ở đó nên mỗi lần tôi mượn được hàng đống sách. Đó là các tác phẩm của Hồ Chí Minh, Lê Duẩn, Trường Chinh, Võ Nguyên Giáp...và các sách về triết học Mác Lenin. Trong bốn tháng làm nông, tôi đã đọc say mê rất nhiều sách cũ và sách mới . Tôi tiếp thu chủ nghĩa duy vật biện chứng, chủ nghĩa duy vật lịch sử một cách nhanh chóng với niềm đam mê thích thú. Tôi là dân khoa học, hơn nữa năm lớp12, tôi là học sinh rất giỏi môn triết. Hồ Chí Minh và Trường Chinh tôi không thích lắm nhưng tôi rất thích Lê Duẩn. Cuốn "Dưới lá cờ vẻ vang..." của ông giúp tôi khai phá ra bao nhiêu điều về chủ nghĩa xã hội. Vì quá say mê Lê Duẩn nên sau nầy tôi nhanh chóng bị hụt hẫng bởi chính ông ta. Khi đó tôi đã đi dạy học được một năm, một lần tôi vớ cuốn  Stalin Tuyển tập trong thư viện nhà trường, đọc xong tôi ngỡ ngàng. Những gì Lê Duẫn viết đều gần như sao y từ Stalin, chỉ sửa lại đôi chữ cho phù hợp với Việt Nam. Ngay cả cái viết ra tưởng như từ sự xúc động chân thành tận đáy lòng là điếu văn đọc trước linh cửu HCM của Lê Duẩn cũng hao hao giống điếu văn của Staline đọc trước Lê nin. Không lâu sau đó, thần tượng Hồ Chí Minh cũng sụp đổ trong tôi khi tôi phát hiện ra tác giả Trần Dân Tiên ca ngợi bác Hồ hết lời trong tác phẩm "Những mẫu chuyện về cuộc đời hoạt động của bác Hồ" chính là Hồ Chí Minh. Trái tim hồn nhiên non trẻ của tôi bị một nhát đâm rướm máu.
 Hồi đó tôi không lăn xăn tham gia vào chính quyền không có nghĩa là tôi không yêu chính quyền mới xã hội chủ nghĩa. Nhưng dần dần những chuyện như vậy, rồi qua sách vở, lẫn những chuyện trong thực tế về sau nầy, tình yêu ấy mòn dần trong tôi...Tôi và lý tưởng cộng sản, ai đã phản bội ai?

Tôi sống đời nhà nông bốn tháng, thu hoạch được một vụ mùa cả lúa lẫn sắn khoai cũng kha khá. Tôi từ một thư sinh trắng trẻo biến thành một anh nông dân thực thụ, thô kệch, ốm o và đen đúa. Mẹ tôi thương tôi quá, bảo: Con xuống Đà Nẵng tìm việc gì đó làm cho nhàn nhã. Làm nông như vậy là đủ rồi, không phải là nghề của con. Ba tôi cũng nói : Chẳng lẽ cho con ăn học nhiều như vậy mà bây giờ lại về làm nông hay sao.
Tôi biết vậy nhưng thật tình tôi không biết cái bằng cử nhân hóa học của tôi sẽ xin vào làm công việc gì vào thời đó ngoài những việc ở các cấp chính quyền, ở công an, thuế vụ, du lịch, quản lý thị trường...tôi vốn không hề thích thú. Cuối cùng tôi thấy nghề dạy học là có thể sử dụng được chuyên môn của mình, hơn nữa lại không dính líu gì nhiều đến chính trị, tôi đi tìm tới ty Giáo Dục QNĐN.
Tôi nộp hồ sơ xin dạy học ngay cho trưởng phòng tổ chức. Anh ta còn khá trẻ, lớn hơn tôi chừng vài tuổi, mặt mày đăm đăm trông rất "cán bộ Việt Cộng". Anh đọc hồ sơ rồi nói:
- Lí lịch sao ghi đơn giản rứa.
Đúng vậy, lí lịch phần bản thân tôi chỉ ghi có mấy chữ:

  • 1952:  Sinh ra đời.
  • Từ 1957 đến 30.4. 1975: Đi học tại Hòa Vang, Đà Nẵng và Sài Gòn. 
  • Không làm gì cho ta và cho địch.
  • Từ tháng 5.75 đến tháng 9. 75:  Về quê làm ruộng.

Cán bộ hỏi:
- Hồi sinh viên không tham gia chi hết hay sao?
- Ừ, không tham chi hết, chỉ biết đi học.
Cán bộ Việt Cộng lại hỏi:
- Ở Đại học Khoa Học có biết Huỳnh Văn Xuân không?
Tôi trả lời ngay:
- Biết chứ. Nhưng không biết mặt chỉ nghe tên. Anh ấy là một trong những lãnh tụ nhóm sinh viên Bừng Sống có tiếng. Khi tôi vào học thì nhóm ấy bị tan rã. Một số bị bắt, một số chạy lên núi. Tôi nghe Huỳnh Văn Xuân chạy lên núi không biết bây giờ ra sao.
Cán bộ hỏi:
- Làm sao biết Huỳnh Văn Xuân?
- Báo chí công khai cũng như báo chí bí mật của sinh viên tranh đấu có nhắc đến anh ấy.
Anh ta cười nói:
- Huỳnh Văn Xuân là tui đây. Có nguyện vọng chi không?
Tôi nói:
- Đi dạy học thôi chứ nguyện vọng chi.
Huỳnh Văn Xuân nói:
- Không muốn ưu tiên chi à? Mà đồng chí còn trai trẻ, tôi cử lên dạy trường miền núi mới mở, có chịu không?
-Ư, thì được chứ sao.
Sau nầy đi làm báo gặp lại Huỳnh Văn Xuân ở Sài Gòn, khi ăn nhậu với nhau tôi chọc quê y:
- Ông tưởng lúc ấy đày tôi lên miền núi tôi buồn lắm sao. Bao năm rồi tôi thầm biết ơn ông mà không có dịp gặp lại để cám ơn. Ông đưa tôi vào đúng một một ổ giáo viên nữ trẻ đẹp, hoặc chưa chồng, hoặc chồng đi học tập. Các cô ấy hầu hết đều ở Đà Nẵng nên đi dạy xa nhà phải ở lại tập thể với tôi. Các cô đều sợ ma, đêm đến tối thui, đi đâu cũng đều bấu lấy tôi. Mà tôi thì còn trai trẻ chưa vợ ...hì hì..
Đúng là những năm đi dạy học tuy có nghèo đói nhưng là những năm hạnh phúc nhất của tôi khi sống dưới chế độ Việt Cộng. Tôi được sống trong môi trường của những thầy cô giáo lưu dung trước 75, là những nhà giáo uy tín, giỏi chuyên môn, lịch lãm văn minh trong sinh hoạt, có tâm với học sinh. Họ là những trí thức tiểu tư sản thực thụ của thành thị miền Nam. Đó là những đồng nghiệp Nguyễn Văn Minh, Trần thị Quế Hương, Lê Mỹ Ý, Tống Viết Thụy, Tôn nữ Phương Tần, Thái Thị Mỹ Lý, Nguyễn Thị Tâm, Hồ Sỹ Thứ, Nguyễn Đình Sắt, Nguyễn Văn Gia, Đoàn Thị Ngọc Lan, Lê Thanh Xuân, Nguyễn Hoàng Thọ, Lê Thị Thanh, Hồ Điền, Phạm Hường, Phan Thanh Kế, Trần Thông, Trần Đại Tăng, Văn Công Liên, Phan Khắc Đồ...có người còn sống, có người đã chết mà hơn ba mươi năm qua tôi vẫn không quên.
Sau nầy tôi chuyển qua làm báo chẳng qua vì muốn tìm đường chuyển gia đình  vào Sài Gòn cho con cái lên đại học đỡ phải xa nhà chứ tôi không yêu thích chi nghề báo mấy.
Tôi vẫn yêu nghề giáo. Nhưng tôi biết bây giờ trở lại trường học, môi trường giáo dục không còn như xưa.
Hai lần không thể tắm cùng trên một giòng sông.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét