Chủ Nhật, 23 tháng 6, 2013

Ghé thăm các blogs: 21/06/2013 (diendantheky)

Nguồn diendantheky

by Diễn Đàn Thế Kỷ

Blog BVN
Bàn về điều 258 của Bộ luật hình sự hiện hành 

 Hà Huy Sơn 

 Thời gian gần đây đã có một số người bị cơ quan điều tra bắt, khởi tố theo điều 258 của Bộ luật hình sự năm 1999, sửa đổi, bổ sung năm 2009 của Nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.  Trước đây hai năm, tôi có làm người bào chữa cho một thân chủ ở Cần Thơ đã bị kết án vì điều 258.  Nhận thấy điều 258 có một số điểm hạn chế, tôi đã có ý định kiến nghị với Ủy ban Thường vụ Quốc hội để yêu cầu giải thích điều luật này.  Vì trước đó tôi đã có một số kiến nghị với Ủy ban Thường vụ Quốc hội giải thích một số điều luật nhưng vẫn chưa nhận được hồi âm nên tôi xin bày tỏ ở bài viết này với những người quan tâm. 

 Điều 258 . Tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân 
 1.  Người nào lợi dụng các quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do tín ngưỡng, tôn giáo, tự do hội họp, lập hội và các quyền tự do dân chủ khác xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm. 
 2.  Phạm tội trong trường hợp nghiêm trọng thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm. 

 Thứ nhất: Điều 258 quy định không rõ ràng, nó dễ bị áp dụng sai do vô ý và lạm dụng do cố ý.  Nội dung không thể hiểu bằng một cách duy nhất, rõ ràng theo định lượng, mà việc hiểu điều luật này chủ yếu là do cảm tính vì nó không có khuôn khổ giằng buộc. 

 Thứ hai: Việc áp dụng điều 258 trong thực tế, các cơ quan tiến hành tố tụng thường vi phạm nguyên tắc bắt buộc của Bộ luật tố tụng hình sự là phải chứng minh hậu quả do tội phạm gây ra cho đối tượng bị hại là nhà nước, tổ chức, công dân.  Chính vì nội dung không rõ ràng của điều luật nên các cơ quan điều tra có tài thánh cũng không định lượng được thiệt hại do tội phạm gây ra và rồi đến Viện Kiểm sát và Tòa án cũng phải lờ đi vi phạm nghiêm trọng đó của cơ quan điều tra. 

 Thứ ba: Cho đến nay nhiều quyền tự do dân chủ của công dân đã được quy định trong Hiến pháp năm 1992 nhưng đến nay đã hơn hai mươi năm chưa được luật hóa.  Điều đó có nghĩa nhiều quyền tự do dân chủ của công dân chưa có quy định như thế nào là cấm vậy thì làm sao nói là lợi dụng?  Trong khi nguyên tắc chung của pháp luật là: "Công dân được làm những gì nhà nước không cấm, nhà nước chỉ được làm những gì pháp luật cho phép".  Thực trạng này thì ai là người đang vi phạm pháp chế của một nhà nước pháp quyền? 

 Thứ tư: Về nội dung ngữ nghĩa của điều luật " Tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân "  thể hiện sự mâu thuẫn . Đã là quyền của công dân thì đương nhiên công dân được phép được sử dụng trong mọi giới hạn không gian, thời gian của pháp luật và nhà nước có nghĩa vụ phải đảm bảo các quyền ấy.  Là quyền thì không thể là tội, là tội thì không thể là quyền.  Không thể vừa là quyền lại vừa là tội.  Đây chính là sự lập lờ, không rõ của điều 258.  Ủy ban Thường vụ Quốc hội theo pháp luật quy định có chức năng giải thích luật phải có văn bản hướng dẫn điều 258. 

 Theo quan điểm cá nhân, tôi cho rằng: Để hiện đại hóa đất nước, vấn đề trước cả văn hóa truyền thống, giáo dục, y tế… là việc xây dựng một nhà nước pháp quyền thực sự.  Cần xây dựng một văn hóa pháp luật, tôn trọng chính các nguyên tắc pháp luật chung do chính nhà nước đặt ra. 
 Hà Nội, ngày 17/06/2013 
 HHS 


BLOG ĐÀO TUẤN

Tháng Sáu 18, 2013 

1m2 đất đổi được tô phở. Đền bù 1m2 đất bằng giá một… cốc bia cỏ. 1m2 đất đền bù chưa mua nổi 2kg gạo. Thưa các vị ĐBQH, những cái tít báo không ca ngợi sự so sánh tuyệt vời của các nhà báo, nó chỉ phản ánh những bất hợp lý mà khung bảng giá đất do nhà nước quy định đang hiển hiện như một điều mà ai cũng chịu đựng.

Ngày 10-12-2010, 132/133 đại biểu HĐND TP Hà Nội đã biểu quyết thông qua khung giá đất mới năm 2011, một biểu giá mà chính Phó chủ tịch UBND TP Vũ Hồng Khanh, ngay khi đó, thừa nhận "Cách xa so với giá thực tế".

Xa thực tế là bao nhiêu? Thanh tra tài chính Thành phố sau đó ít lâu công bố một báo cáo, rằng giá thực tế cao hơn bảng giá đất của Hà Nội từ vài chục đến 400-500%.

Vì sao bảng giá đất luôn "lạc hậu hàng chục năm" ngay sau khi ban hành là điều mà người dân không hiểu được. Nhưng hậu quả của nó, thì rõ ràng, dân là người hiểu hơn ai hết với những mức đền bù giống y như một bất công, một nguyên cớ để người ta không kiện cáo không xong, xảy ra ở khắp nơi. Một m2 đất có giá bằng nửa cân thịt bò. 1m2 đất đổi được tô phở. Đền bù 1m2 đất bằng giá một… cốc bia cỏ. 1m2 đất đền bù chưa mua nổi 2kg gạo. Hay 100m2 đất thu hồi không mua nổi 1m2 đất dự án.

Thưa các vị ĐBQH, những cái tít báo không ca ngợi sự so sánh tuyệt vời của các nhà báo, nó chỉ phản ánh những bất hợp lý mà khung bảng giá đất do nhà nước quy định đang hiển hiện như một điều mà ai cũng chịu đựng.

Nhưng không chỉ người dân là nạn nhân của sự vô lý. Câu chuyện cũng không chỉ là những cái tít báo. Ngày hôm qua 17.6, khi Luật Đất đai sửa đổi được đưa ra thảo luận, ĐBQH Nguyễn Thanh Thụy (Bình Định), trước nghị trường đã đưa thực tế "Giá đất được quy định tại bảng giá chỉ bằng 40% giá thị trường. Ở Hà Nội, ở TP HCM, thậm chí chỉ bằng 18-30% giá thị trường".

Bà Thụy cũng nói "Nếu quy định giá đất thuê như dự thảo luật sẽ không đảm bảo cân đối thu chi ngân sách nhà nước từ đất đai". Bởi "Nếu cho thuê theo Bảng giá đất sẽ thấp hơn rất nhiều so với thị trường".

Không bù đắp được điều tiết địa tô. Không đủ bù đắp chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng. Không đảm bảo cân đối thu chi. Không tạo ra sự công bằng giữa các đối tượng sử dụng đất. Không thu được chính xác những đồng thuế khi cho thuê, chuyển nhượng dựa trên mức giá bèo bọt trong bảng giá đất. Có lẽ, còn rất nhiều chữ "không", được liệt kê sau bảng giá mà trong đó, mức giá đất "âm sâu dưới đất" gây hại cho cả nhà nước và người dân.

Chỉ có người sử dụng đất sau thu hồi là được lợi, và có lẽ, đây cũng chính là nguồn cơn cho cái gọi là "lợi ích nhóm".

Trở lại với phiên họp ngày 10-12-2010 của HĐND TP Hà Nội, sự "cách xa so với thực tế" còn được chính Phó Chủ tịch Vũ Hồng Khanh "thêm" rằng: Như mọi năm.

Phát biểu thừa nhận này có vẻ là một biểu tượng của sự bất lực khi những quy định trong luật khiến các đại biểu nhân dân buộc phải biểu quyết một biểu giá không hề có lợi cho dân, không hề có lợi cho nhà nước.
Gọi là tiếp cận với giá thị trường hay phù hợp với thị trường, thế nào cũng được, tuy nhiên, ngay bây giờ sự không đúng với thực tế, bất chấp thực tế phải được sửa đổi bằng những quy định chặt chẽ ngay trong luật, để bảng giá không tiếp tục "lạc hậu hàng chục năm" so với thực tế và trở thành một trong những nguyên nhân tiếp tục gây khiếu kiện.


BLOG HIỆU MINH

Nếu tới DC vào ngày đi làm trong metro du khách phương xa sẽ thấy các ông mặc véc, cà vạt nhưng lại đi giầy thể thao,  phụ nữ ăn mặc sang trọng, rất mốt nhưng đi giầy bệt.

Những người này đến VP sẽ có đôi giầy đúng mốt chỉ để đi họp, về chỗ ngồi lại bỏ giầy ra. Dân IT như tôi chui gầm bàn sửa máy tính nên rất hiểu thế giới giầy của phái đẹp.

Gọi đó là tính thực dụng của người Mỹ, kể từ cách đi giầy.

Thời trai trẻ mình quen một nàng lúc nào cũng diện đôi guốc 7 phân. Mỗi lần đến chơi ở nhà lắp ghép, nàng càu nhàu, sao bắt bỏ dép guốc bên ngoài thế này. Bỏ đi, chân dài thành chân vừa vừa, bởi nàng cao 1m53, vẻ đẹp bị giảm khá nhiều.

Hôm nay Washington Post có bài "Giầy cao gót có thể trông đẹp nhưng không tốt cho chân" được đọc nhiều nhất, mình nhớ người bạn xưa.

Tay nhà báo chắc nghiên cứu guốc dép khá kỹ. Đôi giầy 7 phân, đôi chân có vẻ dài hơn, bước đi vẻ uyển chuyển. Nhưng phía sau sự tự hào đó là nỗi đau từ những ngón chân mà chỉ có người đi mới thấu.

Đôi chân sinh ra là để giữ thăng bằng trên mặt đất và gót chân phải thẳng góc 90 độ với cẳng chân chứ không phải ở một góc nghiêng 45 độ như lúc trên đôi giầy cao chót vót.

Nếu nói phụ nữ nghiến răng để làm đẹp, quả không sai. Đau đớn, bệnh tật, và dù những ngón chân bị tụ máu hay trẹo chân bó bột cũng không thể ngăn họ leo trên đôi cà kheo.

Nhân chuyện bác Tư Sang đi Trung Quốc bàn về biển Đông với người láng giềng, vừa là đồng chí, vừa là anh em kiêm kẻ thù không đội trời chung, tự nhiên tôi liên tưởng đến người đẹp đi giầy cao gót.

Mấy tuần trước, Thủ  tướng Dũng đã có phát biểu nổi tiếng ở Shangri La ngầm ý lên án Trung Quốc "Tranh chấp chủ quyền lãnh thổ từ Biển Hoa Đông đến Biển Đông đang diễn biến rất phức tạp, đe dọa hòa bình và an ninh khu vực. Đâu đó đã có những biểu hiện đề cao sức mạnh đơn phương, những đòi hỏi phi lý, những hành động trái với luật pháp quốc tế, mang tính áp đặt và chính trị cường quyền".

Ông được truyền thông thế giới khen rất nhiều về sự đổi chiều.

Thủ tướng đã giành nhiều điểm trước cuộc bỏ phiếu tín nhiệm tại Quốc hội sau đó. Giới am hiểu nói rằng, 210 phiếu "Tín nhiệm cao" thuộc hàng bom tấn, ý nói những người có quyền lực tại VN đã ủng hộ Thủ tướng.

Tuy nhiên, tiếp sau vụ bắt blogger Trương Duy Nhất trước thềm cuộc bỏ phiếu, là nhà văn Phạm Viết Đào và gần đây blogger Đinh Nhật Uy, nhiều người không hiểu phía Việt Nam định gửi tín hiệu gì cho cộng đồng thế giới.

Nhân vụ này, BBC Việt Nam đã "chọc ngoáy" đúng kiểu Ăng lê bằng một bài viết "Bắt để làm quà", ý nói  phe thân Mỹ đã bị qua mặt bởi  phe thân Trung Quốc.

Chuyện đời không đơn giản thế. Chủ tịch Trương Tấn Sang đi Bắc Kinh cùng món quà đó, với người hàng xóm Bắc Kinh là quá nhỏ.

Khó mà tin một lãnh đạo quốc gia tầm cỡ như bác Sang trước khi công du lại bắt giam mấy tay võ mồm, đưa lên bàn đàm phán về biển đảo với Trung Quốc.

Người Mỹ cũng chẳng đến nỗi không đủ trí thông minh. Vài blogger không thể thay đổi tình thế với phương Bắc hay nhằm đối đầu với Hoa Kỳ.

Với họ, 3 bloggers hay 3000 cũng chẳng có ý nghĩa gì, một khi không động chạm đến quyền lợi nước Mỹ. Có chăng, đó là con bài khi đàm phán về quan hệ, nếu cần cao bồi lại lôi ra để đánh đổi.

Bó chân của người Hoa.

Nhớ lại vụ bắt bớ và video nhận tội của mấy người dân chủ ngay khi Jim Webb tới Hà Nội để bàn về đối phó với Trung Quốc, xứ mình có thể hiểu đây là những bước đi ngoại giao trên giầy cao gót.

Cứ lênh khênh, kiễng chân, nín nhịn để được điểm, lúc bên này, lúc bên kia, những người đẹp kiểu này thường nghĩ có nhiều người ngưỡng mộ hơn các chân dài đi bằng giầy thể thao.

Thời xưa, đàn bà Trung Quốc phải bó bàn chân, bó càng chặt, bàn chân càng bé, càng được đánh giá cao. Nhiều người cố bó nên bàn chân bị méo mó và thành tật.

Thời nay đã khác, giầy càng cao càng chứng tỏ sành điệu dù có đau đớn về thể xác.

Suy cho cùng, để có vẻ đẹp giả tạo cũng phải trả giá.

Tới Bắc Kinh với đôi giầy cao gót để đối phó với người đẹp bó bàn chân, khó mà đoán được điều gì sẽ xảy ra.
Nếu chủ mà yêu cầu khách bỏ đôi giầy cao vót khi vào Trung Nam Hải thì không hiểu sự thể có giống như cô bạn 1m53 thuở nào. Nhưng nếu chủ cũng bỏ giầy ra đẻ tỏ lòng hiếu khách thì chưa chừng lại thấy những bàn chân dị tật.
Kết thúc entry, xin đăng một comment trên Washington Post đặc kiểu Mỹ trong bài High Heels "I would have had sex with her, but I just didn't like her shoes – Tôi có thể làm tình với cô ta, nhưng đôi giầy thì chẳng làm tôi thích thú".

HM. 18-06-2013

PS. Các bạn biết không, riêng về đoạn giầy dép, tôi thích tính thực dụng của người Mỹ, cứ giầy bệt mà chơi, dễ thăng bằng trên mặt đất, chẳng có chuyện chân đau hay dị tật


BLOG LÊ DIỄN ĐỨC

Không biết bao giờ phiên toà phúc thẩm sẽ diễn ra và tại đâu, nhưng một lần nữa, Phương Uyên và Nguyên Kha lại đối diện với toà án.

Hai tuần sau khi bị tuyên án tổng cộng 14 năm tù giam và 6 năm quản chế, Nguyễn Phương Uyên và Đinh Nguyên Kha đã kháng cáo.

Phương Uyên và Nguyên Kha đã khẳng định lòng yêu nước qua việc tố cáo Trung Quốc xâm lăng Việt Nam. Tuy nhiên cả hai đều quyết định "không xin giảm án" mà cốt có cơ hội được nói hết ý của mình đã không được biểu thị trong phiên xử ngắn ngủi và bất minh ngày 16/05/2013.

Phương Uyên, cô gái bé nhỏ, 21 tuổi, nói rằng, "rất uất ức về bản án cũng như còn rất nhiều việc chưa giải bày được … vì trong phiên xử bị quan tòa ngăn không cho nói… . Uyên nói là rất "sốc" vì bản án, nhưng sau mấy ngày thì lấy lại được tinh thần…

Phiên tòa 16/05 hầu như không làm sáng tỏ bất cứ một vấn đề gì, không có nhân chứng, không có vật chứng, thậm chí không đưa ra được những căn cứ để buộc tội. Một câu hỏi rất đơn giản là khẩu hiệu "Tàu khựa cút khỏi Biển Đông" mà Phương Uyên viết bằng máu có vi phạm luật pháp Việt Nam hay không, Phương Uyên hỏi đến ba lần nhưng chánh án không trả lời được, cả bồi thẩm đoàn cũng ngồi im, cuối cùng họ cho em về chỗ...", theo lời của mẹ Phương Uyên.

Ngay sau phiên toà sơ thẩm của Phương Uyên và Nguyên Kha hôm 16/5, đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam đã phản đối bản án và kêu gọi trả tự do cho hai người này.

Trong một cuộc điều trần tại quốc hội Hoa kỳ với chủ đề "Các mối quan hệ Việt-Mỹ" do Tiểu ban Châu Á-Thái Bình Dương thuộc Ủy ban Đối Ngoại Hạ viện Mỹ tổ chức hôm 5/6, theo đài VOA, Phó Trợ lý Ngoại trưởng phụ trách Dân chủ - Nhân quyền - Lao động, ông Daniel Baer, tuyên bố:

"Tôi cam kết sẽ tiếp tục nêu lên trường hợp của hai nhà hoạt động này cũng như thúc đẩy nhà cầm quyền Việt Nam trả tự do cho Uyên và bạn của cô ấy là Kha".

Phát biểu của ông Baer, người dẫn đầu phái đoàn Hoa Kỳ sang Hà Nội đối thoại nhân quyền hôm 12/4 vừa qua, được đưa ra trước yêu cầu của Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ, dân biểu Ed Royce, đòi hỏi chính phủ của Tổng thống Barack Obama phải làm sao để chứng tỏ rằng các cuộc đối thoại nhân quyền hằng năm với Việt Nam mang lại những tiến bộ hay kết quả cụ thể.

Ông Ed Royce nhấn mạnh với hai giới chức trong hành pháp Hoa Kỳ tham gia buổi điều trần gồm Phó Trợ lý Ngoại trưởng Daniel Baer và Quyền Trợ lý Ngoại trưởng đặc trách Đông Á-Thái Bình Dương, Joseph Yun, rằng:

"Xin quý vị làm ơn cho thấy ít nhất một ví dụ để chứng tỏ rằng các cuộc đối thoại nhân quyền hiện tại với việt Nam có thể mang lại một số kết quả đúng với ý nghĩa khi nói rằng chúng ta muốn cùng nhau làm việc cho nhân quyền và cho tương lai. Bản án của Phương Uyên và Nguyên Kha là điểm quan trọng để nhà cầm quyền Hà Nội bắt đầu trong tiến trình đó".

Chủ tịch Ủy ban Đối Ngoại Hạ viện Mỹ nói Hoa Kỳ không thể không hành động hay không lên tiếng trước các vi phạm trầm trọng hàng loạt của Việt Nam khi mà chỉ trong 6 tuần lễ đầu năm nay Hà Nội đã tống giam hơn 40 các nhà bất đồng chính kiến như Uyên và Kha.

Ông Royce nói áp lực Việt Nam phóng thích Uyên và Kha hay những nhà hoạt động tương tự khác không phải là một đòi hỏi quá đáng vì cái "tội" mà họ bị trừng phạt chỉ là thực thi nhân quyền, bày tỏ quan điểm ôn hòa của công dân, vốn là những điều mà Việt Nam đã tự nguyện cam kết tôn trọng với quốc tế.

Theo dân biểu Royce, không có gì có thể biện minh được cho hành vi bắt bớ, đánh đập, giam cầm của chính phủ Việt Nam đối với Phương Uyên và Nguyên Kha để trả đũa cho việc họ đã rải truyền đơn kêu gọi bảo vệ chủ quyền lãnh thổ.

Vẫn theo lời Chủ tịch Ed Royce, Hoa Kỳ cần phải dùng đòn bẩy đang có để kiểm tra các vi phạm nhân quyền của Việt Nam, để chứng tỏ hành động của Mỹ đi đôi với lời nói trong lĩnh vực cổ xúy và bênh vực nhân quyền toàn cầu.

Dân biểu Gerry Connolly thuộc đảng Dân chủ khuyến cáo rằng lập pháp, tức Quốc hội, có thể khước từ đề nghị của hành pháp liên quan đến Hiệp định thương mại xuyên Thái Bình Dương TPP với Việt Nam nếu thành tích nhân quyền của Hà Nội không được cải thiện.

Trường hợp của Uyên và Kha cũng được đại sứ Liên hiệp Châu Âu tại Việt Nam nêu lên khi bày tỏ quan ngại về tình trạng bắt bớ, bỏ tù các nhà bất đồng chính kiến và các blogger tại Việt Nam. 

Tại một cuộc gặp với giới hữu trách Việt Nam hôm 24/5, đại sứ EU, Franz Jessen, đã kêu gọi Hà Nội ngay lập tức xem lại các bản án nặng nề dành cho các nhà hoạt động như Phương Uyên, Nguyên Kha, và các thanh niên Công giáo thuộc Dòng Chúa Cứu Thế. Đại sứ Liên hiệp Châu Âu cũng đã phản đối việc chính quyền Việt Nam từ chối yêu cầu của EU muốn được tham dự các phiên xử ấy.

Phiên toà của Phương Uyên và Nguyên Kha là một hiện tượng và biểu tượng của tinh thần phản kháng dứt khoát, trực diện và ngoại lệ. Vì rằng, từ trước đến nay, trong tất cả các phiên toà xét xử những nhà bất đồng chính kiến, những nhà tranh đấu dân chủ và nhân quyền, chưa hề có một ai can đảm thừa nhận chống lại Đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCSVN). Thông thường, mức độ của các trường hợp trước đó chỉ dừng lại ở sự xác nhận cách thức biểu hiện ôn hoà các chính kiến, phê phán các chính sách của nhà nước, nhưng chống lại ĐCSVN thì không.

Phương Uyên và Uyên Kha đã chứng tỏ thái độ rất bản lĩnh, một sự trưởng thành về nhận thức ở cái tuổi còn rất trẻ. Hai em chẳng hề bị ai "giật dây", "kích động" hay "xúi dục".

Ngay cả chuyện cờ vàng cũng không phải là cái cớ để toà án kết tội, vì theo Phương Uyên, đuợc học tập lịch sử nước nhà, cờ vàng ba sọc đỏ tồn tại từ năm 1890, từ thời Nhà Nguyễn, mang truyền thống và sắc thái quốc gia Việt Nam. Lá cờ, tự dưng nó không phải là sự chống đối nhà nước Việt Nam mà là một cách quảng bá tinh thần quốc gia của dân tộc Việt.

Khẩu hiệu mà Phương Uyên phát tán có nội dung: "Vì danh dự dân tộc, chống giặc Tầu . Vì tương lai đất nước, chống tham nhũng".

Chống ĐCSVN tức là chống lại sự lãnh đạo và chính sách của ĐCSVN, một đảng thời nay chỉ biết ăn mày quá khứ, đã biến chất, phản bội lại lợi ích của người lao động, dung dưỡng, bao che tham nhũng, rút ruột công trình ở mọi cấp độ, lớn nhỏ từ trên xuống dưới.

Những điều mà toà án căn cứ để buộc tội Phương Uyên và Uyên Kha không đủ cơ sở pháp lý cho nên quan toà đã tỏ ra lúng túng và vội vã kết thúc.

Tại phiên phúc thẩm cô bé Phương Uyên muốn làm sáng tỏ, mặc dù em chấp nhận mức án đã được tính trước.

Mọi thái độ và việc làm ảnh hưởng xấu tới mối quan hệ với Trung Quốc đều phải bị trừng trị. Đó là chủ trương xuyên suốt của tập đoàn lãnh đạo Hà Nội.

Cho nên, tôi không tin ở tác động của áp lực dư luận quốc tế. Có chăng, những người bị giam cầm đôi khi là con bài mặc cả cho một sự cần thiết nào đó, như trong trường hợp hiện nay, Việt Nam làm ứng viên vào Uỷ ban Nhân quyền Liên Hiệp quốc trong năm 2014 và mong muốn tham gia Hiệp định thương mại xuyên Thái Bình Dương TTP. Trong bối cảnh này, có một hy vọng mỏng manh.

Mức án sơ thẩm tại phiên toà phúc thẩm có thể không thay đổi, mặc dù quá nặng nề và bất công. Những gì các em đã làm chỉ là biểu hiện của lòng yêu nước, chống ngoại xâm và chống nội xâm: tham nhũng.

Các em xứng đáng là những chiến sĩ tiên phong, tạo một tiền lệ đáng ngưỡng mộ. Tù đày sẽ không làm các em giảm ý chí mà ngược lại, sẽ qua đi nhanh chóng, cuộc đời còn trải rộng trước mặt các em.

© 2013 Lê Diễn Đức - RFA Blog

BLOG NGƯỜI BUÔN GIÓ
Thứ hai, ngày 17 tháng sáu năm 2013

Bà Mẹ Hai Đứa Con

Lời bài hát Bà Mẹ Hai Con

Chuyện bà mẹ hai đứa con. Một thằng dâng cho nước non. Đêm đêm mắt mẹ mỏi mòn, khuya sớm ra vào mong con. Thằng Hai đi lính đã lâu, tình mẹ luôn ghi khắc sâu. Hai mươi lính được lĩnh tiền, tháng tháng viết thư mẹ liền: 

" Con xin kính thăm Mẹ hiền. " Con phương này bình yên. "Lương đi lính nên không giàu, chút ít Mẹ ăn trầu". 

Thằng Ba đọc thư rất hay, trường làng học qua lớp hai. Rung rinh tóc mẹ ngã màu, nước mắt thấm qua miếng trầu. 

Lời 2 : 

Một chiều u ám lá hoa, mẹ già đi dâng lễ xa. Cơ quan đến nhà bảo rằng : "Anh ấy vĩnh biệt đêm qua". Thằng Ba năm nay lớn khôn, sợ mẹ sầu đau khổ hơn. Hai mươi lính được lĩnh tiền, nó nhái lá thư anh liền: 

" Con xin kính thăm Mẹ hiền." Con phương này bình yên. "Lương con để lo dâu hiền nên không gởi Mẹ tiền". 

Mẹ già cười rung nếp nhăn, rằng thằng Hai nay rất ngoan. Ham dâu sá gì miếng trầu, nước mắt khóc vui lần đầu.


.........................................................

40 tuổi, ở lứa tuổi mạnh mẽ nhất của người đàn ông, coi thường mọi thứ mà nhiều người khác sợ. Nhưng đôi khi tôi vẫn cố kìm nước mắt khi nghe những bài hát dạng như thế này. Những bài hát về tình mẹ con, cha con là những bài hát khiến tôi khó kìm được cảm xúc trong lòng mình. Năm tôi đi tù, chị tôi kể mẹ buồn lắm, suốt ngày ngồi tụng kinh gõ mõ chả thiết ăn uống gì. Tôi cầm bút viết bài thơ gửi về cho mẹ, có đoạn.

''...Thời gian ơi hay đi như giấc mơ.
Cho thơ con viết thôi đượm buồn thương nhớ
Và hôm nao hạn đời con qua hết
Ơ mẹ kìa
Tượng Phật
Sáng hào quang.''

Rồi hạn đời lần đó qua, hạn đời lại đến mười mấy năm sau này. Tôi đã nhiều tuổi, không còn cảm xúc để làm thơ như lúc mái tóc còn dày và đen thẫm, tôi kể lại ngày về bẵng những câu văn bình thường mà đứa trẻ nào cũng có thể viết được.


''...Tôi cầm tờ giấy hủy bỏ biện pháp ngăn chặn bước qua những cánh cổng nhà tù. Người công an gác cổng đứng tuổi, mái tóc hoa râm trông phúc hậu cầm tờ giấy vào nhập sổ rồi mở cửa cho tôi ra. Ông nói thân tình.

- Về mà lo làm ăn nhé.

Tôi bước ra cánh cổng sắt, người xe đi lại. Tôi nhìn một lát định hướng rồi đi về phía bên tay trái. Đi bộ giữa dòng người tan tầm đang hối hả về nhà. Tôi về nhà mẹ..

Mẹ tôi bắc ghế ngồi ngoài cửa, nét mặt ngẩn ngơ dười dượi, bà nhìn vào luồng người đi lại ngoài đường mà như chả nhìn cái gì. Tôi đi từ trước mắt bà, trong tầm nhìn của mẹ, đến gần mà mẹ tôi cứ nhìn như thế, cái nhìn có hướng mà như đâu đâu. Tôi đến cửa gọi nhẹ

- Mẹ à, con đây.

Mẹ tôi như người đang mộng chợt tỉnh, mẹ cuống quýt, lập cập đứng dậy  đi vào nhà theo tôi. Giọng mẹ lắp bắp, tay mẹ sờ vào tôi, như không tin tôi đang trước mặt bà.

- Con sao, con sao rồi?

Tôi cười nói.

- Mẹ buồn cười thế, con đang ở nhà khỏe mạnh đây, lại cứ hỏi con sao là sao thế nào.

Tôi kể tôi vừa từ trại giam về đến thẳng đây, được về vì tội không có gì phải xét xử cả. Chỉ ngăn chặn, giáo dục thế thôi. Mẹ tôi luống cuống mở kim băng cài túi áo cánh nâu nói đứt đoạn trong dòng nước mắt.

- Con cầm lấy mấy đồng mà tiêu. Người ta bảo hôm nay con không về thì sẽ còn lâu mới về, mẹ từ sáng đến giờ cứ ngồi ngoài cửa đợi xem con có về không?

Tôi giữ tay mẹ, nói vẫn còn tiền trại giam cho đi đường về nhà đây. Mẹ bảo tôi về nhà luôn cho Tí Hơn mừng. Tôi chào mẹ để đi về nhà mình nơi có Tí Hớn đang chờ bố. Ngoái lại mẹ vẫn đứng trân trân nhìn theo...''

Bài hát tôi nghe chiều nay, lúc bơ vơ đất khách, xa quê hương hàng ngàn dặm. Khi mà những cánh én từ phương Nam chao chác liệng trên bầu trời ấm áp. Ở đây không ai bắt tôi đi tù vì tội viết những điều của nỗi lòng mình. Lần xa nhà này, mẹ tôi chắc không phải ngồi chờ tôi trước cửa mỗi chiều tối, không phải tụng kinh giải hạn hàng sớm tinh mơ lúc mặt trời chưa tỏ.

 Tôi nghĩ về một bà mẹ gầy gò, hốc hác và lam lũ quê mùa ở một tỉnh lẻ miền nam. Bà mẹ có hai đứa con lần lượt phải vào tù vì bày tỏ nỗi lòng của mình, tình yêu của mình với quê hương với dân tộc. Nếu trong lời bài hát kể về đứa con sau này lừa dối chuyện đứa thứ nhất để mẹ được an lòng. Thì hiện thực hôm nay ở Long An,  người anh Đinh Nhật Uy cũng đang an ủi mẹ mình, khi em trai Đinh Nguyên Kha bị nhà cầm quyền bắt tù 10 năm khổ sai. Nhưng Uy không an ủi mẹ bằng cách sửa lời thư như trong bài hát, mà Uy hành động để khẳng định rằng con đường em mình đi là con đường chính nghĩa, đúng với lương tâm con người.

Thế rồi một chiều bà mẹ của Uy đi vắng, công an đến nhà bắt nốt người con trai còn lại của bà.

Một chiều u ám lá hoa trên quê hương, không. Không phải chỉ một chiều như vậy, không phải chỉ một bà mẹ như vậy.? Dọc trên mảnh đất hình chữ S ngày nay có vô số bà mẹ ngóng con mỗi chiều từ phía trại tù. Có bà mẹ vĩnh viễn không bao giờ nhìn thấy con như mẹ của Lê Văn Sơn, Tạ Phong Tần.

Nhưng bà mẹ Nguyễn Thị Kim Liên nỗi xót xa đến dồn dập trong một thời ngắn quá, ngắn đến bàng hoàng như cơn lũ quét.

Nỗi đau nhức nhối về thằng em lãnh án tù khổ sai nhiều năm, lúc tuổi còn thơ dại còn đang cồn cào cuộn sóng trong lòng, tiếp đến thằng anh nó bị người ta bắt đi. Nỗi đau của bà mẹ đơn độc nơi miền quê ấy chắc khó bút nào kể cho hết.

Chẳng biết chia sẻ với bà Liên lúc này. Muốn gửi lời mong ước tốt lành đến cho bà, nhưng nó chẳng có nghĩa gì với bà, vì nỗi đau của bà quá lớn. Nỗi đau lớn như nước hồ mênh mông, lời ước mong chỉ như cái chén con múc bao giờ mới vợi. 

Cho tôi được cúi đầu cảm tạ bà đã sinh ra cho đất nước hai vị anh hùng.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét