Bao giờ trên mảnh đất hình chữ S thân yêu của chúng ta không còn ai bị bắt đi tù vì tội viết/ bày tỏ những điều của nỗi lòng mình?
(GCM)
Popout
Lời bài hát Bà Mẹ Hai Con
Chuyện bà mẹ hai đứa con. Một thằng dâng cho nước non. Đêm đêm mắt mẹ mõi mòn, khuya sớm ra vào mong con. Thằng Hai đi lính đã lâu, tình mẹ luôn ghi khắc sâu. Hai mươi lính được lĩnh tiền, tháng tháng viết thư mẹ liền:
" Con xin kính thăm Mẹ hiền. " Con phương này bình yên. " Lương đi lính nên không giàu, chút ít Mẹ ăn trầu".
Thằng Ba đọc thư rất hay, trường làng học qua lớp hai. Rung rinh tóc mẹ ngã màu, nước mắt thấm qua miếng trầu.
Lời 2 :
Một chiều u ám lá hoa, mẹ già đi dâng lễ xa. Cơ quan đến nhà bảo rằng : " Anh ấy vĩnh biệt đêm qua". Thằng Ba năm nay lớn khôn, sợ mẹ sầu đau khổ hơn. Hai mươi lính được lĩnh tiền, nó nhái lá thư anh liền:
" Con xin kính thăm Mẹ hiền. " Con phương này bình yên. " Lương con để lo dâu hiền nên không gởi Mẹ tiền".
Mẹ già cười rung nếp nhăn, rằng thằng Hai nay rất ngoan. Ham dâu sá gì miếng trầu, nước mắt khóc vui lần đầu.
* * *
Người Buôn Gió và ông Thị trưởng TP Weimar
40 tuổi, ở lứa tuổi mạnh mẽ nhất của người đàn ông, coi thường mọi thứ mà nhiều người khác sợ. Nhưng đôi khi tôi vẫn cố kìm nước mắt khi nghe những bài hát dạng như thế này. Những bài hát về tình mẹ con, cha con là những bài hát khiến tôi khó kìm được cảm xúc trong lòng mình. Năm tôi đi tù , chị tôi kể mẹ buồn lắm, suốt ngày ngồi tụng kinh gõ mõ chả thiết ăn uống gì. Tôi cầm bút viết bài thơ gửi về cho mẹ, có đoạn.
"…Thời gian ơi hay đi như giấc mơ.
Cho thơ con viết thôi đượm buồm thương nhớ
Và hôm nao hạn đời con qua hết
Ơ mẹ kìa
Tượng Phật
Sáng hào quang."
Rồi hạn đời lần đó qua, hạn đời lại đến mười mấy năm sau này. Tôi đã nhiều tuổi, không còn cảm xúc để làm thơ như lúc mái tóc còn dày và đen thẫm, tôi kể lại ngày về bẵng những câu văn bình thường mà đứa trẻ nào cũng có thể viết được.
"…Tôi cầm tờ giấy hủy bỏ biện pháp ngăn chặn bước qua những cánh cổng nhà tù. Người công an gác cổng đứng tuổi, mái tóc hoa râm trông phúc hậu cầm tờ giấy vào nhập sổ rồi mở cửa cho tôi ra. Ông nói thân tình.
- Về mà lo làm ăn nhé.
Tôi bước ra cánh cổng sắt, người xe đi lại. Tôi nhìn một lát định hướng rồi đi về phía bên tay trái. Đi bộ giữa dòng người tan tầm đang hối hả về nhà. Tôi về nhà mẹ..
Mẹ tôi bắc ghế ngồi ngoài cửa, nét mặt ngẩn ngơ dười dượi, bà nhìn vào luồng người đi lại ngoài đường mà như chả nhìn cái gì. Tôi đi từ trước mắt bà, trong tầm nhìn của mẹ ,đến gần mà mẹ tôi cứ nhìn như thế, cái nhìn có hướng mà như đâu đâu. Tôi đến cửa gọi nhẹ
- Mẹ à, con đây.
Mẹ tôi như người đang mộng chợt tỉnh, mẹ cuống quýt, lập cập đứng dậy đi vào nhà theo tôi. Giọng mẹ lắp bắp, tay mẹ sờ vào tôi, như không tin tôi đang trước mặt bà.
- Con sao, con sao rồi?
Tôi cười nói.
- Mẹ buồn cười thế,
con đang ở nhà khỏe mạnh đây, lại cứ hỏi con sao là sao thế nào.
Tôi kể tôi vừa từ trại giam về đến thẳng đây, được về vì tội không có gì phải xét xử cả. Chỉ ngăn chặn, giáo dục thế thôi. Mẹ tôi luống cuống mở kim băng cài túi áo cánh nâu nói đứt đoạn trong dòng nước mắt.
- Con cầm lấy mấy đồng mà tiêu. Người ta bảo hôm nay con không về thì sẽ còn lâu mới về, mẹ từ sáng đến giờ cứ ngồi ngoài cửa đợi xem con có về không?
Tôi giữ tay mẹ, nói vẫn còn tiền trại giam cho đi đường về nhà đây. Mẹ bảo tôi về nhà luôn cho Tí Hơn mừng. Tôi chào mẹ để đi về nhà mình nơi có Tí Hớn đang chờ bố. Ngoái lại mẹ vẫn đứng trân trân nhìn theo…"
Bài hát tôi nghe chiều nay, lúc bơ vơ đất khách, xa quê hương hàng ngàn dặm. Khi mà những cánh én từ phương Nam chao chác liệng trên bầu trời ấm áp. Ở đây không ai bắt tôi đi tù vì tội viết những điều của nỗi lòng mình. Lần xa nhà này, mẹ tôi chắc không phải ngồi chờ tôi trước cửa mỗi chiều tối , không phải tụng kinh giải hạn hàng sớm tinh mơ lúc mặt trời chưa tỏ.
Tôi nghĩ về một bà mẹ gầy gò, hốc hác và lam lũ quê mùa ở một tỉnh lẻ miền nam. Bà mẹ có hai đứa con lần lượt phải vào tù vì bày tỏ nỗi lòng của mình, tình yêu của mình với quê hương với dân tộc. Nếu trong lời bài hát kể về đứa con sau này lừa dối chuyện đứa thứ nhất để mẹ được an lòng. Thì hiện thực hôm nay ở Long An, người anh Đinh Nhật Uy cũng đang an ủi mẹ mình, khi em trai Đinh Nguyên Kha bị nhà cầm quyền bắt tù 10 năm khổ sai. Nhưng Uy không an ủi mẹ bằng những hành động để khẳng định rằng con đường em mình đi là con đường chính nghĩa, đúng với lương tâm con người.
Bà Nguyễn Thị Kim Liên
Thế rồi một chiều bà mẹ của Uy đi vắng, công an đến nhà bắt nốt người con trai còn lại của bà.
Một chiều u ám lá hoa trên quê hương, không. Không phải chỉ một chiều như vậy, không phải chỉ một bà mẹ như vậy.? Dọc trên mảnh đất hình chữ S ngày nay có vô số bà mẹ ngóng con mỗi chiều từ phía trại tù. Có bà mẹ vĩnh viễn không bao giờ nhìn thấy con như mẹ của Lê Văn Sơn, Tạ Phong Tần.
Nhưng bà mẹ Nguyễn Thị Kim Liên nỗi xót xa đến dồn dập trong một thời ngắn quá, ngắn đến bàng hoàng như cơn lũ quét.
Bà mẹ Nguyễn Thị Kim Liên và hai con trai: Đinh Nhật Uy và Đinh Nguyên Kha
Nỗi đau nhức nhối về thằng em lãnh án tù khổ sai nhiều năm, lúc tuổi còn thơ dại còn đang cồn cào cuộn sóng trong lòng, tiếp đến thằng anh nó bị người ta bắt đi. Nỗi đau của bà mẹ đơn độc nơi miền quê ấy chắc khó bút nào kể cho hết.
Chẳng biết chia sẻ với bà Liên lúc này. Muốn gửi lời mong ước tốt lành đến cho bà, nhưng nó chẳng có nghĩa gì với bà , vì nỗi đau của bà quá lớn. Nỗi đau lớn như nước hồ mênh mông, lời ước mong chỉ như cái chén con múc bao giờ mới vợi.
Cho tôi được cúi đầu cảm tạ bà đã sinh ra cho đất nước hai vị anh hùng.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét