Chủ Nhật, 16 tháng 6, 2013

RFA. Việt Nam tuần qua - 15.06.2013

Nguồn RFA

by RFA 15.06.2013

Tất cả đều được tín nhiệm

"Tín nhiệm cao", "tín nhiệm" và "tín nhiệm thấp": Tất cả đều được tín nhiệm. Đó là kết quả cuộc bỏ phiếu tín nhiệm các chức danh lãnh đạo Việt Nam do Quốc hội thực hiện và công bố hôm thứ Ba 11 tháng 6 tuần này.

Kính thưa quý khán thính giả, nếu như ngày đầu tuần dư luận háo hức chờ đợi kết quả cuộc bỏ phiếu tại Quốc hội, thì đến khi kết quả được công bố, không ít người cảm thấy chưng hửng; vì đúng như tên gọi của cuộc bỏ phiếu "tín nhiệm", gần 500 đại biểu Quốc hội Việt Nam đã tham gia một cuộc bỏ phiếu chưa từng có trong lịch sử quốc hội nước CHXHCNVN; mà người bỏ phiếu chỉ có thể chọn mức "tín nhiệm" nhiều hay ít, chứ không có lựa chọn "tín nhiệm" hay "bất tín nhiệm", như sinh hoạt nghị trường tại các quốc gia dân chủ khác trên thế giới.

Do vậy, kết quả hầu như chỉ mang tính "tham khảo", vì nếu một lãnh đạo chính phủ không được "tín nhiệm cao", thì cũng được "tín nhiệm" hoặc "tín nhiệm thấp". Nói một cách nôn na là chỉ có "từ tín nhiệm, tới tín nhiệm", mà thôi.

Lên tiếng với Đài Á Châu Tự Do ngay sau khi Quốc hội loan báo kết quả bỏ phiếu tín nhiệm lãnh đạo, luật gia Lê Hiếu Đằng, nguyên Phó chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc thành phố Hồ Chí Minh cho rằng việc tổ chức bỏ phiếu như kiểu này chẳng mang một ý nghĩa gì cả, ngoài mục đích đối phó với những chỉ trích của công luận. Ông nói:

"Bản thân tôi không tin nó có hiệu quả gì, bởi vì trên hết là Đảng lãnh đạo thành ra Đảng sẽ quyết định mọi việc dù là tín nhiệm hay không tín nhiệm.  Nhưng tôi nghĩ là đáng lẽ chỉ có 2 mức thôi, tín nhiệm hay không tín nhiệm, chứ còn ba mức tín nhiệm cao, tín nhiệm và tín nhiệm thấp nghĩa là sao, nếu người ta không tín nhiệm thì bỏ vào đâu.  Thành ra tôi nghĩ đây là cách đối phó với dư luận phê phán vấn đề dân chủ, vấn đề này nọ mà thôi."

Bản thân tôi không tin nó có hiệu quả gì, bởi vì trên hết là Đảng lãnh đạo thành ra Đảng sẽ quyết định mọi việc dù là tín nhiệm hay không tín nhiệm. 
-Luật gia Lê Hiếu Đằng

Cũng lên tiếng với Đài Á Châu Tự Do, từ Hà Nội, luật sư nhân quyền Nguyễn Văn Đài cho rằng đây chỉ là một màn kịch được dựng lên trong bối cảnh các nhà lãnh đạo Việt Nam bị nhiều chỉ trích liên quan đến việc điều hành các tập đoàn nhà nước gây thất thoát công quỹ quốc gia, tạo thêm gánh nặng cho nền kinh tế đang lúc khó khăn.

Những nhận định của luật gia Lê Hiếu Đằng và Luật sư Nguyễn Văn Đài về cách tổ chức bỏ phiếu tín nhiệm của Quốc hội cũng nhận được sự chia sẻ của blogger Huỳnh Ngọc Chênh.

Trong một bài viết phổ biến một ngày trước khi Quốc hội loan báo kết quả bỏ phiếu, blogger Huỳnh Ngọc Chênh nêu câu hỏi "Bỏ phiếu tín nhiệm trên cơ sở nào?", theo đó "Điều 4 Hiến Pháp qui định, đảng lãnh đạo tuyệt đối và toàn diện nên quốc hội phải đặt dưới quyền lãnh đạo tuyệt đối của đảng là đương nhiên. Thế nhưng hôm nay, đảng lại chỉ đạo và cho phép quốc hội bỏ phiếu tín nhiệm những người mà hầu như mình không bầu ra. Một động thái chưa có tiền lệ. Không hiểu việc làm nầy dựa trên cơ sở pháp luật nào không?"

Tuy nhiên, cũng theo ông Huỳnh Ngọc Chênh thì trong một thể chế mà đảng nắm hết mọi quyền lực thì "dù sao cũng rất hoan nghênh, vì đại biểu quốc hội đã được nới thêm cho một chút quyền, dù cái quyền ấy cũng rất hạn chế là chỉ được phép chọn lựa "tín nhiệm ít", "tín nhiệm nhiều" chứ không được phép "bất tín nhiệm".

Cũng nhìn nhận vấn đề theo hướng tích cực, trả lời Nam Nguyên của Đài Á Châu Tự Do, bà Phạm Chi Lan, nguyên thành viên Ban Nghiên cứu của Thủ tướng Phan Văn Khải, nhận định:

"Thực ra cũng phải đánh giá đây là lần đầu tiên mà Quốc hội ở Việt Nam có tổ chức lấy phiếu lấy ý kiến như vậy, so với bao nhiêu năm trước đây chưa làm được thì cũng có thể coi đây là một chút bước tiến về dân chủ. Tuy nhiên cách làm này cũng chưa được như mong muốn của nhiều người, tôi cho là đây là bước đầu tiên thì tạm chấp nhận như vậy."

Tuyệt thực cùng TS Cù Huy Hà Vũ

Popout

Song song với cuộc bỏ phiếu tín nhiệm tại Quốc hội, thời sự Việt Nam tuần này còn được dư luận cả trong và ngoài nước đặc biệt chú ý tới cuộc tuyệt thực của Tiến sĩ luật Cù Huy Hà Vũ trong nhà tù ở Thanh Hóa.

Là con trai của nhà thơ Cù Huy Cận – một công thần của chế độ, từng có lúc giữ đến chức Bộ trưởng Bộ Văn Hóa -  ông Cù Huy Hà Vũ được nuôi dưỡng và lớn lên trong môi trường cách mạng.

Sau nhiều năm ra nước ngoài du học, đỗ đạt tiến sĩ và trở về nước; cùng với việc phục vụ trong các cơ quan nhà nước; Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ đã không ngần ngại lên tiếng chỉ trích những chính sách sai lầm của đảng và nhà nước; đồng thời kêu gọi phát huy dân chủ để phát triển quốc gia.

Tuy nhiên, thay vì được lắng nghe, Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ lại bị buộc tội chống chính quyền, bị bắt giam, bị đưa ra tòa và bị tuyên án đến 7 năm tù.

Uất ức trước cách hành xử bất công của chế độ cùng với những khắc nghiệt của nhà tù, Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ đã quyết định tuyệt thực để phản đối.

Tôi chỉ vào với tư cách luật sư và chỉ làm việc với tư cách luật sư, không biết mình có thể được nói sang vấn đề thăm hỏi sức khỏe sau khi đã tuyệt thực một thời gian dài như thế này. 
-LS Nguyễn Thị Dương Hà

Trả lời Đài Á Châu Tự Do trong tâm trạng hết sức lo lắng, Luật sư Nguyễn Thị Dương Hà – vợ Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ cho biết cuộc tuyệt thực của ông đã kéo dài đến 17 ngày nhưng gia đình vẫn không có được tin tức gì cả:

"Hôm nay tôi được một giấy giới thiệu của ban giám thị trại giam số 5 là cấp cho luật sư Nguyễn Thị Dương Hà đến giúp phạm nhân Cù Huy Hà Vũ làm thủ tục đề nghị ra kháng nghị giám đốc thẩm.

Sáng mai tôi sẽ được vào tiếp xúc thì tôi chỉ vào với tư cách luật sư và chỉ làm việc với tư cách luật sư, không biết mình có thể được nói sang vấn đề thăm hỏi sức khỏe sau khi đã tuyệt thực một thời gian dài như thế này. Thế thì tôi cũng không biết ngày mai sẽ như thế nào."

Đồng cảm với Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ, nhiều người Việt Nam cả trong và ngoài nước cũng quyết thực tuyệt thực để đánh động với công luận quốc tế về trường hợp của ông.

Từ Hà Nội đến Sài Gòn, từ Hải Phòng đến đồng bằng Nam Bộ, từ Washington DC đến San Francisco; Bác sĩ Phạm Hồng Sơn, nhà văn Thái Bá Tân, tu sĩ Võ Thanh Liêm, cô Phạm Thanh Nhiên, Tiến sĩ Nguyễn Quốc Quân, ông Đỗ Thành Công… tuyên bố cùng tuyệt thức để gióng lên tiếng chuông báo động với thế giới bên ngoài về  tình tạng hiện nay của Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ trong nhà tù Việt Nam.

Kính thưa quý khán thính giả, tuyệt thực để phản đối, thậm chí là tự thiêu để phản đối, là những hình thức đấu tranh ôn hòa bất bạo động và có phần tiêu cực. Kết quả của những cuộc đấu tranh theo hình thức này cho đến nay vẫn là những dấu hỏi lớn, nhất là trong các chế độ độc tài toàn trị.

Trường hợp của Tiến sĩ luật Cù Huy Hà Vũ lại một lần nữa nhắc nhớ công luận Việt Nam về vụ tuyệt thực và bị bỏ đói cho đến chết của nhà văn Nguyễn Mạnh Côn – một lý thuyết gia về chủ nghĩa Cộng sản - trong nhà tù cải tạo ở Xuyên Mộc hồi năm 1979.

Việt Nam Tuần Qua và Diễm Thi xin kính chào tạm biệt và hẹn gặp lại quý khán thính giả vào giờ này, tuần sau!

Popout

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét