Thứ Ba, 24 tháng 9, 2013

Diễn đàn thế kỷ - Ghé thăm các Blogs: 23/09/2013

Nguồn diendantheky


BLOG TRỊNH HỘI

Hàng trăm người tị nạn bị chết đuối mỗi năm trong các cuộc hành trình nguy hiểm trên những chiếc thuyền mỏng manh và quá tải đến Australia.

Ngay sau khi thắng cử và trở thành Thủ tướng mới nhất của Úc, ông Tony Abbott, thủ lãnh đảng Tự Do, đã thẳng thắn tuyên bố trước tiên ông sẽ thực hiện hai điều.

Thứ nhất, đảng của ông sẽ bãi bỏ thuế carbon do đảng Lao Động lúc còn cầm quyền đặt ra. Thứ hai, ông sẽ ngăn không cho tàu đến Úc – "stop the boat from coming".

Tàu gì thế, thưa ông?

Xin thưa, tàu tỵ nạn.

Từ đâu đến, thưa ông?

Xin thưa, trong 8 tháng vừa qua, phần lớn đến từ Việt Nam.

Cảm giác đầu tiên của tôi khi nghe ông tuyên bố câu này là... buồn. Và sau đó là tủi. Buồn vì mãi cho đến bây giờ câu chuyện thuyền nhân vẫn chưa chấm dứt. Và tủi vì từ trước đến nay hầu như đi đến đâu thuyền nhân Việt Nam cũng bị xua đuổi. Bị cho là gánh nặng mà những nước trong khu vực phải cưu mang.

Chẳng lẽ đất nước mình sau bao năm không chiến tranh, được cho là an bình, ngày càng phát triển, vẫn không thể giữ được chân của chính con dân Việt? Điều gì buộc họ phải bỏ tiền, bỏ công (và cũng có thể là bỏ mạng), vượt đại dương trên hàng ngàn hải lý để đến Úc xin tỵ nạn? Và có chắc là, ngay chính quê hương thứ hai của tôi, sẽ đối xử với họ một cách công bằng, nhân đạo theo đúng tinh thần của Công ước về Người tỵ nạn mà nước Úc là một thành viên?

Với một lời tuyên bố thẳng thừng như vậy được dùng như một chiêu thức để tranh cử, không cần phải là một người thông minh, tôi cũng biết câu trả lời sẽ là KHÔNG.

Chắc chắn, những thuyền nhân Việt Nam sẽ không được đối xử theo đúng tinh thần của Công ước và luật pháp quốc tế.

Chắc chắn, nếu chúng ta không lên tiếng, quyền lợi của họ sẽ bị chà đạp và sớm hay muộn họ cũng sẽ bị trả về Việt Nam, nơi không một ai trong chúng ta có thể xác quyết họ sẽ bị đối xử ra sao. Nhất là đối với những người đã bị đàn áp trước khi ra đi.

Bởi thế tôi đâm bực. Và tức, tự hỏi tại sao một ông Thủ tướng, từng là một luật sư, tốt nghiệp đại học Oxford lại có thể bất nhẫn đến thế với thuyền nhân Việt Nam?

Cũng có thể vì ông chưa hiểu cặn kẽ về tình hình Việt Nam hiện nay, đặc biệt là ở Nghệ An, Vinh, nơi có nhiều thuyền nhân là người Công Giáo ra đi. Một trong hơn 300 thuyền nhân Việt Nam hiện đang bị giam tại trại Yongah Hill ở tiểu bang Tây Úc là con của một trong hai người Công giáo cách đây trên hai tháng đã bị công an ở Vinh bắt cóc. Điều này dẫn đến việc giáo dân ở Mỹ Yên buộc công an phải thả họ ra và vì thế họ đã bị đàn áp dã man.  Điều này hầu như ai cũng biết.

Nhưng các bạn có biết con em của họ hiện đang bị giam ở Úc hay không?

Và các bạn có biết không, ngay sau khi họ đặt chân đến Úc, nếu họ chỉ bảo lý do họ ra đi "vì cuộc sống ở Việt Nam gặp khó khăn" mà không nói rõ là họ "muốn xin tỵ nạn ở Úc", thì họ sẽ bị rớt thanh lọc ngay lập tức và chờ ngày bị tống về lại Việt Nam. Sau khi bị chính công an Việt Nam hạch hỏi ngay trên đất Úc, thông qua lời mời và chấp thuận của Bộ Di Trú Úc cho công an Việt Nam vào tra hỏi.  

Lý do chính phủ Úc đưa ra là "chỉ để xác nhận danh tánh" của những người bị rớt thanh lọc và phải trở về nguyên quán. Nhưng dễ gì các "ông kẹ" công an Việt Nam chỉ hỏi có thế? Nghề của họ là buộc tội bất kể bằng chứng ra sao và dùng bất kỳ thủ đoạn nào có thể để đạt được mục tiêu. Tôi không nói ngoa cũng không cường điệu khi xác nhận điều này. Vì chính tôi đã từng là nạn nhân của cái gọi là Cục Quản Lý Xuất Nhập Cảnh trực thuộc Bộ Công An. Thái độ trịch thượng, kẻ cả của họ, cách họ buộc tôi phải khai nhận những điều không đúng sự thật, khi giả vờ, lúc trấn ép, trong suốt 6 tháng dài sẽ mãi không bao giờ tôi có thể quên được. Và tôi cũng sẽ không bao giờ ước muốn điều này sẽ xảy ra cho bất kỳ ai, kể cả những người tôi không ưa thích.  

Thế vậy mà, ngay trên đất Úc và ngay trong lúc này, những thuyền nhân Việt Nam vẫn phải gặp công an để trả lời họ. Trả lời những đồng chí, đồng hành của họ đang đánh đập, vây bắt cha mẹ, anh em, bạn bè họ.

Thử hỏi, nếu bạn là những thuyền nhân tân thời của thế kỷ 21, bạn có tức không?

Thử tưởng tượng lúc bạn còn ở trại, vừa mới lên bờ, chưa kịp hoàn hồn, chỉ vừa mới trả lời câu "tôi đi vì cuộc sống gặp khó khăn", thế là bạn bị rớt thanh lọc và phải gặp công an Việt Nam ngay trong trại cấm. Bạn sẽ nghĩ gì? Có sợ lắm không? Có biết là những quyền lợi chân chính của mình đang bị chà đạp, tước bỏ?

Hỏi đã là trả lời. Đã và đang có nhiều thuyền nhân Việt Nam ở Úc hiện đang sống trong lo sợ, hoang mang, chán chường và tuyệt vọng. Có ít nhất một trường hợp tìm cách tự tử. Và một số anh em tìm cách trốn trại.

Thế thì chúng ta có thể làm gì được cho họ?

Xin thưa, rất nhiều.

Trước tiên, chúng ta phải lên tiếng. Nếu cộng đồng người Việt, đặc biệt là cộng đồng người Việt ở Úc, không lên tiếng, thì không một cộng đồng nào sẽ lên tiếng.

Kế đến, chúng ta cần thành lập một uỷ ban – a taskforce – để phối hợp với các tổ chức NGOs, những luật sư có lòng, có kiến thức trợ giúp pháp lý cho đồng bào mình. Không phải thuyền nhân Việt Nam nào cũng là người tỵ nạn xét theo luật quốc tế. Nhưng chắc chắn một điều, nếu không được trợ giúp pháp lý để hiểu rõ luật pháp đầy đủ và cặn kẽ, số người bị rớt thanh lọc sẽ cao hơn rất nhiều.

Cuối cùng, chúng ta cần phải nói lớn và rõ cho tất cả mọi người cùng nghe, kể cả đương kim Thủ tướng Úc  Tony Abbott, về những gì đang xảy ra ở Việt Nam. May ra  đến lúc ấy ông mới hiểu rõ bản chất của sự việc. Biết đâu chừng đến lúc ấy ông mới sẵn lòng đón nhận những người Việt tỵ nạn hiện đang tạm trú khắp nơi trên Đông Nam Á. Ở Indonesia, Thái Lan, Campuchia  và Philippines.

Nhưng biết đến bao giờ người Việt Nam mới dừng chân, không bỏ nước ra đi?


BLOG NGƯỜI BUÔN GIÓ
Thứ sáu, ngày 20 tháng chín năm 2013

Dường như cuộc chiến trên mặt trận tư tưởng của các tờ báo này đã vào chỗ bế tắc, khủng hoảng bởi thực tiễn không minh họa được cho lời lẽ của họ.

Tờ báo QĐND đưa ra bài viết có nhan đề

Ba lần Bác cười trước lúc đi xa.


Bài viết miêu tả chi tiết và sống động chủ tịch HCM kính yêu trước lúc từ trần theo lời kể của y tá Trung Quốc Vương Tinh Minh có đoạn.

Chiều hôm đó sức khỏe của Bác đã có chuyển biến tốt lên một chút, Bác nói muốn nghe một câu hát Trung Quốc. Các đồng chí đề nghị tôi hát. Tôi nói thật là hát cũng không tốt lắm, nhưng để vui lòng Bác, vì tình hữu nghị Trung-Việt, tôi đã hát một bài hát mà nhiều người thuộc và hát được, bài hát có nội dung chính là ra khơi xa phải vững tay chèo. Bác nghe xong rất vui, Bác nở nụ cười hiền từ. Bác nắm nhẹ tay tôi, tặng tôi một bông hoa biểu thị cảm ơn. Đó là lần thứ ba tôi thấy Bác cười. Và đó cũng là nụ cười cuối cùng của Người.

 Nếu đây là sự thật, thì sự thật này khiến nhiều người dân Việt phải ngỡ ngàng, hoang mang. Có lẽ nào nhạc sĩ Trần Hoàn là một tên nói phét, hoặc là một kẻ  lợi dụng mong muốn nghe hát của Bác để xuyên tạc sai lệch, nhằm kích động chiến tranh. Bài hát của nhạc sĩ Trần Hoàn có tên

Lời bác dặn trước lúc đi xa.


Bài hát như một câu chuyện kể rất cảm động, rằng trước lúc đi HCM muốn nghe câu hò Huế, bởi vì nước non chia cắt, Huế ở miền Nam. Rồi bác nhớ làng Sen quê mình, rồi bác nghe quan họ ''người ở ngưởi ở đừng về ''... rồi bác nghe câu hát dặm.

Bài hát của Trần Hoàn đã khắc sâu trong tâm trí của bao người Việt về một hình ảnh lãnh tụ HCM thân thương tha thiết với dân tộc, đất nước. Đến lúc cuối đời còn chỉ còn muốn nghe những làn điệu đầy bản sắc quê hương như hò, ví dặm, quan họ.

Thế nhưng báo QĐND dựa vào lời kể của một y tá Trung Quốc đã đưa lên thành một bài viết đi ngược 180 độ với những gì mà Trần Hoàn đã khắc sâu trong tâm trí nhân dân Việt Nam về hình ảnh của Người.

Bài viết của báo QĐND  đã nói rằng, bác chỉ muốn nghe câu hát Trung Quốc thôi. Không hề có một dòng nào của bài báo nói về những giây phút cuối đời HCM nhắc nhở gì đến nhân dân Việt Nam, đất nước Việt Nam cả. Chỉ có những hành động tình cảm với phía Trung Quốc như khi nghe giới thiệu y tá TQ, chủ tịch HCM nhìn y tá TQ với đôi mắt hiền từ, rồi nhắm lại tuôn lệ (như là đang bồi hồi cảm xúc nghĩ lại điều gì rất tha thiết?).

Những lời kể của y tá Trung Quốc Vương Tinh Minh liệu có tin cậy được không? Tại sao bây giờ mới kể khi các nhân chứng có mặt lúc đó đều đã chết như Phạm Văn Đồng, Trường Chinh, Lê Duẩn và người còn sống duy nhất lại đang ở trạng thái sinh học không còn nói gì được nữa là đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Một chi tiết nữa rất khó hiểu là theo lời kể của Vương Tinh Minh thì sức khỏe HCM đã hôn mê, tỉnh lại chỉ lắc đầu yếu ớt ra hiệu. Nhưng sau khi nghe hát đã nắm tay Vương Tinh Minh và tặng hoa rồi trút hơi thở. Tại sao người duyệt bài báo này không nghĩ rằng trong tình trạng nằm hấp hối chỉ còn giây phút nữa lìa đời, chỉ ra hiệu bắng mắt và lắc đầu thì HCM lấy đâu ra sức để tặng Vương Tinh Minh hoa. Cho dù hoa có để bàn ngay đầu giường thì HCM cũng phải nhỏm dậy rút hoa từ trong lọ ra thì mới có hoa tặng được Vương Tinh Minh. Nếu HCM mà ngồi dậy, ngoái đầu, với tay rút hoa tặng thì hành động đó không hề phù hợp với người chỉ còn vài giây phút nữa lìa đời, mới vài giây trước còn ra hiệu bằng ánh mắt hay cái lắc đầu.?

Có lẽ từ khi VN hợp tác toàn diện với TQ, báo QĐND Việt Nam đã có những thay đổi khó lường, để học được bài học đấu tranh chống ''diễn biến hòa bình''  của Trung Quốc. Những nhà làm tuyên truyền của báo QĐND đã tiếp thu hổ lốn tất cả những gì Trung Quốc nói, TQ viết. Báo QĐND hăng hái đi đầu như lính xung kích trên mặt trận tư tưởng để phê phán những tư tưởng chủ quan, ấu trĩ, lệch lạc của bọn phần tử phản động núp trong nhân dân. Báo QĐND lên án những thế lực phản động đang âm mưu hạ bệ thần tượng HCM trong lòng nhân dân ta.

Thế nhưng báo QĐND vì quá u mê hay cuồng tín vào ông thầy dạy môn ''đấu tranh chống diễn biến hòa bình'' mà đã đưa ra một bài viết cực kỳ tai hại, tác động xấu đến niềm tin nhân dân bấy lâu. Bài viết theo lời kể của y tá Trung Quốc là non kém về nghiệp vụ, không có cơ sở thẩm tra thế nhưng vẫn được tùy tiện đưa lên. Nhất là bài viết lại liên quan đến hình ảnh lãnh tụ kính yêu của dân tộc Việt Nam.

Phải chăng chính báo QĐND đang làm những việc mà họ thường lên án người khác?

Báo nhân dân.

Tờ báo Nhân Dân hôm nay 20/9/2013 có bài viết nhan đề

Tôn giáo chân chính đồng hành cùng dân tộc.


Bài báo của tác giả Trần Chung Ngọc lên án những hãng truyền thông quốc tế đưa tin sai lệch về các vụ việc tôn giáo ở Việt Nam.

Không biết Trần Chung Ngọc uy tín cỡ nào mà khẳng định rằng những hãng truyền thông lớn quốc tế đưa tin sai, chỉ có ông ta là nói thật?

Nhưng dẫu thế nào thì một điều nhận thấy được rõ, là các hãng truyền thông đưa tin về tôn giáo Việt Nam không bao giờ có bài xúc phạm, mạt sát tộn giáo hay nhân vật tôn giáo nào. Không hề có sự so sánh giữa hai tôn giáo khác nhau để dè bỉu, gây chia rẽ, kích động thì hằn nhau.

Trong bài báo của Trần Chung Ngọc thì trái lại những giọng điệu hằn học, bạo lực được lộ rõ không hề che đậy. Trình độ kém hay bản chất của tư tưởng Trần Chung Ngọc là vậy?

Bài báo có đoạn.

''Trong cuộc kháng chiến ở Việt Nam gần đây cũng vậy, nhiều tu sĩ bỏ áo cà sa đi theo kháng chiến, vì theo truyền thống yêu nước, xét đúng ưu tiên của thời thế, giặc đến nhà đàn bà phải đánh, nền độc lập của nước nhà trên hết, không như bọn Việt gian vô Tổ quốc, phi dân tộc, chủ trương "thà mất nước chứ chẳng thà mất Chúa"...

Đoạn viết này chắc hẳn những người theo đạo Công Giáo, những linh mục, giám mục và hồng y Thiên Chúa Giáo  hiểu ý đồ tác giả nói về ''bọn... vô tổ quốc, phi dân tộc'' là không những nói chỉ nói riêng về con người  mà tác giả Trần Chung Ngọc còn muốn đả phá cao hơn là về học thuyết, ý thức hệ, tư tưởng của đạo Thiên Chúa. Một sự xúc phạm thật nặng nề đến tôn giáo, sở dĩ gọi là nặng nề vì không phải nó động đến hành động nhất thời của một tổ chức tôn giáo. Mà nó động hẳn đến chủ thuyết, tư tưởng thần học của tôn giáo ấy.

Phát ngôn táo bạo hay phát ngôn bá đạo.

Một tờ báo lấy tên Nhân Dân, lại cho đăng bài của một kẻ xưng là Việt Kiều Mỹ , xúc phạm niềm tin của  gần chục triệu nhân dân (tín đồ Thiên Chúa Giáo ở Việt Nam xấp xỉ 10 triệu người). Cuộc kháng chiến chống Pháp đã xa xôi như vậy rồi, mà sự thù nghịch đến nay vẫn còn hiện rõ. Vẫn được báo Nhân Dân lên án... vậy thì mấy triệu người miền Nam di tản hồi 1975 khi đọc được bài viết của Trần Chung Ngọc, trên báo Nhân Dân hôm nay liệu có tin được vào đoàn kết, tha thứ, hòa giải, yêu thương mà nhà nước Việt Nam đang kêu gọi  không?

 Trần Chung Ngọc lộ rõ ý đồ gây chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, chia rẽ tôn giáo khi so sánh hình ảnh người Thiên Chúa Giáo và Phật Giáo. Sau khi vạch tội Thiên Chúa Giáo là Việt Gian, phi dân tộc, tổ quốc, chịu mất nước chẳng thà mất Chúa....đến lượt kể công lao của tu sĩ Phật Giáo. Thậm chí quá đà ca ngợi tinh thần chiến đấu của các tu sĩ Phật Giáo, bài báo có đoạn.

''Thậm chí còn vui lòng dấn thân vào cuộc, kể cả xông pha trận mạc chém giết quân thù, giữ gìn cuộc sống thanh bình cho dân tộc''

Học thuyết của Phật Giáo có cho chém giết quân thù để bảo vệ mình không? Cái này dường như chưa ai dám khẳng định rằng học thuyết nhà Phật cho phép chủ động xông pha trận mạc chém giết quân thù. Nhưng cứ tạm gác điều đó lại, cứ cho rằng học thuyết nhà Phật cho phép hay ngầm cho phép chém giết quân thù như ý của Việt Kiều Trần Trung Ngọc đi chăng nữa, thì chả lẽ một tờ báo lớn toàn tiến sĩ, thạc sĩ, giáo sư, phó giáo sư lý luận không biết được cách sửa từ ''chém giết" bằng từ nào khác trong kho tiếng Việt phong phú của Việt Nam. Ví dụ như sửa thành ''xông pha trận mạc chiến đấu với quân thù''. Nghe có phải hay hơn từ ''chém giết'' rất bá đạo đối với người tu hành.

Một bài viết lủng củng, ý tứ đối nghịch nhau, loạn ngôn, giọng điệu hằn học chia rẽ tôn giáo, kích động hận thù  của Trần Trung Ngọc lại được báo Nhân Dân đưa lên. Chả lẽ không còn ai viết được hơn nữa sao?

Hay báo Nhân Dân cũng như báo Quân Đội Nhân Dân cũng đang tự làm những điều mà họ hay phê phán các thế lực thù địch là chia rẽ dân tộc, kích động hằn thù, gây mất đoàn kết khối đại dân tộc.

Đến lúc phải dùng loại y tá Trung Quốc để nói về lãnh tụ nước mình, dùng Việt kiều (gian) để nói về nội tình tôn giáo trong nước..có lẽ các tờ báo có tên Nhân Dân đã chẳng còn nhân dân nào trong đó nữa rồi.


Blog Huỳnh Ngọc Chênh
LÀM GIAO THÔNG KIỂU TRỜI ƠI

Bảng chỉ đường do nhân dân tự tạo vì ngành giao thông không chịu làm.

Ông Đinh La Thăng, hồi mới lên làm được đến chức bộ trưởng Giao thông, đắc chí quá, tuyên bố tới trời, nào phải thế này, nào phải thế kia, nào chấn chỉnh lại ngành giao thông, nào cách chức quan này, cách chức quan kia nếu không làm được việc... Rồi ngài hô phải phát huy giao thông công cộng, phải khuyến khích người dân đô thị xử dung xe buýt để giảm tải giao thông và ngài yêu cầu cán bộ ngành giao thông nêu gương đi làm bằng xe buýt. Rồi đích thân ngài leo lên xe buýt... hình như một lần duy nhất để làm gương.

Hồi đó tôi đã viết mấy bài phân tích cho ngài thấy là ngài chả biết làm giao thông gì cả và hầu như các quan chức giao thông... chỉ chứa đất sét trong đầu (xem tại đây và tại đây), qua đó nêu ra một số khuyết tật sơ đẳng của hệ thống giao thông VN để dẫn chứng.

Thế nhưng qua hai năm rồi, các quan giao thông cũng không rút ra được điều gì, cũng chẳng có chút gì tiến bộ. Công bằng mà nói thì cũng có đôi chút thay đổi. Lác đác nhiều giao lộ tại TP HCM và trên các quốc lộ đã xuất hiện các bảng chỉ đường dù chưa đầy đủ và khoa học như nước ngoài nhưng cũng giúp ích phần nào cho người tham gia giao thông.

Hồi đó tôi nghĩ rằng đầu của quan chức ngành giao thông chứa đầy đất sét nên những điều rất sơ đẳng về giao thông cũng chẳng biết gì. Tuy nhiên nhiều bạn đọc đã "comment" rằng tôi đã nhầm, đầu họ cũng ghê gướm lắm, cũng chứa đầy mưu lược chứ không phải chuyện chơi, chỉ có cái là mưu lược của họ không nhằm vào mục đích chung mà nhằm vào mục đích riêng tư. Tôi vốn tin vào điều tốt đẹp nên hai năm qua vẫn boăn khoăn về nhận định nầy.

Thế rồi sáng nay có việc đi ra ga Hòa Hưng ở TP HCM tôi mới bật ngửa ra là các bạn đã "comment" rất đúng, họ không ngu, trái lại là rất khôn. Họ biết hết nhưng họ làm bộ ngu ngu để tìm cách trục lợi.

Điều sơ đẳng về giao thông mà không cần học hành trường lớp ai cũng biết là hệ thống giao thông công cộng trong toàn quốc phải kết nối với nhau đến mức tối đa, kết nối đến mức không thể nào kết nối nữa mới thôi.

Sân bay, bến tàu, ga xe lửa, bến xe phải kết nối với hệ thống metro, xe buýt trong nội thị và cả ra ngoài ngoại ô để một hành khách khi bước ra khỏi sân bay, ga xe lửa... là có thể bước lên ngay hệ thống giao thông công cộng để về đến bất cứ địa điểm nào cần đến và ngược lại.

Một lần ở Paris, qua hướng dẫn của người bạn, tự tôi đã xử dụng hệ thống metro nội thành kết nối với metro ngoại thành để đi từ trung tâm Paris đến tận sân bay Charles De Gaule. Ga tàu điện ngầm nằm ngay tầng hầm sân bay, tôi bước ra khỏi tàu, tìm đến thang máy bấm số là đến ngay terminal cần đến để check in. Ngược lại từ sân bay muốn về Paris, hành khách chỉ cần bấm thang máy là xuống ngay ga metro bên dưới, mua vé đi về mà không cần đến phương tiện cá nhân đưa đón. Ở Pháp, khi xuống sân bay là có metro, đi hết metro rồi mà vẫn chưa đến nơi cần đến thì có ngay xe buýt kết nối. Trạm chờ xe buýt có ngay trước cổng ga metro...

Thế mà ở sân bay Tân Sơn Nhất không hề thấy có trạm dừng xe buýt để đưa đón khách từ sân bay ra vào trung tâm thành phố. Trước 75 đã có hệ thống xe buýt nầy, thời sinh viên tôi vẫn hay đi, nhưng sau 75 thì dẹp mất. Sau đó, cách đây vài năm dường như có phục hồi lại nhưng hiện nay thì cũng không còn thấy nữa. Hầu hết hành khách ra vào sân bay đều dùng phương tiện cá nhân và xe taxi. Taxi của vài hãng độc quyền tràn ngập sân bay.

Thôi cứ cho rằng khách đi máy bay có nhiều tiền, không muốn đi xe buýt nên không phát triển được hệ thống xe buýt nối kết với sân bay. Nhưng hành khách đi tàu lửa đến ga Hòa Hưng thì sao? Chắc chắn toàn bộ phân khúc hành khách nầy không thể chơi sang từ chối luôn phương tiện xe buýt để đi taxi rất tốn kém đối với họ.

Ấy vậy mà sân ga Hòa Hưng cũng chỉ tràn ngập xe taxi, không hề có bóng dáng chiếc xe buýt nào. Mà làm sao có xe buýt được, khi trong sân ga rộng lớn nầy không hề có trạm chờ xe buýt. Nghĩa là những người làm giao thông cố tình không cho phép hệ thống xe buýt thành phố kết nối với nhà ga đường sắt. Hành khách đi và đến nhà ga chỉ có thể dùng phương tiện cá nhân và còn lại là taxi, rồi xe ôm. Chấm hết.

Gần cả vạn lượt khách đi và đến ga Hòa Hưng (ga Sài Gòn) mỗi ngày phần lớn đều dùng taxi

Sáng nay tôi hỏi một nhân viên bảo vệ tại ga Hòa Hưng làm thế nào để đón xe buýt xuống trung tâm Sài Gòn, ông trố mắt nhìn tôi hồi lâu như là tôi rơi từ hành tinh nào xuống, nhưng thấy tôi vẫn tiếp tục kiên trì với câu hỏi, ông đành suy nghĩ hồi lâu để lấy lại trí nhớ rồi trả lời: Anh đi bộ hoặc đi xe ôm ra đường CMT8 cách đây chừng 3 km thì có một trạm xe buýt, rồi muốn đi đâu thì đi.

Tại sao lại không có trạm dừng xe buýt ngay trong sân ga để phục vụ gần cả vạn lượt khách ra vào mỗi ngày?  Không cần phải khó nhọc suy đoán, việc nầy hoàn toàn gây bất lợi cho hành khách, gây tổn thất rất lớn cho việc giảm tải giao thông đô thị, gây cản trở nghiêm trọng cho việc phát triển giao thông công cộng và duy nhất mang lợi ích cục bộ đến hãng taxi độc quyền vào đây đón khách và mang lợi ích riêng tư đến những ai nữa thì không cần nói ra nhưng ai cũng biết, đặc biệt các quan chức giao thông có liên quan biết rất rõ vì tôi bắt đầu tin họ không ngu. Họ quá khôn, quá gian manh.

Chuyện vô cùng ngược ngạo như vậy đã tồn tại sờ sờ trước mắt mọi người từ mấy chục năm qua mà không ai đề xuất sửa đổi, không ai nói đến, không thấy tờ báo nào trong 700 cơ quan báo đài của đảng đụng đến.

Và không biết ngoài ga Hòa Hưng ra thì hàng ngàn các sân bay, bến tàu, bến xe, ga xe lửa khác trên toàn quốc có tính đến chuyện kết nối với hệ thống xe buýt hay không?

Ông Đinh La Thăng luôn miệng hô hào nên phát triển giao thông công cộng đô thị, luôn hô hào nên đi xe buýt có bao giờ kiểm tra đến chuyện này hay không?

Bây giờ tôi công nhận các vị quan chức ở ngành giao thông là rất khôn, nên rất trông mong các vị dùng trí khôn ấy làm sao để từ nhà tôi ở quận Thủ Đức, tôi có thể ra đón xe buýt đi đến được sân ga Hòa Hưng mỗi khi tôi có việc rời thành phố bằng phương tiện xe lửa. Tôi quá già để có thể khuân hành lý từ trạm xe buýt cách đó 3 km để vào sân ga. Tôi có đủ phương tiện cá nhân để đến được ga Hòa Hưng, nhưng tôi không muốn lãng phí, không muốn góp phần vào việc gây ra ách tắc giao thông và rất muốn góp phần vào việc phát triển hệ thống xe buýt đô thị theo chủ trương mà các vị luôn miệng hô hào. Mong thay.


FACEBOOK PAULO THÀNH NGUYỄN

Năm 1958, dưới thời Bộ trưởng Bộ Quốc gia Giáo dục Trần Hữu Thế, Việt Nam Cộng hòa nhóm họp Đại hội Giáo dục Quốc gia (lần I) tại Sài Gòn. Đại hội này quy tụ nhiều phụ huynh học sinh, thân hào nhân sĩ, học giả, đại diện của quân đội, chính quyền và các tổ chức quần chúng, đại diện ngành văn hóa và giáo dục các cấp từ tiểu học đến đại học, từ phổ thông đến kỹ thuật... Ba nguyên tắc "nhân bản" (humanistic), "dân tộc" (nationalistic), và "khai phóng" được chính thức hóa ở hội nghị này. Đây là những nguyên tắc làm nền tảng cho triết lý giáo dục của Việt Nam Cộng hòa, được ghi cụ thể trong tài liệu Những nguyên tắc căn bản do Bộ Quốc gia Giáo dục ấn hành năm 1959 và sau đó trong Hiến pháp Việt Nam Cộng hòa (1967).

1.Giáo dục Việt Nam là giáo dục nhân bản: Triết lý nhân bản chủ trương con người có địa vị quan trọng trong thế gian này; lấy con người làm gốc, lấy cuộc sống của con người trong cuộc đời này làm căn bản; xem con người như một cứu cánh chứ không phải như một phương tiện hay công cụ phục vụ cho mục tiêu của bất cứ cá nhân, đảng phái, hay tổ chức nào khác. Triết lý nhân bản chấp nhận có sự khác biệt giữa các cá nhân, nhưng không chấp nhận việc sử dụng sự khác biệt đó để đánh giá con người, và không chấp nhận sự kỳ thị hay phân biệt giàu nghèo, địa phương, tôn giáo, chủng tộc... Với triết lý nhân bản, mọi người có giá trị như nhau và đều có quyền được hưởng những cơ hội đồng đều về giáo dục.

2. Giáo dục Việt Nam là giáo dục dân tộc: Giáo dục tôn trọng giá trị truyền thống của dân tộc trong mọi sinh hoạt liên hệ tới gia đình, nghề nghiệp, và quốc gia. Giáo dục phải bảo tồn và phát huy được những tinh hoa hay những truyền thống tốt đẹp của văn hóa dân tộc. Dân tộc tính trong văn hóa cần phải được các thế hệ biết đến, bảo tồn và phát huy, để không bị mất đi hay tan biến trong những nền văn hóa khác.

3. Giáo dục Việt Nam là giáo dục khai phóng: Tinh thần dân tộc không nhất thiết phải bảo thủ, không nhất thiết phải đóng cửa. Ngược lại, giáo dục phải mở rộng, tiếp nhận những kiến thức khoa học kỹ thuật tân tiến trên thế giới, tiếp nhận tinh thần dân chủ, phát triển xã hội, giá trị văn hóa nhân loại để góp phần vào việc hiện đại hóa quốc gia và xã hội, làm cho xã hội tiến bộ tiếp cận với văn minh thế giới.

Đào tạo "công cụ" trong chế độ VNCS

Mục tiêu phấn đấu chung của cơ sở giáo dục đại học và cao đẳng của Việt Nam là thực hiện nghiêm túc Nghị quyết 142 của Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam. Nghị quyết này chỉ rõ những mục tiêu giáo dục như sau:

"... Xây dựng cho được một độ ngũ cán bộ khoa học, kỹ thuật và quản lý kinh tế đông đảo vững mạnh, ngày càng hoàn chỉnh về trình độ và ngành nghề, vừa có phẩm chất chính trị tốt, tuyệt đối trung thành với Đảng, với giai cấp công nhân, với dân tộc, liên hệ chặt chẽ với công nông, vừa có trình độ khoa học kỹ thuật và nghiệp vụ giỏi, nắm vững những quy luật của tự nhiên và quy luật xã hội, có năng lực tổ chức và động viên quần chúng, đủ sức giải quyết những vấn đề khoa học, kỹ thuật và quản lý kinh tế do thực tế nước ta đề ra và có khả năng tiến kịp trình độ khoa học, kỹ thuật tiên tiến trên thế giới. 

Và quyết định 3704/QĐ-BGDĐT 2013, ban hành từ ngày 10/9/2013 mới đây cho biết bộ GDĐT sẽ triển khai và đảm bảo 90% HSSV phải học Nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật và sau năm 2016, phấn đấu đưa tỉ lệ này đạt trên 99%.

- Nhìn mục tiêu giáo dục con người trong chế độ hiện nay có lẽ không khác việc sản xuất ra một cái laptop là mấy. Chúng ta được đào tạo cho những chức năng khác nhau nhưng đều được lập trình trong não trạng bằng một hệ tư tưởng một chiều, được định hướng bằng những nghị quyết duy ý chí của một nhóm người tự xưng là đại diện cho chúng ta! Thực trạng giáo dục của nước ta hiện nay có lẽ không cần phân tích nhiều thì ai cũng nhận ra được sự yếu kém của nó, những hiện tượng tiêu cực chúng ta đang nhìn thấy đầy trên mặt báo chỉ là những biểu hiện bên ngoài, trong khi vấn đề nó nằm ở "liều thuốc độc" bên trong, đó là mục-tiêu- giáo- dục- con -người -theo định hướng -xã- hội-chủ-nghĩa, có nghĩa là con người không được đào tạo để trở thành người, mà chỉ được đào tạo để trở thành phương tiện hay công cụ để phục vụ cho mục tiêu của một đảng phái. Bao lâu mục tiêu này còn tồn tại trong luật giáo dục, thì tất cả những sự hô hào cải cách giáo dục từ miệng các nhà lãnh đạo chỉ là những hình thức mị dân khác! 


BLOG NGUYỄN VĂN PHÚ

Khi đọc tin trên các báo, rằng Việt Nam có trên 5 triệu đơn vị kinh tế, hành chính, có lẽ ít người có ấn tượng gì. Nhưng nếu đọc kỹ báo cáo về kết quả chính thức cuộc tổng điều tra cơ sở kinh tế, hành chính, sự nghiệp mà Tổng cục Thống kê vừa công bố, có thể rút ra những kết luận đáng ngạc nhiên.

Ví dụ, lâu nay, rất nhiều nghiên cứu khi nói về doanh nghiệp nhà nước đều cho rằng sau một quá trình cổ phần hóa, sắp xếp, tái cơ cấu thì số lượng doanh nghiệp nhà nước giảm mạnh, còn khoảng 1.300 đơn vị.

Tuy nhiên, theo báo cáo, số lượng doanh nghiệp nhà nước đến năm 2012 là 3.308, đang sử dụng 1,66 triệu lao động. Đó là chưa kể hơn 8.000 "cơ sở sản xuất kinh doanh thuộc cơ quan hành chính sự nghiệp, đoàn thể, hiệp hội". Thế mà nhiều nghiên cứu cứ nói, năm 1990, cả nước có 12.000 doanh nghiệp nhà nước, đến năm 2000, còn khoảng 6.000 và 2011 chỉ còn hơn 1.300 doanh nghiệp. Đáng tiếc là báo cáo không có một định nghĩa rõ ràng thế nào là doanh nghiệp nhà nước nên khó lý giải sự chênh nhau này. Có thể báo cáo tính riêng các công ty con hạch toán độc lập của các tập đoàn, tổng công ty… Nhưng dù sao điều rõ nhất là, trên cùng một báo cáo, con số doanh nghiệp nhà nước không giảm bao nhiêu so với 5 năm trước đó (năm 2007 có 3.706 doanh nghiệp). Nếu tính luôn hơn 8.000 cơ sở sản xuất kinh doanh mang tính nhà nước thì quá trình cải cách khối doanh nghiệp nhà nước chưa đạt được kết quả bao nhiêu, vẫn còn đó những lỗ đen hút hết vốn đầu tư nhà nước, tín dụng ưu đãi, quyền sử dụng đất, quyền sử dụng tài sản công cho hoạt động kinh doanh.

Điều thứ ngạc nhiên thứ nhì là quy mô của các đơn vị sự nghiệp. Nếu như cả nước có 34.803 cơ quan hành chính thì số đơn vị sự nghiệp cao gấp đôi, lên đến 69.735 đơn vị. Nếu loại trừ các cơ sở y tế (13.682) và cơ sở giáo dục (44.712) thì vẫn còn 11.341 đơn vị sự nghiệp có thể chuyển đổi mô hình hoạt động để giảm nhẹ gánh nặng ngân sách nhà nước. Đó là những đơn vị như thế nào? Trong văn hóa thể thao, đó có thể là nhà hát cải lương, trung tâm ca nhạc nhẹ, đoàn nghệ thuật múa rối, đoàn xiếc, trung tâm thông tin triển lãm, các viện bảo tàng, thư viện… Trong sự nghiệp kinh tế, đó có thể là chi cục thú y, chi cục bảo vệ thực vật, trung tâm khuyến nông, trung tâm công nghệ thông tin, cảng vụ hàng hải, ban quản lý cảng, ban quản lý bến xe…

Năm 2009, Bộ Tài chính đã đưa ra dự thảo "Quy chế thí điểm chuyển đơn vị sự nghiệp công lập có thu thành công ty cổ phần" nhưng do chưa có sự chuẩn bị kỹ, dư luận hiểu nhầm đây là chủ trương cổ phần hóa các trường đại học nên phản đối và cuối cùng Bộ Tài chính phải rút lui dự thảo này. Lẽ ra cần phải mạnh dạn cổ phần hóa, chuyển đổi mô hình hoạt động các đơn vị sự nghiệp này bởi đa số là loại hình hoạt động có thể chuyển giao cho tư nhân làm mà không ảnh hưởng gì đến xã hội. Ở những đơn vị sự nghiệp nào còn nhận kinh phí hoạt động từ ngân sách nhà nước thì khi chuyển đổi, khoản ngân sách sẽ trở thành các khoản tài trợ  mà bên nhận tài trợ phải chứng minh hiệu quả hoạt động trước khi được giao.

Thật ra, trong nhiều văn bản, Nhà nước cũng đã nhiều lần nhấn mạnh đến chủ trương khuyến khích các đơn vị sự nghiệp công lập chuyển đổi sang hoạt động theo loại hình doanh nghiệp, loại hình ngoài công lập và đi kèm là nhiều ưu đãi về thuế, đất đai, tài sản… nhưng kết quả không như chủ trương. Thực tế số lượng các đơn vị sự nghiệp ngày càng tăng, từ 63.054 đơn vị năm 2007 lên đến 69.735 đơn vị năm 2012, theo báo cáo (loại trừ mức tăng của ngành y tế và giáo dục thì con số đơn vị sự nghiệp khác vẫn tăng mạnh từ 8.770 lên 11.341 đơn vị).

Số lượng các đơn vị thuộc dạng tổ chức chính trị, đoàn thể, hiệp hội cũng là con số rất lớn, lên đến 33.897 đơn vị, xem như gần bằng các cơ quan hành chính của cả nước. Điều đáng nói hơn là so với năm 2007, trong khi các cơ quan hành chính giảm 0,4% thì các tổ chức chính trị, đoàn thể, hiệp hội lại tăng 9,3%. Rõ ràng đây là một khu vực có thể cải tổ,  theo hướng tinh gọn, sao cho vừa tránh được sự trùng lắp trong bộ máy hành chính, bộ máy điều hành, vừa là cơ sở để cải cách tiền lương trên cơ sở giảm biên chế.

Đã đến lúc phải cân nhắc, xem thử ngân sách nhà nước có phải cán đáng các tổ chức như Hội Nhà văn, Hội Nhà báo, Hội Nhạc sĩ, Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh, Hội Luật gia, Hội Làm vườn… Lúc đó cụm từ "xã hội hóa" mới mang ý nghĩa thật sự đối với xã hội và nền kinh tế.


BLOG NGUYỄN QUANG VINH

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nói thế này trong phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày hôm qua: "Dân nào mà không muốn đấu tranh phòng chống tham nhũng?! Hay là người ta chán rồi? Người ta đấu tranh mãi, góp ý mãi, đưa lên báo mãi nhưng không có tác dụng gì? Các đồng chí phải đánh giá cái này đi chứ".

Ông đã nói đúng thực trạng.

Dân đã quá mất lòng tin vào chính quyền, khi mà nhiều vụ việc tiêu cực, tham nhũng, nhiều vụ việc trái tai gai mắt góp ý lên, trong đó, có vô cùng nhiều ý kiến của các trí thức, các bậc trưởng lão, nhưng đều rơi tõm trong cái mê hồn trận tầng tầng cấp cấp, rối như canh hẹ, nhưng đều không ai giải quyết và xử lý, hoặc nếu không né được, thì xử lý cầm chừng, xử lý chiếu lệ, xử lý bao che, xử lý "chạy án".

Đến như vụ chôn thuốc sâu ở Thanh Hóa, người ta đã đưa ra phạt hành chính như ngầm báo rằng, không có chuyện hình sự ở vụ việc này, thì đúng là lòng dân không sôi lên mới lạ.

Đến như vụ chữa cháy ở Hải Dương, quan to quan nhỏ xoen xoét lên ti vi khen nhau, tụng nhau, dối trá leo lẻo, không ngượng mồm khi mà hàng trăm hộ dân đang sống dở chết dở vì vụ cháy này thì đúng là nhân dân gọi miệng quan như trôn trẻ quả không oan.

Đến như tình hình bệnh vô cảm, lười biếng, quan liêu, hách dịch, vòi vĩnh xảy ra từng giờ từng phút ở các cơ quan quản lý nhà nước, và đi đâu cũng gặp những vị công chức ngồi ườn trên ghế, hờ hững trước công việc, sổ toẹt vào cả nhân cách, đạo đức công chức, căn bệnh ngày càng trở nên trầm kha, lượng công chức vô tích sự nhan nhãn đếm cả năm không hết mà vị Bộ trưởng nội vụ vẫn có thể nói dối chỉ có 1% công chức không hoàn thành nhiệm vụ thì đúng là không còn chỗ nào để bình luận thêm.

Từ cán bộ đến quan các cấp, cứ mở miệng là dối trá, là "tự sướng", chà đạp sự thật, chỉ chăm chăm vơ vét, đến mức hễ nhắc đến lãnh đạo là nhắc đến thói tham lam, như là một thuộc tính, một đặc điểm, thì đúng là kinh khủng, "người ta ăn của dân không từ một thứ gì".

Và quan cách mạng giờ như vua chúa, trụ sở như phủ chúa, xây dựng hoàng tráng, vườn hoa cây cảnh, điều hòa chạy ro ro, ngốn tiền dân cả núi, mơ mơ màng màng như kẻ say thuốc khi nhìn cuộc sống, không thể dùng chữ xa dân nữa mà đã bắt đầu quay lưng với cuộc sống nhân dân mất rồi.

Hàng ngàn, hàng chục ngàn vụ việc nhức nhối không xử lý tới nơi tới chốn, đụng vào là đụng đến cả một rừng quan hệ, móc lấy nhau, dây lấy nhau, nhằng nhịt, cho nên cũng chỉ đùng đoàng vài phát trên trời cho ra vẻ có tấn công tham nhũng tiêu cực rồi im ỉm nằm im, lại ăn, lại hô, lại hét, lại vỗ tay.

Từng mớ, từng rổ, từng đống cấp này hàm kia ở các Bộ, ngồi chơi xơi nước, lượn lờ như ong trên trời, ra luật này luật kia, ra xong bỏ đó, thực hiện hay không là việc của ai khác, của trời của đất, rồi luật chưa thực hiện đã lạc hậu, đã sửa, đã thay, những phát biểu của các vị Thường vụ Quốc hội nghe nghẹn trong cổ, chán ngán, bó tay, bất lực trước một rừng quan chức, công chức không biết làm việc vì ai, cho ai...

Không góp ý, không phản biện, không chê trách thì được khen, góp ý, phản biện, chê trách thì bị nâng lên đặt xuống, thậm chí bị trả thù, hậm hà hậm hực, rồi bị quy kết, làm thế thì người dân dần sẽ vô cảm với thân phận quốc gia, không góp nữa, không màng phê phán nữa, không màng quan tâm nữa, thế thì thảm họa sẽ tới thôi.

Một đất nước dày đặc luật,nghị quyết, chỉ thị, nghị định nhưng rồi cũng bó tay trước những thằng ăn cắp, tham nhũng thì đã tới lúc cần phải hú còi báo động cấp cứu rồi.

Và ai cứu? Lại nhân dân thôi.

Hãy chui hết ra khỏi những vỏ ốc này để an phận đi, cứu lấy đất nước.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét