Thứ Sáu, 20 tháng 9, 2013

Ghé thăm các blogs: 19/09/2013 (diendantheky)

Nguồn diendantheky

BLOG QUÊ CHOA
17-09-2013

Nguyễn Quang Vinh

Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan đã làm nóng rực hàng trăm trang báo khi nói về những hiện tượng tiêu cực xã hội bằng câu: "Người ta ăn của dân không chừa thứ gì". Câu nói này lập tức được các báo và truyền thông xã hội rút ngay làm tiêu đề bài viết.

Nhưng "người ta" trong phát biểu đầy bức xúc của thím Doan là "người ta"nào?

Đó là "một bộ phận không nhỏ" cán bộ thoái hóa biến chất, là "một bầy sâu" ở các cấp chính quyền, các cơ quan nhà nước, lợi dụng chức vụ quyền hạn để vơ vét tiền của, bóc lột, lừa lọc, thu vén, cướp đoạt tiền, tài sản của nhà nước và của nhân dân.

"Người ta" chính xác là lũ sâu mọt đó.

Ai chẳng biết là như thế.

Ai chẳng biết đất nước đang lúc nhúc một lượng sâu bọ không ít, đục khoét của công.

Ai chẳng biết tham nhũng của nước ta đang là "quốc nạn".

Nhưng khi thím Doan nói "người ta" là thím dùng từ chưa chuẩn, bởi vì, từ "người ta" là dùng để chỉ ai khác, lực lượng khác, nhóm người khác, ở đâu đó.

Nhưng "người ta" mà thím Doan nói tới, chắc chắn là một bộ phận cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức ăn lương nhà nước làm điều bất nhân, đang từng ngày gặm, ăn tiền của, "ăn" niềm tin của nhân dân.

"Người ta" vì thế nằm trong đội ngũ, dưới sự lãnh đạo và trách nhiệm của thím cùng với bộ máy nhà nước mà thím và công sự đang vận hành.

Cho nên, thím đã nói thẳng thì nói thẳng luôn: Một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức của dân trong bộ máy Nhà nước thoái hóa biến chất, "ăn" của dân không từ một thứ nào.

Nói thế nghe đúng, chính xác và trách nhiệm.

Cám ơn thím.

Tác giả gửi Quê Choa
Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả


BLOG NGUYỄN VẠN PHÚ


Giáo dục và y tế là hai cột trụ của xã hội. Khả năng tiếp cận bình đẳng hai lãnh vực này đem lại cho người dân nghèo những lợi ích còn to lớn hơn chuyện xóa đói, giảm nghèo hay rộng ra là mạng lưới an sinh xã hội cho họ.

Thế nhưng, hiện đang có xu hướng phân biệt đối xử trong giáo dục và y tế, làm méo mó chính sách phát triển bình đẳng và lấn chiếm nguồn lực của người nghèo.

Trong giáo dục, đó là việc thành lập các trường công lập chất lượng cao. Khi Hà Nội cho phép thành lập các trường chất lượng cao trong hệ thống các trường công lập, áp dụng học phí đến 3,4 triệu đồng/tháng cho mỗi học sinh, đã có nhiều tiếng nói phản đối, tập trung vào chuyện mất bình đẳng giữa gia đình có điều kiện cho con em học loại trường này và gia đình nghèo không đủ điều kiện.

Nhưng có lẽ cần phải phản đối mạnh hơn nữa ở khía cạnh, cơ sở vật chất trường công là của toàn dân, được nhà nước đầu tư xây dựng nên từ tiền đóng thuế của tất cả người dân. Nay tự dưng chuyển một số trường thành loại hình "trường sang" chỉ dành cho con nhà giàu thì chắc chắn đã làm sai mọi luật lệ hiện hành. Khi một doanh nghiệp giáo dục trúng thầu triển khai chương trình dạy chương trình Cambridge ở một số trường tại TPHCM và Hà Nội, họ đã lợi dụng cơ sở vật chất chung để dạy cho một số em học sinh, thu lãi trên tài sản không phải của họ. Nay nếu có người lấy luôn cơ sở vật chất của nguyên cả trường thì sự méo mó lên đến dường nào.

Trong giáo dục, chủ nghĩa tinh hoa (elitism) đã bị phê phán từ lâu. Nhưng dù sao ở các nước sự đào tạo mang tính phân biệt như thế chỉ gói gọn trong hệ thống tư thục, chứ ai dám sử dụng hệ thống công lập để thí nghiệm.

Có người lập luận, giả thử một tỉnh bỏ tiền ra xây dựng một trường chất lượng cao, đầu tư tốt, tuyển giáo viên giỏi, trả lương cao, tuyển học sinh giỏi để đào tạo người giỏi cho xã hội thì sao? Liệu như thế có phân biệt đối xử hay không vì cũng là cơ sở công, cũng là tiền từ ngân sách công?

Sự khác biệt ở đây chính là khả năng tiếp cận. Loại hình trường công lập chất lượng cao có vé vào cổng là tiền học cao chót vót; loại hình trường đào tạo học sinh giỏi có vé vào cổng là năng lực học tập của học sinh – hai bên khác nhau một trời một vực. Và ngay chính loại hình trường chuyên, lớp chọn cũng đâu phải đã nhận được sự đồng tình của xã hội khi mục tiêu đào tạo bị méo mó khi chỉ nhắm đến thành tích.

Mô hình trường công lập chất lượng cao còn cho thấy sự thất bại của hệ thống giáo dục đại trà hiện nay, từ lương cho giáo viên không đủ sống (nên mới có hy vọng trường chất lượng cao thu tiền học cao, sẽ thu hút giáo viên giỏi nhờ trả lương cao) đến cơ sở vật chất. Nhưng nếu chỉ trông chờ vào mô hình này để giải quyết sự yếu kém đó thì hóa ra hệ thống tư thục phải bùng nở và thành công từ lâu? Vấn đề còn là chương trình dạy, sách giáo khoa, triết lý giáo dục, tầm nhìn trong đào tạo… toàn những chuyện không liên quan nhiều đến tiền bạc.

Ở cột trụ thứ nhì, ngành y tế đang mang tai tiếng về phong trào "xã hội hóa" khi bệnh viện công tìm cách kinh doanh với tư nhân bằng các trang thiết bị tự mua sắm, tự tính tiền cao cho bệnh nhân. Thật khó tưởng tượng cảnh bệnh nhân bị buộc chịu nhiều xét nghiệm chỉ vì người ta muốn có khách hàng cho cái phần "xã hội hóa" này.

Chuyện này đã có nhiều bài báo điều tra công phu, chi tiết. Ở đây chỉ xin nhắc một ý nhìn từ góc độ kinh tế. Việc bệnh viện công "kinh doanh" bằng máy móc tư có thể diễn ra mà bệnh nhân (khách hàng) không phản đối được là nhờ tận dụng lợi thế thông tin bất đối xứng khi bệnh nhân luôn ở vị thế thua thiệt, vị thế độc quyền, lợi dụng thương hiệu của bệnh viện công, sự cấu kết mặc định để hầu như bệnh viện nào cũng áp dụng cơ chế này nên người bệnh không có sự chọn lựa nào khác… Toàn là những đặc điểm mà rơi vào tay một doanh nghiệp bình thường ở bất kỳ ngành nghề nào khác thì họ đã làm giàu nhanh chóng và thực tế thị trường sẽ đào thải cũng nhanh chóng không kém bởi không ai có thể chấp nhận những đặc quyền như thế.

Ở đây, cũng sẽ có người lập luận nếu không có hình thức "xã hội hóa" y tế như thế thì làm sao bệnh viện đầu tư trang thiết bị máy móc đắt tiền, làm sao trả lương đủ sống cho cán bộ nhân viên, người bệnh làm sao hưởng được những tiến bộ trong y học hiện đại?

Một lần nữa, thực tế này cho thấy sự thất bại của ngành y tế, dù hiểu rất rõ thực trạng "xã hội hóa" vẫn phải nhắm mắt làm ngơ bởi những thực tế nêu ở lập luận trên. Nếu lãnh đạo bệnh viện và tư nhân làm được thì lẽ ra đầu tư nhà nước cũng làm được, vừa đem lại những lợi ích liệt kê, vừa hạn chế những đặc điểm dễ tạo ra sự lạm dụng về mặt kinh tế. Nhưng để làm được thì phải có một chiến lược, một đề án lớn, một cái nhìn tổng thể và một nhiệt tình để thuyết phục rất nhiều người phản đối.

Để kết luận, giả thử chúng ta tiến hành cổ phần hóa các trường công và các bệnh viện công – một chuyện không xảy ra nhưng cứ giả định để hình dung được vấn đề dễ hơn. Điều gì sẽ xảy ra? Giá trị lớn nhất vẫn sẽ là đất, nhà cửa trên đất và con người, thương hiệu, uy tín sẵn có. Tức là khi tính toán hiệu quả, người làm dự án sẽ phải tính đến các giá trị này mà nếu chia trả đầy đủ, rất khó lòng đạt được hiệu quả tài chính mong muốn. Nay, dùng chiêu thức "trường công chất lượng cao" hay áp dụng mô hình "xã hội hóa" tại bệnh viện công, những người thực hiện không cần đưa các giá trị lớn lao đó vào tính toán của mình nên họ sẽ hưởng "siêu lợi nhuận" chứ không còn là lợi nhuận đơn thuần. 


BLOG NGUYỄN QUANG VINH

Những nghệ sĩ chân chính không màng đến danh tước, nhưng nếu Nhà nước phong danh tước, dứt khoát không được bỏ sót những nghệ sĩ chân chính. 

 Vì phải mở đóng ngoặc thể thao & du lịch vì hai ngành này không liên quan chi đến ý kiến này.
Ấy là nhân việc truy phong nghệ sĩ ưu tú cho cố diễn viên Văn Hiệp.

Nếu ông còn sống, chắc chắn không được.

Cũng như ở nước Nam ta, ai thể hiện hình tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh sắc nét, chất, đắt như diễn viên Tiến Hợi? Cả tiếng nói. Nhưng anh vẫn không thể phong nghệ sĩ ưu tú. Nếu sau này (xin Phật cho Hợi thọ 150 tuổi) Tiến Hợi đi gặp nghệ sĩ Văn Hiệp, họa may khi đó mới được phong nghệ sĩ ưu tú. Mà e phải như Văn Hiệp, là chính các nghệ sĩ phải ký tên kiến nghị cơ....

Cả diễn viên Văn Hiệp và Tiến Hợi đều là những nghệ sĩ tử tế cả về nhân cách và nghề nghiệp, và sự vinh danh nghệ sĩ ưu tú, hay nghệ sĩ nhân dân, họ đều xứng đáng.

Nhưng vì sao họ, và nhiều nghệ sĩ tài năng khác, tử tế khác vẫn không được phong danh hiệu này?

Vì Bộ văn hóa.

Vì những tiêu chuẩn nghệ sĩ ưu tú và nghệ sĩ nhân dân rất khiên cưỡng. Phải cống hiến từ 15 năm trở lên, phải có ít nhất hai huy chương vàng Hội diễn sân khấu toàn quốc.

Cả một thế hệ nghệ sĩ già như Văn Hiệp, họ sống, cống hiến hết mình vì khán giả, neo tên tuổi trong khán giả, lấy đâu ra Hội diễn cho họ tham gia, mà nếu có hội diễn, đã chắc gì có vai mà tham gia? Tiêu chuẩn là một việc, là cái khung mềm, phải xét tới những nghệ sĩ thực sự ưu tú, thực sự nhân dân trong cuộc đời này cơ, mà tên tuổi, tài năng của họ đã được nhân dân thẩm định. 

Hoặc như Tiến Hợi, ngoài vai diễn Bác Hồ, gần như một mặc định, anh không thể tham gia loại vai nào khác, chẳng lẽ để có huy chương vàng Hội diễn, Tiến Hợi vào vai một thằng giám đốc tham nhũng và mê gái...Cái ám ảnh vào vai Lãnh tụ của Tiến Hợi đã khiến anh quá thiệt thòi, trong khi Hội đồng xét tuyển của Bộ thì cứ theo khuôn sẵn, bất cần soi xét, bất cần nhìn trước, nhìn sau, thậm chí rất quan liêu và vô cảm.

Vì theo tiêu chuẩn huy chương- mà trời ơi, huy chương nước mình trong các kỳ Hội diễn thì màu sắc nó thế nào ai không biết, nên có nhiều nghệ sĩ tài kém, diễn tồi, thậm chí chã biết diễn vẫn lọt khung phong nghệ sĩ ầm ầm.

Có người còn chạy.

Lại nói, tác giả kịch bản là số 1 của tác phẩm sân khấu, sao không được phong nghệ sĩ ưu tú, nhân dân? Bộ nói, là vì anh ta là nhà văn, ăn theo suất nhà văn ( giải thưởng nhà nước, giải thưởng Hồ Chí Minh). Ơ hơ, thế mấy ông nghệ sĩ nhân dân, ưu tú đạo diễn vẫn ăn luôn giải thưởng Nhà nước, giải thưởng Hồ Chí Minh thì sao?

Tóm lại thưa Bộ, cần phải xem xét lại tiêu chí giải thưởng.

Nghệ sĩ chân chính không ai viết, diễn, làm nghề vì cái danh nghệ sĩ ấy, nhưng một khi đã tạo ra cái danh ấy thì phải công bằng, phải đàng hoàng. Một diễn viên trẻ, thực sự tài năng, vài năm tuổi nghề vẫn xứng đáng là nghệ sĩ ưu tú, nhân dân, cứ gì phải đợi 15 tuổi nghề?
Số lượng nghệ sĩ được vinh danh nhiều ít không quan trọng bằng sự đúng, sự ngưỡng mộ của đồng nghiệp, của nhân dân.

Có những diễn viên, đạo diễn...khi được phong nghệ sĩ ưu tú, nhân dân mà chính bạn nghề còn ngơ ngác không biết họ đã làm gì trong nghệ thuật.

Những nghệ sĩ chân chính không màng đến danh tước, nhưng nếu Nhà nước phong danh tước, dứt khoát không được bỏ sót những nghệ sĩ chân chính. Lại còn tiền thưởng kèm, ôi trời, tiền kèm cho nghệ sĩ ưu tú, nhân dân chỉ có mấy triệu bạc ( theo phần trăm lương cơ bản), trong khi giải thưởng Nhà nước, giải thưởng Hồ Chí Minh- cấp ký thưởng đều là Chủ tịch nước thì lên tới 150 đến 200 triệu. Hỏi, lại nói, do nghệ sĩ ưu tú, nhân dân quá nhiều, nhà nước không có tiền... Ôi trời, chua, đau, bi hài... Thế mà dám bảo là quý trọng nhân tài, mấy đồng bạc thưởng cũng thò ra thụt vào thì quý trọng cái zầy?

Rứa đó Bộ ạ.

*****
Bác Hiệp còn cười gì nữa, bác mà không mất, người ta chả phong cái nghệ sĩ ưu tú ( nờ sứt) đâu bác nhé.


BLOG HIỆU MINH

1. Theo TPO Trong buổi làm việc ngày 17/9, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng An ninh của Quốc hội Nguyễn Kim Khoa cho rằng, nhiều vụ việc người dân tự xử, một phần nguyên nhân vì mất niềm tin.

Lời bình của Cua Times. Đúng thế. Dân mà đợi các quan trên tới xử lý thì tội phạm đã mang chó đi liên hoan rồi. Có khi mình đi báo lại bị tố ngược. Tốt nhất là tự xử. Mới có chuyện tại huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang, công an vừa khởi tố 7 người về tội đánh chết hai "cẩu tặc," lập tức nhận được đơn thú tội mang một loạt … 800 chữ ký. Nhận lỗi tập thể, nghe quen quen như hội nghị TW nào gần đây.

2. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng than "Nhiều vụ án xảy ra tình trạng công an cấp Bộ về làm thay công an cấp tỉnh, cấp tỉnh về làm thay cấp phường. Điều đó cho thấy, cơ chế tố giác tội phạm tại chỗ không phát huy hiệu quả. Mặc dù người dân biết, nhưng họ không muốn tố cáo. Bởi họ xét thấy chẳng có ích gì, chẳng được việc gì". Ông còn cho rằng, hiện nay, nhiều tội ác man rợ ngang nhiên diễn ra hàng ngày, diễn ra ở khắp các lĩnh vực, ngay cả trong y tế, giáo dục, từ gia đình tới nhà trường. "Mất hết cả nhân tình, đạo lý".

Lời bình của Cua Times. Chuyện mất hết cả nhân tình, đạo lý đã xảy ra từ lâu lắm rồi. Muộn còn hơn không, mong Chủ tịch Hùng hành động đi. Nói nhiều, nghe chán lắm.

3. Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quý Vương cho rằng, đa phần các vụ án giết người xuất phát sau những cuộc nhậu. "Từ nông thôn tới thành thị ra khỏi cửa đã có rượu. Vì vậy, cần nghiên cứu đưa kinh doanh rượu thành ngành kinh doanh có điều kiện".

Lời bình của Cua Times. Đối với công an thì giới công lực không có lỗi. Chắc là do ai đó, thế lực thù địch, và rượu là một nguyên nhân, nhất định không phải CA gây ra. 

4. Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan cho rằng, nguyên nhân sâu xa của thực trạng trên do đạo đức xuống cấp ở mọi lĩnh vực, y tế, giáo dục, tư pháp, hành pháp. Bà nói "Có phải đạo đức xã hội xuống cấp do người dân nhìn vào một bộ phận cán bộ đảng viên tiêu cực không bị xử lý nghiêm minh?".

Lời bình của Cua Times. Dạo này thím Doan nói hay. Hôm trước, thím có câu nổi tiếng "Người ta ăn của dân không chừa thứ gì". Mong thím hãy hành động để cho bọn tư bản kém dân chủ hàng vạn lần phải cắp sách đến học.

5. "Phải xử lý nghiêm minh những vụ việc vi phạm, tham nhũng, lấy lại lòng tin của dân. Nếu không, dân sẽ còn tự xử mà tự xử rất công khai. Đấy là chưa kể chống lại người thi hành công vụ. Bản thân lực lượng công an phải đổi mới phương thức hoạt động, bây giờ tướng lĩnh nhiều hơn nhưng tình hình lại phức tạp hơn", Chủ tịch Hội đồng dân tộc Ksor Phước đề nghị.

Lời bình của Cua Times. Ông Ksor uống thuốc liều nên nói chuẩn. Số tướng tá CA tăng lên chóng mặt thì tội phạm cũng tăng theo. Lạ nhưng không lạ.

Mời các bạn bình thêm.


BLOG HIỆU MINH

Vụ cưỡng chế đầm Vươn nếu được giải quyết ổn thỏa, chính quyền và quan tòa tìm ra nguồn gốc của tiếng súng hoa cải để trừng phạt, thì đâu đến nỗi anh Đặng Ngọc Viết bắn 5 người trọng thương trong vài phút ngắn ngủi. Hai vụ đều liên quan đến đất đai, miếng cơm manh áo của mấy chục triệu nông dân nghèo Việt Nam. Chưa kể đến hàng ngàn nông dân Văn Giang phẫn uất cùng với bao người khắp ba miền khi cơn lốc phát triển chạm đến miền quê.

Tôi không tin anh Viết đọc blog hay Facebook để hành động. Tôi không tin anh không biết hậu quả của việc giết người. Anh biết rõ Phật đã dạy, làm hại người khác thì chính mình là nạn nhân đầu tiên nên anh đã chọn cái chết dưới chân Bồ Tát vì biết không còn lối thoát.

Giả sử anh chọn cách đầu thú. Nếu bị đưa ra tòa, người ta sẽ không tìm nguyên nhân tại sao anh hành động thế, mà chỉ tập trung vào tội lỗi anh đã gây ra. Vụ xử án Đoàn Văn Vươn và nhiều vụ cưỡng chế đất đai khác đủ nói lên chính quyền không bao giờ "sai" bởi những phiên tòa kangaroo. Quan trên coi như đã điếc trước mọi dư luận.

Như một sự trùng lặp, tuần trước, Thiền sư Thích Nhất Hạnh tới giảng về thiền tại Washington DC. Ông có nói "Nền văn minh loài người đã và đang bị lạm phát và lạm dụng khiến con người chúng ta hóa thành người xa lạ – xa lạ với chính bản thân mình, với gia đình mình, và với làng xóm quê hương mình".

Quả thật, những hành xử của chính quyền gần đây thông qua những vụ bắt bớ, cưỡng chế đất đai, đảng CS Việt Nam đang ngày càng xa lạ với những gì mà cách đây gần 70 năm họ đã làm khi kêu gọi hàng chục triệu nông dân áo vải cầm cuốc xẻng giải phóng ách nô lệ.

Trong đoàn Làng Mai, tôi gặp Sư cô Chân Không, từng là sinh viên trẻ tham gia chống chiến tranh thời ông Ngô Đình Diệm để rồi bị bắt. Sư cô tặng tôi hai cuốn sách "Con đường mở rộng" và "Bước chân hộ niệm". Liếc qua mấy trang đầu, nhà sư kể về người cha khá giầu có trong làng đã dạy cô "Các con đừng bao giờ mặc cả giá với nông dân nghèo. Mấy đồng với các con chẳng là gì, nhưng với người nghèo, đó là bữa cơm cho cả gia đình ngày hôm đó".

Tôi đặt hai cuốn đó lên giá sách. Cùng với mấy cô búp bê xinh đẹp mà Ballet Nguyễn vừa tặng, còn có tập II "Bên thắng cuộc" của Huy Đức gửi tặng từ mấy tháng trước. Mở đầu "Quyền bính", Huy Đức giải thích tại sao anh rời quân đội "Một cá nhân cũng như một quốc gia, súng ống chỉ nên được lựa chọn khi không còn con đường nào khác".

Cái chết của anh Viết dưới tượng Phật cho thấy, rất nhiều ông quan thời nay đã không hiểu triết lý đơn giản của người cha đã dạy Sư cô Chân Không cách đây gần một thế kỷ, để rồi họ đẩy người nghèo vào bước đường cùng.

Trong bạt của cuốn Quyền Bính có đoạn "Chính sách đất đai, thay vì lựa chọn những phương thức sở hữu giải phóng tối đa tiềm lực trong đất và trong dân lại cứ tự trói buộc vào sở hữu toàn dân, chỉ vì phương thức này được coi là đặc trưng của CNXH".  Khỏi phải nói, "Sở hữu toàn dân" đã đưa đến quốc nạn tham nhũng và đang làm lung lay chính đảng Cộng sản. Tính chính danh của họ đang bị đặt dưới những câu hỏi hóc búa của thời cuộc.

Tôi chợt nghĩ, liều thuốc cho vụ việc Đoàn Văn Vươn, Đặng Ngọc Viết, hàng ngàn nông dân Văn Giang và nhiều nơi bị cưỡng chế đất, đôi khi khá đơn giản, chẳng cần phải thay đổi lớn lao, chẳng cần đến tam quyền phân lập. Nếu biết chế ngự tham sân si, biết lắng nghe, thì sẽ biết hòa giải và yêu thương.

Xin các vị đừng tìm lý lịch, gia cảnh… của mấy người nông dân bỗng nhiên phạm tội. Các vị nên tự soi bản thân như Thiền sư Thích Nhất Hạnh khuyên "Lắng nghe và thấu hiểu những đau khổ trong nội tâm sẽ giúp chúng ta giải quyết được hầu hết các vấn đề ta gặp phải. Muốn chữa lành cho người khác, trước tiên ta cần tự chữa lành cho chính mình. Để làm được điều đó, ta phải biết cách giải quyết những vấn đề của bản thân".

Muốn chữa trị nỗi đau "Văn Vươn, Ngọc Viết" và hàng chục ngàn nông dân mất đất oan uổng, đảng Cộng sản Việt Nam cần tìm liều thuốc cho mình trước. Họ phải biết cách giải quyết những vấn đề về ý thức hệ và tư tưởng trong thời đại mới.

Bỗng nhiên tôi thấy tập sách "Bên thắng cuộc" của Huy Đức với những lý giải về thành công và thất bại sau 1975,  và tự sự "Bước chân hộ niệm", bàn về cách sống sao cho lương thiện, của Sư cô Chân Không để cạnh nhau thật thú vị. Để có "Con đường rộng mở", chúng ta cần đọc cả mấy cuốn sách này.
HM. 16-9-2013


Facebook Đỗ Trung Quân
nhạc sến - bình thường & bất thường...

Vấn đề đang trôi qua, cuộc trao đổi trên mạng lẫn báo giấy cũng đã vừa đi qua. từ một phát biểu của một nhạc sĩ khi mới xuất hiện được ghi nhận có những khát khao mới mẻ cho âm nhạc đương đại Việt Nam. Anh được ủng hộ trong ấy có tôi, khi còn tham gia showbiz. Ủng hộ cái mới không có nghĩa là "đặt vấn đề " những giá trị từng góp phần cho một thế kỷ âm nhạc Việt Nam cho dù sự "xuẩn ngốc" của những ai nhân danh "lịch sử " nào đó từng muốn xóa sổ một nền âm nhạc có xuất phát từ Nam Việt Nam. Nhưng có lẽ [và hy vọng] vấn đề ở thái độ dè bỉu "nhạc sến " kia không có sự nhám nhúa của "chính trị" lẩn khuất.

Nó chỉ là một thái độ, một nhận định và cần được tôn trọng trước khi phản bác lại quan điểm của tôi như thế in lại ở đây chỉ như một ý kiến phản biện - kwan [ đỗ trung quân ]
 
Nhạc sến - Bình thường hay bất thường ?

Hơn 10 năm trước.một nhạc sĩ nào đó trong nhóm "những người bạn" [gồm ns Trịnh Công Sơn , Thanh Tùng, Trần Long Ần, Tôn Thất Lập, Từ Huy, Nguyễn Ngọc Thiện, Nguyễn Văn Hiên.] phát biểu đại ý "âm nhạc của "những người bạn"  đã đẩy lùi âm nhạc hải ngoại". Phát biểu ấy phần nào biểu lộ  sự "đại ngôn", tính công thần khi đặt âm nhạc hải ngoại của mấy triệu người Việt ra ngoài vòng pháp luật. Nhưng cuộc đời có những quy luật ngoài quy luật, khi nhiều ca khúc và nhạc sĩ [chưa phải là tất cả] được cấp phép hát và trở lại ngay chính mảnh đất mình từng bị "ruồng rẫy" thì nền âm nhạc suýt từng bị xóa sổ ấy một cách nhẹ nhàng vẫn quay "trở về" bằng vẻ lung linh từng có của mình: Phạm Duy, Cung Tiến, Lê Uyên Phương, Ngô Thụy Miên, Từ Công Phụng…vv…

Ở đây, câu chuyện là "nhạc sến" thứ âm nhạc được xem là bình dân không dành cho giới trí thức [ ? ]…những Lam Phương, Trúc Phương, Anh Bằng, Trần Thiện Thanh, Hoàng Thi Thơ vv… không những vẫn hiện diện mà nhiều tác giả còn được nhận định lại vị trí của mình với nhiều kinh ngạc lớn : Vì sao họ mãi tồn tại, vì sao không một "rào chắn" nào có thể ngăn chận được âm nhạc của họ đến với nhiều thế hệ công chúng một cách bình thường đến thế ?

Khi chưa có những nhà phê bình âm nhạc "khách quan, tử tế " thì người nghe nhạc làm luôn vai trò ấy : Vì nó hay! Chỉ thế thôi. Cái gì hay thì tồn tại, cái gì dở thì đào thải. Quy luật ấy bình thường và luôn đúng cho mọi hình thái nghệ thuật. [Quan điểm chỉ cần đúng mà không cần hay là phạm trù khác không nằm trong bài viết này.]

Nhạc sến không dành cho tầng lớp trí thức ư ? Chưa chắc, âm nhạc rất giống ẩm thực ở chỗ ăn hay nghe đều gắn liền với ký ức, thế hệ sống của một con người. Trước khi trở thành bác sĩ, kỹ sư, giáo sư, nhà khoa học…ai cũng phần lớn xuất thân từ thôn quê, tỉnh lẻ. Ai cũng nhớ món ăn quê mình, ai cũng nghe thứ nhạc khi còn là anh học trò tỉnh lẻ. Khi du học thành tài, thành danh bên cạnh cái văn hóa nào đó được hiểu biết, bên cạnh Mozart, Beethoven, Bachthì thứ nhạc bình dân xóm hẻm, ngõ nhỏ đèn vàng thời trọ học là một phần đời của họ. Họ thích nó, nhớ những câu chuyện của nó bởi đấy chính là ký ức một thời. Người viết từng gặp không biết bao nhiêu nhân vật học, sống, làm việc ở nước ngoài học vị, bằng cấp [ thứ thiệt ] đầy túi, vẫn cùng nhau ôn lại ký ức sống bằng những đêm "nhạc sến" của mình. Bảo nhạc sến không dành cho trí thức, tầng lớp có học vị là nhận định võ đoán. Bảo người trẻ mà nghe hay thích hát nhạc sến là bất thường càng là nhận định hàm hồ. Trước khi thành người già ai không là người trẻ ? Trước khi lên thành phố ai không là người ở quê ? Trước khi thành "hải ngoại" ai không là "quốc nội"?

Nhưng hãy trở lại vấn đề có gì "bất thường" không nếu nhạc sến trường tồn, nếu người trẻ yêu thích nó ?  Một mệnh đề âm nhạc từng được đặt ra với thứ âm nhạc không được coi là "sến": Sau gần một thế kỷ âm nhạc sao hôm nay "nhạc tiền chiến" vẫn còn được hâm mộ ? Nghệ thuật theo nghĩa "dòng chảy" như thế hoặc là đã "nghẽn mạch" hay vì hôm nay âm nhạc quá tệ, đã đánh mất bản sắc của mình, không phát triển được nữa bằng những tác phẩm không đọng lại được gì trong tâm hồn người thưởng thức ?. Âm nhạc là văn hóa phi vật thể, nó là thứ hoặc song hành vĩnh viễn với thời gian hoặc biến mất với thời gian. Không thể cho rằng sau gần một thế kỷ mà thứ nhạc tiền chiến còn tồn tại, còn được lắng nghe là điều "bất thường ". Vậy Mozart, Beethoven, Bach cách nhân loại bao nhiêu thế kỷ. Hôm nay ai còn nghe thứ "đồ cổ" ấy là bất thường? họ là thứ âm nhạc hàn lâm sang trọng ư ? nếu là " hàn lâm" thì có lẽ chỉ " hàn lâm"  với những ai không được sống, được nghe bình thường trong môi trường của xã hội ấy mà thôi. Mozart với Tây phương chắc chắn cũng chỉ bình thường như với The Beatles cách ông vài thế kỷ và giá trị không có định lượng sang hay sến, phổ thông hay hàn lâm.bất thường hay không bất thường.

Âm nhạc hoặc thích hoặc không thích một thể loại nào đó, nó không có khái niệm "sến" hay "sang." Jazz , Pop, Rock hay Country music giá trị như nhau, nó không bao giờ là thứ phân cấp thành phần xã hội.

Thực trạng hôm nay của âm nhạc Việt Nam rất đơn giản : Không có ca khúc đủ làm nhớ [ chưa nói rung động, chấn động gì cả ].Những nhạc sĩ bất tài hoặc từng cho mình có tài nay cũng "kẹt cứng" sáng tạo. Tác phẩm không sống nổi quá một tuần, một tháng, một ngày. Thực trạng ấy dù núp dưới mỹ từ nào, gương mặt nào, biện luận nào cũng vô ích: không có sản phẩm đủ để thành tác phẩm có giá trị thì những giá trị cũ vẫn mãi còn nguyên vẹn.

Nhạc sến tồn tại vì nó là một giá trị.

Nhạc sến có giá trị bởi nó đã song hành với thời gian và ký ức sống của nhiều thế hệ.

Nó bình thường.

Nó không bao giờ là bất thường.

Cái bất thường không nằm ở thể loại, hình thái...

Nó nằm ở sự xưng danh TÁC GIẢ, mà giờ đây hoặc không còn sáng tạo, hoặc không có tác phẩm đủ để công chúng tiếp nhận.

Chỉ thế thôi.


BLOG ĐÀO TUẤN

Giải tâm lý học được trao cho ngành giáo dục với công trình "Cộng điểm cho bà mẹ Việt Nam anh hùng trong các kỳ thi mẫu giáo".

Biên tập viên Marc Abrahams của Tạp chí khoa học hài Annals of Improbable Research (AIR) vừa cho biết Ban tổ chức đã nghiêm túc xem xét lại giải igNobel sau khi nhận được kiến nghị từ phía Việt Nam. "Với tiêu chí "làm người ta cười trước rồi suy nghĩ sau", các công trình nghiên cứu ở Việt Nam hoàn toàn áp đảo so với các giải igNoble của thế giới. AIR quyết định tất cả các hạng mục của ig  Nobel sẽ thuộc về Việt Nam, một tiền lệ chưa từng có"- Marc tyên bố.

Giải Nobel Hòa Bình đồng thời cho ngành y tế Việt Nam và Ban tổ chức chương trình "kết nối niềm tin". Ngành y tế năm nay đoạt giải với công trình nghiên cứu "xử lý tử tù êm ái bằng vaccine". Còn Ban tổ chức chương trình "kết nối niềm tin", với việc mời "trai đẹp bị trục xuất", họ đã chứng minh hoàn hảo rằng những người không có não vẫn có thể sống hoàn toàn bình thường, trừ phi họ suy nghĩ.

Giải kinh tế học được trao cho các nhà nhập khẩu sữa xứ Vịt. Sau khi tiến hành nhập khẩu sữa vào hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, họ phát hiện ra rằng chỉ có ở xứ Vịt, một lon sữa trị giá 100 ngàn đồng mới có thể bán với 900% lợi nhuận. Số phiếu bầu cho các nhà nhập khẩu sữa Việt Nam cũng gấp tới 9 lần lực lượng cảnh sát Myanmar, những người tham gia tranh Nobel kinh tế với công trình "heroin mang lại lợi nhuận 300%".

Giải Nobel sinh học đã thuộc về nhóm các nhà quản lý y tế tại Hoài Đức với công trình nghiên cứu "Chỉ số lý hóa bệnh Parkinson của một cụ già 90 có thể dùng làm căn cứ điều trị cho bệnh ho của một bệnh nhi 6 tuổi cũng như bệnh viêm màng túi của tất cả những người còn lại".

Giải Nobel y học được trao cho Chủ tịch UBND xã Tiến Hóa, Quảng Nam. Các nhà quản lý địa phương ở Tiến Hóa đã xây dựng một "nhà vệ sinh dát vàng" họ vô tình phát hiện rằng người có thể nghiền nát cả những vật liệu siêu bền như bê tông, gạch đá, sắt thép. "Quá trình tiêu hóa cho thấy, dù ăn gì, kết quả tiêu hóa vẫn chỉ là…phân. Điều đó chứng tỏ sức mạnh tuyệt vời của bộ nhá"- một nhà nghiên cứu tuyên bố.

Giải vật lý được trao cho một công trình nghiên cứu của các nhà khoa học tại EVN. Sau hơn hai năm nghiên cứu đập thủy điện Sông Tranh, họ khẳng định rằng: Động đất 5,5 độ richter ở Quảng Nam thực ra không hề ảnh hưởng đến cụ rùa Hồ Gươm. EVN còn có tham gia tranh giải kinh tế với một công trình mang tên: Người ta vẫn lỗ dù tăng giá điện. Người ta vẫn có thể trả lương khủng dù vẫn lỗ. Ban tổ chức giải thích đây là công trình nghiên cứu rất có giá trị, nhưng trong hạng mục kinh tế học, công trình của EVN không thể thiết thực hơn nghiên cứu của Ngân hàng nhà nước "Không thể vàng mắt khi người ta vừa là người mua, vừa là người bán, vừa là cảnh sát thị trường".

Giải ig toán học được trao cho Quốc hội với kết quả nghiên cứu: "Với các thông số tín nhiệm cao, tín nhiệm và tín nhiệm thấp, không bao giờ cho ra kết quả bất tín nhiệm". Bình luận về giải này, GS Ngô Bảo Châu cho biết ông sững sờ với trình độ toán học ngày càng cao của các chính trị gia. Phát hiện này còn có ý nghĩa hơn là giải một bổ đề cơ bản- GS Châu nói, đồng thời ông tuyên bố từ chức Viện trưởng Viện Toán vì xấu hổ.

Giải tâm lý học được trao cho ngành giáo dục với công trình "Cộng điểm cho bà mẹ Việt Nam anh hùng trong các kỳ thi mẫu giáo". Công trình này đạt hiệu quả bất ngờ là mang tới nhận thức mang tính xã hội: Bà mẹ Việt Nam anh hùng cũng không cần nha sĩ như học sinh lớp cháo.

Giải thiên văn học được trao cho doanh nhân Nguyễn Quốc Hòa. Bằng công trình tàu ngầm Trường Sa 1, ông chứng minh rằng để đi đến sao Diêm vương, người ta không nhất thiết phải bay bằng phi thuyền tỷ Obama mà có thể lặn bằng tàu ngầm tỷ đồng ông Cụ.

Các giải igNobel sẽ được trao bằng các cổ phiếu trong nỗ lực thúc đẩy thị trường chứng khoán Việt Nam, cũng là một đề cử kinh tế học với công trình: Không cần bật lửa, người ta hoàn toàn có thể đốt tiền bằng thị trường chứng khoán.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét