Nguồn diendantheky
BLOG QUÊ CHOA
25-09-2013
Bùi Hải - Theo Soha news
Một nghiên cứu đã đưa ra những kết quả rùng mình về nạn nói dối ở Việt Nam.
Trong phiên họp của Uỷ ban Thường vụ QH ngày hôm qua, Phó chủ nhiệm Uỷ ban Các vấn đề xã hội đã công bố một chi tiết đặc biệt: "Có đồng chí Bí thư huyện uỷ phấn khởi báo cáo năm nay huyện em có thêm ba xã nghèo. Có gia đình được đưa ra khỏi danh sách nghèo liền phản đối quyết liệt".
Niềm vui của vị bí thư huyện uỷ kia là...rất thật, vì huyện của ông ta sẽ được cấp thêm kinh phí xoá đói giảm nghèo. Niềm vui được... ở trong diện nghèo của một số gia đình kia cũng rất thật, vì họ đã quen há miệng chờ... sung rụng.
Trước đây, ông chánh án Tòa án nhân dân tối cao Trịnh Hồng Dương, khi đề cập đến tình trạng bất cập của luật pháp, lỡ miệng nói thật: "Ở nước ta án dân sự xử thế nào cũng được". Hơn 10 năm sau đó, câu nói "nổi tiếng" này vẫn được đưa lên "bàn mổ".
Ông Phó chủ tịch UBND Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh cũng nói rất thật tình hình ở Việt Nam hiện nay: "Ở thành phố du lịch thì không thể không có mại dâm". Lời nói thật nhưng thiếu đi sự khôn khéo của một người làm chính trị đã mang lại cho ông nhiều tấn gạch đá.
Lời nói thật của ông Lê Khắc Ghi, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, thể thao và du lịch Đắk Nông cũng được đưa lên trang nhất của nhiều tờ báo cùng những comment mỉa mai của độc giả. Ông Ghi nói thật: "Ngày xưa, mỗi tháng tôi còn đọc vài tờ báo, vài quyển sách chứ những năm gần đây, nói thật tôi không đọc, sách khoa học cũng không chứ đừng nói gì đến báo chí, hoàn toàn không đọc đâu các đồng chí ạ!".
Lời nói thật thì dễ gây cay đắng như thế, nhưng lời nói dối thì lại thì lại có dư vị rất ngọt ngào. Ngọt ngào đến nỗi nó có thể trở thành một trào lưu mới trong xã hội.
GS.TS Khoa học Trần Ngọc Thêm, giám đốc Trung tâm Văn hoá học lý luận và ứng dụng (ĐHQG TP.HCM) vừa công bố một kết quả nghiên cứu rùng mình: Tỉ lệ nói dối cha mẹ của học sinh cấp 1 là 22%, cấp hai là 50%, cấp 3 là 64%, sinh viên là 80%.
Càng lớn, càng học cao càng nói dối khỏe.
Tuy kết quả khảo sát mới chỉ dừng ở vị trí sinh viên, nhưng chỉ cần đọc báo hàng ngày cũng có thể thấy: Bệnh nói dối không hề sợ độ cao. Những thông tin này toàn phát ra từ miệng những người có trách nhiệm cao và độ dối - thật của nó thì hẳn ai cũng biết: Không phát hiện mại dâm ở Quất Lâm, Đồ Sơn; Việc chạy chức ở Hà Nội chỉ là tin đồn thất thiệt; Chỉ phát hiện 1-2 vụ tham nhũng rất nhỏ ở mức xử lý hành chính sau khi tiến hành tới 804 cuộc thanh tra...
Nhà nghiên cứu lịch sử, ĐBQH Dương Trung Quốc khẳng định: "Tôi cho là trong sâu xa, nhiều cán bộ đã đánh mất một phẩm chất rất lớn của con người nói chung, đó là liêm sỉ. Với họ, nói dối, chối tội là việc rất đơn giản và có cảm giác như cơm bữa." Cái nhận định của ông Quốc không mới, chỉ là sự nhắc lại những gì mà dân gian đã nói từ nhiều chục năm trước: Thật thà thẳng thắn thường thua thiệt/ Lọt luồn lươn lẹo lại lên lương.
Mới đây, viện Duma Quốc gia Nga, khi sửa đổi Luật Chống tham nhũng đã phải đưa vào điều khoản: Các quan chức chính phủ bắt buộc phải bị kiểm tra bởi máy phát hiện nói dối. Trước đó, một đợt kiểm tra quan chức nói dối từng diễn ra tại Kazan năm 2007 - kết quả là chính quyền thành phố đã sa thải 80 nhân viên.
Có nên lắp máy phát hiện nói dối công suất lớn ở Việt Nam?
FACEBOOK PHẠM LÊ VƯƠNG CÁC
Vài suy ngẫm về Diễn đàn Xã Hội Dân Sự.
-----
Vào ngày 23 tháng 9 vừa qua, 130 nhân sĩ trí thức uy tín trong và ngoài nước ra "TUYÊN BỐ Về thực thi quyền Dân sự và Chính trị", và qua đó khởi xướng một "Diễn đàn trao đổi và tập hợp các ý kiến nhằm góp phần chuyển đổi thể chế chính trị của nước ta từ toàn trị sang dân chủ một cách ôn hòa" dưới tên gọi "Diễn đàn Xã Hội Dân Sự".
Đó là một việc làm ý nghĩa, mang mục đích tốt, rất đáng hoan nghênh, thể hiện hướng đi hợp thời (dùng XHDS làm nên sự chuyển đổi thể chế chính trị một cách ôn hòa) với công cuộc vận động dân chủ cho Việt Nam.
Tuy nhiên, nếu nhìn vào tên tuổi của hơn 100 nhân sĩ trí thức hàng đầu của đất nước mà chỉ tạo ra một "Diễn đàn" để tập hợp các bài viết trao đổi về XHDS thì cá nhân tôi cho là "uổng phí", vì các lẽ sau:
Thứ nhất, về hình thức, xây dựng "Diễn đàn" trên mạng là một điều rất bình thường. Nó không có gì đặc sắc hay mới lạ, về bản chất của diễn đàn, nó cũng chỉ là một môi trường để mọi người có quyền bày tỏ chính kiến, quyền tự do biểu đạt, tranh luận, trao đổi làm sáng tỏ một vấn đề nào đó...
Về hình thức Diễn đàn như thế này thì trên mạng nhiều vô số kể, từ khi Internet ra đời là đã có những diễn đàn mang mục đích vận động cho một nền Dân chủ ở nước ta.
Thứ hai, về nội dung, Diễn đàn này bàn về các vấn đề liên quan đến XHDS "với mong muốn xã hội dân sự ở nước ta phát triển".
Về nội dung của XHDS thì không còn gì là mới lạ. Đã có nhiều học giả và chuyên gia đã nghiên cứu chuyên sâu về vấn đề XHDS cách đây nhiều năm trước đó. Đối với tôi, tôi cũng đã tiếp cận vấn đề XHDS cách đây khoảng 5 năm. Trong khoảng thời gian từ đó đến nay, tôi cũng chưa thấy một học giả hay một nghiên cứu nào nói khác về XHDS ngoài các thành tố như: trước tiên là ý thức trách nhiệm của một người công dân đối với cộng đồng, sau đó là niềm tin giữa người với người để hình thành nên vốn xã hội và qua đó để có thể tin tưởng nhau mà hợp tác chung sức cống hiến cho cộng đồng, và cuối cùng là nhà nước (yếu tố quan trọng nhất trong tình hình VN hiện nay) cần phải có môi trường đảm bảo cho XHDS phát triển sinh động bằng các công cụ như pháp luật tạo điều kiện cho quyền tự do lập hội, hay các chính sách ủng hộ các hội đoàn dân lập phát triển…
Các giá trị cố lõi và vấn đề căn bản của XHDS đều đã được làm sáng tỏ. Nên vấn đề mấu chốt bây giờ là thể chế toàn trị có chấp nhận hay không mà thôi.
Vì như chúng ta đã biết phong trào, hội đoàn XHDS sẽ không chịu sự kiểm soát của chính quyền, những người nằm trong phong trào, hội đoàn này hành động dựa trên sự tự giác và tự nguyện, không chịu sự ràng thuộc hay "sai bảo" từ chính quyền, mà chính quyền toàn trị thì chẳng bao giờ muốn thế và cũng chẳng để điều này xảy ra.
Cho nên "mong muốn xã hội dân sự ở nước ta phát triển" bây giờ không phải là bàn, hay trao đổi nữa mà hãy HÀNH ĐỘNG đi. Không cần gì phải lớn lao hay quy tụ cho đông, mà hãy làm những việc nhỏ bé và bình thường trong khả năng của mình.
Chẳng hạn, khi ra đường, thấy ai xả rác ngoài đường, mình sẽ lẳng lặng nhặt rác bỏ vào thùng giùm người ta… Nếu hành động này có nhiều người hưởng ứng và ủng hộ thì cứ tập hợp lại thành lập "Hội những người nhặt rác giùm người khác" và lan tỏa nó đi, như vậy vừa tốt cho cộng đồng, vừa giúp nâng cao ý thức môi trường, giúp cho người dân từ bỏ thói quen xấu, và qua đó xây dựng được một phong trào và hội đoàn đúng nghĩa với XHDS. Nếu nhà nước muốn quản lý, hay muốn đưa "Chi bộ" vào để "lãnh đạo" Hội này, thì mình sẽ dẹp luôn, không làm nữa, trả lại việc nhặt rác cho nhà nước, rồi thành lập hội mới để làm việc khác.
Thứ ba, có người nói rằng "Diễn đàn XHDS" là một phong trào XHDS. Tôi đồng ý với quan điểm này và cũng tin rằng những người khởi xướng Diễn đàn này cũng nhằm mục đích tạo ra một phong trào XHDS có tính chất rộng lớn, có tầm ảnh hưởng nhằm "chuyển đổi thể chế chính trị của nước ta từ toàn trị sang dân chủ một cách ôn hòa". Tuy nhiên với cách thức hoạt động hiện nay khi phong trào chỉ là một "Diễn đàn trao đổi và tập hợp các ý kiến" thì tôi e rằng sẽ không có sự tương đồng giữa "mục tiêu và phương pháp" trong thời điểm hiện tại.
Như đã phân tích ở lý do thứ nhất, hiện nay không thiếu diễn đàn để "trao đổi và tập hợp ý kiến". Cho nên xem "Diễn đàn XHDS sẽ mang ý nghĩa của một phong trào dân sự đầu tiên có tính tập hợp và được định hướng phản biện trên diện rộng, đại diện cho một số khá đông trí thức và sinh viên ở Việt Nam" như nhà báo Phạm Chí Dũng đã đánh giá trên BBC, liệu có tham vọng quá không khi mà một Diễn đàn và cũng là một Phong trào mới ra đời, theo đuổi một phương pháp cũ, hoạt động trên mạng, không có gì nổi bật ngoài những nhân sĩ tri thức tên tuổi khởi xướng? Và liệu Diễn đàn này có thể "qua mặt" được các diễn đàn lâu đời trên các cơ quan Truyền thông quốc tế, hay các diễn đàn uy tín hiện nay để là nơi tập hợp các ý kiến phản biện?
Quan sát hoạt động chính trị hiện nay và xu thế vận động dân chủ , theo quan điểm của cá nhân tôi đã qua rồi cái thời kỳ dùng lý luận để tranh luận và phản biện để làm sáng tỏ vấn đề "Thế nào là Dân chủ". Mà đây là thời điểm cho sự tranh đấu "Khi nào Dân chủ sẽ đến và chúng ta sẽ sử dụng Dân chủ như thế nào".
Qua đó cho thấy, Diễn đàn XHDS ra đời vào thời điểm này mà chỉ thể hiện là một diễn đàn dùng để "trao đổi và tập hợp các ý kiến" thì đó là một phong trào "đi chậm hơn" rất nhiều so với các phong trào khác trong công cuộc vận động Dân chủ như NoU, Kiến nghị 72, Tuyên Bố 258…
Dù trong tương lai, cá nhân tôi chưa thể phán đoán Diễn đàn XHDS sẽ "biến thể" sang một hình thái nào, phải chăng là nơi tập hợp tiếng nói phản biện như Viện Nghiên cứu Phát triển IDS ? Nhưng trước mắt, hướng đến dân chủ với cách thức và phương pháp này nó đã không tương xứng với cái tầm, sự uy tín và số lượng của các nhân sĩ trí thức.
Bằng sự kỳ vọng vào một thế hệ tâm huyết đi trước, tôi tin tưởng rằng các vị có thể làm được nhiều hơn thế…
Phạm Lê Vương Các
Mời xem lại: Xã hội dân sự và bản Hiến pháp
BLOG NGUYỄN HỮU VINH
Chạy tội: kích động xung đột tôn giáo
Thông thường, khi để viết về một lĩnh vực, một đề tài nào đó, tờ báo phải cử người tìm hiểu thấu đáo. Thế nhưng với tư duy cả vú lấp miệng em, tờ báo này bất cần thực tế, bất chấp sự thật. Bởi khi báo chí của đảng đã nói, bố thằng dân nào dám cãi. Từ đó, người đọc thấy được bản chất tờ báo, sự ngu xuẩn và hài hước qua các bài viết của họ. Nó đem lại cho người dân những trận cười nghiêng ngả, khi nói gà hóa… diều hâu.
Hãy xem Báo Nghệ An viết về việc giáo dân rước lễ. Rất hài hước, tờ báo này gọi là "Liên hoan kết thúc Thánh lễ" như sau: "Kết thúc Thánh lễ, tất cả mọi người từ các Đức Giám mục đến cộng đoàn Dân Chúa tham dự thánh lễ cùng nhau chung vui trong bữa liên hoan nhẹ bằng một hộp bánh, hoặc dùng tại chỗ, hoặc mang về đơn giản, gọn nhẹ mà chân thành, thân mến". Nghe kể chi tiết này, một chị nông dân đang uống nước chè xanh, vội vứt bát và ho sặc sụa rồi nói lớn: "Sao có thằng nào mà viết được những cái hay ho như thế?" Chị nông dân này muốn chơi chữ, bởi nghe những lời này, không ai mà không "ho".
Những bài viết vừa qua của báo Nghệ An về các vụ việc đối với Công giáo, hầu hết một giọng dọa dẫm, áp đặt, kích động mà bất chấp sự thật, bất chấp lòng dân. Thậm chí, họ bất chấp cả mối nguy hiểm đối với cả dân tộc kích động không khoan nhượng và sự chia rẽ mâu thuẫn tôn giáo trong nội bộ nhân dân. Tất cả những việc đàn áp giáo dân, những tội ác nhà cầm quyền gây ra cho người Công giáo, hệ thống tuyên truyền của đảng đề gắn cho "Bên lương" và họ coi những tội ác họ gây ra đó, là sự xung đột lương – giáo.
Đây là một sự đánh tráo khái niệm, bóp méo sự thật hết sức bẩn thỉu và nguy hiểm cho đất nước, dân tộc Việt Nam. Điều này nhằm trốn tội, chạy tội của nhà cầm quyền, kích động bài trừ, xung đột tôn giáo trong nội bộ nhân dân.
Chửi đểu chính thầy mình
Trên đất Nghệ An, nơi được cho là có quê hương ông Hồ Chí Minh, một nhân vật có một quá trình hoạt động phức tạp, lý lịch mù mờ từ đời ông nội trở đi. Sự mù mờ không nhất quán từ ngày sinh đến ngày mất, từ các tư liệu đời tư đến việc công… Đó chính là màn sương được đảng CS phủ lên nhằm thần thánh hóa một con người. Việc thần thánh hóa một con người bình thường, nhằm tạo một vỏ bọc, một biểu tượng làm ô che, lọng đỡ cho Đảng cộng sản - một tổ chức ngày càng thối nát và mất lòng tin đến tận cùng.
Tất cả những nơi Hồ Chí Minh được cho là đi qua, đều trở thành "Nơi tưởng niệm", mọi vật dụng, đều trở thành thánh thiêng. Thi hài rữa nát được bảo quản hết sức công phu và tốn kém. Để lớp sương mờ càng dày đặc trở nên bí hiểm, đảng CS đã không tiếc tiền đổ ra cho cái gọi là "Học tập tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh" suốt mấy năm qua để tô vẽ, bôi trát. Nếu có ai động đến Hồ Chí Minh sẽ không khác gì động đến Đấng Alah của những kẻ hồi giáo cực đoan.
Duy nhất, có tờ Nghệ An, bất chấp những màn "thánh thiêng" mà đảng đã tạo ra quanh Hồ Chí Minh, thậm chí chơi xỏ ông khi cần thiết cho công việc xuyên tạc và phục vụ mục đích bẩn thỉu của mình.
Ngày 23/9/2013, báo Nghệ An có bài viết "Lợi dụng trẻ em - mưu đồ chính trị!". Bài viết nhằm nói lên sự tức tối, hậm hực khi thấy các hoạt động liên đới với các nạn nhân của nhà cầm quyền tại Mỹ Yên những ngày nơi đây lâm nạn. Báo Nghệ An viết là trẻ em "bị "thôi miên" quỳ dưới ánh nến, hồn nhiên giơ cao những tờ giấy A4 có những dòng chữ với nội dung xuyên tạc, kích động, chống đối chính quyền "Thắp lửa tình yêu trong bóng tối bạo quyền", "Đàn áp dân là tả quyền", "Chính quyền Nghệ An lừa dối dân", "Tự do công lý cho Mỹ Yên", "Lên án hành động vu cáo của truyền thông Nghệ An", "Nhân phẩm và Nhân quyền", "Công an + côn đồ 2 trong 1"…".
Dù với lời lẽ nào, thì đoạn văn trên đây cũng đã nêu bật được nội dung những điều giáo dân đã muốn gửi gắm qua vụ Mỹ Yên đến những người tiếp xúc tờ báo này để họ suy nghĩ xem những nội dung trên đúng hay sai trong xã hội. Song gắn vào miệng trẻ em những điều không có thật, thì đó là sự bẩn thỉu của tờ báo Đảng. Bởi, trẻ em đâu có bị "thôi miên" dưới ánh nến? Nếu có, chỉ là sự sáng tỏ hơn, ánh nến đã xua tan bóng tối ở đó, bóng tối mà nhà cầm quyền mong muốn.
Thực tế, ở Giáo xứ Bình Thuận, các trẻ em ở đây đã hiệp thông cùng với giáo dân Mỹ Yên bằng những câu khẩu hiệu như sau: "Giáo xứ Bình Thuận sát cánh cùng Giáo xứ Mỹ Yên", "Giáo xứ Bình Thuận đồng hành cùng Giáo xứ Mỹ Yên", "Công an, côn đồ: Hai trong một", "Giáo xứ Bình Thuận phản đối hành vi phạm Thánh", "Nhân phẩm, Nhân quyền", "VTV: Vua tin vịt". Có thể nói, với những khẩu hiệu đó, không cần ai, chính nhà cầm quyền Nghệ An tự cảm nhận được sự thật từ đó.
Có lẽ cơn hận thù, cuồng bạo và mù quáng đã làm cho tờ báo không còn biết đâu là sự thật. Hoàn toàn ở đó không có những câu mà Báo Nghệ An cho là có "nội dung xuyên tạc, kích động, chống đối chính quyền "Thắp lửa tình yêu trong bóng tối bạo quyền", "Đàn áp dân là tả quyền", "Chính quyền Nghệ An lừa dối dân", "Tự do công lý cho Mỹ Yên", "Lên án hành động vu cáo của truyền thông Nghệ An" . Những khẩu hiệu này đã xuất hiện nhiều nơi ở Nghệ An, đó là nguyện vọng, là ý chí cũng như thực tế đã xảy ra với những hành động của nhà cầm quyền vừa qua. Nhưng việc gắn cho trẻ em, thì đây chỉ là sản phẩm của sự bịa đặt có nghề của tờ báo này. Thậm chí họ còn hiểu sai nên viết lại rằng: "Đàn áp dân là tả quyền". Quả là dân xứ Nghệ dám vượt mặt chơi chữ làm cho báo Đảng khó hiểu. Điều này cần giải thích lại cho báo Nghệ An được hiểu. Câu khẩu hiệu đó nguyên văn "Đàn áp dân là tà quyền", (chữ TÀ chứ không phải chữ TẢ) thưa báo Nghệ An. Người dân muốn nói rằng: Ở đây, khi đàn áp người dân bằng bạo lực, thì đó không còn là "Chính quyền" – quyền lực của sự công minh, chính đại mà là một "Tà quyền" – nghĩa là quyền lực của sự đen tối.
Đọc tiếp bài báo, trừ những kẻ kém hiểu biết, những người còn lại, có đôi chút trí nhớ hoặc được học đâu đó ít chữ, đều hiểu rằng Báo Nghệ An đã chửi đểu Hồ Chí Minh.
Bài báo viết tiếp: "Tâm hồn trẻ em được ví như tờ giấy trắng. Chúng ta, những người lớn, viết hay vẽ lên đó hình ảnh, nội dung gì, thì tờ giấy đó sẽ là niềm vui, nỗi buồn, sẽ thành "tiên nữ hay phù thủy". Điều này thì tờ báo nói đúng, trẻ em là sản phẩm của nền giáo dục là hiển nhiên. Chính vì thế, ngày nay trước những hiện tượng suy đồi của ngành giáo dục, học sinh đánh thầy, lột áo đánh bạn, con đánh cha, xã hội suy đồi, đạo đức hỗn loạn, tham nhũng trầm trọng, xã hội đảo điên… người ta tự hỏi rằng đây có phải là sản phẩm của "một nền giáo dục hoàn toàn Việt Nam" mà cách đây gần 70 năm trước (1945) trong Thư gửi học sinh ngày khai trường, Hồ Chí Minh đã khẳng định? Và có phải thế hệ lãnh đạo ngày nay đầy tham nhũng và suy đồi kia chính là thế hệ đã từng được kêu gọi:
Các cháu hãy xứng đáng
Cháu Bác Hồ Chí Minh. (Thư Trung thu ngày 25/9/1952)
Để chơi sát ván hơn nữa, bài báo nêu ra: "Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng dành muôn vàn tình yêu thương cho con trẻ "sữa để em thơ, lụa tặng già". Người nói "Trẻ em như búp trên cành, biết ăn, biết ngủ biết học hành là ngoan".
Có lẽ, nếu chỉ nêu những câu chung chung như trên, hẳn người đọc chỉ liên tưởng đến vài điều xa xôi, song khi tờ báo đưa hai câu thơ trên, hẳn muốn nhắc lại cả bài thơ trong đó Hồ Chí Minh kêu gọi:
Vậy nên trẻ em nước ta
Phải đoàn kết lại để mà đấu tranh
Đấu tranh là gì? Là súng, đạn, là "bạo lực cách mạng", là "chuyên chính vô sản" theo đúng Chủ nghĩa Mác – Lenin. Là ám sát, là thủ tiêu bọn "ác ôn".
Trong "Thư gửi nhi đồng trong nước và ngoài nước nhân ngày 1-6" của Hồ Chí Minh thì "Bác còn đặc biệt "gửi lời khen ngợi các cháu trong vùng bị tạm chiếm đã hăng hái tham gia kháng chiến"" ("Báo Nhân Dân số 115, từ ngày 1 đến 5-6-1953"). Như vậy, là thiếu nhi, trẻ em đã được Hồ Chí Minh huy động vào cuộc chiến, cuộc chiến của những người lớn, của những người có suy nghĩ đầy đủ, đẫm máu.
Và hậu quả là gì?
Những "tấm gương" trẻ em được Đảng và nhà nước luôn nêu gương như sau: Xin trích web của Thành đoàn Đà Nẵng:
- Hồ Văn Mên: Đến năm 13 tuổi, Mên đã 3 năm làm cách mạng, tham gia 7 trận lớn nhỏ, diệt 79 tên địch bao gồm các thứ lính, sĩ quan Mỹ, ngụy, cùng nhiều xe cơ giới của địch. Trận đánh nổi tiếng nhất là trận diệt hơn 59 tên sĩ quan và binh lính ngụy ở sòng bạc Phú Văn. (Chắc là 59 tên rưỡi người Việt Nam? Nghĩa là Mên biết giết người khi mới 10 tuổi)
- Kơ-pa Kơ-lơng: viết: "Em đã giết ba mươi bốn tên Mỹ Ngụy, phá được tám xe cơ giới. Nay em đã lớn, xin cấp trên cho em được làm giải phóng quân". Năm 15 tuổi, Kơ-lơng đã đánh 30 trận, giật 12 quả mìn, lật nhào 8 xe cơ giới, diệt 88 tên địch, trong đó có 4 tên xâm lược Mỹ. (Vâng, chỉ có 4 tên xâm lược Mỹ, còn lại là người Việt Nam)…
Vâng, "Sống trong môi trường giáo dục không lành mạnh, hay bị nhồi nhét những suy nghĩ lệch lạc, lớn lên ắt con người cũng sẽ đánh mất tính thiện". Vậy thì đâu có lạ gì chuyện cháu giết bà, con giết mẹ, vợ đốt chồng ngày nay. Vì đâu mà thế hệ Hồ Chí Minh bạo lực lan tràn từ học đường đến gia đình, đến công sở, chốn thành thị đến thôn quê.
Hôm nay, thiếu niên, học sinh Bình Thuận cùng nhau dâng lời cầu nguyện cho hòa bình, an ủi, cảm thông, tỏ lòng yêu thương đối với anh chị em đồng bào, đồng đạo mình bị nạn, thì Báo Nghệ An qua đó để tố cáo hành động "Lợi dụng trẻ em – mưu đồ chính trị" đã xảy ra trên thực tế ở Việt Nam.
Thánh đã mất linh?
Từ xưa đến nay, mỗi khi động đến nhân vật Hồ Chí Minh, thần thánh của Đảng, các cơ quan từ trung ương, đến địa phương, thậm chí mỗi phóng viên, đều rùng mình, cẩn thận và dè dặt.
Đọc bài báo Nghệ An hôm nay, những hành động, cách nói, trích dẫn đã dẫn người đọc đi đến việc tìm sự thật: Ai đã lợi dụng trẻ em cho mưu đồ chính trị? Và câu hỏi không khó trả lời qua chính những dữ liệu bài viết cung cấp: Hồ Chí Minh.
Có phải báo Nghệ An mắc căn bệnh "Gần chùa gọi Bụt bằng anh" như trong dân gian thường nói? Cũng có thể.
Phải chăng, những người làm báo Nghệ An không biết rằng khi rút dây, sẽ động rừng, khi nói người hãy nhìn lại mình?
Phải chăng? Đến thời điểm này, khi đảng không còn là một đám thần thánh, thì mọi việc đều có thể mổ xẻ, bất kể đó là ai, vì "mọi người đều bình đẳng trước pháp luật". Vì thế, hành động "Lợi dụng trẻ em, mưu đồ chính trị" phải bị vạch trần và báo Nghệ An đang dẫn đầu việc đó, bắt đầu từ hành động và việc làm của Hồ Chí Minh?
Thật hài hước khi lo xắn váy quai cồng lên chửi việc làm chính nghĩa của người khác, báo Nghệ An đã vô tình lộ ra và hình ảnh và hành động của Hồ Chí Minh qua những ngôn từ vu cáo bẩn thỉu độc địa của mình đang phun ra.
Âu rằng đó cũng là quả báo nhãn tiền, khi sự thù hận và dối trá che lấp trí khôn và trí tuệ con người.
Hà Nội, Ngày 24/9/2013
J.B Nguyễn Hữu Vinh
BLOG ĐÀO TUẤN
Ở nhiều địa phương 1 hộ nghèo "được" chụp 5 bức ảnh, ở 5 góc độ khác nhau để những người xóa nghèo làm 5 bộ hồ sơ khác nhau giải ngân giảm nghèo.
Tháng 6 năm nay, sau khi "sự biến nhà vệ sinh dát vàng" ở một trường tiểu học miền núi được đưa ra dư luận, báo chí phát hiện ra vô số những tréo ngoe trong việc thực hiện các chương trình, dự án gắn với mục tiêu tốt đẹp là xóa nghèo. Trong những tréo ngoe đó, kỳ cục nhất là chuyện một trường học nhỏ, ở một xã miền núi xa lắc xa lơ, với chỉ trên 300 học sinh, có tới 3 khu nhà vệ sinh thuộc 3 dự án khác nhau.
Tại sao nhà vệ sinh "chương trình" lại đắt như dát vàng?
Tại sao trong khi nhiều trường học "lấy bờ rào làm nhà vệ sinh" thì có trường lại có tới 3 nhà wc?
Câu trả lời, đã được giải đáp vào ngày hôm qua, khi những điều được gọi mềm mại dễ nghe là tồn tại, được "nói thẳng nói thật" trong phiên giải trình liên quan đến giảm nghèo.
Trong hàng trăm trang báo cáo của đủ các bộ ngành, xuất hiện mỏng manh một tài liệu dưới tiêu đề "Một số ý kiến phản biện" báo cáo của Bộ trưởng. Tác giả: Một Chuyên gia độc lập về phản biện.
Chúng ta nhìn thấy trong đó nhiều câu chữ có tính chất đánh giá: Báo cáo thì "liệt kê"; Nguồn lực thì "khan hiếm"; Trong khi chương trình, chính sách thì "nhiều và chồng chéo". Thực nhận chỉ "10%" vốn dự kiến.
Hóa ra, có tới 70 chính sách liên quan đến xóa đói giảm nghèo. Nhưng trong giảm nghèo trong lĩnh vực y tế chẳng hạn, lại đang tồn tại nguyên lý "Chia sẻ vùng nghèo cho vùng giàu" mà con số kết dư BHYT ở một tỉnh nghèo lên tới 700 tỷ là ví dụ sinh động nhất.
Hóa ra, nguồn vốn thì lớn, trong khi đó người nghèo muốn vay mua một con bò chỉ được vay 5 triệu "làm sao mà nuôi". Đi xuất khẩu lao động cần 100 triệu tiền cược chỉ cho vay 20 triệu "làm sao mà đi".
Hóa ra việc phân nguồn vốn là "ấn từ trên ấn xuống" không cần quan tâm đến nhu cầu thực tế, chẳng hạn ngôi trường mục tiêu đã có bao nhiêu cái nhà vệ sinh.
Hóa ra nguồn tiền quốc tế được coi như tiền chùa, rơi hết vào dự án, vào tư vấn.
Nếu phải tìm một ví dụ, thì đó là con số mà Phó chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội đã không vô tình xếp cạnh nhau: Nguồn vốn giảm nghèo mỗi năm: 90 ngàn tỷ. Kết quả xóa nghèo mỗi năm: 500 ngàn hộ. Mỗi hộ nghèo, trên lý thuyết sẽ được hưởng ít nhất 180 triệu. Và "báo cáo từ các địa phương", mỗi hộ nghèo chỉ tiếp cận được 10-15 triệu.
3 cái nhà vệ sinh là chuyện "chỉ có ở Việt Nam". Nhưng con số 3 chưa phải là kỷ lục cuối cùng của sự bất cập. Có một chi tiết đã được nhắc tới trước nghị trường: Ở nhiều địa phương 1 hộ nghèo "được" chụp 5 bức ảnh, ở 5 góc độ khác nhau để những người xóa nghèo làm 5 bộ hồ sơ khác nhau giải ngân giảm nghèo.
Trong tờ phản biện mỏng tang, nhiều nhất là các từ "yếu kém", "tồn tại", và tất nhiên, hai từ "trách nhiệm".
Nếu thực sự có cái gọi là trách nhiệm, có lẽ, tất cả những điều trên đã không cần phải được đặt ra.
Nói đến số liệu, không thể không nhắc lại phát ngôn nổi tiếng của Bộ trưởng Bùi Quang Vinh, rằng Số liệu "có thể chưa chính xác nhưng độ tin cậy về cơ bản có thể chấp nhận được"
Phó Thủ tướng Chính phủ từng đưa ra một con số định lượng, rằng có tới "30% công chức sáng cắp ô đi, tối cắp ô về". Phó trưởng ban dân vận TƯ dẫn "những người bị quan" cho rằng "tỷ lệ người làm "gánh" cả phần người ngồi chơi là 50-50". Còn tư lệnh ngành nội vụ thì khẳng định "Số không hoàn thành nhiệm vụ chỉ trên dưới 1%".
Phó Thủ tướng không nói chơi. Bộ trưởng cũng không nói đùa. Còn nhân dân thì chỉ biết là có hai, ba con số khác nhau, dù chỉ cùng một tình trạng.
Có thể, "công chức cắp ô" khác với "không hoàn thành nhiệm vụ", bởi thực tế, ít người không hoàn thành nhiệm vụ chỉ vì "sáng cắp ô đi tối cắp ô về". Nhưng trong một lĩnh vực cần sự chính xác tuyệt đối như chuẩn nghèo chẳng hạn, lại đang có những sự khác biệt tính bằng chỉ số %. Tỷ lệ hộ nghèo là một ví dụ. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tỷ lệ hộ nghèo của cả nước năm 2012 là 11,1%, trong khi đó cũng là tỷ lệ hộ nghèo, cũng năm 2012, con số của Bộ LĐ-TB&XH là 9,6%.
1,5% chênh lệch, có nghĩa là hàng triệu hộ chứ không ít.
Ngay chỉ tiêu việc làm, con số Tổng cục thống kê đưa ra hồi tháng 5 là 1.347.000 người có việc làm mới còn của Bộ Lao động là 1.520.000.
Và nói đến số liệu, không thể không nhắc lại phát ngôn nổi tiếng của Bộ trưởng Bùi Quang Vinh, rằng Số liệu "có thể chưa chính xác nhưng độ tin cậy về cơ bản có thể chấp nhận được".
Thế nào là chưa chính xác nhưng có thể tin cậy. Rất khó giải thích.
Hôm qua, tại phiên họp toàn thể của Ủy ban các vấn đề xã hội, lại có hàng loạt con số khác nhau được "bêu dương" như những bằng chứng về sự tồi tệ của thống kê.
Mỗi năm, trên báo cáo, hơn 1 triệu lượt người được dạy nghề. Nhưng 50% trong độ tuổi 15-34 đang thất nghiệp.
Đăng ký thất nghiệp giảm tới 20 ngàn người. Nhưng đối tượng hưởng trợ cấp thất nghiệp tăng 16 ngàn.
Thậm chí, câu hỏi còn được đặt ra với con số đẹp như báo cáo: 100% trẻ em dưới 6 tuổi được khám chữa bệnh miễn phí.
Trước nghị trường, thứ trưởng Bộ KH và ĐT Nguyễn Duy Đông bắt đầu bằng câu "bộ trưởng yêu cầu số liệu phải thực". Ông bật mí "Nội bộ cũng cam go với nhau từng con số. Các vụ viện đấu tranh trên tình thần xây dựng nhưng cũng rất thẳng thắn".
Hóa ra, vấn đề là ở chỗ 60% số liệu do Bộ KH và ĐT công bố, 40% còn lại do các bộ, ngành, địa phương và dù chung tiêu chí đánh giá, cứ hễ có hai cơ quan đánh giá là có những số liệu khác nhau với sai số từ hàng trăm ngàn đến hàng triệu.
Tất nhiên, những con số dù khác nhau, cũng có những điểm chung nhất định: Đó là sự tù mù. Đó là nụ cười khẩy của nhân dân. Và những chính sách vỗ tay lên trán 7 ngày không biết căn cứ vào số liệu nào để ban hành cho sát với thực tế.
Tháng trước, báo chí, với một vẻ hân hoan không che dấu, đưa tin rằng Hot boy từng đoạt huy chương vàng Olympic toán sẵn sàng bảo lưu việc học để có được cơ hội bước vào ngôi nhà chung của "làng mẫu Việt".
Ồ, ra là vấn đề con người khi Olympic toán thích làm người mẫu hơn là làm toán.
Nhưng không chỉ chuyện nhân sự ngành thống kê- nhân tố chính thứ trưởng Đông thừa nhận "năng lực không thể khẳng định đã đáp ứng được", với những thông số chênh lệch quá xa như thế, ngay cả GS Ngô Bảo Châu có lẽ cũng sẽ phải lắc đầu. Không ai muốn nói thật cả, nguyên do địa phương bộ ngành nào cũng muốn có thành tích là hoàn thành nhiệm vụ, để trong các báo cáo gửi thành tích gửi Bộ trưởng Nội vụ, sẽ có một con số được nêu ra: chỉ có 1% cán bộ không hoàn thành nhiệm vụ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét