Thứ Ba, 21 tháng 1, 2014

BBC. Miền Bắc có tuyên bố Hoàng Sa của TQ?

Nguồn BBC

Cập nhật: 09:32 GMT - thứ hai, 20 tháng 1, 2014

Bản đồ có 'Tây Sa, Nam Sa' mà Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói là của chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa

Năm 1980, Bộ Ngoại giao Trung Quốc có công bố một tài liệu với tên gọi "Chủ quyền không tranh cãi của Trung Quốc đối với hai quần đảo Tây Sa và Nam Sa".

Tài liệu này có một tiểu mục với tựa "Sự man trá của chính quyền Việt Nam", trong đó chỉ ra những bằng chứng cho thấy trước năm 1979, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã nhiều lần tuyên bố Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Trung Quốc.

Ngoài công hàm gây tranh cãi của Thủ tướng Phạm Văn Đồng năm 1958, tài liệu này còn dẫn nhiều tuyên bố của các quan chức chính phủ miền Bắc, trong đó có của Thứ trưởng Ngoại giao Ung Văn Khiêm:

"Ngày 15/6/1956, trong khi tiếp đại diện lâm thời của Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam, Lý Chí Dân, Thứ trưởng Ngoại giao Ung Văn Khiêm của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa nói với ông rằng: "Theo dữ liệu của Việt Nam, quần đảo Tây sa và quần đảo Nam Sa về mặt lịch sử là một phần lãnh thổ của Trung Quốc."

Bên cạnh đó, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng chỉ ra một tuyên bố khác vào năm 1965 của miền Bắc:

"Trong tuyên bố ngày 9/5/1965 về việc chính phủ Mỹ quy định vùng chiến sự cho lực lượng của họ tại Việt Nam, chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa nói ... 'Tổng thống Mỹ Lyndon Johnson đã chỉ định ... một phần của lãnh hải của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa trong quần đảo Tây Sa của Trung Quốc làm "vùng chiến sự" của lực lượng vũ trang Hoa Kỳ'."

Cuốn sách "Cuộc tranh chấp Việt - Trung về hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa" của ông Lưu Văn Lợi do Nhà xuất bản Công an Nhân dân Hà Nội phát hành năm 1995, xác nhận cả hai tuyên bố này:

"Việc nói Tây Sa là của Trung Quốc trong bản tuyên bố của chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trong tuyên bố năm 1965 về việc Mỹ quy định khu vực chiến đấu của quân Mỹ hay câu nói của Thứ trưởng Ngoại giao Ung Văn Khiêm về Tây sa là có thật," ông Lợi viết.

Ngoài ra, tài liệu của Bộ Ngoại giao Trung Quốc còn kèm theo một tấm bản đò thế giới do Cục Đo đạc và Bản đồ thuộc Phủ Thủ tướng Việt Nam [Dân chủ Cộng hòa] xuất bản năm 1972 trong đó ghi Tây Sa và Nam Sa theo tên Trung Quốc.

Tài liệu này còn nói các bản đồ của miền Bắc trong các năm 1960 và 1974 cũng ghi rõ Tây Sa và Nam Sa là lãnh thổ của Trung Quốc.

Nhân dịp 40 năm hải chiến Hoàng Sa, BBC đã có cuộc phỏng vấn sử gia, đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc, về những tài liệu này.

'Nhiều chính thể, một Tổ quốc'

Công hàm năm 1958 của Thủ tướng Phạm Văn Đồng vẫn còn là vấn đề gây tranh cãi

BBC: Trước năm 1975, quan điểm của miền Bắc về vấn đề chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa là như thế nào, thưa ông?

Sử gia Dương Trung Quốc: Tôi nghĩ rằng tùy vào hoàn cảnh lịch sử của Việt Nam, có những thời kỳ có nhiều lực lượng chính trị khác nhau.

Ngay từ thời kỳ xa xưa, như Trịnh-Nguyễn phân tranh, Việt Nam vẫn là một nước Đại Việt thống nhất.

Hay như sau hiệp định Genève, hai miền Nam Bắc dù có bị chia cắt bởi vĩ tuyến 17, thì về nguyên lý, nước Việt Nam vẫn là thống nhất, với quy định là 2 năm sau thì tổng tuyển cử.

Tôi nghĩ vào thời điểm năm 74, chính phủ Việt Nam Cộng hòa đã thực thi đúng nhiệm vụ của mình được quốc tế đảm bảo.

"Những quan hệ được xây dựng từ trong thời kỳ chiến tranh chống Pháp thì có thể tạo ra một điều mà tôi có thể nói thẳng là sự mất cảnh giác."

Tổ quốc Việt Nam thì chỉ có một, còn chính thể thì có thể có nhiều, và đó là trách nhiệm của bất kỳ chính thể nào đối với lãnh thổ của Tổ quốc.

BBC: Ngoài công hàm năm 1958 của Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Trung Quốc cũng đưa ra nhiều tài liệu để nói miền Bắc đã nhiều lần công nhận Hoàng Sa thuộc chủ quyền Trung Quốc, như tuyên bố của Thứ trưởng Ngoại giao Ung Văn Khiêm năm 1956, tuyên bố năm 1965 về vùng chiến sự của Mỹ, hay các bản đồ mà Việt Nam Dân chủ Cộng hòa sử dụng trong các năm 60,72,74.

Ông nghĩ gì về những tài liệu này và giá trị pháp lý của chúng?

Sử gia Dương Trung Quốc: Chúng tôi thì chưa được tiếp cận với bản gốc, thế nhưng nếu những điều đó có xảy ra thì cũng không có gì là lạ.

Bởi vì vào thời điểm đó thì chúng ta đều biết rằng Việt Nam đang diễn ra một cuộc chiến tranh, và rõ ràng Trung Quốc đang là đồng minh trực tiếp của miền Bắc Việt Nam.

Thêm vào đó, những quan hệ được xây dựng từ trong thời kỳ chiến tranh chống Pháp thì có thể tạo ra một điều mà tôi có thể nói thẳng là sự mất cảnh giác. Đó là chỗ mà người Trung Quốc, vốn thâm hiểm, muốn khai thác.

Nhưng nếu nhìn vào chiều dọc lịch sử và tính liên tục của nó thì ta có thể thấy rất nhiều bằng chứng là Việt Nam đã thực thi chủ quyền của mình, từ thời kỳ quân chủ, và trước đó là các chúa Nguyễn.

Chúng ta cũng biết là người Pháp khi biến Việt Nam thành thuộc địa cũng thực thi quyền ngoại giao của mình và khẳng định tất cả.

Quan trọng nhất là đến năm 1974, sự hiện diện của quân đội Việt Nam Cộng hòa trên Hoàng Sa nói riêng và các đảo trên Biển Đông nói chung thì hết sức rõ ràng. Trận chiến năm 1974 cũng rất rõ ràng.

Vào thời điểm đó, theo Hiệp định Genève thì lãnh thổ nào của Việt Nam ở sau vĩ tuyến 17 thì đều thuộc quyền quản lý Việt Nam Cộng hòa.

Đương nhiên người Trung Quốc sẽ tìm mọi chi tiết để chứng minh, nhưng nếu nhìn theo tổng thể lịch sử và cái tính liên tục của nó thì tôi nghĩ rằng những chi tiết không quan trọng.

Bài học lịch sử

Chính quyền trong nước vẫn còn dè dặt trong việc tưởng niệm tử sỹ Hoàng Sa

BBC: Ông cho rằng việc thay đổi quan điểm trong việc vinh danh tử sỹ Hoàng Sa thì có thể giúp gì cho Việt Nam trong việc đòi lại chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa trong tương lai?

Tôi cho rằng trước hết là cần phải rút ra bài học lịch sử, nhất là trong quan hệ với phương Bắc.

Nếu đọc kỹ lịch sử, chúng ta thấy là khi nào trong nước có mâu thuẫn, không ổn định, không đoàn kết thì mất nước. Họ luôn khai thác điều đó.

Tôi nghĩ rằng để bảo vệ chủ quyền của Việt Nam, kể cả những vùng Trung Quốc đã chiếm đóng thì việc đầu tiền là người Việt Nam phải biết đoàn kết với nhau, thống nhất về ý chí rằng đó là lãnh thổ của chúng ta.

Còn về thời gian thì chúng ta phải chấp nhận một quá trình mà trong thế giới hiện đại ngày nay, chúng ta không thể không dựa vào những cam kết, những luật quốc tế để giải quyết vấn đề một cách cơ bản, không chỉ đối với quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc mà còn quan hệ giữa Trung Quốc với khu vực có liên quan.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét