Thứ Năm, 9 tháng 1, 2014

Hành trình cuối đông của Tiêu Dao Bảo Cự, bút ký về chuyến đi xuyên Việt năm 1988 - Trích đoạn 9

Nguồn facebook Tiêu Dao Bảo Cự

HUẾ :
TRANH LUẬN VỀ PHƯƠNG PHÁP ĐẤU TRANH CHO TỰ DO DÂN CHỦ.
TRẦN VÀNG SAO CHỬI « MẢ CHA CHUỘC ĐỜI QUÁ VÔ HẬU ».
NGUYỄN KHOA ĐIỀM KHÔNG ĐƯỢC HỌP BAN THƯ KÝ HỘI NHÀ VĂN.
HỮU LOAN « HÂN HOAN NHƯ MỘT CHIẾC MUI XE ».
PHÙNG QUÁN « ĐẼO NÕ LÀM THẬP TỰ ».
LANGBIAN « TƯỚNG ĐÃ RA NGOÀI BIÊN ẢI THÌ CÓ THỂ KHÔNG TUÂN LỆNH VUA »
(Trong Hành trình cuối đông của Tiêu Dao Bảo Cự, bút ký về chuyến đi xuyên Việt năm 1988. Trích đoạn 9)
....
Trong cuộc tranh luận này (về đấu tranh đòi tự do báo chí, xuất bản, dân chủ và đổi mới thực sự), đoàn văn nghệ Langbian kiên trì và củng cố thêm quan điểm của mình. 

Bùi Minh Quốc: Về nội dung và cả phương pháp, chúng tôi hoàn toàn làm đúng nghị quyết của Đảng. Nếu có người nói làm như thế là vận động thì cũng không ai cấm đảng viên đi vận động thực hiện nghị quyết của Đảng. Chúng tôi ở trong một tình thế phải làm mạnh vì từ trước đã "năn nỉ, xin xỏ" mãi rồi mà không được. 

Bảo Cự: Chúng ta đang giải quyết một tình huống bất thường chứ không phải bình thường. Cũng như nông dân sáu tỉnh đồng bằng sông Cửu Long biểu tình là vì bị áp bức, cướp ruộng đất. Trí thức văn nghệ sĩ cũng phải có phản ứng khi bị kềm hãm, tước đoạt tự do báo chí, tự do tư tưởng. Trong cách làm phải có lực lượng xung kích, có sự hy sinh cần thiết. Không có sự hy sinh nào vô ích. Tỉnh táo nhưng phải quyết liệt đẩy vấn đề đến triệt để. Nếu đang có tổ chức, phải phát huy hết tác dụng của tổ chức. 

Trong quá trình đang tranh luận, lúc 10 giờ sáng ngày 26-11-1988, Phan Văn Khuyến nhận được điện thoại của Cù Huy Cận, chủ tịch Uỷ ban Trung ương Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Việt Nam từ Hà Nội gọi vào. Cù Huy Cận thông báo: Do Ban tuyên huấn Đaklak và Tỉnh uỷ Nghĩa Bình điện ra Trung ương báo cáo về chuyến đi của đoàn văn nghệ Lâm Đồng và ý kiến chỉ đạo của Ban bí thư Trung ương Đảng, nên sau khi có ý kiến của đồng chí Đào Duy Tùng, bí thư Trung ương Đảng phụ trách khối tư tưởng và trao đổi với đồng chí Trần Trọng Tân, trưởng Ban Tuyên huấn Trung ương, UBTƯLHVHNT yêu cầu các hội muốn bày tỏ ý kiến gì nên viết báo, kiến nghị với tư cách cá nhân, tổ chức mình, không nên làm gì gây phức tạp thêm tình hình khi tiếp xúc, làm việc với đoàn văn nghệ Lâm Đồng. 

Cùng với việc gọi điện thoại trực tiếp này (không chỉ gọi cho Hội Văn nghệ Bình Trị Thiên mà còn gọi cho cả mấy tỉnh ở miền Trung vì chưa biết rõ đoàn Lâm Đồng đang đi đến đâu), ông Cù Huy Cận còn cho biết đã gởi một công văn cho tất cả các hội văn nghệ và các ban tuyên huấn tỉnh, thành, trong cả nước. 

Mặc dù nhận được cú điện thoại bất ngờ đó, chiều 26-11-1988, lãnh đạo Hội Văn nghệ Bình Trị Thiên và tạp chí Sông Hương vẫn ký chung với Lâm Đồng một bản kiến nghị bốn điểm về việc giải quyết các vướng mắc trong hoạt động của các hội văn học nghệ thuật và các tạp chí văn nghệ địa phương, trong đó nhấn mạnh đến quyền ra báo, tạp chí văn nghệ để giải quyết những vấn đề vướng mắc. 

Cũng trong ngày này và hôm sau, anh em văn nghệ sĩ Huế đã tiếp tục ký vào bản "Tuyên bố", nối dài thêm danh sách những người đấu tranh cho đổi mới, công khai và dân chủ. 

Nói chung, Huế, Bình Trị Thiên ủng hộ và lo lắng cho văn nghệ Lâm Đồng. Tuy có ý kiến hơi khác nhau về phương pháp nhưng cuối cùng thống nhất cần hỗ trợ nhau bằng nhiều biện pháp khác nhau tuỳ tình hình và thế lực của từng địa phương, tổ chức. 

………………………………………

Thời gian đoàn ở Huế, còn có mấy việc đáng chú ý nữa là dự cuộc toạ đàm về thơ Trần Vàng Sao, tiếp xúc với nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm và buổi gặp gỡ nhà thơ Phùng Quán tại hồ Tịnh Tâm. 

Trần Vàng Sao, sinh viên tranh đấu Huế thoát ly tham gia cách mạng, được đưa ra Bắc và nổi tiếng với "Bài thơ của một người yêu nước mình". 

Sau 75, Trần Vàng Sao chựng đi một thời gian khá lâu không sáng tác và mới xuất hiện trở lại từ năm 1985 trên Sông Hương. Sông Hương số 32 có bài "Người đàn ông bốn mươi ba tuổi tự nói về mình" đã gây ra một phản ứng mạnh mẽ, đặc biệt các câu sau đây đã bị quy kết nặng nề: 

Mả cha cuộc đời quá vô hậu 
Cơm không có mà ăn 
Ngó tới ngó lui không biết thù ai 
Những thằng có thịt ăn thì chẳng bao giờ ỉa vất 

Lại những cái mũ quen thuộc mà trước đây người ta đã chụp cho Phùng Gia Lộc, Thanh Thảo, Đặng Thị Vân Khanh, nào là bêu riếu, bôi đen chế độ, kích động chống đối, phản động. 

Báo Công an Bình Trị Thiên có hai bài đánh Trần Vàng Sao nặng nề. Nghe Hoàng Phủ Ngọc Tường nói đùa với anh em, ở Bình Trị Thiên không thiếu món gì, hình như chỉ còn thiếu ông Đặng Bửu, bây giờ đã có. 

Để làm rõ vấn đề, Hội Văn nghệ Huế và Câu lạc bộ Sáng tác Trẻ của Thành đoàn Huế tổ chức một cuộc toạ đàm về bài thơ của Trần Vàng Sao tại trụ sở Hội Văn nghệ Huế. Đoàn văn nghệ Lâm Đồng được mời dự cuộc toạ đàm này. Hầu hết ý kiến phát biểu trong buổi toạ đàm này đều ủng hộ Trần Vàng Sao và phản đối việc chụp mũ chính trị cho văn nghệ. 

Sau này Sông Hương số 34 có đăng lại một cách cân phân mấy bài chê và khen, tưởng để cho im đi một vụ không cần thiết phải dấy lên lớn chuyện. Nào ngờ báo Công an Bình Trị Thiên lại đăng tiếp một loạt tám bài nữa đánh Trần Vàng Sao nặng nề, dùng những lới lẽ gần như thoá mạ và thái độ rất "công an", không còn chi là văn học nữa. Anh em văn nghệ Huế rất công phẫn, Hội Văn nghệ Bình Trị Thiên và tạp chí Sông Hương phản ứng với Tỉnh uỷ, Tuyên huấn phải can thiệp phê phán báo Công an và yêu cầu đôi bên phải thôi vụ đó đi. 

Vụ này tạm lắng xuống nhưng anh em văn nghệ vẫn còn ấm ức vì bị đánh trên báo nhưng không được trả lời công khai bằng báo chí mà được giải quyết êm bằng tổ chức. 

Đoàn văn nghệ Langbian tranh thủ đi gặp Nguyễn Khoa Điềm để nghe thêm tình hình vì nhà thơ hiện nay giữ rất nhiều chức, biết nhiều chuyện: uỷ viên ban thư ký Hội Nhà văn Việt Nam, uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, trưởng Ban Tuyên huấn Bình Trị Thiên. Có nhiều việc chúng tôi mới nghe , cần hỏi lại anh cho rõ. 

Tại nhà riêng ở Vỹ Dạ, Nguyễn Khoa Điềm cho biết mấy việc: Xác nhận ban thư ký Hội Nhà văn có điện thoại vào hỏi ý kiến về việc cách chức Nguyên Ngọc nhưng anh không đồng ý. Ban thư ký Hội Nhà văn mời ra Hà Nội họp nhưng khi ra tới nơi thì cuộc họp đã tổ chức tối hôm trước, trước ngày triệu tập theo giấy mời. Có ông Nguyên Thanh nào đó ở Thành phố Hồ Chí Minh sao gởi cho Thường vụ Tỉnh uỷ Bình Trị Thiên các thư của Chế Lan Viên và Nguyễn Khải. Nội dung thư của Chế Lan Viên chúng tôi đã biết ở Nha Trang, còn thư Nguyễn Khải nêu việc cũ, cho"Nhân văn" là do bọn phản động chính trị xúi giục và có ý quy một số hoạt động văn nghệ bây giờ cũng thế. 

Thảo luận về việc này, mọi người đều nhất trí đây là một thủ đoạn dùng danh tiếng của các "nhà thơ, nhà văn lớn" tác động vào quan điểm của các tỉnh uỷ chung quanh các vụ văn nghệ đang sôi động hiện nay. Việc làm có tính cách mờ ám, không chính thức này tuy có tác dụng nhất định nhưng đã gây ra nghi ngờ về nhân cách của người lợi dụng trò xảo thuật đó, đồng thời lại làm bộc lộ quan điểm của các "nhà thơ, nhà văn lớn" này trước búa rìu dư luận, làm sứt mẻ uy tín, tình cảm của họ trước đồng nghiệp và công chúng không ít. 

Buổi chiều trước hôm rời Huế, đoàn có một cuộc gặp gỡ thú vi. Nhân hôm đến làm việc với tạp chí Sông Hương, đoàn có gặp Phùng Quán tại toà soạn. Hữu Loan gặp lại Phùng Quán có rất nhiều chuyện để nói, còn chúng tôi lần đầu gặp anh có nhiều điều muốn hỏi nên anh em hẹn gặp Phùng Quán tại nơi anh đang tạm trú để viết trong hồ Tịnh Tâm. 

Đây là một ngày có gặp gỡ và uống rượu nhiều nhất trong chuyến đi. Sáng sớm gặp anh em Hội văn nghệ Huế tại nhà Nguyễn Đắc Xuân, tiếp đó đi gặp Nguyễn Khoa Điềm, rồi đi thăm Trần Vàng Sao ở Vỹ Dạ, trưa về uống rượu tại nhà Nguyễn Quang Lập, chiều về hồ Tịnh Tâm gặp Phùng Quán rồi về ăn cơm tại nhà khách Uỷ ban Nhân dân Tỉnh do Nguyễn Huy Tưởng, một giám đốc - mạnh thường quân của văn nghệ, chiêu đãi. 

Phùng Quán ở với Mùi Tịnh Tâm trong một cái lều nhỏ trên hồ Tịnh Tâm. Chúng tôi nghe nói loáng thoáng Mùi Tịnh Tâm là một nhà sư được nhà nước hợp đồng chăm sóc, khai thác hồ và ở luôn đây để bảo quản. Mùi Tịnh Tâm còn trẻ, có thơ đăng trên Sông Hương và được anh em văn nghệ ở đây yêu mến. Mấy năm gần đây Phùng Quán cũng được Tỉnh uỷ và Uỷ ban nhân dân Bình Trị Thiên giúp đỡ, tạo điều kiện sinh sống để anh sáng tác về thời gian anh hoạt động trong kháng chiến chống Pháp tại Huế vì đây là quê hương anh. Chúng tôi rất phấn khởi trước cách đối xử của Bình Trị Thiên vì trước đây chưa biết điều này, nghe mấy ông "Nhân văn" ông nào cũng vẫn còn lao đao như Hữu Loan, có người sống rất khổ. 

Khi chúng tôi vào, trời đã xế chiều. Nhiều người ngồi chật ních trong căn lều đơn sơ của Mùi Tịnh Tâm. Vì không đủ chỗ Phùng Quán xách chổi và chiếu ra quét dọn căn nhà bát giác bên ngoài và chủ khách ngồi xếp bằng uống rượu với lạc rang nói chuyện. Khoảng gần hai mươi người dự, trong đó có một số chúng tôi chưa biết. 

Vừa yên vị xong, Hữu Loan tấn công luôn Phùng Quán cũng là để xác định lại câu chuyện anh đã kể cho chúng tôi nghe trên đường đi: 

"Quán này! Tôi phải cám ơn cậu đấy vì cậu đã tố cáo tôi trong vụ kiểm điểm "Nhân văn" nên mấy bài thơ của tôi mới được biết đến. Chắc cậu còn nhớ "Chiếc áo vải bạt" của tôi chứ? 

Tôi hân hoan như một chiếc mui xe 
Đang thẳng tiến tới chân trời cộng sản"

Hữu Loan giải thích thêm với mọi người: Lúc đó tôi nghèo quá, không có áo, đi dự Đại Hội Nhà văn phải lấy vải bạt may thành áo mặc, đến nơi muốn giấu đi mà chúng nó cứ lôi ra trầm trồ khen áo đẹp nên tôi phải làm bài thơ cho đỡ ngượng. Thế mà sau này nó đem ra tố cáo. Có phải không Quán? Nhưng mà tôi phải cám ơn cậu đấy. 

Phùng Quán cười hiền lành: 

"Bây giờ em xin lỗi anh. Lúc đó em thành khẩn quá." 

Chúng tôi ngạc nhiên trước cách xưng hô của Phùng Quán với Hữu Loan. Cả hai đã là hai ông già râu dài. Phùng Quán to cao, phương phi, quắc thước dù đang mặc bộ đồ bà ba màu nâu sồng. Hữu Loan gầy nhưng gân guốc, đôi mắt nhỏ sáng ngời lấp lánh (sau này Hữu Loan giải thích là Phùng Quán nhỏ tuổi hơn nhiều và từ xưa vẫn coi Hữu Loan như anh). Câu chuyện văn chương nổ ra ròn rã và có lúc cũng hết sức gay cấn vì ý kiến mọi người đều thẳng băng như những mũi tên lao. 

Hữu Loan: Bây giờ nhà văn chỉ cần làm thư ký của thời đại là đã lớn lắm rồi. Hiện thực, nỗi đau của nhân dân rất vĩ đại. Vấn đề không phải có lớn không mà là có dám lớn không. 

Bùi Minh Quốc: Tôi phản đối anh Hữu Loan trong ý kiến cho rằng nhà văn là thư ký của thời đại. Trước đây Tố Hữu cũng đã có ý kiến như thế. Dĩ nhiên Tố Hữu muốn nói đến ca tụng còn Hữu Loan nói đến nỗi đau. Đó là hai cực trái ngược nhưng người nghệ sĩ còn phải sáng tạo chứ không phải chỉ sao chép. 

Bảo Cự: Trong phong trào tranh đấu của sinh viên học sinh Huế hơn 20 năm trước đây, chúng tôi đã biết và yêu thích Phùng Quán, đặc biệt với sự chân thật đầy khí phách qua "Lời mẹ dặn": 

Yêu ai cứ bảo là yêu 
Ghét ai cứ bảo là ghét 
Dù ai ngon ngọt nuông chiều 
Cũng không nói ghét thành yêu 
Dù ai cầm dao doạ giết 
Cũng không nói yêu thành ghét 

Từ khi đó, chúng tôi ghê sợ trước những bài tụng ca giả dối, lố bịch về Xít-ta-lin đã làm chúng tôi lúc đó mất cảm tình với cộng sản không ít. Thế nhưng chúng tôi hết sức thắc mắc khi mới đây đọc tin trên báo thấy Phùng Quán và một số "Nhân văn" nữa làm đơn xin khôi phục hội tịch Hội Nhà văn. Tại sao lại phải làm đơn xin? Các anh mất hết khí phách ngày trước rồi sao? 

Phùng Quán: Không phải làm đơn xin nhưng tôi có viết giấy theo yêu cầu của ban thư ký Hội Nhà văn. Người ta nói đã có ba người làm đơn rồi và Ban thư ký nhiều lần mời gọi, xin lỗi và nói chúng tôi đừng gây khó khăn thêm cho hội. 

Như thể rất ray rứt về vấn đề này, Phùng Quán bảo Mùi Tịnh Tâm vào trong lều lấy giúp cái túi và lục lọi lôi ra cho mọi người xem mấy cái thư mời và quyết định khôi phục hội tịch. Phùng Quán kể rất nhiều chuyện, qua đó chúng tôi thấy anh bị sức ép ghê gớm mà có thể là người ngoài cuộc, chúng tôi chưa hiểu và quá nghiêm khắc đối với các anh. Anh bảo có lần phải lên gặp công an để khai báo lý lịch cho con đi học, trước khi đi anh phải uống một xị rượu để lấy can đảm. Chúng ta có quyền đòi hỏi nhiều nhất ở mỗi con người nhưng chúng ta cũng phải thông cảm nhiều nhất ở mỗi con người. Ba mươi năm của Nhân văn phải chăng đối với mỗi người trong cuộc là nỗi kinh hoàng thế kỷ. Ý chí con người dù sao cũng có giới hạn thôi. Sau này đọc mấy câu trong bài thơ "Thơ đề trên nỏ" của Phùng Quán chúng tôi thấm thía hơn nỗi bất lực và tuyệt vọng này: 

Mười tám tuổi 
Tôi phá thập tự làm nỏ 
Năm mươi tuổi 
Tôi đẽo nỏ 
Làm thập tự 

Chúng tôi chưa hiểu thật đầy đủ về vụ Nhân văn, nhưng qua những điều chúng tôi hiểu, Nhân văn nhất định là một nỗi đau đớn, một bi kịch của văn nghệ, của đất nước mà hậu quả chưa qua và sự vụ chưa được giải quyết thoả đáng. Chúng tôi không tin những ai đó nói sự vụ đã xong. Chúng tôi không đồng tình những ai cho rằng nhắc lại vụ Nhân văn là lật lại những xác chết, phong thần cho những kẻ không xứng đáng. Nhân văn là một vụ làm nhức nhối mọi người có lương tri, bây giờ và cả nghìn sau nữa. Không ai bôi xoá được lịch sử đâu. 

Hữu Loan nhận định ngay cả bây giờ, người ta cũng đang còn âm mưu chia rẽ những Nhân văn cho những mục tiêu không lấy gì làm tốt đẹp, trong khi đáng ra họ phải làm hết sức mình để chuộc lỗi. 

Qua những ngày tiếp xúc, chúng tôi thấy Hữu Loan là một ý chí bất khuất chưa hề bị bẻ gãy dù trải qua đêm dài thế kỷ. Chúng tôi kính trọng anh vì điều đó. Phùng Quán chúng tôi mới gặp một buổi, có thắc mắc việc anh làm đơn xin khôi phục lại hội tịch nhưng rất thông cảm khi nghe anh nói về hoàn cảnh cụ thể của mình. 

Hoàng Phủ Ngọc Tường còn công kích Phùng Quán tại sao chê thơ Trần Vàng Sao, Phùng Quán trả lời thơ Trần Vàng Sao hay nhưng tôi không thích, tôi có quyền không thích. 

Phải chăng Phùng Quán vẫn theo "Lời mẹ dặn" như thuở nào? 
…………………………………………..

Hôm sau đoàn văn nghệ Lâm Đồng đến trụ sở Hội Văn nghệ Bình Trị Thiên để ký kiến nghị chung thông qua hôm trước, đã được Hội Bình Trị Thiên bổ sung, đánh máy lại. Trước khi đoàn đi Hoàng Phủ Ngọc Tường nhất định kéo anh em sang quán cà-phê bên cạnh trước khi chia tay. Tình cảm lưu luyến này đã góp phần làm nên "sự cố" văn nghệ Langbian. 

Đúng 9 giờ 15 phút ngày 28-11-1988, vừa kêu cà-phê chưa kịp uống, Phan Văn Khuyến từ văn phòng hội chạy sang báo có điện thoại của văn phòng Tỉnh uỷ Bình Trị Thiên cần gặp gấp đoàn văn nghệ Lâm Đồng. Bảo Cự đi nghe điện thoại. 

"Tôi là Tắc ở văn phòng Tỉnh uỷ Bình Trị Thiên, xin thông báo lại các anh: Tỉnh uỷ Lâm Đồng điện cho Tỉnh uỷ Bình Trị Thiên nhờ nhắn lại, đồng chí Nguyễn Duy Anh, phó bí thư trực Tỉnh uỷ Lâm Đồng yêu cầu hai đồng chí Bùi Minh Quốc và Bảo Cự quay về gấp." 

Tuy đã có dự liệu nhiều tình huống, nhưng cú điện thoại khá bất ngờ, chỉ nhận được mười phút trước khi rời Huế làm anh em lúng túng một lúc. Hoàng Phủ Ngọc Tường nói: 

"Anh em nghĩ xem có cách nào không?" 

Sau mấy ý kiến trao đổi ngắn gọn, đoàn Langbian thống nhất: Không thể quay lại vì đoàn đã đi hơn nửa đường, việc chưa xong, đoàn đã nhận uỷ nhiệm của các hội bạn và anh em văn nghệ các tỉnh miền Trung mang kiến nghị và tuyên bố ra làm việc với Trung ương. Vả lại, trước khi đi, Thường trực Hội Văn nghệ Lâm Đồng đã làm việc với Thường trực Tỉnh uỷ và Thường trực Uỷ ban Nhân dân Tỉnh về mục đích, yêu cầu của chuyến đi. Dĩ nhiên những việc cụ thể phát sinh trong chuyến đi, đoàn hoàn toàn chịu trách nhiệm và khi về sẽ báo cáo lại với tỉnh. 

Đoàn cho gởi một điện tín về Thường trực Tỉnh uỷ Lâm Đồng báo cáo quyết định của đoàn và lên đường ngay. 

Đoàn cũng dự đoán rằng cho tới nay ở Lâm Đồng và cơ quan Hội Văn nghệ đã ầm ĩ lên về chuyến đi này và gây ra không ít lo ngại cho người ở nhà, nên đoàn đã đánh điện cho cơ quan và các bà vợ. Những "nàng chinh phụ" chắc đã mong ngóng và lo lắng rất nhiều cho những người đi, trong một chuyến đi quá dài và bất trắc nhưng chưa tới đích. Khổ nỗi là đoàn di chuyển liên tục, mỗi địa phương chỉ dừng lại có vài ngày nên dù có tin về, ở nhà cũng chỉ biết nhận chứ không thể nào trả lời. Quả nhiên sau này về hỏi lại, ở Lâm Đồng có nhiều tin đồn gây hoang mang nhưng anh em rất vui là các "nàng chinh phụ" đã tỏ ra rất vững vàng, hoàn toàn tin cậy vào bản lĩnh và quyết tâm của người đi, mặc dù trước khi đi chưa ai lường trước những gì sẽ xảy ra, kể cả những hiểm nguy sẽ gặp trên dọc đường, những hiểm nguy tình cờ và không tình cờ đã từng xảy ra ở những trường hợp khác. Đó thực là một chỗ dựa khá vững vàng cho những người lựa chọn con đường đấu tranh mà ngày mai chắc chắn sẽ không yên tĩnh.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét