Thứ Tư, 15 tháng 1, 2014

Tại sao tập thơ của ông Nguyễn Thanh Giang bị thu hồi?

Nguồn boxitvn

15/01/2014


Tôi được đọc bức thư ngỏ của ông Nguyễn Thang Giang gửi các ông Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông, Cục trưởng Cục Xuất bản, Chủ tịch Hội Nhà văn, Giám đốc Nhà Xuất bản Hội Nhà Văn. Thư cho biết:

"Ngày 7 tháng 01 năm 2014 Nhà Xuất bản Hội Nhà Văn cử ông Nguyễn Văn Sơn, cán bộ biên tập, chính thức yêu cầu tôi cộng sự với Nhà Xuất bản thu hồi toàn bộ số tập thơ "Những mẩu quặng dọc đường" đã ấn hành để cắt bỏ toàn bộ phần "Những lời bình" (Từ trang 149 đến trang 191) theo chỉ thị của công văn số 4755/CXB-QLXB do ông Phạm Quốc Chính cục phó Cục Xuất bản ký.

Sau khi nghe tôi trả lời việc đó không thể nào làm được nữa vì một số khá lớn đã được biếu tặng hoặc bán trong nước và ngoài nước (một số người ở nước ngoài gửi email đặt mua và tôi đã gửi sách cho họ), ông Sơn khẩn khoản đề nghị nộp cho ông ấy 10 cuốn có cắt bỏ phần "Những lời bình" để Nhà Xuất bản đem nộp lên cấp trên.

Tôi phản đối, vì cho rằng như vậy là đối phó một cách hình thức, làm mất phẩm giá con người.

Đáng phàn nàn ở chỗ: ai? tổ chức nào? mệnh lệnh nào? đã đẩy Nhà xuất bản Hội Nhà Văn đến chỗ bí và phải nghĩ cách đối phó tiêu cực như vậy?

Đề nghị cần có hội nghị giữa Bộ Văn hóa Thông tin, Cục Xuất bản, Hội Nhà Văn và Nhà Xuất bản Hội Nhà Văn để kiểm điểm rút kinh nghiệm vụ việc này".

Tôi nảy tò mò muốn biết nội dung những lời bình ấy thế nào (toàn là của các nhân vật tên tuổi như nhà thơ Thanh Thảo, đương kim Phó Chủ tịch Hội đồng thơ HNVVN, nhà thơ Ngô Văn Phú nguyên Giám đốc NXB HNV…) mà "ghê" thế, "phản động" đến mức nào mà bị "nghiêm trị" thế chứ?

Xin nói thêm: tôi cũng là một người được anh Nguyễn Thanh Giang chia sẻ bản thảo tập thơ từ đầu, và đã có "công" góp ý anh sửa đôi chỗ (đơn thuần về nghề thơ). Tôi thích một số bài anh viết về địa chất, về thiên nhiên và sinh hoạt miền núi thời anh là chàng trai địa chất với cảm xúc lãng mạn của thế hệ chúng tôi, và những bài thơ ông-cháu cuối đời thật hiền hậu, đáng yêu. Trong đó có mấy bài hào sảng, mạnh mẽ của người đi chinh phục thiên nhiên với bút pháp hiện đại khá đặc sắc ở thời điểm ấy trong thơ miền Bắc. Và tôi viết cho anh rằng: "cứ theo lối thơ ấy mà đi, anh thừa sức thành một nhà thơ có thứ hạng cao trong Hội Nhà văn VN… nhưng danh tiếng nhà thơ NTG sẽ không thể sánh nổi uy danh của nhà đấu tranh dân chủ NTG".

Vậy nên hôm nay, tôi thấy cộng đồng nettizen ta nên "cảm ơn" quý vị ở Ban gì đó hay Cục gì đó đã cho "nhà dân chủ" Nguyễn Thanh Giang một cơ hội để được ta biết đến như một nhà thơ, quá hay so với việc mất tiền in một tập thơ may ra bán nổi vài trăm bản, lỗ vốn!

Sau đây, mời các bạn thưởng thức những lời bình "tai hại" hay "thú vị" tùy cách nhìn, về thơ Nguyễn Thanh Giang

Hoàng Hưng

Phần thưởng của nhà thơ

Nhà thơ Thanh Thảo

Phó chủ tịch Hội đồng Thơ

Hội Nhà Văn Việt Nam

Thơ Nguyễn Thanh Giang mộc mạc mà thỏ thẻ với tôi nhiều thú vị. Anh nói đây là tập thơ của cả đời mình. Có lẽ đúng. Vì 3 phần tập thơ thì 2 phần đã "dính" với nghề và nghiệp của anh rồi: nếu phần 1 là "Những mẫu quặng đời" thì phần 3 là "Hành trình địa chất". Anh dành trọn phần 2 cho "Quê hương và đất nước" như mọi người Việt làm thơ yêu nước vẫn dành.

Nguyễn Thanh Giang là một nhà địa-vật lý. Suốt bao nhiêu năm trong đời mình, anh đã có những đóng góp đáng kể cho đất nước qua chuyên môn rộng và sâu của mình. Đó là một người sống chết với từng mẩu quặng, sống chết với nghề: nghề địa chất. Và đã trải đời mình trên cả chiều rộng lẫn chiều sâu của bản đồ Tổ quốc. Nghề và nghiệp đã đưa anh tới với Thơ. Tình yêu đất nước, yêu những người dân bình dị anh đã gặp và đã thân quen suốt "hành trình địa chất" đã đưa anh tới với Thơ.

Tôi còn nhớ khi học ở khoa Văn đại học Tổng hợp, những năm sơ tán ở Đại Từ - Thái Nguyên, tôi đã đọc được tập thơ "Sức mới" với lời giới thiệu nhiệt thành của Chế Lan Viên. Đó gần như là tập "Thơ trẻ" đầu tiên của miền Bắc. Chúng tôi hồi đó còn rất trẻ, nên dĩ nhiên thơ trẻ, thơ được làm bởi những người trẻ thu hút chúng tôi nhiều nhất. Tôi nhớ, trong tập "Sức mới" ấy có một bài thơ của Nguyễn Thanh Giang. Hồi đó, có thơ in trong một tuyển thơ như vậy là ghê lắm rồi, là bắt đầu nổi tiếng rồi. Chính Phạm Tiến Duật và nhiều nhà thơ thành danh sau này đều đã bước ra từ tập thơ "Sức mới" in giấy xấu ấy.

Bẵng đi quá nhiều năm, không thấy Nguyễn Thanh Giang công bố thơ nữa, cứ nghĩ là anh đã bỏ thơ sang làm chuyện khác rồi. Cho tới một ngày, tình cờ ở một nhà ga tỉnh lẻ, tôi lần đầu được gặp Nguyễn Thanh Giang qua giới thiệu của một người bạn đang chờ tàu. Lúc ấy Nguyễn Thanh Giang đã nổi tiếng lắm rồi, nhưng là ở một "khu vực" khác. Người ta nói, công an hay an ninh mật gì đó theo anh khắp nơi. Nhưng hôm ở nhà ga tỉnh lẻ, anh đi đâu ghé qua đấy, tôi hình như không thấy có bạn công an nào theo anh. Chỉ có nắng. Và gió. Và dòng người chen chúc nhau ở một nhà ga khi tàu sắp tới. Khi tôi nhắc về bài thơ ở tập "Sức mới", Nguyễn Thanh Giang thổ lộ là anh vẫn làm thơ, anh còn yêu thơ lắm. Rồi tàu đến, chúng tôi chia tay. Nguyễn Thanh Giang lên tàu, cũng không thấy ai theo dõi gì, hay là có mà tôi không biết. Tôi vốn thật thà, và cũng không quá coi trọng chuyện ai theo dõi ai.

Phải nói, gần như ba phần tư tập thơ Nguyễn Thanh Giang là "thơ mậu dịch quốc doanh", theo cách nói xếch mé của một vài "nhà" gọi là "phê bình" trên mạng internet bây giờ. Đó là thơ yêu nước, thơ kháng chiến, thơ chống giặc ngoại xâm. Nó song hành với những bát phở "không người lái", với từng đề-xi-mét vải thô được cấp phát, với từng chút "mỳ chính" (bột ngọt) phân phối tới mỗi người lính, mỗi cán bộ, mỗi người dân trong những năm tháng cực kỳ thiếu thốn ở miền Bắc Việt Nam:

"Anh muốn về thăm nơi nặng tình nặng nghĩa

Nơi mẹ già cho bát cháo hành dăm

Nơi các em dựng trường bằng tiền mót khoai xúc tép

Vào lớp ngồi bùn còn bết đầy chân"

(Nhớ về xóm cũ)

Phải thấy nhân dân từ góc nhìn như thế thì mới có những câu thơ như nhà điêu khắc tạc vào đá khi viết về một người đồng hương lớn của mình:

"Vẫn thấy ông thồ đá qua những đồi sim

Lầm lũi xám những chiều hoang biền biệt

Kẽo kẹt bên trời dáng ông lẫm liệt"

(Nhớ Hữu Loan)

Và khi nhớ về một nhà thơ nổi tiếng của miền ven biển Quảng Ngãi, nơi "nước bao vây cách biển nửa ngày sông", Nguyễn Thanh Giang vẫn định hướng được tầm vóc của "những mảnh hồn làng" hôm nay:

"Ông có về lại vườn xưa hái quả

Thăm con sông từng tắm mát đời ta

Chú còng gió giương càng chào biển cả

Những mảnh hồn làng phấp phới tận Hoàng Sa"

(Nhớ Tế Hanh)

Và trong một đêm ngủ ở làng cổ Đường Lâm quê hương Ngô Quyền, Nguyễn Thanh Giang vụt nghe và thấy:

"Chiều đọc tin ngư phủ mình bị giết

Ước biển Đông vút cọc nhọn Bạch Đằng

Đêm nghe vọng tiếng tù và hối thúc

Thấy Ngô Quyền lẫm liệt vung gươm"

(Đêm ngủ ở Đường Lâm)

Không thể gọi bằng một tên nào khác, đó là thơ yêu nước. Người ta cứ tưởng khi đã thanh bình rồi thì lòng yêu nước cũng "lặn" mất tiêu trong thơ. Không phải đâu! Và đất nước ta bây giờ cũng chưa thật sự thanh bình. Kẻ thù vẫn ngày đêm rình rập, đe dọa. Biển Đông vẫn cuộn sóng. Ngư dân ra khơi đánh cá trên những ngư trường truyền thống như Hoàng Sa, Trường Sa vẫn liên tục bị khủng bố. Người làm thơ yêu nước bây giờ vẫn canh cánh trong lòng bao nỗi niềm như thuở xưa Cụ Đồ Chiểu hằng khắc khoải: "Bao giờ trời đất an ngôi cũ/Mừng thấy non sông bặt gió Tây/". Gió Tây ấy, bây giờ là gió(bấc) Bắc.

Mà gió bấc là gió bấc, gió nồm là gió nồm, không có kiểu "chúng ta cùng gió bấc gió nồm" như ai đó nói.

Đọc thơ Nguyễn Thanh Giang, tôi cứ muốn dừng lâu ở những đoạn thơ hồn nhiên thời kháng chiến của anh:

"Bấy lâu măng chấm muối vừng

Bữa nay giềng mẻ thơm lừng suối khe

Đi mười cây số mua bia

Bi đông mở nút cũng nghe nổ giòn

Chúc nhau chân cứng đá mòn

Tay vừa chạm cốc, cây rừng đã say"

(Tết trong thung lũng)

Những câu thơ như thế nó khiến cuộc đời chúng ta vốn nhiều buồn phiền trở nên dễ sống hơn. Cũng như bài thơ tặng cháu đích tôn này:

"Mơ màng thấy nước biển dâng

Thuyền vào tận ngõ nhưng không còn mình

Tưởng đà qua mấy mươi năm

Tỉnh ra biết cháu đái dầm ướt lưng"

(Nước biển dâng)

Rất tự tại.

Tôi biết, người vợ tảo tần của Nguyễn Thanh Giang là con gái nhà thơ Thôi Hữu-một nhà thơ yêu nước với bài thơ nổi tiếng "Lên Cấm Sơn" mà từ hồi đi học chúng tôi từng ngưỡng mộ. Thơ là chuyện của đất nước, của nhân loại mà cũng là chuyện của nhà ta, của mỗi gia đình Việt. Dù thơ chẳng cho ta danh phận gì, nhưng thơ định phận cho ta, thơ là phần thưởng của ta, nói như một nhà thơ Nga-Xô viết:

"Và những huân chương, không cần

Không cần lăng xăng huênh hoang

Với nhà thơ chúng ta-phần thưởng

Chính là số phận mình"

Khi "phần thưởng" của mình chính là số phận mình, thì cần chi phải lắm lời, phải không ạ ?

Quảng Ngãi, qua Tết Đoan Ngọ 2013

* * * * * *

Thiên nhiên trong thơ Nguyễn Thanh Giang

Dương Khôi

Cựu giảng viên Trường Cao đẳng

Sư phạm Hải Dương

Thiên nhiên trong thơ các nhà thơ lỗi lạc: Bà Huyện Thanh Quan, Nguyễn Khuyến, Tản Đà... đều mang dấu ấn thời đại và lắng sâu tình yêu đất nước. ở Nguyễn Thanh Giang cũng vậy, thiên nhiên trong thơ ông mang dấu ấn của nửa cuối thế kỷ XX và có cái nhìn của nhà thơ, nhà khoa học Vật lý - Địa chất với nhiều khám phá và sáng tạo.

Có thể tìm thấy đôi ba bức tranh tuyệt bích trong thơ Nguyễn Thanh Giang.

Hãy xem cảnh "Được mùa":

Thóc đã mẩy tròn, sân nắng phơi

Vịt co chân ngủ, tép vờn chơi

Sáo ai rót mật vào không khí

Diều thả hoa lên phấp phới trời

No nê đến mức tép được vờn chơi ngay dưới chân vịt. Hỉ hả đến mức sáo không chỉ véo von mà "rót mật vào không khí". Không xô bồ huyên náo. Chỉ thấy chú vịt đứng co chân ngủ mà vui thấu tận trời xanh. Cái bức tranh quê này không chỉ mê hoặc nhiều thế hệ Việt Nam mà cả các dân tộc khác trên thế giới.

Và cảnh "Buổi sáng ở bản":

Màn sương trắng rung rinh

Núi nhô đầu xanh ngát

Rừng còn thở êm êm

Suối đã reo rào rạt

Thang sàn rung từng nhịp

Nọong xuống khe đã về

Xôi thơm mùi bên bếp

Mế khoác vội gùi tre

Bốn bề rung tiếng mõ

Cỏ rạp lối lên nương

Động cành, chim rời tổ

Đỉnh xa nắng vừa ươm

Không đợi mà như đợi, không lắng nghe mà biết nọong xuống suối đã về. Ngái ngủ nằm nghe sàn nhẹ rung như loáng thoáng tình. Êm ái quá.

Có phải núi đang nhô lên làm "màn sương trắng rung rinh". Không thấy người đi mà "cỏ rạp lối lên nương". Rồi chim cũng rời tổ bay đi. Nắng thì ươm tận đỉnh xa, chỉ còn bản vắng. Êm đềm như bức tranh thiền. Động mà sao tĩnh quá. Nhịp sống khẩn trương mà thật thanh bình.

Thơ Nguyễn Thanh Giang nhiều khi rất động:

Ngày chon von tám hướng gíó đùa

Đêm xoáy cả ánh trăng vào thớ đất

Hay:

Buồn lởm chởm lại xô lên triền đá

Ngổn ngang trời

Nắng lóa

Núi xanh tuôn

Nhiều khi lại rất tĩnh:

Đông về, chiều đã sương

Trăng chìm nơi đáy giếng

Hay:

Trán đá phơi trắng cả hoàng hôn

Song nhiều khi cái động ủ trong cái tĩnh, cái tĩnh nén cái động:

Biển còn xanh quá biển ơi

Mây thời bạc trắng một trời long đong.

Hay:

Tưởng lênh đênh giữa Sông Ngân

Không Trăng Sao, chỉ cánh buồm bơ vơ

Hỏi ông là nhà địa chất hay là thi sỹ?

Chất thi sỹ làm cho thiên nhiên trong thơ Nguyễn Thanh Giang hư hư thực thực. Khi thực thì óng ánh với đàn chim bay vụt lên từ ruộng lúa:

Chim bay lên hạt vàng vương trong cánh

Khi hư thì ảo ảo mơ mơ:

Mà ầu ơ, tiếng ầu ơ man mác

Cứ lim dim heo hắt mấy canh đèn

Xa xăm lắm, những vì sao thao thức

Nghe trẻ học vần từ đất Văn Lang

Là nhà địa chất, ông có tâm hồn thi sỹ rất cường tráng. Lên Đà Lạt, gặp "Đồi thông Hai mộ" ông lại thấy "Thông cứ xanh vun vút đội trời chiều" và "Gió mãi cồn cào Thung lũng Tình yêu". Về biển quê hương Sầm Sơn lúc "Tưởng chỉ còn nỗi buồn thu tê tái", vậy mà còn thấy được hai khối đá làm tình trên nhau:

Hòn Trống

Vẫn đu đưa

Trên

Hòn Mái

Đu đưa cho đến bải hoải đời, mà vẫn còn nghe sóng giục. Sexy quá. Sexy ngay cả trong cái vườn nhiều trăng của Xuân Diệu mà "ái-ân-đêm cứ dậm trên vàng".

Càng nồng nàn biết bao nhiêu nơi cái bàn Mèo trên lưng chừng núi:

Sàng Thần cao hơn mặt biển trên ngàn mét

Nắng trưa như áp sát mặt trời

Hoa lau nở bung ra hết

Ve rang đổ lá tơi bời

Chú ngựa tải lương đêm qua đã chết

Da bọc xương như chiếc khăn vắt kiệt

Máng nước đầu nhà chỉ tý tách rơi

Tiếng hoẵng dội về khô khốc

Nhưng sao cứ phừng phừng hoa anh túc

Để đêm đêm vẫn nghe kẽo kẹt

Và sáng sáng chiếc váy tròn đung đưa

đung đưa

Phe phẩy vào nỗi khát!

Đi nhiều, sống nhiều, dầu dãi nhiều... thiên nhiên trong những áng thơ của nhà-khoa-học-thi-sỹ này vừa mênh mang huyền ảo, vừa ngồn ngộn hơi thở cuộc sống.

Trăng trong thơ Nguyễn Thanh Giang không nhiều nhưng độc đáo. Đêm kia, nhà địa chất thi sỹ ngủ ở đỉnh núi cao nào mà trăng có thể sà xuống đùa cợt móc cả vào dây lều mà lôi lên.

Tưởng chỉ còn kia sắc xanh thôi

Chợt ngoảnh lại từ vắng im vũ trụ

Đường mòn xuống bản dưới xa

Cánh chim mời về tổ ấm

dưới xa

Mảng mây trắng tuổi thơ hằng mong gửi

cánh diều

Dưới xa.....

Sao nở trong tầm với

Này ngôi đỏ, rực lò gang đang sôi

Này ngôi tím, biếc sắc thép tôi già

Này viên ngọc xanh lung linh bên vành nón

Này chiếc nhẫn vàng chưa ngón tay đeo....

Chụm đầu bên nhau cho quên cái lạnh

trên cao

như kim châm vào da thịt

Bồng bềnh trong mây

Rừng cây chập chờn như hư như ảo

Gió tung lên phần phật

*

...Chợt lưỡi liềm trăng móc căng dây lều

làm mọi người sửng sốt

Ông công tác trong ngành địa chất nhưng lĩnh vực chuyên sâu của ông nghiên cứu về cổ địa từ trường. Những số liệu ông thu thập, những bản đồ, biểu bảng của ông thể hiện trường từ của trái đất không chỉ hiện nay mà cả ngàn triệu năm trước cho nên Trái Đất, vũ trụ đối với ông rất gần gụi. Hãy xem ông tả cảnh núi lửa phun:

Sấm gầm từ lòng đất

Hắt lên

Va vào sét tự trên cao phóng xuống

Dòng sông lửa đổ dài lênh láng

Như đĩa đèn dầu

Rót từ Vũ trụ

Xuống mặt hành tinh

Tóc nàng Pê-lê

Dệt bằng sợi dung nham

Phất phơ bay trên lưng chừng cao nghìn mét

Tựa pháo hoa của đêm hội Thiên Hà

Đọc thơ Nguyễn Thanh Giang để được chiêm nghiệm thiên nhiên trong cái hào hùng mà trầm lắng, như con người ông cao xa mà mộc mạc chân tình.

Dương Khôi

* * * *

Sao nở trong tầm với

(Đọc tập thơ "Những Mẩu quặng dọc đường" của Nguyễn Thanh Giang)

Nhà thơ Ngô Văn Phú

Giải thưởng Nhà nước

về văn học-nghệ thuật năm 2012

Nguyễn Thanh Giang là một nhà khoa học. Suốt đời anh giành cho việc nghiên cứu, khảo sát, đặc biệt là ngành địa chất

Vậy mà anh lại yêu thơ và làm thơ. Tập thơ "Những mẩu quặng dọc đường" có đủ nghĩa đen và nghĩa bóng. Tập thơ có ba phần: Những mẫu quặng đời - Quê hương và đất nước - Hành trình địa chất. Thơ có bài ngắn, bài dài, viết về quá khứ, hiện tại, về những người xưa và những người hôm nay.

Hẳn anh đọc nhiều. Trong tập có những bài viết về Đoàn thị Điểm, Tản Đà, Nguyễn Khuyến, Bà Huyện Thanh Quan, Tú Xương, Nguyễn Bính, Văn Cao, Xuân Quỳnh vv...

Có bài vẽ được chân dung và thêm những tứ bay bướm:

NHớ Tế HANH

Ông có về lại vườn xưa hái quả

Thăm con sông từng tắm mát đời ta

Chú còng gió giương càng chào biển cả

Những mảnh hồn làng phấp phới tận

Hoàng Sa

NHớ NGUYễN BíNH

Em đi gánh nước sông Hàn

Sao còn tưới được xanh giàn mồng tơi

Bươm bướm trắng cũng bay rồi

Tơ hong bạc phếch nhớ người sang ngang

Nặng lòng với quê hương, tứ thơ đằm thắm, nhớ về những con người, những sự kiện trong những năm chiến tranh chống Mỹ:

Cho anh gửi lòng về xóm cũ

Nơi bóng dừa rủ mát những ngày thơ

Nơi bờ dâu ôm ấp những con đò

Dòng nước mặn thấm đôi bờ cát đỏ

... Phải em đấy không? Những em nào nữa?

Kháng chiến năm xưa mới thoát vỡ lòng

Lớp học giữa đình bàn kê cánh cửa

Mắt mở tròn nghe kể Triệu Trinh Nương

... Anh muốn về thăm nơi nặng tình

nặng nghĩa

Nơi mẹ già cho bát cháo hành dăm

Nơi các em dựng trường bằng tiền

mót khoai xúc tép

Vào lớp ngồi bùn còn bết đầy chân

(Nhớ về xóm cũ)

Thơ thắm thiết viết về đồng bằng với những ấn tượng khó phai. Chất đồng quê êm đềm mà thuần hậu:

Đất châu thổ phù sa ai bồi đắp

Thuở Âu Cơ bùn lấm đến bây giờ

Để trăng cứ trong như bát ngát

Để đồng vàng thơm hương vị hoang sơ

...Mà ầu ơ, tiếng ầu ơ man mác

Cứ lim dim heo hắt mấy canh đèn

Xa xăm lắm những vì sao thao thức

Nghe trẻ học vần từ đất Văn Lang.

(Đêm châu thổ)

Tuy nhiên, với những kẻ có tâm địa bành trướng, anh thật quyết liệt:

Tôi không muốn gọi đấy là cái lưỡi bò

Những chú bò nhuộm vàng chân đê

Những chú bò giúp tôi xung trận

Giả làm Đinh Tiên Hoàng

...Tôi không muốn gọi đấy là cái lưỡi bò

Đấy là cái lưỡi của con rắn độc

Ngo ngoe dọa người

Nhân dân tôi sẽ cắt lưỡi nó

Bẻ răng nó

Vắt lấy nọc

Tọng vào mồm đứa nào chiếm Hoàng Sa

(Về chuyên cái lưỡi bò)

Là nhà địa chất, anh đi nhiều. Thơ còn nhắc đến những miền đất đi qua, đầy ân tình; đầy cảnh sắc thiên nhiên hùng vĩ, con người đôn hậu:

Hôm nay lại lên đường sang Tây-Bắc

Quặng đầy ba-lô níu nặng bước chân

Chim bay theo nhắn "khắc phục khó khăn!"

Mây trắng đón lưng đèo trùm bóng mát

...Nhớ Việt-Bắc những bản làng xanh biếc lá

Trắng hoa mơ và tươi đỏ hoa đào

Những mế hiền luôn thân thiết mời chào

Những ánh mắt ném theo tua còn rực rỡ

Nhớ ngây ngây màu nắng ươm bản Thổ

Sương trắng giăng êm ả mái tranh Mèo

Nhớ suối dẫn đường róc rách vui reo

Tiếng gió hát ru mỗi đêm rừng thao thức

(Những dặm đường)

Dọc hành trình địa chất anh đã nghĩ đến kết quả sau này sẽ khai thác, tạo ra nguồn của cải cho đất nước mạnh giầu:

... Sáu trăm mét

nắng lùa phanh áo ngực

Rừng già phơi đỉnh trọc cắt vào mây

Tám trăm mét

Toàn đá vôi trắng xám

Xin chớ buồn. Đây không gian thu

...Mỗi bước lên nghe nhịp tim càng rõ

Da căng như đầy ắp khí trời

Tưởng chỉ còn kia sắc xanh thôi

Chợt ngoảnh lại từ vắng im vũ trụ

... Sao nở trong tầm với

Này ngôi đỏ, rực lò gang đang sôi

Này ngôi tím, biếc sắc thép tôi già

Này viên ngọc xanh lung linh bên vành nón

Này chiếc nhẫn vàng chưa ngón tay đeo....

Chụm đầu bên nhau cho quên cái lạnh

trên cao như kim châm vào da thịt

Bồng bềnh trong mây

Rừng cây chập chờn như hư như ảo

Gió tung lên phần phật

... Chợt lưỡi liềm trăng móc căng dây lều

làm mọi người sửng sốt

(Ghi chép trên một hành trình địa chất)

Làm nhà địa chất leo núi, vượt ghềnh, lội suối, bỗng thấy mình là một nhà điền kinh thực thụ:

Lên cao, lên cao, lên cao

Đá dưới chân sụt lở ào ào

Bám vào gốc cây, với lên tầng mây

Luyện đôi chân và luyện đôi tay

Những bắp thịt săn tày thớ đá

Ngực căng phồng và tim giục giã

Ba-lô trĩu vai vẫn vượt Pia-Linh

Làm nhà địa chất, làm nhà điền kinh

Nghề chúng ta suốt đời vận động

Biển bạc rừng vàng, nắng mưa, gió lộng

Yêu cái nghề quen thử thách gian lao

Yêu cái nghề rất thể dục thể thao...

(Nhà điền kinh)

Tâm hồn địa chất đắm đuối đến nỗi nhìn gì cũng thấy ánh lên mầu kim khí:

Trước lán trồng thêm luống cải sen

Bướm rừng lác đác đến làm quen

Giật mình, một sớm hoa vàng chóe

Tưởng mạch quặng đồng mới nổi lên

(Luống cải sen)

Nguyễn Thanh Giang còn có phần thơ viết về gia đình, viết cho con cháu. Thơ cho cháu nội có những nét bất ngờ:

Mơ màng thấy nước biển dâng

Thuyền vào tận ngõ nhưng không còn mình

Tưởng đà qua mấy mươi năm

Tỉnh ra biết cháu đái dầm ướt lưng

(Nước biển dâng)

Chỉ một trò chơi bập bênh của lũ trẻ, anh vui theo và có những tứ lạ là chúng một mai sẽ làm chủ bầu trời cao xanh:

Bập bênh, bập bênh

Bên này nhẹ tênh

Bên kia nặng trịch

Chơi chẳng thấy thích

Bập mà không bênh

... Em chơi bập bênh

Cần có nhiều bạn

Chia đều hai bên

Ngồi cho thật vững

Bên chao, bên lượn

Như đàn chim xinh

... Nhìn trời trong vắt

Càng muốn lên cao

Tha hồ lượn nhào

Bay theo đàn "Mích"(*)

Nghe cười khúc khích

Biết bạn chờ em

Thôi nào em bập

Bạn ơi bênh lên

(Bập bênh)

Thơ viết tặng mình nhân ngày sinh nhật, thoáng chút buồn nhưng đâu đã tắt niềm vui:

Đã trọn bẩy mươi vòng cùng Trái Đất

Lẽo đẽo quay trong quỹ đạo Mặt Trời

Qua bao hạ oi nồng, bao đông giá ngắt

May vẫn còn một sắc thu xanh tươi

(Sinh nhật)

Vậy là với tập "Những mẩu quặng dọc đường", Nguyễn Thanh Giang đã thổi hồn cho quặng.

Hà Nội, 25-6-2013

Ngô Văn Phú

* * * *

Thơ truyền ý chí và nghị lực

Tiến sĩ Trần Nhơn

Nguyên Thứ trưởng Bộ Thủy lợi

Đọc Nguyễn Thanh Giang, đây đó gặp những câu thơ buồn, rất buồn.

Buồn thăm thẳm:

Đông về, chiều đã sương

Trăng chìm nơi đáy giếng

Thăm thẳm lời ước nguyện

Xa xưa như nỗi buồn

Buồn mênh mang:

Biển còn xanh quá biển ơi

Mây thời bạc trắng một trời long đong

Buồn thao thiết:

Mây đã bạc đầu

chiều đã rêu phong

Thầm thĩ mãi tiếng rì rầm suối nhỏ

Thao thức mãi tiếng ào ào thác đổ

Trán đá phơi trắng cả hoàng hôn

Buồn vời vợi:

Tưởng như gió chán phong trần

Tưởng đưa chân bước mà không

gặp đường

Tưởng lênh đênh giữa Sông Ngân

Không Trăng Sao, chỉ cánh buồm bơ vơ

E như buồn còn theo người xuống mộ:

Nước mắt trào giữa đêm

Tưởng sắp tràn đáy mộ

Hơn một tuổi, cha mẹ bỏ nhau, cô và bà nội nuôi. Bẩy tuổi cha về đưa đi lang thang khắp các tỉnh thành cùng một gánh hát mà cha ông là chủ. Toàn quốc kháng chiến bùng nổ, theo dì ghẻ tản cư về ngồi bán nước vối và bún riêu ở đầu chợ Phủ Thọ Xuân Thanh Hóa ... Học hành rất lõm bõm vì nay đây mai đó.

Với cô thiếu nhi Đặng Thùy Trâm, không biết tình cảm anh huynh trưởng thuở xưa thế nào nhưng thơ ghi lại bây giờ thật xúc động:

Buổi ấy em đi

Mang theo tuổi trẻ anh vào nơi anh

không đựơc đến

Bởi em cần hậu phương

Sóng bước chân em trong nắng núi

mưa ngàn

Anh đi làm địa chất

Ước đúc tặng em "Bông hồng vàng Pautôpxki"

Nhưng em không về

Chỉ vọng lời em hát Sulikô

Trong tiếng đàn anh xưa

Xa vắng

Nhưng hẳn Nguyễn Thanh Giang không buồn vì tình ái. Giả sử anh huynh trưởng với cô thiếu nhi ngày ấy có gửi gắm trong nhau một thứ tình cảm sâu hơn các em thiếu nhi khác thì chút tình đó bây giờ vẫn "…tỏa mùi thơm thiêng liêng/ Âm ỉ cháy những tháng năm rạo rực" kia mà. Vả chăng ông đã có một người vợ vừa xinh đẹp, vừa thông minh, giỏi việc nước, đảm việc nhà, đã từng là Chánh Văn phòng Trung ương Hội Phụ nữ Việt Nam. Bà là con nhà cách mạng, nhà thơ nổi tiếng Thôi Hữu.

Ông cũng không buồn vì chuyện học hành nhôm nhoam bởi năm 1947, lúc 11 tuổi ông đã đi thi Primaire bằng tiếng Pháp và đã đỗ. Vì lý lịch gia đình không được đi nước ngoài nhưng năm 1980 ông cũng đã trở thành ngừoi đầu tiên bảo vệ thành công luận án Phó Tiến sỹ Địa Vật lý ở trong nước.

Không ai có thể thấy nỗi buồn bi lụy, ủ ê trong thơ Nguyễn Thanh Giang. Chỉ thấy trong nỗi buồn ấy chất chứa một khát vọng, một hoài bão lớn lao.

"Nhớ Tản Đà" ông viết:

Non cao dẫu tuổi đã già

Nước còn cuồn cuộn như là thương ai

"Nhớ Đặng Thùy Trâm" ông viết:

Nên cho dẫu mái đầu đã bạc

Anh vẫn mong cháy được thành em

"Nhớ Nguyễn Công Trứ" ông viết:

Làm trai đứng ở trong trời đất

Sao hận trăm năm non nước ơi

Đọc hai câu này người ta có thể liên tưởng đến hai câu của Nguyễn Công Trứ "Làm trai đứng ở trong trời đất/Phải có danh gì với núi sông". Tuy nhiên Nguyễn Thanh Giang không hám chức tước, quyền lực. Anh chị em dưới quyền ông đều kể ngày ấy thủ trưởng thường giao hết quyền cho anh chị em để miệt mài đọc sách và hì hụi làm các thí nghiệm. Nhờ đó ông đã thiết lập nên Phòng Thí nghiệm Nghiên cứu Cổ địa từ đầu tiên ở Đông Nam á và là người đầu tiên phát hiện khả năng chưa Uranium của tầng than Nông Sơn.

Ông không hám vàng son lòe loẹt, không hám hào quang những mảnh vỡ thạch anh mà nhắn nhủ:

Hòn đá xám lẫn trong màu cỏ

Trong trời chiều bề bộn núi non xa

Mà em nhỉ, nếu biết yêu màu xám ấy

Bao giờ ta cũng có lời ca

Ông dặn con hãy như dây bầu cố bò lên dàn cao, nhưng cao tới đâu cũng đừng huyễn hoặc. Ông mong "Dàn bầu" của ông sẽ tỏa bóng mát cho đời mà quả thì cứ "ruột càng trắng phau".

Chưa đến trăng đâu

Vòm sao xa lắm

Chỉ vàng thêm nắng

Lộng thêm gió trời

...Thoáng đâu hiên ngoài

Xôn xao lá rợp

Đường xa ai mệt

Ghé ngồi thảnh thơi

Rồi say cánh bướm

Cái nậm xinh xinh

Cái bầu tròn óng

Xanh trong mắt nhìn

Yêu sao dây bầu

Lên tới giàn cao

Lá xòe bóng mát

Ruột càng trắng phau.

Cho nên ông rất cặm cụi bền bỉ. Bền bỉ cùng chú ngựa thồ

Theo ta đi suốt mùa đông khô trụi lá

Suốt mùa hè nắng đổ lửa xém lưng

Những đêm lều thưa mưa dột thấm chăn

Ta thương ngựa tấm phên chuồng

chẳng có

Nhưng cứ ráng hết sức

Lên đèo Chẹn cỏ gianh trùm lấp lối

Dốc Lũng-Pô chùn gối vẫn còn xa

Đường Xưa-Teo chân bấm tướp lần da

Đứt hơi thở vẫn cùng ta vượt tiếp

Bền bỉ như dòng suối miệt mài tích góp vị mặn cho biển:

Ngân nga em cứ giữ dòng

Trắng trong bởi tự thượng nguồn em sinh

Dẫu chưa ai gọi tên mình

Đá mòn, biển mặn, công em tháng ngày

Bền bỉ như chất biển mặn trong hồn.

Cơn gió nhẹ cũng lăn tăn xao xuyến

Bão thét gầm không lặng tiếng reo ca

Xa muôn dặm vẫn dạt dào xô đến

Mặn muôn đời chất biển của hồn ta

Bền bỉ để không chỉ có được sắc đỏ trong huyết quản mà lòng sẽ còn đầy ắp tiếng chim ca.

Rừng gần đầy hoa

Rừng xa đầy chim

Giọng thấp, giọng cao chen nhau

trong gió

Họa mi đất mừng những tay búa vừa

tìm thấy than

Sáo nâu mừng tìm thấy sắt

Hoàng Yến mừng tìm thấy vàng

Bạch Yến mừng tìm thấy thiếc

Vàng Anh mừng tìm thấy đồng

.... và liếu điếu, bồ nông

và chào mào, sáo đá....

*

Ai qua suốt rừng gần

Thấy hoa đỏ thấm vào hơi thở

Ai đi hết cánh rừng xa

Sẽ nghe lòng đầy ắp chim ca.

Mong sao bạn trẻ hãy tìm đọc Nguyễn Thanh Giang mà tiếp thu lấy cái ý chí ấy, cái nghị lực ấy để cùng trở thành một tài sản quý của quốc gia.

Mùa phượng vỹ Quý Tỵ

Tiến sỹ Trần Nhơn

* * * *

Thơ, hay Nhật ký tâm huyết cuộc đời anh

Phạm Ngọc Luật

Nguyên Phó Giám đốc NXB Văn hóa - Thông tin

Kể từ ngày tôi và anh Nguyễn Thanh Giang cùng có phận sự đứng trước phần mộ, trước bàn thờ người bố vợ - nhà báo, nhà thơ liệt sỹ Thôi Hữu - khấn nguyện những điều thiêng liêng và thành kính, tính đến nay cũng đã hơn 30 năm, thời gian bằng nửa đời người. Dài đấy chứ! Cùng vợ chồng anh bàn việc hiếu với các bậc sinh thành, việc hỷ của cháu con, rồi tết nhất, giỗ chạp vv..., gặp nhau nói bao thứ chuyện, riêng chuyện thơ phú chỉ nói chơi chơi, loáng thoáng bởi đó là khu vực rất riêng của mỗi một người. Phần thơ anh lộ sáng đến sớm nhất với tôi chỉ là một số bài thơ được chọn vào các tập tuyển của cái thời in thơ còn khó lắm, vinh hạnh lắm, cách nay cũng chừng 50 năm.

Thế rồi, như quả ở trên cây, tự già tự chín, gần đây anh gửi nhờ vợ chồng tôi (cũng có phần như giao nhiệm vụ kiểu người nhà) đọc giúp anh bản thảo tập thơ Những mẩu quặng dọc đường trên trăm trang, hơn trăm bài, tôi có hơi bất ngờ nhưng hiểu được lòng anh trong một kênh chữ nghĩa trữ tình khác với những gì anh vẫn viết.

Và tôi vẫn biết, thầm xen sự nể phục nơi anh có một sức nghĩ, sức viết, sức làm việc thật phi thường.

Tập thơ, có thể nói là ở đoạn cuối đời này cho thấy mạnh mẽ hơn khía cạnh một con người phong phú trong anh, trước sau vẫn đau đáu, trăn trở, nhiệt huyết một tấm lòng với nhân dân, với đất đai, Tổ quốc. Thơ như vậy là thơ yêu nước lắm. Là thể hiện tinh thần công dân cao cả.

Tôi biết thơ không là nghề là nghiệp gì cả với anh Giang. Nhưng thơ đồng hành cũng tất cả những gì anh đã sống, đã nếm trải.

Cái thủa ban đầu háo hức tươi trẻ đến với thơ, cũng như bất cứ ai, anh không thiếu, thậm chí là nhiều nhiều những bài thơ du dương mà thật thà, chân chất ngợi ca quê hương, đất nước mình. Có thể cả bài, nhiều bài cứ ngòn ngọt như vị xi-rô, mát mẻ trong lành như nước trái dừa tươi nhưng chính ở vùng miền thơ này lại không ít lần sánh lên những câu thơ như giọt mật ngọt sắc, hoặc đắng như khổ qua, cay như ớt. Nhưng không độc.

Tôi thích những bài thơ như Bập bênh, Cây bầu lên giàn, Nước biển dâng vv... anh viết tặng con cháu, những bài thơ ấy giọng điệu non tơ quá, thương cảm quá mà cũng dư đầy ngẫm nghĩ; thơ viết lại rất... nghề.

Tôi cũng muốn lưu nhớ cho mình những câu thơ sức vóc nhỏ thôi như tứ tuyệt (Yên Tử, Đèo Ngang vv...) mà dư vị cuộc đời nó cất lên không nhỏ.

Chợ bên sông đã lô nhô ngói đỏ

Cuốc thôi kêu, ai đó hết chạnh lòng

Không đá chen hoa, rừng đâu còn củi nữa

Lưng chú Tiều vẫn dáng lom khom.

Còn hơn là dư vị, cuộc đời một Hữu Loan, thi sĩ đồng hương của anh hiện lên lừng lững mà xót xa, hằn khắc sù sì trên vách đá cuộc đời, lẫm liệt trong hình hài một "cửu vạn" đậm mùi vị sim mua.

Vẫn thấy ông thồ đá qua những đồi sim

Lầm lụi xám những chiều hoang

biền biệt

Kẽo kẹt bên trời dáng ông lẫm liệt

Sắc tím đời ông bầm dập những con tim.

Anh Giang quả có dụng ý viết hàng chục bài về những nhà thơ mà cuộc đời họ hầu hết không xuôi chèo mát mái. Và thật sự họ là những người tài. Quý trọng nhân cách và ái tài, hai cái đó phải chăng cũng là vốn thực có trong con người cuộc đời anh.

Đó là những mẫu quặng đời như anh đã đặt "tên" cho họ.

Và họ đã góp phần tác thành "Những mẩu quặng dọc đường" anh có hôm nay.

Và tôi ưng ý (hay nói là "khoái" cho nó nhẹ bớt cường độ diễn đạt của mình) ở một xê – ri thơ của anh mà tên mỗi bài đặt đúng cho những vấn đề hóc búa với thơ như: Dân chủ, Tự do, Độc lập, Công bằng, Hạnh phúc, Bác ái. Ưng ý và khoái vì ở đó cảm xúc cùng trí tuệ đã có dịp thăng hoa.

Mấy câu về Hạnh phúc có thể mới là thăng hoa ở tầm thấp:

Bị thằng bán tơ vu oan

Vẫn ngậm bồ hòn làm ngọt

Nhấm nháp vị cay của ớt

Để ăn càng ngon thêm

Cởi nốt tấm áo sờn

Đắp cho người lưu lạc

Bài Tự do, thăng hoa như đã hơn một bước:

Khi lên cao

Vút tận mây mờ

Lúc xuống thấp

Vượt cả năm dòng kẻ

Người xướng âm

Vẫn chỉ

Đồ Rê Mi Fa Son

Đến bài Bác ái, thăng hoa ấy đã đưa thơ tung tẩy trong phẩm vị mới mẻ, không dễ làm, không dễ có.

Nhưng, có thế nào thì vẫn phải trở lại để nói rằng, đúng, anh Giang chưa bao giờ coi thơ là nghề và nghiệp.

Nhưng càng đúng hơn, thơ thật sự đã là nhật ký tâm huyết cuộc đời anh. Khi vừa là một cử nhân vật lý - địa chất, vào đầu những năm 60 thế kỷ trước, khoác ba lô đi mọi miềm núi rừng của Tổ quốc, anh đã viết những câu thơ có dấu ấn nghề và rất đẹp.

Trước lán trồng thêm luống cải sen

Bướm vàng lác đác đến làm quen

Giật mình, một sớm hoa vàng chóe

Tưởng mạch quặng đồng mới nổi lên.

thì gần nửa thế kỷ sau khi đã là Tiến sĩ Địa – Vật lý từ năm 1980 nội lực cho thơ, vẫn còn dư dật lắm. Tâm tư chiều là bằng chứng đích đáng, đủ nói cho điều đó:

Mây đã bạc đầu

Chiều đã rêu phong

Thầm thĩ mãi tiếng rì rầm suối nhỏ

Thao thức mãi tiếng ào ào thác đổ

Trán đá phơi trắng cả hoàng hôn

Gió quét, sương pha, mưa rỉ rả mòn

Trăng đã soãi một bình nguyên yên ả

Buồn lởm chởm lại xô lên triền đá

Ngổn ngang trời

nắng lóa

núi xanh tuôn.

Mừng sinh nhật thứ 77 của Anh

6 tháng 7 năm 2013

Tác giả tập thơ trực tiếp gửi cho BVN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét